Sunday, September 27, 2009

TU ĐÂU CHO BẰNG TU..."CHÙA"


Phiếm“loạn”(IV)
TU ĐÂU CHO BẰNG TU…"CHÙA" !
Phật tức tâm, Phật chứng tại lòng,
Tâm tức Phật, lòng thành có Phật

Sau vụ ‘đấng’ cao tăng ‘Thích… Diệu Nữ gây sóng gió rầm rộ tại Xứ Chuột Lớn, (rồi cũng đâu vào đó, vũ-như-cẫn-vẫn-như-cũ,‘đấng’ nầy tiếp tục ngất ngưởng trên ngai vàng… “chùa”, không rụng tới một sợi lông…chưn, trái lại càng lúc càng tăng cao ‘thu nhập’), khá lâu rồi tôi không có dịp phiếm ‘loạn’ thêm về các ‘đấng’ được bà con mộ đạo, không câu nệ tuổi tác -đôi khi quá chênh lệch giữa bên được ‘tôn vinh’ và bên ‘suy tôn’- một lòng sùng kính như bậc ‘mẫu nghi thiên hạ’, luôn xá lạy xưng ‘con … bạch thầy’ khi thưa chuyện với các ‘đấng’! Lắm lúc quá trớ trêu, quá tréo cẳng ngỗng, vì ‘đấng’ chỉ vừa mới ra khỏi tuổi… vị thành niên! Như câu chuyện có thật 100% diễn ra tại quận Chợ Lách, trước đây thuộc tỉnh Vĩnh long, theo lời kể của một người bạn:

Sau 1975, trong một chuyến về thăm ‘quê hương là chùm khế ngộp’, bạn tôi ‘được’ gia đình yêu cầu đứng ra làm ‘Trần văn CHI’ đài thọ kinh phí để thỉnh một ông sư về tụng kinh cầu siêu cho thân bằng quyến thuộc…Sư đến bằng xe Toyota bóng lộn, tối tân, dĩ nhiên có gắn máy lạnh, do gia (thí) chủ thuê bao. Quí vị có thể tưởng tượng, trời nắng chang chang, bên nầy cầu cả gia tộc, từ các vị bô lão ‘gần đất xa trời’ tới đám trẻ con đầu còn để chõm xếp hàng quì gối, chắp tay cung kính vái lạy nhà sư vừa tròn 21 tuổi, dù lộng che đầu, bên kia cầu ‘thư giản’ đếm từng bước tiến về phía bên nầy cầu, thong dong đi giữa hai hàng ‘thí chủ’ đang rạp mình cúi lạy… chăng?
Tôi chạnh nhớ tới hình ảnh vị hòa thượng “đem thân nương chốn thiền môn trót ba mươi năm có lẽ” -trong vở Hoa Rơi Cửa Phật của cố soạn giả Năm Châu- vội vã đỡ Điệp đứng lên khi Điệp xin quì lạy tạ ơn nhà sư đã “xúc động mối từ tâm” đề nghị Điệp mặc áo cà sa giả dạng hòa thượng đến gặp Lan (cải trang thành chú tiểu Huệ Minh) trong giờ Lan hấp hối:
-Ngài chớ quá nhọc công mà làm cho bần tăng thêm tổn đức. Ngài hãy dành lạy nầy để ngài vào lạy Phật…
Vị chân tu động lòng trắc ẩn nầy chẳng bao giờ dám phạm thượng tự coi mình là Đấng Chí Tôn. Ngược hẳn với thái độ cao ngạo -mập mờ đánh lận con đen- của một số ‘cao tăng’ tăng cao bản ngã đến độ tự phong mình là Phật trước cái nhìn đánh bóng, chạm trổ quá cường điệu của một số sai nha-đệ tử ruột xả thân ‘cúc cung tận tụy’ họ, muốn đồng hóa họ với Đức Phật, muốn bá tánh tôn sùng họ như thánh thần bất khả xâm phạm! Cho nên…mới ra cớ sự ‘chuyện lạ bốn phương’, hầu như chưa bao giờ xảy ra trong giới tu hành người Việt, trong cũng như ngoài nước: Hai ‘đấng’ đạo sĩ ‘Thích’ Mị Tà ‘Thích’ Nhất Hoa lôi một nhà báo và một nhà văn…ra tòa đòi bồi thường thiệt hại -không phải bồi thường Danh Dự lẩm ca lẩm cẩm đâu, nhằm nhò gì mấy cái lẻ tẻ vô bổ đó!- mà là chính thức chường mặt ra mướn một ‘quan trạng sư’ -tiếng tăm “nổ” đã lẫy lừng trong giới thầy cãi- đòi bồi thường cụ thể “MỘT SỐ… TIỀN ($$$) TƯƠNG XỨNG”!!!

Hỡi ôi! Chẳng thể nào tôi hình dung nổi cảnh hai vị ‘cao tăng’ trên đây ‘mặc sắc phục tăng ni’ lẫm liệt bước tới pháp đình -hầu như hai vị quên cổ nhân thường khuyến nhủ ‘vô phúc đáo tụng đình’- kề tai chỉ thị luật sư của mình mặc cả với ba tòa quan lớn về số tiền bồi thường, càng lúc càng tăng cao, cho hai tay ‘Anh Dũng mần nhựt trình và Phùng Nhân viết sách’-vốn đã chật vật trong cuộc sống thường nhựt- tiêu tan sự nghiệp luôn!
Nhị vị đạo sĩ nhứt định ‘lấy thịt đè người’ với hai phật tử cô thế, chỉ có tấm lòng ưu tư thành khẩn muốn củng cố niềm tin của họ và của đại đa số phật tử làm lợi khí truyền thông trung thực -vì không thể thụ động điềm nhiên tọa thị trước cảnh vàng thau lẫn lộn trong hàng ngũ tăng lữ- ngõ hầu độc giả không chê họ hèn nhát bẻ cong ngòi bút để được an toàn vinh thân phì gia.
Lẽ nào nhị vị không nhận ra mình đã đi quá đà trong việc ‘tăng cao’ THAM-SÂN-SI trong vị thế ‘mặc áo nhà tu’ thoát tục, quyết tâm ‘ăn thua đủ’ với hai phật tử trần tục? Nếu không quá lố bịch thì cũng xốn mắt, khó coi, đúng không? Chắc gì nhị vị thắng kiện? Nếu nhị vị thắng, họ sẽ sạt nghiệp. Nhưng trên bình diện tâm linh, coi như họ đã được giải nghiệp. Trái lại nhị vị sẽ “mang lấy nghiệp vào thân”, bởi đã xem thường BI-TRÍ-DŨNG của con Nhà Phật!
Trường hợp nhị vị thua kiện thì… còn chi nữa danh giá của người tự cho là tu hành! Bởi vì, nếu thế nhị vị phạm tội cáo gian, vướng mắc tội vọng ngữ! Thắng hay thua gì nhị vị cũng chẳng bảo toàn được phẩm cách và sự thanh khiết của người mặc áo nâu sòng mà tôn chỉ thiêng liêng là cứu nhân độ thế…
Quả tình, trước đây khi các đồ đệ suy tôn quí ‘đấng’ như thần thánh, họ đã thiêng liêng hóa con người trần tục của nhị vị. Giờ đây, ra tòa tranh cãi với người phàm trần, nhị vị đã đằng đằng sát khí trần tục hóa con người thiêng liêng mà các Phật tử đã đặt hết niềm tin và hoài bão vào sự thanh thoát của con người xuất gia đầu Phật, luôn lấy THIỆN TÂM làm trọng điểm cho việc dưỡng tánh tu tâm, từ bi hỉ xả, trong tinh thần “Đại Hùng-Đại Lực”, dĩ nhiên, nhưng… “ĐẠI TỪ BI”!
Hai người bị cáo buộc tội ‘mạ lỵ’ cũng là con Nhà Phật như nhị vị. Trên lý thuyết, họ kém xa nhị vị về mặt tu đạo. Và dĩ nhiên họ không lão thông tư tưởng Phật giáo hơn nhị vị. Nếu vô tình hay cố ý họ xúc phạm đến thanh danh của nhị vị thì, tại sao với phương vị lãnh đạo tinh thần thiện nam tín nữ -bởi mọi Phật tử đều được khai tâm ‘kính Phật, trọng Tăng’- nhị vị không mời họ đến Phật đường (thay vì đâm đơn kiện họ nơi tụng đình); hoặc giản dị và nhanh chóng hơn điện đàm với họ, để thuyết pháp cho tâm trí họ được khai thông, hầu nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là sai trái. Hành sử như thế nhị vị mới xứng đáng là bậc cao tăng, lấy tình sư đệ đối đãi với nhau vì đôi bên đều là Con Nhà Phật.
Trường hợp nhị vị cảm thấy hai nhà báo, nhà văn phổ biến nhiều chuyện sai sự thật, bán tuần báo Việt Luận xưa nay vẫn mở rộng diễn đàn cho nhị vị phản bác, cớ chi phải ‘lôi’ họ ra toà cho hả dạ?
Mà sao lại truy tố họ? Họ chỉ lập lại những gì báo chí trong nước phanh phui và học sĩ Đặng Văn Nhâm phổ biến rộng khắp về nhị vị. Chẳng lẽ phải ngầm hiểu Anh Dũng và Phùng Nhân ‘ngon xơi’ hơn nhà báo trong nước và cây cổ thụ họ Đặng, hai cây bút đã công khai vạch trần những điều không được ‘đẹp’ lắm về nhị vị? Lẽ nào ‘kẻ sĩ’ như nhị vị lại thiếu dũng khí đối phó với các tác giả thực sự đã hiên ngang múa bút phơi bày những gì mờ ám lâu nay được che đậy quá tinh vi, đến độ nhị vị phải luồn lách chơi trò ‘giận cá chém thớt’?
Tôi lại chạnh nhớ lời khuyên giải của vị chân tu trụ trì ngôi chùa mà tín nữ Thị Kính cải trang nam nhi đến xin thí phát qui y, sau khi bị nghi oan muốn giết chồng. Sau đó lại còn bị Thị Mầu vu oan dóa họa đã ‘gian díu’ với cô nàng đến có con hoang, trong vở cải lương Quan Âm Thị Kính, thập niên 40:
-Thiền môn là chốn dưỡng tánh tu tâm, có lý nào dung dưỡng những điều tà dâm! Nếu như con có lỡ lầm nhứt phen thì kể từ nay con hãy nên ăn năn hối ngộ. Bằng như ai kia có đem lòng quá ác gian, đành phao vu những điều quá ác tâm thì con cũng nên làm ngơ cho giải khuây trong dạ, mà lo thủ phận tu hành, rồi sau thiện ác đáo đầu sẽ phân minh…

Nếu quả thật quí ‘đấng’ cao tăng chịu hàm oan bị ‘mạ lỵ’ thì…tôi thầm ước nhị vị noi gương Phật Bà Quan Âm đã kiên cường im lặng chịu Nỗi Oan Thị Kính, luôn vững tin thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Bởi vì…
“Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”
(Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt)

Trời Cao có mắt đấy, nhị vị ạ!
**
B
ài viết có thể chấm dứt nơi đây. Tuy nhiên, tôi vừa lượt đọc muộn màng tờ Việt Luận, Số 2396-Năm thứ 26-Thứ sáu 18.09.2009, các trang 36, 37, 39 và 55…với ‘Ý kiến độc giả’ của quí bạn đọc Diệu Nhã, Gia Tâm, S.N., Robert Trần, Vi Thương, Lê Văn Tám, N.H. (đa phần là Phật tử) và hai bài viết của hai cây bút, cũng là Phật tử, Phan Văn Song (“Sư ông đáo tụng đình”) và Nguyễn Khắp Nơi (“Thư gửi bạn Phùng Nhân”) khiến tôi bồi hồi xúc động nhớ lại hình ảnh các vị tu hành đơn sơ, chơn chất, khổ hạnh và một ngôi chùa còn lưu giữ trong tôi nhiều kỷ niệm thuở niên thiếu khó phai mờ. Tôi muốn nhắc lại đây để đối chiếu với chuyện hai nhà tu hành hiện đang kiện cáo tín hữu của mình tại Úc.

Thuở mười lăm, tôi thường theo má tôi lui tới một ngôi chùa ở Vĩnh Long, được người bản xứ biết dưới danh hiệu Chùa Bà Đội. Ngôi chùa nguyên là một căn nhà vách ván, lợp ngói, tọa lạc trên một thửa đất khá lớn, với vườn tượt có cây ăn trái, cây kiểng bao quanh, do một góa phụ tục gọi là Bà Đội tự mình gầy dựng nên với phương tiện cơ hữu. Chùa có một nhà sư lo Phật sự. Ông còn trẻ, khoảng trên dưới 30. Tôi không rõ phẩm trật của ông, nhưng mọi người đến lễ Phật đều gọi ông là…Ông Giáo.
Tôi rất thích nghe ông tụng kinh và thuyết pháp khi cùng với má và em tôi qua đêm tại chùa. Giọng ông trầm ấm, hòa quyện trong tiếng mõ chuông đều nhịp, nghe vô cùng ‘siêu thoát’ trong đêm tĩnh mịch…Thỉnh thoảng tiếng đại hồng chung ngân nga khiến hồn tôi như chực bay bổng! Sắc diện ông trông rất hiền từ. Ông thường dùng xe đạp hoặc đi bộ ra phố khi cần.
Không một ai đến chùa mà không tôn kính, mến trọng Ông Giáo và Bà Đội hầu như biết hết và để tâm chăm sóc, trợ giúp tất cả thành viên trong gia quyến của những bà con cô bác trong tỉnh đến chùa lễ Phật. Khách thập phương đến tham gia sinh hoạt của chùa như thân bằng quyến thuộc trong một đại gia đình…con Nhà Phật!
Có lần em tôi kể thấy một nhà sư chạy mô-by-lết trong tỉnh, má tôi rầy la em tôi ăn nói bừa bãi. Người tu hành ai lại lái xe gắn máy bao giờ, coi chừng mang vạ ác khẩu!..
Mười mấy năm sau, khi tôi kể thấy mấy ông sư ngồi xe Méc-xê-đéc có tài xế riêng lái đi trên các đường phố Sàigòn, má tôi lại la rầy tôi dữ dội chớ có bày chuyện “nói xấu quí thầy”. Là một Phật tử thuần thành, má tôi rất mực quí trọng giới tăng ni… Tôi không dám cho má tôi biết rằng lúc đó một số thượng tọa, đại đức đã có mặt trong quân đội qua Nha Tuyên Úy Phật Giáo, với quân phục, lon lá hẵn hòi, hai bên khăn choàng màu nâu quàng qua vai để làm lễ có gắn quân hàm, hoặc bông mai vàng hoặc bông mai bạc. Và tùy theo cấp bậc, chức vụ, “quí thầy” di chuyển bằng Mercedès hoặc Jeep. Điều nầy vượt quá tầm hiểu biết và niềm tin của một tín nữ mộc mạc, chỉ quen nhìn các đấng tu hành mặc áo nâu sòng, đi bộ, quá lắm là đạp xe đạp như “Ông Giáo Chùa Bà Đội”!

Rất may, lúc biến động “đem Phật xuống đường” xảy ra ở miền Trung má tôi ngã bịnh nặng phải nằm bệnh viện và sau đó bị lãng trí. Nếu không chẳng thể nào má tôi tin có việc đem Phật trên bàn thờ nơi cửa thiền tôn nghiêm bày ra đường lộ! Chắc chắn bà sẽ nổi giận cho rằng có ai đó ác ý phao đồn tin thất thiệt nhằm triệt hạ uy tín của “quí thầy”!
Và có lẽ cũng là một ân phước của Bồ Tát, một tháng sau khi Sàigòn mất tên má tôi nhắm mắt lìa trần, khỏi phải xốn mắt, đau lòng cùng đồng bào miền Nam chứng kiến một số khá đông “quí thầy” vỗ tay hoan hô “giặc từ miền Bắc vô đây bàn tay nhuốm máu anh em” reo hò Kách Mệnh thành kông, ‘tiến về Sàigòn’ lập “Ủy Ban…Khuân sảng tài vật của người dân ‘Nam bộ’!
***
T
ôi không thể không đau lòng nghĩ tới người mẹ cả đời một lòng nhiệt thành ‘kính Phật, trọng tăng’ khi phải chứng kiến hai bậc xuất gia đầu Phật, mà tâm nguyện lẽ ra phải là “sự đời gác bỏ ngoài tai, trần ai không hệ lụy(…), lòng thanh thản hồn nhiên trước cửa từ bi, bao nỗi thi phi tai chẳng buồn nghe, mắt chẳng buồn trông thấy nữa…” lại đành đoạn xúc tiến thủ tục trần thế ép buộc hai Phật tử trong ngành truyền thông phải vác chiếu ra toà!
Trước khi đặt bút viết bài nầy, tôi có đọc qua bài viết của nhà văn Phùng Nhân mà tôi chưa có dịp quen biết cá nhân. Tôi đặc biệt ghi nhận lời trần tình sau đây của tác giả: “Những gì tôi trích đăng trong bài viết ‘Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại Úc Châu. Nên nhìn lại chặng đường đã qua’ chỉ là một phần rất nhỏ và rất nhẹ so với những gì ông Nhâm đã viết về HT Thích Như Huệ”…
Sau khi quyết định góp ý về vụ kiện tụng hi hữu nầy, tôi tìm hiểu quan điểm của nhà văn Phan Văn Song mà tôi cũng chưa được dịp làm quen. Và tôi bắt gặp, cùng chia sẻ đoạn kết của tác giả: “Ngày xưa, tôi đã học được cái giáo lý của Phật giáo đầy tình thương, đầy thông cảm. Ngày nay qua việc kiện tụng nầy tôi cảm thấy lo ngại cho tiền đồ của Phật giáo. Phán, phán, quyết và Phạt. Còn đâu là Bồ Tát?”.
Ngoài ra, tôi cũng chia sẻ cảm tình của nhà văn Nguyễn Khắp Nơi -mà tôi cũng chưa được quen biết- dành cho bạn Phùng Nhân của mình, cũng như đồng cảm với mối ưu tư của tác giả: “Tối nay, tôi sẽ thắp ba nén nhang lạy Đức Phật Thích Ca, lạy Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, xin chỉ cho con: Đi chùa nào? Đọc kinh loại nào? Để…không bị Thượng Tọa thưa ra tòa?”…

Gần đây, ‘siêu’ thiền sư ‘vĩ đại’ Thích Nhất (hay Bất, Vô) Hạnh, với vụ ‘quang vinh’ về nước lập thiền viện Bát Nhã -ít lâu sau bị đập phá tan tành và vĩ đại sư nhanh chóng ‘di tản’, coi như mặc nhiên ‘đem con bỏ chợ’- cộng với sự lộ mặt của tập đoàn sư quốc doanh không thể không tác động bất lợi cho tiền đồ Phật giáo trong cũng như ngoài nước. Giờ lại thêm vụ hai vị tu sĩ đạo Phật ‘xuống đường’ toan ‘làm thịt’ hai Phật tử!
Không phải khi không mà bài viết sử dụng nhóm chữ tu “chùa” trên tựa đề. Xin hiểu chữ chùa trong dấu ngoặt kép theo nghĩa khỏi tốn tiền (gratuit, free). Tiền bá tánh dựng nên chùa, nhị vị tu chùa kể trên lâu nay ăn “chùa”, ở “chùa”, mọi tiện ích vật chất cho bản thân đều “chùa”. Bây giờ nhị vị tu “chùa” đáo tụng đình với tư cách ‘nguyên cáo’, kinh phí ứng ra cũng là tiền “chùa” -tiền của bá tánh! Trường hợp thất kiện, bá tánh lãnh đủ. Nếu thắng kiện, cho dù số tiền bồi thường ‘tương xứng’ có được sung vào quỹ của chùa đi nữa, bá tánh cũng không hoan hỉ vì nó được trả giá bằng sự ‘trấn lột’ hai Phật tử Nhân-Dũng ‘ách giữa đàng (nhà báo ở VN và Đặng Văn Nhâm) mang vào cổ’! Quả thật: Kiện tụng là bác thằng bần, Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm!
Đó là chưa kể khi mọi sự đã ngã ngũ, từ nay trở đi đôi bên sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn ân oán giang hồ không thể một sớm một chiều tuyệt dứt! Nhị vị để đâu rồi giáo lý Nhà Phật: Oán thù nên cởi không nên buộc?
Ngày xưa tôi được Ông Giáo chùa Bà Đội kể cho nghe chuyện hai nhà sư rất ư đạo hạnh đến diện kiến Đức Phật để được vào cõi Niết Bàn. Nhưng Đức Phật bảo hai ông phải trở về cõi trần tu đức lại vì hai ông đã trót quăng bộ đồ lòng mà một tay đồ tể đã gởi hai ông mang đến trình Phật chứng tỏ lòng ăn năn hối ngộ của mình. Hình như Ông Giáo kết luận: đồ tể quăng dao có thể thành Phật. Xin hỏi nhị vị, đôi bên kiện và bị kiện ai là người đang cầm dao trên tay đây?
Một Phật tử vừa gọi điện thoại bày tỏ sự bất mãn trước vụ kiện tụng nầy với tôi:
-Đại lão cái quái gì mấy cha nội nầy! Đại láo, đái láo thì có!
Riêng tôi thì tôi nghĩ nhị vị chịu hạ mình làm người trần tục để đôi co trước tòa án trần thế là vì danh xưng “đại lão” đã biến thể thành “Đạo Lãi”: nhị vị theo đạo sanh lời!
Thương thay Nhân Dũng có thừa.
Gặp phường tu đạo chẳng chừa thứ chi!
****
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê…
Phàm trần mắt tục như kẻ hèn mọn viết bài nầy mà còn nhận thức được thân phận mõng giòn của kiếp phù sinh: Phù du trong những phù du, Phù du tất cả chỉ là phù du! (Vanitas vanitatum et omnia vanitas), và tất cả đều VÔ THƯỜNG…huống chi nhị vị đạo sĩ!
Đặt trường hợp luật sư của nhị vị sử dụng thành công ngón nghề riêng bẻ cong công lý cho các ‘đấng’được dịp hả hê ăn mừng đã đánh gục hai Phật tử làm báo, viết văn, bịt miệng luôn giới truyền thông, nhị vị có chắc công luận sẽ đứng về phía mình chăng? Hay một ngày trời mây u ám nào đó, sinh, lão, bịnh rồi sắp tử tới nơi, nhị vị lại chẳng nhớ tới chuyện đáo tụng đình trước đây mà sanh ra lòng thống hối đã làm cho quỷ giận, thần hờn, nay nghĩ lại càng thêm đau đớn ?

Sau rốt, tôi thành tâm cầu nguyện sẽ có một vị chân tu thực sự cao kiến xuất hiện lay tỉnh nhị vị cao tăng-tăng cao của chúng ta trở về đúng vị trí tu hành của mình, với tư tưởng sau đây trong Cảnh Sách:
Người xuất gia là cất bước đi thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối rạng rỡ giòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma cũng phải khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi. Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hành dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu
”.

Mong thay!

Thôn trang Rêu-Phong, vào Thu 2009
-Lê Tấn Lộc-
















































Thursday, September 10, 2009

TĨNH TÂM CUỐI HÈ 2009


Vài cảm nhận về lần

TĨNH TÂM CUỐI HÈ 2009
«‘Ép-pha-tha’, nghĩa là: hãy mở ra »
(Mc 7, 34)
« Anh em có mắt mà không thấy,
có tai mà không nghe ư? »
(Mc 8, 18)

Kỳ họp dòng đầu tháng 6, khi được thông báo Cha Giảng Phòng cho lần Tĩnh Tâm của Dòng Phan Sinh Tại Thế Vùng Montréal vào cuối tháng 8-2009 sẽ là Cha Nguyễn Tầm Thường, tôi cảm thấy trong lòng hơi áy náy vì cái tật ưa ‘cà rỡn trong nghiêm chỉnh’ của mình -hơn là ‘nghiêm chỉnh nhưng (thực chất là) cà rỡn’ mà mình vốn rất dị ứng- e rằng không khéo mình sẽ bị mời đi chỗ khác tha hồ cà rỡn, vì ‘ở đây người ta làm việc rất nghiêm chỉnh, biết chưa?’...( ! )
Thiên hạ đồn rằng Cha Giảng Phòng, tuy danh hiệu Tầm Thường nhưng chẳng Tầm Thường đâu nhé, chớ có tưởng bở mà vỡ…mặt đấy! Lén phén là Cha thẳng tay đuổi ra về không vị nể, khỏi Tĩnh Tâm luôn…Cho nên tôi đã định sử dụng chiêu thức tam thập lục kế, âm thầm hát bài …tẩu mã: đi Âu Châu sớm hơn dự tính ban đầu, vào khoảng trung tuần tháng 9. Nhưng vào giờ chót, tôi quyết định nấn ná ở lại ghi danh tham dự.
Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Thử xem con tạo xoay vần nơi nao!
Tôi lại còn ‘can đảm’ tháp tùng một số anh chị em đón Cha từ Hoa Kỳ bay sang. Gan thật, dám liều lĩnh ‘vuốt râu hùm’! Ấy thế mà tiếp cận lần đầu với Cha, tôi ‘cảm nghiệm’ ngay Cha không ‘khó’ như dư luận đồn đãi. Cha chỉ phân định rạch ròi giữa hai lãnh vực sinh hoạt: vui chơi và làm việc.
Bữa cơm tối chào mừng người Cha viễn phương đến với đàn chiên hôm đó, một dòng viên nêu ra vấn đề các bác lớn tuổi trong Dòng đa số ‘khiếm nhỉ’ (lãng tai) nên hay phát ngôn to tiếng, tôi góp ý: Nếu chúng ta không cố gắng khép mình vào kỷ luật thinh lặng khi tham dự Tĩnh Tâm thì, tuy mang danh Dòng Nghèo Khó hóa ra chúng ta ‘nghèo mà không chịu khó’! Cha Trợ Úy Aimé Đỗ Văn Thông của chúng ta đã không từng nhắc nhở ACE ‘Người ta khó chịu thì mình chịu khó. Nhưng khi đã chịu khó rồi thì đừng lấy làm khó chịu đã chịu khó. Vì như vậy còn tai hại hơn là không chịu khó từ đầu’… sao?
Cha Nguyễn Tầm Thường vỗ vai tôi, cười xòa. Vậy tôi có thể an tâm: Cha có óc thanh tiếu (sens de l’humour). Hy vọng Cha thuộc dòng ‘thanh tịnh tươi cười’ (sénérité souriante), chứ không rơi vào nhóm ‘thanh tịnh cáu có’ (sénérité grimaçante). Mong thay!
*
Buổi đầu sinh hoạt với Dòng Cha đã làm tan loãng tảng băng giữa hai định kiến, khiến mọi người cười rộ: Cha đề nghị đánh cuộc xem ai thắng, ai thua: Cha khó, đúng như dư luận loan truyền hay Dòng thường ngủ gục, đúng như tin đồn rộng khắp!
Những ngày sau đó, anh chị em càng lúc càng cảm thấy Cha khó. Bởi lẽ lâu nay Dòng PSTT Vùng Montréal hình như chưa hề nghe qua cách giảng phòng nào quá ‘đặc biệt’, nếu không muốn nói là quá ‘cách mạng’như thế! Cha khó thiệt: Cha hỏi dồn dập, đưa ACE vào thế ‘bí’, khiến ACE lúng túng khi phát biểu. ACE muốn nói cái gì? Đã định nghĩa chính xác các khái niệm (concept) mình muốn khai triển chưa? Cha càng hỏi, ACE càng lờ mờ, càng lẩn quẩn trong cách diễn tả quan điểm, gần như đang ngủ gục trong những điều thu lượm được trong kinh sách, rồi tự động cho ‘tuôn’ ra, cơ hồ như đang trả bài…Cho nên cuộc ‘quần thảo’ giữa Cha và ACE tiếp diễn dài dài, bất phân thắng bại!
Tôi tưởng tượng như đang chứng kiến cảnh đối đáp giữa Socrate -cha đẻ của triết học tân thời- với các triết gia thuộc trường phái Ngụy Biện (Sophistes). Các triết gia nầy thường hãnh diện về sự hiểu biết vững chắc của mình. Trong khi họ thao thao bất tuyệt thì Socrate giả vờ như ngu dốt, ‘không biết gì cả’. Nhưng Socrate cứ hạch hỏi họ tới tấp, như ông không thấu hiểu những gì họ xác quyết, bằng cách yêu cầu họ định nghĩa rõ rệt những khái niệm họ nêu ra trong lúc tranh biện…Cuối cùng họ khám phá chính họ mới thực sự không biết gì hết ngoài một số định kiến hàm hồ hấp thụ qua thói quen mà họ ‘tuôn ra’ như vẹt khi được cơ hội!
Về điểm nầy tôi nghiệm ra phương thức giảng phòng của Cha Tầm Thường thể hiện quan điểm của Voltaire, triết gia người Pháp, thế kỷ XVIII: “Quan niệm đúng thì phát biểu rõ” (Ce qui se conçoit bien s’énonce clairement). Đột nhiên tôi chợt nhớ ‘cụm từ’ người Việt ưa dùng mà tôi không làm sao hiểu nổi: ‘Nói hổng phải nói chớ…’(!) Cái gì vậy bà con? Nói (mà) hổng phải nói là… sao? Nói hay không nói, chứ sao lại vừa nói vừa hổng phải nói? Chẳng lẽ phải hiểu là nói khơi khơi, chẳng muốn nói cái gì cả. Nói như Tây nó bảo: Parler sans rien dire…chăng? Y như mình programme cho cái TV, tới giờ nào đó nó tự động‘xổ ra’ một tràng âm thanh vô hồn…
Tôi cũng nghiệm ra có lẽ Cha đang ứng dụng phương pháp ‘đỡ đẻ’ (maieutique) của triết gia Socrate: Những câu hỏi dồn dập về định nghĩa giúp các môn đệ của Socrate ‘khai hoa nỡ nhụy’ chân lý đã tiềm ẩn nơi họ…
Một phương pháp tuyệt vời! Nhưng bất hạnh thay cho Socrate, nếu các mộn đệ ông trân quý và tri ân ông bao nhiêu thì một số môn sinh và tập thể các triết gia Ngụy Biện ức lòng ông bấy nhiêu… Vì ông vạch cho họ thấy rõ chân tướng ngu dốt nhưng cứ nhắm mắt nhắm mũi tự cao tự đại về mớ kiến thức gồm toàn những định kiến không kiểm chứng được của họ! Cái mà họ hiu hiu tự đắc coi như một tạp lục kiến thức bách khoa (connaissance encyclopédique) thực ra là một hỗ lốn ngu dốt bách khoa (ignorance encyclopédique)! Họ căm thù ông, vu cáo ông đầu độc và làm suy đồi (corrompre) giới trẻ. Và lập tòa án xét xử, buộc ông uống thuốc độc tự tử. Hỡi ôi! Thuốc đắng đả tật nhưng…Lời thật mích lòng!
Tôi có phần lo âu cho Cha Giảng Phòng và rốt lòng cầu nguyện Ơn An Lành cho Cha…
**
Những giây phút đầu của buổi huấn đức mở đầu chương trình, tôi cũng hụt hẫng, chới với -như đa số ACE- cảm thấy bất ổn, lạc lỏng trong một khung cảnh khác lạ hơn không khí ‘an lành’của những ‘đường xưa lối cũ’ thênh thang, theo khuôn phép sinh hoạt cổ điển mà ACE chúng ta đã quá quen thuộc. Cha Giảng Phòng lần nầy đã khuyến khích chúng ta đi chệch ra ngoài những lối đi an toàn, kẻ qua người lại tấp nập (hors des sentiers battus), tự dò đường tìm đến với Lời Chúa đích thực, sống động.
Do đó, chúng ta hơi bực dọc, không thoải mái, e ngại lạc lối! Cho nên mới có ý kiến Cha giảng ít quá! Nhưng lại có ý kiến khác cho rằng Cha giảng ít vì Cha chủ ý khơi động mạch ‘tư duy’ cho chúng ta suy gẫm Phúc Âm, lắng nghe Chúa nói và tâm sự cùng Chúa. Nhóm nầy cho rằng Cha giảng như thế đã đủ so với thời gian eo hẹp dành cho phần huấn đức. Nhóm kia lại nghĩ là Cha giảng như vậy là quá thiếu, chưa đủ để thỏa mãn niềm khao khát của một số ACE muốn nghe Cha giảng nhiều hơn nữa, vì từ lâu họ đã nghe một dòng viên nức nở khen Cha Nguyễn Tầm Thường giảng rất “tuyệt vời…Đã nghe Cha Nguyễn Tầm Thường giảng rồi thì sẽ không cách chi còn có thể chịu ngồi nghe các Cha khác giảng…nhạt phèo được nữa!”. Cảm tưởng của dòng viên nầy được lặp đi lặp lại như một điệp khúc bất tận, dần dà trở nên một ‘ám ảnh’ , một ‘ấn tượng’ ăn sâu vào tiềm thức một số ACE náo nức ‘thèm’ nghe Cha Tầm Thường giảng!
Về điểm nầy, tôi nghĩ rằng, nếu Cha thấy ACE góp ý phát biểu lờ mờ thì, ngược lại. tôi thấy Cha giải đáp cũng lơ lửng! Đúng hơn Cha bỏ lửng, không đi đến tận cùng cách lý giải. Nhưng tôi nghĩ rằng Cha đi đúng tôn chỉ của Linh Thao mà Cha là một chuyên viên thượng thặng. Cha có nói linh hướng không phải là việc có thể gấp rút ‘làm cho xong trong ngày’, trái lại là một thao luyện từng bước và trường kỳ. Do đó, theo tôi, trong 3 ngày tĩnh tâm Cha chỉ mới khai mở một chặng đường ngắn trên đoạn đường rất dài… Nói nôm na, những gì Cha giảng trong lần tĩnh tâm của Dòng PSTT có thể xem như ‘tập một’ của bộ truyện dài Linh Thao nhiều tập…Như vậy, theo tôi, ít nhiều Cha đã vạch ra cho ACE ý thức về bước đầu trong tiến trình linh hướng, theo cách Xét Mình, kiểu Socrate: “Hãy tự biết lấy mình! - Connais-toi toi-même!”, để nhận ra quả thật “Tôi chỉ biết có mỗi một điều: Tôi không biết gì cả! - Je ne sais qu’une chose: Je ne sais rien!”. Bài học về lòng khiêm nhường nầy hữu ích cho tất cả mọi người, không nhất thiết chỉ riêng cho chúng ta, đúng không ACE?
Khiêm cung, khiêm tốn, khiêm nhường,
Khiêm nhu, khiêm hạ, ‘Vui Mừng Bình An’
***
Tôi nghĩ rằng mỗi người trong ACE chúng ta, sau mỗi lần Tĩnh Tâm đều lãnh hội một ít điều lay động tâm hồn mình. Cho nên thiết nghĩ tôi không nhất thiết phải làm công việc khó khăn và ‘bạt bẽo’ đúc kết những thảo luận, những chia sẻ đề tài huấn đức ‘Để sống tự do và hạnh phúc hơn’. Bởi vì đúc không đầy đủ thì kết không vẹn toàn. Vả lại, tôi nghĩ rằng hầu hết ACE chúng ta đều đã tập trung theo dõi những gì Cha Giảng Phòng chuyển đạt. Ngoài ra, như thường lệ, sau mỗi kỳ Tĩnh Tâm, sẽ có bài đúc kết tỉ mỉ của Ban Phục Vụ. Cho nên tôi chỉ muốn tóm lược những điều được ghi nhận như tương đối ‘động não’ tôi, mong được ACE chia sẻ và góp ý bổ túc…

1-Tôi thắc mắc tìm hiểu xem những gì Cha Giảng Phòng mới đây và Cha Trợ Úy trước đó trình bày về Tha Thứ bổ túc hay mâu thuẫn nhau, ít ra trên bình diện Công Bằng. Cha GP đặc biệt nhấn mạnh về ‘Tha’ như ‘buông’ cho mình được nhẹ nhàng trong tâm hồn, cho an bình nội tâm được vững chải, chớ có NGU (muội) trông chờ kẻ xúc phạm tới mình xin lỗi mình, đền bù cho mình. Hành sử như vậy chỉ tổ làm cho mình càng lúc càng khổ thêm, trong lúc kẻ xúc phạm tới mình vẫn ‘phây phây’, chẳng hề hấn gì -chẳng mất một sợi lông…chân nào hết! Chí lý quá, đúng không? Thế nhưng Cha TU thì cho rằng chúng ta ‘tha’ chứ ‘không quên’. Mà trước khi tha, cần chỉ rõ cho kẻ được tha biết hắn sai trái thế nào. Cũng là theo lẽ công bằng thôi! Cũng hợp lý quá đấy chứ, phải không? ACE nghĩ sao?
Lẽ ra tôi nên theo cách lý giải ‘lơ lửng’ của Cha Tầm Thường, để ACE tự tìm câu trả lời, nhưng tôi chưa thể đạt tới mức thanh tịnh siêu đẳng như thế, nên tôi đành chịu khó ‘ngu’, ôm những ray rứt về Bác Ái và Công Bằng vào lòng -dù biết trước chỉ tổ làm cho mình thêm nhức đầu nhức óc thôi- để trình bày những ‘trăn trở’ hậu tĩnh tâm của mình với hai Cha và ACE thân thương:
Về ẩn dụ ‘củ khoai’, tội cho kẻ bị tên láng giềng đánh cắp. Nếu tôi là nạn nhân, tức tối bức đầu bức cổ chờ nó xin tôi tha nó và chờ nó đền bù là tôi…ngu, vì trong lúc tôi xót xa bức rức, có thể nó đang hả hê ‘xực’ củ khoai của tôi và khoái trá cười tôi…ngu! Cho nên tôi chớ có dại khờ ‘đau khổ’ giùm cái tội ăn cắp của nó: tôi ‘buông’, tôi ‘cho qua’. Trên bình diện thanh thản cá nhân, đó là một thái độ hết sức khôn ngoan nhưng hình như quá …vị kỷ chăng?
Xin lấy lại ẩn dụ củ khoai ‘kinh qua’ cá nhân người viết: Tôi là người làm rẫy phương Nam, có thửa ruộng trồng khoai nuôi sống gia đình. Bỗng dưng đám người phương Bắc tràn tới tước đoạt mảnh vườn của tôi, lại còn bắt tôi cầm tù, hành hạ chí cốt. Nhân danh sự an bình nội tâm, tôi thinh lặng hòa giải cùng kẻ cướp. Vậy tôi khôn hay ngu? Có thể tôi khôn đấy, nhưng cái khôn đó được trả giá bằng sự nhắm mắt, bịt tai a tòng cho Bất Công, Sái Quấy, Gian Ác, Bạo Hành, Phi nhân thắng thế tràn lan, ngự trị! Vẫn biết Công Bằng mà không Bác Ái là sắt máu. Nhưng, Bác Ái mà không Công Bằng là…mù quáng!
Lý là thế đấy, nhưng xét cho cùng, quan điểm cùa hai Cha GP và Cha TU bổ túc nhau. Cha GP nêu lên giai đoạn tiền nghiệm (a priori), điểm khởi cho ta vững vàng tâm trí để nhân đức an bình của ta lan rộng và ảnh hưởng tới kẻ xúc phạm ta -điều kiện cần- trước khi bình tĩnh bước tới chỉ ra lỗi phạm của tha nhân hầu dễ dàng tha thứ trong tinh thần hoà giải đích thực trong tình người với nhau. Cha TU đề cập tới giai đoạn hậu nghiệm (a posteriori), điểm đến, tiếp nối chung cuộc -điều kiện đủ- của lòng thứ tha toàn mỹ: Bác Ái được cân bằng với sự tái lập Công Bằng!
Điều đánh động tâm tư tôi nhất ở điểm nầy là Cha GP nhấn mạnh: Cho qua không có nghĩa là nhu nhược và tha thứ để giữ hòa khí không thể đồng nghĩa với bao che, dung túng! ACE nghĩ chúng ta có nên nhìn lại kỹ lưỡng cái mà chúng ta thường khuyên bảo nhau ‘hãy hiền hòa thuận thảo’ -bằng mọi giá- chăng? Coi chừng chúng ta bị Pha-ri-sêu hóa lúc nào không hay biết!

2- Cha GP đã trình bày rất rõ về Tội và Vạ. Cho dù chúng ta có đền bù, phạt tạ đến đâu cũng không cách chi sạch tội hoàn toàn nếu không nhờ lòng thương xót và giá máu cứu chuộc của Chúa trên Thánh Giá… Cha GP chưa trả lời câu hỏi của tôi về việc Chúa cho tên cướp cùng bị đóng đinh với Người lên Thiên Đàng mà chưa qua quá trình đền phạt, vì Cha không còn thì giờ. Có thể dịp khác Cha sẽ lý giải chăng? Tuy nhiên, tôi vẫn thường xuyên tự hỏi -và muốn ACE cùng góp ý- ai là người đáng được cứu rỗi và vào nước Trời hưởng phúc đời đời: Kẻ vô số tội lỗi, vào phút chót thực lòng ăn năn hối cải hay người suốt đời thánh thiện giữ đạo, vào giờ chót cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, đang tâm chối bỏ Chúa? Trong hai người, ai là người thực sự đấm ngực mình -chứ đừng đấm ngực anh em, như Cha TU thường nhắc nhở chúng ta- khi xướng đọc: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em(…)Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi mọi đàng?

3- Cha GP cũng cho ACE và tôi có cái nhìn mới về Tòa Giải Tội. Tiếng là ‘Tòa’ nhưng Chúa không đóng vai trò trần tục của một thẩm phán xử án: Tòa giải tội là tiếng nói của Tình Thương do Người Cha ban ân xá cho con cái của mình. Tôi chợt nhớ lời nhắn nhủ của Cha TU: Ta đến xưng tội “để được Chúa chạm vào đầu mình” như người cha xoa đầu đứa con lỗi phạm ủi an, vỗ về, nâng đỡ tinh thần…Thật vậy: “Con Người đến không phải để giết mà để cứu chữa” (Lc 9, 56) “cứu chuộc kẻ hư mất” (Lc 19, 10).

4- Một điều khác cũng đáng ghi nhận về ẩn dụ ‘củ hành’ của Cha GP: Tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, v.v…chỉ là các lớp bên ngoài bao bọc cái lõi bên trong của củ hành. Y như lớp sơn bóng nhoáng bên ngoài của những thành đạt xã hội phù du phủ lấp yếu tính con người vĩnh cửu bên trong, khiến chúng ta mê lầm đồng hóa nhân cách thâm sâu, đích thực (personnalité profonde, authentique) với nhân vật xã hội, ngoại vi (personnage social, superficiel)…Những chiếc mặt nạ ‘nhân vật’ nầy sớm muộn gì cũng rơi xuống, phơi bày con người thực sự của chúng ta: Tự bản chất, tất cả chúng ta đều là con cái của Chúa, nhân đức là giá trị qua tôi luyện đời sống linh hướng của từng người, không thể chuyển cho người khác, cho dù là người cật ruột. Và đường lối Chúa đánh động tâm linh mỗi người chúng ta đều theo cách riêng của Chúa. Mà “Đường lối Chúa khôn dò khôn thấu- Les voies du Seigneur sont imprénétrables” như Cha TU thường nhắc nhở ACE chúng ta!

5- Dụ ngôn về ‘đứa con hoang đàng’ được Cha GP đặc biệt lưu ý ACE. Cha hướng dẫn tường tận cách đọc Phúc Âm qua các giai đoạn ‘đọc+tưởng tượng+đặt mình vào những nhân vật trong các dụ ngôn+cầu-nguyện-thinh-lặng-nghe-tiếng-Chúa’. Cha nhấn mạnh về vai trò và tương quan của người con cả đối với người cha và người em của mình. Cơ hồ như tôi bắt gặp lời tâm nguyện của Cha cảnh tỉnh ACE chúng ta:
“Lạy Chúa,
So sánh mình với người khác có khi con thấy người khác cần trở về hơn con. Dấu chỉ con không cần trở về là con còn trong Giáo Hội, con đi lễ, còn giữ các giới răn, có khi còn giữ chức vụ này nọ trong Giáo Hội. Không biết những lề thói con giữ đó có bảo đảm cho con rằng con gần Chúa không hay chỉ là tâm tình nô lệ. Biết đâu sự trở về của kẻ ở nhà lại cấp bách hơn kẻ đi xa. Nỗi đau khổ của cha vì đứa con thứ bỏ nhà đi chưa chắc đã nặng hơn nỗi khổ tâm do sự có mặt của người con trưởng…”
(Nguyễn Tầm Thường, Con biết con cần Chúa).

6- Câu chuyện Cha GP kể để minh họa một xác tín quả thực chấn động tâm can tôi: Trong một lần tĩnh tâm với Cha 3 năm trước đây, chị Tuyết - đang hiện diện trong hội trường- có dẫn cựu thiếu tá Chế, nguyên tiểu đoàn trưởng thuộc sư đoàn 18, một Phật tử, đến tham dự. Đây là người cựu chỉ huy trực tiếp của chồng chị, cố đại úy Huệ, người đã nấn ná ở lại trận tuyến chờ giải cứu thiếu tá Chế, bạn mình đang kẹt trong vòng vây của địch quân, để cùng di tản. Và vì thế, đại úy Huệ đã tử trận! 37 năm sau, Lời Chúa “không gì đáng quí hơn hy sinh mạng sống mình cho bạn” bắt đầu tác động trên tâm tưởng của Phật tử Chế…
Chuyện kể nầy khiến tôi hồi tưởng lại chặng đường gay go của ‘nhỏ bé thôi’ tôi đây đến với Chúa: 74 năm về trước, thằng-bé-tôi chào đời trong một gia đình ngoại đạo; chưa đầy tháng đã được gia đình ‘ký bán’ cho ông Trùm họ đạo Bạc Liêu, nhưng không qua nghi thức rửa tội. 25 năm sau đó, lúc bấy giờ là sinh viên đại học, nó được một linh mục trao tặng một quyển Thánh Kinh đầu tay với lời nguyện cầu “để có ngày Lời Chúa sẽ vang động trong tâm hồn hắn…”. 20 năm sau lời nguyện cầu đó, nó trở thành con cái Chúa qua bí tích Thanh Tẩy, sau khi nó ra tù cải tạo của CS…
Chuyện nó đến với Dòng PSTT cũng qua một quá trình cam go dài lâu: 45 năm sau lần tình cờ nó tiếp cận Đức Cha Dòng Phanxicô phụ trách trại cùi tại Di Linh, trên đường nó rời Đà Lạt đi du học… ‘Nhỏ bé thôi’ tôi nghiệm đúng niềm xác tín của Cha GP: Hạt giống, khi đã gieo, sớm muộn gì cũng sẽ nẩy mầm!
****

Trong một lần Tĩnh Tâm do Cha TU phụ trách giảng phòng, Cha có nhắn gửi ACE, nếu đã gạt hết được mọi vướng bận thường nhật để đến với Chúa và ACE thì khi ra về cũng chớ mang theo những vướng bận đó, mà hãy bỏ chúng lại trong vòng rào khuôn viên tu viện Dòng Tên Villa Saint-Martin, cho tâm hồn được thanh thản như lúc Tĩnh Tâm.
Lần nầy, trong Thánh Lễ bế mạc Cha kể ẩn dụ về một người tín hữu có một láng giềng vô thần. Ông muốn ‘cải huấn’ người nầy, để anh trở thành tín hữu. Ông kín đáo gửi tặng anh một quyển Thánh Kinh và để ý theo dõi phản ứng của anh. Sau một thời gian, tình cờ ông khám phá quyển Thánh Kinh kia bị vứt vào thùng rác! Bèn tới cật vấn anh hàng xóm xem anh đã đọc quyển Thánh Kinh chưa. Anh nầy bình tĩnh trả lời đã đọc hết từ đầu chí cuối. Ông vặn hỏi tại sao anh ta vứt quyển Thánh Kinh. Chẳng lẽ không có gì tác động trên anh sao. Anh trả lời đã đọc hết Thánh Kinh qua cách sống của ông chẳng chút gì đáng cho anh noi theo, nên anh chẳng thấy có gì cần biết về quyển Thánh Kinh mà ông gửi tặng anh nữa! Không hiểu ACE chúng ta có thấy nên cần xét lại cách sống Phúc Âm sao cho có thể thực sự loan truyền nhân đức chung quanh mình như Cha TU ao ước và nguyện cầu chăng? Ý niệm ‘tâm tình nô lệ’ do Cha Nguyễn Tầm Thường gợi ra lại lởn vởn trong đầu tôi…
Những lần Tĩnh Tâm trước đây, trước khi ghi danh tham dự, tôi thường tâm sự với nhóm thân hữu hình như tâm thần tôi chao đảo, có thể đưa tới cái gọi là khủng hoảng Niềm Tin. Mỗi lần tâm tư khủng hoảng như thế, Mùa Tĩnh Tâm tạo cho tôi cơ hội tìm lại được Niềm Vui trong không khí gia đình PSTT, với biết bao bàn tay ân cần, trìu mến nắm tay tôi truyền hơi ấm của Tình Huynh Đệ Yêu Thương Nhau. Những lần như vậy, tôi như được hồi lực, hồi sinh, vui sống vì tìm lại được sự An Bình. Nhưng lần Tĩnh Tâm nầy, tuy lòng rộn rã Vui Mừng, hầu như tôi không đem về được sự Bình An cho tâm hồn lắng động… Tôi linh cảm có cái gì đó ‘trục trặc’ giữa anh em thuộc nhóm thân hữu thân cận, lâu nay vẫn hết lòng trao đổi, chia sẻ mọi vui buồn, thăng trầm trong việc tập sống đạo… Hy vọng rằng tôi linh cảm không đúng, có lẽ do tôi quá mệt mỏi chăng. Biết đâu châm ngôn ‘thương nhau lắm, cắn nhau đau’ giờ đây lại chẳng ứng nghiệm trong nhóm anh em thân thương chúng tôi ? Tôi đang cố gắng thuyết phục mình như vậy!..
*****
C
ó lẽ đã đến lúc tôi nêu ra vài nhận định về những gì tôi ‘thu hoạch’ được để suy gẫm thêm sau lần Tĩnh Tâm cuối hè nầy, mong ACE cùng chia sẻ:

1- Chắc hẳn, cũng như tôi, ACE đã nhận ra sự khác biệt trong cách giảng cũng như cách đến với chúng ta của hai Cha GP và TU. Có ý kiến cho rằng Cha NNT rất ‘khó gần, khó thân’ hơn so với Cha ĐVT. Đương nhiên! Vì Cha TU đã sinh hoạt 24 năm với Dòng, còn Cha GP chỉ mới lần đầu giao tiếp với chúng ta, chưa đủ thời gian tiếp cận, tìm hiểu nhau. Ngoài ra, cá tính và nhân cách (tâm lý) của hai Cha nói riêng, của mỗi người trong chúng ta nói chung, đều khác nhau: Chúa dựng nên con người hàng tỉ tỉ tỉ tỉ…lần, nhưng mỗi tạo vật đều là một ấn bản độc nhất (unique) -như các dấu tay chúng ta- chẳng bao giờ trùng hợp. Do đó nếu đường lối Chúa đến với chúng ta ‘khôn dò khôn thấu’ thì đường lối của hai Cha -nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần- đem Lời Chúa đến với chúng ta chẳng thể nào y hệt nhau!
Tôi nghĩ rằng Cha GP đến với chúng ta lần nầy rất bổ ích về hai phương diện:
-Chúng ta được lay động cho tỉnh thức, cho ‘động não’ để khỏi ‘ngủ gục’ trên thói quen lười biếng ‘trả thuộc lòng’ những gì đã thu nhập và tích lũy từ các lớp dạy giáo lý. Cha GP rất thuần lý (rationnel).
-Chúng ta nhận rõ hơn giá trị tình cảm của Cha mình, một linh mục quá ‘dễ mến’: Cha TU Aimé của chúng ta rất mực yêu thương, gần gũi, nâng đỡ tinh thần các con chiên của mình, lúc nào cũng sẵn sàng san sẻ mọi nỗi vui buồn, sướng khổ với ACE chúng ta.Tình sao là tình!

2- Đã nhắc tới công đức của hai Cha thì không thể bỏ qua công sức của Ban Phục Vụ. Được sự đồng ý của tác giả, tôi xin phổ biến nội dung điện thư gửi cho Ban Báo Chí mà tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm và tin rằng ACE cũng đồng ý:
“Dù việc gì xảy ra trong lòng tôi, trong lòng các bạn, ba ngày tĩnh tâm cũng đã kết thúc rất tốt đẹp. Một điều mà chúng ta không thể phủ nhận là công lao của Ban Tổ Chức. Họ quá tuyệt vời trong bổn phận. Chu đáo từng chi tiết, đi sát với chương trình. Những gì các bạn đã làm cho chúng tôi, chúng tôi đã xin với Cha Trên Trời trả lại cho các bạn. Xin các bạn đừng khó chịu với những ý kiến, những bàn tán xôn xao. Vì ý kiến như những món ăn, mỗi người mỗi ý thích, chúng ta cũng không thể nói mọi người đều thích cái chúng ta thích. Các bạn nên hãnh diện và vui vẻ vì các bạn đã làm hết mình trong tình yêu anh em. Chúng tôi rất may mắn đã có một Ban Phục Vụ rất đẹp như các bạn” TX.

3- Gần đây, nhiều phong trào từ trong nước bung ra ngoài rầm rộ kêu gọi quyên góp tu bổ hoặc xây cất thêm nhà thờ cho quê hương, trong khi ở hải ngoại nhiều thánh đường đã phải ngưng hoạt động hoặc phát mãi vì thiếu tiền bảo trì. Bỏ qua chuyện lạm dụng hay khía cạnh chính trị của vấn đề, tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta tự vấn: “Từ trên trời cao nhìn xuống, Chúa có băn khoăn vì biết bao tâm hồn đang lo âu chỉ vì đền thờ, hay Chúa vui vì vẫn thấy lấp lánh những vì sao trên những thánh đường đổ vỡ” (Nguyễn Tầm Thường, Viết trong tâm hồn)…
Nào phải đâu Giáo Hội chỉ tồn tại được ngày nào còn những kiến trúc nguy nga, đồ sộ, lộng lẫy khắp nơi!

4- Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài và ban cho chúng ta tự do nhận hay không nhận Ân Xá của Ngài với giá máu cứu chuộc nhân loại của Con Người. trên Thập Giá. Vì là hình ảnh của Chúa nên Người muốn chúng ta nên thánh để giống Người qua con đường tu đức. Chúng ta hoàn toàn tự do đi hay không đi theo con đường đó…Nhưng chúng ta “phải đi một mình”(a).
Con đường tu đức nầy, tuy ta có Tự Do đi hay không đi, nhưng khi đã quyết định đi thì ta chỉ đến được bến bờ Hạnh Phúc nếu được Ơn Cứu Độ của Chúa. Bởi đây là con đường “không thể một mình đi” (b). “Có những con người”(c) khác biệt thì cũng “Có những con đường” (d) khác nhau cho Chúa đến với chúng ta…(a+b+c+d: Nguyễn Tầm Thường, Đường đi một mình).
Vâng, Chúa ngự trên trời cao, luôn thương xót ban Hồng Ân Xá Tội cho con cái Người. Nhưng chúng ta phải cầu xin và lãnh nhận, bởi vì “hễ ai xin, sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ sẽ mở cho” (Lc 11,9) !

Thôn trang Rêu-Phong, cuối hạ 2009
-Lê Tấn Lộc-