Thursday, August 28, 2008

Ối Cha hỡi! Ối Thầy ơi!


Phiếm
“loạn”

Ối Cha hỡi!
Ối Thầy ơi!
Ồn ào ít khi làm nên việc tốt,
việc thiện ít khi gây tiếng động”
(Saint-François de Sales)

Mùa hè 2008 thay vì mang nắng ấm cho cây cỏ xanh tươi, trăm hoa đua nở điểm tô sắc thắm cho cuộc đời những người Việt xa xứ và đồng bào nơi quê nhà càng ngày càng xám xịt, lại lôi tới hàng loạt “biến cố” gây xáo trộn dây chuyền cho kiếp sống không lấy gì “hồ hởi” lắm của người dân da vàng mũi tẹt chúng ta! Một mùa hè dồi dào “sự cố”, tuy ruồi bu nhưng cũng không phải là không gây ít nhiều nhức nhối -đúng hơn là phẫn nộ- cho tập thể người Việt hải ngoại và cho ngay cả tập thể người Việt nội địa đang nặng lòng với tự do, nhân quyền… Một mùa hè y như Mùa Hè Đỏ Lửa 1972!
Trước 72, có Mậu Thân 68. Một số “nằm vùng” lòi mặt chuột. Năm 72, Phượng Hoàng lùng diệt hầu hết đám “cơ sở” và vô hiệu phần lớn đám “đâm sau lưng chiến sĩ”. Nhưng vẫn chưa hết. Nên sau 75 mới có nhóm “đặc-công-chỉ-điểm” tác oai tác oái… Và bây giờ, hè 2008 tập đoàn sống sót -lọt lưới Phượng Hoàng- lại tái xuất hiện giở đủ trò chiêu dụ, mua chuộc, lợi dụng uy thế lãnh đạo tinh thần để khuynh đảo con chiên, thiện nam tín nữ nhằm mục tiêu tối hậu: triệt tiêu các Cộng Đoàn Người Việt Tị Nạn Cộng Sản khắp năm châu!
Người viết là một độc giả của nhiều báo in và báo điện tử. Đọc nhiều để cố gắng thu thập tối đa dữ kiện. Dù ý thức khả năng nhận định của mình còn rất hạn chế, người viết nhất định không tán đồng quan điểm nhân danh nầy nọ để áp lực bịt miệng những ai muốn tố giác các điều xằng bậy hay để ém nhẹm sự thật về các hành vi bất xứng của những “đức” được coi như những “đấng” chăn đắt dân Chúa, Phật tử, mưu toan ngăn chận giới truyền thông làm tròn trách nhiệm của mình: phơi bày trước công luận những tệ đoan không thể nào dung dưỡng trong hàng giáo phẩm hay tăng sĩ, đáng lý chỉ bao gồm những bậc chân tu đích thực thánh thiện.
Người viết cũng ý thức rằng đề cập tới vấn đề dễ gây kích xúc (sensible) nầy phải nên cẩn trọng vì những gì liên quan ít nhiều tới tôn giáo đều rất phức tạp, tế nhị -nếu không muốn nói là rất…nguy hiểm. Những cuộc chiến dai dẳng nhất từ xưa tới nay vẫn là… chiến tranh tôn giáo. Cuộc chiến 100 năm (guerre de cent ans) đã xảy ra và lịch sử vẫn còn đó! Thế nhưng chẳng lẽ vì thế mà đành lòng câm miệng đồng loã cho vô hạnh và bất công vĩnh viễn ngự trị trên đầu trên cổ những người có đức tin mạnh mẽ, hằng mơ ước có cuộc sống thanh bình, tự do, an lạc, đạo hạnh.
Xin giới hạn bài viết nầy về các phản ứng liên quan tới hai “hiện tượng”: Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và Hòa Thượng Thích Phước Huệ.

1. Ối Cha hỡi!
Về Hồng Y, đã có quá nhiều tranh cãi. Tưởng đã chẳng cần dài dòng thêm nữa, vì nghĩ rằng rừng cờ vàng ba sọc đỏ tràn ngập Đại Hội Trẻ Thế Giới tháng 7/2008 vừa qua, tại Úc đã đủ để dập tắt mọi luận chứng gượng gạo chống đỡ cho vị có chức quyền cao trọng trong hàng giáo phẩm tại Việt Nam nầy… Nhưng không. Vẫn còn vài tiếng nói lẻ tẻ, cố gắng hết sức tội nghiệp bào chữa cho “đức” cao trọng nầy:
Gần đây, anh Nguyễn H. -một cựu quân nhân QLVNCH, số quân 68.138867 - “góp ý với Nguyễn Khắp Nơi” lời lẽ rất ôn tồn, rất cảm động: anh cho biết “đã để lại Hạ Lào (Lam Sơn 719) 1 con mắt, 3 ngón tay và 1 bàn chân. Bị bắt làm tù binh vì bảo vệ cờ vàng. Sau ngày đứt phim (…) lê lết làm đủ mọi việc, kể cả ăn xin…”. Anh Nguyễn H. vừa trở về VN sau khi được “một người bạn năm xưa giúp đỡ” -qua mục Tình Thương của Việt Luận- sang Úc “cắt” chân “đến đầu gối”…
Khó cầm được nước mắt! Một Thương Phế Binh bị Bắc Bộ Phủ ruồng bỏ và được đồng đội đưa tay níu nắm trong chuỗi ngày cô đơn tàn phế.Thế nhưng, càng chua xót và thương cảm trước hoàn cảnh bi đát của anh H. bao nhiêu tôi càng căm phẩn về lời nhắn nhủ dẹp bỏ lá cờ vàng của ngài Hồng Y “có một không hai” của VN trong lần Đại Hội Trẻ Thế Giới vừa qua bấy nhiêu.
Anh thương binh thương quí của tôi ơi! Chẳng lẽ lòng tôn trọng hàng giáo phẩm của anh sâu đậm và cao siêu đến độ anh không cảm thấy bị hạ nhục trước những lời lẽ thoá mạ lá cờ vàng mà hàng triệu bạn bè anh, đồng bào anh và anh đã đổ biết bao xương máu để bảo vệ, gìn giữ, tôn kính nó? Làm sao có thể đồng ý với anh khi anh hỏi anh Nguyễn Khắp Nơi -cũng từng là một chiến hữu đã góp xương máu với anh chống trả quân Bắc xâm ra sức công phá tiền đồn tự do VNCH- rằng “sẽ trả lời ra sao (…) nếu có lời xác minh đó không phải là ý của Hồng Y Phạm Minh Mẫn”? (Việt Luận số 2287, ngày 08.8.2008, trang 32, mục Ý Kiến Độc Giả)
Tôi nghĩ có thể trả lời anh thay cho NKN:
a) Nếu đó không phải là ý của HY thì tại sao Ngài không đưa ra lời đính chính ngay từ đầu, khi khắp nơi phản ứng dữ dội. Giả dụ, anh, NKN hay tôi, hay bất cứ “phó thường dân Nam bộ” nào thảo văn thư mạo danh HY/PMM tung lên Web. thì Ngài lên tiếng phản đối hay im lặng? Nếu quả thực không phải HY viết ra lời khuyến cáo “khuôn vàng thước ngọc” đó thì ai mới đích thực là tác giả bản văn “trứ danh” nầy? Chính quyền đương thời hay Cha nhà nước thừa ủy nhiệm Đảng? Nếu không phải sợ há miệng mắc quai thì không cách chi Ngài giải toả được sự im lặng đồng loã của Ngài trong mưu toan triệt hạ lá cờ vàng tiêu biểu cho lý tưởng tự do của những người tị nạn cộng sản ngay trên phần đất định cư của họ.
Anh H. quí mến ơi! Không thể vịn vào cớ mình là người Công giáo để kiên trì trong luận điệu bằng mọi giá phải bảo vệ các đấng có sứ mệnh thiêng liêng chăn chiên, bất chấp các đấng nầy đúng hay sai, công chính hay bất công, hợp lý hay phi lý. Cần nhắc nhau bác ái phải xây dựng trên nền tảng công bằng và ngược lại chăng? Bởi Công Bằng mà không Bác Ái là… sắt máu! Và Bác Ái mà không Công Bằng là… mù quáng!
b) Nếu giờ đây HY đưa ra lời xác minh bản văn gây sóng gió đó là của kẻ gian có ác tâm mạo danh Ngài tung ra -nhằm gây mâu thuẩn giữa những người Công giáo VN và những người VN theo tôn giáo khác- thì Ngài sẽ phải giải thích rõ rệt vì sao có “sự cố” đút vô rồi lại rút ra các lời khuyến nhũ dẹp lá cờ vàng trên trang Web.
Tôi thì tôi tin chắc việc nầy không thể xảy ra, trừ trường hợp HY can cường chấp nhận tử vì đạo. Đó là chưa kể Ngài làm sao giải thích với giáo dân và đồng bào tại sao Ngài không đến dự ĐHTTG, nếu thực sự Ngài tình ngay lý gian?
Lúc bấy giờ, không riêng gì NKN, các độc giả của Việt Luận mà tất cả những ai đã từng lên tiếng phản đối HY sẽ lại lên tiếng lần nữa tùy theo nội dung “bạch thư” của HY -một hình thức biện giải sau sự việc (justification après coup!).

2. Ối Thầy ơi!
Năm nay Xứ Đại Thử gần như liên tục bị địa chấn! Các quan chức bên Việt Nam tưởng ngon xơi với ĐHTTG, nghĩ bụng Xứ Đại Thử thì tội gì không thử đại chiêu thức dẹp cờ vàng coi chơi. Toan đưa Tsunami cờ đỏ cuống quét rừng cờ vàng ra biển lần nữa, như ngày 30 tháng 4 năm 1975. Không ngờ lá thư thăm dò của HY gây trận địa chấn dưới đáy biển, ngoài khơi Thái Bình Dương, chuyển Tsunami về hướng thềm lục địa chữ S, đổ ập các containers cờ đỏ tràn ngập cả vùng ven biển quê hương.
Trận địa chấn ngoài khơi chưa hoàn toàn lắng động thì một trận động đất trong nội địa Đại Thử cũng kinh thiên động địa không kém. Cũng gây chấn động mãnh liệt, không những trong các Công Đồng Người Việt tại Úc mà còn trong các tập thể Người Việt Hải Ngoại khắp Năm Châu, kể cả trong nội điạ quê nhà.
Vụ xì-căng-đan nầy liên quan tới một tu sĩ có tầm cỡ quốc tế hơn cả HY/PMM: Hòa Thượng Thích Phước Huệ, một khuôn mặt hàng đầu trong giới tăng lữ, đã tạo được nhiều thành tích đáng ca ngợi trong việc phát triển cơ sở hành đạo trên quê hương của Đại Thử.
Công trạng của Hòa Thượng, hầu như không ai trong giới mộ đạo ở Úc không rõ biết. Vả lại rất nhiều báo chí tại Úc cũng như các nơi khác trên thế giới đều ca ngợi. Ngay cả trong loạt bài trình bày vụ xì-căng-đan dính líu tới Hoà Thượng, báo Việt Luận cũng không quên nhắc tới những công đức của Người (VL#2291, ngày 22.8.2008, tr.48).
Khác với vụ Cờ Vàng-Cờ Đỏ, hầu như hoàn toàn có tính cách chính trị, vụ HT/TPH thoạt nhìn chỉ có tính cách cá nhân -dan díu tình cảm giữa một tu sĩ và một tín nữ- nhưng khi tìm hiểu sâu rộng hơn, đàng sau những tiết lộ “động trời” về chuyện ân ái giữa một sư ông và một nữ tín đồ đã có gia đình, một số bài viết trên báo in cũng như báo điện tử phanh phui một số dữ kiện về sự liên hệ giữ HT/TPH và các tổ chức cộng sản hoặc thân cộng. Chẳng hạn như:

a) Trích đoạn sau đây trong bài viết của Đào Nương: ’Thật là buồn khi biết ra rằng sư “nhí” Thích Nhật Từ lại là sư trụ trì một ngôi chùa lớn ở Sài Gòn và được Việt Cộng cử vào chức Tổng Thư Ký của Vesak vừa là giáo sư của trường đào tạo các ni sư ở Sài Gòn (…) Sau đó chúng tôi nhận thấy những website điện tử có tên “đại lão hoà thượng” (Hòa Thượng Thích Phước Huệ) đã bị xóa bỏ. Riêng website phổ biến những bài giảng của ‘đại lão hoà thượng” thì không hiểu sao lại thành ra web của sư ‘nhí’ Thích Nhật Từ’ (Sài Gòn Nhỏ-Montréal, số 55, ngày 22.8.2008, mục Phiếm Dị, trang75 và76)

b) Trích đoạn nầy, trong bài viết của Trương Minh Hoà:
Sau khi vạch trần bộ mặt cán bộ cộng sản của Hoà thượng Thích Thanh Từ (hay Tứ), tác giả tiết lộ nhiều bí mật về hoạt động của HT/Thích Phước Huệ trong khối Ấn Quang thiên cộng. Ông viết:
‘Riêng ở Úc Châu, có Hoà thượng Thích Phước Huệ, được coi là tu sĩ Phật Giáo được nhiều người biết đến, nổi tiếng qua thành tích ‘tu đạo’ rất ư là “chất lượng cao” và từ thiện, được đài phát thanh đánh bóng như là một vị sư có tấm lòng đại bác (đại là lớn, bác là bác ái, chớ không phải là súng Cà Nông). Trước năm 1975, lúc còn là đại đức, pháp danh của tu sĩ là Thích Tắc Phước, tục danh Trần Văn Canh, tự Bảy Canh, thuộc Phật giáo Ấn Quang do Thượng toạ Thích Trí Quang lãnh đạo (ai cũng biết Phạm Văn Bồng tự Kiều Tấn Cương là ai).
Đại đức Thích Tắc Phước là cánh tay đắc lực, giữ chức vụ ‘Trưởng Ban Thông Tin’ khối Ấn Quang, là chức vụ coi như công cụ tuyên truyền (…) Thời gian đó, chủ trương nhà in ấn mang tên “Những cánh sen vàng” là người hoạt động trong nước, còn ở hải ngoại có đại đức Thích Nhất Hạnh là người vận động giới Tây Phương ủng hộ Hồ Chí Minh. Theo quyển Bạch Thư của Hoà thượng Thích Tâm Châu, phát hành tại chùa Phật Quang (Úc Châu) 1994, nói về đại họa Phật Giáo ở Úc Châu, thì vào năm 1965 đại đức Thích Tắc Phước có từng phạm giới, dù không nói rõ phạm giới gì, nhưng giới tăng sĩ thường phạm giới ‘hữu cơ’ với người khác phái, chớ không có giới nào đáng nêu lên.
(…) Hoà thượng Huyền Tôn cho biết là Tắc Phước có quan hệ hữu cơ với ‘Năm Thợ May’ trước đây và kêu gọi Phước Huệ nên sám hối…
(…) Huề thượng Thích Phước Huệ (tức ông Bảy Canh) đặt tên cơ sở in ấn là NHỮNG CÁNH SEN HỒNG cho hợp với ‘tình huống’ tu đạo, tu học ‘hiện đại’… ’ [Trương Minh Hoà,
http://tinparis.net/vn_index.html ,ngày 25.8.2008]

3. Những tiếng nói ‘Nhân danh…’
Những tình tiết còn lại về cuộc sống tình cảm cũng như về quá khứ của ‘đại lão hoà thượng’ không cần phải nêu ra trong bài viết nầy, vì đã có nhiều bài viết khác tường thuật. Tuy nhiên, như phần mở đầu bài viết đã báo động có hiểm họa một số ‘thế lực’ bí ẩn hợp lực mưu toan ém nhẹm vụ xì-căng-đan dưới chiêu bài ‘hấp dẫn’ -nếu không muốn nói là để ‘câu’ khách-bảo toàn ‘thành trì chống cộng vững mạnh’ tại Úc Châu, tôi muốn góp ý về
một bài viết dưới dạng thức Thư gửi độc giả, nhưng phảng phất ít nhiều mùi vị một Thông cáo hay Thông bạch, ký tên:
- Nhất Giang, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Nhật báo Chiêu Dương
- Nguyễn Vy Túy, Chủ nhiệm Văn Nghệ Tuần Báo
- Hồ Ông, Chủ Bút Văn Nghệ Tuần Báo
(Chiêu Dương, thứ ba 26.8.2008, trang 3)
Ba vị đứng đầu một nhật báo và một tuần báo đồng ký tên chắc hẳn là ‘ấn tượng’ và ‘hoành tráng’. Tôi cảm thấy hơi ‘nhợn’ đấy!
Nhìn chung, bài viết rất lịch lãm, văn chương bóng bẩy, gọt giũa kỹ càng, vài chỗ và vài chữ quá ‘tinh vi’, dễ đánh động những tâm hồn nhạy cảm thường chủ trương dĩ hòa vi quí, luôn sùng kính những bậc tu hành để tránh mắc tội!
Có điều tôi hơi lấy làm lạ, không hiểu vô tình hay có dụng ý, bài viết tường thuật gần như vanh vách diễn tiến ‘Vụ Hoà Thượng Thích Phước Huệ và người đàn bà tên Diệp Hoàng Nga (tức Diệu Đức)’, chỉ thiếu hình ảnh và bút tích các thư từ trao đổi giữa đôi bên. Để rồi ba vị bèn ‘thành tâm tạ lỗi không thể cam lòng ném đá vào người bị hịch tội’ (sic!): Việc gì ta phải nhọc công ném đá, để việc đó cho đám bần dân nó làm; ta chỉ cần giấu tay là lương tâm yên ổn ngay, tránh gây thù gây oán, lại được tiếng thơm ta cao cả, không đánh hôi, luôn một lòng tôn kính các Thầy, dễ bề “lấy điểm” với các “đấng” và đạo hữu cho các dự tính hậu sự của ta!
Tình thật, tôi xin ngã nón chào thua HT/TPH: thú thật về điểm “tình thư” tôi phải kiến HT làm sư phụ. Kiểm điểm lại mình, suốt đời chẳng hề có căn tu, cũng từng thả lá đề thơ lả lướt múc mùa Lệ Thủy nhưng chưa bao giờ tôi bạo gan viết thư riêng trên giấy có tiêu đề (papier avec entête) của cơ quan mình phục vụ, gọi tình nhân là… Cục Cưng của Anh!
Và tôi thấy tội nghiệp 3 vị ưu tư dễ thương hết sức tìm cách ‘… êm thắm hoá giải để những phần tử vô thần thâm độc (?) không thể thừa cơ khuấy rối thổi phồng, đồng thời tránh cho các phần tử kỳ thị cùng các phương tiện truyền thông mang dã tâm trục lợi nhào vô bêu diếu” (!?!?).
Đọc xong đoạn văn thần sầu quỉ khốc nầy tôi lạnh người: 3 cái mũ tiền chế kèm theo 3 cái khăn bịt mắt và 3 cuộn băng keo bịt miệng!!! Hoá giải (neutraliser) tuyệt chiêu hơn cả Staline!
*Vô thần thâm độc? Ai đây? Nếu ám chỉ CSBV thì… quí vị khỏi lo: ‘người nhà’ với nhau cả mà! ‘Đại lão hòa thượng’ đương sự với họ vốn là chỗ thâm giao. Một trong 3 vị vẫn ‘xoành xoạch’ về giao du với họ như ăn cơm bữa, đúng không? Riêng bọn vô thần không CS thì họ không thâm độc và chẳng mắc mớ gì nhào vô ăn có. Họ đâu có ‘huỡn’ dữ vậy!
*Kỳ thị? Ai thế? ‘Bọn’ Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo ‘phản động’ chăng? Lo sợ thực sự hay muốn chụp mũ loạn? Không tôn giáo nào không là đối tượng cần phải ‘dập’ đối với CS, ngoại trừ ‘Quốc Doanh Giáo’. Các tôn giáo bạn, tôn giáo nào cũng có vấn đề nội bộ phải giải quyết. Đèn nhà ai nấy rạng. Hơi sức đâu mà xen vào chuyện hàng xóm!
*Phương tiện truyền thông nào đây? Trong nước hay hải ngoại? Trục lợi gì? Hai tờ báo mà tôi được biết có đăng bài về vụ xì-căng-đan nầy, một ở Úc, một ở Mỹ, cả hai Chủ nhiệm kiêm Chủ bút đều là Phật tử. Hai tờ báo nầy chỉ làm công việc tường thuật sự việc. Một thân hữu góp ý như sau:
Bài báo của Việt Luận bên Úc vừa rồi rất khách quan, đứng đắn, và cẩn thận, qua nội dung lẫn cách hành văn. Phần mở đầu, “LỜI TÒA SOẠN”, diễn đạt hết sức vô tư, gom trọn ý, để tiếp theo đó đúng nghĩa là một bài tường thuật (không có ý kiến xen vào).
Đăng những tin tức là Job của nhà báo. Xứ Úc là xứ tự do và nhà báo có cái quyền tự do báo chí của họ, hơn nữa bài đó VL viết theo yêu cầu của một độc giả câu chuyện về chính độc giả đó, chớ đâu phải đó là huyền thoại.
Những hù doạ nếu có, chẳng qua vì quyền lợi riêng tư, bè nhóm. Xứ tự do sao lại xảy ra tình trạng bóp nghẹt tiếng nói của báo chí, buồn vậy? Cũng đâu phải chỉ 1 tờ VL đăng thôi, hù dọa VL thì cũng đâu ngăn được SGN tiếp tục, nếu SGN tiếp tục.
Trong tôn giáo, thì v/đ negative cũng nhiều lắm. Đưa ra trên báo biết đâu sẽ có tác dụng giảm bớt được những negative nầy về sau.’ (
TKN-USA, 27.8.2008).
Ba vị thành tâm thiện ý của tôi thấy ưu tư như thế chưa đủ. Bèn, tuyên ngôn:
Quốc có quốc pháp, gia có gia huy, cũng như đạo giáo có giới luật định đoạt nhân quả thiên lương. Giáo Hội nhất định sẽ có phương cách giải quyết ổn việc đạo để không thể vì cá nhân nào làm ảnh hưởng tới uy tín và danh dự sáng ngời của tập thể Phật Giáo, cũng như ổn việc đời để niềm tin của những người Phật tử vào các chùa chiền, các vị tăng sĩ không bị sứt mẻ”.
Nói cho dễ hiểu: cấm đụng tới quí “Thầy” chúng tôi -bên Công Giáo: cấm chạm tới các “Cha” chúng tôi- Để Giáo Hội chúng tôi lo! May mà chưa lập toà án tôn giáo kiểu các đệ tử của các Da-da-tô-la, ai mà đụng chạm hay giễu cợt Prophète là a lê chặt đầu!
Có lẽ 3 vị quá lo con bò trắng răng. Mọi sự rồi cũng chìm trong quên lãng thôi. Không tin, hãy nghe Đào Nương kể: ‘Năm 2003, tape ghi âm lời đối thoại của thượng tọa Thích Pháp Châu, trụ trì chùa Việt Nam ở Orange County cùng với “nữ thí chủ” của thầy được bán ngoài đường Bolsa với giá 1$. Nội dung của tape giọng thầy xưng danh rất rõ, thầy hết đường chối cãi nên thầy gọi đó là… mùa pháp nạn của thầy (…)
Khi chuyện tình ái của thầy vỡ lỡ, Ban Trị Sự đã họp lại yêu cầu thầy “ngưng” làm trị sự để giữ uy tín cho chùa thì thầy Pháp Châu trả lời rằng chùa của thầy, ai muốn tới thì tới, không thì thôi, việc chi mà thầy từ chức. Từ đó đến nay, coi bộ ‘business’ của thầy vẫn sinh hoạt bình thường (…) Thiện nam, tín nữ thời này coi bộ chấp nhận tình trạng: Xưa nay Kiều vẫn là Kiều, Ai tu nấy hưởng là điều tất nhiên…
’ (SGN, đã trích dẫn, tr.3).

Ba vị đã yên lòng chưa? Đã nhưng chưa đủ, phải không? Bởi vì chưa nói ra chiêu bài ruột ‘Nhân danh…’, rất ư ‘ăn khách’ (hay để ‘câu khách’?) hầu dễ ‘xù bài’ mà vẫn được tiếng cổ võ ‘đoàn kết’ (hay ‘câu kết’?). Nghe đây, lời hiệu triệu của tam vị đại nhân: “So với lối sinh hoạt tự phát của các cộng đồng hải ngoại thuộc nhiều quốc gia khác, Cộng đồng Người Việt Úc Châu từ trước tới nay luôn nổi bật là thành trì chống cộng vững mạnh, kiên cường trải qua muôn vàn khó nhọc mới ổn định trên thuận dưới hoà -phần lớn nhờ vào tinh thần đoàn kết keo sơn, luôn đặt an nguy tồn vong của tập thể lên hàng đầu, không thể thiếu cân nhắc nhất thời mà gây ra xáo trộn”.
‘Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau’! Rổn rảng! Lâm ly! Rùng rợn!
Thành trì chống cộng, vững mạnh, kiên trì… Đúng 100%, ngoại trừ thiếu mặt ta vì ta mãi lo ‘xoành xoạch’ về VN giao lưu với Cộng sản!
Muốn hỏi nhỏ vị xoành xoạch nầy thỉnh thoảng có soi gương xem mình đang đội cái mũ gì trước khi lăm le chụp mũ vô thần, kỳ thị, truyền thông trục lợi “bêu diếu” các Thầy, các Cha chẳng còn tư cách lãnh đạo tinh thần, hướng dẫn linh hồn tín đồ, con chiên… chăng?

4. Góp ý
Lời cuối muốn thưa với ba vị đại nhân: Các ngài trong hàng Giáo phẩm, Tăng Sĩ, Tăng Lữ, v.v…dĩ nhiên là những bậc xứng đáng được tôn Kính. Nhưng ngoài nhiệm vụ thiêng liêng đối với đạo họ còn có bổn phận công dân đối với đời. Họ không thể tự tung tự tác ngoài đời, rồi trốn chạy trách nhiệm trả lời về hành vi của họ bằng cách khoát lên chiếc áo tu sĩ, lui về trú ẩn nơi hậu liêu chùa chiền hay sous-sol nhà thờ để mong chờ được bao che.
Các vụ xách nhiễu tình dục trong giới linh mục, có những vụ đã xảy ra vài chục năm, thậm chí hơn trăm năm, vẫn được phanh phui đem ra xét xử. Và đã có nhiều trường hợp bề trên của các linh mục phạm pháp nầy bị bắt buộc từ chức vì đã bao che, ém nhẹm các vụ lạm dụng uy quyền linh mục. Nhiều trường hợp Hội Thánh phải chính thức lên tiếng xin lỗi giáo dân và đền bù xứng đáng cho họ. Công lý Đạo là một lẽ. Công lý Đời lại là một lẽ khác.
Những vị tu hành chưa phải là thánh. Họ còn là người phàm. Họ vấp ngã là chuyện có thể xảy ra lắm. Ăn năn, tốt. Nhưng phải phạt đền nữa chứ!
Một khi đã sa ngã vào vòng tục lụy thì… danh dự cuối cùng của họ là cởi trả áo tu. Không ai nỡ lên án một ông sư dứt khoát hoàn tục hay một linh mục xin trở lại dòng đời. Với điều kiện họ can đảm công bố rõ rệt họ không còn là tu sĩ nữa. Cái không thể chấp nhận hay dung tha là họ mập mờ đánh lận con đen, dối gạt thần thánh, che mắt thế nhân…
Một điều cần lưu ý 3 vị, trước khi kết thúc bài viết, về những phản ứng chắc chắn sẽ xảy ra trước cung cách có vẻ như “kẻ cả” -nếu không muốn nói là “lên lớp”, dạy đời của quí vị đối với các tờ báo -nhất là các tờ báo ở Hoa Kỳ- đã, đang và sẽ cương quyết thực thi quyền tự do hành nghề truyền thông của họ. Tôi vốn cũng có chút ít kinh nghiệm làm báo. Cái tối kỵ là báo nầy muốn chen vào “hướng dẫn, chỉ bảo” báo kia làm theo đường hướng mình muốn. Thực tình mà nói, chẳng lẽ quí vị quên một nguyên tắc hết sức sơ đẳng là mỗi tờ báo đều có chủ trương, đường lối riêng, độc lập. Quí vị lấy quyền gì nói xa nói gần khuyến cáo họ nên đăng cái nầy, không nên đăng cái kia. Ban Biên Tập, Chủ Nhiệm và Chủ Bút của họ chắc phải đủ khả năng và lương tâm chức nghiệp làm công việc chuyên môn của họ chứ, đúng không?
Hãy thử hình dung phản ứng của quí vị, nếu họ đến toà soạn quí vị khuyến cáo nầy nọ! Tự do báo chí có còn chăng nếu không có tự do ngôn luận? Tờ báo đứng đắn là tờ báo chủ trương mở diễn đàn. Tôi đăng bài và sẵn sàng đăng ý kiến phản bác của mọi người. Chưa chi quí vị đã vội vã dán nhãn trục lợi, khai thác đề tài ăn khách trên trán họ, trong khi họ chỉ làm công việc tường thuật nội vụ cho độc giả như một dịch vụ thông tin thường nhật. Nhất là đối tượng của các bài tường thuật lại là một nhân vật của công chúng (personnage public). Vả lại vụ xì-căng-đan nầy đã được phổ biến gần khắp năm Châu, căn cứ trên lời thông báo của bà Diệu Đức sẽ chuyển các tài liệu về vụ “dan díu” nầy làm 3 đợt, mà đợt chót là chuyển cho những chùa còn lại trên khắp thế giới (Mỹ, Âu Châu, Á Châu), sau đợt đầu chuyển cho tất cả Phật tử chùa Phước Huệ, đợt kế cho tất cả các chùa ở Úc và ở Tân Tây Lan. Như vậy vụ dan díu nầy có còn là đề tài ăn khách như quí vị ồn ào tố khổ chăng?


-Lê Tấn Lộc-

Home
geovisit();

geovisit();

Wednesday, August 20, 2008

MỘT LẦN TOAN TÍNH...




Một lần

toan tính…

«Chỉ có mỗi một vấn đề triết học thực sự nghiêm chỉnh: tự tử…»

-(Albert Camus, Huyền thoại về Sisyphe)-

Tôi trút các viên đá trong lon ghi-gô lên tấm bố màu xanh ô liu lấy từ bao đựng cát làm hầm trú ẩn, ở căn cứ hỏa lực Trảng Lớn cũ và bắt đầu đếm: một, hai, ba, bốn…Sáu mươi bảy viên đá cuội (từ lúc vào trại tù, mỗi ngày tôi bỏ vào lon một viên đá): sáu mươi bảy ngày đêm thức trắng dờ con mắt. Sáu mươi bảy ngày đêm đối thoại-độc thoại, lý luận quanh co biện minh cho mỗi một bận tâm độc chiếm đầu óc:
chết bằng cách nào đây cho thật chắc ăn.
Tuần lễ đầu trong tù, tôi để ý thấy có rối loạn trong cơ thể mình. Tôi nhớ trước đây, mỗi lần nhận dạy học cho trường nào tôi đều hỏi han kỹ lưỡng về các tiện nghi vệ sinh, bởi tôi có tật rất nhuận trường. Thế mà bảy ngày rồi tôi không bài tiết. Kể từ ngày thứ tám, trong khi anh em bạn tù đi moi mót mọi thứ còn có thể thu nhặt thì tôi đi lượm bao cát tích trữ để mưu toan kết liễu đời mình. Đôi khi tôi phải dùng thuốc lá đổi lấy bao cát bắt đầu khan hiếm vì ai nấy đều lo thu hồi chúng để may quần áo!
Khởi đầu, mỗi sáng tôi tình nguyện nấu nước sôi cho toàn trại trong một cái chảo đụng khổng lồ. Nhờ trước đây có rèn luyện thân thể, công việc tuy khá nặng nhọc nhưng tôi làm nổi: kéo nước từ một cái giếng rất sâu, đổ vào ống sắt đựng đạn 155 ly, rồi vác trên vai mang tới trút vào chảo. Giếng cách bếp khoảng bốn, năm trăm thước. Cứ ba giờ sáng là tôi nhúm bếp. Dưới ánh lửa bập bùng tôi táo gỡ các sôi dây ni-lông từ những bao cát ra để bện dây thừng, nói là để nối sợi dây kéo nước ở giếng. Một tháng sau tôi đã có trong tay một sợi dây lớn bằng ngón tay út, dài khoảng hai sải tay. Bấy giờ tôi mới di chuyển bếp lửa sát chân một tháp điều chỉnh tầm bắn của pháo binh.
Giai đoạn một của toan tính.
Tháng thứ hai, tôi la cà làm quen với một số bác sĩ, dược sĩ, giả vờ có triệu chứng bị bệnh sốt rét để xin họ thuốc chloroquine nhà binh, loại 500 mg. Bình thường lúc rất sung sức, ăn uống đầy đủ, chỉ cần năm viên đã đủ để «thăng», vô phương cứu chữa. Mà tôi đã dư trữ được mười hai viên.
Giai đoạn hai của toan tính.

Sáng nay, như thường lệ tôi nổi lửa và kiểm điểm xem còn quên điều gì khả dĩ cản trở tôi chết không êm xuôi chăng. Dây thừng, chảo nước sôi, mười hai viên chloroquine. Phương tiện tự hủy diệt coi bộ bảo đảm hữu hiệu. Liệu có phương hại đến ai không? Chắc không. Tháng rồi, một dược sĩ chui xuống địa đạo phòng thủ, mở lựu đạn nổ banh xác nhưng miểng văng trúng ba anh khác, một lọt tròng mắt, một lòi ruột, một gẫy ống quyển. Cả ba sau đó cũng chết vì không có thuốc men trị liệu. Một anh kỷ sư tự thiêu bằng bao thuốc bồi của pháo binh thẩy trọn vào bếp lửa. Hai anh bạn nấu bếp kế cận bị phỏng nặng, chết từ từ trong đau đớn khủng khiếp. Bảy người bỏ mạng, hai tự chọn cái chết, năm bị chết lây. Tôi chỉ tiếc sao lúc đó mình không lởn vởn gần anh dược sĩ hay anh kỹ sư cho đỡ mất công lo nghĩ, toan tính. Sáu mươi bảy ngày đêm vật lộn với ý thức, sáng suốt đến độ tàn nhẫn với chính mình…
Tôi ôn lại trong đầu diễn tiến các động tác phải làm lát nữa đây: ba giờ sáng, nhúm lửa; bốn giờ, nước sôi sùng sục; bốn giờ mười lăm, uống mười hai viên chloroquine; bốn giờ bốn mươi lăm, leo lên tháp canh; bốn giờ năm mươi, cột một đầu dây vào nóc chòi canh, đầu kia thắt thòng lòng tròng vào cổ, chờ cho thuốc ngấm; năm giờ, nhảy xuống như nhảy dù. Nếu dây đứt bất tử, đã có chảo nước sôi bên dưới hứng đón. Nếu nước sôi không luộc tôi đủ chữ thì đã có mười hai viên chloroquine phụ lực đưa tôi an toàn sang bên kia thế giới. Chu đáo quá! Chắc ăn hơn nữa là giờ nầy, trừ mấy tên quỷ sứ đỏ gác ngoài vòng rào chỉ có tôi còn thức toan tính tự hủy diệt. Nếu lũ quỷ vô thường nghi ngờ tôi âm mưu chuyện gì mờ ám thì chúng sẽ nổ súng vào tôi. Thêm một bảo đảm nữa cho cái mưu toan chấm dứt đời mình, vốn đã quá chắc ăn rồi.

Tại sao tôi thèm chết một một cách quá hắc ám đến thế? Tôi điên? Chắc vậy. Mà cái gì làm tôi điên? Từ trước đến nay tôi vẫn tự hào rất vững tinh thần trong mọi cảnh ngộ, chẳng lẽ tôi cam chịu chết chìm ở một lỗ chân trâu sau khi đã đi sông đi biển mà không chết? Tôi không tìm được câu trả lời nào thích đáng. Nhưng điều đó không ngăn cấm tôi thèm chết. Trong đời tôi có hai lần tôi cứu hụt hai người đàn bà tự sát vì tình duyên trắc trở. Người thứ nhất thắt cổ ở một khách sạn. Tôi để ý thấy có mấy tờ báo bị xé vụn thả đầy dưới chân giường. Người thứ hai nhảy xuống sông Tiền Giang Mỹ Tho trầm mình. Tôi cũng để ý thấy cỏ mọc ven sông bị cào cấu nát bấy bỏ thành đống. Họ chắc đã suy nghĩ rất nhiều và tâm can chắc cũng bị cắn xé tan tành như giấy báo và cỏ cây mà họ đã giầy vò cấu xé tơi tả…

Tự tử là một hành vi can đảm hay hèn nhát? Ai dám bảo có câu giải đáp dứt khoát? Kẻ lý luận đời mình không ngừng dự phóng thì cho tự tử là một thất bại, bởi vì với cái chết mọi dự phóng đều bị hư vô hóa. Với người cho rằng đời chỉ đáng sống khi còn có ý nghĩa thì tự tử là một hành vi hợp lý. Nếu có lý do tôn giáo chen vào thì càng rắc rối thêm: Tự tử là thách thức Thượng Đế; tự tử không giải quyết được gì hết vì vòng luân hồi vẫn chưa được giải. Đằng nào người tự tử cũng vẫn phải đơn độc lấy quyết định…
Quyết định vị kỷ? Chỉ có người đã tự tử mới trả lời được. Mà cũng chỉ có cỏ cây, giun dế mới nghe câu trả lời được thôi. Bí mật vẫn bao trùm: có người tự tử hụt thì từ đó được miễn nhiểm, nghĩa là tởn tới già. Có người lại tiếp tục tìm cách tư sát nữa, cho tới khi đạt mục tiêu vĩnh viễn ra đi. Ai đúng? Ai sai? Vấn đề không còn là đúng hay sai nữa, mà là làm hay không làm. Mà làm hay không cũng chỉ do mình quyết định, bởi thế mới gọi là tự tử !

Hôm nay, tôi hết còn nhu cầu quanh co. Làm. Nước đã sôi lâu rồi. Tôi đếm lại các viên chloroquine trước khi tống chúng vào miệng. Một ý nghĩ đã dằn vặt tôi bấy lâu nay lại muộn màng chợt thoáng qua đầu tôi: Tội cho vợ con tôi quá! Tôi ngừng tay trong gang tấc…
Cái gì đã giữ tay tôi lại sau sáu mươi bảy ngày đêm ròng rã toan tính không ngưng nghỉ? Ngay bây giờ -giây phút tôi viết tới đây- nếu ai hỏi tôi có lẽ tôi sẽ thao thao bất tuyệt giải thích, trong trạng thái bình tâm, kiểu như người vừa thoát chết sau một cơn bạo bịnh hay một tai nạn hiểm nghèo bình tĩnh kể lại…Nhưng trong cơn mê điên lúc bấy giờ, tôi chỉ thấy mình vừa vụt thoát khỏi vùng u tối ghê rợn. Cùng lúc, từ xa văng vẳng tiếng chuông rộn rã hòa điệu với bản thánh ca: «Cuộc sống con người như cỏ hoa. Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi. Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích…».

Hôm nay, lẽ ra từ năm giờ sáng trở đi tôi đã là một sự có mặt vĩnh viễn bị bôi xóa. Nhưng cả trại tù đã thức giấc, mặt trời cũng đã mọc, tôi vẫn còn ngồi bất động bên cạnh hàng rào kẽm gai, mắt mờ lệ hướng nhìn ngôi giáo đường ẩn hiện lờ mờ trong sương sớm, bên ngoài vòng rào, nghe tâm hồn bình lặng theo tiếng chuông ngân nga. «Còn khóc được là còn hạnh phúc», tôi thầm nghĩ…Ai có niềm tin thì cho rằng đã có một phép lạ. Ai không tin hoặc chưa tin thì nghĩ tiếng chuông là một âm thanh tình cờ đánh thức tôi, như người đang thiếp ngủ trên tay lái chợt tỉnh đạp thắng kịp khi xe mình sắp lao xuống vực sâu.

Ngày thứ sáu mươi tám, thật lạ lùng: Tôi đột ngột ra khỏi cơn ghiền chết. Nhưng không có nghĩa là tôi ham sống trở lại. Tôi hết còn toan tính tự sát nhưng vẫn còn thích chết. Đúng hơn, tôi thụ động chờ chết: Lúc kho đạn cũ của Sư đoàn 18 Bộ Binh ở Xuân Lộc phát nổ, một số đông bạn tù của tôi bỏ mạng. Nhằm lúc tôi đang nấu bếp. Ai nấy lo tìm chỗ trú ẩn, chỉ có tôi đứng sừng sững như chờ đạn pháo rớt trúng mình cho xong chuyện. Đêm đó, nằm trong mùng tôi ước ao mùng biến thành hòm bó xác tôi luôn cho tiện!
Đến tháng thứ sáu trong tù, nhân vụ phụ tay khiêng xác một dược sĩ tự tử (lại thêm một dược sĩ đi tìm cái chết!), tôi sống lại hoài niệm thương động ngày thứ sáu mươi bảy ở Trảng Lớn. Anh dược sĩ nầy chắc cũng đã chuẩn bị cái chết của mình rất lâu và rất chu đáo như tôi. Anh nuốt trọn một tuýp Valium 10 trước khi dùng dây kẽm treo cổ trên sà nhà rất thấp. Anh vận nội công nhấc bổng hai chân lên (anh vốn là huyền đai đệ tam đẳng Thái Cực Đạo) và chết trong tư thế ngồi xếp bằng, thi thể lủng lẳng là đà mặt đất…
Từ đó, tự nhiên tôi bắt đầu chợp mắt được đôi chút và bắt đầu thấy có bổn phận trường tồn. Nếu quả thật «Vanitas vanitatum et omnia vanitas» (Phù du trong những phù du và tất cả đều phù du) thì tôi chỉ còn có mỗi một việc phải làm trước mắt: sống! Bởi chỉ có một thứ còn trong vòng tay tôi: cuộc đời tôi. Từ bụi tro đến thì tôi cũng sẽ trở về tro bụi, nhưng cứ để theo tiến trình tự nhiên. Thản nhiên sống, thản nhiên chết. Đừng có bày đặt rắc rối lôi thôi!
Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ tại sao mình đã thèm chết đến thế: Xảo thuật tẩy não của loài quỉ đỏ thật tinh vi. Chúng không đầy đọa anh liền tức khắc khi anh bước vô vòng kẽm gai. Nhưng chúng chặt đứt mọi liên lạc của anh với thế giới bên ngoài cho anh chới với, để rồi anh thường xuyên sống cảnh chờ đợi cây gươm Damoclès rớt xuống đầu anh. Nếu trước đây anh có cuộc sống náo động thì sự bất động miễn cưỡng giờ đây làm cho anh mau sa sút về mọi mặt, như chiếc xe hơi đang chạy hết tốc lực đột ngột khựng lại vì bị đứng máy. Độc hại hơn hết là anh chẳng bao giờ có cơ hội ngang nhiên nổi máu anh hùng: Không còn ai biết đến anh nữa (anh có cảm tưởng như vậy), và anh sẽ mòn mỏi chết như một con chó hoang ở một xó xỉnh nào đó. Riêng tôi, nhìn lại tiến trình «thèm chết» tôi nghiệm thấy nó như một nhu cầu chấm dứt sự chờ đợi căng thăng thường xuyên đang tàn phá kinh khiếp tim óc mình.

Từ đó, tôi nghĩ trước sau gì cũng chết, tội gì phải gấp gáp. Hãy sống cái đã! Mà muốn ham sống, phải có một động lực nào mạnh ngang hoặc hơn bản năng sinh tồn: Niềm Tin và Tình Yêu. Cảm xúc và đam mê còn là sự sống còn vươn lên được. Trước mắt là gắn bó với anh em đồng cảnh ngộ, gắn bó với anh em khác cảnh ngộ nhưng cùng một chiến tuyến. Tôi nhập cuộc trở lại với anh em bằng cách mà bọn hung thần không thể nào kiểm soát: tâm tưởng. Gặp nhau trong lời nguyện cầu, niềm hi vọng thầm kín trong đầu. Ánh mắt diễn đạt đã đủ để chuyển thông điệp. Cộng thêm những nhạc khúc cố tình đánh lạc nhịp nhưng âm điệu vốn đã quen nghe, những bài thơ đọc hoặc viết ngược, v.v…Có một điều bọn quỷ dữ vẫn biết mà không sao ngăn cản được là cứ tới ngày Phật Đản hay Giáng Sinh, anh em tù ra sân chơi, đứng lặng yên cúi mặt hay ngước nhìn trời cao, thay vì cười nói huyên thiên. Và sư tôn kính dành cho quì vị tu sĩ cùng ngồi tù vẫn nguyên vẹn, có phần tăng trưởng.

Riêng tôi, nhờ bọn ác quỷ tôi tìm lại được TÌNH YÊU tưởng đã chai lì theo ngày tháng, thói quen và NIỀM TIN tưởng đã vĩnh viễn mất với cuộc sống đua đòi trước đây.
Tình Yêu thêm sức cho thiện ý nẩy nở vượt bực nơi tôi, khiến tôi chỉ còn muốn thấy và giữ những gì tốt đẹp ở anh em, nhằm tạo một sinh lực dư thừa khả năng xô ngã bức tường tù túng của những tị hiềm nhỏ nhoi còn ngăn trở anh em chúng ta nắm tay nhau thực hiện

Một niềm tin, một niềm tin sắt đá:
Sẽ có ngày bạo lực tàn hơi…

Đổ-Lá-Đầy-Ấp-Mơ, Xứ Tuyết
-Lê Tấn Lộc-