Thursday, November 25, 2010

CHÍNH TRỊ HAY TỪ THIỆN?





Nhân đọc một bài viết của bậc thức giả Vũ Ngọc Tân.

CHÍNH TRỊ HAY TỪ THIỆN ?
-Lê Tấn Lộc-

Càng lúc tôi càng nghiệm đúng xứ Chuột Túi quả là đất động nên nhiều “hiện tượng” (“phénomènes”) liên tục xuất hiện:
Vừa qua cơn bão nổi răn đe “không có cơ sở” bà con trong và ngoài nước chớ có rục rịch “âm miêu” lật đổ chế độ XHCNVN mà đứt cổ đấy, do một khuôn mặt rất có “tầm cỡ” trong Cộng Đồng Người Việt tại Úc quảng bá, thì nay lại tới phiên một đại thức giả -xin chớ đảo ngược thành giả thức mà mang tội châm chọc- hiên ngang cổ võ nhào vô làm từ thiện phi chính trị ở một nơi chốn độc tài chuyên chính là cơ cấu chính trị được đúc bằng bê tông cốt sắt 100%, chứ không bằng đất bùn trộn cát quấn chặt cốt tre đâu nhé, thường được nhà đương cuộc dùng xây cất cầu cống trong nước!

Thức giả Vũ Ngọc Tấn quả thực đã bỏ nhiều công sức và nhiệt tâm viết một bài nhận định rất công phu, thoạt nhìn rất… “sâu sắc” -xin chớ nói lái kiểu người miền Nam VN,  kẻo mang tội ác khẩu!
Kẻ ngu giả tầm thường nầy xin mạo muội góp vài ý thô thiển với bậc thức giả phi thường, nhân tiện trao đổi tầm nhìn hạn hữu của mình với bạn đọc  của bán tuần báo Việt Luận.

Rất may cho đọc giả và tôi, khi chọn đăng bài viết “Từ thiện & Chính trị: Việc giúp những người nghèo khổ ở Việt Nam & Chuyện cô Tim Aline” của đại thức giả Vũ Ngọc Tấn (VL #2509, thứ sáu 12 tháng 11/2010), Ban Biên Tập VL đã  lên tiếng trước trong LTS: “…quan điểm trong bài viết này không hẳn là quan điểm của Việt Luận”…
Vậy thì các góp ý của tôi cũng không nhất thiết được  BBT/VL tán đồng. Đọc giả cũng như tác giả Vũ Ngọc Tấn vẫn có thể phản bác. Cho rộng đường dư luận vậy mà!

-0-0-0-

Để quí bạn đọc tiện theo dõi, xin phép trình bày vài phần góp ý của tôi dưới hình thức “đối thoại”giữa ngủ giả-giả ngủ tôi và thức giả-giả thức Vũ Ngọc Tấn:

1)Về “việc giúp những người nghèo khổ ở VN”.

a) Thí dụ “trớt quớt”, lý luận quái chiêu!

-VNT: Ta đi qua một vùng ngoại ô thành phố - một đứa bé bị xe đụng – và tài xế gây ra tai nạn bỏ chạy luôn- Đứa bé nằm bên đường, dập ngực, chờ mong ta dừng xe lại, cứu giúp và đưa em vô nhà thương. Ta nhìn quanh, thấy em nằm rên la trước cửa một căn nhà. Ta lái xe đi luôn, lòng tự nhủ: chủ nhà đó ở gần em hơn, thì chắc chắn là phải giúp em. Còn ta- ta chỉ là kẻ qua đường, không phải là chuyện của ta.
Câu chuyện trên nêu lên hai chiều hướng suy luận: về mặt pháp lý- ta có thể không bị truy tố trước pháp luật khi ta nhìn thấy một người trong cảnh khốn cùng nhưng đã bỏ chạy. Nhưng về mặt lương tâm- nếu ta còn chút lương tâm- ta có nghĩ là sẽ bị ám ảnh suốt đời vì sau đó em bé có thể đã chết do lòng vị kỷ của ta?

-LTL: Quả thật tôi không hiểu nổi cao kiến của thức giả. Đưa thí dụ về đứa bé bị tai nạn, chủ nhà kế cận và người đi đường, phải chăng thức giả muốn mọi người hiểu đứa bé bị tai nạn là người dân nghèo khổ ở nội địa, chủ nhà gần nơi xảy ra tai nạn là nhà cầm quyền và bọn tư bản đỏ trong nước giàu sụ; còn người đi đường là… “khúc ruột ngàn dặm-con bò sữa hải ngoại” của bọn chúng? Ngu giả tôi xin hỏi thức giả phải chăng tài xế gây tai nạn rồi “vô tư” bỏ mặc nạn nhân là tay chân của đám giàu sụ kia, chẳng thèm động móng tay cứu người lân cận mà họ đã tận tình trấn lột; để rồi thức giả quy trách “con bò sữa hải ngoại” là vô tình, là…ích kỷ? Khúc ruột ngàn dặm nếu không có cơ may vượt trùng dương đến bờ bến tự do thì cũng cùng chung số phận như em bé bị tai nạn thôi! Thức giả còn nhắc khéo “nếu ta còn chút lương tâm”… Ta mới cần có chút lương tâm. Còn họ thì được miễn? Em bé bị tại nạn chết vì “lòng vị kỷ của ta”! Ta, chứ họ -người ruồi gieo máu lửa- thì không vị kỷ đâu, vì…vô can mà! Ngu giả hết phương theo nổi lý luận cao siêu của thức giả!

-VNT: Để cho chính phủ VN và các tư bản đỏ lo từ thiện:
Nay xin trở về với những người nghèo khổ bất hạnh tại Việt Nam ngày hôm nay. Một lập luận thường nghe lặp đi lặp lại nhiều lần- mà có nhiều người- kể cả các vị trí thức khoa bảng cho là chí lý: VN hiện nay có biết bao tư bản đỏ. Bọn chúng mỗi kẻ có cả tỷ đô la Mỹ trong ngân hàng. Mỗi năm VN có 23 tỷ đô la do viện trợ nhân đạo: Viện trợ quốc tế 3 tỷ, người Việt hải ngoại gởi về mỗi năm 10 tỷ, 10 tỷ do 500,000 Việt kiều du lịch về nước mỗi năm. Vậy tại sao ta không kêu gọi chính quyền CS Việt nam, các tư bản đỏ tại VN giúp người nghèo khổ? tại sao ta phải giúp? Giúp như vậy là ta đã gián tiếp tiếp tay cho chính quyền CS Việt nam, các tư bản đỏ- mà phần lớn là các cán bộ cao cấp- để chúng rảnh tay làm chuyện khác.
Xin thưa là lập luận như vậy – cũng giống như lập luận của kẻ lái xe bên đường nêu trên: nhìn thấy em bé hấp hối, nhưng không hề mảy may muốn cứu giúp em và đổ cho kẻ có nhà ở gần đó nếu không giúp em – thì tại sao ta phải giúp.
(…)Nay nói là những kẻ đó để cho chính phủ lo – và ta không cần phải biết tới- thì rõ ràng là ta đổ lỗi quanh để cho lòng ta thanh thản vì ta đã không muốn giúp ai.

-LTL: Hết cỡ nói! Thức giả quả thật có cách liên kết ý tưởng (association des idées) kỳ lạ (…lập luận như vậy…) và lối diễn dịch tuyệt chiêu -nếu không muốn nói là quái chiêu!- (ta đổ lỗi quanh để cho lòng ta thanh thản vì ta đã không muốn giúp ai. )!!! Suy bụng ta ra bụng người chăng, thức giả?

b) Ai “đáng xấu hổ”? Ai… “nên tỉnh lại”, thưa thức giả?

-VNT: Nước Mỹ, Úc là những nước giàu có, lợi tức đổ đồng mỗi đầu người một năm là từ 15 tới 20 ngàn đô la, nhưng tại sao dân Úc, dân Mỹ không đòi chính phủ dẹp các cơ quan từ thiện? và người Úc người Mỹ mỗi năm đã gây quỹ, làm từ thiện, cho từ thiện biết bao nhiêu lần, không phải là chỉ để giúp người ngoài- mà chủ yếu là giúp người khốn cùng trong nước họ. Và mỗi năm các cơ quan từ thiện như St Vincent De Paul, Austcare, Red Cross... đã giúp cho bao nhiêu người nghèo khổ tại Úc và Mỹ? Nói theo luận điệu là chính phủ có tiền thì để chính phủ lo- và tư bản đỏ có tiền sao không lo- rồi phủi tay quay đi- là một điều rất đáng xấu hổ.
-LTL: Thức giả đại nhân ơi! Phần nào thôi chứ! Các cơ quan từ thiện kể trên từ lâu đã được danh tiếng thực sự làm công tác từ thiện đích thực. Và được khắp năm châu tin tưởng trao gởi hiện kim, hiện vật. Các đoàn từ thiện “phe ta” có vươn lên tới tầm cỡ quốc tế đó chăng? Đó là chưa kể “phe ta” trước khi về trình diện nhà đương cuộc VN cũng thường hay kèn trống inh ỏi lắm. Cho nên “thủ tục đầu tiên ra mắt” khó thể né tránh. Đó là chưa kể “chi phí điều hành” của “phái đoàn” từ thiện, cho dù là thiện nguyện. (Red Cross không có mục chi tiêu nầy, cũng như không cần “hủ tục tiền đâu” lấy từ số tiền quyên góp của bá tánh giàu lòng bác ái). Xin đại nhân chớ nên kiêu căng quá mức mà đâm ra hấp tấp...phán : “Nói theo luận điệu là chính phủ có tiền thì để chính phủ lo- và tư bản đỏ có tiền sao không lo- rồi phủi tay quay đi- là một điều rất đáng xấu hổ”(?!). Họ -chính phủ và tư bản đỏ- ‘thanh thản” phủi tay quay đi sau khi chí cốt trấn lột đồng bào, phó mặc dân khố rách áo ôm thì có gì đáng xấu hổ đâu! Ta thì không được hành sử như thế, dù ta cũng suýt nằm trong đám đông khố rách áo ôm đó! Ta phải “xung phong” làm chuyện “lá rách đùm lá rách”. Có phải tiên sinh định hô hào như vậy khi khuyên nhủ “Ta có nên tỉnh lại với thực tại hay chăng?”. Dám hỏi tiên sinh: “Ta” đây là đọc giả và tôi hay là…thức giả nên…tỉnh lại?

c) Thức giả… “đâm hơi” chăng?

-VNT: Tất nhiên việc thiện nào cũng là việc thiện, nghĩa là giúp cho những khổ đau của nhân loại là điều nên làm, nhất là khi ta có phương tiện, thời gian và tấm lòng. Việc trả ơn những ân nhân của chúng ta là việc phải và đúng. Tuy nhiên nói là: Ta giúp người nghèo ở VN như vậy là quá đủ, nay ta phải quay đi giúp đỡ đền ơn những người khác- thì đây là một lời khuyên nhủ không phải là dễ nghe: Tôi đang yêu thương một người đàn bà, và lòng tôi chỉ rung động vì cô ta- nay bảo tôi đừng yêu, đừng rung động vì cô nữa mà phải rung động vì một bà khác – thì làm sao tôi rung động nổi. Mỗi người trong chúng ta có những ưu tiên riêng, cảm xúc và niềm lưu luyến riêng. Nay nếu một kẻ chỉ thấy cái khổ cuả người VN tại đất nước làm cho anh ta se lòng và muốn giúp- thì nên để cho anh ta yên thân làm cái điều anh ta muốn- vì có ép anh ta giúp nơi khác thì chưa chắc đã được khi mà lòng anh ta không muốn. Hơn nữa, anh ta đã chẳng làm một cái gì sai trái khi giúp người, bất kỳ người đó ở đâu.

-LTL: Bình tĩnh lại đi thức giả ơi! Lý luận kiểu thức giả dễ đưa tới chủ nghĩa sô-vanh (chauvinisme) mù quáng (dân tộc ta là NHẤT, ta phải luôn luôn tự hào dù phải tự hào trên đóng xương khô và đói meo bên đóng rác rưởi khổng lồ!). Nạn nhân thiên tai thì bất cứ nơi nào cũng đáng giúp. Càng lúc những ai giàu lòng bác ái càng hướng về các cơ quan từ thiện quốc tế để chọn mặt gửi vàng. Thức giả lẽ nào không thức tỉnh nhận ra nơi quê nhà đồng bào ta bị NHÂN TAI (cường hào ác bá mới) vạn lần kinh khiếp hơn thiên tai? Lẽ nào bậc cao kiến như thức giả không ý thức việc thiện đương nhiên là việc phải làm và cần làm NHƯNG…Bác ái mà không công bằng là… mù quáng, dù biết rằng công bằng mà không bác ái là…sắt máu!
Thức giả coi làm việc thiện như chuyện “yêu thương một người đàn bà”, tôi nghe sao mang máng như chuyện “xáo trộn văn chương với chả cá” của cụ Nguyễn Vỹ ngày xưa quá! Cho nên tôi nghĩ thức giả “đâm hơi” như chuyện chọc cười của cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch khi xưa: “Trời ơi! Cha tui chết! Mẹ tui chết! Vợ tui chết! Con tui chết! Bởi vậy cho nên…(thiên hạ chờ nghệ sĩ xuống vọng cổ!) VUI MỪNG VUI QUÁ VUI…SÁU BẢY NGÀY TUI VẪN CÒN VUI!”
Dĩ nhiên, tôi tôn trọng sự chọn lựa của thức giả  “muốn giúp ai thì là chuyện cuả ta- không nên ép người khác”. Thức giả cứ tự nhiên nhưng hy vọng thức giả cũng chớ nên ép đọc giả và tôi nhào vô làm từ thiện phi chính trị tại VN. Vì, thưa thức giả, phi chính trị cũng là một hình thức làm chính trị, không chọn lựa gì hết cũng là một hình thức chọn lựa: chọn lựa cách không chọn lựa  làm chính trị, nhưng làm chính trị  theo cách phi chính trị. Thức giả chắc hẳn còn nhớ: “Con người là một con vật chính trị-L’homme est un animal politique!” (Aristote).

d) Ai “giận lây”… “từ bỏ luôn…” vậy, thức giả?

-VNT: Điều quan trọng là ta đừng vì một vài kẻ có quyền thối tha, ăn cướp cơm chim này mà giận lây và từ bỏ luôn những người nghèo khổ.

-LTL: Ô hô! Ô hô! Hết ý! Điềm nhiên tọa thị phớt lờ cho tập đoàn mafia CSBV triều cống đất nước cho bọn Tầu Phù, trên xương tủy của dân đen, rồi vứt đồng bào dở sống dở chết vì thiếu dinh dưỡng ra đường cho khúc ruột ngàn dặm chập chộ cho hồi sinh để bọn bán nước tiếp tục trấn lột thì…xin hỏi  ai từ bỏ ai vậy, thưa thức giả? Đất nước mà bọn chúng -tập đoàn mafia CSBV- còn ngang nhiên  “từ bỏ luôn” huống hồ gì “những người nghèo khổ” -chuyện nhỏ, đối với chúng! Cha nhẽ thức giả kêu gọi chúng tôi hà hơi tiếp sức cho lũ ác quỉ càng lúc càng vinh thân phì gia, sinh sôi nẩy nở, luôn to mồm tự hào chúng…YÊU NƯỚC?

e) Về Nghị định số 64/2008/NĐ-CP

*Hình như thức giả VNT không tin tất cả các hoạt động từ thiện, trong cũng như ngoài nước đều phải nằm dưới sự phối kiểm của Mặt Trận Tổ Quốc. Tôi xin miễn bàn tới quan điểm cá nhân của thức giả. Nhưng cũng xin thức giả lưu ý Nghị Định nầy đã khiến các cơ quan từ thiện quốc tế (ONG) ít nhiều chùn chân, giảm bớt cường độ “dấn thân” cứu nghèo đói tại VN. Đa số công tác từ thiện tại VN giờ đây hầu hết do những đoàn thiện nguyện người Việt trong và ngoài nước phối hợp hoạt động với các đoàn thể tôn giáo và các tư nhân-Mạnh Thường Quân…nín thở qua sông đảm trách, dưới trướng của MTTQ! Không riêng gì ở VN, mà cả ở những nước bị thiên tai khác, các ONG nầy cũng ít nhiều “ê càng” với các “hủ tục đầu tiên” quá “kích xúc” với họ!
*Chuyện thức giả nói về Viet Vision Projet (VVP), cũng như chuyện mổ cờm mổ mắt cho đồng bào do quí BS hảo tâm thiện nguyện tại Úc, tôi cũng xin miễn góp ý vì tôi không ở Úc. CĐNV tại Úc chắc chắn rõ biết hơn ngu thức tôi.
*Tuy nhiên, về điểm sau đây, tôi xin được góp ý:

-VNT: “…vậy thì ta thử hỏi những người mang tiền của về VN xây chùa, đào giếng nước, xây cầu họ đã phải nộp cho nhà nước CS bao nhiêu? –Và những người xây chùa, đào giếng nêu trên, có biết Mặt Trận Tổ Quốc là ai?

-LTL: MTTQ không chỉ ở Sài Gòn hay Hà Nội. Hệ thống tổ chức của họ lan rộng tới chính quyền cấp phường, xã, ấp! “Những người mang tiền về…” nầy không nhất thiết biết MTTQ Trung Ương, nhưng không thể qua mặt phường xã ấp! Tuy nhiên, họ tương đối (nói rõ: tương đối) thoát nạn “hủ tục đầu tiên” vì những công tác từ thiện nầy không là món “béo bở” xứng đáng với khẩu vị của tập đoàn mafia. Vả lại có người bỏ công, bỏ của làm công việc mà chính chính phủ phải làm (trừ khoản xây chùa, nhà thờ…) thì việc gì họ phải dấy vào cho mất thời giờ dành “đánh mùi” các áp phe kếch sù hàng tỉ đô la?
Cho nên, tôi vẫn nghĩ rằng cách thức cá nhân “không kèn trống inh ỏi” làm việc thiện vẫn là phương thức hữu hiệu nhất để hiện kim hiện vật tới thẳng đối tượng cần cứu giúp mà không bị “thất thoát dọc đường”!
Cũng xin thức giả đừng quên, thời VNCH, không có chuyện chính phủ “bán cái” cho dân chúng hay kiều bào hải ngoại xây cất trường học, thiết lập cầu cống, đường xá, đào giếng, vét mương, v.v…Mà lúc bấy giờ đất nước đang chiến tranh, chứ đâu được thanh bình như hiện nay!
Xin hỏi thức giả, VN hiện nay có thiếu hiện kim để cứu nghèo đói chăng? Bỏ qua mục tài sản tiền rừng bạc bể mà các cán bộ CS gộc “cha mẹ dân” vùa hốt, tới đứa con nít cũng rõ biết vì nó nhan nhản trước mặt mọi người, mới đây chẳng hay thức giả có xem trên Net chuyện họ vay hàng chục tỷ đô để xây cất Cầu Sao Sa chăng? Lẽ nào thức giả quên họ gán cho VNCH trước đây là…”phồn vinh giã tạo”?

2) Về  “Chuyện cô Tim Aline Rebeaud và căn Nhà May Mắn”

Thú thật, tôi hết sức kiên nhẫn đọc tới đọc lui đoạn văn khá “ấn tượng” nầy của thức giả VNT để tìm hiểu cao kiến đứng trên mọi lập trường quốc-cộng, cùng sự can đảm của người dám suy nghĩ ngược chiều với suy nghĩ của đa số tương đối cao của đồng bào, trong cũng như ngoài nước, về chuyện từ thiện phi chính trị tại VN. Nhất là chuyện quyên góp tiền bạc của khúc ruột ngàn dặm giúp khúc ruột nghèo khổ nơi  quê nhà, do cô Tim Aline Rebeaud phát động rầm rộ khắp năm châu: Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Đức…

a) Câu chuyện  Cờ Vàng và cô Tim

Chuyện các ONG hoạt động được trong thời chiến, khi đôi bên giao tranh là chuyện thực sự xảy ra. Chuyện chào cờ và suy tôn Ngô Tổng Thống thời Đệ Nhất Cộng Hòa cũng là một sự kiện lịch sử khó phủ nhận tính cách quá lố của nó. Nhưng việc cố TT Ngô Đình Diệm bị thảm sát không kèn trống inh ỏi so với việc dân Nga Sô, Bắc Hàn, Việt Cộng, Trung Cộng được xách động đổ xô ra đường nhào lăn, giẫy giụa, quằn quại khóc kể thảm thiết khi bác Staline, bác Kim Nhật Thành, bác Hồ Chí Minh, bác Mao Trạch Đông qua đời, ít ra cũng ít lố bịch hơn nhiều.
Tuy nhiên, thức giả lôi chuyện ONG và chuyện suy tôn Ngô Tổng Thống ra để biện minh cho thái độ xấc xược của cô Kim đối với tập thể người Việt tại vùng đất định cư được mặc nhiên coi như “Thủ đô của Người Việt Tị Nạn Cộng Sản” là…trật lất, vừa không phải chỗ vừa không phải lúc!

*Thứ nhứt: Trước 75, VNCH và VC giao tranh trên đất nước VN. Sau 75, VC ngự trị sắt máu trên quê hương. Người dân bỏ phiếu bằng chân theo lý tưởng VNCH ra định cư trên vùng đất tự do nơi đất khách…Mô thức không treo cờ bên nầy hay bên kia khi hai bên đang lâm chiến không còn ứng dụng nữa…Hãy thử về VN trương cờ vàng ba sọc đỏ xem!
Ngược lại muốn trương cờ đỏ sao vàng tại Little Saigon hay tại Đại Hội Giới Trẻ ở Úc cách đây vài năm, ắt sẽ thấy ngay phản ứng của các phe liên hệ! Khác nào mang cờ Á Rập vô nhà thờ Do Thái và ngược lại! Y như muốn mang cờ Vatican cắm trên nóc chùa và đem cờ Phật cắm trên nóc nhà thờ!

*Thứ hai: Từ đó, tôi nhận thấy cô Tim tùy tiện hành sử như chỗ không người. Hình như cô quên chuyện nhập gia tùy tục. Đồng ý chào cờ hay treo quốc kỳ nên trong khung cảnh trang nghiêm. Nhưng có lẽ thức giả chưa biết hết chi tiết về chuyện xảy ra ngày 25/10/2008 tại Trụ sở CĐNV vùng San Fernando:
Đó là trụ sở sinh hoạt của hội đoàn nầy, nên Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đương nhiên được treo thường xuyên, biểu hiện “căn cước” của tập thể đó. Cô Tim đến tập thể nầy quyên góp tiền bạc. Cô bước vào nhà của tập thể nầy để xin tiền cho căn Nhà May Mắn do cô “chủ động” dựng nên ở VN. Cô là người đi xin, chủ nhà là người cho. Ấy thế mà cô trịch thượng ra lịnh cho gia chủ hạ cờ vàng ba sọc đỏ của họ thì cô mới…chịu nhận tiền! Cô nầy ngon nhỉ? Chưa hết, cô đòi triệt hạ hết các huy hiệu liên quan tới tập thể nầy treo trên tường! Sẵn trớn, cô “tới luôn bác tài”, yêu cầu Ban Tổ Chức gở huy hiệu CĐNV San Fernando mà họ đang gắn trên ve áo và đeo huy hiệu Tim-Maison de Chance của cô lên! Điều không thể hiểu nổi là BTC thỏa mãn tất cả yêu sách của người đến xin…bố thí! Có lẽ các vị không nỡ vì thái độ quá hách xì xằng của cô Kim mà “giận lây và từ bỏ luôn những người nghèo khổ” như thức giả đang khuyến nhủ chúng tôi chăng?
Hãy thử đặt ngược vấn đề: Cô Kim về Hà Nội, đến một cơ quan công quyền xin tiền giúp cô nhi quả phụ VN ở hải ngoại và yêu cầu họ hạ cờ đỏ sao vàng xem sao!
Tôi thấy thức giả cố gắng đến tuyệt vọng, quanh co bào chữa cho thái độ phách lối vô song của cô Kim đến độ bất công với tập thể người Việt hải ngoại….
Thế mới biết “bác ái mà không công bằng là…mù quáng”!

*Thứ ba: Dám hỏi thức giả có dịp nào đến tận nơi để xem các cư dân được tuyển chọn vào căn Nhà May Mắn của cô Kim chưa? Riêng tôi, được hai người bạn làm việc từ thiện với tư cách “cá nhân” đến tận nơi quan sát: Như một thế giới huyền diệu của Alice. Các em, một số bị khuyết tật, được ăn mặc tươm tất, lo lắng từ miếng ăn, thức uống, có máy vi tính riêng…Nói nhanh, các em được chăm sóc như tuyển sinh trong Quốc Tử Giám! Một ốc đảo sang trọng lẻ loi mọc lên giữa vùng sình lầy khốn cùng, nghèo đói, bệnh tật bao quanh!
Đó là chưa kể, nếu có thì giờ chịu khó tra cứu -và nếu được phép tìm hiểu- lý lịch của các tuyển sinh, chắc sẽ khám phá nhiều ngạc nhiên đến sững sờ! Ở chế độ XHCN không gì có thể đương nhiên mọc lên khơi khơi, nếu không có sự gật đầu cho phép của “trên” (nói theo ngôn từ của cán bộ trung kiên với chế độ)!

b) Nhận xét của thức giả về cô Tim:

-VNT: “Vậy xin nhìn cô Tim dưới khía cạnh thực tế của sự việc- và những suy nghĩ về cô nên có hai chiều: cô không phải tới đây chỉ để làm vừa lòng ta, để gây được chút quỹ cho các em mồ côi, tật nguyền - nhưng cô cũng phải làm sao cho chính quyền cộng sản để cho tổ chức cuả cô được sống còn và cô có thể tiếp tục công việc từ thiện của cô”
-LTL: Thức giả nhận định thế không phải là không có lý có tình: lý là hiểu cô ưu tư về việc duy trì cơ ngơi của đã bỏ công dựng nên; tình là thông cảm cho cô về những khó khăn có thể gặp phải với CSBV về việc tiếp cận với cờ vàng. Thế nhưng, chẳng lẽ CSBV khi cấp giấy phép hành nghề từ thiện cho cô lại không rõ là cô ra nước ngoài xin tiền, chủ yếu là nhắm vào tập thể người Việt bỏ nước ra đi vì…muốn trốn CSBV? Mà muốn xin tiền thì dù muốn dù không cũng phải lấy lòng tập thể nầy chứ! Thế mà cô ngang nhiên kêu họ “dẹp cờ vàng”! Nếu không phải có dụng ý thóa mạ người tị nạn CS (theo khuyến cáo hay theo chỉ thị của CSBV) thì là gì vậy, hở thức giả VNT? Không cần làm vừa lòng người cho mà cốt yếu là làm đủ cách để được lòng người cấp phép cho cô hoạt động, dù người nầy chẳng bỏ ra một xu cho cô dựng nên căn Nhà May Mắn! Người chẳng thấy như thế là quá bất công với chúng ta chăng?

c) Nhận định kết thúc

-VNT: Nay nếu một số người trong cộng đồng VN hải ngoại đã quá chán ngán chuyện chính trị- mà chỉ muốn làm việc nhân đạo- phi chính trị- thì xin để cho người ta yên thân làm công việc của người ta và đừng bắt người ta phải làm việc dưới bất cứ một biểu tượng chính trị nào, dù rằng biểu tượng đó đối với chúng ta là thiêng liêng, là tốt đẹp như thế nào đi nữa.

-LTL: Tôi thực sự “hết hồn” với đoạn kết thúc có tính phát quyết chung cuộc của đại thức giả VNT! Tôi chưa rõ thân thế và sự nghiệp của người nên tôi chưa dám “phán quyết” về người, e ngại người cho tôi có ý định “chụp mũ” người muốn hồi sinh cái thây ma “hòa hợp hòa giải dân tộc” chết đã từ lâu mà chưa chịu đem chôn!
Tôi nghe thoang thoảng đâu đây giọng điệu của các đấng tự cho là “thành phần thứ ba-đứng trên mọi lập trường” -vì...có lập trường đâu mà đòi đứng trên!- một thời ong óng ra rả trên chính trường VNCH trước 75...
Chưa nói đến chuyện tìm hiểu người có nếm đủ mùi ca ngâm sau ngày Bắc quân tràn  ngập miền Nam VN, như cải tạo, kinh tế mới, đổi tiền, đánh tư sản, đốt sách, vượt biên, v.v...Chỉ xin tạm hỏi người có muốn xù bài, bôi xóa hay sửa chữa lịch sử trước và sau ngày 30 tháng 4/1975 chăng?
Có phải người muốn “con cháu của chúng ta: những người sinh sau năm 75 (...)là những người không hề biết và có kinh nghiệm xương máu gì với cộng sản, những người di dân theo diện đoàn tụ gia đình, những sinh viên học sinh du học và xin ở lại,v.v...” hoàn toàn mù tịt về câu chuyện vô tiền khoán hậu của hàng triệu người VN bỏ nước ra đi vì lý do gì chăng?
Hitler tiêu diệt 6 triệu dân Do thái. Staline, mấy chục triệu dân Nga. Mao Trạch Đông, suýt soát trăm triệu. Bắc Hàn tràn sang vĩ tuyến 38 tấn công Nam Hàn. CSBV tràn sang vĩ tuyến 17 cưỡng chiếm miền Nam VN! Không ai sửa đổi các sự kiện lịch sử nầy...
Lịch sử vẫn còn đó, thức giả VNT ạ!
-0-0-0-
Thức giả Vũ Ngọc Tấn ơi!
“Không phải ai cũng được may mắn làm dân Thụy Sĩ” (J-P Sartre)
Và xin người nhớ cho:
“Ồn ào ít khi làm nên đều tốt, việc thiện ít gây tiếng động”! (St-Françcois de Sales)

Thôn trang Rêu Phong, cuối thu 2010
-Lê Tấn Lộc-






Thursday, November 4, 2010

HỌA PHÚC KHÓ LƯỜNG

Họa phúc khó lường…
Quyền họa phúc trời tranh mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai
Cái quay bún sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm

Sư rằng phúc họa không lường…”. Câu thơ ngày nào thì thầm đọc trên đường về lại Hòn Ngọc Viễn Đông từ Kinh Đô Ánh Sáng, non nửa thế kỷ về trước, chợt lóe lên trong đầu tôi đang ngồi trên ghế đá công viên Bạch-Mã, cúi nhìn giòng nước nhánh sông Saint-Laurent cuộn xoáy tuôn chảy xuyên qua Thôn Trang Rêu-Phong (Pierrefonds), ngoại ô thành phố Mộng-Lệ-An (Montréal) Xứ Tuyết Gia-Nã-Đại (Canada)…
Ngỡ ngàng như giấc chiêm bao!

Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau

“Ông đồ già kiêm lính yếu”, biệt danh “Thạch Động Cuồng Hĩệp sĩ” tôi “bừng con mắt dậy thấy mình tay không…”, cúi nhặt viên sỏi ném xuống giòng sông -chứng nhân biết bao lần hắn cuồng nhiệt trút đổ cuồng nộ qua âm thanh gầm thét của cơn nước lũ- ngao ngán lắc đầu thở dài:

Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu…
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê…
-0-0-0-

“Dạy học không phải là nghề, mà là nghiệp.
Tôi đam mê dạy học”
-LTL-
Ngày đó, 44 năm về trước, phẫn nộ nhận sự vụ lệnh của Bộ Giáo Dục chỉ định nhiệm sở mới, tôi tức tối lái xe đến Trường Trung học Trịnh Hoài Đức (Bình Dương) nhận việc, hậm hực cảm thấy mình chịu một sự bất công quá sức vô lý, sau khi đã hoàn tất 4 năm mặc áo trận như mọi công dân tới tuổi nhập ngũ theo lệnh động viên:
Theo thể lệ hiện hành về công vụ, tôi được ưu tiên chọn phục vụ tại Sàigòn, Gia Định hay ít ra cũng tại Chợ Lớn, so với các đồng nghiệp chưa thi hành quân dịch. Ấy thế mà họ lại ưu tiên hơn kẻ đã từng xông pha nơi chiến trận! Đáng giận hơn nữa, trong đơn xin thuyên chuyển tôi ghi rõ, vì lý do an ninh, yêu cầu Bộ GD tránh đưa tôi về một nơi mà tôi đã từng đối mặt chiến đấu với địch quân: Bình Dương!
Càng buồn lòng hơn nữa là lúc bây giờ BTX, thằng bạn học cùng trường với tôi phụ trách hồ sơ chỉ định nhiệm sở, ông Tổng Trưởng NVT là người láng giềng cùng tỉnh, ông Đổng Lý Văn Phòng LCT, trước đó 6 năm, là người chứng kiến Phái Bộ Văn Hóa Pháp (Mission Culturelle Française) phỏng vấn, tuyển chọn cấp học bổng cho tôi du học!
Khi tôi lên tiếng phản đối bị đối xử bất công, cả ba “ngài” cho biết không muốn mang tiếng “nâng đỡ” người thân quen! Ấy thế mà mãi về sau tôi mới rõ ra ba vị “chí công vô tư” của tôi chẳng có vô tư chí công chút nào hết: Một lô thân quen khác của các “ngài” được điều động từ các tỉnh xa xôi về…thủ đô! Dễ hiểu hết sức mà lúc bấy giờ tôi chẳng hiểu ra: Tôi không nằm trong “phe nhóm” cần thiết cho “sự nghiệp chính trị” của các ngài trong tương lai!
Thế nhưng cái mà tôi cho là vận xui, là “họa” dần dần hiển lộ là…một cơ may, một diễm “phúc”: Không ngờ “nhờ” cách đối xử bất nhẫn của ba vị “thân quen”nầy, từ ngày đặt chân xuống khuôn viên trường THĐ, đời tôi chuyển biến ngoài dự liệu của ba vị “chí công vô tư” giả hiệu, cũng như của chính tôi!
***
Con đường từ ngã ba Bình Triệu chạy qua các địa danh Đồng Chó Ngáp, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Búng, Phú Văn, dẫn tới tỉnh lỵ Bình Dương là lộ trình quá quen thuộc với tôi suốt thời gian phục vụ tại Sư đoàn 5, lúc bấy giờ bản doanh đặt tại Biên Hòa.
Ngày đó -ngày đầu tiên tôi lên đường đáo nhậm đơn vị, tiểu đoàn 3/8, trấn đóng tại Phú Thứ và Thùng Thư- tôi cùng các chiến hữu thuộc quyền ghé qua chợ Bình Dương mua lương khô mang theo đi hành quân: Mỗi người chúng tôi đều choàng vai một poncho cuộn tròn như một khúc dồi khổng lồ, bên trong chứa gạo, bao quanh dây ba chạc với vài trái lựu đạn treo lủng lẳng…
Tình cờ một người “dân sự” trố mắt nhìn tôi, kêu lên:
-Trời ơi! Sao đến thế nầy hở L.? NTQH -bạn cùng khóa Đại Học Sư Phạm Đà Lạt lắc đầu ngao ngán như “thương hại” cho thân tôi!
-Có gì đâu bạn hiền! Phận sự công dân trong thời chiến thôi! Tôi trả lời người bạn đồng môn, lúc bấy giờ là giáo sư Pháp văn của trường Trịnh Hoài Đức.
Nào ngờ 4 năm sau đó, cởi chiến y, tôi lại quay về “chốn cũ”! Nhưng lần nầy trong tay không một tấc sắt để…tự vệ! Dường như tôi có duyên nợ chi đây với “linh địa” Bình Dương !
Những diễn biến sau nầy cho thấy quả thật những thăng trầm trong đời tôi hầu như gắn liền với ngôi trường dần dà trở thành gia đình thứ hai của tôi. Những gì tôi nghĩ là họa, nghiệm ra là phúc và…ngược lại!
***
Buổi tiếp xúc đầu tiên -khá “đặc biệt”- với học sinh diễn ra tại khu Trường Nữ, cách khu Trường Nam khoảng 2 cây số, chưa kể lối dẫn vào khu trường ốc nằm giữa “đồng không mông quạnh”, cách lộ chính (QL 13) non nửa cây số, gần Chợ Búng, nơi có doanh trại của một đại đội Địa Phương Quân và một Cuộc Cảnh Sát đối diện. Sát bên Cuộc là quán bán bún nem nướng, nem chua nổi tiếng vừa ngon vừa lịch sự với cô chủ quán, thôn nữ dịu hiền, niềm nở, sắc diện “ưa nhìn”, nên khách thập phương ra vào tấp nập…
Bước xuống chiếc Dauphine cà tàng (thuở ấy đã là le lói lắm, trong giới gõ đầu trẻ), kính đen chễm chệ trên sóng mũi, một tay cầm ống điếu, tay kia chống dù, dáng điệu hơi “hiên ngang” (mới cởi quân phục mà!), tôi “hùng dũng đếm bước quân hành” lên cầu thang tiến về hướng lớp học. Nhưng kỳ lạ thay, các nữ môn sinh của tôi không xếp hàng dọc bờ tường, chờ tôi ra hiệu cho vào lớp. Trái lại, các em xếp hai hàng làm thêm một hành lang thứ hai trên dãy lầu…Rồi tự động quay mặt đối diện nhau, đồng loạt đưa một tay lên cao, tạo nên một hành lang danh dự đón chào tôi! Y như hàng rào danh dự làm bằng tay kiếm tuốt trần của các bạn đồng khóa đón chào vị sĩ quan xuất thân Trường Võ Bị Quốc Gia choàng tay cô dâu trong ngày cưới! (Mãi về sau, tôi mới rõ cách “dàn chào” đặc biệt nầy chỉ diễn ra một lần duy nhứt, trước tôi và sau tôi không hề có…)
Kể từ giây phút đó, tôi cảm nghiệm đã kết hôn với tập thể THĐ, như đã ước hẹn từ lâu với một duyên số đã được an bài tự thuở nào!
Tâm trạng u uất như bị “lưu đày” vụt tan biến như đám mây đen bị gió cuốn đi. Trời trở lại quang đãng trong tâm hồn kẻ vừa tạm giã từ vũ khí trở về với công tác giáo dục thuần túy mà hắn đã được đào luyện từ lâu…
Họa “bất công” bất ngờ biến dạng thành phúc tìm được đúng môi trường phục vụ…

Nhưng mây đen lại kéo về hăm dọa người cựu chiến binh vào mùa Xuân đầu tiên của tôi (Xuân Đinh Mùi, 1967) với Trường THĐ: Tôi đang trình bày “Khoái lạc và Đau khổ’” cho lớp Đệ Nhất A1 Nữ thì có hai thanh niên VC giả dạng nam sinh THĐ sang bán báo Xuân đột nhập khuôn viên trường, ép buộc giáo sư và các nữ sinh tập họp ở sân cờ để tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước”. Bất ngờ có hai chuẩn úy trẻ của đại đội ĐPQ đèo nhau trên xe gắn máy Suzuki chạy ngang cổng trường, có lẽ chỉ muốn ngắm nhìn vô tội vạ các nữ sinh xinh xắn thôi, chẳng hay biết chuyện gì đang xảy ra trong sân trường. Hai tay VC rượt theo, nổ súng sát hại…Tới nay tôi vẫn chưa quên cảnh tượng hai nụ cười tươi tắn của hai chàng sĩ quan trẻ vụt tắt ngấm vài giây sau đó, cả hai hoàn toàn “vô tư” tử nạn, không một tấc sắt trong tay!
Chắc chắn mấy ông “quan” giáo dục “chí công vô tư” của tôi chẳng thể nào hình dung nổi những hiểm nguy đang rình rập người lính chiến, “tay không” trở về nơi đã từng in dấu giày trận của hắn, giờ đây phải mặt đối mặt thường xuyên với kẻ cựu thù gần như vô hình nhưng cực kỳ nguy hiểm!

Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí: Hơn nửa giờ sau, viên trung úy già, đại đội trưởng ĐPQ (gốc giáo phái đồng hóa) ở chợ Búng mới dẫn quân tiếp cứu! Hai tên sát nhân đã cao bay xa chạy! Không rõ ông quan hai nhà ta nghĩ gì mà thẳng thừng ra lịnh bắt tôi và đồng nghiệp LĐC giải giao cho Cuộc Cảnh Sát, với lời cáo buộc “hai ông giáo nầy dẫn VC vào trường (sic!) phục kích giết sĩ quan” !
Họa dồn dập tới tấp tưởng chừng “thân bại danh liệt” tới nơi. May phước thay ông Trưởng Cuộc Cảnh Sát bác bỏ lời cáo buộc vô lý của ngài quan hai gốc giáo phái: Ông ngỏ lời xin lỗi “hai thầy” đã phải chịu nhục bị giải giao cho nhân viên công lực, rồi quyết định trả tự do cho hai chúng tôi. Cũng kịp thời, vì giáo sư và học sinh nam nữ THĐ đang chuẩn bị “xuống đường” kéo tới chợ Búng “biểu tình” phản đối chuyện bắt giữ vô cớ “hai thầy” của Trường…
Quả thật, họa phúc khó lường! Và vòng lẩn quẩn phúc-họa-họa-phúc còn tiếp diễn dài dài, suốt thời gian tôi phục vụ tại trường THĐ…
***
Q
uả nhiên! Nghỉ ăn Tết xong, trở lại bục gỗ, tôi lại mắc “họa”. Lần nầy không do “du kích xã” rình mò ám hại mà bị “đồng minh” Đại Hàn, trong toán Công Binh Ong Biển (Sea Bee) sang giúp VN thiết lập hay sửa chửa đường xá, cầu cống trong các làng xã xa xôi, hẻo lánh -đặc biệt giúp tu bổ phòng ốc cho trường THĐ- công khai đe dọa tính mạng! Sáng hôm đó, du kích-đặc công gài chất nổ sát hại một binh sĩ Đại Hàn đang sửa soạn tu bổ giếng nước trong sân trường Nam…(Tôi nghi ngờ có sự tiếp tay bên trong từ phía một vài học sinh, cảm tình viên -hay bị ép buộc cộng tác, vì gia đình cư ngụ trong vùng xôi đậu- của MTGPMN).
Khoảng nửa giờ sau, một tiểu đội Đại Hàn kéo tới xả súng loạn xạ, đau lòng và tức bực vì đồng đội bị sát hại trong lúc mang thiện chí ra làm công tác xây dựng. May thay, không ai trong trường bị thương hay tử nạn. Chỉ chiếc Dauphine cà tàng của tôi thọ nạn, kiếng bể hết vì trúng đạn! Riêng tôi và một nữ đồng nghiệp sắp lâm bồn bị đồng minh Đại Hàn chỉa súng quát nạt: “VC? VC?”... Kề cận cái chết trong gang tấc, chỉ cần súng cướp cò bất tử!
Hiểm họa mất mạng vì đối phương chực chờ hãm hại chưa thực sự xảy ra , nhưng rủi ro lâm nạn vì “phe ta” và “đồng minh”, xem ra rất có thể xảy đến với chàng cựu sĩ quan SĐ5/QLVNCH bất cứ lúc nào! Tai họa nầy khiến tôi nhận ra được sống tương đối an ninh trong vùng do chính phủ VNCH kiểm soát quả là một diễm phúc và càng thêm cảm thông cùng thương xót sâu đậm những ai không may phải sinh sống ở các vùng xôi đậu. Trước đây, khi hành quân, tôi đã từng chứng kiến những nhục nhằn, cơ cực của người dân bị kẹt giữa hai lằn đạn! Nào ngờ vừa cởi chiến y, tôi lại phải… sống cảnh “trên búa dưới đe” trong khuôn viên Trường THĐ, khi tôi chỉ đến để phổ biến văn hóa!
Trong khi chờ đợi mối họa thọ nạn từ hai phía, như đợi chờ thanh gươm Damoclès treo lủng lẳng trên đầu bất chợt đứt dây rơi xuống đột ngột chấm dứt cuộc hành trình nơi trần thế, tôi vẫn đều đặn bước lên bục gỗ, hăng say truyền đạt những gì tôi thu nhận được từ các tôn sư tiền bối cho các môn sinh hậu duệ. Tôi yêu thích không khí học đường và ý thức dạy học, với tôi, là một đam mê!
Hiểm họa “giữa đường gẫy gánh” giảm cường độ kinh hãi trong tôi; bởi sự kiện các môn sinh và tôi càng lúc càng gắn bó cho thấy, trong không khí chiến tranh khốc liệt, hận thù sôi sục, còn yêu thương được và còn được yêu thương quả là…phúc đức vô cùng!
***
T
ừ ngày tôi về THĐ tới nay, các vụ “bên xâm nhập nghiệt ngã dọa dẫm; bên ngăn chặn, phản ứng dữ dội” (đa phần nhầm đối tượng) xảy ra hầu như cơm bữa, mà nạn nhân lãnh đủ tai ương vẫn là thầy trò THĐ. Đôi khi cư dân quanh trường cũng bị vạ lây. Súng đạn nào biết phân biệt ta hay địch!
Trước tình thế quá “khẩn trương”, dễ dàng bị vu oan dóa họa từ hai phía, lúc bấy giờ, khi được biết tại trường THĐ chỉ có tôi là cựu sĩ quan đã từng tác chiến tại các địa danh thuộc tỉnh Bình Dương, bạn bè khuyên tôi nên tìm cách rời “chiến trận không có phương tiện tự vệ” càng sớm càng tốt…
May phước thay, dịp may bất ngờ đến với tôi trong cơn nguy ngập: Tôi đứng đầu danh sách 3 đồng nghiệp được chính phủ Tây Đức tuyển chọn -trong các giáo sư Triết và Pháp văn toàn quốc- cấp học bổng du học…tiếng Đức tại Đức để trở thành giáo sư Đức… ngữ! Con đường thoát hiểm xem ra có nhiều triễn vọng…
Cố nhiên, tôi không đành lòng rời bỏ đám môn sinh THĐ mà tình nghĩa ngày càng thắt chặt. Nhưng chính sự cảm mến của học sinh dành cho tôi sẽ là cái gai trong con mắt của phe đối phương thù nghịch. Thế nên tôi nghĩ nên tạm rời trường THĐ đôi ba năm trong suốt học kỳ của tôi ở Đức, cho bọn “xâm nhập” quên lững tôi một thời gian. Lúc trở lại với phương vị giáo sư Đức ngữ, có thể họ ít “theo dõi” tôi hơn là tôi ở lại với tư cách giáo sư triết (rất nguy hiểm, rất “phản động” trong cái nhìn lệch lạc của các đồ đệ trung kiên với chủ thuyết Mác-Lê “bách chiến bách thắng”, thực chất là “mắc chiếm mất thắng”: Mãi lo xâm chiếm, mà quên đạp thắng, tiếm đoạt không ngưng nghỉ -non stop- có ngày cũng…tuột dốc lọt xuống hố thôi!).
Thế nhưng…mưu sự tại nhơn, thành sự tại thiên. Phúc sắp đuổi được họa thì biến cố Tết Mậu Thân tang tóc, sắt máu, lôi đại họa tới phủ chụp lên quê hương! Chuyện xuất ngoại coi như hạ hồi phân giải. Trước mắt, tôi lại phải khoác chiến y lên đường tái ngũ, cận chiến với địch quân trên đường phố Sài Gòn-Chợ Lớn…
Đợt II của cái gọi là “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” do giặc Bắc phương chủ xướng chấm dứt, tôi được trả về nhiệm sở cũ. Chạy trời không khỏi nắng! Càng lúc tôi càng nghiệm đúng THĐ quả là duyên số của tôi: Rứt ra rồi lại buột vào như chơi!
Cùng lúc tôi càng thấy rõ hơn phúc-họa, họa phúc quả thật khó phận định rạch ròi. Tưởng là phúc, biết đâu là họa, nghĩ là họa, biết đâu lại là phúc! Câu chuyện mất ngựa của cổ nhân xem ra vẫn còn hữu dụng để suy gẫm thế sự…
***
V
ề lại trường cũ được một năm, hoàn cảnh đưa đẩy tôi nhận trách nhiệm mới: điều khiển trường THĐ! Phúc hay họa đây? Ngày trước tôi cho là gặp “vận xui” (họa?) bị các quan “chí công vô tư” dỏm đày ải tới đây. Bây giờ “lên” Hiệu trưởng thì… “số hên” (phúc?) chăng? Chắc chắn cả tôi lẫn các “quan” của tôi chẳng thể ngờ chuyện lưu đày trước kia giờ đây chuyển biến thành “lên chức”!
Suy diễn thêm: Tôi lỡ mất cơ may xuất ngoại, tái ngũ, có thể tử trận (họa) nhưng thật ra là cơ hội ngàn năm một thuở để nhận diện chính xác hơn chân tướng đối phương (phúc). Nếu tôi được trót lọt đi Đức thì làm gì có chuyện làm Hiệu trưởng để có nhiều phương tiện phục vụ trường THĐ hữu hiệu hơn?
Nhưng…(lại nhưng), phúc đến chưa kịp hưởng thì họa lại kéo ập tới nữa! Mùa Xuân Đinh Dậu (1969), lần đầu tiên trường THĐ tổ chức ra mắt Hiệu Đoàn, quan khách và tôi suýt vong mạng mà không hề hay biết! Vài hôm sau buổi lễ, lực lượng an ninh Tiểu khu Bình Dương khám phá 5 du kích MTGPMN còn đầy đủ vũ khí (chém vè sau Tết Mậu Thân) lẩn trốn trên trần nhà lầu 2 của dãy phòng học có cửa sổ mắt bò (cho thoáng hơi) nhìn xuống ngay khán đài trước đây đầy quan khách tham dự lễ! (Nếu lúc đó họ nổ súng thì…huyết lưu mãn địa không thể không xảy ra!)
Trực thăng quần thảo áp đảo tinh thần buộc họ buông súng qui hàng, nếu không sẽ xạ kích tiêu diệt. Họa chờn vờn trên không trung…May phước thay họ ưng thuận đầu hàng, nếu không dãy lầu mang nhiều tính chất di tích lịch sử thành lập trường THĐ đã tan tành theo mây khói!
Sau hai lần “tổng công kích”, mang chiến tranh vào thành phố đông dân cư, gieo rắc tang thương, tử biệt sinh ly, “những người anh em phía bên kia” (chữ của thành phần thứ ba -tục gọi thành phần “chàng hảng”) có lẽ thấm mệt (hay kiệt lực?) nên trường THĐ, nói riêng, không còn bị khuấy nhiễu; tỉnh Bình Dương, nói chung, tương đối an ninh hơn trước Tết Mậu Thân rất nhiều. Tôi có thể ở lại trường làm việc rất trễ, rồi ban đêm vẫn an toàn lái xe về Sài Gòn không vấn đề. Trước đó, anh chị em đồng nghiệp và tôi cùng các em học sinh thường nôn nóng đón xe đò hoặc xe lam trước 4 giờ chiều, hối hả rời trường…e ngại “mấy ổng” đột nhập bắt xếp hàng nghe tụng kinh… “kách mệnh”!
Tình hình chiến sự khắp miền Nam VN cũng lắng động thấy rõ. Hạ tầng cơ sở của MTGPMN-công cụ của CSBV đa phần đã bị “triệt tiêu”, các thành phần nằm vùng hầu hết cũng đã xuất đầu lộ diện, nếu không tử vong cũng đã rút vào mật khu theo quân Bắc xâm thảm bại trong chiến dịch “tổng dấy loạn” …chờ thời được thưởng công khi tình thế xoay chiều thuận lợi cho các quan thầy Mác-xít-Lê-nin-nít sắp tuyệt chủng!
Do đó, tôi có thể yên tâm thực hiện các dự án tu bổ, phát triển trường sở, cải thiện tương quan giữa các đồng nghiệp, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo nơi các môn sinh nhưng vẫn duy trì niềm cảm thông, hỗ trợ mọi sinh hoạt thuận lợi cho sự gần gũi, thân thương giữa thầy trò để cùng chia sẻ vui buồn như thân bằng quyến thuộc trong một đại gia đình…
Họa càng lúc càng lu mờ, phúc càng lúc càng rõ nét: Quả thật, tôi rất may mắn trong nhiệm vụ mới, nhờ sự cộng tác chân thành và hết mình của các cộng sự viên trong Ban Giám Đốc, của hầu hết các đồng nghiệp và nhân viên văn phòng, của phụ hynh học sinh cũng như của toàn thể môn sinh THĐ. Không có sự cộng tác nầy, các dự án kể trên đã không thể thành tựu ngoài dự liệu! Người anh em phía bên kia có xốn mắt cũng hết phương động thủ. Các thành phần địch “cài” vào trường để bí mật hoạt động “bể” hết: Bị chận đánh ngay Ngã tư Xa lộ Biên Hòa, họ đã phơi xác trên các chuyến xe lô chở họ vào tấn công Sài Gòn trong biến cố Tết Mậu Thân!
Nhận định về thời điểm nầy, đầu Xuân Canh Dần 2010 đồng nghiệp NVP - Hiệu trưởng kế vị tôi vào năm 1971- viết cho tôi:
“Cách đây còn chưa lâu, đã có một thời anh em mình được sống những ngày thật tươi đẹp và tràn đầy hy vọng, cùng làm một công việc thật đáng tự hào và điều quan trọng hơn hết là luôn nhận được sự cộng tác, trợ lực của thật nhiều những con người quá đỗi tuyệt vời. Những con người quý hóa đó (…) và bao nhiêu những con người đáng thân mến khác, từ công việc họ làm đến tác phong phục vụ, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức… tất cả đều đáng trân trọng và ngợi khen dù họ ở bất cứ vị trí công tác nào. Chúng ta chưa một lần nào thất vọng về họ, chúng ta cũng chưa hề nghe họ phàn nàn hay yêu sách bất cứ một điều gì cho riêng bản thân họ”.
Phúc thay cho tập thể THĐ trước 1975 được cơ hội đem hết công sức và tâm can đầu tư vào niềm tin đã góp phần cho một nền giáo dục nhân bản, khai phóng…
Nhưng …niềm vui chưa tận hưởng thì họa lại kéo tới xóa tan mọi vết tích vùng hoài niệm xanh tuyệt vời đó.
Mới đây ST, một cựu môn sinh THĐ đưa tin:
“…Ngày hôm qua em về ngang trường Nam, dừng xe đứng bên ngoài thật lâu mà lòng em thật buồn… Vì văn phòng cũ đã bị đập nát chỉ còn trơ một đống gạch vụn. (…) Phía sau văn phòng là nhiều cây ‘đa già’ rợp bóng mát. Thật ra đó là một hàng điệp tây (tên khoa học là cây cồng) già rợp bóng khoảng sân cát trắng mênh mông kéo dài tới cột cờ trước dãy lầu. Dưới gốc những cây điệp nầy bao nhiêu là kỷ niệm tuổi học trò hồn nhiên trong trắng. (Giờ đây) phía sau văn phòng trống quơ trống quác, (hàng) cây ‘đa già’ … cũng cùng chung số phận (bị đốn ngã). Khi được tin văn phòng trường Nam và cây ‘’đa già’’ không còn nữa (…) em thật buồn, vì đó là mất mát không nhỏ trong khung trời kỷ niệm ngày xưa cũ”.
Tôi bồi hồi xúc động đến nhói tim, dù biết trước chuyện đau xót nầy sớm muộn gì cũng phải xảy ra: Những ông chủ mới cầm quyền hiện nay vốn chủ trương xóa sạch mọi dấu tích liên quan tới chế độ VNCH, kể cả những công trình giáo dục. Mùa Xuân Quý Mùi 2003, nhân chuyến về thăm lại trường xưa bạn cũ, tôi được em cựu học sinh THĐ, lúc bấy giờ là giám hiệu, cho biết dãy lầu đầu tiên của trường sẽ bị đập bỏ, nhưng văn phòng hiệu trưởng sẽ được giữ lại như di tích văn hóa. Nhưng “trên” quyết định khác, nên ông giám hiệu được “cám ơn” sau đó. Bao giờ sẽ tới phiên tượng đài ông Trịnh Hoài Đức bị bứng đi cho trọn chu kỳ đập phá, triệt hạ tất cả những gì còn nhắc nhớ có thời trườngTHĐ đã được hưởng một truyền thống giáo dục hoàn toàn…tự do, bình đẳng, miễn phí?
Cứ cái đà biến mọi ngành nghề cả nước thành buôn bán “vô tư”, ngành giáo dục “đào tạo” trong nước hiện nay đã trở thành một “đại-học-miễn-học” vẫn tốt nghiệp…tiến sĩ! Tên hành nghề “nhổ răng và thiến heo”, học lực chưa quá lớp ba trường làng -qua quá trình “hồng hơn chuyên”- chỉ cần 30 giây làm thủ tục “đầu tiên-tiền đâu”, chung-qua- chung-lại với nhau (tiền trấn lột bá tánh mà!) là có thể được “hô biến” kiểu “biên chế” thành tiến sĩ, thạc sĩ có văn bằng hẳn hoi, do Trường “Hạ” Đẳng Thương Mại Quốc Doanh đóng dấu cấp phát… như chơi!
Mọi thứ đều có thể bán buôn, kể cả trinh tiết của nữ sinh! Tống tình tống tiền hiện giờ nhan nhãn xảy ra như mục đưa tin “từ quê ra tỉnh, chó cắn xe, xe cán chó” trên các nhật báo, không còn được coi như tin “giựt gân” (sensationnel) có thể gây “ấn tượng” cho ai nữa hết!
Hỡi ơi! Mới ngày nào “Đất nước còn, tất cả còn…”
Mà nay thì…Tang thương đến cả hoa kia cỏ nầy!
***
C
hậm thế nào rồi cũng tới lúc tôi phải ra đi vào mùa Xuân Tân Hợi 1971, nhường chỗ cho anh NVP, một công sự viên rất xứng đáng tiếp tục công trình phát triển trường THĐ vì anh ấy là người địa phương, lại còn là cựu học sinh khóa đầu tiên của trường, dĩ nhiên có nhiều lợi điểm hơn tôi…
Hơn nữa, ngoài chuyện bị “người anh em phía bên kia” cảnh cáo cùng với vài đồng nghiệp nhân vụ tổ chức Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ 1970, tôi nhận thấy không được “hoan nghinh” lắm về cách làm việc nhằm bảo toàn tính độc lập của trường trước những yêu sách đôi khi quá quắc của chính quyền địa phương…Không khéo lại rước họa vào thân từ hai phía, cả thù lẫn bạn! Nghiệp chướng…chăng?
Nhưng…phúc thay thay thành quả đáng kể trong việc chỉnh đốn nội bộ và phát triển trường sở không thể phủ nhận của tập thể THĐ được Bộ Giáo Dục ghi nhận. Và một lần nữa, tôi được chọn nhận lãnh trách nhiệm mới (Trưởng Khu III Học Chánh) để thực hiện một dự án cải cách cơ cấu quản trị của Bộ, hoàn toàn mới lạ và vô cùng phức tạp: kế hoạch địa phương hóa giáo dục…
Mới lạ vì Bộ muốn tản quyền thay vì tập quyền. Phức tạp vì những va chạm chắc chắn không tránh khỏi từ trung ương tới địa phương, với những cơ chế lâu đời, rất bảo thủ, nhứt là khi những đặc quyền, đặc lợi được hưởng thụ từ lâu do những cơ chế đó chu cấp sẽ không còn nữa khi kế họach mới của Bộ được hoàn chỉnh. Kể sao cho hết những gian truân, khổ ải của các tân Trưởng Khu Học Chánh, vừa đương đầu với các giới chức địa phương vừa phải đối phó với phản ứng tiêu cực của các “quan” trung ương, để sau cùng thành công trong việc thiết lập các Sở Học Chánh tại các tỉnh!
Thành quả đạt được trong gian lao cơ cực chưa kịp hưởng…phúc thì họa bị ngấm ngầm khuấy phá từ chính quyền địa phương đến trung ương, với sự im lặng đồng lõa của các “quan” tại Bộ GD đưa tới hậu quả các Khu Học Chánh bị “bức tử” (giải thể), các Sở Học Chánh xuống cấp thành Ty GD, đặt thuộc quyền Tỉnh sở tại, như Ty Tiểu Học trước khi... “cải cách”! Thay vì tản quyền xuống, bây giờ lại họ…tản quyền lên! Oái oăm chưa!
Nhưng một lần nữa, tai họa bị “hạ tầng công tác” cho tôi cơ hội tốt tìm lại được diễm phúc thoải mái, say mê… dạy học!
Trước tôi, không ít đồng nghiệp đã “kinh qua” cảnh tiến vi quan, thoái vi sư! Tôi nhận ra không gì khiến tôi hạnh phúc hơn được kề cận đám môn sinh trong khung cảnh tuyệt vời trìu mến, quyến luyến giữa thầy và trò của một lớp học. Kỳ dư, các vụ thăng quan tiến chức chỉ là …phù phiếm, cạm bẩy chông gai luôn chực chờ ám hại, hiểm họa vấp ngã thường xuyên vây bủa tứ phía!
Thế nhưng bỏ qua các “bất tiện” hay “tai nạn nghề nghiệp”, trách nhiệm mới tạo cho tôi điều kiện mở rộng tầm mắt trước những khó khăn, những thiệt thòi của các đồng nghiệp giảng huấn cũng như các đồng nghiệp trong Ban Giám Đốc các trường trong Học Khu bao gồm 12 tỉnh miền Đông Nam Việt, mà họ phải không ngừng “khắc phục” vượt qua với ít nhiều quên mình, nếu không muốn nói là “hy sinh” đáng kể…Tuy nhiên, lực bất tòng tâm, tôi đành hát khúc…Rằng xưa có gã từ quan, Lên non tìm động hoa vàng ngủ say…phó mặc thế sự thăng trầm!
Tưởng thế đã yên, nhưng cái vòng lẩn quẩn phúc-họa-họa-phúc lại tái diễn không ngừng với tôi, con người “nửa thầy nửa lính”: Thảm họa “ba mươi tháng tư” long trời lở đất từ phương Bắc kéo tới úp chụp xuống toàn dân miền Nam Việt Nam. Hỏa ngục cải tạo giết dần quân cán chính VNCH, biển Đông nhanh chóng cướp mạng sống hơn nửa triệu dân Nam, Trung, Bắc “vượt biên” mưu tìm…tự do!
***
S
uy đi nghĩ lại, giờ đây còn đủ tay chân, chưa lẫn lộ, chưa mất trí, quả thật tôi quá may mắn -trải qua bao thế sự thăng trầm phúc-họa- còn được tạo hóa ưu đãi so với biết bao đồng bào, vạn lần ưu tú hơn kẻ bất tài vô tướng như tôi, đã tức tưởi lìa đời trong cuộc chiến dai dẳng trên quê hương ngập tràn khói lửa chiến chinh. Và ngay cả sau cuộc chiến đẫm máu, nếu không vùi thây trong hỏa ngục trần gian “cải tạo” thì thân xác cũng tan rã làm mồi cho cá trên biển Đông!
Sau 5 năm sống “nửa kiếp thầy tu nửa kiếp tù”, giờ đây trên đất khách, tay nâng ly rượu xuân tưởng nhớ những chiến hữu đã khuất, ôn lại chặng đường sướng khổ suốt 75 xuân, “nửa thầy nửa lính” tôi nhận thức đã đích thực trở về từ cõi chết: Một lần toan tính…tự tử trong trại tù Trảng Lớn; một lần suýt vùi thây trong rừng sâu nước độc Long Giao khi bị té từ cây cao chục thước, lúc bị thúc ép đốn cây làm cũi mừng “quốc khánh” của những kẻ đày đọa anh chị em mình; một lần lạc trên biển cả suốt một tuần, đói khát đến hôn mê khi “vượt biên”; một lần mổ tim trên đất tạm dung Canada…
Nhưng mỗi lần cận kề họa tử vong trong gang tấc lại cho thấy tôi được phúc trường tồn! Tự tử bất thành trong tích tắc khi bất thần nghe chuông nhà thờ đổ ngoài vòng rào kẽm gai, tôi ngưng tay lúc sắp tự treo cổ: Thoát họa tự hủy, tôi đắm chìm trong hồng phúc tìm lại được Niềm Tin!
Thoát họa tai nạn lao động, tôi may phước khỏi bị đưa ra Bắc khi tỉnh lại trong trạm y tế “không thuốc men”, giữa các bạn đồng tủ đang hấp hối, bị bỏ lại khi giữa đêm ấy bọn cai ngục chuyển hết số tù trong trại Long Giao ra phương Bắc!
Sắp lâm họa vùi thây dưới đáy biển u minh thì phước đức thay thoát nạn nhờ gió biển thổi ghe tôi đã chết máy, gẫy chưn vịt trôi dạt tới dàn khoan dầu của Nam Dương!
Trên bàn mổ, chặp chờn hiểm họa vĩnh viễn xuôi tay thì ơn phước cứu độ đến lôi ra khỏi tay Thần Chết, lay động nơi tôi lòng sốt mến hành đạo vốn đã nguội lạnh khá lâu…
Nhấp ly rượu mừng Xuân Tân Mẹo 2011, tôi lần giở cuốn nhật ký viết tiếp sau khi ra tù, đến được bờ bến tự do, chứng kiến thêm lần nữa cảnh tượng xốn mắt “đổi đời” nơi quê nhà đang tái diễn trên đất khách, giữa những người Việt tị nạn, thầm đọc:

Trong cơn hấp hối lìa trần
Xin cho tôi được gọi thầm “quê tôi!”
Bao nhiêu nước mắt mồ hôi
Cho tôi gửi lại quê người …cưu mang

Nghĩ cho cùng, phúc hay họa tùy cách tôi nhìn sự đời: Thoát khỏi gông cùm tù ngục chưa hẵn đã vượt thoát được địa ngục. Đến được bến bờ tự do chưa chắn là đã đạt đến thiên đàng! Bởi lẽ thiên đàng hay địa ngục đều nằm trong đầu ta cả. Nói vắn tắt, tùy cái Tâm của ta: Tâm trong sáng thì ý trong lành!
Một điều sớm muộn gì mình cũng sẽ khám phá được: Nhân nào thì quả nấy!
Từ lâu rồi tôi lười suy luận như trước đây tôi thường làm, do ảnh hưởng còn rơi rớt lại của thời gian còn…say mê triết lý. Càng lúc tôi càng thấy hầu như tôi tin có số mạng: Cái quay bún sẵn trên trời, Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm…
-0-0-0-
Ba mươi lăm năm nhìn lại, đau buồn suy gẫm, nhận chân: “Đất nước mất, mất tất cả”...

Tiêu điều nhân sự đã xong
Sơn hà cũng huyễn côn trùng cũng hư!

Lướt nhìn những ảnh kỷ niệm về thời gian phục vụ tại trường THĐ, chạnh nhớ lần về thăm quê nhà, tận mắt nhìn thấy những cảnh não lòng, chợt nhớ cựu học sinh ST báo tin những đập phá mới đây tại trường cũ, tôi nhắm mắt thở dài…

Rồi cả một thời xưa tan tác đổ
Dấu oai linh hùng vĩ thấy gì đâu
Thời gian chảy đá mòn sông núi lở
Lòng ta luôn còn mãi vết thương đau

Thôn trang Rêu-Phong, 30 Xuân biệt xứ
-Lê Tấn Lộc
-