Friday, May 30, 2008

Nha sĩ của lòng anh






Dao phai cứa cổ, máu đổ không màng…
Chết thời chịu chết (chớ)
buông nàng (ơ ớ) không buông (ớ ơ)…

Chàng rón rén bước ra khỏi phòng, lần mò xuống bếp, cố tránh gây tiếng động. Lớp tuyết trắng bên ngoài phản chiếu ánh trăng vằng vặc hắt vào nhà đã đủ sáng. Nàng mới vừa «cà răng» chàng tới 3giờ khuya… Ban chiều, trước khi đi dự tiệc, nàng đã dặn đi dặn lại chàng đừng uống rượu nhiều; mà chàng hễ thấy rượu là như lân thấy pháo! Đã biểu hễ ngà ngà rồi thì đừng bày đặt hát hò như Tây say. Vậy mà chàng cũng chiếm cho được «đài phát thanh» lè nhè ca bản nhạc mà nàng cay cú nhứt trong số bài bản chàng sáng tác. Đã vậy, còn líu lưỡi giới thiệu bản L’Angélique Gwen của Tin Yêu -bút hiệu của chàng- thành L’Alcoolique Ghen của Yêu Tinh! Thiên hạ cười rần; nàng đỏ mặt tía tai, lẻn trốn vào toilette, ấm ức…
Chàng mở tủ lạnh, cầm chai…xê-ven-nấp tu ừng ực cho hạ hỏa, rồi thu mình vào góc tối nhứt của bàn ăn nhỏ, lấm lét nhìn lên lầu, vảnh tai nghe xem có rục rịch gì chăng. Lúc chàng bước xuống cầu thang, nàng đã ngủ mê mệt sau khi hành nghề nha sĩ không có bằng cấp.(Lẽ ra nàng phải được nhà nước cấp «đíp-lôm đê-ta» mới phải, bởi vì nàng rất tận tụy với nghề nghiệp bất đắc dĩ nầy). Tuy mùa đông sắp tàn, dù đã hơn 6giờ sáng, trời vẫn còn tối. Giờ nầy bạn bè ở Montréal chắc vẫn còn ngon giấc; bên Paris chắc Mẫn và Nguyệt đang ăn trưa; bên Cali chắc Nguyễn, Võ, Huỳnh đã gục ngã trên bàn tiệc.
Sáu tháng nay, nàng chịu khó theo chàng đi sinh hoạt văn nghệ, hi vọng chàng tìm được niềm vui mới sẽ bớt uống rượu. Bớt thì có bớt đấy, vì lúc cầm viết chàng quên cầm chai. Nhưng chàng có tật làm cái gì cũng say mê, không thức thâu canh uống rượu thì…viết sáng đêm, quên ăn quên ngủ! Nàng bực lắm, thời khóa biểu của nàng vô phương thích ứng với lối làm việc loạn xà ngầu của chàng. Nhức nhối hơn nữa là những chuyện chàng viết thường liên quan đến các «cố nhân» mà nàng tưởng đã dùng eau de javel tẩy sạch hết hoài niệm còn bám rễ trong đầu chàng! Nàng cằn nhằn, chàng nói nàng nên lựa chọn: hoặc cho chàng uống rượu giải sầu, hoặc để chàng viết văn tiêu khiển. Cũng bằng biểu nàng chọn lựa giữa thuốc rầy và thuốc chuột !
Bởi vậy, chiều hôm qua, ngồi dồn thịt nguội vô họng chàng như dồn cho ngỗng ăn, nuôi thúc, -chộ vốn cho cái bao tử chàng trước, để lát nữa nhập tiệc chàng có «dô, dô» cũng đỡ gục tại chỗ hơn- nàng cố gắng mớm ý cho chàng chuyển hướng:
-Sao anh không viết tiểu luận như hồi còn ở bên nhà?
Chàng cười ha hả, biểu nàng chờ chút. Lúc chàng trở lại, nàng thắc mắc hỏi chàng đang nói chuyện sao bỏ đi đâu, chàng tỉnh bơ trả lời:
-Đi tiểu. Bây giờ mình có thể luận được rồi đấy!
Nàng tức quá dậm chưn dẫy nẫy. Chàng phân trần, bây giờ không như trước đâu, viết truyện tình cảm lăng nhăng, truyện du hí lẩm cẩm chưa chắc đã được yên thân -người viết đã nhiều mà các nhà phê bình cũng không ít- nói chi tới viết tiểu luận. Tiểu bậy tiểu bạ thành tiểu loạn có màn lỗ mũi ăn trầu như chơi! Truyện dỡ ít tai hại hơn tiểu luận dỡ: mắc mớ gì bắt độc giả sốt ruột cầm canh nghe bên nầy chửi qua bên kia chửi lại dài dài…
Nằng nói nàng đâu có xúi dại chàng viết chính trị. Viết tiểu luận văn chương hay triết học Hoặc tâm lý học không được sao, «nghề» của chàng mà!
-Tết Ma-rốc anh mới dám viết về chính trị. Mình làm gì đủ kinh nghiệm và tư cách ? Vả
lại anh cũng chẳng có khiếu. Còn về «tiểu…triết», đã có quá nhiều tay « mê sảng chuyên nghiệp » muốn gây ảo tưởng về chiều sâu -sâu quá nên tối hù- chơi chữ riết rồi bị chữ nó chơi lại hồi nào không hay, cứ nằng nặc đòi hành trình từ hư vô vào…hư vô! Nhào vô đó có ngày mất tích luôn. Về «tiểu…văn» cũng có nhiều «chuyên gia» lăm le «đâm nổ mặt trời», «thách thức thần linh» nên anh cũng rét lắm. Nhảy vô kiếm ăn, sợ rủi tận thế bất tử bà con đổ thừa mình chọc cho trời đánh, bá tánh bị vạ lây. Riêng tâm lý học thì đã có quá nhiều ngộ nhận, nhiều lẫn lộn với môn đức dục, với mục tìm bạn bốn phưong, với trang tử vi đẩu số. Xưa đã có «Bà Tùm Lum» giải đáp tình duyên trắc trở, nay có thêm các «nhà tâm số» nhảy ra nối nghiệp mần ăn lớn. Láng cháng vô đó, không bị đổ ruột vì cạnh tranh bất chánh thì cũng bỏ ăn luôn vì tối ngày cứ lo «gỡ rối tơ lòng», «bói khoa và coi quẻ» !
-Em nói chuyện đứng đắn mà anh cứ cà rỡn không hà!
Câu chuyện trao đổi văn nghệ coi mòi không khả quan. Nàng ngoe ngoẩy bỏ lên lầu thay quần áo, theo làm bê-bi xít-tơ cho chàng đi họp mặt văn nghệ. Rồi xảy ra vụ nói lầm yêu-tinh-ghen-l’alcoolique… Chưa kể, vừa nhập tiệc chàng đã «kê» nàng:
-Thưa quí bạn! Bền trái tôi là nhà thơ…, bên phải tôi là nhà văn…, trước mặt tôi là nhà báo…, sau lưng tôi là nhà phê bình…Và trên đầu tôi là…là…nhà tôi!
Bảo nàng không «nực» chàng sao được. Trong bàn tiệc, hầu như ai ai cũng giữ miếng; chàng thì chứng nào tật nấy, xáp vô là xả láng. Chàng nói:
-Chơi ra chơi, làm việc ra làm việc; đâu thể lẫn lộn. Tiệc rượu, tính theo tiệc rượu. Bàn họp, tính theo bàn họp. Vừa uống rượu vừa «gồng» thì bày đặt uống chi cho nó mệt. Ngồi nhà uống trà rung đùi cho nó khoẻ. Uống rượu mà không say, nào hay! Rượu uống say? Dễ hiểu thôi! Ực trà đá chanh đường, hớp nước suối, nút cô-ca mà lật gọng, rồi phát biểu linh tinh, ăn nói lật lộng mới thiệt bất ngờ và khó hiểu !
Biết không hề thuyết phục được nàng với cách lý luận «lắc lư» của mình, để vui nhà vui cửa, sau màn bị cà răng chí cốt chàng hứa với nàng -cho nàng yên tâm dỗ giấc ngủ rất khó đến- từ nay trở đi chàng sẽ tu sữa thay vì «dô dô» nước hạnh phúc, để những ngày còn lại của hai đứa trong lứa tuổi trổ đồi mồi đỡ phần căng thẳng thường xuyên. Cũng chẳng dễ đâu: Bạn nào không bè, tiệc nào không tùng? Thế nhưng, tìm được người đối ẩm nhuần nhuyễn tinh thần Say là say nghĩa say nhân, Say chung Lý Bạch say đàn Bá Nha, chứ đâu phải ăn bã ăn hèm chi mà say…cũng rất khó. Chẳng lẽ bắt chước tiền bối Nguyễn Bính vỗ đùi ngâm nga Tết này, Ô! thế mà vui chán, Những một mình em uống rượu hồng…? Độc ẩm, tự «đã» nghe sao chẳng khác thủ dâm mấy! Không phải vô cớ, người xưa khuyên «trà tam, tửu tứ». Mà thôi, chẳng đặng đừng, tốt hơn nên lửa tắt bình khô rượu cho vừa lòng nhau…
Lần đầu tiên chàng thực sự muốn liệng ly, quăng bút vì ê chề, chán ngán. Nút sữa, cử tạ cho bà xã hài lòng, khỏi gây phiền toái cho thiên hạ, coi bộ có ăn hơn! Sữa rẻ hơn rượu, tạ dễ cử hơn bút. «Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện», xưa như trái đất, mà cũng đâu có trật ! Mới quọt quẹt vài bài, chàng đã mệt cầm canh: Phía «những tâm hồn cao thượng» nhắn nhủ chàng chớ có phát ngôn bừa bãi, làm văn nghệ phải nghiêm chỉnh, phải dấn thân -chàng cười thầm: Ấy! Ấy! S’engager-dấn thân khác hơn s’engluer-sa lầy chứ!- phải chuyên chở suy tư -chàng lo sợ mớ chữ nghĩa ô dề cục mịch mà chàng rị mọ cạy cục ra chất chở đã khẵm đò rồi, nhồi nhét thêm tâm tư nữa dám chìm xuồng lắm!- phải truyền đạt thông điệp -chàng vốn hay lạnh chưn trước các danh từ đao to búa nhớn, kiểu «sứ mệnh văn nghệ» mát-in Nguyễn «Nam Châm», thập niên 60, mà hiện nay lại được tung hô dưới chiêu bài «văn chương tãi đạo»(hay tãi đạn?), «văn chương chuyển lửa»(hay chuyên lụi?), cũng rất dị ứng với mọi hình thức áp đặt, cưỡng bức văn học.
Mà thôi, chàng nghĩ đã đến lúc nên dừng lại, quay về với chính mình, kiểm điểm. Nắng vừa lên, đủ soi sáng cho chàng viết lá thư xin được giải nhiệm trách vụ trong tòa soạn một nguyệt san và trong một trung tâm văn bút hải ngoại. Ngoài sân, một con chim nhỏ đậu trên dây điện hót thảnh thót. Hạnh phúc sao mà dễ ợt! Ngã người lười biếng trên ghế xích đu, nhìn khói thuốc lơ lửng bay lên cao, chàng thả hồn đuổi bắt hoài niệm…

Thuở ấy, dối gian, lả lướt, rượu, trăng, sao còn vây kín cuộc sống hàng ngày của chàng ở Sàigòn. Cũng quần quật «lao động» không thua kém hiện giờ nơi xứ lạ, chỉ thiếu mục mê-trô-đô-đô. Bởi thuở đó, với Mẫn, Nguyễn, Huỳnh, Võ và chàng, lao tâm được tiếp nối bằng lao lực, với những đêm dài trác táng không ngủ. Một thế giới quỉ ám, thế giới mà quí «hiền phụ» thường hiệp lực đánh phá không ngưng nghỉ!
Do việc làm khá đặc biệt, đòi hỏi phải di chuyển thường xuyên -như mấy em ca-ve chạy bàn- chàng thường ăn quán ngủ đình. Viện cớ «vì nhu cầu công vụ», chàng lạm dụng thời gian vắng nhà đi te rẹt tối ngày. Đến nỗi có lần, dù miệt mài làm việc và chăm sóc các con -cao quí thay tình mẫu tử- chợt nhớ có nguy cơ chàng bỏ phế gia cang, nàng giũa chàng te tua, rồi tạm kết bản cáo trạng bằng câu móc lò:
-Sao anh không mua đại cái «treo-lơ» kéo theo đi làm? Đỡ tốn tiền mướn phòng ngủ. Anh đâu cần ngó tới mặt con gái già nầy nữa, phải không?...
-Em à! Yêu không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng, chàng châm chọc.
-Em không có giỡn với anh nghe! Mấy tháng nay, em thấy anh mất dạy lắm đó.
-Anh mất dạy thiệt. Bãi trường rồi, còn giờ dạy đâu mà không mất dạy!
-Anh đàng hoàng một chút có được không? Già đầu rồi chớ đâu còn con nít…
-Ậy,con nít còn «triết gia» hơn người lớn đó em! Con-người-triết-học Karl Jaspers đã viết: «Ta thường nghe từ miệng trẻ con những lời lẽ mà ý nghĩa đâm thẳng vào chiều sâu (lại chiều sâu!) triết học».
Cây chài vồ từ trong tay nàng -nàng đang đâm tiêu- bay vèo qua đầu chàng, đột ngột chấm dứt cuộc đối chọi triết lý! Chàng cúi lượm «tang vật» lăn lóc trên sàn nhà trả lại cho nàng, vỗ vai nàng nói:
-Võ lực là dấu hiệu bất lực của trí tuệ.
Nàng ôm bụng cười ra nước mắt nhưng không ra tiếng, dấu hiệu chàng đã được tha thứ, qua kinh nghiệm tích lũy từ những lần chàng bị chiếu bí trước đây. Lợi dụng lúc nàng đang vui vẻ, chàng đề nghị đưa mẹ con nàng đi ăn mì Cây Nhãn. Mấy đứa nhỏ nhảy tưng khoái chí khiến nàng cũng nguôi ngoai cơn giận -Ôi, tình mẫu tử thiêng liêng!- đồng ý lên xe ra Đa Kao. Đổ dốc Cầu Bông, vừa quẹo qua đường Đinh Tiên Hoàng, cả gia đình đã hít được mùi hương thơm của nồi xúp mì đang phà khói hòa trộn với mùi trái cây ngào ngạt tỏa ra từ hai cây nhãn chằng chịt những chùm trái treo lủng lẳng, hấp dẫn trong sân có đặt xe mì. Buổi ăn mì hôm nay nhắc nhớ lần đầu, khi mới quen nhau, nàng đưa chàng tới đây thưởng thức hương vị đặc biệt của món mì mà nàng đã mê tít từ thuở mới lên mười!
Chàng thấy nàng vẫn không thay đổi cung cách phục vụ chồng con: Gắp đút, thúc nhét, ép ăn; sung sướng ra mặt thấy «cha con tụi nó» ngon miệng. Và vì chăm sóc kỹ quá nên đôi khi gây ngộ nhận bất tiện: sau bữa ăn mì, Thùy đi học về chạy ngay xuống bếp kể:
-Con nhỏ bạn học cùng lớp nói tối hôm qua nó thấy má dắt bốn đứa con đi ăn mì. Con nói tụi tao chỉ có 3 chị em. Nó cãi: rõ ràng nó thấy ông anh lớn của con lái xe chở má, con, thằng Tấn và con Minh mà!
Nàng trợn mắt -chàng hoảng vía nhớ lại ba của chàng thường «chọc quê»: nàng trợn mắt, chàng té đái!- «quạt» chàng tới tấp:
-Em đã lưu ý nhiều lần mà anh vẫn chẳng chịu nghe. Bộ anh tưởng mình còn trai tơ sao mà cứ xỏ mấy bộ đồ híp-pi choi choi hoài vậy? Có ngày em xé hết cho anh biết tay!
Chàng cố gỡ gạc:
-Con nhỏ nó nói vậy cũng tốt, có sao đâu: Em thương chồng như thương con cái. Anh thương vợ như thưong cha mẹ!
Nàng lại gập người cười ra nước mắt nhưng không ra tiếng…

Thời gian nghỉ hè qua nhanh, vị trí «có dạy» được phục hồi, chàng trở lên bục gỗ hát cho đám trẻ ghi chép, bớt được thời gian bị nghe nhạc thính phòng tại gia. Có lần chàng rên, đi dạy về đừ câm còn bị nàng kèm trẻ tư gia về môn giáo dục công dân! Cũng mấy món cũ xào đi nấu lại: tiết kiệm chưng cách thủy lo xa, chồng giỏi tiềm thuốc bắc cha tốt, lưu linh xào bia ôm, hải cẩu chần hành «ghế linh»(gái đẹp), ly dị nướng vĩ thắt cổ v.v…Sực nhớ có lần vô lớp, sau giờ công dân của một nữ đồng nghiệp, chàng đọc trên bảng đen dòng chữ viết bằng phấn đỏ: «Phê bình như nói láo, cảnh cáo như nói chơi. Bị rầy như nghe hát, bị phạt như học thêm!» -chắc chắn do đám nam sinh rắn mắc chọc phá cô- chàng bèn đề nghị nàng thâu hết mấy món ăn chậm tiêu hâm tới hâm lui dành cho chàng vô băng cát-xét, để nàng khỏi nặng hơi mỏi cổ và đỡ mất thì giờ.
-Khi nào em muốn «giáo dục» anh, chàng tiếp, em chỉ cần bấm nút cát-xét cho anh nghe, rồi em đi ngủ cho nó khoẻ cái xác thánh.
Đề nghị được đối phương đáp lễ bằng năm vết cào chạy dài từ gò má xuống tới cổ chàng! Phe ta kêu trời như bọng, phe địch thút thít khóc. Một lúc sau, hình như thấy xót xa trong lòng, nàng bôi dầu cù là trên các vết cào để khử trùng (hay để chàng mau thấm đòn?).
-Ngày mai vô lớp biết trả lời sao, nếu có ai cắc cớ hỏi về những vết thù hằn trên lưng ngựa hoang? Chàng nhăn mặt vì rát quá, nói. Chắc cương đại mình giỡn với mèo bị nó quào!». Nàng lại cười không ra tiếng…Một chút máu đổ ra cho sóng lặng bể yên!
Tưởng đã xuôi mái xuôi chèo, bất ngờ mấy ngày sau trùng dương lại dậy sóng. Thùy tan trường về, lễ phép nhưng lạnh lùng chào hỏi ba mình rồi đi thẳng vô buồng thỏ thẻ cái gì với má nó không rõ. Độ mười phút sau, nàng tông cửa buồng chạy ra, nước mắt ràn rụa, cầm cây kéo nhỏ cắt móng tay, hướng mũi kéo về phía bụng chàng lụi tới! Nhờ phản ứng nhanh, chàng né tránh kịp thời nhưng cũng bị mũi kéo rạch một đường dài bên hông. Rồi nàng ngất xỉu. Thùy phụ cha cõng mẹ lên giường chập chộ, cạo gió, giựt tóc mai…Lúc nàng hồi tỉnh, chàng gạn hỏi, nàng chỉ khóc ngất.
-Ai biểu ba có con rơi, còn giấu má. Thùy mếu máo kể lể.
-Trời đất! Ba có con rơi hồi nào ba không hay mà má con lại biết hả Thùy?
-Nhỏ bạn học nói nghe chị nó -học trò của ba- thuật lại ba vào lớp kể chuyện tình lâm ly, trong đó người yêu ba chết, để lại đứa con rơi mà tình cờ hai mươi năm sau ba mới tìm ra tông tích.
Con hại ba rồi Thùy! Đó là chuyện hư cấu, ba dựng nên để minh họa cho bài giảng về cường độ đam mê trong tình yêu. Để câu chuyện thêm phần sống động, lôi cuốn, ba lồng các tình tiết vào bối cảnh mối tình đầu của ba ở Mỹ Tho, thuở ba mười tám tuổi…
-Bạn con nói hòn máu rơi của ba bây giờ là một cô gái mỹ miều, giống mẹ như khuôn đúc, mang luôn tên mẹ…
-Hèn chi hỗm rày anh bỏ nhà đi luông tuồng, chạy bay tóc trán! Nàng ấm ức lên tiếng, nghẹn ngào. Anh lo cho đứa con rơi còn hơn lo cho con Thùy. Anh mà không cho em gặp con bé đó, em hốt sấp nhỏ lên xe lũi xuống sông Sàigòn chết hết cho anh rảnh tay...
-Em muốn gặp nó, chàng lắc đầu đáp, thì… chờ hưỡn hưỡn một chút anh ngồi viết thành tiểu thuyết cho em tra cứu. Nếu gấp quá, em có thể bửa đầu anh ra, kích thích trung khu não nào liên quan tới cơ năng sáng tác để kiểm chứng, hoặc để nó chạy qua máy in cho em đọc sốt dẻo!
Nàng lại gập người cười không ra tiếng, rồi lui cui bôi thuốc đỏ lên vết thương rướm máu của chàng. Thiếu chút nữa là không chết người em gái hậu phương đởm đương mà chết người trai tiền phương lả lướt!

Nghĩ cũng lạ thật. Ngay từ khởi điểm, hầu như chẳng có gì lôi cuốn hai đứa đồng hành: Nếp sống, tánh tình, lối suy nghĩ, sở thích riêng tư, môi trường sinh hoạt v.v…hoàn toàn trái ngược nhau. Nàng quá cổ điển, chàng quá tân thời. Đồng nghiệp, bạn bè, thân quyến của hai đứa đều chung một nhận xét: Nàng trao duyên lầm tướng cướp! Nhưng, nghĩ lại trời cao quả thật có mắt. Nếu nam tặc chỉ xáp vô nữ tặc chắc trái đất đã nổ tung từ khuya, vì nòi thảo khấu sinh sôi, lộng hành!
Có lần nàng hỏi chàng bộ không thấy xấu hổ khi bồng bắt hết cô nầy tới cô kia, trong khi nàng chỉ một lòng một dạ với chàng sao. Chàng lập luận kiểu ó đâm, tuy chàng không chung thủy nhưng rất chung tình; chung thủy chỉ với một người, chung tình, với cả Tình Yêu!
- Phải rồi! Nàng cười nhạt châm chích. Chung tình hay…tình chung?
-Anh bị tật lớn tim…
-…nên tim anh lớn quá, đầy nhóc người yêu! Biết vậy sao còn cưới vợ làm chi?
-Tại nghe lời sư tổ…
-???
-…Socrate, tổ phụ của triết học tân kỳ. Sư phụ khuyên môn đệ trong mọi trường hợp đều nên lấy vợ. Nếu may mắn trúng ngay thục nữ, sẽ được hạnh phúc. Nếu xui xẻo quơ nhằm bả chằn, sẽ có cơ hội trở thành triết gia!
-Chuyên môn nói tầm phảo! Không có em chắt chiu, lo xa, giờ nầy chưa chắc anh có được cái quần xà lỏn mà bận nữa là khác.
-Nếu vậy, anh còn mau trở thành triết gia hơn. Ngày xưa, ông Démosthène cũng đâu có bận quần áo. Ông trụi lũi núp trong lu che thân, tài sản chỉ độc cái mủng vùa để hứng sương, hứng nước mưa uống cầm hơi. Thế mà ông cũng liệng nó luôn khi thấy một đứa bé dùng hai bàn tay vốc nước uống. Ông nghĩ mình thua trí thằng nhỏ, chưa biết tận dụng hết cái trời đã cho sẵn. Triết gia Henri Bergson cũng hằng lưu ý: «Nơi đâu có nhiều vật chất thì nơi ấy ít có tinh thần».
Nàng ngao ngán thở dài, nghĩ thầm chẳng phải mình trao thân nhầm tướng cướp, mà là gởi phận lầm người đi trên mây! Gần bốn mươi tuổi đầu rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chàng biết lo cho vợ con. Trăm sự đều do một tay nàng quán xuyến. Ngoài chuyện rong chơi, chàng chỉ lo chuyện bao đồng. Có điều nàng vẫn yên tâm: chàng còn yêu nàng lắm và vẫn còn tha thiết với…triết học! Niềm đam mê nầy trông có vẻ bền vững hơn lòng say mê rượu ngon và «yêu nữ» nhất thời của chàng. Nàng tự trấn an, con «hải cẩu» cũng sẽ có ngày kiệt lực, ê càng. Cũng tự an ủi về vai trò tối quan trọng của người đàn bà đông phưong trong việc bảo toàn hạnh phúc gia đình. Rồi lá cũng rụng về cội thôi! Duy có một việc làm cho nàng luôn luôn lo nghĩ là chuyện chàng uống rượu. Nàng nhứt quyết phải «dứt điểm».
Có người bày cho nàng lấy mồ hôi ngựa quậy vô rượu cho chàng uống. Nốc xong ly rượu đặc chế nầy thì…sư tổ của ngài Lưu Linh cũng bó tay đầu hàng, vì hễ bắt mùi rượu là ói tới mật xanh! Nàng muốn thử nghiệm từ lâu nhưng lại lo chàng ngủm cù đèo bất tử, mình bị tiếng oan ác phụ. Cuối cùng, sau khi đắn đo cân nhắc nàng đem phương thức trị liệu thần tình nầy ra bàn với…chàng! Chàng cười dễ dãi:
-Nếu em muốn thì anh cũng sẵn lòng chìu em. Chỉ sợ uống mồ hôi ngựa vô sanh biến chứng như ngựa rượng đực, loạn dâm rượt đàn bà con gái người ta, đổ nợ dài dài…
Dự tính thử nghiệm chết từ trong trứng nước. Không phải nàng dễ tin, nhưng nàng sợ chàng mượn cớ làm sảng, lòi chành té bứa rồi đổ thừa tại lậm thuốc do nàng pha chế! Tuy nhiên, nàng vẫn không quên đeo đuổi mục tiêu tối cần triệt hạ con sâu rượu. Một bữa, chàng lảo đảo về nhà thấy cửa buồng khoá chặt, bên ngoài yết thị: Uống Rượu Không Được Vào. À há! (có) Vào Được (cũng) Không Rượu Uống! Mặc kệ chàng kêu réo ầm ĩ, bên trong vẫn im phăng phắc. Nàng yên trí sáng mai thế nào chàng cũng xuống nước năn nỉ. Ai ngờ, chưa đầy năm phút sau đã nghe «xắc-xô» thổi ồm ồm ngoài xa-lông. Nàng đâu biết tiếng lóng «mua mùng» của mấy tay «yêu nước…mắt quê hương»! Hơi rượu nực nồng đuổi muỗi như trừ tà. Đụng tới mấy ông lưu linh con, muỗi dám theo các ông «về quê» luôn!
Âm thanh trầm bổng của tiếng ngáy y như dàn nhạc đại hòa tấu, tạo cho chàng giấc mơ
êm đẹp đang dìu tiên nữ khiêu vũ dưới trăng mờ…Thình lình trời trút mưa, sấm chớp chói loà, nàng tiên hốt hoảng toan cất cánh bay đi. Chàng bật khóc, vị mặn nước mắt thấm môi, ú ớ quờ quạng níu kéo người đẹp và…mắt nhắm mắt mở, chàng nhận ra mình đang nắm chặt tay nàng, tay kia nàng đang cầm bình tưới cây tiếp tục rưới xuống mặt chàng! Đèn đuốc sáng trưng, miệng chàng vẫn nhép nhép cục muối hột trước khi tỉnh hẳn phun nó ra, định ăn thua đủ với«ác phụ». Nhưng thấy mặt nàng hầm hầm, răng nghiến trèo trẹo, mắt mở trừng trừng, chàng mất hết nhuệ khí, ngồi xếp ve ôm đầu chờ… bà xẹt!
Mở màn cuộc tra vấn vẫn là «hòa tấu khúc» muôn thuở, đầy nước mắt: Đi đâu/ Đi đâu/ Đi hoài!..Uống sao/ uống gớm/ uống ghê// Gái tơ/ kỳ nữ/ cận kề //suốt đêm!!! Mình vui mà để khổ cho vợ con ngày đêm hẹn nợ khóc thầm…Đi nhậu cho đã, về hành hạ vợ con thức trắng dờ con mắt, rồi lăn ra mở tiệm cưa, cưa gỗ như bò rống!..
Âm thanh và nhịp điệu đối nhau chan chát:
*Xanh-cốp (tức tưởi): Khổ thân em, có biết chăng?
*Nhịp chỏi: Hỡi em yêu!«Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay…»
*Vi-vát-xơ: Muốn phang anh què giò cho khỏi đi rong! Muốn may miệng anh cho khỏi uống rượu hoài!
*Lăng-tô-éc-pờ-rét-xi-vô: Muốn điếc cho khỏi nghe…Muốn câm cho khỏi nói…Muốn đui cho khỏi thấy…
*Mô-đê-ra-tô: Anh say «uống và đi»…
*Ăn-đăn-tê: Em mê «ăn với ở»…
*Điệp khúc (dồn dập): Em ly dị/ Em ly dị/ Em ly dị!!!..Em muốn chết/Em muốn chết/Em muốn… chết!!!..
*Cô-đa: Ấn// nút// băng// cát// xết// đi…em!!!
Tiếng cymbale (phèn la?) bi tráng chấm dứt bản «công-xét-tô» được thay thế bằng tiếng ly tách bay vỡ rỗn rãng…chào mừng bình minh vừa ló dạng! Thu dọn chiến trường la liệt miểng vụn văng tưới xượi đầy phòng khách, nàng tiếp tục thẩm vấn:
-Tại sao anh phải uống rượu hoài?
-Uống rượu sống dai hơn uống nước. Không tin em ra nghĩa địa coi, có bia nào ghi chết vì rượu đâu, ghi chết vì nước thì quá nhiều. Anh hỏi em, con chó saint-bernard đi cứu người bị kẹt trong cơn bão tuyết đeo trên cổ thùng rượu rhum nhỏ hay khay nước đá? Người ta báo động rượu hay nước bị ô nhiễm? Mình dùng nước hay rượu để khử trùng? Ân huệ cuối cùng dành cho người tử tội trước khi thọ hình là ly cognac hay ly coca? Tưởng thưởng một tướng quân oanh liệt thắng trận, vua ban cho chung ngự tửu hay ly trà đá chanh đường? Cúng kiến ông bà, mình rót rượu hay rót nước lạnh? Cho dù có chén nước lạnh đi nữa cũng chỉ để ông bà súc miệng chớ đâu phải để uống!
Thấy nàng chẳng nói chẳng rằng, tưởng nàng đuối lý chàng tiếp tục huênh hoang:
-Anh thấy mấy tay uống rượu coi vậy mà thảo ăn lắm, ưa chào hỏi, mời mọc, rủ rê nhập cuộc. Mấy thằng hút thì mạnh ai nấy «phê», chẳng mời mọc cũng khỏi chào miễn rủ, vì mở miệng chào hỏi sợ tắt liều thuốc đang kéo ro ro !
-Đừng có bá láp bá xàm nữa nghe chưa? Em nổi dóa lụi anh một dao chết tốt bây giờ! Anh đâu có thấy lúc anh say mèn về nằm một đống, ngáy ồ ồ, coi không khác con heo sình, con trâu trương!
-Thì ra mười mấy năm nay em ôm ấp con heo sình, con trâu trương nầy ngủ, phải không? Tâm bệnh lý học gọi hiện tượng bất thường nầy là…«thú vật dâm», một trong những lệch lạc dục tính khó trị nhứt!
Nụ cười đặc biệt ra-nước-mắt-không-ra-tiếng của nàng báo hiệu buổi hài tội chàng tạm ngưng. Thấy không khí đấu tố đã loãng, chàng rề rề tới, mơn trớn vuốt ve nàng, rù rì:
-Bữa tiệc vừa qua, anh em mừng anh lên chức chủ tịch…
-…chủ tịch?
-…Hội Thùng Thông.
-Hội gì lạ vậy? Em chưa nghe qua bao giờ.
-Hội những người «có tóc». Trọc đầu không được kết nạp.
-Hôi chống thầy chùa xuống đường hả anh?
-Không, không. Hội phi chánh trị mà!
Chàng giải thích vòng vo tam quốc, cố tạo bộ mặt hết sức nghiêm chỉnh để nàng tin tưởng lắng nghe:
-Trọc đầu như Yul Brenner bị loại vì không có tóc-không cheveux-Không Sơ Vơ. Tôn chỉ của Hội là phải có tóc-có cheveux-Có Sơ Vơ. Nắm thằng có tóc chớ ai nắm thằng trọc đầu? Nắm đây là để cho vợ nó nắm, nghe rõ? Có tóc -càng dài càng tốt- do đó được coi là ám hiệu để nhận diện những tâm hồn đồng điệu: Có Sợ Vợ…Gọi là Hội Thùng Thông vì ván thùng thông dùng để đóng trang thờ Bà. Vì vậy Hội còn được gọi là Hội Thờ Bà. Anh và đám bạn Võ-Nguyễn-Mẫn-Huỳnh đều là giới chức cao cấp của Hội.
Nàng tức tối nhận ra chàng xỏ xiêng mình, phản ứng:
-Anh bêu rêu em vừa thôi nghe!Anh mà sơ vợ ? Nói sao không sợ thụt lưỡi, chẳng sợ trời đánh! Sợ sao còn đi nập nợn tối ngày, còn uống rượu như hũ chìm dài dài, còn trững giỡn với yêu nữ đều đều như Trư Bát Giái?
-Sợ quá, đi để trốn đòn; bị đòn phải uống rượu cho quên đau; còn đau quá nên phải tìm yêu nữ thoa bóp cho đỡ rêm mình…


Màn bên tung bên hứng tạm gác vì Thùy, Tấn, Minh đã thức dậy lục đục sau bếp, sửa soạn đi học. Chàng và nàng hôm nay tới sở thế nào cũng ngủ gà ngủ gật!

Gần bốn tháng nay mất liên lạc với Võ, chàng nóng ruột xách xe lên Lái Thiêu kéo Nguyễn đi Lai Khê -Bộ chỉ huy tiền phương của Võ- dò la tin tức. Thượng sĩ thường vụ của Võ đưa hai thằng về phòng của «ông thầy» nghỉ đêm vì «thiếu tá đang đụng lớn với VC ở Chơn Thành».
Phòng của Võ ngó xuống sân trại gia binh, có vòi nưóc công cộng cho gia đình binh sĩ. Sáng hôm sau, Nguyễn và chàng đang nhâm nhi cà phê thì từ phía phông-tên nước có một giọng nữ lớn tiếng phân bua:
-Tộ cha hặn! Từ khi hặn lậy tui tợi nay, hặn chơi tui đù kiều…
-Suỵt! Một giọng nữ khác chen vào. Chèng ơi! Chiện bí mật phòng the mà chị đem ra nói ầm ầm, hổng sợ người ta cười thúi đầu sao?
Gịong nữ kia lại oang oang:
-Tui nọi thiềt mà! Hặn cờ bàc, hặn trai gại, hặn nhầu nhèt, hặn hụt xạch. Không đù kiều sao? Bao nhiêu tiền lương hặn chơi lạng hệt. Tồi nghiềp mậy đựa nhò đọi bù lăn bù lọc…
-Sao chị hổng thủ một ít tiền hộ thân?
-Cọ chợ! Giậu trong xụ-cheng , xi-lịp. Nhưng hặn tinh lặm. Hặn mân mê tui chệt cựng rồi hặn mọc tiền tui sàch trơn!
Nguyễn và chàng bụm miệng cười ra nước mắt trước hoạt cảnh vừa tức cười vừa thương tâm.
- Thằng nầy ném về bậc sư phụ của tụi mình, Nguyễn lắc đầu nói, Tao phải kiếm nó xin vài chiêu.
Không biết Nguyễn có gặp được «sư phụ» để thọ giáo không. Nhưng một tuần sau hắn mang đầu máu tới gặp Võ, Mẫn, Huỳnh và chàng ở quán Tư Sanh bên Khánh Hội. Trước đó vợ nhà đã cho chàng hay vợ Nguyễn có xuống khóc lóc, than thở với nàng là Nguyễn đã ẫm nguyên số tiền hốt hụi đi nhậu hết với bạn bè. (Vậy mà nó dám gạt chàng nó trúng áp-phe gà giống, dư tiền ăn mừng Võ trở về sau vụ hè đỏ lửa !).
-Tổ trác tao! Nguyễn vỗ vỗ cái đầu quấn băng của mình, cười khà nói. Bả đòi tự vận, tao mới trổ ngón nghề của «sư phụ». Kết quả thấy rõ: bả lim dim, sắp «chệt cựng» thì hổng biết mắc ông bà ông vải gì -chắc tại tao xỉn quá, mất «cồng trôn»- tao nổi hứng nhăn-nhăn-cắn-cắn trái tai bả, rồi sảng hoàng kêu tên con Phấn «bưởi Biên Hòa»! Bả tỉnh hồn, mở mắt trao tráo dòm tao, khện nguyên cây đèn đầu giường lên đầu tao phun máu rồi…cấm cửa tao luôn!
-Còn tao thì… Tây Nhà Đèn hại tao,Võ rầu rầu nói! Đêm đó tao đã quá, đâu còn biết trời đất gì nữa. Tao nhớ mài mại thằng Mẫn đưa tao về. Nhằm bữa cúp đện tối thui. Làm một giấc khoẻ gà, thấy trong mình chột rột, tao động cỡn bày trò «mân mê».
Võ ngừng một lúc, ực láng ly «cồng»cô-nhắc-xô-đa, tiếp:
-No đủ rồi, tao chơi rắng mắc thuật chuyện địch «giận» của thằng bạn ở Bộ Chiêu Hồi, kể chuyện tên VC miền Bắc xâm nhập miền Nam: vô tới Bến Tre, thấy hàng dừa lùn sai oằn trái, nó mừng quá, nức nở khen:« Ối giời ôi! trong Nam sao cà pháo nhớn quả thế!»...
-…rồi sao nữa «thái» tá? Nguyễn chêm vô.
-Mọi khi tao giễu dỡ như vậy là «em» động tình đồng hương đổ quạu cự rân, ngắt véo tao bầm mình. nhưng lần nầy không nghe em trả lời trả vốn gì ráo, tao nghĩ bụng chắc em đà «chệt cựng»!
-Tụi bây thấy chưa? Nguyễn vỗ đùi khoái trá la to. Bùa của sư phụ linh lắm! Rồi sao nữa Võ?
Thiếu tá vô thêm một «cồng» nữa, tiếp:
-Gần sáng, có điện lại tao mới biết mình hố! Tao tưởng thằng Mẫn chở tao tới nhà con Dung, ai dè nó đưa tao về nhà tao! Lật đật ngồi dậy, tao chạy kiếm tở mở mà chẳng thấy bóng dáng «hiền thê» tao đâu hết, chỉ thấy miếng giấy nầy treo tòn teng trên đầu giường. Tụi bây nghe nè:«Còm-măng-đăng Võ! Rơ-vút-tre-đi-vọt-xê a-véc vu./.» ( Thiếu tá Võ! Tôi muốn ly dị với ông./.)
-Không phải tôi đưa anh về đâu! Mẫn đính chánh. Bữa đó tôi «về quê» sớm lắm. Thằng Huỳnh còn tỉnh tỉnh, thấy tụi mình bò càng hết rồi nên nó kêu vợ nó tới rước. Làm sao nó dám biểu bà đầm nó đưa anh về với Dung? Banh xà-rông hết sao!
-VC mà túm được mầy, chàng nói với Võ, chắc nó ngâm giấm mầy với cà pháo!
Thấy Võ có vẻ bồn chồn lo nghĩ, chàng vỗ vai bảo Võ cứ an tâm «dô dô» mạnh đi : «Nàng của chàng» đang hướng dẫn phái đoàn «gà nhà» -gồm các đấng phu nhơn Mẫn, Nguyễn, Huỳnh- đi vấn an và «thuyết pháp» lời hơn lẽ thiệt cho Võ phu nhân xét lại quyết định xé hôn thú. Cái gì chàng còn nghi ngờ, chớ cái mục hàn gắn giùm thiên hạ thì nàng…số một La Mã. Chỉ khi nào đụng chuyện mình nàng mới mất bình tĩnh. Bởi vậy mấy bà mới a thần phù «tôn» nàng làm lãnh tụ bảo vệ gia cang!
Kể cũng ngộ! Mấy bà, dù đang tức ói máu về chuyện riêng, hễ có chuyện lục đục của bạn bè là tạm xếp chuyện mình để lo chuyện bạn trước : Nàng đang tuyệt thực vì…tình cờ vớ được tấm ảnh nằm trong túi áo jacket nhà binh của Võ mà chàng vô tình xỏ đại ra về vì trời hôm đó hơi lạnh, sau khi tới Võ nhậu. Ảnh chụp một thiếu phụ trẻ đẹp ôm con thơ, phía sau ghi :«Anh yêu! Sao lâu quá anh không ghé qua? Em và tí nhau nhớ anh lắm!» (Trời hỡi có thấu! Ách giữa đàng mang vào cổ!). Nhưng Mẫn đến cầu viện -hắn bị vợ bắt tại trận đang kề vai người đẹp trên xa lộ không đèn- Nàng cũng ráng ngồi dậy đến giải tỏa lệnh cấm vận cho Mẫn. Nguyệt, vợ Mẫn vừa hồi tỉnh đôi chút thì tới vụ Huỳnh bị vợ đòi thiến thận vì yêu nữ của hắn đánh điện tín đòi «ga Nha Chang chanh đấu giành quyền làm chủ…chồng người ta! Huỳnh chạy vuột về Sàigòn kêu cứu; cũng Nàng đứng ra dàn xếp, hòa giải. Bây giờ tới vụ Võ «cầm nhầm»…
Xong mấy vụ nhức đầu nầy rồi, không biết phải nhờ ai giải oan cho chàng đây. Không thể kêu «bọn bốn thằng» ra đỡ đạn. Mấy bà quá quen cái màn chạy tội, thằng nầy đổ thừa «cái đó» của thằng kia.
Cuối cùng, chàng nghĩ ra «sáng kiến» đề nghị Võ đưa tên đệ tử ruột tới nhận cái áo jacket «oan nghiệt» là…của nó, làm Lê Lai liều mình cứu chúa một phen cho mấy «ông thầy» được yên nhà yên cửa.

Hai tuần sau khi mất nước, sóng gió lại nổi lên trong gia đình chàng. Như thường lệ, hằng ngày chàng đến nhiệm sở trình diện chiếu lệ. Một hôm, về tới nhà chàng không thấy mấy đứa nhỏ đâu hết. Cửa buồng khóa chặt, bên trong có tiếng khóc tỉ tê. Kêu hoài chẳng ai trả lời, chàng nóng lòng tông cửa xông vào : Nàng nằm thiêm thiếp; Thùy, Tấn, Minh, đứa bóp tay, bóp chưn, đứa đánh gió, đứa lau nước mắt cho mẹ. Chàng để ý thấy nàng nắm chặt một lá thư đã nhầu nát. Lại có chuyện nữa rồi! Chàng nghĩ thầm nhưng không đoán ra chuyện gì.
Hơn mười năm nay chàng chẳng còn viết thư tình cho ai hết, cũng chẳng nhận tình thư của ai cả. Đâu có hưỡn dữ vậy! Chàng bước tới rờ trán nàng; nàng hất tay chàng ra, mắt nhắm nghiền, nước mắt trào ướt gối. Hỏi chuyện, nàng không buồn đáp. Mấy đứa nhỏ cũng sụt sùi, ấm ức nhìn chàng trân trân. Gạn hỏi mấy lần, Thùy mới kể :
-Hồi sáng má đem quần áo của ba và của tụi con ra giặt, chuẩn bị xếp giấu bớt. Chị Sáu nghỉ làm rồi nên tụi con phải phụ má. Lá thư trong tay má do con lôi từ túi áo «vết» của ba ra. Có người báo đang mang bầu với…ba!»…Thôi chết rồi, chàng sực nhớ : thư của Cathy Xù gởi cho đứa học trò trùng tên họ với chàng, mà nhà trường đã đưa lộn cho chàng!!! Phen nầy chắc hết thuốc chữa. Chàng tưởng tượng được cái «sốc» của nàng khi đọc :«…mầy đề con nít trong bụng bà rồi bỏ trốn…». Trời hại Sa Vệ!!!
Mấy ngày đêm liên tiếp, chàng ráo nước miếng giải thích, phân trần vẫn không thuyết phục được nàng. Nàng khư khư đòi chàng phải đưa nàng tới gặp người con gái đau khổ đó để giải quyết ổn thỏa. Bằng không chàng phải ra khỏi nhà đi tới ở với «người ta». Nàng nhường đứt chàng cho cô đó đó!
-Nghe anh đi em! Chàng rầu rĩ van lơn. Anh chưa hề biết mặt cô Cathy Xù, cũng chẳng hề biết nhà cửa cô ở đâu. Còn thằng học trò, bồ của cô, nó đã bỏ học lâu rồi…
-Đủ rồi! Anh khỏi cần đóng kịch. Em rành anh sáu câu nà! Anh không tới đó thì cứ việc ở đây lo nuôi con.. Em đã hết tha thiết sống vì chuyện đổi đời, lại còn mắc phải ông chồng chỉ biết lo ăn chơi! Em không thể sống nổi nữa…
-Em chớ nói bậy, không nên. Tụi nhỏ cần em hơn. Mạng anh bây giờ như chỉ mành treo chuông. Anh hứa từ nay về sau không đi chơi lang bang nữa để…
-Thôi đi anh! Bài hát đó, em nghe cả triệu lần rồi. cho dù anh có vô can trong chuyện nầy, em cũng không quên được những vụ lẹo tẹo của anh dài dài mấy năm nay. Nếu anh muốn em sống, muốn em tin thì anh hãy…cắt nó đi!
Toát mồ hôi lạnh nghĩ tới viễn ảnh «rùa nắp» của mình, chàng tận lực nài nĩ khẩn cầu:
-Tội nghiệp anh mà em! Bây giờ đâu còn cung cấm nữa mà em bắt anh làm hoạn quan!..
-Bằng không, anh phải cho em «vạt» nó đi một miếng, em mới hả dạ! Để khi có tà ý ăn vụng, ngó thấy tì vết của hình phạt đó anh thất kinh mà xa lánh tội trọng.
-Anh biết lâu nay anh đối xử tàn tệ với em. Anh sẵn sàng chịu «nhục hình» mà em đòi hỏi, để phần nào đền tội lỗi đã qua. Nhưng bây giờ VC vô rồi, nhà thương đâu còn thuốc men gì để cầm máu, cũng đâu còn bác sĩ, y tá lành nghề để băng bó…
Thấy chàng thất sắc, hốc hác, thểu não, nàng lại cười không ra tiếng…Chàng thoát khỏi kiếp thái giám trong gang tấc!

Thời gian khổ nhục trong trại cải tạo, chàng có dịp nghiền ngẫm về cuộc sống buông thả của mình trước đây. Chàng nghĩ, nếu bây giờ nàng bỏ mặt chàng trong tù để làm lại cuộc đời, chàng cũng không thấy có gì quá đáng, cũng không có gì oán trách. Nhưng nàng vẫn chịu trăm cay ngàn đắng, tất tơi tất tả «thăm nuôi», tiếp tế cho chàng.

Con cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non…
Những lần hiếm hoi gặp nhau trong vòng kẽm gai trại tù, chàng đau lòng nhìn thấy đôi tay búp măng của nàng đã nổi gân xanh, gót chân son của nàng đã nứt nẻ xơ xác. Thế nhưng nụ cười, tuy đã phần nào héo hắt vẫn luôn rạt rào tình thưong, vẫn thầm nói lên lòng can đảm chịu đựng gian nan, vẫn biểu lộ ý chí che lấp nỗi khốn khổ ngặt nghèo mà ngày ngày nàng và các con phải đương đầu, cho chàng an tâm cố gắng phấn đấu để trường tồn hầu còn có ngày trở về với mẹ con nàng.
Nhiều đêm trăn trở, chàng chua xót nhớ lại những tháng năm dài gây khổ hận cho nàng. Mười lăm năm, nói là chung sống thực ra hết hai phần ba thời gian nầy chàng sống cho học đường, cho quân đội, cho «công vụ», cho bè bạn, cho đắm đuối mê say ngoài khung cảnh gia đình. Thời gian còn lại, chàng tiêu pha cũng đến phân nửa để rong chơi vô tội vạ! Sơ kết, chàng thực sự sống cho nàng cao lắm một phần mười của mười lăm năm kể trên, trong số đó, hơn quá bán thời gian chàng cũng chỉ đem đến cho nàng toàn buồn phiền, bực dọc, uất ức, tủi thân!
Cho anh thổn thức niềm đau muộn
Bao năm hoang phí tuổi đời em…
Chàng xót xa mở đầu lá thư viết cho nàng từ ngục tù hắc ám. Chàng tự nguyện, ngày nào đó quay về chàng sẽ dành hết quãng đời còn lại của mình để đền bù tương xứng những hao hụt, những thua thiệt về tình cảm mà nàng đã phải gánh chịu bấy lâu nay…
Cho anh viết nốt trang tình sử,
Khóa tim căng máu, lặng đam mê,
Đưa em về lại ân tình cũ,
Rót thắm cho em vẹn ước thề.
Chàng kết thúc lá thư trong niềm ray rứt dai dẳng…

-Sáng dậy ngồi chong ngóc làm gì đó? Câu hỏi gần như quát tháo của nàng cắt đứt dòng hồi tưởng xa xưa của chàng.
-Chờ được em cà răng chớ làm gì! Chàng cười chọc quê, trả lời.
-Đống chén chưa rửa kia kìa! Nhà chưa lau, bụi chưa hút, phòng tắm chưa chùi, tuyết chưa xúc! Tối ngày cứ tơ tơ tưởng tưởng, viết viết, hút hút, uống uống, không phụ em gì hết!
-Bây giờ có viết, có hút, có uống đâu? Làm gì em cũng la. Ngồi chong ngóc cũng bị rầy. Ba cái lẻ tẻ em nói, anh quơ ba muơi giây xong ngay!
-Ở đó mà ba mươi giây! Tập thể dục chưa, đặng còn giữ cháu cho em nấu cơm nấu nước chớ!
Anh hết biết làm sao cho vừa lòng em. Thấy mặt em, anh đã hồi hộp, không biết sẽ bị «tụng» cái gì nữa đây!
Nàng sấn tới, chàng quơ tay đỡ, nhưng nàng chỉ chộp gói thuốc lá trên bàn cà phê đem đi cất, hạch hỏi :
-Anh làm gì như bị kinh phong giựt vậy?
-Phản xạ tự nhiên. Thấy anh, em không rầy rà thì cũng có thể thúc cùi chỏ bất tử lắm!
Anh chết, chắc em buồn dữ lắm vì không còn ai làm ông thần thừ cho em dợt văn, tập võ!
Nàng cúi mặt xuống bồn rửa chén cười-ra-nước-mắt-không-ra-tiếng…Nhờ những cái cười như vậy mà chàng và nàng đã ăn ở với nhau hơn ba mươi năm!

Chàng đọc lại cho nàng nghe lá thư xin từ nhiệm và thư của một cơ quan từ thiện nhận chàng làm thông dịch viên cho một trại tỵ nạn ở vùng Biển Đông. Trong đầu chàng manh nha ý hướng đưa nàng về miền đất của mặt trời và biển ấm quanh năm, sống nốt chuỗi ngày cuối đời của hai đứa.
Đặt ly cà phê xuống trước mặt chàng, nàng liếc đọc mấy dòng chữ chàng vừa viết xong : «Thâu rượu về đóng nút, trả bút về văn, trả trăng về thơ, trả nợ về báo chí…», mỉm cười không tin tưởng lắm, hỏi :
-Được bao lâu, hả anh?
Chàng không trả lời, nhắm mắt hứng đón cảm giác thanh thoát đang thấm dần vào huyết mạch với dự phóng mới mẻ, thầm kín nhưng muộn màng của mình, người lâng lâng, nhẹ nhõm như vừa nhổ xong một cái răng đau nhức quá lâu.
Mặt trời đã lên cao, tuyết tan dần dưới nắng nóng, khung trời rộng mở, thanh thoáng. Chàng giương vai đứng lên, tham lam hít thở không khí ấm mát tinh sương đầy lồng ngực. Ngoài sân, mùa xuân đã khởi đầu chuyển mình dưới lớp tuyết băng dầy đặc. Con chim nhỏ nhắn líu lo ban sáng vừa vỗ cánh bay đi. Chàng chạnh nghĩ, mai kia không còn cảnh sáng dậy nghe em cằn nhằn, thấy em cười không ra tiếng, liệu còn có thể hạnh phúc được chăng?

Thôn trang Đổ-Lá-Đầy-Ấp-Mơ, Xứ Tuyết.
Mùa Phục Sinh 1992
Lê Tấn Lộc

Lộn sòng lộn dĩa


Lộn
Sòng
Lộn
Dĩa

Nửa đêm, tay lính kín Tây dựng đầu ông anh Lợi của tôi dậy trong bót “nóc bằng” - ở Bạc Liêu có hai bót nhốt người tình nghi hoạt động chống Pháp, bót nóc bằng để tra khảo, bót “nóc nhọn” để chờ giải tòa - dùng vỏ xe đạp bằng cao su đặc quất túi bụi vào người anh, làm anh sụm hai cái ba sườn non và văng hai cái răng cửa. Chỉ vì khi lục xét, nó moi được từ trong bóp anh ra tờ giấy bạc mới (5 xu) do anh lì xì tôi dịp Tết mà tôi đã gởi lại anh giữ, trên đó tôi đề tên tôi để anh khỏi lẫn lộn với tiền khác. Chẳng may lúc bấy giờ mật thám Tây đang truy lùng tên trưởng ban ám sát thành của V.M. trùng tên họ với tôi. Lộn sòng... hộc xì dầu, mở đầu cho một loạt lộn dĩa chóng mặt!

Lúc đâu được mười bốn tuổi, tôi si tình mê mệt Trưởng Nhi, bạn cùng trường ở Vĩnh Long. Yêu một chiều, đau khổ tinh thần dĩ nhiên, nhưng thể xác còn đau đớn gấp ngàn lần. Anh Lợi - phần nào nhớ lại lúc bị lính kín “dợt” vì tôi - “dần” tôi một trận nên thân tới gẫy bốn cây cộc giăng mùng ghế bố vì mất mặt với ông chủ sở, ba của cô gái cưng, sau khi đọc toàn bộ tình thư tôi gởi cho nàng, mà nàng đành đoạn trao cho cha già để ông nầy trả lại cho anh tôi, với lời phê bự tổ chảng, đỏ lòm: “Lũ ma trơi”(Bande de feux follets!), gạch đít đậm nét. Chẳng thương thì chớ, sao đành giết nhau!
Bốn năm sau, bạn bè viết thư giũa tôi thê thảm, cho rằng tôi đặt điều Trưởng Nhi chơi khăm tôi. Chẳng hiểu vô tình hay cố ý, Nhi kết hôn với một người trùng tên, trùng họ, trùng luôn chữ lót với tôi!
- Mầy quá lố đó nghe, thằng cà khịa. Thằng bạn viết. Chữ in ràng ràng đây con! Ai trồng khoai đất nầy, hả mậy? Bây giờ lấy nhau rồi, tụi bây còn tính bày trò kiểu cọ nào thêm nữa chăng?Khi không bị chửi oan, trong lúc mình đang lảo đảo như con chim bị trúng đá nạng thung khi nhận được hồng thiếp. Mắc cười hơn nữa là có mấy anh chị đồng môn sốt sắng gởi quà cưới về nhà tôi. Lộn sòng... mắc dịch!

Năm hai mươi tuổi, tôi tháp tùng anh Lợi “khắc tinh” của tôi đi mần văn nghệ văn gừng “tranh đấu” với mấy cô thơ ký của chàng: đơn ca, song ca, hòa ca, hợp tấu, diễn kịch... Xôm tụ ghê! Kề vai cọ vế chẳng thể nào tránh đặng với cái khung cảnh “hiễu” tình mờ mờ ảo ảo của sân khấu về khuya, lúc khí thế “đấu tranh” đã loãng. Nhưng tiến xa hơn nữa thì thiệt tình tôi không tha thiết mấy, cũng chẳng dám. Nói ra khó tin, chớ chừng tuổi đó rồi mà tôi vẫn còn nguyên xi chưa cắt chỉ! Trong bầy tiên nữ nghệ sĩ tài tử nầy, tôi “kết” Phương nhứt. Coi bộ cô ta có vẻ chịu đèn tôi lắm, cũng “pha, cốt” lia lịa.
Bẵng đi một dạo không hát hò nữa, tôi cũng quên dần Phương và bắt đầu thả dê về chỗ con nhà làm ăn lương thiện, định bụng neo thuyền lãng tử. “Thuyền tình (đang) lung linh trong khói sương lam” thì bỗng nhiên một buổi sáng nàng thôn nữ đến dộng cửa nhà, liệng tờ báo Tiếng Chuông vô mặt tôi, dặm chân khóc ré, rồi thót lên xe máy nhôm dọt mất. Ba chưng bốn cẳng rượt theo nàng một lát tôi thấm mệt, thua buồn thả bộ lững thững về nhà, cúi lượm tờ báo lật ra, liếc vô chỗ có khoanh bằng viết chì đỏ, với cả chục cái chấm than bao quanh “Tin Mừng”:
Nhận được hồng thiếp báo tin cô Nguyễn Xuân Phương thành hôn cùng cậu Lê Tấn Lộc (...)
Trời đất quỉ thần ơi! Anh đây sao em không lấy, mà đi lấy tên anh chi vậy Phương! Em đặng tấm chồng khỏe re, anh mất người tình lảng xẹt. Lộn dĩa... trào máu!

Tới tuổi hai mươi mốt, thấy mình có vẻ chững chạc hơn trước, tôi bèn “thành đô giã biệt” quay về xứ Vãng - Vĩnh Long, đọc trại thành Vãng Long để tránh phạm húy tên tộc Vĩnh Thụy của cựu hoàng Bảo Ðại - tìm vợ cho cha mẹ yên lòng, vững bụng mần ăn. Lúc còn học trung học, tôi ưa rà rà trước cửa nhà Nguyệt Minh và thường bắt gặp nàng tựa cửa chải tóc, vu vơ ngó trời xanh bao la. Ðẹp thùy mị, đẹp như tranh. “Suối tóc buông lơ xõa má hồng”, tôi gồng mình đề thơ vậy đó để ca ngợi người thiếu nữ bên song cửa. Ðôi khi thấy nàng tha thướt đi ngang nhà, tôi mỉm cười đón gió và cũng được nàng mỉm cười trả lễ, kín đáo gật đầu chào. Tình trong như đã, mặt ngoài còn e? Chưa kịp trổ ngón ruột “quì dưới chân hoàng hậu dâng trái tim” (bài học thuộc lòng từ tài tử Errol Flint) thì con gà nuốt dây thung Kiệt, em tôi, đã xề vô Nguyệt Ánh, em nàng. Còn chêm tôi cứng họng luôn: “Hai anh em cua hai chị em, coi sao đặng đại ca? Kỳ chết!”. Tôi đành rút lui, hút gió hổng kêu. Trớ trêu thay, một lần nữa, tên tôi lại xuất hiện không phải chỗ, trên thiệp cưới của Nguyệt Minh! Lộn sòng... xót xa!

Ba lần xuất quân, ba lần thiên hạ ăn ốc mình đổ vỏ. Tôi nghĩ thầm: “Ở Việt Nam coi bộ không khá về đường tình duyên. Sẵn dịp mình được chọn đi Pháp du học, nên hướng về mấy cô đầm đìa thử thời vận”. Vậy mà chút xíu nữa cũng khỏi đi Tây luôn: Khi lấy lời khai để lập hồ sơ xuất cảnh, thầy cảnh sát hỏi tôi có phải là con ông Cựu Thủ Hiến Nam Việt (thời Bảo Ðại). Tội bực mình vặn lại:
- Sao ông không hỏi tôi câu đó lúc ổng còn tại chức. Bây giờ ổng lưu vong, Ngô Tổng Thống lại có tánh đa nghi. Bộ ông muốn hại đời tôi hay sao mà cột tên ổng vô tên tôi? Lộn dĩa... quá date!

Sau “bao năm từng lê gót nơi quê người”, trở về quê nhà đời tôi lận đận lao đao, khi chiến hào ngộp thuốc súng, ngổn ngang vỏ đạn, lúc quán rượu ngập đầy khói thuốc, la liệt vỏ chai... Cũng may, chưa có cơ hội hoặc “xanh cỏ” hoặc “đỏ ngực”. Khi ở nhà binh đã lục lục tầm thường, lúc ra “xi-vin” (dân sự) tôi cũng tầm thường lục lục, những tưởng sẽ yên lặng sáng xách ô đi, chiều vác ô về, tà tà cho tới ngày dưỡng lão. Nào ngờ, “đất bằng nổi sóng”.
Ðúng tuổi ba mươi lăm, chó ngáp phải ruồi, tôi may mắn được mang râu đội mũ, có dịp vui chơi xả láng hơn trước đây (Y như lời phê điểm của cấp trên, lúc tôi còn bận đồ kaki: Sĩ quan trẻ tuổi, có khả năng chỉ huy, thích chơi hơn làm việc”! Ðại úy muôn năm chẳng oan ức gì cho lắm).
Một bữa, có thằng bạn cho tôi số điện thoại để lấy hẹn với một em, được mô tả thơm như múi mít, có cái tên rất ướt át gợi tình:
- Dạ Lan nghe đây! Tiếng em êm ả rớt vào tai tôi.
- Dạ chào cô! Tôi đáp. Anh Danh nói tôi điện thoại mời cô đi dạ vũ ở nhà anh Thứ. Xin cho tôi được vinh dự làm chevalier servant (hiệp sĩ hầu cận?) cô đêm nay. Thưa cô, xin được phép tự giới thiệu, tôi là Lê Tấn Lộc...
- Thôi nghe cha nội! Bộ cha chưa “đã” sao mà còn theo chọc phá tôi hoài vậy? Cái gì quí nhất đối với con gái, tôi đã cúng cho cha rồi, cha còn ức hiếp gì nữa? Bên nhà băng thiếu gì người đẹp sẵn sàng chờ cha ban ơn mưa mốc. Ðể tôi yên, nghe chưa? Ðủ rồi!
Có tiếng cúp điện thoại. Tôi ngẩn ngơ tò te. Trời Phật! Cái gì vậy bà con? Từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới nay, tôi chẳng hề biết đếm tiền. Gọi Danh mới biết Dạ Lan lộn tôi với ông chóp bu bên Ngân hàng Việt Nam “Thôn” Tín, con ruột của ngài Cựu Thủ Hiến Nam Việt! Lộn sòng... trời đánh!
Nhưng rồi nhờ sự dàn xếp của Thứ tôi cũng cận kề Dạ Lan. Em và tôi càng lúc càng khắn khít dữ dội. Một bữa, em điện thoại tới chỗ tôi làm:
- “Tổng” Lộc hả? Ðêm qua cưng “sung” dữ há! Sáng nay em vẫn còn bần thần, ê ẩm cả mình mẫy. Ðồ quỉ! Kiểu cỏ tản thần luôn! Cưng đau lưng dữ lắm không? Nhớ ăn tẩm bổ nhiều nhiều nghen. Em chờ cưng ở Ritz tối nay đó!
- Allô! Cô nói... tôi chẳng hiểu gì hết! Tôi là Phụ tá Tổng...
- Thôi đi tía non! Ðừng có “mần tuồng” nữa, được không? Em quạu lên bây giờ. Ðừng bắt em chờ lâu nha! Ðúng 8 giờ tối nay đó. Bái bai...
Tội nghiệp ông Phụ tá của tôi. Ông hầm hầm đẩy cửa văn phòng vào gặp tôi, phân trần có ai điện thoại quấy rối cơ quan và đề nghị tôi chỉ thị Ban Thanh tra tìm hiểu sâu rộng nội vụ để truy nguyên kẻ phá hoại!
Tôi cười thầm. Ông ta đâu biết tôi đã cho Dạ Lan số điện thoại của ông. Ai biểu ông trùng tên với “chief” chi! Dẫu sao ông cũng “đã” được ba mươi giây, vì người đẹp vô tình tỉ tê cho ông nghe vài pha cụp lạc khỏi trả tiền. Thính dâm! Lâu lâu mới được ăn ốc để người khác đổ vỏ! “Vui nầy đã bỏ đau ngầm xưa nay...” Lộn dĩa... đỡ đạn!

Bận khác, có người nhờ cô thủ quỹ phòng tập Tự Do đưa cho tôi một thư tay.
- Chó con, cục cưng của em! Thư viết. Em muốn một lần nữa thân xác em bấu víu chó con, tâm thần em chết điếng trong tiếng rên ư ử của chó con...
Người tôi hừng hực lửa khi đọc tiếp các đoạn kế. Ông Phụ tá “nhĩ dâm” mà bắt gặp tôi đang ngờ nghệch với lá thư trong tay, chắc sẽ trả đũa tôi “thị dâm”! Tôi, chó con... rên ư ử? Phần nào thôi chớ em! Tuy ngờ ngợ có cái gì “trật chìa”, tôi vẫn đến điểm hẹn (hiệu kem L’Impériale, đường Tự Do) như tác giả “dâm thư” yêu cầu, dù tôi chẳng rõ dung nhan mùa hạ của em ra sao. May thay, trong số khách ăn cà-rem hôm đó, chỉ có một cô trông rất angélique (thiên thần?) ngồi cu-ki. Tôi rề rề lại trình thư cho mỹ nhơn. Cô em Bắc kỳ nho nhỏ cũng dễ tính, mời tôi ngồi và nói ngay đang chờ một người tên Lộc thật, nhưng Lộc nầy “đô” con và gồ ghề hơn tôi nhiều (Trời mới hiểu những kẻ yêu nhau: bự con mà kêu là chó con!). Khi đã rõ sự nhầm lẫn vô duyên của cô thủ quỹ, em cười nhẹ, tỉnh bơ nói :
-Sự thể đã vậy thì... cho nó vậy luôn! Âu cũng là số kiếp... Ai ngờ câu nói vô tâm của em lại thành sự thật. Một thời gian dài, tôi mạt kiếp luôn vì em. Lộn sòng... tưởng ngon xơi, ai dè lãnh thẹo dài dài!

Ðang dở sống dở chết vì viên thuốc độc có bọc đường, quà tặng bất ngờ, như đùi gà rút xương chấm muối tiêu sẵn, từ trần nhà rớt vô bảng họng mình, một bữa, tôi lại nhận một thư tay do văn phòng trường Phục Hưng, nơi tôi đang cộng tác, chuyển giao.
-Thằng chó đẻ! Thư viết. Ðồ xỏ lá ba que! Mày để con nít trong bụng bà rồi bỏ trốn hử? Bà chờ mày đúng một tháng nữa. Mày không giải quyết ổn thỏa, bà sẽ cho đàn em đâm mày bỏ mẹ!”. Ký tên Cathy Xù.
Tôi tá hỏa tam tinh, tra vội tự điển trong đầu. Và yên tâm chẳng thấy cố nhân nào của mình có cái tên xù lông dữ vậy (Tổ cha nó! Hết chó con, tới chó đẻ!). Rồi chợt nhớ trong lớp tôi dạy có một tay bụi đời vừa bỏ học, trùng tên, trùng họ, trùng luôn chữ lót với mình. Tuy vậy, để phòng hờ bà xẹt bất tử, tôi vẫn kè kè theo cây dù mà cán được biến chế thành dao bấm. Lộn dĩa... nẩy lửa, có thể bị lòi ruột như chơi!

Thế nhưng “động mà qua”. Tôi hơi yên bụng thấy lâu lắm rồi không có vụ lộn sòng vì cái tên duyên số của mình nữa. Nhưng rồi hè đỏ lửa, hiệp định Paris, đứt phim, “đăng ký học tập” tuần tự tiếp nối nhau như một ván cờ sắp đặt trước:
Bước vô trại cải tạo, tôi tưởng đã xù bài được nghiệp chướng lộn dĩa lộn sòng vì lầm lộn họ tên. Ai ngờ! Suốt bảy tháng liền, tên sĩ quan chấp pháp, do Bộ Nội Vụ CS gởi xuống tra hỏi tôi về... liên hệ cha con với ngài Cựu Thủ Hiến Nam Việt và các bí mật trong Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín! Tôi hết lời “thành thật khai báo” cha tôi là Lê Minh Châu (lại thêm một cơ hội cho hắn hoạnh họe: Tại sao cha Lê Minh mà con Lê Tấn?...), một ông thợ mộc nghèo. Từ xưa tới nay, tôi chỉ hành có hai nghề: nghề tay mặt là gõ đầu trẻ, nghề tay trái là giặc nói. Nghề nào cũng chỉ có nói chớ không có làm. Hắn vẫn không tin, khư khư quả quyết tôi “man khai lý lịch”. Hắn bảo tôi mô tả công việc hằng ngày của tôi. Tôi khai:
- Tay mặt cầm cục phấn, tay trái cầm nùi lau, dưới chân là bục gỗ, trước mặt là đám học trò...
- Thế sau nưng anh nà cái rì? Hắn ngắt lời tôi.
- Tấm bảng đen. Tôi thành thật trả lời.
- Anh bôi bác trế độ hử? Hắn giận dữ đập bàn quát tháo. Anh không trấp hành nghiêm trỉnh nàm việc với cán bộ phải không? Cũng rễ thôi. Biệt ram cho anh hết ngoan cố. Tấn Nộc mà không niên hệ với Tấn Lẫm thì niên hệ ai?
Thời gian ba tuần nằm thui da trong cô-nếch, tôi mới rõ ý của tên chấp cung: Hắn muốn biết sau tấm bình phong làm thầy giáo (mặt nổi) thực sự tôi làm gì bí ẩn (mặt chìm). May nhờ có ông Phụ tá của ông Tổng Giám Ðốc Ngân Hàng (cùng nhốt chung trại) lên nhận diện và xác nhận với bọn thẩm vấn tôi không phải là chef của ông, nếu không chắc tôi đã mập mình! Tôi quả có duyên với cha con ngài Cựu Thủ Hiến Lê Tấn Nẫm! Lộn sòng... chó má!

Ðã hết đâu. Khi ra trại cải tạo,tôi cố gắng tìm phương tiện chạy lên Lái Thiêu thăm Danh-trại-gà năm xưa. Tuy tiếp tôi niềm nỡ nhưng Danh không được vui. Vô lai rai ba sợi, Danh lôi ra một sấp báo Tin Sáng có đăng một loạt bài bốc thơm chế độ (ký tên Lê Tấn Lộc) thảy lên bàn, hậm hực lớn tiếng:
- Vậy là hết ý kiến. Hổng lẽ tao cấm cửa mầy. Thằng Thứ mà đọc được, chắc nó trốn trại ra kiếm mầy. Bạn bè ai nấy đều chưng hửng...
- Trời đất! Nghe tao nè Danh: Tao mới ra tù có mấy ngày, mầy biết không? Trong tù, tao có đọc mấy bài nầy, đăng cách đây hai ba năm. Có thằng cũng dạy Triết (đâu ở miệt Hậu Giang) trùng tên họ với tao. Nó bây giờ là ủy viên ủy hòn trong Hội trí thức yêu nước yêu cái gì đó. Mầy mà nghĩ tao “ba mươi” còn chửi tao nặng hơn là tưởng tượng tao “pê-đê”!
- Tao đã hồ nghi có thằng đội lốt mầy hoặc trùng tên họ với mầy. Thấy nó chêm bậy bạ ba cái tiếng Tây ba xí ba tú, trật lất, tao đã nghi nghi. Cũng may. Nếu thật mầy viết mấy cái thứ giẽ rách đó, chắc tụi tao đội quần hết cả đám.
Lộn dĩa... bể mặt!

Ðến lúc định cư tại Montréal, cái nghiệp dĩ trùng tên vẫn chưa buông tha tôi. Một đêm, ông bạn cùng sinh hoạt cộng đồng kêu điện thoại báo có người loan tin tôi nói dóc! Lý lịch tôi kê khai để nhập hội hoàn toàn láo khoét. Tôi chỉ là tên giáo quèn dạy trường Nông Lâm Súc Bình Dương, chẳng hiệu trưởng hiệu trảng, trưởng khu trưởng mông, “xọt-bon”(Sorbonne) xọt biếc gì ráo.
Lại trùng tên nữa rồi! Trường Trịnh Hoài Ðức của tôi quả có sát vách với trường Nông Lâm Súc, nhưng tay Lộc kia, khi ở Biệt Ðộng Quân bị thương động não, đầu cứ chút chút lại lắc lắc, nên có hỗn danh là “Lộc lắc”. Ðể phân biệt, khi xưa bè bạn gắn cho tôi cái tước hiệu khó khá là “Hiệp sĩ say”. Qua bên nầy đại dương, lắc hay say gì cũng rứa. Lắc lư hay say sưa gì cũng mâm-xôi (même chose). Người tung tin, tuy cũng là thầy giáo nhưng ở ngành kỹ thuật. Lúc giáp mặt với tôi, anh ta mới biết mình lộn :
- Ông nầy đâu phải Lộc lắc, bạn tôi!
Lộn sòng... sần mình và te tua, vì nó trùng hợp với thời điểm tôi bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng!

Lần chót (mong thay!) có sự lầm lộn là lúc tình cờ tôi gặp lại đứa học trò cũ, trường Phục Hưng, năm cuối ở Sàigòn, trước khi “hạ màn” - nam sinh, xin nói rõ, kẻo lộn nữa - khi đời tôi đang trên đà xuống dốc thảm thương trên Xứ Tuyết.
- Em tưởng thầy đã chết lúc “đứt phim”, người môn sinh cũ bùi ngùi kể, nên em đã lấy tên thầy đặt cho đứa con đầu lòng của tụi nầy, để mỗi lần gọi tên nó, em nhớ tới thầ...Lê Tấn Lộc!
Rất thương yêu xin nhớ gọi dùm tên! Lộn dĩa... mát dạ, ấm lòng chiến sĩ!

Lần trùng hợp thứ mười ba sắp tới, nếu có, chẳng rõ định mệnh sẽ dành cho tôi sự ngạc nhiên nào đây, tuyệt vời hay thảm não: Một cố nhân được nữ thần Fortuna đãi ngộ đúng mức, leo lên tới tột đỉnh danh vọng làm Ðệ Nhứt Phu Nhơn một vương quốc ở châu Phi, chợt nhớ tới “người xưa” (ngẫu nhiên trùng tên với tôi) mà chạnh lòng triệu hồi lộn tôi sang, cho hưởng lộc trời chăng? Hoặc giả, một cố nhân khác, đã nuôi hận nghìn đời với “kẻ bạc tình”, chợt nhớ phải rửa nhục, bèn thuê người trèo non vượt biển, lội suối băng rừng đến tìm tôi thanh toán lầm chăng?

Hỡi cố nhân chưa hề quen, nhưng biết đâu sẽ gặp vì “lộn dĩa”! Chúng ta vốn vô can trong sợi dây oan nghiệt “ơn đền oán trả”, duyên phận cũng không mà duyên nợ cũng không. Nhưng duyên kiếp, duyên số có lẽ còn vướng mắc nhiều oan trái, bởi cứ:
Lộn lầm lầm lộn lộn lầm
Lộn lề mấy phát, lộn làng mấy phen
Nửa đêm tối lửa tắt đèn
Lộn liền lần nữa, oan khiên kiếp nào!

Xứ Tuyết, mùa bão băng
-Lê Tấn Lộc-

Thursday, May 29, 2008

Ranh ngôn

*Củi mục dễ un, chồng khùng dễ khiến
Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ…sùng!

*Một con ngựa đau, cả tàu …ăn thêm cỏ!

*Cha mẹ cú đẻ con tiên, cha mẹ hiền sanh con…dữ!

*Chia rẽ là chết lẻ tẻ, mà đoàn kết là…chết chùm!

*Cá không ăn muối cá ương,
Con cãi cha mẹ trăm đường…cha mẹ hư!

(Trích Danh Ngôn Đâm Họng)

Ranh ngôn (II)

1)Ranh ngôn chiết ný (Tiếng đia phương Bắc phần) Các chiết dza Nam phần,
kách mệnh ba-mư-tháng-bốn biên cải thành chết lý.
a) Nhời hư í đẹt chiết lý:
- Hành trình vào hư vô : vô là hư đấy nhé!
-Thời gian là ông thầy vĩ đại? Chắc chắn. Nhưng cũng trở ngại ở chỗ là…nó cũng giết chết đám học trò của nó luôn!
- Sau cơn mưa trời lại…tối! Hết cơn bỉ cực tới hồi…khổ sai!
- L’enfer, c’est les autres (Răng-Bong-Xạt)? Non! L’enfer, c’est… nous-autres!
(Địa ngục là kẻ khác (Jean-Paul Sartre)? Không! Địa ngục là… chúng ta đây!)
b) Tam đoạn loạn
(ráo xư chiết xỉn, lên lớp giảng tiếng Việt phụ đề Pháp ngữ, líu lưỡi, nói lầm) :
- Đề-các viết : Tao tư tưởng, vậy… bây đi theo - Dzơ păng-xơ, đồng… tu-ia xu-i (Je pense, donc tu suis)!
- Mọi người đều chết-tú lê dzom xông Mạc-ten (Tous les hommes sont Martell). Mà Socrate là người-O Xô-cờ-rát e on nom (Or Socrate est un homme). Vậy Socrate phải chết-Đồng Xô-cờ-rát e Mạc-ten (Donc Socrate est Martell) !
- Vật gì hiếm thì quí. Mà bà chằn thì hiếm. Vậy bà chằn quí !

Thôn trang. Rêu-Phong, Xứ Tuyết, hè 2007
-lêtấnlạcđường tự Thầy Sáu Hụt-

Đêm say khóc bạn


(Rồi thương, rồi nhớ, rồi buồn, Rồi nghiêng chén cạn cho tuôn mạch sầu.Rồi như uất nghẹn từ lâu, Tay mê điên viết, mắt sâu lệ nhoà…Các dòng chữ dưới đây được viết ra trong cơn say rũ rượi, những ngày đầu tôi trôi dạt vào Xứ Tuyết, cô đơn, tủi thân: Trăm ván cờ cao, trăm ván bại, Nước người thêm thẹn tiếng mang chuông.)
…..
Ta chẳng biết ngươi từ đâu đến, bởi ta không hề truy nguyên gia phả ngươi. Cũng không lần nào ta tra hỏi ngươi về gia đạo. Chỉ mơ hồ nghe có lần ngươi đọc :
Quán trọ nhà thơ như chiêm bao,
Khi thì Chợ Quán, khi Đa kao.
Hiện nay sống tạm bên Cầu Muối,
Rồi biết mai kia ở chỗ nào.

Một bận quá chén, ngươi bá cổ ta lể lể :
Bóng đêm tỏa không lấp niềm thương nhớ,
Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài…
Ta chẳng rõ ngươi thương nhớ ai. Cho tới khi ngươi cô đọng những xúc cảm chất chồng bấy lâu trong tim, viết nên đoản thiên «Sầu ở lại» cố nhân mới dần dần rõ nét. Ngươi quả có d0ôi mắt tinh đời : Bạn đồng liêu và ta đã có thời chỉ dám đừng xa mà chiêm ngưỡng, mà mê mệt, mà mơ ước hảo Xuân Lan, hoa khôi xứ Vãng. Thế nhưng bí mật vẫn bao trùm «mối tình nghệ sĩ như giấc mơ» ấy. Ngươi nói với ta người ấy vẫn một mực yêu thương ngươi và ngươi vẫn yêu người ấy say đắm. Nhưng tại sao lại tan vỡ để "Người một thuở mà (ngươi) sầu vạn kỷ"? Phải chăng ta nên đặt giả thuyết :
Cố nhân chẳng khóa buồng xuân lại,
Vung vãi ân tình khắp đó đây.

Hay vì mái tóc điểm sương của ngươi, ta nên nghĩ giai nhân là Tây Thi mà ngươi là Ngủ Tử Tư? Phải chăng vì thế ngươi đề thơ :
Ai làm cho tóc bạc đầu,
Cho câu kỳ ngộ thành câu giã từ…

Lần cuối hẹn nhau ở Chợ Đũi, ngươi khuyên ta nên giữ vững tinh thần trong mọi nhịch cảnh, nhưng ta thấy tâm hồn ngươi còn giao động gấp bội ta. Mới ngày nào ngồi đối ẩm với ngươi, ta cứ ngỡ khách giang hồ cả khu Chợ Đũi như đang mời ngươi và ta nhắp chén lạc hoan. Nay bốn bề trống vắng, hàng quán hoang sơ tiêu điều. Yêu nữ hầu rượu cũng đã thay hình đổi dạng, tan biến đi hết. Chỉ duy nữ chủ Hoa Nở Quán còn hé cửa động đào, nhận rót chung rượu tống biệt cho đôi ta. Ngươi nhìn ta, lệ nhoà không rõ. Ta nhìn người vội đỡ cho ngươi :
Ô hay khói thuốc làm cay mắt!
Rượu chuốc tàn canh mưa lất phất…

Bạn bè mới đây còn xum xoe bên ngươi và ta, nay nếu không cao bay xa chạy thì cũng chẳng tiện ngối lại với hai thằng để vấy hoạ vào thân. Thi hài vô thừa nhận của dăm ba thằng bạn phơi bày rải rác đó đây trên đường phố, vĩa hè, đầu ngõ đã bắt đầu trương rữa...
Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ, ai người dám nhận thây?
Ta hỏi ngươi sao không vỗ cánh bay đi về một phương trời không ô nhiễm thù hằn, đày đọa, bất nhân, vô đạo. Ngươi cả cười :
Ta đi, nhưng biết về đâu chứ?
Đã dậy phong yên, lộng bốn trời.
Thà cứ ở đây, ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
Di vật cuối cùng ta đem đi ngày đó, trên đạm đường heo hút lưu đày là dòng thơ ngươi ghi vội vào lòng bàn tay ta: «Tâm sầu bạch phát có ai hay?». Và hình ảnh sau cùng ta khắc ghi vào tâm khảm là dáng ngươi say khướt, dõi theo bước ta đi, thều thào:
Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái!
Nhận tôi đi, dù địa ngục thiên đàng!

Tựa gốc cây khế cằn cỗi trong sân trường Tân Văn vắng ngắt, ta nghêu ngao hát «Đêm ấy ta say tạ từ khi sùng gươm đưa vào tù…», gẫm nghĩ ngươi và ta song hành vào hỏa ngục. Ngươi bất ngờ về được từ cõi chết, ta suýt chôn thây nơi núi độc rừng thiêng. Để rồi khi vượt thoát trùng vây của âm binh trở về, ta rụng rời đón nhận tin ngươi đã vĩnh viễn quay về với cát bụi, không người đưa tiễn, không người nhận thây :
Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế?
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường.

Ta lang thang mấy hôm liền trên đường Trần Quý Cáp, lê lết khắp các quán cóc ven lề Chợ Đũi, khi vật vã khóc than, lúc khoa chân múa tay cười rồ. Lắm khi ta ngồi hẳn ra lòng đường chuốc rượu một mình mà mơ màng nghe tiếng ngươi vang vang bay lượn trên những tàn me cao rợp :
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơí!
Thế nhân mặt trắng như ngân nhũ,
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười…
Ngần thứ ấy, ta mang theo chuyến đi sinh tử đã xô tấp ta vào Xứ Tuyết, một vùng đất chưa hề có trong trí tưởng tượng của ngươi và ta. Những tưởng «bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê» phen ni có cơ dừng bước hải hồ, an cư lạc nghiệp. Hỡi ơi ta có ngờ đâu những cảnh đổi đời nát lòng ở mảnh đất quê hương xơ xác lại tái diễn trên miền đất lạ phì nhiêu. Thịt xương ngươi tan rã trong lòng quê cha đất tổ thì tâm hồn ta cũng rã tan trên đất khách quê người:
Tay trắng, bạn bè đều tránh mặt,
Sa cơ thân thích cũng khinh thường.
Những kẻ đã bỏ rơi ngươi và ta trên tử địa, đã từng kêu rêu « bị đâm sau lưng chiến sĩ», nay chính là bọn đâm sau lưng ta. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ những bộ mặt kênh kiệu, rửng mỡ, le lói, lăng xăng rất…faux!
Trọc phú ti toe bàn thế sự,
Đĩ già tập tễnh nói văn chương.
Đã coi đồng bạc như non Thái
Lại học đòi theo thói Mạnh Thường.
Với những khuôn mặt có tham vọng lãnh đạo như thế, biết bao giờ ta mới lại được về thắp cho ngươi một nén hương, rót chung mỹ tửu lên mộ phần ngươi và «nhỏ lệ vào thiên thu» cho mát lòng ngươi nơi chín suối ?
Hôm nay, đến dự cuộc tiếp tân do nhóm thân hữu khoản đãi, nhân buổi sinh hoạt văn nghệ hướng về quê hương, ta lén bỏ ra về vì chiếc các-kết sờn cũ, chiếc bờ-lu-dông bạc màu, đôi giày đã biến thể theo ngày tháng làm ta nổi bật quá mức giữa đám đông khăn gấm lụa là, phong lưu đài các…Ta chạnh nhớ và nghĩ thương cho ngươi, nhà thơ thiếu trước hụt sau, rất thân thương với đám lê dân lang bạt kỳ hồ ở Chọ Đũi:
Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn…


Đêm nay ta sẽ uống say hơn mọi bận để xuất hồn đuổi bắt hồn ngươi. Để kêu khóc với ngươi đang đứng bên kia bờ cuộc sống:
Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh ?
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi…

Mộng Lệ An, mùa đông đầu tiên trên Xứ Tuyết (1980)
-Lê Tấn Lộc-

____________________________________________________________________________________
Ghi chú: Thơ trích dẫn từ Cung Oán Ngâm Khúc, từ các thi sĩ Nguyễn Bính, Huy Cận, Tạ Ký, Phạm Thiên Thư và từ nhật ký của tác giả

Đêm ấy…




Đêm ấy Nô-en, anh (say) túy lúy.
Lơ lửng sao mai, (lơ lửng) đường xa.
Không rõ bao giờ em (tôi) đã tới
(Em đến bên tôi) như một ánh sao sa… Kiêu kỳ!*

Hoang vu chút sáng đèn đêm muộn,
Chập chờn tranh tối dáng Liêu Trai.
Mắt biếc trùng dương dìu bến mộng,
Nghe chừng như lạc lối Thiên Thai…

Thiên thần tuyệt vọng, em sa ngã,
Ác quỉ mệt nhoài, anh rộng tay…
Lứa đôi chênh lệch, tình tơi tả
Cùng hẹn say đời trong đắng cay…

Đêm ấy tay tiên
Tung bay réo rắt,
Nghe suối ru mơ
Hoa hồng ngủ yên.
Ánh nến lung linh
Mê say ánh mắt,
Khói thuốc buông lơ bay vờn dáng Thiên Tiên….Kiêu kỳ!*

Lê Tấn Lộc
(Sàigòn, Giáng Sinh, 1974)
___________________________
Ghi chú : Thơ nguyên tác được điều chỉnh theo ý nhạc tuôn dòng.
Bài thơ phổ nhạc trên đây( Noel 1976), nhịp điệu Tango, khơi mào cho bài viết «Một vết chim bay» sau nầy ( cuối hạ 1991)

Về Tạ Ký, một người bạn


Ôi những đêm rừng chôn xác bạn,
Những mai nhìn xử bắn anh em…

«Ly la-de đổ lên đầu…», cả bài thơ «Tôn Thất Trung Nghĩa» mà Tạ Ký đã đọc cho tôi nghe ở trại tù Xuận Lộc, tháng 9/1975, tôi chỉ còn nhớ có mỗi một câu. Chắc khi ra tù Ký có trao toàn bài thơ cho Nghĩa. Không rõ Nghĩa có còn lưu giữ được bản nào chăng. Nhiều lần tôi tìm cách liên lạc với Nghĩa nhưng Nguyễn Xuân Hoàng cho biết vô phương. Tôi nhớ, ngày tôi đi định cư Nghĩa nói với tôi (lúc tình cờ gặp nhau trong trại tỵ nạn Galang), dù Nghĩa được đi Hoa Kỳ Nghĩa cũng tìm cách bỏ sang Nam Mỹ làm lại cuộc đời…
Nếu Hoàng, trong «Người đi trên mây» đã nói rõ không thích thơ Tạ Ký –Hoàng chỉ yêu thơ Quang Dũng- thì tôi cũng chẳng hơn gì Hoàng. Tôi chỉ biết tên Tạ Ký từ lúc còn học ở trung học. Lúc bấy giờ Ký có thơ đăng trên Đời MớiVăn Nghệ Tiền Phong. Nhưng dù rất mê Tạ Ký lúc đó, tôi chẳng thể nào thuộc thơ Tạ Ký. Điều này, đã nhiều lần Tạ Ký lưu ý tôi.
Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình. Lần đầu tiên tôi biết mặt Tạ Ký là lúc ở Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức (Ký và tôi bị động viên vào khóa 14 sinh viên sĩ quan trừ bị). Dĩ nhiên Ký làm gì biết tôi. Khi nghe Tạ Ký xưng danh trình diện trong buổi họp đại diện sinh viên các cấp đại đội, tiểu đoàn, liên đoàn, v.v… tôi mới nhận diện được nhà thơ đã một thời dệt mộng cho lứa tuổi học trò chúng tôi. Sau đó, khi ra trường, tôi chẳng có dịp nào gặp lại Tạ Ký…Cho đến năm 1969, nhân nhận dạy cho trường Tân Văn và qua nhiều trận «đụng độ» ở Chợ Đũi tôi mới được Tạ Ký bắt đầu cho gia nhập hội lưu linh. Trên giấy tờ Ký và tôi cùng tuổi; trên thực tế, Ký hơn tôi bốn tuổi. Tóc Ký đã hoa râm, ống vố ít khi rời khỏi miệng, Ký chỉ uống la-de lớn. Chất thơ ở Tạ Ký tựu nơi khóe mắt lúc nào cũng ươn ướt. Tôi không còn nhớ rõ Ký được Giải Thuởng Văn Chương Toàn Quốc năm nào; nhưng Ký có tặng cho tôi tập thơ «Sầu Ở Lại» năm 1971, trong đó có một bài thơ Ký đề tặng tôi. Điều khiến tôi để ý là Ký bao giờ cũng xách một «cạc-táp» đã sờn cũ, trong đựng rất nhiều sách và một cây thước dùng để khẻ tay (hay gõ đầu?) học trò.
Hình như không đêm nào không có mặt Tạ Ký ở Chợ Đũi. Chủ quán nào cũng biết Ký. Không cô hầu bàn nào không biết «ông thầy». Từ em bé đánh giày, anh phu xích lô, bà bán xoài-ổi-cóc đến chú xào hủ tiếu, mì v.v… không ai không biết Ký, kể cả mấy thầy cảnh sát gác rạp hát bóng Nam Quang, mấy chú lính ba gai ba gốc thường đóng đô ở khu nầy và mấy đứa nhỏ ăn xin… Thi nhân Tạ Ký không chỉ nổi tiếng ở Làng Văn! Về điểm này tôi thấy Tạ Ký sống ngang tàng, phiêu lãng như Nguyễn Bính ngày xưa : Ký nghèo nhưng rất thèm bạn bè. Dĩ nhiên phải là bạn mà Ký cho là «chơi được».
Nhiều đêm Ký ngồi độc ẩm ở Chợ Đũi chờ Nghĩa, Hoàng và tôi hết giờ dạy chạy đến «đồng ẩm», dù Ký không có giờ dạy những đêm đó. Cũng có đêm, dù biết chúng tôi dạy nơi khác Ký vẫn ngồi chờ chúng tôi tạt ngang, «ghé vô làm bậy vài chai». Thân với Ký nhất là Nghĩa. Nghĩa đã từng hứng chịu những cú đấm của Ký đến sưng vù cả mặt mũi vì Ký bực tức chuyện gì ở đâu đâu. Nghĩa chỉ cần xô nhẹ một cái là Ký nát xương (Nghĩa cao gần 1 mét 90 , nặng non 100 ký, còn là huyền đai đệ tứ đẳng nữa!). Vậy mà Nghĩa vẫn xuôi tay đưa mặt cho Ký đấm để Ký trút bớt hằn học. Nhưng ở gần Ký, hiểu Ký thì mới rõ không ai thương Nghĩa hơn Ký và ngược lại. Quả là đôi bạn sống chết có nhau.
Nếu Kiệt Tấn «binh đĩ» thì Tạ Ký rất «thương đĩ». Ký thuờng nói với bạn bè đĩ coi vậy chớ rất có tình nghĩa. Ký kể nhiều chuyện rất thương tâm trong giới kiều nữ, lâm ly hơn cả chuyện nàng Marguerite-Trà-Hoa-Nữ của Alexandre Dumas-fils. Hình ảnh đậm nét nhất hiện trong đầu tôi mỗi lần nhớ tới Tạ Ký là hình ảnh Ký cầm «ly la-de đổ lên đầu» Tôn Thất Trung Nghĩa, rồi đọc hai câu thơ của Nguyễn Bính:
Mẹ con nắn vú cho tròn lại
Chịu các hoang tàn của khách chơi
Sở dĩ tôi nhớ hoài hình ảnh này là bởi có lần Ký kể một đêm nọ đi tìm hoa, Ký đọc hai câu thơ trên cho em nghe trước khi «hành sự». Em đọc tiếp bài thơ và cho biết mẹ em thường nhắc tới «người xưa» đã chép bài thơ đó để lại trước khi âm thầm ra đi mà không biết mẹ em đã…mang thai! Ký chợt tỉnh rượu, mặc vội quần áo ra về. Nghe đâu hôm sau Ký trở lại tìm bà chủ động xin chuộc em về giao cho người thân nuôi dưỡng. Cố nhiên đây chỉ là giả thuyết. Tuy nhiên phải nhìn nhận chuyện này gần như thường xuyên ám ảnh Ký:
Một đêm, cận Tết năm 1975, Nghĩa, Trương vĩnh Án, Chánh sở học chánh Bạc Liêu, Lâm võ Huỳnh, Giám đốc trung tâm giáo dục Hồng Bàng, Phan ngọc Răng, Thanh tra trung học và tôi tới Chợ Đũi ngồi quây quần bên Tạ Ký ở một bàn lẻ đầy vỏ chai la-de. Không khí rất vui vẻ, mạnh ai nấy «dô» đều đều. Đột nhiên Tạ Ký chảy nước mắt, vỗ bàn đọc lớn:
Không đủ say nào quên được em,
Mà say càng thấy nhớ nhung thêm.
Hỡi ơi tuổi tác làm chênh lệch,
Chờ đến thiên thu đá có mềm ?...
Ngay lúc đó, một thiếu nữ khoảng 17, 18 tuổi bước tới bàn rượu. Ký đứng lên choàng vai người con gái kéo ra xa, móc bóp lấy ra một xấp giấy bạc ấn vào tay nàng. Cô bé âm thầm bỏ đi, không ai để ý. Khi Ký quay lại bàn tiệc, tôi lập lại: Hỡi ơi tuổi tác làm chênh lệch...và thoáng thấy Ký xuống sắc. Đột nhiên Ký nắm tóc kéo mặt Nghĩa lên (Nghĩa đang gục ngủ trên bàn tiệc) đấm đá túi bụi. Án xô ghế đứng dậy, tức tối xốc tới…Huỳnh , Răng và tôi, vồn nhiều phen chứng kiến Ký «đục» Nghĩa nhào vô ôm Án cứng ngắt, can gián, giải thích và thuyết phục Án để yên cho Ký bỏ ra xe Lambretta hấp tấp phóng đi như gió. Án chạy vào mượn bà chủ quán chai dầu gió để thoa bóp các vết sưng vù trên mặt Nghĩa. Tôi kéo mấy cái ghế kê thành hàng dài cho Huỳnh đỡ Nghĩa nằm tạm cho Răng và Án thay phiên nhau cạo gió . Một lúc sau, tất cả dìu Nghĩa ra xe và chạy Lambretta theo kèm cho Nghĩa lái chiếc «đơ-sơ-vô» về nhà.
Sau cùng chỉ còn một mình tôi ngồi lại thanh toán tiền nhậu. Xong xuôi, tôi sửa soạn ra về thì bị ba bốn chú lính ăn mặc rằn ri, đội mũ đỏ, mặt mũi trông rất «cô hồn» chận đường. Một chú khoanh tay xấc láo hỏi tôi:
-Anh làm nhục ông thầy tôi phải không?
Tôi hỏi lại:
-Ông thầy nào?
Hắn gằn giọng:
-Thầy Tạ Ký. Ổng là "ông thầy" của tụi này.
Tôi phân bua:
-Ký là bạn tôi. Tôi cũng là thầy giáo mà cũng là đại úy…
Hắn sừng sõ:
-Tôi không cần biết. Ông không phải là "ông thầy" của tụi tôi!
Thấy không êm, một tay chống nạnh, tay kia chỉ vào mặt hắn, tôi cao giọng hỏi:
-Anh nhẩy dù thiệt hay giả. Nhẩy dù thiệt thì có một ông thầy: đó là ông thầy Vinh!
Cả bọn rằn ri đột nhiên xếp hàng ngang, đứng nghiêm, giơ tay chào tôi và đồng thanh «xin lỗi ông thầy»! Rồi cả bọn tình nguyện lái xe Honda hộ tống tôi về tận nhà, ở Gia Định…

Mấy hôm sau, Ký ngồi một mình ở Chợ Đũi chờ…bạn! Vì mặt mày te tua Nghĩa phải nghỉ dạy vài hôm. Tuần đó Hoàng không có giờ dạy ở Tân Văn. Mấy đêm liền, sau giờ dạy tôi ngồi uống la-de một mình ở một sạp giải khát trong sân trường. Đến đêm thứ tư, chịu không nổi nữa Ký bỏ Chợ Đũi lò mò vô trường Tân Văn, từ phía sau bước tới choàng vai tôi, mỉm cười khổ sở hỏi:
-Bộ mầy giận tao sao Lộc?
Tôi ứa nước mắt, kéo Ký ngồi xuống, gọi bia, trả lời:
-Tao chỉ sợ mầy giận tao thôi!
Ký cũng ứa nước mắt. Thế là xong, là quên hết. Ký và tôi mặc nhiên hiểu vì sao Ký nộ khí xung thiên. Chuyện «tuổi tác làm chênh lệch» không còn được nhắc tới nữa…
Nghĩa, Ký, Hoàng và tôi trở lại chơi thân như xưa, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Ai mà giận nổi Tạ Ký! Bốn thằng chúng tôi -sau này thêm Kiệt*, tuy không phải là thầy giáo- đều «khùng» hết, mỗi thằng một cách. Đúng hơn là ngông. Một buổi ngồi chung, Ký nói với Kiệt có ngày Ký sẽ đập Kiệt một trận nên thân. Kiệt cười, biết chuyện đó thế nào cũng xảy ra (Chắc thơ đụng thơ xẹt lửa chăng?). Quả nhiên, sau đó Ký có vác ghế rượt đuổi Kiệt chạy có cờ trước mặt người đẹp Thanh Thảo! Hoàng, tuy bị Ký chọc quê là «thằng phá mồi»(Hoàng vốn không uống rượu được) vẫn được Ký ưa chuộng ở chỗ thành thật và lương thiện. Nghĩa thì nhiều lần Ký thố lộ:
-Nó, coi như em ruột của tao.
Về Kiệt, Ký nói:
-Nó có nhiều điểm giống tao quá nên tao phải đục nó. Coi như tao đục tao!
Riêng tôi, Ký nhận xét:
-Thằng Lộc không những là giáo sư triết mà còn là con-người-triết-học(sic!). Nó sống thực điều nó nói và nó cũng chỉ nói điều gì nó đã sống qua. Không như đại giáo sư Vê Đê, dạy cảm xúc mà không hề cảm xúc, dạy đam mê mà không hề đam mê. Chưa biết khoái lạc sao dám nói mình đau khổ. Chưa qua đau khổ sao biết mình khoái lạc? Tao đây chơi bời, mê cờ bạc, nhưng (đm) thằng giáo giả (ý Ký muốn nói thầy-giáo-đạo-đức-giả) Ái-Dà nó biết cái con củ c…gì mà "khuyên" tao đừng trác táng, đổ bác. Thằng Lộc nó bảo tao bớt chơi gái, tạm ngưng đánh bạc, may ra tao còn nghe được, hiểu được, ngửi được. (Đm) chưa chơi sao biết không đã, chưa nếm mùi sao biết nguy hại ?
Một điều tôi chắc chắn không lầm: cái ngông của Tạ Ký là cái ngông của kẻ sĩ. Bạn bè chắc chẳng có ai hổ thẹn vì Ký. Suốt đời Ký chỉ dạy học và làm thơ. Không «công hầu», không «khanh tướng», không xu thời, không nịnh bợ. Nhất là rất thành thật và sống hết mình với bạn bè. Ký chắc phải nợ nần rất nhiều, nhưng tôi chắc Ký đã trả xong hết các món nợ vật chất lẫn tinh thần trước khi tay rũ sạch nợ trần gian.
Lần chót gặp Tạ Ký ở Chợ Đũi, Kiệt đã mắt thấy tai nghe Ký trối trăn:
-Ngày nào chôn tao, tụi bây nhớ vác tới một két la-de, cứ uống một chai thì khui một chai đổ lên mộ tao.
Điều này, Ký nhắc lại khi gặp tôi ở trại tù Xuân Lộc:
-Đời không đáng một cơn say!
Tôi không rõ giờ đây Tạ Ký đã vĩnh viễn nằm xuống, đã có ai thực hiện niềm mơ ước cuối cùng của Ký chưa. Tôi cũng không biết đóa hoa khôi Xuân Lan ở Vĩnh Long «Cao nguyên ngực, Thái Bình Dương mắt biếc» đã một thời chung sống với Ký trước, trong và sau khi làm dân biểu Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa có còn nhớ đến người đã từng «Chỉ xin một nửa miệng cười, Chỉ xin một phút bên người yêu thương» chăng ?
Riêng tôi, khi ra tù tôi mới biết Tạ Ký chết. Lúc Ký nhắm mắt lìa đời, tôi vẫn còn nằm bệ rảc trong trại cải tạo. Ký mất ngày nào, tháng nào, năm nào tôi cũng chẳng rõ. Ký hiện an nghỉ nơi phần đất nào ở Việt Nam tôi cũng không biết. Có thể thi hài Ký bị quấn chiếu, vùi lấp ở một xó xỉnh nào đó trong rừng sâu, nước độc như biết bao bạn tù của tôi khi qua đời trong hỏa ngục phi nhân của cộng sản.
Đêm cuối gặp Ký ở Xuân Lộc, Ký cầm một que cây khơi đống tro tàn, ứng khẩu:
-Đêm sâu đóm lửa đương tàn,
Khói làm cay mắt cho hàng lệ rơi.
Rồi trao cho tôi một mảnh giấy nhỏ ghi lại bốn câu thơ Ký đã đọc trong dịp gần Tết 1975 ở Chợ Đũi và hai câu Ký viết thêm:
-Đoạn thơ ấy viết từ hai năm trước,
Rồi tự nhiên không tiếp được lời nào…
Điếu anh, điếu tôi, qua khói thuốc lào chúng tôi nhắc chuyện xưa, bùi ngùi, chua xót…Ký cho biết đã từng vào tù ra khám. Hết Tây nhốt, tra khảo đến Việt Minh nhốt, khảo tra. Ký cũng đã nếm mùi mật vụ thời đệ nhất cộng hòa. Nhưng Ký nói lần này Ký kinh hoàng nhất:«Chắc chết trong tù!». Quả nhiên, sau đó Ký đã bỏ mạng khi vào tù cộng sản lần thứ hai vì tội vượt biên…hụt!
Lúc đến trại tù Long Giao, cũng nhân dịp Tết đến (1976), nhớ Tạ Ký, tôi tiếp tục bài thơ bơ lững của Ký :
(Anh)
Không có em càng không thể say,
Khi muốn yêu, tình đã đổi thay.
Thâu canh độc ẩm, sầu vạn cổ,
Quán vắng, lều thưa gió lắt lay
(Em)
Không biết yêu vì không thiết yêu,
Thương ai trường hận mãi đăm chiêu.
Mình em về lại rừng hoang dại,
Dã thú, sài lang ắt phải nhiều…

Em đã tới từ trong bóng tối
Van xin ai đừng chối từ em
Giận ai khe khắt muộn phiền,
Vết đau ngày cũ, lòng điên đảo sầu.

Em đã tới, cười qua nước mắt
Xin cho em dìu dắt tình say,
Hằng mong quên hết đọa đày,
Nỡ đâu ngườ nới vòng tay, hững hờ…
(Anh)
Em hỡi em! Tình đã tưởng quên,
Sao cứ say cười lên đảo điên ?
Cố nhân ơi! cố nhân biền biệt…
Tượng đá vô tri thấu nỗi niềm ?

(Em)
Em bước tới từ trong gió lốc
Xin ai kia đừng khóc đời em,
Nhìn hoa tan tác bên thềm,
Bước đi lặng lẽ, sầu riêng ngất trời.
(Anh)
Ô hay khói thuốc làm cay mắt,
Thế gian tiếu ngã bất tang thương.
Rượu chuốc tàn canh, mưa lất phất,
Ngã tiếu thế gian khấp đoạn trường.

(Em)
Em đã khóc và em đã khóc,
Xin cho em ngủ giấc bình yên !
Ngày mai quên hết ưu phiền,
Chẳng bao giờ nữa còn điên đảo sầu…
(Anh)
Em hỡi em! Đường lên suối tiên
Xa lắm không? Chờ ta với em!
Hỡi ơi! Rung cảm ta tàn tật
Vì đã cho ai hết lửa tim.

Em hỡi em! Rượu không thể quên,
Ôi dáng xưa nhòa trong bóng đêm…
Hỡi Angélique muôn đời trẻ!
Chờ đến thiên thu đá có mềm?...

Tôi đặt tên bài thơ là «Không đủ say»: sau đó tôi phổ nhạc vài đoạn trong bài nầy: tình khúc mang tên «Angélique Gwen ». Gần Ký lâu ngày tôi cũng nhiễm chút ít chất thơ. Cũng như trước đây gần Cung Tiến tôi cũng bị lây chút ít âm nhạc. Nhưng chắc không đời nào tôi dám đọc thơ của mình cho Tạ Ký nghe, cũng như dạo nhạc của mình cho Cung Tiến thưởng thức. Tôi rõ biết, nếu về thơ Tạ Ký khó tánh bao nhiêu thì về nhạc Cung Tiến cũng khó bấy nhiêu. Thiên tài thường hay khó tính!!!
Tôi viết những dòng trên đây không ngoài mục đích nhắc nhở một người bạn chung của nhiều người. Tôi ý thức mình có quá nhiều thiếu sót đối với Tạ Ký-thi sĩ. Nhưng tôi chắc mọi người cũng hoan hỉ bỏ qua cho tôi nếu tôi chỉ còn nhớ tới Tạ Ký như một người bạn. Xin hãy coi đây như một thứ hồi ký viết bên lề văn nghệ.
Tạ Ký ơi! Chắc giờ nầy mầy đang thèm la-de. Mầy đã từng nhắc anh em đám ma mầy đừng có khóc. Những câu thơ dính ít nhiều tim óc của mầy, tao lại không thể nhớ!
Đêm nay, ngồi uống rượu một mình, trước mặt đầy vỏ chai la-de, tao vẫn tưởng có mầy bên cạnh như những đêm mầy, tao, Nghĩa, Hoàng và Kiệt chén thù chén tạc quên thời gian ở Chợ Đũi. Bạn bè còn đây…Người tình còn đây. Nhưng hỡi ôi! Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản.

Tạ Ký ơí!
Ai làm cho tóc bạc đầu,
Cho câu kỳ ngộ thành câu giã từ…

Thôn trang Đổ-Lá-Đầy-Ấp-Mơ, Xứ Tuyết,
chớm thu 1991
-Lê Tấn Lộc-

-------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Ghi chú : * Kiệt= nhà văn Kiệt Tấn)

Một thuở, nhìn lại…


Tiểu sử Lê Tấn Lộc
(Bài viết sử dụng Unicode-Verdana)

*Ngày sinh : 10 tháng 12 năm 1935 tại Vĩnh-Lợi ( Bạc-Liêu )
*Quá trình đào tạo, (Các trường đã theo học):
-Tiểu-học tại Bạc-Liêu.
-Trung-học : Collège de CanTho, Collège de VinhLong, Collège Le Myre de Vilers (Mytho), Lycée Jean-Jacques Rousseau (Saigon).
-Đại-học : Văn-Khoa, Sư-Phạm (Sàigòn, Đàlạt) và Sorbonne (Học bổng do Chánh phủ Pháp cấp, qua sự tuyển chọn của Mission Culturelle Française au VietNam ).
*Quá trình nghề nghiệp:
-Trước 1975 :
Giáo sư trung học đệ nhị cấp chuyên khoa,tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ĐàLạt, Khoá I ( Ban Triết ). Cử nhơn giáo khoa Triết (Sorbonne).
-Sau 1975 : Trở lại Đ.H. Paris, viết tiểu luận cho Diplôme d’Etudes Supérieures (D.E.S.) de Philosophie. Dự phóng soạn tiếp thèse de doctorat về Psychologie và Sociologie phải bỏ dở vì chứng nhồi máu cơ tim (infarctus du myocarde) đột suất. Rất lâu về sau, công việc được tiếp nối như để hoàn tất một «thủ tục» hơn là một thích thú tìm tòi, nghiên cứu lúc ban đầu…
*Các chức vụ quan trọng đã đảm trách trước 1975 :
-1969 : Hiệu-Trưởng Trường Trung-học Trịnh Hoài Đức Kiêm
Thanh-Tra Trung-Học Bán Công và Tư Thục tỉnh Bình-Dương.
-1971 : Thanh-Tra Trung-Học đặc trách Bình Định và Phát Triển,
Đại diện Bộ Giáo Dục tại Quân Khu III
Trưởng Khu Học Chánh Vùng III, đặc trách các Sở Học Chánh : Biên Hòa, Bình Dương, Bình Long, Bình Tuy, Hậu Nghĩa, Long An, Long Khánh, Phước Long, Phước Tuy, Tây Ninh, Vũng Tàu, Gia Định và đặc khu Côn Sơn.(Cuối 1972, Gia Định và Côn Sơn được tách khỏi Khu III Học Chánh, kết hợp với Sở Giáo Dục Đô Thành, lập thành Đặc Khu Học Chánh Sàigòn-Gia Định).
**Ghi chú bổ túc:
*Cựu Đại úy QLVNCH, khóa 14 Sĩ Quan Trừ Bị (1963), Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức; ngồi tù «cải tạo» cộng sản từ 1975 tới 1980. Vượt biển định cư tại Montréal(Québec) Canada,từ tháng 11/1980 đến nay.
*Sách giáo khoa(cùng hợp soạn với Vĩnh Đễ) đã xuất bản tại SàiGòn :
-Siêu hình học.
-Luận lý học.
-Đạo đức học.
-Tâm lý học.
-Phương pháp làm luận triết.


Một thuở, nhìn lại…

«Dưa leo ăn với cá kèo, Con cái nhà nghèo phải học
nọt-man (École Normale: Trường Sư Phạm)».

Mới đó mà gần nửa thế kỷ đã trôi đi, kể từ lúc tôi bước những bước đầu qua ngưởng cửa trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn, ban Triết(sau đó được chuyển lên Đàlạt giữa niên học). Lũ quỷ phá nhà chay chúng tôi thường châm chọc gọi tên trường mình là độc hại sư cụ, hoặc chanh chua hơn, học đại xơi phạn! Ấy thế mà cái đám nhứt quỉ nhì ma thứ ba học trò đó sau nầy lại trở nên thành phần cốt cán, thuần thành trong công tác giáo dục, thổi một luồn sinh khí mới vào học đường suốt hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa …

Tôi không cường điệu đâu. Trừ một số rất ít bỏ nghề vì không kham nổi cuộc sống thanh đạm cố hữu, khá chật vật của nghiệp mô phạm, vì khoái làm giàu mau lẹ (bon chen vô các cơ sở Kinh Tế), vì say mê quyền lực (nhào vô cảnh sát-công an, nhập ngành «ba toà quan lớn»), vì ưa thích phiêu lưu chính trị (ứng cử nghị sĩ, dân biểu, nghị viên hội đồng tỉnh, xã v.v…), vì ôm mộng chu du thiên hạ ( cải ngạch tham vụ ngoại giao), hoặc vì ham muốn «mần quan cai trị» ăn trên ngồi tróc (đổi nghề, qua học Quốc Gia Hành Chánh, hay «Hành Chén?»), tuyệt đại đa số thầm lặng «thầy giáo» tiếp tục «mang lấy nghiệp vào thân» cho tới những ngày cuối cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hòa; chưa kể một số khá lớn kéo dài kiếp «con tằm nhả tơ» sau ngày 30.4.75, sống nghèo khổ, hẩm hiu, luôn bị chèn ép,đe dọa.
Có lẽ chớ nên quên, sau Bộ Quốc Phòng và Bộ Nội Vụ, Bộ Giáo Dục chiếm kỷ lục về số lượng nhơn viên có mặt ở mọi cơ cấu tổ chức quốc gia, kể cả cơ cấu xa xôi hẻo lánh nhứt, thấp bé nhứt (giáo viên ấp) ! Cho nên số giáo chức trong các trại tù «cải tạo» cũng chiếm kỷ lục về số lượng lẫn thời gian «nằm ấp» !

Xin trở lại đầu thập niên 60, thời điểm các tân khoa đầu tiên tốt nghiệp các trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn, Đàlạt và Huế (do cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành Nghị định thành lập vào tháng 8/1958) được phân phối tới các trường trung học trên toàn quốc. Nhóm «thầy,cô» chuyên khoa đầu tiên dạy các môn Toán, Lý hóa, Vạn vật, Sử địa, Việt văn, Anh văn, Pháp văn, Triết học cho các lớp đệ nhị cấp nầy, nếu phụ trách lớp đệ nhứt thời đó, thường chỉ hơn đám học trò của mình bốn, năm tuổi là cùng. Ở các tỉnh lẻ, do ảnh hưởng chiến cuộc, học hành bị gián đoạn, nhiều khi học sinh ngang hoặc hơn cả tuổi thầy mình !
«Trở ngại kỹ thuật» nầy tưởng đâu sẽ là một chướng ngại bất khả vượt, ngờ đâu lại tạo nên một lợi điểm, một ưu thế ngoài dự kiến cho nhóm giáo sư trẻ trung: Họ rất gần với đám môn đệ của mình, vì tất cả đều còn rất «son trẻ». Họ dễ thông cảm nhau, dễ «nói chuyện», trao đổi, chia sẻ ưu tư, hoài bão với nhau hơn…
Riêng tôi, mỗi lần nhớ lại những lá thư «thố lộ tâm tình» của đám môn sinh đã «ký thác» cho tôi sau những bài giảng về Tâm phân học, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động đã được các em tin cậy, bày tỏ ẩn ức dồn nén trong gia đình cũng như trong đời sống tình cảm của các em. May mắn thay, hầu như tôi giải tỏa được đa số các uất nghẹn, hoá giải được gần hết các xung đột ngấm ngầm đã làm khổ các em tự bấy lâu nay…Cho hay làm giáo sư trẻ chưa chắc đã bất lợi, thất thế !
Điều nầy được minh chứng sau đó, với biến cố 1.11.1963. Hằng loạt giáo sư trẻ, xuất thân từ Đ.H.S.P lần lượt thay thế lớp giáo sư lão thành không còn thich ứng với khí thế mới của các trường học, đảm nhận các chức vụ Hiệu trưởng, Giám học…Khối «thầy trẻ-trò trẻ» trước đây thực sự nắm tay nhau «trẻ trung hóa» khung cảnh học đường, mở đầu cho một chuỗi dài cải tiến phương thức điều hành hệ thống giáo dục sau nầy, rõ nét nhứt và tương đối «mới mẻ» nhứt là trong lãnh vực trung tiểu học và bình dân giáo dục, với «kế hoạch địa phương hóa giáo dục», năm 1971.

Kế họach nầy, sở dĩ thực hiện được vì người qui hoạch nó là một nhà giáo đã từng thực sự «đứng lớp», từng đảm nhận các chức vụ Hiệu trưởng, Thanh tra, Chánh Thanh tra…, nghĩa là đã «kinh» qua và thấm thấu các ngõ ngách «lắt léo» của guồng máy nặng nề «thủ tục hành chánh»(lourdeur bureaucratique) đã từng gây quá nhiều khó khăn cho các dự án cải thiện nhằm hữu hiệu hóa việc điều hợp quản trị các cơ sở giáo dục, từ trung ương tới địa phương. Cá nhân tôi cảm thấy rất phấn khởi: Lâu lắm rồi mới thấy Bộ Giáo Dục quan tâm giao phó công việc liên quan tới giáo dục cho một người thực sự am tường công tác giáo dục ! Và tôi nghĩ đa số đồng nghiệp lúc bấy giờ đang giữ các chức vụ trong Ban Giám Đốc các trường trung học toàn quốc có lẽ cũng chia sẻ nhận định nầy của tôi.

Tôi còn nhớ rõ ngày đến chào vị trách nhiệm thực thi chính sách địa phương hóa nầy, trước khi lên đường đáo nhậm nhiệm sở mới, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Trưởng, Đặc Trách Trung-Tiểu Học và B.D.G.D. đã nhắn nhủ tôi phải cố gắng tối đa hoàn thành nhiệm vụ được giao phó; vì ngoài tính chất mới mẻ của công việc có thể chấn động các khuynh hướng thủ cựu quá già nua, cằn cỗi, lỗi thời, các Tân Trưởng Khu còn phải «tự dựng sân khấu để hát» bài ca cải cách! Thật vậy, ngoài Khu I đã sẵn có cơ sở của Khu Thanh Tra Huế, bộ ba anh em chúng tôi, Phước(Khu II)-Lộc(Khu III)-Thọ(Khu IV) chỉ võn vẹn được Bộ «trang bị» mỗi người 1 Sự vụ lệnh và 1 con dấu ! Thế mà chưa đầy một tháng sau, các Khu Học Chánh đã chính thức họat động, bắt đầu tiếp xúc, thăm viếng cùng thăm dò ý kiến các Hiệu trưởng Trung học và Trưởng ty Tiểu học để xúc tiến việc thành lập các Sở Học Chánh cho các tỉnh thuộc các Khu liên hệ…
Không thể kể hết những rắc rối, những trở ngại mà chúng tôi phải hết sức kiên nhẫn, mềm dẽo nhưng vẫn cương nghị đương đầu, chẳng những với các Trưởng cơ quan giáo dục sở tại, với ý định «áp đặt» của chánh quyền địa phương, mà đôi khi còn với cả khuynh hướng bảo thủ từ các cơ quan trung ương của Bộ GD nữa. Đụng chạm tới đặc quyền, đặc lợi đã quá quen thụ hưởng, ở thời điểm đó không phải dễ. Cũng may, chúng tôi được sự hỗ trợ tối đa của ông Phụ Tá Bặc Biệt Nguyễn Thanh Liêm và của chính ông Tổng Trưởng Giáo Dục Ngô Khắc Tĩnh.
Riêng Khu III Học Chánh, có hai Sở Học Chánh mà Khu và Bộ «không có tiếng nói»: Bình Tuy và Tây Ninh. Hai Sở H.C.nầy và Sở H.C. Bình Dương được thành lập chậm nhứt, sau các Sở H.C. khác gần một năm.

Phần tôi, tôi thực sự cảm thấy khoan khoái «đã làm xong nhiệm vụ». Ít ra tôi đã hết bị «ám ảnh» bởi cái gọi là «thủ tục hành chánh thông dụng», «tinh thần công chức thông thường». Bởi các thứ đó mà một công văn «thượng khẩn», đi từ Nha nầy tới Nha khác trong cùng một công ốc phải mất tối thiểu hai tuần; từ Phòng nầy sang Phòng khác sát vách phải cần tới ba, bốn ngày đi…Từ cơ sở đầu não của Bộ GD bên nầy đường Lê Thánh Tôn sang bên kia đường, công văn đi, đến đều phải tốn bảy ngày đường cho mỗi lượt !!!
Vì trụ sở đặt tại Biên Hòa, Khu III Học Chánh được lợi điểm gần Sàigòn. Với các việc khẩn cấp cần gấp rút giải quyết, chẳng hạn như vụ tiết lộ đề thi tuyển vào lớp 6 (đệ thất trước đây), vụ từ chối hoặc trì hoãn quá mức bàn giao chức vụ không lý do chính đáng hoặc có ý định bất chính v.v…,tôi đich thân cầm tay tờ trình, nhận chỉ thị thẳng từ giới chức có thẩm quyền của Bộ để vừa bảo mật, vừa nhanh chóng có văn kiện hợp pháp hành sử trách nhiệm của một Trưởng cơ quan cấp Khu. Tờ trình,với bút phê trong tay, chúng tôi,Trưởng Khu, hai Thanh Tra và một thư ký mang theo bàn đánh máy chữ, dấu mộc lên xe phóng nhanh tới nơi tiết lộ đề thi, ký lệnh ngưng chức vị Hiệu trưởng Trung học X.,Chủ tịch kiêm Chánh chủ khảo Hội đồng thi, kịp thời lập biên bản vi phạm ,ngưng ngay công tác khảo thí cùng thông báo dời ngày thi tuyển...Tất cả được giải quyết nhanh, gọn trong một ngày!
Vụ bàn giao chức vụ bị «ngâm tôm»ở Ty tiểu học X., chúng tôi cũng áp dụng phương thức «tờ trình cầm tay lấy bút phê» như hình thức trực tiếp nhận chỉ thị của Bộ để Khu nhanh chóng đến tận nơi giải quyết tại chỗ,trong ngày. Các Nha Sở trung ương, dù muốn xen vào can thiệp cũng không kịp, không nổi, trước lệnh của Bộ… Xin hãy hình dung thời gian cần thiết để giải quyết, nếu hai vụ «tiết lộ»,«tắt nghẽn» trên đây được giao cho những vị lão thông thủ tục hành chánh thông dụng, tinh thần công chức thông thường thụ lý! Lạc quan lắm cũng kéo dài tối thiểu tới ba tuần !!!
Chúng tôi thường đến tận chỗ làm việc với các Sở Học Chánh khi họ gặp khó khăn hoặc cần yểm trợ trong khu vực Sở. Khi cần phối hợp hoạt động giữa các Sở thì Khu đánh công điện mời các Sở về họp tại Khu để thảo luận. Nhưng thường thì Khu sinh hoạt như một Toán Công Tác Lưu Động hỗ trợ cho các Sở điều hành dễ dàng, nhứt là trong thời gian chuyển tiếp sáp nhập hai ngành trung và tiểu học thành một cơ quan giáo dục thống nhất tại địa phương.

Sự việc đang tiến hành tốt đẹp thì đột nhiên chánh phủ cho triệu tập một cuộc hội thảo «cải tổ hành chánh» nhằm thực hiện chủ trương «tản quyền» từ trung ương xuống địa phương (lúc bấy giờ, gọi nôm na là chủ trương «đầu teo, đít to»). Trớ trêu thay, việc cải tổ đó lại giao cho một ngài đốc phủ sứ, sản phẩm đào tạo của thực dân Pháp «đí-nớp-xăng-oảnh-tọt-1921» chủ trì (Pháp vốn vô địch về môn «cửa quyền» vừa rắc rối vừa nặng nề),với sự trợ lực của một quan-năm-cựu-đầu- tỉnh! Quả nhiên, như đã tiên đoán, thành phần chủ trì bảo thủ như thế làm sao có đầu óc canh tân được ! Kết quả, như lời phát biểu giữa hội nghị của một Chánh Sở Học Chánh: «Quí vị đang tản quyền lên thay vì tản quyền xuống!», khi ngài đốc phủ sứ Nguyễn văn «Bạc » và ông quan năm Quách Huỳnh «Sông» công bố qui định các cơ cấu hành chánh của Bộ Giáo Dục: Các Nha Sở trung ương được duy trì, các Khu Học Chánh địa phương bị dẹp bỏ; các Sở Học Chánh bị hạ xuống thành Ty Giáo Dục mà mọi ngân khoản đều do Tỉnh quản lý. Nghịch lý nhứt là quyền quản trị nhân viên trực thuộc, trước đây do Trưởng ty Tiểu học, kế đến do Chánh Sở Học Chánh phụ trách, nay do Tỉnh trưởng cai quản; Trưởng ty Giáo Dục vì thế lại thêm lệ thuộc Tỉnh hơn cả Trưởng ty Tiểu học trước đây! Từ phương vị Hiệu trưởng Trung học đệ nhị cấp, với phụ cấp chức vụ ngang một Chánh-sự-vụ, vốn tương đối «độc lập» với chánh quyền địa phương, bước lên phương vị Chánh Sở Học Chánh vẫn còn được sự «độc lập» đó, ông Trưởng ty Giáo Dục giờ đây quả thật quá lép vế, nếu không muốn nói là xuống cấp thê thảm!!!

Chuyện vui buồn nghề nghiệp nói sao cho hết! Một vài mảnh vụn vặt tâm sự chỉ mong được anh chị em đống nghiệp cảm thông chia sẻ và dung thứ cho lối viết gần như nói về cái tôi nhiều quá. Người viết đã do dự rất lâu trước khi cầm bút đáp lời kêu gọi đóng góp kỷ niệm trong ấn phẩm Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do Trước 1975
được Tập San Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai Cửu Long phát hành, tháng 11, năm 2006

Thôn trang Rêu-Phong (Pierrefonds),
Xứ Tuyết Canada, ngày 17 tháng 8 năm 2006
Lê Tấn Lộc