Wednesday, December 16, 2009

MÙA VỌNG VÀ MÙA..."TẬN THẾ"




Vài suy nghĩ vụn vặt:

Mùa Vọng hay… mùa“tận thế”?

“Anh em đừng sợ.
Này tôi báo cho anh em
một tin mừng trọng đại,
cũng là tin mừng cho toàn dân:
Hôm nay một Đấng Cứu Độ
đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít,
Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa”
(Lc 2,10)

Khoảng một tháng trước khi vào bước vào Mùa Vọng, một lô bài viết được tung lên internet ‘trịnh trọng’ loan báo hết sức có ‘cơ sở’: năm 2012 sẽ…tận thế! Một cuốn phim ‘khoa học giả tưởng’, còn dám quyết đoán đó là ngày 21 tháng 12 năm 2012!
Thôi thì vô số tài liệu về thiên văn học, về các nghiên cứu văn minh cổ xưa, về cách diễn giải sấm Trạng Trình cũng như về các lời tiên tri Nostradamus, được các chiêm tinh gia -dân gian thường gọi nôm na là giới bói khoa và coi quẻ- hấp tấp ‘chớp thời cơ’ lôi ra ‘chứng minh’, đoán mò, rồi xủ quẻ: trăm phần trăm thế giới sẽ ‘tiêu tùng’, nhân loại nói riêng, mọi mầm sống nói chung đều sẽ…‘tịt ngòi’ vào năm 2012!
Không phải đây là lần đầu những tiên đoán tận thế được tung ra, gieo rắc quá nhiều hậu quả tệ hại, đôi khi rất bi đát: nhiều vụ tự sát -cá nhân có, cả gia đình có, cả tập thể có- để khỏi chứng kiến cảnh tượng tận thế khủng khiếp rồi chết thảm! Bá tánh thấp thỏm chờ trái đất nổ tung…Ấy thế mà quả địa cầu -hành tinh xanh- vẫn tiếp tục quây xung quanh mặt trời và dân số khắp thế giới vẫn đều đặn gia tăng, nhanh hơn cả tốc độ lạm phát phi mã toàn cầu!
Nhưng lần nầy hình như thiên hạ hoang mang, xao xuyến nhiều hơn: viễn ảnh đen tối của cơn suy thoái kinh tế trầm trọng khắp năm châu gần đây, viễn tượng chiến tranh hạt nhân từ lò lửa Trung Đông với sự hung hãn của Iran bất chấp sự cảnh cáo của Cộng đồng quốc tế kêu gọi ngưng ‘làm giàu’(enrichir) uranium, ngầm tiến tới việc sản xuất vũ khí hạt nhân, với sự kiên trì của Bắc Hàn luôn hăm he chế bom nguyên tử, dù dân chúng thiếu dinh dưỡng chết đói dài dài, với mối đe dọa ‘bá quyền’ từ phía biển người Trung Cộng, v.v…thêm sức thuyết phục cho loạt bài viết ‘thảm khốc’(catastrophique) -những bài viết ‘thần sầu quỉ khóc’ nói trên! Chưa kể sự vô tư của loài người thường xuyên hủy diệt môi sinh theo đà tiến hóa của văn minh kỹ thuật, ngày càng đạt hiệu quả tối đa, trong việc khai thác và tận dụng đến kiệt quệ các nguồn năng lượng thiên nhiên, cũng góp phần nuôi dưỡng nỗi kinh hoàng (panique) trong quần chúng…
-o-o-
Tâm tư giao động trước nguy cơ “Grippe A H1N1” -dịch cúm heo đang đe dọa truyền nhiễm rộng khắp (pandémie)- dù cơn cảm ho gây khó khăn hô hấp chưa dứt hẳn, tôi vẫn cố gắng lái xe đến giáo đường Thánh David (Pierrefonds) dự thánh lễ chiều thứ bảy, dự tính như thế sẽ có thì giờ nghỉ ngơi dưỡng sức để Chúa Nhật đi họp Dòng, đầu tháng 12, trước để tìm sự an bình nội tâm, sau để gặp lại ACE, tay bắt mặt mừng tìm chút hơi ấm tình người đang khi giá băng cuối thu bắt đầu loan tỏa…

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự tên đám mây mà đến…”.
Tin Mừng theo thánh Luca được vị phó tế khởi đọc không làm sao tránh khơi dậy nỗi ám ảnh…“tận thế”!
May thay, Tin Mừng quả thật đúng là TIN MỪNG khi vị phó tế đọc tiếp:
“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”!
Đúng vậy, Mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị mừng lễ Chúa sinh ra đời vào dịp Noel. Mùa Vọng là ..chờ đợi. Và sự chờ đợi nầy khiến chúng ta liên tưởng tới ngày Chúa đến khi tàn cuộc thời gian trần thế. Người nói với các môn đệ về chuyện Người đến, Người trở lại bằng những hình ảnh dữ dội như trong sách Khải Huyền (Apocalypse). Nhưng dù bên ngoài trông có vẻ dễ sợ, những hình tượng đó không nhằm làm ta khiếp vía, trái lại nhằm trấn an chúng ta. Bởi vì “Con Người đến không phải để giết mà để cứu chữa(Lc 9, 56), để “cứu chuộc kẻ hư mất” (Lc 19, 10). Như Cha Trợ Úy Dòng PSTT, sau đó. đã nhận định, nhân buổi họp Dòng đầu tháng 12/2009: những cảnh tượng mô tả như ‘tận thế’trên đây, thực ra là cách thức lay tỉnh chúng ta chú tâm hơn đến Lời Chúa cảnh báo Hãy Tỉnh ThứcNước Trời đã đến gần thôi! Bởi thế, với tôi, ngoài sự trông đợi, Mùa Vọng còn là mùa của Hy Vọng…
**
Trên đường về, tiếp tục suy gẫm về Lời Chúa và về bài giảng của linh mục chủ tế, tôi nhận ra Mùa Vọng thể hiện việc “Chúa giữ lời: Ánh Sáng của Người đã chói rạng”. Ánh sáng là một biểu tượng tôn giáo đối chọi với bóng tối. Ánh sáng luôn có mặt từ đầu trang đến cuối trang Thánh Kinh. Các Tiên Tri loan báo việc ánh sáng đến như để thể hiện những lời hứa của Thiên Chúa (Isaie 9,1; 58,10). Đôi khi, chính Thiên Chúa là ánh sáng (Michée 7, 8) đời đời rạng ngời (Isaie 60, 19).
Ánh sáng đây không phải là thứ ánh sáng thông thường, đó chính là Chúa Giêsu mà, qua Người, Thiên Chúa giữ lời hứa với chúng ta. Ánh sáng nầy soi sáng đời ta, xua tan bóng tối của oán ghét, của thù hận, của tự khép kín, v.v…Đó là ánh sáng của lòng lành, của niềm vui, của bình an ban cho mọi dân tộc. Mỗi lời ủi an, mỗi bàn tay nắm, mỗi sự sinh ra đời, mỗi hành vi công chính không là những tia nắng của nguồn ánh sáng rạng chiếu trên chúng ta và trên thế giới sao?
Cuối thánh lễ linh mục chủ tế yêu cầu mọi người hát vang lên niềm hân hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh. “Này đây là ngày Thiên Chúa làm nên:Trong ngày nầy ta hãy reo vui mừng rỡ” (TV 117).
Còn chỗ nào chăng cho những ảnh tượng ảo (images virtuelles) u ám, hù dọa…địa cầu sắp bị hủy diệt hoàn toàn? Mùa…tận thế làm gì có đất đứng trong Mùa Vọng: “Reo vui lên! Nữ tử Sion! Hãy hò la, hỡi Israel! Hãy vui mừng, hãy hoan hỉ hết lòng, nữ tử Yêrusalem! (…)Vì ngươi, Người hân hoan vui sướng. Với ngươi, Người làm mới lại Tình Yêu của Người. Vì ngươi, Người nhảy mừng trong tiếng reo vui như thuở tao phùng”(Sophonie 3, 14-18a)…Chẳng lẽ Người nhảy múa reo vui với dân Người trên những điêu tàn…tận thế?
Thánh Phao-lô đã không ngừng khuyến nhủ chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã đến gần. Anh em đừng lo lắng gì cả” (Pl 4, 4-6)… sao?
Quả thật, tín lý công giáo không cho phép chúng ta yếm thế chỉ vì mê tín, dị đoan rồi tin bừa rằng sẽ…tận thế. Nào ai dám cả quyết lúc nào Chúa sẽ đến! Chỉ duy có Chúa biết thôi! Vì thế chúng ta phải luôn thức canh!
Vẫn hay “Đường lối Chúa khôn dò khôn thấu”…
***
Lâu nay tôi cảm thấy tín lý mình bị xúc phạm nặng nề bởi một số ‘hiện tượng’ khác lạ xuất phát từ những người công giáo mà tôi nghĩ rằng chắc hẳn vạn lần thông suốt hơn tôi -một tân tòng- về giáo lý đạo thánh Chúa: Có những người công giáo thuần thành cả tin vào phép lạ chữa lành -y như trong Tân Ước- từ những người trần tục. Có những người công giáo cả quyết mình ‘nghe’ Đức Mẹ hay Chúa Giêsu truyền lệnh cho mình ‘thế thiên hành đạo’! Có một số người công giáo quả quyết ‘thấy’ những dấu chỉ (signes) Đức Mẹ hoặc Chúa Giêsu hiển hiện qua hình thể một đám mây, trên cỏ cây, hoa lá, đồ vật, v.v…Mới đây có một người công giáo chuyển cho tôi ảnh một người đàn bà ‘khoe’ gương mặt Chúa hiện lên trên mặt bàn ủi của bà!
Toà Thánh rất cẩn trọng và khe khắt kiểm chứng những hiện tượng ‘siêu nhiên’ nầy. Gần như trong một triệu cái cho là ‘dấu chỉ hiển linh’ may ra có được một hoặc hai sự kiện được Tòa Thánh thừa nhận và công bố.
Nên nhớ lại, trong Phúc Âm, Chúa đã quở mắng đám người cứng lòng rằng “Dân nầy đòi hỏi các dấu hiệu…Sẽ chẳng có dấu chỉ nào cho chúng cả”... chăng? Còn nhớ lời Chúa nói với thánh Thomas: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin(Jn 20, 29)… chăng?
Người viết sực nhớ, trước năm 1975, vô số chuyện thầy nước lạnh, thầy vuốt, thầy mằn, thầy pháp, thầy đồng-bà bóng, …lợi dụng sự mê tín của đám đông lũ lượt kéo đến cầu xin họ chữa trị bịnh tật để vừa vơ vét tiền của bá tánh vừa làm biết bao điều xằng bậy. Ngay bây giờ, tại quê nhà, ‘hiện tượng’ thầy bùa, thầy ngải, thầy pháp ‘chữa lành’ nầy còn rộ nở hơn bao giờ hết!
Một lần nữa, xin những bậc cao kiến chỉ dạy cho tôi rõ: Người công giáo chân chính có nên mê tín, dị đoan chăng?
Trong khi chờ đợi được chỉ giáo, tôi cố tự tìm hiểu về ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng, đặc biệt là làm sao giải thích việc qui định sử dụng màu tím -vốn được xem như màu tang tóc ưu sầu-cho Mùa Vọng. Và đây là câu giải đáp:

MÙA VỌNG: MÙA MÀU XANH

1. Mùa Vọng là mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người.

Lần thứ nhất, do hy vọng, Người đến gieo ơn cứu rỗi và lần thứ hai, cho hy vọng, Người đến gặt những gì mình đã gieo và giữa hai lần đến chính thức ấy là cơ man nào mà kể những lần âm thầm đột xuất ngẫu hứng bất ngờ.
Và bất ngờ lớn nhất giữa những cái bất ngờ vẫn là cái giờ và cái cách Chúa đến với mỗi cá nhân trong cảnh tranh sáng tranh tối của họ giữa chốn chợ đời. Mùa Vọng là mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người.

2. Mùa Vọng là mùa con người hy vọng vào Thiên Chúa.

Thiên Chúa hy vọng vào con người là để cho con người được hy vọng vào Thiên Chúa, và bởi Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người qua những đường đến bất ngờ, nên con người chỉ có cách là hy vọng vào Thiên Chúa qua niềm tỉnh thức không mỏi mệt của mình.
Tỉnh thức trong hy vọng là nhận thức rằng người đời có một Thiên Chúa yêu thương và đời người có một vận mệnh tương lai.
Tỉnh thức trong hy vọng cũng là canh thức để cộng tác với ơn Chúa mà thể hiện niềm hy vọng đời mình.
Và cuối cùng, tỉnh thức trong hy vọng cũng có nghĩa là thao thức thường xuyên cùng với Giáo Hội để gieo niềm hy vọng vào chính môi trường mình sống.
Sống Mùa Vọng như thế chính là sống niềm hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng hy vọng vào con người. Và như là vật êm đềm gợn sóng màu xanh lên chính cuộc đời tín hữu của mình. Mùa Vọng là mùa màu xanh.

MÙA VỌNG: MÙA MÀU TÍM

1.Sám hối mang màu hy vọng không cúi gập trên những lỗi lầm của mình mà hướng mở về tình thương Thiên Chúa.

Sẽ là thất vọng nếu chỉ nhìn tội mình mà quên nhìn tình Chúa và sẽ là vô cùng ảo vọng nếu chỉ nhìn tình Chúa mà quên nhìn tội mình; nhưng sẽ là hy vọng dâng đầy cho những ai vươn lên tình yêu Thiên Chúa khởi đi từ lòng sám hối tội lỗi của mình. Hình như trong lời kêu gọi “hãy sám hối’’ đã có tiếng giục giã “hãy hy vọng’’,và sở dĩ Gioan Tẩy Giả kêu gọi sám hối hôm nay là bởi vì đã có niềm hy vọng dọn đường chờ mong Chúa đến.

2. Sám hối mang màu hy vọng không dừng lại trong nội vi tâm thức mà biết tỏa rộng lên cả cuộc đời.

Sám hối Mùa Vọng đâu phải là thứ sám hối như thế, mà thật ra phải là thứ sám hối toàn diện đúng mức với lòng hối cải, vốn bao gồm hai động tác cơ bản đan xen: “hối’’ có nghĩa là hối lỗi và “cải’’ là chữ nói tắt của chữ cải thiện. Nếu hối lỗi là mặt tiêu cực thì cải thiện là mặt tích cực. Nếu hối lỗi là đoạn tuyệt với quá khứ tội lụy, thì cải thiện là lời quyết tâm dấn bước vào một tương lai tươi mới. Và đến khi sám hối trở thành một thói quen ăn sâu vào trong nhịp sống để nổ lực chuyển đổi không ngừng lên những tình trạng tốt hơn thì đó chính là một cuộc lột xác đổi đời.

3.Sám hối mang màu hy vọng biết vượt qua những động tác để trở thành một thái độ sống.

Thực ra sám hối mang màu hy vọng không đơn thuần là một động tác cho bằng là một thái độ. Sám hối là một thành phần của đời sống đức tin, nhưng lại gói ghém và len lỏi vào mọi ngõ ngách của toàn bộ cuộc sống đức tin ấy.
Sám hối mang màu hy vọng là sám tìm về tình thương Thiên Chúa, chấp nhận thay đổi cuộc đời và biết để cho ơn tha thứ thấm đẫm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống đức tin. Đó là sám hối Mùa Vọng chuẩn bị đón lễ Noel, nhưng đó cũng là thái độ thường xuyên của đời tín hữu. Và cũng vì có sám hối như vậy, Mùa Vọng đúng nghĩa chính là mùa màu tím từ bên trong ra bên ngoài và từ ngôn ngữ tới hành vi.

MÙA VỌNG: MÙA MÀU HỒNG

Nếu khởi đầu Mùa Vọng là một màu xanh của những tâm hồn biết rằng Thiên Chúa hằng hy vọng vào mình và hành trình Mùa Vọng là một màu tím của những cuộc đời sám hối, thì ở giữa lòng Mùa Vọng, đời người đã được đặt vào một vận hành mới với một năng lực mới cho một cuộc đời mới. Những cái mới ấy Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay diễn tả bằng một niềm vui và lễ phục minh họa bằng một tông màu bất ngờ tươi sáng để cùng với Giáo Hội… Xin được gọi tên Mùa Vọng là mùa màu hồng.
Vâng! Màu hồng. Nhưng không phải là một thứ ửng hồng e lệ của tình yêu buổi đầu gặp gỡ, cũng không phải là thứ bột hồng điểm trang của hương phấn trong ngày lễ hội, mà chính là màu hồng của niềm vui chan hòa và những chí bền chiến đấu làm nên sức sống và sức mạnh không ngừng gieo hưng phấn trên hành trình đức tin.
Sẽ là dị ứng co cụm nếu chỉ thở dài thất vọng, nhưng sẽ là bản lĩnh hy vọng nếu biết vươn lên khẳng định niềm tin.
(Vũ Duy Thống, Gm)
-o-o-o-o-
Người Do Thái tin rằng việc Chúa sống lại sẽ xảy ra vào ngày tận thế! Các Ki-tô hữu đầu tiên nghĩ rằng Chúa phục sinh khi họ còn sống. Và họ đợi chờ Chúa quang vinh trở lại một ngày gần đây thôi. Nhưng ngày ấy xem ra coi bộ hơi…lâu. Nên họ thua buồn, muốn…ngủ gục hơn là thức canh! Do đó thánh Luca nhắn nhủ họ nên chú tâm đến các dấu chỉ sẽ đến với họ. Nhưng thánh Luca nhấn mạnh chớ run sợ, chỉ cần tỉnh thức. Không nên kinh hãi, vì với việc Chúa đến, thế giới cũ đã ra đi. Tận thế đã khởi sự rồi. Một tân thế giới đang khai sinh. Cần nhận biết các dấu chỉ về sự chuyển biến nầy. Phải luôn thức canh để chuẩn bị việc Chúa trở lại. Tận thế ư? Chớ quan ngại. Trái lại là khác, vì không phải những khốn khổ, bất hạnh sẽ kéo tới, mà chính Con Người đầy quyền năng và vinh quang sẽ đến với chúng ta!
“Cho nên, phàm một ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới cả. Thế giới cũ kỷ đã qua đi và nầy đây một thực tại mới đã lộ diện.”
(2 Cor. 5, 17)

Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, mùa đông 2009
-Lê Tân Lộc
-

Sunday, November 8, 2009

MÙA XUÂN NĂM ẤY

MÙA XUÂN NĂM ẤY…

Hỡi cô gái khép đôi tà áo

Xuân nhật đăng lâu vọng cố nhân

Chàng trai phong nhã ngày xưa ấy

Đã bỏ tình riêng theo nước non

Tân dửng dưng trước không khí rộn rã vui tươi tưng bừng đón Xuân Tân Mão 1951. Trắng đêm thức đọc Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh, một tay xoa bóp các vết bầm trên thân thể sau trận đòn do người anh răn dạy mình đã tỏ tình không đúng chỗ với cô gái cưng của ông chef của anh, tay kia lần giở tập học trò với nhiều bài thơ tiền chiến chép tay, Tân thì thầm đọc:

Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng

Nhẹ bảo chàng: “Em chẳng biết gì ư?

Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù

Người nước Việt ra đi vì nước Việt

Tha La vắng vì Tha La biết

Thương giống nòi, đau đất nước lầm than…


Từ dạo bước chân vào trường trung học, càng đọc các truyện về những chàng trai theo kháng chiến chống Pháp -nhứt là các truyện của Thẩm Thệ Hà- Tân càng thán phục họ và cảm thấy lòng yêu nước bị khích động mãnh liệt, thâm tâm nhen nhúm niềm khao khát noi gương họ… “thoát ly”! Các tập truyện mõng nầy do nhà phát hành Nam Cường phổ biến rộng rãi và được giới trẻ -nhứt là giới học sinh- cũng như người đứng tuổi nồng nhiệt đón nhận. Tân vừa say mê vừa cảm động ngấu nghiến đọc Em không về nữa chị ơi, Chiếc hòm chưn nhạn, Xin đắp mặt tôi mảnh lụa hồng, v.v…Nhưng “Nửa bồ xương khô” mới thực sự là quyển sách gối đầu giường của Tân. Phải nhìn nhận thuở ấy, đối với Tân, những truyện viết nầy quá xuất sắc, càng xuất sắc hơn nữa là chúng đã khéo léo “qua mặt” được nàng kiểm duyệt “thông tin” của bộ máy cai trị thời đó, vốn chịu nhiều áp lực nặng nề và sự kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp. Điều lạ lùng nhứt là chúng đã thành công đẩy lui vào quên lãng những hoài niệm kinh hoàng của Tân tích tụ từ thời cùng gia đình tản cư, hưởng ứng lời kêu gọi “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh! Quả thật,

tuổi thơ vẫn sẵn lòng quên những phát súng những mũi dao của bọn người lớn…


Cuối cùng Tân quyết định sáng sớm tinh sương mùng bốn Tết Tân Mão âm thầm ra đi với Trang, bạn cùng trường ở Vĩnh Long, cả hai vai mang đờn mandoline, tay xách túi nhỏ đựng hai bộ quần áo với một ít tiện nghi vệ sinh hằng ngày. Để qua mắt chính quyền, người “móc nối” kín đáo “gởi” Trang và Tân trên chuyến xe di chuyển gánh hát cải lương Phát Thanh của ông Bầu Tèo sang lưu diễn tại Cái Bè, thuộc quận Cai Lậy, với thành phần diễn viên nồng cốt: đào thương thinh sắc vẹn toàn Nguyệt Yến-“Nữ Thần Trong Động Lửa”, kép mùi Paul Thuận gầy yếu xanh xao, kép độc Hoàng Dưỡng tướng tá bậm trợn, đằng đằng sát khí, v.v… Và hẹn một tuần sau đến đón hai cậu học sinh bỏ trường vô “khu” … Đảo mắt nhìn bao quát lần cuối thành phố còn say ngủ, thành phố tư bề có sông rạch bao quanh, đã yêu thương dung dưỡng biết bao mộng mơ bất thành của mình, Tân khe khẻ ngâm nga:

quê tôi ở giữa kinh thành

có những phố phường nho nhỏ

có những buổi chiều xanh xanh

bụi loãng trong lòng thương nhớ


-*-


Đến hẹn vẫn chưa thấy người móc nối xuất hiện như đã hứa. Hai thiếu niên Tân-Trang bỗng nhiên trở thành hai trẻ lạc loài như RémiMattia trong truyện Vô Gia Đình (Sans famille) của Hector Malot. Tân chợt nghĩ có lẽ rồi đây mình cũng sẽ như Rémi theo ông nhạc sĩ già Vitalis mưu sinh! Được báo cáo có hai cậu học sinh “bỏ nhà theo gánh hát”, ông bầu Tèo và tình nhân Nguyệt Yến vặn hỏi hai đứa muốn họ cho người đưa về nhà chăng. Cả hai đều nhứt quyết “theo gánh hát”, chẳng thể nào dám tiết lộ chờ người dẫn ra “khu”! Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, sự thế đã thế thì đành…gặp thời thế thế thời phải thế! Khởi đầu, bầu Tèo giao cho hai trẻ thủ vai vệ sĩ cho “dũng” tướng Paul Thuận, cứ mỗi lần ra quân phải kéo ro ro vài điếu lấy hơi và phải mặc áo độn cho ngực vung vai u để không quá lép vế trước người yêu Nguyệt Yến, đào lẵng tràn đầy nhựa sống, “trẻ mãi không già”, phu nhân bị cưỡng ép của loạn tướng Hoàng Dưỡng quá ư gồ ghề, “gian ác”. Hai trẻ rất được ông bà bầu gánh cưng chiều và anh chị trong đoàn hát thương mến. Nhờ thế Tân và Trang đỡ tủi thân. Trước mắt, có cơm ăn áo mặc tương đối tươm tất. Riêng Tân có khiếu văn nghệ nên được truyền dạy cổ nhạc. Hai cây mandoline coi như bỏ xó! Thế nhưng, không như Trang có vẻ dễ dàng thích ứng với cuộc sống mới, Tân vẫn thấp thỏm trông đợi người móc nối tới lôi mình ra khỏi “kiếp cầm ca”, để được dịp nhắn gửi người con gái đã khiến Tân bị ông anh mình dần một trận đòn nhừ tử:

Nghe chăng cô gái đô thành nội?

Áo trắng an ninh giữa lũy đồn

Xuân sang rấm rức sầu quê tổ

Ai điểm trang mà em phấn son?


Trong khi chờ đợi, đào chánh Nguyệt Yến sai người hầu cận Bảo Ngọc, một thiếu phụ nhan sắc hiền thục, phong cách thùy mị (phụ trách trang điểm các diễn viên) tới nhờ kép độc Hoàng Dưỡng và Tư Đẹt (nhỏ con, nhẹ cân, chuyên thủ vai kiếm khách “bay” lượn trên sân khấu) trông chừng và truyền nghề cho Tân: Đẹt dạy đánh kiếm, đấu “boa nha” (dao găm). Dưỡng chỉ dẫn điệu bộ trình diễn cải lương và các điệu ca Vọng Cổ, Xàng Xê, Chuồn Chuồn, Nam Ai, Mẫu Tầm Tử, Khốc Hoàng Thiên, Lý Con Sáo, Kim Tiền Bản… Riêng Trang được thầy đờn huấn luyện ghita sáu dây phím lõm; không mấy chốc ngón “nhấn” của Trang được coi như đã nhuần nhuyễn, nức-nở-mùi-mẫn-thốn-tim!


**

Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng trôi qua: chẳng thấy bóng dáng người có nhiệm vụ đưa đường dẫn lối hai cậu học-sinh-thoát-ly vào “khu chiến”. Tân và Trang -nhứt là Tân- đành miễn cưỡng tháp tùng gánh hát đi lưu diễn khắp các tỉnh miền Đông Nam Phần. Hằng đêm cùng ăn cháo khuya với Hoàng Dưỡng và Tư Đẹt, Tân được nghe nhiều chuyện bí ẩn, cực kỳ lý thú, khi bức màn nhung đã buông xuống, lúc “sân khấu (đã) về khuya”… -Lúc nãy Tân có thấy gì khác lạ khi hai tay trung thần và nịnh thần đối đáp chăng? Hoàng Dưỡng hỏi. -Họ diễn thực quá! Tát tai nẩy lửa, đối đáp chan chát… -Bởi vì trung và nịnh thần trên sân khấu có mối tư thù ngoài đời. Ông thầy tuồng biết rõ nên mới phân vai quá đúng. Cả hai là tình địch. Nịnh thần cướp tình nhân của trung thần. Cho nên khi trung thần xỉ vả nịnh thần: “Bản mặt nhà ngươi coi bảnh bao vậy chớ cái lưng nhà ngươi đầy thẹo ghẻ ngứa”, anh ta “hát cương” (mà kép nịnh thần ghẻ ngứa đầy mình thiệt!). Và nịnh thần cũng vả miệng trung thần thiệt tình (trả đũa mà!) thay vì giơ tay mặt giả bộ vả, tay trái vỗ vô đùi tạo ra tiếng “bốp”! Tân thấy chưa, sân khấu và cuộc đời nhiều khi không khác nhau lắm đâu! Thảm trạng của những ai theo đuổi nghiệp “dưới ánh đèn màu” là vậy đó: Một số đem cuộc đời lên sân khấu như Tân vừa chứng kiến. Một số, ngược lại đem sân khấu xuống cuộc đời! Câu sanh nghề tử nghiệp coi vậy mà đúng quá! Nốc cạn ly xây chừng rượu thuốc, khà một tiếng nghe thật đã, Hoàng Dưỡng tiếp: -Anh kể Tân nghe vài hiểm nguy nghề nghiệp: Có lần đi hát ở tỉnh lẻ, cô Bích Thuận diễn xuất vai Thúy Liễu (trong Lan và Điệp) quá xuất sắc, đã bị một nam khán giả văng tục mắng nhiếc thậm tệ, thiếu điều muốn trèo lên sân khấu hành hung cổ! Vị khán giả nầy phản ứng kịch liệt như vậy vì ông ta thực tình “thấy” cổ đích thị là…Thúy Liễu! Châm thêm rượu vào ly xây chừng, Hoàng Dưỡng kể tiếp: -Cách đây 2 năm, khi gánh hát mình lưu diễn tại Nam Vang, anh xém bị một ông “đàn thổ” (Cao-Miên) cáp duồn! Cũng vì anh đóng quá “đạt” vai nịnh thần Bàng Hồng! Tay nầy ngồi hàng ghế đầu, phát thinh chửi thề: “Dơ! Tao chem chêt me mây!”. Rồi xách dao xông lên sân khấu toan làm thịt anh! Rất may cảnh sát can thiệp kịp thời, còng tay chàng ta lôi đi. Thế mà ổng còn ngoái đầu lại hét lớn: “Dơ! Tao chơ mây ra đương tao chem chêt cha mây luôn!”. Suốt cả tháng anh chẳng dám ló mặt ra đường ăn cơm tiệm, đành trốn miết trong rạp hát húp cháo cầm hơi, sụt gần chục ký! Lúc giở gánh đi, anh phải núp trong rương quần áo, hia mão mới thoát chết vì ông đàn thổ ổng cầm dao chực sẵn ngoài rạp, hễ thấy anh là…“phụp” liền! Một điểm khá lạ lùng với Tân, không hiểu vì sao Bảo Ngọc có vẻ rất “thương” và tận tụy chăm sóc từng miếng ăn, thức uống, giặt ủi luôn áo quần cho Tân…Đặc biệt hơn nữa, người thiếu phụ xinh đẹp dễ mến nầy cứ nằng nặc đòi Tân phải nằm ngủ sát cạnh nàng! Lý do nàng nêu ra là có Tân kề cận nàng yên bụng đêm khuya khoắc không bị mấy tay kép “thả dê” ẩu tả! Đã có tiếng xầm xì nàng và Tân “bồ bịch”. Dĩ nhiên không có chuyện đó, dù nàng chỉ hơn Tân bốn năm tuổi thôi. Nghe đâu nàng đã một lần dang dở tình duyên. Tân không dám hỏi nhưng nghe đồn kết cuộc rất bi thảm…


***

Thế rồi việc gì phải đến cũng sẽ đến, khi gánh hát trở lại Cái Bè. Tân chẳng thể ngờ lâu nay Bảo Ngọc âm thầm “chăm sóc” Tân là vì đã được người móc nối ở Vĩnh Long giao trách nhiệm tìm hiểu hai cậu học sinh bỏ trường có thực lòng muốn theo kháng chiến chống Pháp chăng. Sau vài tháng theo dõi, quan sát, Bảo Ngọc thấy rõ chỉ còn Tân muốn vô khu… Đêm ấy, như thường lệ, sau khi vãn hát Tân sửa soạn chỗ ngủ sát cạnh Bảo Ngọc. Giữa đêm, một làn hơi ấm thoang thoảng mùi hương bưởi phả vào mặt Tân: khuôn mặt hiền hòa của Bảo Ngọc ẩn hiện huyền ảo dưới ánh đèn măng-xông (manchon) vặn nhỏ…Nàng đưa ngón tay lên miệng ra dấu giữ im lặng, vội vã kéo tay Tân về vùng bóng tối sau cánh gà “đề-co” (décor) trên sân khấu, kề tai Tân yêu cầu gấp rút gom góp hành trang rời gánh hát ngay… Tim Tân đập loạn xạ, thầm nghĩ chẳng lẽ nàng rủ chàng bỏ trốn đi xây tổ uyên ương? Vô lý, lâu nay nàng vẫn xem Tân như người em mà!

-Đi đâu vậy chị? Tân thì thào hỏi.

-Đi đến một nơi mà Ngọc sẽ giúp Tân toại nguyện… Tân đỏ mặt tía tai. Toại nguyện cái gì? Lẽ nào là…“chuyện ấy”? Sao nàng lại xưng tên mình và gọi Tân bằng tên, không như từ lâu vẫn một mực “chị nói em nghe…”?

-Chị nói gì em không hiểu…

-Tân đừng chị chị em em với Ngọc nữa! Chúng ta bình đẳng, cùng chí hướng. Ngọc nói cho Tân rõ: Ngọc là giao liên. Ngọc sẽ đưa Tân vô khu trước khi trời sáng. Từ nay trở đi, chúng ta là bạn và Ngọc sẽ luôn sát cánh giúp đỡ Tân trong mọi tình huống. Yên chí đi, lúc nào bên cạnh Tân cũng có Ngọc, như trước đây lúc nào bên cạnh Ngọc cũng có Tân…Xuồng ba lá ngụy trang đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tân không rành đường đi nước bước nơi đây, nhứt là trời còn tối om, nên Tân phải nắm chặt tay Ngọc. Từ đây tới chỗ xuồng đậu mất ít nhứt nửa tiếng đồng hồ. Trong mọi trường hợp Tân không được buông tay Ngọc…


Chàng và nàng vừa bước xuống xuồng thì có tiếng chân người thình thịch bên kia bờ sông! Ngọc vội vã đẩy Tân bật ngữa ra khoang xuồng, nằm sấp lên người Tân, đúng lúc ngọn đèn pha trên lô-cốt quét sáng trưng vào bụi ô-rô đang che khuất chiếc xuồng ba lá cùng lúc với tiếng quát tháo bằng tiếng Pháp:

-Qui va là? Halte-là! (Ai đó? Đứng lại!)


Một tay bịt miệng Tân, tay kia nắm chặt trái lựu đạn đã mở chốt, Ngọc trong tư thế sẵn sàng phản công tự vệ hoặc…tự sát! Một tràng tiểu liên “ria” bừa vào đám ô-rô. Ngọc áp sát người trên Tân, chắc chắn với ý định dùng thân đỡ đạn cho chàng! Một loạt đạn thứ hai “tưới” cầu âu vào lùm cây thăm dò phản ứng. Trong tình thế cực kỳ nguy ngập, Tân vẫn thấy người nóng rần trong đêm lạnh, bởi chưa bao giờ được dịp ngây ngất vì hương vị da thịt của phái yếu…Khoái cảm đầu đời! Đèn pha quét rọi đã tắt ngấm từ lâu nhưng Ngọc vẫn nằm yên trên Tân! Tự dưng Tân ao ước ánh đèn oan nghiệt kia lại chọc thủng màn đêm, từng tràng tiểu liên lại “rót” không ngừng vào bụi cây, cho Ngọc tiếp tục ghì siết Tân thâu đêm…Nhưng Ngọc đã nhỏm dậy, bình tĩnh đẩy xuồng ra khỏi lùm ô-rô: Nàng vẫn không quên trách nhiệm được giao phó!


****

Cuối cùng Ngọc chu toàn nhiệm vụ. đưa Tân an toàn “ra bưng”. Lúc bước lên bờ, đến bìa rừng chồi, Ngọc yêu cầu Tân cho Ngọc bịt mắt để bảo mật lộ trình dẫn tới điểm đến, theo qui định Ngọc phải tuân thủ. Sau khi hướng dẫn Tân đến “ra mắt” người điều khiển khu mang bí danh Tư Rọm, trách nhiệm chiến khu mang ám số C5, Ngọc giữ đúng lời hứa không rời Tân nửa bước, Sự quan tâm của Ngọc khiến Tân đỡ xao xuyến. Không hiểu sao giáp mặt Tư Rọm, Tân cảm thấy rợn người, tâm thần bất ổn trước cặp mắt cú vọ và cái miệng gần như không có môi của hắn, y như miệng rắn!

-Cô Ngọc giao cậu Tân cho Sáu Củi khai tâm về đường lối của Cách Mạng và huấn luyện xử dụng vũ khí, Tư Rọm ra lệnh. Cậu Tân qua bên đó ăn ở luôn với anh Sáu…

-Thưa anh Tư, Ngọc nghiêm mặt trả lời. Huấn luyện Tân thì giao cho anh Sáu. Nhưng Tân phải ở với tôi. Người móc nối Tân ở Vĩnh Long dặn dò tôi rất kỹ phải luôn luôn canh chừng Tân. Anh ấy nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Và tôi không thể trái lịnh…

-Thôi được. Tạm thời, tôi chấp nhận như vậy. Tuy cô trực tiếp chịu trách nhiệm với Bảy Vẹo ở Vĩnh Long, nhưng ở đây là vùng trách nhiệm của tôi, mọi chuyện phải theo qui định của tôi…

-Anh Tư cho Tân theo tôi “hoạt động” vài lần cho quen việc, rồi chúng ta bàn lại…


Trên đường về trạm giao liên -hầm trú ẩn được ngụy trang rất tinh vi, tránh máy bay quan sát khám phá- dành riêng cho Ngọc nghỉ ngơi, Tân thắc mắc: -Sao Ngọc cứ muốn mình ở chung với nhau vậy? Tân thấy Tư Rọm có vẻ hắc ám quá! Anh ta là người Nam mà sao giọng nói lơ lớ như…người Bắc hay người Trung vậy?

-Câu hỏi thứ nhứt của Tân, Ngọc sẽ trả lời sau, vì chuyện khá dài dòng…Tư Rọm là người Nghệ Tĩnh. Hắn bắt chước giọng Nam để giấu biệt gốc gác của mình, cho thiên hạ lầm tưởng hắn là dân địa phương, hầu dễ bề gây cảm tình với quần chúng. Tân linh cảm đúng về hắn đó. Sáu Rọm rất tàn bạo và quỷ quyệt. Ngọc nhắc Tân lần nữa, như mình đã nhất trí: Tân phải luôn bám sát Ngọc.

Ngưng một lúc, Ngọc choàng vai Tân, kề tai hạ thấp giọng:

-Thêm điều kiện nầy nữa cho thật an toàn: Từ nay trở đi, mình phải đóng kịch như đôi nhân tình. Tân không nên xem thường điều kiện mới nầy, vì nó tối quan trọng, có tính cách sinh tử chứ không phải chuyện giả bộ chơi cho vui đâu! Chuyện nầy ít nhiều liên quan tới câu hỏi thứ nhứt của Tân…

Tân định vặn hỏi nhưng Ngọc đã nhanh chóng kéo Tân xuống hầm, đóng nấp lại. Qua ánh đèn bấm, Tân nhìn thấy một thùng gỗ chứa đầy lựu đạn đặt cạnh một cây mi-trai-dết (mitraillette Mas 36) mà Tân thường thấy lính Tây được trang bị.

-Tân nhìn khẩu Mô-ze (Mauser) phòng thân của Ngọc đây. Ngọc sẽ chỉ Tân cách sử dụng. Có dịp, Ngọc sẽ kể câu chuyện về nó để trả lời câu hỏi thứ nhứt của Tân… Trước khi ngọn đèn dầu leo lét được thổi tắt, Tân thoáng thấy Ngọc lên đạn khẩu Mauser…


*****

Suốt hai tuần, Sáu Cũi vừa nhồi nhét “đạo đức cách mạng” vừa tập cho Tân đủ mọi thế ném lựu đạn (và tháo chạy!), tuyệt nhiên không chỉ dẫn gì hết về súng đạn. Ngọc luôn có mặt bên cạnh Tân, đưa chàng về trạm giao liên ngay sau mỗi buổi tập, không muốn Sáu Cũi kéo Tân ra khỏi tầm nhìn của Ngọc nói chuyện riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho Tư Rọm tới ve vản nàng. Tư Rọm bực tức, hậm hực nhìn “hai trẻ” nắm tay “tình tứ” đưa nhau về “động hoa vàng-hầm trú ẩn”! Hắn thèm khát Ngọc từ lâu. Bao nhiêu lần hắn đột nhập vào “sào huyệt” của Ngọc mưu toan hái mận bẻ đào nhưng không kết quả. Lần nào Ngọc cũng mở chốt lựu đạn cảnh cáo hắn nếu sấn tới sẽ buông tay cho cả hai cùng tan xác!

-Ông sẽ cho chúng con biết tay ông! Hắn lầu bầu, miệng méo sệch, sùi bọt mép, cặp mắt cú vọ đỏ rực, trợn trừng trông khiếp vía…


Một tuần sau Tư Rọm giao cho Tân công tác rải truyền đơn. Dĩ nhiên có Ngọc đi kèm. May thay! Nếu không Tân đã bị mật thám Tây bắt hoặc bị bắn hạ khi tháo chạy! Vào giờ chót, Ngọc thay đổi địa điểm do Tư Rọm chỉ định. Thay vì trong nhà lồng chợ, Ngọc canh chừng cho Tân thi hành công tác tại trường tiểu học quận lỵ…

-Tân chớ lo. Ngọc báo cáo địa điểm trong chợ bị địch phát giác…

-Ngọc tài thật. Sao Ngọc biết trước địa điểm nầy nguy hiểm?

-Ngọc sẽ nói rõ ngọn ngành với Tân sau. Tạm thời Ngọc bảo gì Tân cứ y thế mà làm. Nếu không mạng sống Tân sẽ như chỉ mành treo chuông! Trên đường về, Ngọc thay đổi lộ trình nhiều lần…


Đêm đó, dưới ánh trăng lưỡi liềm yếu ớt , ẩn mình trong khu rừng chồi ven sông, Ngọc tiết lộ hành tung khiếp đảm của tay huyện ủy đã khiến Tân rởn óc, lần đầu chạm mặt:

-Hắn tên Đỗ Xảo, năm nay hắn đúng 35 tuổi, giỏi lắm học tới lớp tư trường làng, sống bằng nghề chính bưng mâm rửa chén cho các tiệm ăn; nghề phụ, nhổ răng và thiến heo dạo. Năm 20 tuổi, hắn bỏ xứ trốn vào Nam vì đâm chết một đối thủ cùng trổ nghề cướp giựt, móc túi. Hắn chuyển qua nghề dẫn mối gái ăn sương cho lính Tây. Nhờ vậy hắn được một tên lính lê dương (légionnaire) giới thiệu làm bồi cho vợ chồng một quan hai Tây. Hai năm sau hắn mò vào phòng ngủ đâm chết ông trung úy, rồi hãm hiếp và siết cổ bà trung úy cho tới chết. Từ đó hắn tuyệt tích giang hồ. Nghe đâu nhờ “thành tích” đẫm máu nầy, hắn được kết nạp vào Đảng! Ngọc nghe anh chị em ở đây xầm xì là trước khi đáo nhậm C5 hắn đã trở về quê cũ ném lựu đạn rồi phóng hỏa đốt nhà ông hội đồng Thành, giết sạch gia đình ông nầy cùng vợ và hai con hắn được ông hội đồng cho tá túc làm việc nhà, sau khi hắn can tội giết người bỏ trốn. Nhằm tạo thành tích dâng cho Đảng, hắn không từ nan bất cứ chuyện gì có lợi cho hắn thăng tiến, kể cả việc giết luôn vợ con mình! Hiện nay “quan” huyện ủy nhà ta cuỗm vợ của một du kích xã đã bị Tây phục kích bắn chết. Thiên hạ đồn rằng hắn đã mật báo cho Tây lộ trình của anh du kích! Bây giờ hắn lại muốn “chiếu cố” Ngọc…

-Do đó Ngọc cần Tân sống chung với Ngọc để…

-Đúng vậy. Nhưng còn một lý do thầm kín khác mà từ từ Tân sẽ hiểu…Trong khi chờ đợi, Ngọc có bổn phận bảo vệ Tân và…ngược lại!

-Ngược lại?

Ngọc không trả lời câu hỏi của Tân, trái lại vội vàng ghì siết Tân vì…Sáu Cũi đi tuần tra các tổ báo động ven sông vừa rọi đèn pile vào “chàng và nàng” đang (giả bộ) mùi mẫn!


******

Một tháng sau khi tới C5, Tân bắt đầu nhuốm bệnh sốt rét rừng. Ngày cũng như đêm, Ngọc túc trực bên Tân cạo gió, giác hơi , nấu nồi xông, đút cháo cho Tân cầm cự chịu trận cho cơn bịnh hành hạ. Mỗi lần “làm cử”, đắp bao nhiêu chăn mền đều không ngăn được Tân rét run tận xương tủy, đến độ Ngọc phải ôm cứng Tân “đè” chàng xuống sạp tre, nếu không chắc Tân đã té lăn xuống đất! Ngọc van nài Tư Rọm xin vài viên kí-nin (quinine), nhưng hắn dứt khoát từ chối, viện lẽ thuốc để dành chữa cho các “đồng chí” chiến binh mau bình phục, sớm trở ra trận tuyến. Tân không thuộc loại được ưu tiên săn sóc nầy. Không còn cách nào khác, Ngọc đành liều lĩnh lẻn ra “thành” cầm đôi bông tai mua kí-nin giá chợ đen về cứu Tân qua cơn nguy kịch. Cơn làm cử vừa lơi đôi chút, Tư Rọm giao công tác liền tức khắc cho Tân. Ngọc phản đối. Hắn lạnh lùng “phán”:

-Cách Mạng không thừa cơm nuôi bọn ăn không ngồi rồi!


Lần nầy hắn cho Sáu Cũi “tăng cường” tổ công tác: Tân phải liệng lựu đạn vào một quán ăn trong chợ, nơi lính tráng từ trại binh của Tây thường ra ăn uống. Sáu Cũi lên đường trước, hẹn giao hai trái lựu đạn cho Tân trước cửa chợ. Nửa giờ sau Ngọc và Tân rời hầm trú ẩn, tiến về mục tiêu được chỉ định…Đột nhiên, Ngọc thay đổi lộ trình, kéo tay Tân vô khu rừng chồi, nhờ Tân phụ đẩy xuống nước chiếc xuồng ba lá đã đưa Tân tới C5, đem giấu sau đám lau sậy ven sông.

-Tân giữ trái lựu đạn nầy phòng thân, tuyệt đối im lặng chờ Ngọc trở lại. Ngọc đã lo liệu mọi thứ đâu vào đó rồi. Tân đừng sợ. Ngọc đi đây!


Áng chừng 30 phút sau, một tràng tiểu liên phá tan sự im lặng ban mai. Tân bồn chồn lo lắng cho Ngọc, muốn rời xuồng chạy về hướng có tiếng súng nghe ngóng tin tức, tuy nhiên vẫn cố dằn lòng nằm im, nhớ lời Ngọc dặn dò…Nhưng rồi nhiều loại súng thi nhau nổ ròn tan khiến Tân không còn chịu nổi sự căng thẳng cân não. Tân dợm nhảy lên bờ tiếp cứu đồng đội thì… từ xa Ngọc hỗn hễn phóng tới hối hả bơi xuồng lướt nhanh đi, luồng lách trong hệ thống kinh rạch chằng chịt tìm cách thoát khỏi khu C5.



Đêm đến, Tân “làm cử” dữ dội hơn mọi bận: sau cơn rét run bầng bật suýt làm xuồng lật chìm, Tân nóng sốt mê sảng, ói mữa thâu đêm. Ngọc mệt nhoài choàng ôm cứng Tân ngủ thiếp cho tới lúc mặt trời đứng bóng, Tân vẫn chưa ra khỏi giấc ngủ như hôn mê…

-Tân! Tân! Ngọc lay gọi. Ráng tỉnh dậy đi! Có chuyện nầy rất quan trọng, Ngọc cần bàn với Tân. Mình đã ra khỏi vùng kiểm soát của C5 và cũng đã vượt khỏi khu Tây có thể truy lùng. Sáu Cũi đã bị bắt.. Ngọc cố ý cho “bể” vụ Tư Rọm sai hắn gài bẫy cho Tân sụp hầm Tây. Tràng tiểu liên do Ngọc bắn đã cứu Tân thoát chết. Bây giờ Ngọc dự tính đưa Tân về với gia đình, trở lại trường học. Ở lại C5, Tân không chết về tay Tư Rọm cũng sẽ chết vì sốt rét rừng.

-Làm sao Tân về nhà mà không bị công an bắt về tội trốn ra bưng?...

-Tân yên tâm. Anh Bảy Vẹo đã chuẩn bị rất tỉ mỉ cho chuyến trở về của Tân hoàn toàn êm xuôi với chính quyền Vĩnh Long. Trước mắt, về tới nhà, Tân phải ẩn mặt một thời gian. Anh Bảy sẽ kín đáo cho người đến lo liệu mọi thứ với gia đình Tân…

-Nhưng Ngọc sẽ ra sao nếu Ngọc trở về C5? Chẳng thể nào Tư Rọm tha cho Ngọc và Tân đã bất tuân lệnh của hắn, khiến Sáu Cũi bị bắt…

-Tân không phải lo. Anh Bảy “uy thế” hơn Tư Rọm nhiều, nên hắn không dám đụng tới Tân. Ngọc sẽ báo cáo Tây nó lầm tưởng Sáu Cũi là…Tân! Mà đúng vậy. Vì sau đó Tây mang Sáu Cũi ra giữa chợ bắn bỏ! Điều nầy cho thấy rõ ràng Tư Rọm đã mật báo cho Tây vây bắt Tân và bắn chết ngay, bởi vì hắn đinh ninh Tân là tình địch …

-Càng thêm một lý do nữa để Ngọc đừng quay lại C5! Sao Ngọc không thừa cơ hội nầy ra đầu thú hay trở về hoạt động với anh Bảy? -Có nhiều tình tiết mà lúc nầy Ngọc chưa tiện tiết lộ cho Tân rõ. Nhưng nhứt định Ngọc phải tiếp tục công tác bên cạnh Tư Rọm để chờ cơ hội…

-Cơ hội?...

-Từ từ Tân sẽ rõ. Ngọc thấy Tân còn quá yếu, cần nằm nghỉ lấy sức. Ngọc cũng vừa bán chiếc nhẫn mua thêm vài viên quinine giúp Tân cầm cự vài hôm nữa để Ngọc có thể đưa Tân tới Bắc Mỹ Thuận cùng Tân đón xe đò về Vĩnh Long…

-Tân không đành lòng để Ngọc hứng chịu mọi hiểm nguy thường xuyên với con quỷ dâm ô có cái miệng như miệng rắn, chỉ vì muốn giải cứu Tân…

-Thì Ngọc cũng đã lợi dụng Tân như tấm bình phong để bảo vệ mình trước mưu đồ hắc ám của tên quỷ sứ đó! Vả lại Ngọc có mối thù bất cộng đái thiên với tên lưu manh đội lốt cách mạng nầy. Tân còn nhớ Ngọc nói có dịp Ngọc sẽ kể câu chuyện về khẩu Mauser tùy thân nầy chăng?

Ngọc không nghe Tân trả lời vì Tân lại vừa lên cơn sốt rét kịch liệt…


*******

Tân hồi tỉnh trên căn gác mà các cửa sổ đều được đóng kín, tưởng chừng như vừa giật mình thức giấc sau cơn mộng dữ dai dẳng: Tân bỏ học? Tân theo gánh hát? Tân vô khu? Tân rải truyền đơn? Tân trên đường mang lựu đạn đi ném vào khu chợ búa đông dân cư? Tân bị sốt rét rừng suýt chết? Tân bỏ khu trốn về thành? Ngọc! Ngọc ơi! Ngọc đâu rồi? Mọi chuyện đã thực sự xảy ra như thế hay tất cả chỉ là một giấc mơ dài? Rõ ràng đây là căn gác trên lầu nhà Tân, nơi vừa là phòng ngủ vừa là phòng học của Tân và đứa em trai mà! Lẽ nào do ôn bài thấm mệt Tân ngủ quên trên giường đến độ nằm chiêm bao kinh khủng quá sức tưởng tượng? Thân thể nóng bốc khói, miệng khô đắng, Tân dụi mắt cố gượng dậy. Vừa đứng lên, chàng lảo đảo té sấp xuống sàn gỗ, sặc máu mũi, môi miệng ứ máu sưng húp! Dưới nhà có tiếng chân người vội vã chạy lên cầu thang…

-Tân! Tân con! Ba đây, đừng sợ! Đã 3 ngày rồi con mê sảng… Có người giúp ba lén đưa y tá tới chích kí-nin-mắc (quinimax) nên con mới bớt làm cử. Nhưng con còn yếu lắm, lưỡi con đóng bợn cứng ngắt, nói chuyện khó khăn. Chưn con chưa đứng vững được nói chi tới bước đi. Chờ má con đi chùa Bà Đội thu xếp xong về, ba sẽ đưa con vô đó tạm lánh mặt để chữa trị, tránh chòm xóm dòm ngó. Cô Ngọc nói với ba anh Bảy đã “lo” xong với chánh quyền chuyện con trở về. Họ coi như con lỡ dại ham vui “theo gánh hát” thôi. Anh con cho biết đã được trường con đồng ý cho con trở lại đi học. Con ráng tịnh dưỡng…

-Vậy là con không nằm mơ, phải không ba? Ngọc đâu rồi ba?

-Cô ở lại một ngày, một đêm bên con. Sáng sớm hôm sau cô kiếu từ và nhờ ba má nói với con là cô rất quí mến con. Cô yêu cầu ba giữ cuốn sổ nhỏ nầy nhưng dặn ba chỉ đưa cho con khi tình trạng sức khỏe con khả quan…


Tân cảm thấy cổ họng nghèn nghẹn, mắt cay xè…Ngọc ơi! Bây giờ (Ngọc) ở đâu? Góc biển hay rừng sâu? Chúng ta vĩnh viễn chia tay nhau rồi chăng? Có lẽ Tân sẽ không còn ứa lệ như trước nữa, khi cám cảnh Em không về nữa chị ơi…Mà rồi đây Tân sẽ phải âm thầm thổn thức…Chị không về nữa em ơi! Đã một thời chúng ta tựa vào nhau chống chọi với thói đời ở một nơi mà chúng ta ngỡ là ưu việt, là cao cả, là… cách mạng! Ngọc ơi…

hai cánh bèo trôi bớt lẻ

ta ép chung từng tiếng lệ

sông dài cũng đỡ tràng giang

hia nhau nửa giấc kê vàng


Liên tiếp ba ngày sau khi Ngọc ra đi, một cơn bão rớt trút mưa xối xả xuống thành phố Vĩnh Long. Hệ thống cống rảnh không còn khả năng thoát nước, đường phố chìm dưới nửa thước nước. Riêng con đường mòn từ lộ cái dẫn tới chùa Bà Đội, nước ngập tới lưng quần! Xe cộ vô phương lưu thông, ba Tân đã phải kề lưng cõng Tân lội nước trên 3 cây số, từ nhà đến chùa dưới cơn mưa tầm tã…Tân khóc nức nở thương xót cha già khổ lụy vì con! Nhờ cơn bão rớt, đường phố vắng hoe, cha con Tân an toàn di chuyển trên lộ trình gian khổ đưa Tân đi mai danh ẩn tích trị bịnh… Một tuần cật lực điều trị, lớp uống quinine, lớp tiêm quinimax, Tân hồi lực thấy rõ. Sớm chiều nghe kinh, tâm hồn nhẹ lâng theo tiếng đại hồng chung thanh thoát, tiếng chuông mõ hoà quyện với tiếng ê a tụng niệm, Tân dần dà tìm lại được an bình nội tâm.


********

Bước ra sau chùa, tìm bóng mát dưới tàng cây đa, Tân lần mở quyển sổ tay của Ngọc ..mở đầu với 4 câu thơ khiến Tân đau nhói trong tim:

Mây sớm nay về u ám quá

Đường sầu ướt át phố mờ sương

Ta xé lòng nhau làm mấy mảnh

Anh một phương và tôi một phương


“Tân thương mến,

Không nỡ rời Tân đang đau yếu, nhưng Ngọc không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi, dù thâm tâm vẫn muốn luôn kề cận Tân để bảo vệ. Không như lúc chúng ta sớm tối có nhau ở C5, nấn ná, bịn rịn với Tân lúc nầy Ngọc sẽ gây nguy hiểm chẳng những cho Tân mà còn cho cả gia đình Tân. Ngoài ra, Ngọc còn món nợ to lớn phải thanh toán với Tư Rọm. Anh Bảy yêu cầu Ngọc giao cho anh ấy giải quyết, nhưng Ngọc không đồng ý. Ngọc phải đích thân ‘tính sổ’ với hắn… Chỉ một thời gian quá ngắn sinh hoạt với gia đình Tân, Ngọc nhận ra ba má Tân thương con hết lòng, hết sức, nhứt là ba Tân. Suốt thời gian Tân vắng nhà, ông bỏ bê công việc, suốt ngày thất thần buồn bã, lắc đầu thở dài, không màn tới chuyện uống rượu vốn đã thành thói quen của ông sau giờ trại mộc đóng cửa. Má Tân kể ba Tân vốn vô thần, chẳng những không tin tưởng gì hết mà còn châm biếm bà mê tín dị đoan, thờ ‘Chà Và’ (Phật), ‘Chệt’ (Quan Công, Cửu Thiên Huyền Nữ) v.v…Thế mà khi Tân bỏ nhà ra đi, bà thuyết phục được ông vô chùa lạy Phật và thắp nhang chắp tay xá trang thờ Bà Cửu Thiên cầu xin phù hộ cho Tân an lành trở về! Ngọc đoán Tân rất nôn nóng muốn biết rõ việc gì đã xảy ra giữa Ngọc và tên huyện ủy ác ôn của C5. Hôm nay Ngọc sẽ kể đầy đủ tình tiết… Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu (ba mẹ Ngọc đều dạy học), mẹ qua đời khi Ngọc vừa bước vào tuổi 16. Ba ở vậy nuôi con mà Ngọc là đứa con đầu đàn. Ông đốc học của ba muốn Ngọc về làm dâu ông. Mà Ngọc đã trót yêu Bảo, đang học Luật. Cũng như Tân, chịu ảnh hưởng những chuyện viết về kháng chiến chống Pháp, Bảo ‘thoát ly’...Rồi thuyết phục Ngọc bỏ nhà, tránh bị cưỡng ép kết hôn. Khởi đầu hai đứa hoạt động với anh Bảy. Sau đó được điều tới tăng cường cho C5. Ngay buổi tiếp xúc đầu, Bảo đã nghi ngờ tư cách ‘khó khá’ của Tư Rọm. Hình dong, dáng dấp của hắn gần như thường xuyên toát ra tính chất mờ ám…Riêng Ngọc thì bắt gặp ánh mắt thèm thuồng như muốn lột trần Ngọc ra và cái nhìn quá ác cảm chỉa về phía Bảo của hắn! Vài lần hắn giao công tác cho hai đứa, Bảo không còn nghi ngờ gì về tính gian manh của tên dâm tặc tàn nhẫn nầy. Bảo nhứt quyết phải vạch trần bộ mặt thật của hắn để vĩnh viễn khai trừ hắn ra khỏi hàng ngũ kháng chiến quân. Cơ hội diệt trừ hắn đến, khi hắn sai Bảo đi ám sát con yêu râu xanh người Cọt (Corse) - Xếp sòng công an liên bang (sûreté fédérale) Pháp, trách nhiệm truy lùng khu C5- chuyên hãm hiếp phụ nữ địa phương chẳng may bị hắn nghi ngờ hoạt động chống Tây bắt giam. Tư Rọm không đồng ý Ngọc theo trợ lực, nhưng Ngọc vẫn bí mật tới yểm trợ Bảo… Hai đứa tin chắc tài liệu về hành tung bí hiểm của hắn nằm trong tay của tên Corse dâm đãng. Phen nầy hắn vô phương chạy tội. Nhưng…ai ngờ hắn cao tay ấn hơn, mật báo cho tên trùm lính kín. Nhằm tuyệt đối bảo mật -đề phòng nội tuyến- tên nầy đơn độc phục kích sát hại Bảo với khẩu Mauser mà Ngọc đã cho Tân xem qua…Hắn không ngờ Ngọc có mặt, có lẽ Tư Rọm đã cam kết với hắn rằng Bảo sẽ đi một mình. Ngọc bắn hạ, tướt đoạt khẩu Mauser trên tay hắn, lục túi áo hắn lấy mảnh giấy -chứng cớ ràng ràng về sự hãm hại độc địa anh em kháng chiến của tên huyện ủy gian xảo- đau lòng bỏ xác Bảo cạnh xác tên quỷ sứ, gấp rút vượt thoát đám lính Tây đang ùa tới truy nã… Ngọc ẩn mình trong rừng suốt đêm, khóc thương Bảo hết nước mắt, tim quặn thắt đau đến mức sắp quị ngả nhưng cố lấy lại bình tĩnh, thản nhiên đến báo cáo Bảo đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ ám sát tên Corse-trùm-lính-kín. Cho nên Tân yên tâm: Tư Rọm không biết Ngọc đã rõ hết hành vi tàn độc của hắn mượn tay kẻ thù giết chết Bảo. Trái lại hắn yên chí sớm muộn gì Ngọc cũng sẽ rơi vào vòng tay thô bạo của hắn vì không còn ‘chướng ngại’ Bảo ngăn trở. Cho tới khi Ngọc nhờ Tân đóng kịch nhân tình…Một công hai việc: Chúng ta bảo vệ lẫn nhau và qua cách hắn âm mưu hãm hại Tân, Ngọc thu thập thêm bằng chứng về dã tâm sát hại đồng đội để rảnh tay cưỡng chiếm vợ con họ…” Tân ngước nhìn lên không trung, thầm cầu xin Trời Cao phù hộ cho Ngọc, giờ đây đang liều lĩnh trở về hang hùm C5, rình chờ cơ hội hạ thủ độc-xà-huyện-ủy Đỗ Xảo! “Sau cái chết tức tối của Bảo, Ngọc xin anh Bảy đổi bí danh thành ‘Bảo-Ngọc’, để vừa tưởng nhớ Bảo vừa nhắc nhở Tư Rọm ‘giao liên’ Ngọc hiện thuộc diện goá phụ tử sĩ hy sinh vì cách mạng, bất khả xâm phạm…tiết hạnh! Vậy mà hắn cứ lăm le giở trò bỉ ổi… Tân yên tâm dưỡng bịnh để trở lại học đường. Ngọc chắc chắn Tân sẽ thành công mỹ mãn trên đường học vấn và tin tưởng mãnh liệt sau nầy Tân sẽ nhiệt thành đóng góp sức mình cho đất nước hữu hiệu hơn. Phần Ngọc, Tân chớ lo: Ngọc đủ sức đối phó với Tư Rọm. Ngọc được biết ít nhứt có 3 người đang ra sức truy tầm hắn, đòi hắn trả nợ máu: Cô em vợ hắn, cậu em trai ông trung úy Pháp bị hắn đâm chết và ông anh bà trung úy bị hắn hiếp dâm rồi siết cổ chết. Chưa kể thân bằng quyến thuộc của ông hội đồng mà hắn đã tàn sát hết cả nhà… Ngọc hy vọng thành công xử tội hắn với khẩu Mauser đã hạ sát Ngọc, cho thân nhân các nạn nhân của hắn khỏi nhọc công ra tay… Tân sẽ được thông báo đầy đủ chi tiết về số phận của Tư Rọm một ngày gần đây. Hắn và đám em út tay sai của hắn không dám chạm tới Tân vì anh Bảy đã bố trí nghiêm nhặt chờ ‘đón tiếp’ rất kỹ bọn hắn. Tân đừng liên lạc với anh Bảy để tìm cách gặp Ngọc. Cứ coi như Ngọc đã biến mất trong trí nhớ của Tân. Hãy trở lại nếp sống thư sinh, chuẩn bị hành trang vào đời hữu ích hơn, phong phú hơn, nhân ái hơn…

Giao Thừa Tân Mẹo-Nhâm Thìn 1952

Vĩnh biệt Tân,

Bảo-Ngọc ”


Tân thẫn thờ dạo quanh sân chùa, thì thầm:

Cứ cúi đầu cứ thế rồi ra đi

Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết

Và dấu giầy mai sẽ lá sương che


Bất giác Tân ngậm ngùi nhớ đến Tha La xóm đạo:

Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!

Bao người đi thề không trở lại nhà

Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!...


*********

Lại thêm một mùa xuân lữ thứ! Tân thầm nghĩ. Mùa xuân tha hương thứ 30. Tân chợt nhận ra hầu hết các chuyển biến quan trọng đều đến với Tân vào mùa xuân. Nhìn lại những mùa xuân đã đi qua đời mình chỉ còn mùa xuân năm ấy -mùa xuân ra đi với duyên số gặp gỡ “người tình bất đắc dĩ”, mùa xuân quay về với duyên phận vĩnh viễn lìa xa “người ân xưa”- vẫn chưa phai mờ trong tâm trí Tân ở ngưỡng cửa mùa xuân mới, mùa xuân thứ 57 từ độ Ngọc tuyệt tích giang hồ… Chỉ một lần duy nhứt Tân nhận một lá thư Ngọc cho người mang tới trao tận tay, sau khi Ngọc rời Tân được một năm:


“Tân thương mến,


Như đã hứa, Ngọc xin vắn tắt báo tin cho Tân rõ: Ngọc đã thành công tự tay nã đạn vào ngay tam tinh của Tư Rọm với khẩu Mauser đã sát hại Bảo. Hắn đã trúng mỹ nhân kế, theo Ngọc vào khu rừng chồi, tưởng rằng sẽ được ân ái với Ngọc. Năm anh em bên anh Bảy gởi qua phục kích chận bắt trói gô rồi buộc hắn quì nghe đọc cáo trạng về tội ác tày trời của hắn. Sau khi trưng các bằng cớ về sự phản trắc của hắn, bán rẻ sinh mạng anh em cho thực dân Pháp để cưỡng hiếp người phối ngẫu của họ, Ngọc thi hành bản án tử hình dành cho tên cuồng dâm, phản dân hại nước Đỗ Xảo, bí danh Tư Rọm! Tuy nhiên, để tránh hoang mang trong hàng ngũ kháng chiến, tên tử tội cực kỳ lưu manh nầy được ‘tuyên dương’ tử trận vì…phục vụ cách mạng! Và được chôn cất tử tế. Ngọc phản đối, nhưng không kết quả… Ngọc đã làm xong hoàn mỹ hai việc mà Ngọc hết sức tha thiết:

-Đưa Tân trở lại học đường cho khỏi uổng phí một bàn tay, một con tim, một khối óc hữu dụng cho đất nước sau nầy hơn là để nguồn năng lực tiềm ẩn nầy bị nhóm người thiếu tư cách như Tư Rọm hoang phí.

-Rửa hận cho Bảo đã chết tức tửi vì một tên vô loại dùng xương máu anh em lập thành tích, mưu đồ tạo cho mình một ‘sự nghiệp cách mạng’! Thôi thì từ nay trở đi, xin Tân hãy coi như Ngọc đã vĩnh viễn tan loãng trong sương khói rừng rậm…”


Cũng chỉ một lần duy nhất Tân dò la tông tích Ngọc, 10 năm sau khi đọc lá thư trên, trong một lần hành quân qua thôn xưa: khu rừng chồi ven sông hầu như vẫn không thay đổi. Tân tưởng chừng như Ngọc vẫn còn quanh quẩn đâu dây, kéo Tân xuống xuồng dùng thân mình đỡ đạn cho Tân. Hỡi ôi!...

về đây ta lại về đây

về đây mây trắng trôi hoài ngàn năm

về đây hoàng hạc mất tăm

về đây lặng đứng âm thầm chốn xưa


-o-o-o-

Cao tay nâng ly rượu đỏ chào mừng mùa xuân năm ấy, Tân nhắn gửi người năm xưa chẳng bao giờ còn trông thấy nhau lần nữa:

Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó

Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau

Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi hoa ngâu

Rồi Tết đến, rồi lòng anh nhớ quá


Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, Xuân Canh Dần 2010

Lê Tấn Lộc

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
-Ghi chú: *Thơ trong bài nầy mượn của các nhà thơ Vũ Anh Khanh, Vĩnh Lộc, Kiệt Tấn, Nguyễn Đình Toàn… **Người viết sửa đổi tên một số nhân vật, nhằm tránh gây phiền toái cho họ -nếu còn sống- và gia đình họ -nếu còn ở Việt Nam. -LTL-























































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































Sunday, September 27, 2009

TU ĐÂU CHO BẰNG TU..."CHÙA"


Phiếm“loạn”(IV)
TU ĐÂU CHO BẰNG TU…"CHÙA" !
Phật tức tâm, Phật chứng tại lòng,
Tâm tức Phật, lòng thành có Phật

Sau vụ ‘đấng’ cao tăng ‘Thích… Diệu Nữ gây sóng gió rầm rộ tại Xứ Chuột Lớn, (rồi cũng đâu vào đó, vũ-như-cẫn-vẫn-như-cũ,‘đấng’ nầy tiếp tục ngất ngưởng trên ngai vàng… “chùa”, không rụng tới một sợi lông…chưn, trái lại càng lúc càng tăng cao ‘thu nhập’), khá lâu rồi tôi không có dịp phiếm ‘loạn’ thêm về các ‘đấng’ được bà con mộ đạo, không câu nệ tuổi tác -đôi khi quá chênh lệch giữa bên được ‘tôn vinh’ và bên ‘suy tôn’- một lòng sùng kính như bậc ‘mẫu nghi thiên hạ’, luôn xá lạy xưng ‘con … bạch thầy’ khi thưa chuyện với các ‘đấng’! Lắm lúc quá trớ trêu, quá tréo cẳng ngỗng, vì ‘đấng’ chỉ vừa mới ra khỏi tuổi… vị thành niên! Như câu chuyện có thật 100% diễn ra tại quận Chợ Lách, trước đây thuộc tỉnh Vĩnh long, theo lời kể của một người bạn:

Sau 1975, trong một chuyến về thăm ‘quê hương là chùm khế ngộp’, bạn tôi ‘được’ gia đình yêu cầu đứng ra làm ‘Trần văn CHI’ đài thọ kinh phí để thỉnh một ông sư về tụng kinh cầu siêu cho thân bằng quyến thuộc…Sư đến bằng xe Toyota bóng lộn, tối tân, dĩ nhiên có gắn máy lạnh, do gia (thí) chủ thuê bao. Quí vị có thể tưởng tượng, trời nắng chang chang, bên nầy cầu cả gia tộc, từ các vị bô lão ‘gần đất xa trời’ tới đám trẻ con đầu còn để chõm xếp hàng quì gối, chắp tay cung kính vái lạy nhà sư vừa tròn 21 tuổi, dù lộng che đầu, bên kia cầu ‘thư giản’ đếm từng bước tiến về phía bên nầy cầu, thong dong đi giữa hai hàng ‘thí chủ’ đang rạp mình cúi lạy… chăng?
Tôi chạnh nhớ tới hình ảnh vị hòa thượng “đem thân nương chốn thiền môn trót ba mươi năm có lẽ” -trong vở Hoa Rơi Cửa Phật của cố soạn giả Năm Châu- vội vã đỡ Điệp đứng lên khi Điệp xin quì lạy tạ ơn nhà sư đã “xúc động mối từ tâm” đề nghị Điệp mặc áo cà sa giả dạng hòa thượng đến gặp Lan (cải trang thành chú tiểu Huệ Minh) trong giờ Lan hấp hối:
-Ngài chớ quá nhọc công mà làm cho bần tăng thêm tổn đức. Ngài hãy dành lạy nầy để ngài vào lạy Phật…
Vị chân tu động lòng trắc ẩn nầy chẳng bao giờ dám phạm thượng tự coi mình là Đấng Chí Tôn. Ngược hẳn với thái độ cao ngạo -mập mờ đánh lận con đen- của một số ‘cao tăng’ tăng cao bản ngã đến độ tự phong mình là Phật trước cái nhìn đánh bóng, chạm trổ quá cường điệu của một số sai nha-đệ tử ruột xả thân ‘cúc cung tận tụy’ họ, muốn đồng hóa họ với Đức Phật, muốn bá tánh tôn sùng họ như thánh thần bất khả xâm phạm! Cho nên…mới ra cớ sự ‘chuyện lạ bốn phương’, hầu như chưa bao giờ xảy ra trong giới tu hành người Việt, trong cũng như ngoài nước: Hai ‘đấng’ đạo sĩ ‘Thích’ Mị Tà ‘Thích’ Nhất Hoa lôi một nhà báo và một nhà văn…ra tòa đòi bồi thường thiệt hại -không phải bồi thường Danh Dự lẩm ca lẩm cẩm đâu, nhằm nhò gì mấy cái lẻ tẻ vô bổ đó!- mà là chính thức chường mặt ra mướn một ‘quan trạng sư’ -tiếng tăm “nổ” đã lẫy lừng trong giới thầy cãi- đòi bồi thường cụ thể “MỘT SỐ… TIỀN ($$$) TƯƠNG XỨNG”!!!

Hỡi ôi! Chẳng thể nào tôi hình dung nổi cảnh hai vị ‘cao tăng’ trên đây ‘mặc sắc phục tăng ni’ lẫm liệt bước tới pháp đình -hầu như hai vị quên cổ nhân thường khuyến nhủ ‘vô phúc đáo tụng đình’- kề tai chỉ thị luật sư của mình mặc cả với ba tòa quan lớn về số tiền bồi thường, càng lúc càng tăng cao, cho hai tay ‘Anh Dũng mần nhựt trình và Phùng Nhân viết sách’-vốn đã chật vật trong cuộc sống thường nhựt- tiêu tan sự nghiệp luôn!
Nhị vị đạo sĩ nhứt định ‘lấy thịt đè người’ với hai phật tử cô thế, chỉ có tấm lòng ưu tư thành khẩn muốn củng cố niềm tin của họ và của đại đa số phật tử làm lợi khí truyền thông trung thực -vì không thể thụ động điềm nhiên tọa thị trước cảnh vàng thau lẫn lộn trong hàng ngũ tăng lữ- ngõ hầu độc giả không chê họ hèn nhát bẻ cong ngòi bút để được an toàn vinh thân phì gia.
Lẽ nào nhị vị không nhận ra mình đã đi quá đà trong việc ‘tăng cao’ THAM-SÂN-SI trong vị thế ‘mặc áo nhà tu’ thoát tục, quyết tâm ‘ăn thua đủ’ với hai phật tử trần tục? Nếu không quá lố bịch thì cũng xốn mắt, khó coi, đúng không? Chắc gì nhị vị thắng kiện? Nếu nhị vị thắng, họ sẽ sạt nghiệp. Nhưng trên bình diện tâm linh, coi như họ đã được giải nghiệp. Trái lại nhị vị sẽ “mang lấy nghiệp vào thân”, bởi đã xem thường BI-TRÍ-DŨNG của con Nhà Phật!
Trường hợp nhị vị thua kiện thì… còn chi nữa danh giá của người tự cho là tu hành! Bởi vì, nếu thế nhị vị phạm tội cáo gian, vướng mắc tội vọng ngữ! Thắng hay thua gì nhị vị cũng chẳng bảo toàn được phẩm cách và sự thanh khiết của người mặc áo nâu sòng mà tôn chỉ thiêng liêng là cứu nhân độ thế…
Quả tình, trước đây khi các đồ đệ suy tôn quí ‘đấng’ như thần thánh, họ đã thiêng liêng hóa con người trần tục của nhị vị. Giờ đây, ra tòa tranh cãi với người phàm trần, nhị vị đã đằng đằng sát khí trần tục hóa con người thiêng liêng mà các Phật tử đã đặt hết niềm tin và hoài bão vào sự thanh thoát của con người xuất gia đầu Phật, luôn lấy THIỆN TÂM làm trọng điểm cho việc dưỡng tánh tu tâm, từ bi hỉ xả, trong tinh thần “Đại Hùng-Đại Lực”, dĩ nhiên, nhưng… “ĐẠI TỪ BI”!
Hai người bị cáo buộc tội ‘mạ lỵ’ cũng là con Nhà Phật như nhị vị. Trên lý thuyết, họ kém xa nhị vị về mặt tu đạo. Và dĩ nhiên họ không lão thông tư tưởng Phật giáo hơn nhị vị. Nếu vô tình hay cố ý họ xúc phạm đến thanh danh của nhị vị thì, tại sao với phương vị lãnh đạo tinh thần thiện nam tín nữ -bởi mọi Phật tử đều được khai tâm ‘kính Phật, trọng Tăng’- nhị vị không mời họ đến Phật đường (thay vì đâm đơn kiện họ nơi tụng đình); hoặc giản dị và nhanh chóng hơn điện đàm với họ, để thuyết pháp cho tâm trí họ được khai thông, hầu nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là sai trái. Hành sử như thế nhị vị mới xứng đáng là bậc cao tăng, lấy tình sư đệ đối đãi với nhau vì đôi bên đều là Con Nhà Phật.
Trường hợp nhị vị cảm thấy hai nhà báo, nhà văn phổ biến nhiều chuyện sai sự thật, bán tuần báo Việt Luận xưa nay vẫn mở rộng diễn đàn cho nhị vị phản bác, cớ chi phải ‘lôi’ họ ra toà cho hả dạ?
Mà sao lại truy tố họ? Họ chỉ lập lại những gì báo chí trong nước phanh phui và học sĩ Đặng Văn Nhâm phổ biến rộng khắp về nhị vị. Chẳng lẽ phải ngầm hiểu Anh Dũng và Phùng Nhân ‘ngon xơi’ hơn nhà báo trong nước và cây cổ thụ họ Đặng, hai cây bút đã công khai vạch trần những điều không được ‘đẹp’ lắm về nhị vị? Lẽ nào ‘kẻ sĩ’ như nhị vị lại thiếu dũng khí đối phó với các tác giả thực sự đã hiên ngang múa bút phơi bày những gì mờ ám lâu nay được che đậy quá tinh vi, đến độ nhị vị phải luồn lách chơi trò ‘giận cá chém thớt’?
Tôi lại chạnh nhớ lời khuyên giải của vị chân tu trụ trì ngôi chùa mà tín nữ Thị Kính cải trang nam nhi đến xin thí phát qui y, sau khi bị nghi oan muốn giết chồng. Sau đó lại còn bị Thị Mầu vu oan dóa họa đã ‘gian díu’ với cô nàng đến có con hoang, trong vở cải lương Quan Âm Thị Kính, thập niên 40:
-Thiền môn là chốn dưỡng tánh tu tâm, có lý nào dung dưỡng những điều tà dâm! Nếu như con có lỡ lầm nhứt phen thì kể từ nay con hãy nên ăn năn hối ngộ. Bằng như ai kia có đem lòng quá ác gian, đành phao vu những điều quá ác tâm thì con cũng nên làm ngơ cho giải khuây trong dạ, mà lo thủ phận tu hành, rồi sau thiện ác đáo đầu sẽ phân minh…

Nếu quả thật quí ‘đấng’ cao tăng chịu hàm oan bị ‘mạ lỵ’ thì…tôi thầm ước nhị vị noi gương Phật Bà Quan Âm đã kiên cường im lặng chịu Nỗi Oan Thị Kính, luôn vững tin thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Bởi vì…
“Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”
(Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt)

Trời Cao có mắt đấy, nhị vị ạ!
**
B
ài viết có thể chấm dứt nơi đây. Tuy nhiên, tôi vừa lượt đọc muộn màng tờ Việt Luận, Số 2396-Năm thứ 26-Thứ sáu 18.09.2009, các trang 36, 37, 39 và 55…với ‘Ý kiến độc giả’ của quí bạn đọc Diệu Nhã, Gia Tâm, S.N., Robert Trần, Vi Thương, Lê Văn Tám, N.H. (đa phần là Phật tử) và hai bài viết của hai cây bút, cũng là Phật tử, Phan Văn Song (“Sư ông đáo tụng đình”) và Nguyễn Khắp Nơi (“Thư gửi bạn Phùng Nhân”) khiến tôi bồi hồi xúc động nhớ lại hình ảnh các vị tu hành đơn sơ, chơn chất, khổ hạnh và một ngôi chùa còn lưu giữ trong tôi nhiều kỷ niệm thuở niên thiếu khó phai mờ. Tôi muốn nhắc lại đây để đối chiếu với chuyện hai nhà tu hành hiện đang kiện cáo tín hữu của mình tại Úc.

Thuở mười lăm, tôi thường theo má tôi lui tới một ngôi chùa ở Vĩnh Long, được người bản xứ biết dưới danh hiệu Chùa Bà Đội. Ngôi chùa nguyên là một căn nhà vách ván, lợp ngói, tọa lạc trên một thửa đất khá lớn, với vườn tượt có cây ăn trái, cây kiểng bao quanh, do một góa phụ tục gọi là Bà Đội tự mình gầy dựng nên với phương tiện cơ hữu. Chùa có một nhà sư lo Phật sự. Ông còn trẻ, khoảng trên dưới 30. Tôi không rõ phẩm trật của ông, nhưng mọi người đến lễ Phật đều gọi ông là…Ông Giáo.
Tôi rất thích nghe ông tụng kinh và thuyết pháp khi cùng với má và em tôi qua đêm tại chùa. Giọng ông trầm ấm, hòa quyện trong tiếng mõ chuông đều nhịp, nghe vô cùng ‘siêu thoát’ trong đêm tĩnh mịch…Thỉnh thoảng tiếng đại hồng chung ngân nga khiến hồn tôi như chực bay bổng! Sắc diện ông trông rất hiền từ. Ông thường dùng xe đạp hoặc đi bộ ra phố khi cần.
Không một ai đến chùa mà không tôn kính, mến trọng Ông Giáo và Bà Đội hầu như biết hết và để tâm chăm sóc, trợ giúp tất cả thành viên trong gia quyến của những bà con cô bác trong tỉnh đến chùa lễ Phật. Khách thập phương đến tham gia sinh hoạt của chùa như thân bằng quyến thuộc trong một đại gia đình…con Nhà Phật!
Có lần em tôi kể thấy một nhà sư chạy mô-by-lết trong tỉnh, má tôi rầy la em tôi ăn nói bừa bãi. Người tu hành ai lại lái xe gắn máy bao giờ, coi chừng mang vạ ác khẩu!..
Mười mấy năm sau, khi tôi kể thấy mấy ông sư ngồi xe Méc-xê-đéc có tài xế riêng lái đi trên các đường phố Sàigòn, má tôi lại la rầy tôi dữ dội chớ có bày chuyện “nói xấu quí thầy”. Là một Phật tử thuần thành, má tôi rất mực quí trọng giới tăng ni… Tôi không dám cho má tôi biết rằng lúc đó một số thượng tọa, đại đức đã có mặt trong quân đội qua Nha Tuyên Úy Phật Giáo, với quân phục, lon lá hẵn hòi, hai bên khăn choàng màu nâu quàng qua vai để làm lễ có gắn quân hàm, hoặc bông mai vàng hoặc bông mai bạc. Và tùy theo cấp bậc, chức vụ, “quí thầy” di chuyển bằng Mercedès hoặc Jeep. Điều nầy vượt quá tầm hiểu biết và niềm tin của một tín nữ mộc mạc, chỉ quen nhìn các đấng tu hành mặc áo nâu sòng, đi bộ, quá lắm là đạp xe đạp như “Ông Giáo Chùa Bà Đội”!

Rất may, lúc biến động “đem Phật xuống đường” xảy ra ở miền Trung má tôi ngã bịnh nặng phải nằm bệnh viện và sau đó bị lãng trí. Nếu không chẳng thể nào má tôi tin có việc đem Phật trên bàn thờ nơi cửa thiền tôn nghiêm bày ra đường lộ! Chắc chắn bà sẽ nổi giận cho rằng có ai đó ác ý phao đồn tin thất thiệt nhằm triệt hạ uy tín của “quí thầy”!
Và có lẽ cũng là một ân phước của Bồ Tát, một tháng sau khi Sàigòn mất tên má tôi nhắm mắt lìa trần, khỏi phải xốn mắt, đau lòng cùng đồng bào miền Nam chứng kiến một số khá đông “quí thầy” vỗ tay hoan hô “giặc từ miền Bắc vô đây bàn tay nhuốm máu anh em” reo hò Kách Mệnh thành kông, ‘tiến về Sàigòn’ lập “Ủy Ban…Khuân sảng tài vật của người dân ‘Nam bộ’!
***
T
ôi không thể không đau lòng nghĩ tới người mẹ cả đời một lòng nhiệt thành ‘kính Phật, trọng tăng’ khi phải chứng kiến hai bậc xuất gia đầu Phật, mà tâm nguyện lẽ ra phải là “sự đời gác bỏ ngoài tai, trần ai không hệ lụy(…), lòng thanh thản hồn nhiên trước cửa từ bi, bao nỗi thi phi tai chẳng buồn nghe, mắt chẳng buồn trông thấy nữa…” lại đành đoạn xúc tiến thủ tục trần thế ép buộc hai Phật tử trong ngành truyền thông phải vác chiếu ra toà!
Trước khi đặt bút viết bài nầy, tôi có đọc qua bài viết của nhà văn Phùng Nhân mà tôi chưa có dịp quen biết cá nhân. Tôi đặc biệt ghi nhận lời trần tình sau đây của tác giả: “Những gì tôi trích đăng trong bài viết ‘Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại Úc Châu. Nên nhìn lại chặng đường đã qua’ chỉ là một phần rất nhỏ và rất nhẹ so với những gì ông Nhâm đã viết về HT Thích Như Huệ”…
Sau khi quyết định góp ý về vụ kiện tụng hi hữu nầy, tôi tìm hiểu quan điểm của nhà văn Phan Văn Song mà tôi cũng chưa được dịp làm quen. Và tôi bắt gặp, cùng chia sẻ đoạn kết của tác giả: “Ngày xưa, tôi đã học được cái giáo lý của Phật giáo đầy tình thương, đầy thông cảm. Ngày nay qua việc kiện tụng nầy tôi cảm thấy lo ngại cho tiền đồ của Phật giáo. Phán, phán, quyết và Phạt. Còn đâu là Bồ Tát?”.
Ngoài ra, tôi cũng chia sẻ cảm tình của nhà văn Nguyễn Khắp Nơi -mà tôi cũng chưa được quen biết- dành cho bạn Phùng Nhân của mình, cũng như đồng cảm với mối ưu tư của tác giả: “Tối nay, tôi sẽ thắp ba nén nhang lạy Đức Phật Thích Ca, lạy Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, xin chỉ cho con: Đi chùa nào? Đọc kinh loại nào? Để…không bị Thượng Tọa thưa ra tòa?”…

Gần đây, ‘siêu’ thiền sư ‘vĩ đại’ Thích Nhất (hay Bất, Vô) Hạnh, với vụ ‘quang vinh’ về nước lập thiền viện Bát Nhã -ít lâu sau bị đập phá tan tành và vĩ đại sư nhanh chóng ‘di tản’, coi như mặc nhiên ‘đem con bỏ chợ’- cộng với sự lộ mặt của tập đoàn sư quốc doanh không thể không tác động bất lợi cho tiền đồ Phật giáo trong cũng như ngoài nước. Giờ lại thêm vụ hai vị tu sĩ đạo Phật ‘xuống đường’ toan ‘làm thịt’ hai Phật tử!
Không phải khi không mà bài viết sử dụng nhóm chữ tu “chùa” trên tựa đề. Xin hiểu chữ chùa trong dấu ngoặt kép theo nghĩa khỏi tốn tiền (gratuit, free). Tiền bá tánh dựng nên chùa, nhị vị tu chùa kể trên lâu nay ăn “chùa”, ở “chùa”, mọi tiện ích vật chất cho bản thân đều “chùa”. Bây giờ nhị vị tu “chùa” đáo tụng đình với tư cách ‘nguyên cáo’, kinh phí ứng ra cũng là tiền “chùa” -tiền của bá tánh! Trường hợp thất kiện, bá tánh lãnh đủ. Nếu thắng kiện, cho dù số tiền bồi thường ‘tương xứng’ có được sung vào quỹ của chùa đi nữa, bá tánh cũng không hoan hỉ vì nó được trả giá bằng sự ‘trấn lột’ hai Phật tử Nhân-Dũng ‘ách giữa đàng (nhà báo ở VN và Đặng Văn Nhâm) mang vào cổ’! Quả thật: Kiện tụng là bác thằng bần, Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm!
Đó là chưa kể khi mọi sự đã ngã ngũ, từ nay trở đi đôi bên sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn ân oán giang hồ không thể một sớm một chiều tuyệt dứt! Nhị vị để đâu rồi giáo lý Nhà Phật: Oán thù nên cởi không nên buộc?
Ngày xưa tôi được Ông Giáo chùa Bà Đội kể cho nghe chuyện hai nhà sư rất ư đạo hạnh đến diện kiến Đức Phật để được vào cõi Niết Bàn. Nhưng Đức Phật bảo hai ông phải trở về cõi trần tu đức lại vì hai ông đã trót quăng bộ đồ lòng mà một tay đồ tể đã gởi hai ông mang đến trình Phật chứng tỏ lòng ăn năn hối ngộ của mình. Hình như Ông Giáo kết luận: đồ tể quăng dao có thể thành Phật. Xin hỏi nhị vị, đôi bên kiện và bị kiện ai là người đang cầm dao trên tay đây?
Một Phật tử vừa gọi điện thoại bày tỏ sự bất mãn trước vụ kiện tụng nầy với tôi:
-Đại lão cái quái gì mấy cha nội nầy! Đại láo, đái láo thì có!
Riêng tôi thì tôi nghĩ nhị vị chịu hạ mình làm người trần tục để đôi co trước tòa án trần thế là vì danh xưng “đại lão” đã biến thể thành “Đạo Lãi”: nhị vị theo đạo sanh lời!
Thương thay Nhân Dũng có thừa.
Gặp phường tu đạo chẳng chừa thứ chi!
****
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê…
Phàm trần mắt tục như kẻ hèn mọn viết bài nầy mà còn nhận thức được thân phận mõng giòn của kiếp phù sinh: Phù du trong những phù du, Phù du tất cả chỉ là phù du! (Vanitas vanitatum et omnia vanitas), và tất cả đều VÔ THƯỜNG…huống chi nhị vị đạo sĩ!
Đặt trường hợp luật sư của nhị vị sử dụng thành công ngón nghề riêng bẻ cong công lý cho các ‘đấng’được dịp hả hê ăn mừng đã đánh gục hai Phật tử làm báo, viết văn, bịt miệng luôn giới truyền thông, nhị vị có chắc công luận sẽ đứng về phía mình chăng? Hay một ngày trời mây u ám nào đó, sinh, lão, bịnh rồi sắp tử tới nơi, nhị vị lại chẳng nhớ tới chuyện đáo tụng đình trước đây mà sanh ra lòng thống hối đã làm cho quỷ giận, thần hờn, nay nghĩ lại càng thêm đau đớn ?

Sau rốt, tôi thành tâm cầu nguyện sẽ có một vị chân tu thực sự cao kiến xuất hiện lay tỉnh nhị vị cao tăng-tăng cao của chúng ta trở về đúng vị trí tu hành của mình, với tư tưởng sau đây trong Cảnh Sách:
Người xuất gia là cất bước đi thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối rạng rỡ giòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma cũng phải khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi. Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hành dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu
”.

Mong thay!

Thôn trang Rêu-Phong, vào Thu 2009
-Lê Tấn Lộc-
















































Thursday, September 10, 2009

TĨNH TÂM CUỐI HÈ 2009


Vài cảm nhận về lần

TĨNH TÂM CUỐI HÈ 2009
«‘Ép-pha-tha’, nghĩa là: hãy mở ra »
(Mc 7, 34)
« Anh em có mắt mà không thấy,
có tai mà không nghe ư? »
(Mc 8, 18)

Kỳ họp dòng đầu tháng 6, khi được thông báo Cha Giảng Phòng cho lần Tĩnh Tâm của Dòng Phan Sinh Tại Thế Vùng Montréal vào cuối tháng 8-2009 sẽ là Cha Nguyễn Tầm Thường, tôi cảm thấy trong lòng hơi áy náy vì cái tật ưa ‘cà rỡn trong nghiêm chỉnh’ của mình -hơn là ‘nghiêm chỉnh nhưng (thực chất là) cà rỡn’ mà mình vốn rất dị ứng- e rằng không khéo mình sẽ bị mời đi chỗ khác tha hồ cà rỡn, vì ‘ở đây người ta làm việc rất nghiêm chỉnh, biết chưa?’...( ! )
Thiên hạ đồn rằng Cha Giảng Phòng, tuy danh hiệu Tầm Thường nhưng chẳng Tầm Thường đâu nhé, chớ có tưởng bở mà vỡ…mặt đấy! Lén phén là Cha thẳng tay đuổi ra về không vị nể, khỏi Tĩnh Tâm luôn…Cho nên tôi đã định sử dụng chiêu thức tam thập lục kế, âm thầm hát bài …tẩu mã: đi Âu Châu sớm hơn dự tính ban đầu, vào khoảng trung tuần tháng 9. Nhưng vào giờ chót, tôi quyết định nấn ná ở lại ghi danh tham dự.
Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Thử xem con tạo xoay vần nơi nao!
Tôi lại còn ‘can đảm’ tháp tùng một số anh chị em đón Cha từ Hoa Kỳ bay sang. Gan thật, dám liều lĩnh ‘vuốt râu hùm’! Ấy thế mà tiếp cận lần đầu với Cha, tôi ‘cảm nghiệm’ ngay Cha không ‘khó’ như dư luận đồn đãi. Cha chỉ phân định rạch ròi giữa hai lãnh vực sinh hoạt: vui chơi và làm việc.
Bữa cơm tối chào mừng người Cha viễn phương đến với đàn chiên hôm đó, một dòng viên nêu ra vấn đề các bác lớn tuổi trong Dòng đa số ‘khiếm nhỉ’ (lãng tai) nên hay phát ngôn to tiếng, tôi góp ý: Nếu chúng ta không cố gắng khép mình vào kỷ luật thinh lặng khi tham dự Tĩnh Tâm thì, tuy mang danh Dòng Nghèo Khó hóa ra chúng ta ‘nghèo mà không chịu khó’! Cha Trợ Úy Aimé Đỗ Văn Thông của chúng ta đã không từng nhắc nhở ACE ‘Người ta khó chịu thì mình chịu khó. Nhưng khi đã chịu khó rồi thì đừng lấy làm khó chịu đã chịu khó. Vì như vậy còn tai hại hơn là không chịu khó từ đầu’… sao?
Cha Nguyễn Tầm Thường vỗ vai tôi, cười xòa. Vậy tôi có thể an tâm: Cha có óc thanh tiếu (sens de l’humour). Hy vọng Cha thuộc dòng ‘thanh tịnh tươi cười’ (sénérité souriante), chứ không rơi vào nhóm ‘thanh tịnh cáu có’ (sénérité grimaçante). Mong thay!
*
Buổi đầu sinh hoạt với Dòng Cha đã làm tan loãng tảng băng giữa hai định kiến, khiến mọi người cười rộ: Cha đề nghị đánh cuộc xem ai thắng, ai thua: Cha khó, đúng như dư luận loan truyền hay Dòng thường ngủ gục, đúng như tin đồn rộng khắp!
Những ngày sau đó, anh chị em càng lúc càng cảm thấy Cha khó. Bởi lẽ lâu nay Dòng PSTT Vùng Montréal hình như chưa hề nghe qua cách giảng phòng nào quá ‘đặc biệt’, nếu không muốn nói là quá ‘cách mạng’như thế! Cha khó thiệt: Cha hỏi dồn dập, đưa ACE vào thế ‘bí’, khiến ACE lúng túng khi phát biểu. ACE muốn nói cái gì? Đã định nghĩa chính xác các khái niệm (concept) mình muốn khai triển chưa? Cha càng hỏi, ACE càng lờ mờ, càng lẩn quẩn trong cách diễn tả quan điểm, gần như đang ngủ gục trong những điều thu lượm được trong kinh sách, rồi tự động cho ‘tuôn’ ra, cơ hồ như đang trả bài…Cho nên cuộc ‘quần thảo’ giữa Cha và ACE tiếp diễn dài dài, bất phân thắng bại!
Tôi tưởng tượng như đang chứng kiến cảnh đối đáp giữa Socrate -cha đẻ của triết học tân thời- với các triết gia thuộc trường phái Ngụy Biện (Sophistes). Các triết gia nầy thường hãnh diện về sự hiểu biết vững chắc của mình. Trong khi họ thao thao bất tuyệt thì Socrate giả vờ như ngu dốt, ‘không biết gì cả’. Nhưng Socrate cứ hạch hỏi họ tới tấp, như ông không thấu hiểu những gì họ xác quyết, bằng cách yêu cầu họ định nghĩa rõ rệt những khái niệm họ nêu ra trong lúc tranh biện…Cuối cùng họ khám phá chính họ mới thực sự không biết gì hết ngoài một số định kiến hàm hồ hấp thụ qua thói quen mà họ ‘tuôn ra’ như vẹt khi được cơ hội!
Về điểm nầy tôi nghiệm ra phương thức giảng phòng của Cha Tầm Thường thể hiện quan điểm của Voltaire, triết gia người Pháp, thế kỷ XVIII: “Quan niệm đúng thì phát biểu rõ” (Ce qui se conçoit bien s’énonce clairement). Đột nhiên tôi chợt nhớ ‘cụm từ’ người Việt ưa dùng mà tôi không làm sao hiểu nổi: ‘Nói hổng phải nói chớ…’(!) Cái gì vậy bà con? Nói (mà) hổng phải nói là… sao? Nói hay không nói, chứ sao lại vừa nói vừa hổng phải nói? Chẳng lẽ phải hiểu là nói khơi khơi, chẳng muốn nói cái gì cả. Nói như Tây nó bảo: Parler sans rien dire…chăng? Y như mình programme cho cái TV, tới giờ nào đó nó tự động‘xổ ra’ một tràng âm thanh vô hồn…
Tôi cũng nghiệm ra có lẽ Cha đang ứng dụng phương pháp ‘đỡ đẻ’ (maieutique) của triết gia Socrate: Những câu hỏi dồn dập về định nghĩa giúp các môn đệ của Socrate ‘khai hoa nỡ nhụy’ chân lý đã tiềm ẩn nơi họ…
Một phương pháp tuyệt vời! Nhưng bất hạnh thay cho Socrate, nếu các mộn đệ ông trân quý và tri ân ông bao nhiêu thì một số môn sinh và tập thể các triết gia Ngụy Biện ức lòng ông bấy nhiêu… Vì ông vạch cho họ thấy rõ chân tướng ngu dốt nhưng cứ nhắm mắt nhắm mũi tự cao tự đại về mớ kiến thức gồm toàn những định kiến không kiểm chứng được của họ! Cái mà họ hiu hiu tự đắc coi như một tạp lục kiến thức bách khoa (connaissance encyclopédique) thực ra là một hỗ lốn ngu dốt bách khoa (ignorance encyclopédique)! Họ căm thù ông, vu cáo ông đầu độc và làm suy đồi (corrompre) giới trẻ. Và lập tòa án xét xử, buộc ông uống thuốc độc tự tử. Hỡi ôi! Thuốc đắng đả tật nhưng…Lời thật mích lòng!
Tôi có phần lo âu cho Cha Giảng Phòng và rốt lòng cầu nguyện Ơn An Lành cho Cha…
**
Những giây phút đầu của buổi huấn đức mở đầu chương trình, tôi cũng hụt hẫng, chới với -như đa số ACE- cảm thấy bất ổn, lạc lỏng trong một khung cảnh khác lạ hơn không khí ‘an lành’của những ‘đường xưa lối cũ’ thênh thang, theo khuôn phép sinh hoạt cổ điển mà ACE chúng ta đã quá quen thuộc. Cha Giảng Phòng lần nầy đã khuyến khích chúng ta đi chệch ra ngoài những lối đi an toàn, kẻ qua người lại tấp nập (hors des sentiers battus), tự dò đường tìm đến với Lời Chúa đích thực, sống động.
Do đó, chúng ta hơi bực dọc, không thoải mái, e ngại lạc lối! Cho nên mới có ý kiến Cha giảng ít quá! Nhưng lại có ý kiến khác cho rằng Cha giảng ít vì Cha chủ ý khơi động mạch ‘tư duy’ cho chúng ta suy gẫm Phúc Âm, lắng nghe Chúa nói và tâm sự cùng Chúa. Nhóm nầy cho rằng Cha giảng như thế đã đủ so với thời gian eo hẹp dành cho phần huấn đức. Nhóm kia lại nghĩ là Cha giảng như vậy là quá thiếu, chưa đủ để thỏa mãn niềm khao khát của một số ACE muốn nghe Cha giảng nhiều hơn nữa, vì từ lâu họ đã nghe một dòng viên nức nở khen Cha Nguyễn Tầm Thường giảng rất “tuyệt vời…Đã nghe Cha Nguyễn Tầm Thường giảng rồi thì sẽ không cách chi còn có thể chịu ngồi nghe các Cha khác giảng…nhạt phèo được nữa!”. Cảm tưởng của dòng viên nầy được lặp đi lặp lại như một điệp khúc bất tận, dần dà trở nên một ‘ám ảnh’ , một ‘ấn tượng’ ăn sâu vào tiềm thức một số ACE náo nức ‘thèm’ nghe Cha Tầm Thường giảng!
Về điểm nầy, tôi nghĩ rằng, nếu Cha thấy ACE góp ý phát biểu lờ mờ thì, ngược lại. tôi thấy Cha giải đáp cũng lơ lửng! Đúng hơn Cha bỏ lửng, không đi đến tận cùng cách lý giải. Nhưng tôi nghĩ rằng Cha đi đúng tôn chỉ của Linh Thao mà Cha là một chuyên viên thượng thặng. Cha có nói linh hướng không phải là việc có thể gấp rút ‘làm cho xong trong ngày’, trái lại là một thao luyện từng bước và trường kỳ. Do đó, theo tôi, trong 3 ngày tĩnh tâm Cha chỉ mới khai mở một chặng đường ngắn trên đoạn đường rất dài… Nói nôm na, những gì Cha giảng trong lần tĩnh tâm của Dòng PSTT có thể xem như ‘tập một’ của bộ truyện dài Linh Thao nhiều tập…Như vậy, theo tôi, ít nhiều Cha đã vạch ra cho ACE ý thức về bước đầu trong tiến trình linh hướng, theo cách Xét Mình, kiểu Socrate: “Hãy tự biết lấy mình! - Connais-toi toi-même!”, để nhận ra quả thật “Tôi chỉ biết có mỗi một điều: Tôi không biết gì cả! - Je ne sais qu’une chose: Je ne sais rien!”. Bài học về lòng khiêm nhường nầy hữu ích cho tất cả mọi người, không nhất thiết chỉ riêng cho chúng ta, đúng không ACE?
Khiêm cung, khiêm tốn, khiêm nhường,
Khiêm nhu, khiêm hạ, ‘Vui Mừng Bình An’
***
Tôi nghĩ rằng mỗi người trong ACE chúng ta, sau mỗi lần Tĩnh Tâm đều lãnh hội một ít điều lay động tâm hồn mình. Cho nên thiết nghĩ tôi không nhất thiết phải làm công việc khó khăn và ‘bạt bẽo’ đúc kết những thảo luận, những chia sẻ đề tài huấn đức ‘Để sống tự do và hạnh phúc hơn’. Bởi vì đúc không đầy đủ thì kết không vẹn toàn. Vả lại, tôi nghĩ rằng hầu hết ACE chúng ta đều đã tập trung theo dõi những gì Cha Giảng Phòng chuyển đạt. Ngoài ra, như thường lệ, sau mỗi kỳ Tĩnh Tâm, sẽ có bài đúc kết tỉ mỉ của Ban Phục Vụ. Cho nên tôi chỉ muốn tóm lược những điều được ghi nhận như tương đối ‘động não’ tôi, mong được ACE chia sẻ và góp ý bổ túc…

1-Tôi thắc mắc tìm hiểu xem những gì Cha Giảng Phòng mới đây và Cha Trợ Úy trước đó trình bày về Tha Thứ bổ túc hay mâu thuẫn nhau, ít ra trên bình diện Công Bằng. Cha GP đặc biệt nhấn mạnh về ‘Tha’ như ‘buông’ cho mình được nhẹ nhàng trong tâm hồn, cho an bình nội tâm được vững chải, chớ có NGU (muội) trông chờ kẻ xúc phạm tới mình xin lỗi mình, đền bù cho mình. Hành sử như vậy chỉ tổ làm cho mình càng lúc càng khổ thêm, trong lúc kẻ xúc phạm tới mình vẫn ‘phây phây’, chẳng hề hấn gì -chẳng mất một sợi lông…chân nào hết! Chí lý quá, đúng không? Thế nhưng Cha TU thì cho rằng chúng ta ‘tha’ chứ ‘không quên’. Mà trước khi tha, cần chỉ rõ cho kẻ được tha biết hắn sai trái thế nào. Cũng là theo lẽ công bằng thôi! Cũng hợp lý quá đấy chứ, phải không? ACE nghĩ sao?
Lẽ ra tôi nên theo cách lý giải ‘lơ lửng’ của Cha Tầm Thường, để ACE tự tìm câu trả lời, nhưng tôi chưa thể đạt tới mức thanh tịnh siêu đẳng như thế, nên tôi đành chịu khó ‘ngu’, ôm những ray rứt về Bác Ái và Công Bằng vào lòng -dù biết trước chỉ tổ làm cho mình thêm nhức đầu nhức óc thôi- để trình bày những ‘trăn trở’ hậu tĩnh tâm của mình với hai Cha và ACE thân thương:
Về ẩn dụ ‘củ khoai’, tội cho kẻ bị tên láng giềng đánh cắp. Nếu tôi là nạn nhân, tức tối bức đầu bức cổ chờ nó xin tôi tha nó và chờ nó đền bù là tôi…ngu, vì trong lúc tôi xót xa bức rức, có thể nó đang hả hê ‘xực’ củ khoai của tôi và khoái trá cười tôi…ngu! Cho nên tôi chớ có dại khờ ‘đau khổ’ giùm cái tội ăn cắp của nó: tôi ‘buông’, tôi ‘cho qua’. Trên bình diện thanh thản cá nhân, đó là một thái độ hết sức khôn ngoan nhưng hình như quá …vị kỷ chăng?
Xin lấy lại ẩn dụ củ khoai ‘kinh qua’ cá nhân người viết: Tôi là người làm rẫy phương Nam, có thửa ruộng trồng khoai nuôi sống gia đình. Bỗng dưng đám người phương Bắc tràn tới tước đoạt mảnh vườn của tôi, lại còn bắt tôi cầm tù, hành hạ chí cốt. Nhân danh sự an bình nội tâm, tôi thinh lặng hòa giải cùng kẻ cướp. Vậy tôi khôn hay ngu? Có thể tôi khôn đấy, nhưng cái khôn đó được trả giá bằng sự nhắm mắt, bịt tai a tòng cho Bất Công, Sái Quấy, Gian Ác, Bạo Hành, Phi nhân thắng thế tràn lan, ngự trị! Vẫn biết Công Bằng mà không Bác Ái là sắt máu. Nhưng, Bác Ái mà không Công Bằng là…mù quáng!
Lý là thế đấy, nhưng xét cho cùng, quan điểm cùa hai Cha GP và Cha TU bổ túc nhau. Cha GP nêu lên giai đoạn tiền nghiệm (a priori), điểm khởi cho ta vững vàng tâm trí để nhân đức an bình của ta lan rộng và ảnh hưởng tới kẻ xúc phạm ta -điều kiện cần- trước khi bình tĩnh bước tới chỉ ra lỗi phạm của tha nhân hầu dễ dàng tha thứ trong tinh thần hoà giải đích thực trong tình người với nhau. Cha TU đề cập tới giai đoạn hậu nghiệm (a posteriori), điểm đến, tiếp nối chung cuộc -điều kiện đủ- của lòng thứ tha toàn mỹ: Bác Ái được cân bằng với sự tái lập Công Bằng!
Điều đánh động tâm tư tôi nhất ở điểm nầy là Cha GP nhấn mạnh: Cho qua không có nghĩa là nhu nhược và tha thứ để giữ hòa khí không thể đồng nghĩa với bao che, dung túng! ACE nghĩ chúng ta có nên nhìn lại kỹ lưỡng cái mà chúng ta thường khuyên bảo nhau ‘hãy hiền hòa thuận thảo’ -bằng mọi giá- chăng? Coi chừng chúng ta bị Pha-ri-sêu hóa lúc nào không hay biết!

2- Cha GP đã trình bày rất rõ về Tội và Vạ. Cho dù chúng ta có đền bù, phạt tạ đến đâu cũng không cách chi sạch tội hoàn toàn nếu không nhờ lòng thương xót và giá máu cứu chuộc của Chúa trên Thánh Giá… Cha GP chưa trả lời câu hỏi của tôi về việc Chúa cho tên cướp cùng bị đóng đinh với Người lên Thiên Đàng mà chưa qua quá trình đền phạt, vì Cha không còn thì giờ. Có thể dịp khác Cha sẽ lý giải chăng? Tuy nhiên, tôi vẫn thường xuyên tự hỏi -và muốn ACE cùng góp ý- ai là người đáng được cứu rỗi và vào nước Trời hưởng phúc đời đời: Kẻ vô số tội lỗi, vào phút chót thực lòng ăn năn hối cải hay người suốt đời thánh thiện giữ đạo, vào giờ chót cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, đang tâm chối bỏ Chúa? Trong hai người, ai là người thực sự đấm ngực mình -chứ đừng đấm ngực anh em, như Cha TU thường nhắc nhở chúng ta- khi xướng đọc: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em(…)Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi mọi đàng?

3- Cha GP cũng cho ACE và tôi có cái nhìn mới về Tòa Giải Tội. Tiếng là ‘Tòa’ nhưng Chúa không đóng vai trò trần tục của một thẩm phán xử án: Tòa giải tội là tiếng nói của Tình Thương do Người Cha ban ân xá cho con cái của mình. Tôi chợt nhớ lời nhắn nhủ của Cha TU: Ta đến xưng tội “để được Chúa chạm vào đầu mình” như người cha xoa đầu đứa con lỗi phạm ủi an, vỗ về, nâng đỡ tinh thần…Thật vậy: “Con Người đến không phải để giết mà để cứu chữa” (Lc 9, 56) “cứu chuộc kẻ hư mất” (Lc 19, 10).

4- Một điều khác cũng đáng ghi nhận về ẩn dụ ‘củ hành’ của Cha GP: Tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, v.v…chỉ là các lớp bên ngoài bao bọc cái lõi bên trong của củ hành. Y như lớp sơn bóng nhoáng bên ngoài của những thành đạt xã hội phù du phủ lấp yếu tính con người vĩnh cửu bên trong, khiến chúng ta mê lầm đồng hóa nhân cách thâm sâu, đích thực (personnalité profonde, authentique) với nhân vật xã hội, ngoại vi (personnage social, superficiel)…Những chiếc mặt nạ ‘nhân vật’ nầy sớm muộn gì cũng rơi xuống, phơi bày con người thực sự của chúng ta: Tự bản chất, tất cả chúng ta đều là con cái của Chúa, nhân đức là giá trị qua tôi luyện đời sống linh hướng của từng người, không thể chuyển cho người khác, cho dù là người cật ruột. Và đường lối Chúa đánh động tâm linh mỗi người chúng ta đều theo cách riêng của Chúa. Mà “Đường lối Chúa khôn dò khôn thấu- Les voies du Seigneur sont imprénétrables” như Cha TU thường nhắc nhở ACE chúng ta!

5- Dụ ngôn về ‘đứa con hoang đàng’ được Cha GP đặc biệt lưu ý ACE. Cha hướng dẫn tường tận cách đọc Phúc Âm qua các giai đoạn ‘đọc+tưởng tượng+đặt mình vào những nhân vật trong các dụ ngôn+cầu-nguyện-thinh-lặng-nghe-tiếng-Chúa’. Cha nhấn mạnh về vai trò và tương quan của người con cả đối với người cha và người em của mình. Cơ hồ như tôi bắt gặp lời tâm nguyện của Cha cảnh tỉnh ACE chúng ta:
“Lạy Chúa,
So sánh mình với người khác có khi con thấy người khác cần trở về hơn con. Dấu chỉ con không cần trở về là con còn trong Giáo Hội, con đi lễ, còn giữ các giới răn, có khi còn giữ chức vụ này nọ trong Giáo Hội. Không biết những lề thói con giữ đó có bảo đảm cho con rằng con gần Chúa không hay chỉ là tâm tình nô lệ. Biết đâu sự trở về của kẻ ở nhà lại cấp bách hơn kẻ đi xa. Nỗi đau khổ của cha vì đứa con thứ bỏ nhà đi chưa chắc đã nặng hơn nỗi khổ tâm do sự có mặt của người con trưởng…”
(Nguyễn Tầm Thường, Con biết con cần Chúa).

6- Câu chuyện Cha GP kể để minh họa một xác tín quả thực chấn động tâm can tôi: Trong một lần tĩnh tâm với Cha 3 năm trước đây, chị Tuyết - đang hiện diện trong hội trường- có dẫn cựu thiếu tá Chế, nguyên tiểu đoàn trưởng thuộc sư đoàn 18, một Phật tử, đến tham dự. Đây là người cựu chỉ huy trực tiếp của chồng chị, cố đại úy Huệ, người đã nấn ná ở lại trận tuyến chờ giải cứu thiếu tá Chế, bạn mình đang kẹt trong vòng vây của địch quân, để cùng di tản. Và vì thế, đại úy Huệ đã tử trận! 37 năm sau, Lời Chúa “không gì đáng quí hơn hy sinh mạng sống mình cho bạn” bắt đầu tác động trên tâm tưởng của Phật tử Chế…
Chuyện kể nầy khiến tôi hồi tưởng lại chặng đường gay go của ‘nhỏ bé thôi’ tôi đây đến với Chúa: 74 năm về trước, thằng-bé-tôi chào đời trong một gia đình ngoại đạo; chưa đầy tháng đã được gia đình ‘ký bán’ cho ông Trùm họ đạo Bạc Liêu, nhưng không qua nghi thức rửa tội. 25 năm sau đó, lúc bấy giờ là sinh viên đại học, nó được một linh mục trao tặng một quyển Thánh Kinh đầu tay với lời nguyện cầu “để có ngày Lời Chúa sẽ vang động trong tâm hồn hắn…”. 20 năm sau lời nguyện cầu đó, nó trở thành con cái Chúa qua bí tích Thanh Tẩy, sau khi nó ra tù cải tạo của CS…
Chuyện nó đến với Dòng PSTT cũng qua một quá trình cam go dài lâu: 45 năm sau lần tình cờ nó tiếp cận Đức Cha Dòng Phanxicô phụ trách trại cùi tại Di Linh, trên đường nó rời Đà Lạt đi du học… ‘Nhỏ bé thôi’ tôi nghiệm đúng niềm xác tín của Cha GP: Hạt giống, khi đã gieo, sớm muộn gì cũng sẽ nẩy mầm!
****

Trong một lần Tĩnh Tâm do Cha TU phụ trách giảng phòng, Cha có nhắn gửi ACE, nếu đã gạt hết được mọi vướng bận thường nhật để đến với Chúa và ACE thì khi ra về cũng chớ mang theo những vướng bận đó, mà hãy bỏ chúng lại trong vòng rào khuôn viên tu viện Dòng Tên Villa Saint-Martin, cho tâm hồn được thanh thản như lúc Tĩnh Tâm.
Lần nầy, trong Thánh Lễ bế mạc Cha kể ẩn dụ về một người tín hữu có một láng giềng vô thần. Ông muốn ‘cải huấn’ người nầy, để anh trở thành tín hữu. Ông kín đáo gửi tặng anh một quyển Thánh Kinh và để ý theo dõi phản ứng của anh. Sau một thời gian, tình cờ ông khám phá quyển Thánh Kinh kia bị vứt vào thùng rác! Bèn tới cật vấn anh hàng xóm xem anh đã đọc quyển Thánh Kinh chưa. Anh nầy bình tĩnh trả lời đã đọc hết từ đầu chí cuối. Ông vặn hỏi tại sao anh ta vứt quyển Thánh Kinh. Chẳng lẽ không có gì tác động trên anh sao. Anh trả lời đã đọc hết Thánh Kinh qua cách sống của ông chẳng chút gì đáng cho anh noi theo, nên anh chẳng thấy có gì cần biết về quyển Thánh Kinh mà ông gửi tặng anh nữa! Không hiểu ACE chúng ta có thấy nên cần xét lại cách sống Phúc Âm sao cho có thể thực sự loan truyền nhân đức chung quanh mình như Cha TU ao ước và nguyện cầu chăng? Ý niệm ‘tâm tình nô lệ’ do Cha Nguyễn Tầm Thường gợi ra lại lởn vởn trong đầu tôi…
Những lần Tĩnh Tâm trước đây, trước khi ghi danh tham dự, tôi thường tâm sự với nhóm thân hữu hình như tâm thần tôi chao đảo, có thể đưa tới cái gọi là khủng hoảng Niềm Tin. Mỗi lần tâm tư khủng hoảng như thế, Mùa Tĩnh Tâm tạo cho tôi cơ hội tìm lại được Niềm Vui trong không khí gia đình PSTT, với biết bao bàn tay ân cần, trìu mến nắm tay tôi truyền hơi ấm của Tình Huynh Đệ Yêu Thương Nhau. Những lần như vậy, tôi như được hồi lực, hồi sinh, vui sống vì tìm lại được sự An Bình. Nhưng lần Tĩnh Tâm nầy, tuy lòng rộn rã Vui Mừng, hầu như tôi không đem về được sự Bình An cho tâm hồn lắng động… Tôi linh cảm có cái gì đó ‘trục trặc’ giữa anh em thuộc nhóm thân hữu thân cận, lâu nay vẫn hết lòng trao đổi, chia sẻ mọi vui buồn, thăng trầm trong việc tập sống đạo… Hy vọng rằng tôi linh cảm không đúng, có lẽ do tôi quá mệt mỏi chăng. Biết đâu châm ngôn ‘thương nhau lắm, cắn nhau đau’ giờ đây lại chẳng ứng nghiệm trong nhóm anh em thân thương chúng tôi ? Tôi đang cố gắng thuyết phục mình như vậy!..
*****
C
ó lẽ đã đến lúc tôi nêu ra vài nhận định về những gì tôi ‘thu hoạch’ được để suy gẫm thêm sau lần Tĩnh Tâm cuối hè nầy, mong ACE cùng chia sẻ:

1- Chắc hẳn, cũng như tôi, ACE đã nhận ra sự khác biệt trong cách giảng cũng như cách đến với chúng ta của hai Cha GP và TU. Có ý kiến cho rằng Cha NNT rất ‘khó gần, khó thân’ hơn so với Cha ĐVT. Đương nhiên! Vì Cha TU đã sinh hoạt 24 năm với Dòng, còn Cha GP chỉ mới lần đầu giao tiếp với chúng ta, chưa đủ thời gian tiếp cận, tìm hiểu nhau. Ngoài ra, cá tính và nhân cách (tâm lý) của hai Cha nói riêng, của mỗi người trong chúng ta nói chung, đều khác nhau: Chúa dựng nên con người hàng tỉ tỉ tỉ tỉ…lần, nhưng mỗi tạo vật đều là một ấn bản độc nhất (unique) -như các dấu tay chúng ta- chẳng bao giờ trùng hợp. Do đó nếu đường lối Chúa đến với chúng ta ‘khôn dò khôn thấu’ thì đường lối của hai Cha -nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần- đem Lời Chúa đến với chúng ta chẳng thể nào y hệt nhau!
Tôi nghĩ rằng Cha GP đến với chúng ta lần nầy rất bổ ích về hai phương diện:
-Chúng ta được lay động cho tỉnh thức, cho ‘động não’ để khỏi ‘ngủ gục’ trên thói quen lười biếng ‘trả thuộc lòng’ những gì đã thu nhập và tích lũy từ các lớp dạy giáo lý. Cha GP rất thuần lý (rationnel).
-Chúng ta nhận rõ hơn giá trị tình cảm của Cha mình, một linh mục quá ‘dễ mến’: Cha TU Aimé của chúng ta rất mực yêu thương, gần gũi, nâng đỡ tinh thần các con chiên của mình, lúc nào cũng sẵn sàng san sẻ mọi nỗi vui buồn, sướng khổ với ACE chúng ta.Tình sao là tình!

2- Đã nhắc tới công đức của hai Cha thì không thể bỏ qua công sức của Ban Phục Vụ. Được sự đồng ý của tác giả, tôi xin phổ biến nội dung điện thư gửi cho Ban Báo Chí mà tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm và tin rằng ACE cũng đồng ý:
“Dù việc gì xảy ra trong lòng tôi, trong lòng các bạn, ba ngày tĩnh tâm cũng đã kết thúc rất tốt đẹp. Một điều mà chúng ta không thể phủ nhận là công lao của Ban Tổ Chức. Họ quá tuyệt vời trong bổn phận. Chu đáo từng chi tiết, đi sát với chương trình. Những gì các bạn đã làm cho chúng tôi, chúng tôi đã xin với Cha Trên Trời trả lại cho các bạn. Xin các bạn đừng khó chịu với những ý kiến, những bàn tán xôn xao. Vì ý kiến như những món ăn, mỗi người mỗi ý thích, chúng ta cũng không thể nói mọi người đều thích cái chúng ta thích. Các bạn nên hãnh diện và vui vẻ vì các bạn đã làm hết mình trong tình yêu anh em. Chúng tôi rất may mắn đã có một Ban Phục Vụ rất đẹp như các bạn” TX.

3- Gần đây, nhiều phong trào từ trong nước bung ra ngoài rầm rộ kêu gọi quyên góp tu bổ hoặc xây cất thêm nhà thờ cho quê hương, trong khi ở hải ngoại nhiều thánh đường đã phải ngưng hoạt động hoặc phát mãi vì thiếu tiền bảo trì. Bỏ qua chuyện lạm dụng hay khía cạnh chính trị của vấn đề, tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta tự vấn: “Từ trên trời cao nhìn xuống, Chúa có băn khoăn vì biết bao tâm hồn đang lo âu chỉ vì đền thờ, hay Chúa vui vì vẫn thấy lấp lánh những vì sao trên những thánh đường đổ vỡ” (Nguyễn Tầm Thường, Viết trong tâm hồn)…
Nào phải đâu Giáo Hội chỉ tồn tại được ngày nào còn những kiến trúc nguy nga, đồ sộ, lộng lẫy khắp nơi!

4- Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài và ban cho chúng ta tự do nhận hay không nhận Ân Xá của Ngài với giá máu cứu chuộc nhân loại của Con Người. trên Thập Giá. Vì là hình ảnh của Chúa nên Người muốn chúng ta nên thánh để giống Người qua con đường tu đức. Chúng ta hoàn toàn tự do đi hay không đi theo con đường đó…Nhưng chúng ta “phải đi một mình”(a).
Con đường tu đức nầy, tuy ta có Tự Do đi hay không đi, nhưng khi đã quyết định đi thì ta chỉ đến được bến bờ Hạnh Phúc nếu được Ơn Cứu Độ của Chúa. Bởi đây là con đường “không thể một mình đi” (b). “Có những con người”(c) khác biệt thì cũng “Có những con đường” (d) khác nhau cho Chúa đến với chúng ta…(a+b+c+d: Nguyễn Tầm Thường, Đường đi một mình).
Vâng, Chúa ngự trên trời cao, luôn thương xót ban Hồng Ân Xá Tội cho con cái Người. Nhưng chúng ta phải cầu xin và lãnh nhận, bởi vì “hễ ai xin, sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ sẽ mở cho” (Lc 11,9) !

Thôn trang Rêu-Phong, cuối hạ 2009
-Lê Tấn Lộc-