Wednesday, December 16, 2009

MÙA VỌNG VÀ MÙA..."TẬN THẾ"




Vài suy nghĩ vụn vặt:

Mùa Vọng hay… mùa“tận thế”?

“Anh em đừng sợ.
Này tôi báo cho anh em
một tin mừng trọng đại,
cũng là tin mừng cho toàn dân:
Hôm nay một Đấng Cứu Độ
đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít,
Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa”
(Lc 2,10)

Khoảng một tháng trước khi vào bước vào Mùa Vọng, một lô bài viết được tung lên internet ‘trịnh trọng’ loan báo hết sức có ‘cơ sở’: năm 2012 sẽ…tận thế! Một cuốn phim ‘khoa học giả tưởng’, còn dám quyết đoán đó là ngày 21 tháng 12 năm 2012!
Thôi thì vô số tài liệu về thiên văn học, về các nghiên cứu văn minh cổ xưa, về cách diễn giải sấm Trạng Trình cũng như về các lời tiên tri Nostradamus, được các chiêm tinh gia -dân gian thường gọi nôm na là giới bói khoa và coi quẻ- hấp tấp ‘chớp thời cơ’ lôi ra ‘chứng minh’, đoán mò, rồi xủ quẻ: trăm phần trăm thế giới sẽ ‘tiêu tùng’, nhân loại nói riêng, mọi mầm sống nói chung đều sẽ…‘tịt ngòi’ vào năm 2012!
Không phải đây là lần đầu những tiên đoán tận thế được tung ra, gieo rắc quá nhiều hậu quả tệ hại, đôi khi rất bi đát: nhiều vụ tự sát -cá nhân có, cả gia đình có, cả tập thể có- để khỏi chứng kiến cảnh tượng tận thế khủng khiếp rồi chết thảm! Bá tánh thấp thỏm chờ trái đất nổ tung…Ấy thế mà quả địa cầu -hành tinh xanh- vẫn tiếp tục quây xung quanh mặt trời và dân số khắp thế giới vẫn đều đặn gia tăng, nhanh hơn cả tốc độ lạm phát phi mã toàn cầu!
Nhưng lần nầy hình như thiên hạ hoang mang, xao xuyến nhiều hơn: viễn ảnh đen tối của cơn suy thoái kinh tế trầm trọng khắp năm châu gần đây, viễn tượng chiến tranh hạt nhân từ lò lửa Trung Đông với sự hung hãn của Iran bất chấp sự cảnh cáo của Cộng đồng quốc tế kêu gọi ngưng ‘làm giàu’(enrichir) uranium, ngầm tiến tới việc sản xuất vũ khí hạt nhân, với sự kiên trì của Bắc Hàn luôn hăm he chế bom nguyên tử, dù dân chúng thiếu dinh dưỡng chết đói dài dài, với mối đe dọa ‘bá quyền’ từ phía biển người Trung Cộng, v.v…thêm sức thuyết phục cho loạt bài viết ‘thảm khốc’(catastrophique) -những bài viết ‘thần sầu quỉ khóc’ nói trên! Chưa kể sự vô tư của loài người thường xuyên hủy diệt môi sinh theo đà tiến hóa của văn minh kỹ thuật, ngày càng đạt hiệu quả tối đa, trong việc khai thác và tận dụng đến kiệt quệ các nguồn năng lượng thiên nhiên, cũng góp phần nuôi dưỡng nỗi kinh hoàng (panique) trong quần chúng…
-o-o-
Tâm tư giao động trước nguy cơ “Grippe A H1N1” -dịch cúm heo đang đe dọa truyền nhiễm rộng khắp (pandémie)- dù cơn cảm ho gây khó khăn hô hấp chưa dứt hẳn, tôi vẫn cố gắng lái xe đến giáo đường Thánh David (Pierrefonds) dự thánh lễ chiều thứ bảy, dự tính như thế sẽ có thì giờ nghỉ ngơi dưỡng sức để Chúa Nhật đi họp Dòng, đầu tháng 12, trước để tìm sự an bình nội tâm, sau để gặp lại ACE, tay bắt mặt mừng tìm chút hơi ấm tình người đang khi giá băng cuối thu bắt đầu loan tỏa…

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự tên đám mây mà đến…”.
Tin Mừng theo thánh Luca được vị phó tế khởi đọc không làm sao tránh khơi dậy nỗi ám ảnh…“tận thế”!
May thay, Tin Mừng quả thật đúng là TIN MỪNG khi vị phó tế đọc tiếp:
“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”!
Đúng vậy, Mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị mừng lễ Chúa sinh ra đời vào dịp Noel. Mùa Vọng là ..chờ đợi. Và sự chờ đợi nầy khiến chúng ta liên tưởng tới ngày Chúa đến khi tàn cuộc thời gian trần thế. Người nói với các môn đệ về chuyện Người đến, Người trở lại bằng những hình ảnh dữ dội như trong sách Khải Huyền (Apocalypse). Nhưng dù bên ngoài trông có vẻ dễ sợ, những hình tượng đó không nhằm làm ta khiếp vía, trái lại nhằm trấn an chúng ta. Bởi vì “Con Người đến không phải để giết mà để cứu chữa(Lc 9, 56), để “cứu chuộc kẻ hư mất” (Lc 19, 10). Như Cha Trợ Úy Dòng PSTT, sau đó. đã nhận định, nhân buổi họp Dòng đầu tháng 12/2009: những cảnh tượng mô tả như ‘tận thế’trên đây, thực ra là cách thức lay tỉnh chúng ta chú tâm hơn đến Lời Chúa cảnh báo Hãy Tỉnh ThứcNước Trời đã đến gần thôi! Bởi thế, với tôi, ngoài sự trông đợi, Mùa Vọng còn là mùa của Hy Vọng…
**
Trên đường về, tiếp tục suy gẫm về Lời Chúa và về bài giảng của linh mục chủ tế, tôi nhận ra Mùa Vọng thể hiện việc “Chúa giữ lời: Ánh Sáng của Người đã chói rạng”. Ánh sáng là một biểu tượng tôn giáo đối chọi với bóng tối. Ánh sáng luôn có mặt từ đầu trang đến cuối trang Thánh Kinh. Các Tiên Tri loan báo việc ánh sáng đến như để thể hiện những lời hứa của Thiên Chúa (Isaie 9,1; 58,10). Đôi khi, chính Thiên Chúa là ánh sáng (Michée 7, 8) đời đời rạng ngời (Isaie 60, 19).
Ánh sáng đây không phải là thứ ánh sáng thông thường, đó chính là Chúa Giêsu mà, qua Người, Thiên Chúa giữ lời hứa với chúng ta. Ánh sáng nầy soi sáng đời ta, xua tan bóng tối của oán ghét, của thù hận, của tự khép kín, v.v…Đó là ánh sáng của lòng lành, của niềm vui, của bình an ban cho mọi dân tộc. Mỗi lời ủi an, mỗi bàn tay nắm, mỗi sự sinh ra đời, mỗi hành vi công chính không là những tia nắng của nguồn ánh sáng rạng chiếu trên chúng ta và trên thế giới sao?
Cuối thánh lễ linh mục chủ tế yêu cầu mọi người hát vang lên niềm hân hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh. “Này đây là ngày Thiên Chúa làm nên:Trong ngày nầy ta hãy reo vui mừng rỡ” (TV 117).
Còn chỗ nào chăng cho những ảnh tượng ảo (images virtuelles) u ám, hù dọa…địa cầu sắp bị hủy diệt hoàn toàn? Mùa…tận thế làm gì có đất đứng trong Mùa Vọng: “Reo vui lên! Nữ tử Sion! Hãy hò la, hỡi Israel! Hãy vui mừng, hãy hoan hỉ hết lòng, nữ tử Yêrusalem! (…)Vì ngươi, Người hân hoan vui sướng. Với ngươi, Người làm mới lại Tình Yêu của Người. Vì ngươi, Người nhảy mừng trong tiếng reo vui như thuở tao phùng”(Sophonie 3, 14-18a)…Chẳng lẽ Người nhảy múa reo vui với dân Người trên những điêu tàn…tận thế?
Thánh Phao-lô đã không ngừng khuyến nhủ chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã đến gần. Anh em đừng lo lắng gì cả” (Pl 4, 4-6)… sao?
Quả thật, tín lý công giáo không cho phép chúng ta yếm thế chỉ vì mê tín, dị đoan rồi tin bừa rằng sẽ…tận thế. Nào ai dám cả quyết lúc nào Chúa sẽ đến! Chỉ duy có Chúa biết thôi! Vì thế chúng ta phải luôn thức canh!
Vẫn hay “Đường lối Chúa khôn dò khôn thấu”…
***
Lâu nay tôi cảm thấy tín lý mình bị xúc phạm nặng nề bởi một số ‘hiện tượng’ khác lạ xuất phát từ những người công giáo mà tôi nghĩ rằng chắc hẳn vạn lần thông suốt hơn tôi -một tân tòng- về giáo lý đạo thánh Chúa: Có những người công giáo thuần thành cả tin vào phép lạ chữa lành -y như trong Tân Ước- từ những người trần tục. Có những người công giáo cả quyết mình ‘nghe’ Đức Mẹ hay Chúa Giêsu truyền lệnh cho mình ‘thế thiên hành đạo’! Có một số người công giáo quả quyết ‘thấy’ những dấu chỉ (signes) Đức Mẹ hoặc Chúa Giêsu hiển hiện qua hình thể một đám mây, trên cỏ cây, hoa lá, đồ vật, v.v…Mới đây có một người công giáo chuyển cho tôi ảnh một người đàn bà ‘khoe’ gương mặt Chúa hiện lên trên mặt bàn ủi của bà!
Toà Thánh rất cẩn trọng và khe khắt kiểm chứng những hiện tượng ‘siêu nhiên’ nầy. Gần như trong một triệu cái cho là ‘dấu chỉ hiển linh’ may ra có được một hoặc hai sự kiện được Tòa Thánh thừa nhận và công bố.
Nên nhớ lại, trong Phúc Âm, Chúa đã quở mắng đám người cứng lòng rằng “Dân nầy đòi hỏi các dấu hiệu…Sẽ chẳng có dấu chỉ nào cho chúng cả”... chăng? Còn nhớ lời Chúa nói với thánh Thomas: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin(Jn 20, 29)… chăng?
Người viết sực nhớ, trước năm 1975, vô số chuyện thầy nước lạnh, thầy vuốt, thầy mằn, thầy pháp, thầy đồng-bà bóng, …lợi dụng sự mê tín của đám đông lũ lượt kéo đến cầu xin họ chữa trị bịnh tật để vừa vơ vét tiền của bá tánh vừa làm biết bao điều xằng bậy. Ngay bây giờ, tại quê nhà, ‘hiện tượng’ thầy bùa, thầy ngải, thầy pháp ‘chữa lành’ nầy còn rộ nở hơn bao giờ hết!
Một lần nữa, xin những bậc cao kiến chỉ dạy cho tôi rõ: Người công giáo chân chính có nên mê tín, dị đoan chăng?
Trong khi chờ đợi được chỉ giáo, tôi cố tự tìm hiểu về ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng, đặc biệt là làm sao giải thích việc qui định sử dụng màu tím -vốn được xem như màu tang tóc ưu sầu-cho Mùa Vọng. Và đây là câu giải đáp:

MÙA VỌNG: MÙA MÀU XANH

1. Mùa Vọng là mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người.

Lần thứ nhất, do hy vọng, Người đến gieo ơn cứu rỗi và lần thứ hai, cho hy vọng, Người đến gặt những gì mình đã gieo và giữa hai lần đến chính thức ấy là cơ man nào mà kể những lần âm thầm đột xuất ngẫu hứng bất ngờ.
Và bất ngờ lớn nhất giữa những cái bất ngờ vẫn là cái giờ và cái cách Chúa đến với mỗi cá nhân trong cảnh tranh sáng tranh tối của họ giữa chốn chợ đời. Mùa Vọng là mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người.

2. Mùa Vọng là mùa con người hy vọng vào Thiên Chúa.

Thiên Chúa hy vọng vào con người là để cho con người được hy vọng vào Thiên Chúa, và bởi Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người qua những đường đến bất ngờ, nên con người chỉ có cách là hy vọng vào Thiên Chúa qua niềm tỉnh thức không mỏi mệt của mình.
Tỉnh thức trong hy vọng là nhận thức rằng người đời có một Thiên Chúa yêu thương và đời người có một vận mệnh tương lai.
Tỉnh thức trong hy vọng cũng là canh thức để cộng tác với ơn Chúa mà thể hiện niềm hy vọng đời mình.
Và cuối cùng, tỉnh thức trong hy vọng cũng có nghĩa là thao thức thường xuyên cùng với Giáo Hội để gieo niềm hy vọng vào chính môi trường mình sống.
Sống Mùa Vọng như thế chính là sống niềm hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng hy vọng vào con người. Và như là vật êm đềm gợn sóng màu xanh lên chính cuộc đời tín hữu của mình. Mùa Vọng là mùa màu xanh.

MÙA VỌNG: MÙA MÀU TÍM

1.Sám hối mang màu hy vọng không cúi gập trên những lỗi lầm của mình mà hướng mở về tình thương Thiên Chúa.

Sẽ là thất vọng nếu chỉ nhìn tội mình mà quên nhìn tình Chúa và sẽ là vô cùng ảo vọng nếu chỉ nhìn tình Chúa mà quên nhìn tội mình; nhưng sẽ là hy vọng dâng đầy cho những ai vươn lên tình yêu Thiên Chúa khởi đi từ lòng sám hối tội lỗi của mình. Hình như trong lời kêu gọi “hãy sám hối’’ đã có tiếng giục giã “hãy hy vọng’’,và sở dĩ Gioan Tẩy Giả kêu gọi sám hối hôm nay là bởi vì đã có niềm hy vọng dọn đường chờ mong Chúa đến.

2. Sám hối mang màu hy vọng không dừng lại trong nội vi tâm thức mà biết tỏa rộng lên cả cuộc đời.

Sám hối Mùa Vọng đâu phải là thứ sám hối như thế, mà thật ra phải là thứ sám hối toàn diện đúng mức với lòng hối cải, vốn bao gồm hai động tác cơ bản đan xen: “hối’’ có nghĩa là hối lỗi và “cải’’ là chữ nói tắt của chữ cải thiện. Nếu hối lỗi là mặt tiêu cực thì cải thiện là mặt tích cực. Nếu hối lỗi là đoạn tuyệt với quá khứ tội lụy, thì cải thiện là lời quyết tâm dấn bước vào một tương lai tươi mới. Và đến khi sám hối trở thành một thói quen ăn sâu vào trong nhịp sống để nổ lực chuyển đổi không ngừng lên những tình trạng tốt hơn thì đó chính là một cuộc lột xác đổi đời.

3.Sám hối mang màu hy vọng biết vượt qua những động tác để trở thành một thái độ sống.

Thực ra sám hối mang màu hy vọng không đơn thuần là một động tác cho bằng là một thái độ. Sám hối là một thành phần của đời sống đức tin, nhưng lại gói ghém và len lỏi vào mọi ngõ ngách của toàn bộ cuộc sống đức tin ấy.
Sám hối mang màu hy vọng là sám tìm về tình thương Thiên Chúa, chấp nhận thay đổi cuộc đời và biết để cho ơn tha thứ thấm đẫm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống đức tin. Đó là sám hối Mùa Vọng chuẩn bị đón lễ Noel, nhưng đó cũng là thái độ thường xuyên của đời tín hữu. Và cũng vì có sám hối như vậy, Mùa Vọng đúng nghĩa chính là mùa màu tím từ bên trong ra bên ngoài và từ ngôn ngữ tới hành vi.

MÙA VỌNG: MÙA MÀU HỒNG

Nếu khởi đầu Mùa Vọng là một màu xanh của những tâm hồn biết rằng Thiên Chúa hằng hy vọng vào mình và hành trình Mùa Vọng là một màu tím của những cuộc đời sám hối, thì ở giữa lòng Mùa Vọng, đời người đã được đặt vào một vận hành mới với một năng lực mới cho một cuộc đời mới. Những cái mới ấy Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay diễn tả bằng một niềm vui và lễ phục minh họa bằng một tông màu bất ngờ tươi sáng để cùng với Giáo Hội… Xin được gọi tên Mùa Vọng là mùa màu hồng.
Vâng! Màu hồng. Nhưng không phải là một thứ ửng hồng e lệ của tình yêu buổi đầu gặp gỡ, cũng không phải là thứ bột hồng điểm trang của hương phấn trong ngày lễ hội, mà chính là màu hồng của niềm vui chan hòa và những chí bền chiến đấu làm nên sức sống và sức mạnh không ngừng gieo hưng phấn trên hành trình đức tin.
Sẽ là dị ứng co cụm nếu chỉ thở dài thất vọng, nhưng sẽ là bản lĩnh hy vọng nếu biết vươn lên khẳng định niềm tin.
(Vũ Duy Thống, Gm)
-o-o-o-o-
Người Do Thái tin rằng việc Chúa sống lại sẽ xảy ra vào ngày tận thế! Các Ki-tô hữu đầu tiên nghĩ rằng Chúa phục sinh khi họ còn sống. Và họ đợi chờ Chúa quang vinh trở lại một ngày gần đây thôi. Nhưng ngày ấy xem ra coi bộ hơi…lâu. Nên họ thua buồn, muốn…ngủ gục hơn là thức canh! Do đó thánh Luca nhắn nhủ họ nên chú tâm đến các dấu chỉ sẽ đến với họ. Nhưng thánh Luca nhấn mạnh chớ run sợ, chỉ cần tỉnh thức. Không nên kinh hãi, vì với việc Chúa đến, thế giới cũ đã ra đi. Tận thế đã khởi sự rồi. Một tân thế giới đang khai sinh. Cần nhận biết các dấu chỉ về sự chuyển biến nầy. Phải luôn thức canh để chuẩn bị việc Chúa trở lại. Tận thế ư? Chớ quan ngại. Trái lại là khác, vì không phải những khốn khổ, bất hạnh sẽ kéo tới, mà chính Con Người đầy quyền năng và vinh quang sẽ đến với chúng ta!
“Cho nên, phàm một ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới cả. Thế giới cũ kỷ đã qua đi và nầy đây một thực tại mới đã lộ diện.”
(2 Cor. 5, 17)

Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, mùa đông 2009
-Lê Tân Lộc
-