Monday, October 27, 2008

Tiểu thuyết mới ở Việt Nam: một kỷ niệm



Tiểu thuyết mới
ở Việt Nam: một kỷ niệm
Dẫn nhập:
Đầu thập niên 60, một phong trào văn học âm thầm du nhập từ Pháp vào Việt Nam : Tiểu thuyết mới (Nouveau roman). Người viết là chứng nhân bất đắc dĩ của sự thâm nhập nầy từ những bước đầu. Được sự đồng ý của nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh, chúng tôi xin sử dụng trích đoạn dưới đây của tác giả để bạn đọc có vài khái niệm vể quan điểm văn học của Tiểu thuyết mới trước khi đi vào phần “lược sử” (historique) như “một kỷ niệm” về sự hình thành của phong trào nầy tại Việt Nam.

(…) Rồi sau làn sóng hiện sinh thời thượng là mốt "tiểu thuyết mới" đến từ Pháp với Huỳnh Phan Anh, Hoàng Ngọc Biên, hoặc điểm trang thời thượng với Nguyễn Xuân Hoàng,.... Một loại "phản tiểu thuyết", nói như Jean-Paul Sartre, đối thoại và độc thoại cùng tình cảm nội tâm trộn lẫn, thứ tự thời gian đảo lộn, không cần đến cốt truyện, có khi không cả người kể. Nhân vật thường ở ngôi thứ ba (il, elle, on). Một thế giới rất "khách quan", ở ngoài! Các tác giả của phong trào muốn diễn tả những cái nhỏ nhặt, tầm thường, như cái gôm và cả tâm hồn con người là những sự những cái di chuyển, biến động không ngừng và biết đâu đó chính là mầm của sự sống! Ở đó con người ta sẽ tìm ra cái mênh mông của đời sống nội tại! Ngôn ngữ làm hư sự vật, sự sống, làm sai lạc tình cảm nhưng ngôn ngữ sẽ được dùng cùng phản ứng bản năng để nhận thức, tiếp cập sự vật, sự sống! "Tiểu thuyết mới" như tiên đoán một thời đại bất khả cảm thông, đầy bất trắc, trong khi truyện thật ngắn thu gọn hy vọng còn sót lại và đưa ra một diễn văn máy móc, vội vàng. Mặt khác tiểu thuyết mới có yếu tố thi ca, văn như là thơ với Michel Butor. Tiểu thuyết mới nói đến một cuộc đời đang hình thành, đang thai mang cho con người do chính con người đi tìm, làm ra, xa hơn là một kiếm tìm định nghĩa tương giao với tha nhân - trong khi tiểu thuyết "cổ điển" tả một câu chuyện với những nhân vật "dính" với câu chuyện, một xã hội với những con người đã có tương quan với nhau! Nay "tiểu thuyết mới" còn lại cái nội dung tìm tòi của phận người ngày càng cô đơn bất khả cảm thông, hình thức mất đi hấp dẫn vì như trật đề, không đủ thuyết phục!
Phong trào "tiểu thuyết mới" của Paris và tiểu thuyết hiện đại Hoa Kỳ cũng lan rộng đến Sài-Gòn - một thử nghiệm khác, hiện đại và quốc tế, nhưng vong hóa thêm cái hồn Việt Nam. Nói vong hóa phải kể thêm những "anh hùng ca" sử thi của văn học miền Bắc cộng sản từ 1945 đến gần đây. Phái này thường bị xem là vô nhân hóa tiểu thuyết, vật hóa cuộc đời. Chỉ có sự vật, con người không ra gì, không đáng nói đến! Alain Robbe-Grillet, "giáo hoàng" của tiểu thuyết mới, người từng được R. Barthes gọi là "tiểu thuyết gia của cái nhìn khách quan" (romancier du regard objectif), đề nghị tiểu thuyết mới để đáp ứng với cuộc sống mới, nơi đó thế giới hết vững lặng, hết còn ý nghĩa hiển nhiên, con người vừa chính diện vừa phản diện, đổi luôn và đầy trục trặc. Hết cái thời tiểu thuyết với nhân vật có cá tính như những nhân vật của Balzac chẳng hạn, vững vàng và rõ nét.
Hoàng Ngọc Biên với tập Đêm Ngủ Ở Tỉnh (1970) và một số truyện đăng trên tập san Trình Bày như Chuyến Xe và Người Đạp Xe Vào Thành Phố Buổi Sáng - sau xuất bản ở ngoài nước năm 1997, viết theo khuynh hướng mới này. Chuyến Xe là độc thoại của một người ngồi ở công viên chờ một chuyến xe lửa nào đó, không rõ lý do, nguồn cơn! Nhà văn như viết cho riêng mình rồi tình cờ đem xuất bản! Cũng như Huỳnh Phan Anh trong hai tập Người Đồng Hành (1969) và Những Ngày Mưa (1970) và tập Phía Ngoài (1969) in chung với Nguyễn Đình Toàn. Trong các truyện tiểu thuyết mới này, tác giả của chúng vẫn có phần riêng bản sắc, có nhân vật và con người không hoàn toàn bị vật hóa, kiểu tả "cái máy pha cà phê để ở trên bàn" mà những nhà phê bình văn học Pháp chống khuynh hướng vẫn hay nhắc đến! Không khí tác phẩm của Huỳnh Phan Anh, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đình Toàn,... gần với khuynh hướng tiểu thuyết mới ở Âu châu, trong khi thế giới của Nguyễn Xuân Hoàng không hẳn cùng khuynh hướng vì trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của ông, tính cách tự thuật và lãng mạn cũng như văn phong tạp bút thật sự lấn át tính cách khách quan của tiểu thuyết mới! Cũng như một số tiểu thuyết thời này tự cho là hiện sinh thật ra chỉ là những bắt chước bất thành, những sẩy thai hay sanh thiếu tháng mà thôi! Chúng tôi muốn nhắc đến những Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng, Sám Hối, Đàn Ông Đàn Bà của Minh Đức Hoài Trinh , v.v. Hiện sinh dễ dãi! (…)
(Référence:
Nguyễn Vy-Khanh. Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX : Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại. Glendale, CA: Đại Nam, 2004. Ch. 3- Tiểu thuyết , trang 141-144.)
***
Sau khi được đọc các bài viết của Nguyễn Quốc Trụ về tiểu thuyết mới ở Việt Nam, đăng trên Tạp chí Văn (bộ mới, số 3 & 4) tôi liên lạc điện thoại viễn liên với Hoàng Ngọc Biên, chủ ý chỉ là tán dóc với bạn già, nhân có người nhắc đến Tiểu thuyết mới và nhắc tên bạn trên báo.
Cho tôi dài dòng đôi chút trước khi vào chuyện.
Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường và tôi là bạn thân từ những ngày ở đại học. NĐThường, tôi ít khi gặp lại sau này. HNBiên thì cho tới nay thỉnh thoảng vẫn còn liên lạc. Gặp nhau chỉ trên điện thoại -mãi cho đến 3 năm trước đây, hai đứa mới được gặp mặt nhau sau 30 năm xa cách tại San Jose- chúng tôi nói chuyện nắng mưa, nhắc chuyện sách vở, tên bạn bè…Thời ấy, thân hay sơ, những anh em sau đây đều là chỗ quen biết nhiều: Nguyễn Xuân Hoàng, Triết khóa1962, kế khóa tôi, Huỳnh Thanh Tâm (Huỳnh Phan Anh), Triết khóa 1965 và Nguyễn Nhật Duật, Triết khóa sau cùng 1966 ở Đại học Dalat, rồi Nguyễn Đình Toàn, cũng là chỗ rất thân thiết với Cung Tiến và Kiệt Tấn. Và là người tôi có cảm tình nhiều nhất.
Nguyễn Quốc Trụ (Sơ Dạ Hương) thì năm 1966 tôi có dịp gặp trong một quán bia kế nhà Kiệt Tấn ở đường Bạch Đằng (Hàng Xanh), Gia định. Tối hôm đó, Kiệt Tấn, Sơ Dạ Hương bàn về Tiểu thuyết mới. Chuyện có thể đã trở thành giai thoại, là vì chữ “nouveau roman” lặp đi lặp lại, mà cả ba chúng tôi suýt bị du đãng vùng Long Vân Tự chém, chỉ vì hắn hiểu lầm là bọn tôi dùng tiếng Tây để chửi hắn. Xém chút nữa phong trào Nouveau roman ở Việt Nam có ba thánh tử đạo!
Trở lại câu chuyện điện thoại viễn liên với Hoàng Ngọc Biên.
Hơn 40 năm đã trôi qua, HNB nói, Tiểu thuyết mới đã cũ, nhắc lại cũng thấy vui, nhưng chuyện “đi vào phong trào” (như người ta vẫn nói) bây giờ như kỷ niệm, nói sao cho hết! Bởi vì thật ra mình không đến với Tiểu thuyết mới như một nhà báo, hay như một giáo sư, bằng ngõ đọc bài viết trong báo Tây, rồi, chẳng cần để thì giờ tiêu hóa, đem giới thiệu với người Việt Nam. Mình đọc tiểu thuyết mới như người đọc thường, ban đầu là một mình, và sau đó cùng chia sẻ với NĐThường. Có thể mình đi vào Tiểu thuyết mới trong khi chúi mũi vào những ngăn sâu nhất của những kệ sách bị Nhà Albert Portail ở Catinat bỏ quên, ở đó trước tiên mình bê về nhà được các cuốn bìa đã ngả vàng: Le Tricheur, La Corde Raide Gulliver của Simon, xuất bản năm 45, 47 và 54, không phải Nhà Minuit xb.; Passage de Milan, hình như Nxb Grasset và La Modification
(chưa có nhãn Giải thưởng Renaudot) của Butor. Đó là vào mùa hè mình bước vào năm đại học đầu tiên. Ở Việt Nam người ta đang đi vào cơn sốt văn chương dấn thân…
Tôi hỏi HNBiên về các cây viết được đề cập trong bài viết của Nguyễn Quốc Trụ. Biên nói đều là chỗ quen biết ít nhiều, anh không rành lắm về những con người, nhưng thấy cái viết của những anh em đó rõ ràng có thay đổi kể từ cuối 1969, đầu 1970. Và, HNB nói, như thế là vui. Biên cũng cho biết hồi anh cho xuất bản Đêm ngủ ở tỉnh ở Nxb Cảo Thơm, NĐThường có viết một bài “đìểm”. Mới đây NĐThường copy cho anh một bản, đọc lại thấy một NĐThường rất bạo, rất dữ. Nhưng như thế cũng vui, Biên nói, và có hứa sẽ copy cho tôi một bản đọc chơi.

Sau lần nói chuyện ngắn ngủi với bạn, suốt đêm tôi thao thức tự trách ngày xưa hồi ở chung với biên trên gác trọ đường Phan Đình Phùng Dalat, tôi đã quá “lạnh nhạt” trước nhiệt tình của Biên khi anh chàng kiên nhẫn giới thiệu Tiểu thuyết mới của Pháp với tôi. Hồi ấy, tôi còn quá “cổ điển”, bước ra khỏi Terminales, tôi vẫn còn vương vấn với những bài giảng (Philo) nổi tiếng của thầy Pierre Ansart, vẫn mê Sartre, Camus…và nặng nợ với trào lưu “văn chương dấn thân”.
Nhưng tôi vẫn không quên Biên là người đầu tiên giới thiệu với tôi tác phẩm L’Emploi du Temps, xuất bản năm 1956, của Michel Butor. Tôi không dám quả quyết lúc ấy chỉ có mình Biên biết tới phong trào Tiểu thuyết mới ở Pháp. Nhưng tôi có thể xác nhận, ít ra trong giới sinh viên, quả thật tôi biết chỉ có mỗi một mình Biên để ý và say mê phong trào này. Năm 1959, có thể trước hơn nữa không chừng, Biên đã bắt đầu viết theo kỹ thuật viết Nouveau roman. Mấy năm trước Kiệt Tấn có nhắc kỷ niệm thời ấy giữa Biên và tôi trong Nằm tròn trong đáy mắt: «Trong bốn người, Hoàng nói nhiều nhất. Gã rất mê phong trào nouveau roman của Pháp với Alain Robbe-Grillet, Michel Butor. Có lần Hoàng (HNB) đã phủ kín mười trang giấy để mô tả một cái bìa sách và viết cả một truyện ngắn để theo dõi một vệt nắng di động trong lớp học; Thạch (Lộc) đọc xong ngửa cổ lên trời than thở: “Mày làm tao sốt ruột quá trời!” Ngược lại hoàng chê Thạch và cả bọn triết gia là một lũ phù thủy ngôn ngữ, chuyên vật lộn với các định nghĩa và lý thuyết không tưởng…»

Năm 1960, từ Pháp tôi gửi về cho Biên bốn quyển sách: Degrés của Butor, Dans le labyrinthe của Robbe-Grillet, Le Planétarium của Sarraute, và La route des Flandres của Simon, mặc dầu thời gian ở đường Phan Đình Phùng Dalat với Biên, năm 1959, tôi biết Biên đặt mua sách mới từ Nxb. Minuit, và nhà xuất bản này không tháng nào là không cập nhật hóa hoạt động xuất bản của mình và gửi tới đường Phan Đinh Phùng! Tôi thành thật thú nhận chưa hề đọc các tác phẩm này. Và tôi tin đó là những quyển sách chưa bày bán ở các nhà sách tại Việt Nam. Và bởi tôi biết HNBiên và NĐThường vẫn chuyển cho nhau sách báo tiếng Pháp từ nhiều năm trước đó, kể cả khi hai người ở hai thành phố khác nhau, trước cả khi tôi gặp và quen Biên, tôi cũng tin Thường và Biên là những người VN đầu tiên (ở VN) đọc các tác phẩm đó.
Riêng biệt hiệu “Biên-Butor”, nó đã có từ năm 1959, do tôi tặng cho Biên (tôi thường gọi tắt: B.B.). Biệt hiệu này thời ấy cũng được nhiều bạn đồng môn biết tới, vì có một thời, tôi nhớ Biên đi đâu với tôi cũng đem theo
L’Emploi du Temps!
Tôi nghĩ Đêm ngủ ở tỉnh, tuy xuất bản năm 1970, thực sự đã manh nha từ năm 1959, trên gác trọ của Biên và tôi, đường Phan Đình Phùng Dalat. Có nghĩa là Biên đã thực sự viết theo lối Tiểu thuyết mới từ năm đó. Và, quả thật, tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Quốc Trụ, người xứng đáng “đại diện” cho Tiểu thuyết mới ở Việt Nam phải là Hoàng Ngọc Biên. Cho tôi nói tiếng Tây một tí: “Il faut lui rendre cette justice”…
Bỏ qua việc HNBiên có thành công hay không với công việc mình chọn lựa và tác phẩm của mình, phải nhìn nhận lúc bấy giờ tại Việt Nam chỉ có Biên viết theo quan điểm Tiểu thuyết mới tại Pháp, theo lý thuyết văn học phát động bởi Alain Robbe-Grillet, chẳng hạn.
Khi viết xong những dòng này, tôi nghĩ tôi đã làm được một việc nhỏ: qua một kỷ niệm thời đèn sách ở đại học, ít nhiều tôi đã làm sáng tỏ thêm một góc hoạt động của bạn tôi, tuy riêng, nhưng hẳn là đã có phần đóng góp chung như chúng ta đã thấy…

Thôn trang Rêu Phong, Xứ Tuyết, cuối thu…
Lê Tấn Lộc

Sunday, October 12, 2008

Người ơi một chiều nắng...

Người ơi một chiều nắng...
Tan rồi những bước không hò hẹn
Đã bước trùng nhau một ngđ đường
(Huy Cận)


Người ơi một chiều nắng tơ vàng hiền hoà hồn có mơ xa….Giọng hát thiết tha, điệu nhạc ve vuốt ấy văng vẳng, chờn vờn, rì rào như những gợn sóng lao xao trong trí óc lơ lửng của tôi đã lay động ý thức, lôi dần tôi ra khỏi giấc ngủ dài hai mươi bốn tiếng đồng hồ, ảnh hưởng của liều thuốc mê cần thiết cho một cuộc giải phẫu tim gay go, kéo dài suốt năm giờ, hai năm trước đây. Đã tưởng không còn trông thấy nhau…
Ra trận, không chết. Ở tù cộng sản, không chết. Vượt biển, không chết. Lúc đã đến bến bờ yên lành, cuộc sống dần dà ổn định chờ ngày thảnh thơi, bỗng chốc suýt vĩnh viễn xuôi tay. Vẫn biết có sinh ắt có tử. Cái chết vẫn ở bên cạnh ta, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, nhưng lâu nay hình như tôi nghĩ tôi khó chết lắm. Cho tới lúc xe cứu cấp mang tôi vào bệnh viện, tôi vẫn chưa tin là tôi đang trong tình trạng nguy kịch. Tôi không thể tưởng tượng mình bị tai nạn tim mạch (accident cardio-vasculaire), nhồi máu cơ tim (infarctus du myocarde).
Bạn bè, thân quyến chẳng ai ngờ. Không hề có triệu chứng báo trước. Vả lại tôi là người năng động, thể thao. Vậy mà tôi phải lên bàn mổ cho bác sĩ xẻ banh lồng ngực, rạch bắp chuối lấy gân để làm một "triple pontage", tim ngừng đập, phổi ngừng hô hấp suốt năm tiếng dài…Coi như tôi đã trở về sau một chuyến đi lớn.
Anh chưa chết đâu em, anh mới vừa mổ ngực đêm qua…
Đúng hơn, tôi chưa chết được đâu, hỡi người tình Trung Lương! Đêm nay, cơn mưa dầm Xứ Tuyết làm chạnh nhớ cơn nước mắt đã đẫm ướt vai tôi năm nào trong buổi chia tay trên bến phà Rạch Miễu, cuối đường Trần Quốc Tuấn, con đường như cũng muốn đâm bổ xuống dòng sông định mệnh, trầm mình. Người lên phà sang sông biền biệt nơi Xứ Dừa, tôi ôm mặt khóc rưng rức, ân hận đã phá vỡ ân tình.
Người đi một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ…
Đó là lần đầu tiên tôi khóc cho tình yêu. Lần thứ hai, cũng là lần cuối, tôi đã gục khóc mùi mẫn trên chiếc băng ghế trước nhà tôi tôi ở trọ, khi Xuân -người yêu bé nhỏ mà người đã dặn dò tôi, hãy vì người hết dạ yêu thương- bị bức bách xa lìa tôi, do bàn tay xương xẩu của chủ nhân ngôi nhà trọ nầy đã lạm dụng quyền làm thầy chủ xướng. Phận gái ví theo lề ép uổng, Đã về Chiêm Quốc như Huyền Trân.
Để rồi sau đó, ông bày mưu độc sử, răn đe, lung lạc tâm thần bị chấn động của tôi, đẩy tôi ra khỏi trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, ngôi trường chung của ba đứa chúng ta. Để rồi từ đó đến nay, tôi chẳng còn giọt nước mắt nào khóc cho tình yêu… Người ta có thể ép tôi rời MỹTho nhưng không ai có thể buộc tôi bỏ MỹTho, một MỹTho mà lần đầu đặt chân tới, hơn nửa thế kỷ về trước, tôi đã cảm nhận: Mỹ Tho thơm tuổi hẹn hò, Tiền Giang sầu mộng học trò tương tư.
Tới nay, tôi vẫn cảm thấy mình còn gắn bó với ngôi trường chằng chịt kỷ niệm, kể cả những hoài niệm thương động dính dấp đến căn nhà trọ số 8 đường Hùng Vương.
Làm sao quên được mái trường đã nhen nhúm, ấp ủ, nâng niu, nuôi lớn và ân sủng cho tôi hai mối tình diễm tuyệt để đời, đã cho tôi cơ duyên gặp được những ông thầy quá ư đặc biệt, những bạn bè đáng kể, đáng nhớ?
Còn nhớ chăng, người ơi, một chiều nao có nắng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi, trên gác trọ đường Ngô Quyền của người, tôi bốc tờ lịch mang ngày 7 tháng 4, một tháng trước ngày trận Điện Biên Phủ kết thúc, trên ấy tôi ghi: “Kỷ niệm chiếc hôn đầu tiên trên đôi môi tươi thắm của T.T.N.D.”? Ngày đó, phía sau tờ lịch người ghi dấu:
Như một thoáng trong mơ anh đến
Đò nan xuôi không bến không bờ
Nụ cười ánh mắt nai tơ
Vòng tay còn vụng lững lờ chiếc hôn
Để rồi, trước ngày giã từ nhau, cũng trên tờ lịch ấy người để lại câu hỏi:
Nàng Liễu rũ vì cơn gió dập
Hay đời hoa sớm lỡ làng duyên?
Người có biết không, triền môi ngọt ngào, làn tóc buông như liễu rũ, dòng suối nước mắt của người đeo đuổi tôi trọn đời. Ngày xưa vì người quá nhạy cảm, mắt gần như không lúc nào ráo lệ, vui buồn gì cũng là nguồn xúc động cho người, nên tôi luôn thủ sẵn hai chiếc khăn tay. Sau nầy, khi đi dạy học, đám học sinh hay gạn hỏi vì sao tôi ưa mặc áo sơ-mi có hai túi, tôi trả lời: “Để tích trữ khăn mù soa lau nước mắt cho người yêu”! Chuyện tình ta đã được nhắc đến nhiều lần khi tôi diễn giải cảm xúc và đam mê, khoái lạc và đau khổ, tiếc, ân hận và hối hận trên bục gỗ…
Cũng trên tờ lịch ấy, 26 năm sau, lúc ra tù cải tạo cộng sản, tôi viết tiếp:
Em có biết nụ hôn đầu ấy
Bao nhiêu năm còn thấy dư hương
Mặn mà nước mắt bi thương
Nghe như nức nở đoạn trường mai sau
Người đã mang tên Lệ Dung-Nàng Liễu dưới ngòi bút Kiệt Tấn. Khi Thương Nàng Bấy Nhiêu được xuất bản, cách đây 9 năm, tôi mong manh hy vọng người tình cờ đọc được truyện đầu Lệ Dung Sang Tề khai mở tập truyện ngắn nầy, sống lại chuyện chúng mình. Nhưng người vẫn bặt tăm…Lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người, đâu ân tình cũ. Chờ hoài nhau trong mơ nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa?...
Tôi nghĩ, ngày nào chưa tìm được dấu vết người để tuyên xưng lời tạ tội cùng người, ngày ấy tôi vẫn chưa yên lòng nhắm mắt xuôi tay.
Tôi đã gặp lại Xuân ở Paris, hết sức tình cờ, bốn năm trước đây. Nếu bắt được liên lạc với người lần nầy, coi như tôi đã hoàn tất chuyến đi tìm dấu vết tình ta trên con đường tình ta đi.
Con đường đã dẫn tôi từ quê hương nước mặn đồng chua Bạc Liêu tới thành phố Vĩnh Long tứ phía là sông rạch (giai đoạn tình yêu thơ mộng-amour romanesque), đưa tôi đến trạm dừng chân Mỹ Tho với Tiền Giang muôn thuở sầu mộng (giai đoạn tình yêu lãng mạn-amour romantique) trước khi tới ngã rẽ say mê Sài Gòn, nồng nhiệt Đà Lạt và cuồng nhiệt Paris (giai đoạn tình yêu rất“người”-amour humain).
Người hiểu cho tôi: đã khá lâu rồi tôi ngưng viết. Từ độ rửa tay gác kiếm, tôi nghĩ ai mà bảo tôi cầm bút lại y như rằng rủ tôi vượt biên lần nữa hoặc xúi giục tôi dạy triết trở lại. Thế nhưng, nghĩ cho cùng, chẳng thể nào tôi giữ mãi trong lòng những uất nghẹn. Nức nở lâu rồi, xin cho tôi được một lần phân giải nỗi niềm, vạch trần ẩn ức tích tụ từ bao năm qua ... Một mùa thu xa vắng như mơ hồ về trong đêm tối. Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?...
Mân mê vết sẹo trên lồng ngực, dấu ấn của lần giải phẫu tim vừa qua, tôi quyết định liều lĩnh viết bài nầy, với ước vọng thầm kín biết đâu chúng ta chẳng may mắn gặp lại nhau như lần tôi tình cờ tái ngộ với Xuân, nhẹ nhàng nhưng thâm thúy?...
Chuyện khởi từ một chiều nắng đẹp trên thành phố Mỹ Tho, đầu thập niên 50 …
***
Chiếc xích lô, với hành lý cồng kềnh, gồm rương trấp, ghế bố, túi xách lỉnh kỉnh, nặng nề chuyển bánh từ bến xe đò trước trường Nguyễn Đình Chiểu (tên vừa mới đổi từ Collège Le Myre de Vilers) đường Lê Lợi (tên mới của đường Ariès cũ). Tới đường Ngô Quyền xe rẽ trái, đụng đường Hùng Vương rẽ trái thêm lần nữa, tới trường Thiếu Sinh Quân quẹo chữ U sang bên kia đường, dừng lại trước một biệt thự lầu. Tôi cũng dừng xe đạp trên lề đường, xem lại địa chỉ trên phong bì anh tôi gởi cho chủ nhân ngôi nhà trọ tôi sắp vào ở. Đúng y! Anh tôi đề:
Mme et M. Nguyễn Liên Kết
Professeur de français
8 boulevard Hùng Vương
MyTho
Anh vốn là học trò cũ của chủ nhân ở Collège de CanTho đầu thập niên 40. Anh có đọc sơ cho tôi nghe lá thư anh viết cho thầy cũ; lá thư mở đầu: Mon cher professeur…Đại ý: “Thưa thầy có con là Cạc-Nô đây!” (Lúc ấy anh là người Việt đầu tiên làm “quan lớn” quận trưởng dân sự tại quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Trăm sự nhờ thầy chăm sóc cho thằng bé sau nầy có cơ hội hát lại bài bản “Thưa thầy có con là Cạc-Nô”…
Đây là lần thứ ba tôi tới MỹTho. Lần đầu tôi đến từ VĩnhLong thi Thành Chung. Lần kế, thi tuyển vào lớp Seconde (lớp đệ tam hay lớp 10 sau nầy trong chương trình Việt). Cả hai lần tôi đều may mắn thành công. Nhớ tới kỳ thi “diplôme” tôi vẫn còn thấy ớn xương sống. Ngoại trừ các môn nhiệm ý (vẽ, nhạc, hán văn, nữ công gia chánh) chỉ thi viết, các môn còn lại đều thi viết lẫn vấn đáp. Môn nào có trong chương trình học đều bị đem ra “khảo” hết: toán, lý hoá, vạn vật, sử địa, chính tả tây, ta, luận văn tây, ta…Qua xong hai kỳ tra khảo, thí sinh sút xương hom, ngất ngư. Thành Chung hay Lâm Chung?
Lần nầy tôi từ SàiGòn xuống. Lẽ ra phải trình diện nhập học từ tháng 9, nhưng tôi lưỡng lự giữa Sàigòn và MỹTho. Dư vị sân khấu học trò với những cuộc tình thơ mộng thôi thúc tôi nuôi mộng hải hồ. Tôi ghi tên học khóa Hiệu thính viên (morse) ở trường Cao đẳng Đìện học, dự tính sau đó tìm việc trong ngành thương thuyền, thu thập kinh nghiệm hải hành, chuẩn bị xin học khoá sĩ quan hải quân tại Pháp…Nhưng sau một tháng mang máy nghe, bệnh chảy máu cam của tôi tái phát trầm trọng. Đành dẹp mộng “ra khơi biết mặt trùng dương”, nối chí Pierre Loti. Đành tự an ủi: không đi Tây được, ta đi Mỹ vậy! Trước mắt, tôi phải nhập học trễ gần hai tháng. Chắc chưa đến nỗi nào. Seconde thường là lớp để dưỡng sức, tà tà chờ lên Première dồn hết sức lực thu thập hành trang tinh thần, sửa soạn đấu trí với ông Tây bà Đầm giám khảo ở một thí trường từ lâu nổi tiếng cam go, gian khổ, luôn phá kỷ lục về thành tích sát (thí) sinh!
Chảy lại mái tóc bồng bềnh, sửa lại nếp áo, vuốt lại pờ-li quần, tôi vói tay bấm chuông, chờ diện kiến gia chủ để trình “ủy nhiệm thư”. Vài con bướm vẽ vòng trên mấy cụm hoa trồng rải rác hai bên lối đi dẫn tới cửa chính biệt thự. Bướm là những lá thư nàng Xuân gửi đi chào mừng non sông…,tôi khe khẽ hát.
Có tiếng guốc mộc khua lộp cộp trên sàn gạch. Rồi tiếng lộc cộc trong ổ khoá. Cửa mở. Tôi há hốc mồm, toan mở lời xin lỗi đã lầm địa chỉ…Người đàn bà mắt ươn ướt “tình ơi là tình”, môi mộng, mày ngài, tràn trề nhựa sống, kiều diễm, thướt tha đang mỉm cười mời tôi bước vào nhà là “người thầy khả kính” của ông anh tôi sao? Hèn chi anh đề Madame trước Monsieur! Ma-đàm mang tên chồng? Mông-xừ chỉ là “dượng giáo”? (Tôi quên mất anh tôi vốn rất ga-lăng )…”Suốt đời tận tụy với nghề nghiệp”-như anh tôi viết trong lưu bút- mà vẫn còn tươi mát, trẻ đẹp như thế nầy thì…xin chào thua. Chắc bà thầy của ông anh tôi gậm củ nhơn sâm trường sanh bất lão. Trông bà trẻ hơn anh tôi ít là bốn năm tuổi. Tôi đứng chết trân, quên cả chào hỏi “thầy”, thầm trách ông anh đã quên nói rõ thầy cũ của mình thuộc phái đẹp.
-Em vô đi! Đúng nhà thầy mà, người đàn bà nhẹ nhàng nhắc nhở.
-Dạ chào thà-ầy…cô, tôi lắp bắp đáp. Đây là thư của anh tôi gởi cho thà-ầy…cô. xin phép cô cho tôi đem hành lý vào.
-Để tôi kêu người phụ. Chú Hai! Lang Anh! Ra đây tôi biểu.
Người đàn bà chỉ đống hành lý cho hai người giúp việc, rồi quay về phía tôi nói tiếp :
-Thầy có chuyện phải đi Đức Hoà gấp, có lẽ mai mốt mới về. Các em khác đi học chưa về. Ở nhà chỉ có Xuân, cô em bà con của tôi bị bịnh nghỉ học và thằng Jacques, con nuôi của vợ chồng tôi, chưa tới tuổi đi học. Em vô phòng khách ngồi chờ. Cần tắm rửa, giặt giũ thì nói với chú Hai. Cần ăn chút ít dằn bụng chờ cơm chiều thì nói với Lang Anh hay dì Ba. Tôi sẽ trở xuống gặp em để sắp xếp chỗ ngủ. Xuân à! Mau lên lầu!
Giai nhân cầm lá thư uyển chuyển bước lên thang lầu, dư hương son phấn phảng phất. Búi tóc sau ót, hai ổ gà trên mái tóc, áo tay dún, người thiếu phụ không có vẻ gì lớn tuổi cho lắm. Anh thương em vì cặp chưn mày, Áo phết gót đầu chải tăng gô…
Cánh cửa khép hờ căn phòng tiếp cận cầu thang, bên phải phòng khách hé mở: Một khuôn mặt nữ rất trẻ, rất “thiên thần » lấp ló. Cô gái mắt thỏ ngọc, xinh xinh, trạc tuổi mười ba, bẽn lẽn cúi mặt, rón rén bước lên cầu thang. Tình cờ ánh mắt em trong, Qua khung cửa hẹp má hồng hây hây…
Bỗng nhiên tôi cảm thấy tim đau nhói. Điềm gì đây? Tự nhiên lòng thấy mê say, Tơ tằm như hẹn kiếp nầy có nhau…
Lúc nãy, đi qua căn lầu đường Ngô Quyền, trước sân có trồng một cây liễu rất nên thơ, tự nhiên tôi cảm thấy bồn chồn, xao xuyến. Tôi linh cảm, từ lúc bước xuống xe trước cổng trường Nguyễn Đình Chiểu, hình như tôi đã lấy hẹn với định mệnh. Giây phút quyết liệt chạm mặt với người đàn bà kiều diễm ở ngưỡng cửa nhà trọ tác động như nút điện điều khiển mọi diễn biến theo một nhịp điệu và một lộ trình tiền định: trục lộ Ngô Quyền-Hùng Vương.

Sét gầm rung rinh các khung cửa kính, kích động hệ thống “alarme”, chuông báo động ré lên trong toàn condo cùng với sấm chớp lập loè kéo tôi ra khỏi cơn xuất hồn đuổi bắt kỷ niệm. Chừng như tôi nghe thấy tiếng chuông báo hiệu giờ tan học của ngôi trường thân thương năm nào. Hơn nửa thế kỷ qua rồi mà cứ ngỡ như vừa mới hôm qua! Hỡi người tình học trò! Hỡi người tình năm xưa! Bóng người thường in dấu trên đường mờ…
Nhắm mắt, ôi sao nửa hồn bỗng thương đau? Sao nghìn trùng còn mãi xa nhau? Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào? Hương vị nước hoa Caron nồng ấm năm nào của Nàng Liễu như quyện lấy hồn tôi.
Nhắm mắt, tôi tìm đường về lại bến mơ…

Nàng xõa tóc ôm ghì lấy tôi. Tôi nắm tóc nàng, dốc hết tàn lực, bứt rời môi nàng đang bám riết môi tôi. Nàng thều thào qua hơi thở đứt quãng: “Hắn đã hút hết máu em. Hãy tiếp cho em ít máu! Ta sẽ hiệp lực loại trừ hắn, hủy diệt hắn. Ta sẽ sống đời đời bên nhau. Ta sẽ vĩnh viễn thống trị thế giới ma-cà-rồng”. Rồi nàng nhe răng, cắm phập hai chiếc nanh nhọn quắt vào cổ tôi. Tôi vùng vẫy, rứt nàng ra được, ú ớ kêu cứu thì…lạ lùng thay, gương mặt xanh xao, kinh khiếp Dracula của nàng biến thành khuôn mặt hồng hào, môi son hé mở, sóng mắt óng ánh, vài lọn tóc nhỏ xõa trên vầng trán thanh lịch. Cùng lúc người tôi chòng chành như thuyền lướt trên sóng.
-Nằm chiêm bao thấy gì mả giẫy giụa dữ vậy?
Người đàn bà mắt ươn ướt lắc lắc vai tôi hỏi, hơi thở nàng phả ấm sát mặt tôi. Tôi cuống quít choàng dậy, cúi đầu ngượng ngập:
-Xin lỗi cô! Tôi mệt quá, lỡ ngủ quên trên xa-lông.
Giai nhân cười nhẹ, bước tới. Tôi rụt rè lùi một bước, nói tiếp:
-Lúc nãy tôi quên. Xin cô vui lòng chờ chút…
Tôi tiến về đống hành lý tạm xếp ở góc trái của biệt thự, lui cui tìm chiếc áo bờ-lu-dông lấy bao thư đựng tiền. Vừa quay lại, tôi suýt ngã vào vòng tay người đẹp, mặt nàng chỉ cách mặt tôi trong gang tấc, mùi da thịt nàng làm tôi ngầy ngật. Tôi bối rối vo ve phong bì:
-Xin gởi cô tiền trọ tháng nầy.
Một tay chống nạnh, tay kia chống lên vách tường, làm kẽ hở bên hông tà áo cánh nhếch lên, để lộ một phần da trắng ngần, nàng nói như thổi nhẹ:
-Từ từ mà! Làm gì như người mất hồn vậy! Có tâm sự hả? Có cần tôi giúp…
Người đàn bà bỏ lửng câu hỏi theo tiếng cười nói ồn ào từ cửa hông nhà trọ vọng tới, trìu mến nhìn tôi giây lâu trước khi quay gót hướng về cầu thang. Tôi cúi mặt thở dài…Chưa bao giờ tôi nhận được từ phái đẹp một cái nhìn đắm đuối như vậy. Chưa bao giờ tôi thực sự cảm thấy cơ thể rạo rực trước cái chất nữ của người khác phái đến thế. Lần đầu trong đời…Người tôi lâng lâng như rơi vào một thế giới huyền nhiệm. Biệt thự biến thành lâu đài giam giữ cô-gái-mắt-thỏ-ngọc, hiện thân của nàng Bạch Tuyết đang ngủ giấc ngủ dài, chờ nụ hôn của hoàng tử đẹp trai để trở giấc. Giai-nhân-mắt-ươn-ướt vừa biến mất trên cầu thang có thể là Tiên Nữ giúp Hoàng Tử giải cứu người đẹp. Cũng có thể là Mụ Phù Thủy đã dụ dỗ Bạch Tuyết ăn trái đào tẩm thuốc độc.
-Ê! Làm gì đứng như trời trồng vậy mậy? Thứ đập vai tôi rỗn rãng hỏi. Xuống kiếm tao có chuyện gì không? À, sao mầy biết tao ở đây?
Võ Trung Thứ trước đây cùng học với tôi ở Collège de Vinh Long. Hai đứa là cặp bài trùng, từng nổi danh trên sân khấu học trò, một cây văn nghệ xanh dờn! Nhưng Thứ có số đào hoa hơn tôi. Hắn trông khỏe mạnh, rắn rỏi, đánh bóng bàn và quần vợt có hạng. Với phái nữ, trong khi tôi còn đang học vỡ lòng đàm thoại căn bản và đang ê a áp dụng “khẩu” thuật chinh phục người đẹp thì bạn tôi đã nhuần nhuyễn “thủ” thuật đối thoại cấp tốc, quật ngã đối phương, tiến chiếm chớp nhoáng mục tiêu, gặt hái nhiều thành quả đáng kể.
Không rõ vì lý do gì, lên 3è année Thứ chuyển sang Collège Le Myre de Vilers, ở trọ nhà thầy Trần Văn Vạng, Tổng giám thị. Chuyện tình cảm của tôi, nhất nhất Thứ đều rõ. Trái lại, không phải bất cứ chuyện tình nào của hắn tôi cũng biết. Thứ vốn rất kín miệng. Ngay cả chuyện Cẩm -học cùng trường, cùng cấp với chúng tôi ở Vĩnh Long, người mà hắn thầm yêu trộm nhớ từ lâu nhưng vẫn câm nín chôn giấu- đã sang đây học lớp seconde, hắn cũng chẳng buồn cho tôi hay. Có lẽ vì vậy hắn mới lò mò tới đây ở trọ để “tu tâm dưỡng tánh”. Hay biết đâu lại chẳng vì giai nhân-gia chủ có đôi mắt ươn ướt kia?
-Tao bỏ học morse rồi, xuống đây ở trọ cho gần trường, tôi trả lời Thứ. Còn mầy, tại sao dọn tới đây? “Động ổ” hả?
Thứ cười khà không đáp, làm một vòng điểm danh các trọ sinh khác:
-Các anh Mỹ, Hải nhỏ, Vũ và cậu Tiến (em anh Vũ) học lớp Première. Hải lớn, Nhật (anh của Tiến), Tựu học Seconde với tụi mình. Phước, Louis (Tài), Paul, lớp Đệ Ngũ. Đứng hút thuốc dưới tàng cây trứng cá sau nhà là thầy Ba, giám thị trường La-san, cũng ở trọ đây. Đám đực rựa mình độc chiếm từng trệt; ngoại trừ phòng dưới cầu thang dành cho phái nữ. Mình chia nhau ngủ rải rác ở các hành lang bao quanh phòng khách. Tao sẽ xin cô cho mầy kê ghế bố cạnh tao. Để tao dẫn mầy đi coi một vòng cho biết.

Pension” Hùng Vương là một biệt thự xây cất bằng vật liệu nặng, gồm một tầng trệt, một tầng lầu và một dãy “dépendances” phía sau nhà, gồm nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà ở cho nhân viên phục vụ. Chung quanh có hàng rào kẽm gai xen lẫn với cây kiểng bao bọc. Cổng bên hông trổ ra con đường trải đá dẫn tới cổng sau trường Nguyễn Đình Chiểu.
-Tụi mình đi học và đi về bằng ngã tắt nầy, Thứ giải thích. Lẽ ra tất cả học sinh đều phải ra vô bằng cổng trước, nhưng trường du di cho các học sinh ở phía sau trường sử dụng cửa hậu đi về cho đỡ mất thì giờ.
Thứ cho biết đây là một trong ba biệt thự cùng một kiểu kiến trúc, do Tây thuộc địa cấp công chức cao cấp hoặc sĩ quan cao cấp trước đây. Sau đó, các biệt thự nầy được cấp cho 3 giáo sư Collège Le Myre de Vilers. Bên kia lề đường đá là nhà cấp cho thầy Trần Văn Ất, giáo sư toán. Kế đến, ngay góc đường Hùng Vương-Ngô Quyền là nhà cấp cho thầy Phạm Văn Lược, giáo sư sử địa. Thầy Lê Quang Nghĩa, giáo sư lý hóa ở một khu khác. Bốn thầy Ất, Lược, Kết, Nghĩa là lục lượng nồng cốt của các lớp 1ère. Môn sử địa được trường đặc biệt quan tâm vì đa số thí sinh vào vấn đáp đều bị giám khảo sử địa Tây “coller” lọt đài dài dài. Thầy Kết, thầy Nghĩa, thầy Ất đậu cử nhơn bên Pháp. Thầy Lược tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và là một trong những giáo sư kỳ cựu của trường được nhiều thế hệ học sinh mến phục. Thầy Lược tuy bề ngoài có vẻ nghiêm khắc, thực sự rất yêu thương và hết lòng giúp đỡ học trò.

Sau khi rảo một vòng các biệt thự, Thứ đưa tôi trở lại nhà trọ, cho tôi biết sơ lược sinh hoạt của pension. Trật tự, kỷ luật, gọn ghẽ, sạch sẽ là truyền thống phải giữ. Giờ ăn, chỗ ăn, giờ học, chỗ học, giờ chơi, chỗ chơi, giờ ngủ, chỗ ngủ đều được qui định rành rẽ. Pension được quản lý chặt chẽ như một tu viện. Học, có bàn chung cho nam sinh. Ăn, có bàn ăn tập thể nhưng tốp đực xực trước, tốp cái đớp sau. Nhà vệ sinh và nhà tắm phía sau biệt thự, nam nữ xài chung -dĩ nhiên không có chuyện “giải quyết nhu cầu” chung hay tắm chung! Vợ chồng gia chủ có tiện nghi riêng, trên lầu, chớ nên biết tới. Với đực rựa, có hai vùng cấm địa: từng lầu -dành cho ông bà chủ, Xuân, cô em họ của bà, học Đệ Lục, bé Jacques- và căn phòng cạnh cầu thang -dành cho dì Ba, Lang Anh và hai cô em họ của ông chủ: Yến, lớp Seconde, Hương, lớp Đệ Ngũ. Cuối tuần, thỉnh thoảng có anh Huỳnh Hữu Cửu, trước ở trọ đây, hiện học lớp Philo ở Chasseloup-Laubat ghé thăm thầy cũ, ngủ lại đêm.
Tuy được tiếng là cách mạng, tân tiến, thầy Kết rất bảo thủ trong cuộc sống hằng ngày. Trật tự, tôn ti, giai cấp phân chia rõ rệt. Thầy trò phân biệt. Chủ tới phân biệt. Nam nữ cách biệt, “thọ thọ bất thân”. Khoan khoan ngồi đó chớ ra, Nàng là phận gái, ta là phận trai. Do chính sách trên dưới phân biệt, nhà bếp được chỉ thị phân biệt đối xử: thịt bò ép lấy nước cốt cho thầy dùng trước, xác còn lại xào nấu phân phát cho các trọ sinh và người phục vụ. Đâu đó phân minh, rạch ròi. Chớ có lèn èn mà đứt cổ!
Thứ kết thúc phần hướng dẫn nói:
-À! Tao quên dặn mầy. Thầy mình ưa nghe hát bội. Mầy đừng có bày đặt “ứ ứ, é é” nhái chọc quê ổng mà khó sống đấy, nghe chưa?
Ngưng giây lát, Thứ tiếp:
-Còn nữa. Có mấy việc nên cho mầy biết. Trong nhà nầy, người nữ duy nhứt tụi mình có thể tiếp xúc thường xuyên là cô. Gần như cái gì trong nhà nầy cũng phải qua tay cô hết. Nhưng mầy nên hạn chế la cà. Bả không lớn hơn tao với mầy nhiều lắm, sợ ổng khó chịu. Mấy cô kia, mầy nên tránh tiếp xúc, nhứt là Xuân. Nàng ta được canh chừng kỹ lắm. Anh Hai giặt ủi, mầy khỏi lo, ảnh rất tốt bụng. Thầy Ba, dì Ba đều là bà con bên thầy, ở Đức Hoà xuống, cũng rất tử tế. Đám thằng Phước, Louis, Paul cũng là bà con bên ổng, tụi nó chơi được lắm. Nhưng mầy coi chừng con Lang Anh và thằng Tựu; tay nầy là anh bà con của Xuân, dân Cà Mau. Tao nghi hai đứa là tay mắt của thầy cô. Mấy tay ở trọ còn lại, mầy cứ yên tâm. Họ chỉ lo học, ít khi kiếm chuyện gây sự hay dòm ngó bậy bạ : Hải nhỏ, dân Vĩnh Long; Hải lớn, Mỹ, dân Cần Thơ; ba anh em Vũ, Nhật, Tiến, gốc Bắc, dân Long Xuyên đều rất hoà nhã. Anh Mỹ -dân Cái Răng- được lắm. Học hành đã xuất sắc mà giao tiếp cũng rất nhiệt thành.
Tôi nhận thấy Thứ “duyệt xét” sơ lược khá trung thực. Chưa chi tôi đã thấy quý mến anh Mỹ : đẹp trai, trí thức, khiêm tốn, nghệ sĩ. Riêng phần giai-nhân-mắt-ươn-ướt và cô-gái-mắt-thỏ-ngọc, tôi thấy coi bộ khó khăn dữ đa. Giai nhân thì tôi e ngại, muốn né tránh tối đa. Ngược lại, ánh mắt trong, qua khung cửa hẹp hình như có gì thu hút tôi mãnh liệt. Trong cả hai trường hợp, tôi đều không làm chủ tình hình, không thể chủ động được.
Tôi bước tới gần cầu thang, lắng nghe tiếng ho húng hắng của Xuân.
Tôi là người lữ khách, Mầu chiều khó làm khuây, Ngỡ hồn mình là rừng, Ngỡ hồn mình là mây, Nhớ nhà châm điếu thuốc, Khói huyền bay lên cây…
Giọng hát của Mỹ rướn cao, vang dội. Cửa phòng cạnh cầu thang hé mở. Vài bóng dáng nữ lấp ló, rì rào bàn tán. Tôi quay về hướng bàn học. Mỹ nheo mắt cười hiền hoà. Giai-nhân-mắt-ươn-ướt từ trên lầu nạt vọng xuống: -Mấy con nhỏ nghe nghe, ngóng ngóng gì đó? Có đóng cửa lại học bài không?
Xin đừng lấy đó làm chơi! Ở đây người ta làm ăn nghiêm chỉnh chăm phần chăm!
*
Chú Mười concierge bước ra khỏi nhà gác dan, chỉ đường cho tôi tới phòng Tổng giám thị, một trong 6 căn phòng của dãy nhà trệt nằm sau cổng chính.
Thầy Vạng gầy cao như cây tre miễu, điếu thuốc gắn trên môi, lướt đọc tờ y chứng do BS Nguyễn Văn Hớn, chú vợ anh tôi cấp (chứng nhận đã điều trị và theo dõi bịnh chảy máu cam của tôi, từ ngày…đến ngày…), dùng ngón tay trỏ dò danh sách trúng tuyển vào lớp Seconde vừa qua, dừng lại ở hàng thứ 3, ngước nhìn tôi, nói:
-Tuy có giấy bác sĩ nhưng trò nhập học quá trễ. Tôi sợ có khó khăn đa. May mà trường chưa bôi tên trò để lấy trò khác đậu rề-dẹt (réserve). Tôi thấy trò trúng tuyển có hạng cao, lại có đíp-lôm (diplôme), tôi cũng hơi tiếc. Đâu để tôi ráng “cồng-quen” (convaincre) ông “xăng-xưa” (censeur) và ông “pờ-rồ-vi-dưa” (proviseur) thử coi.
Tôi ngỏ lời cảm ơn và xin thầy cố gắng nói giúp.
Thầy xô cửa bước ra ngoài, tiến về phía một người đàn ông cao lớn, trán trợt, mày rậm đang trò chuyện với một người đàn ông khác hơi gầy yếu, xanh xao, chỉ đứng tới ngực ông kia, mắt lờ đờ sau làn kính cận dầy cộm, ở sân chính giữa trường.
Đứng chờ trước cửa văn phòng Tổng giám thị, tôi hồi hộp đón chờ kết quả cuộc “hội đàm tay ba”. Tôi nghĩ đời mình (và của nhiều học sinh khác) lâu nay thay đổi tùy thuộc kết quả những cuộc hoà đàm tương tợ: các quyết nghị của Hội đồng thi (délibérations du Jury), thi tuyển, thi lấy bằng. Sự chờ đợi căng thẳng kéo dài hơn mười phút.
Thầy Vạng ngoắc tay gọi, tôi vội vàng chạy tới. Thầy ra hiệu cho tôi cúi chào ra mắt thầy-cao-lớn Đinh Căng Nguyên (giám học), thầy-kính-cận-dầy-cộm Dương Văn Dỏi (hiệu trưởng).
Thay mặt Hội đồng “tái duyệt xét”, thầy Nguyên nghiêm trang tuyên bố bằng tiếng Pháp:
-Trò được nhận vào lớp xơ-gồng mô-đẹc đơ trường trung học Nguyễn Đình Chiểu kể từ ngày hôm nay. Trò tới trình diện Văn phòng để lấy giấy vào lớp (Vous êtes admis en Seconde Moderne II du Lycée Nguyễn Đình Chiểu à compter d’aujourd’hui. Présentez-vous au Secrétariat pour avoir le billet d’entrée en classe).
Giả thử lúc đó tôi bị từ chối, nào biết cuộc đời tôi sẽ ra sao? Đang miên man suy nghĩ trên hành lang của Pavillon Nord dẫn tới lớp seconde moderne II, nằm phía trái của trường, gần cổng hậu, thẳng góc với dãy “lầu dơi”, tôi giật bắn người khi đụng vào một ông loắc choắc mặc áo blouse trắng, mặt mũi bơ pbờ, mắt lờ đờ như vừa ở phòng thí nghiệm bước ra. Tôi chưa kịp hoàn hồn, chưa kịp cúi chào, chưa kịp xin lỗi thì…”người nhạn trắng” -đang khi nóng nực vẫn khoác áo choàng trắng hành hiệp, chìa tay ra lịnh:
-Đưa giấy vô lớp đây, ông! (Votre billet, monsieur!)
Chợt nhớ câu chuyện Thứ kể đêm qua -đêm đầu tiên của tôi nơi nhà trọ Hùng Vương- về nguồn gốc lầu dơi và về ông giám thị trông coi các lớp Seconde và Première Moderne, tôi nghĩ đây đúng là thầy Hóa.
Thứ cho biết, thầy Hoá học ở Pháp về, trước đây được xếp dạy lý hóa cho các lớp đệ nhứt cấp. Nhưng có lần thầy làm thí nghiệm tại lớp (thay vì ở Phòng thí nghiệm) suýt gây tai nạn: Thầy bỏ một viên lưu huỳnh (soufre) vào chậu nước bằng kiếng. Viên lưu hùynh chạy vòng vòng chậu xịt khói như ca-nô nhỏ lướt sóng. Học sinh khoái trá hò hét, vỗ tay rần rần, đúng ý muốn hấp dẫn hóa môn hóa học của thầy. Hừng chí, thầy bỏ thêm ba bốn viên soufre nữa, đậy nắp chậu kiếng cho khói tỏa đông đặc, coi bắt mắt hơn. Chậu nổ tung, miểng văng tung tóe, may thay không ai bị thương! Thấy thầy trước đây có vẻ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, Ban Giám đốc thừa cơ hội thầy “phạm lỗi nghề nghiệp” ngưng việc giảng dạy của thầy, giáng cấp làm giám thị.Vậy mà thầy chẳng hề oán than, trái lại rất tốt bụng với đám quỷ phá nhà chay chúng tôi.
Ít khi thầy phạt học trò. Ngược lại, thầy rất “rét-lô” (réglo) với nhân viên giảng huấn. Họ rất e ngại “tên nhỏ thó-le petit chose”, biệt danh các lớp Seconde “tặng” cho thầy, thay thế cho cái danh hiệu quá tàn bạo “Hóa khù**”. Nhứt là với thầy Kết, giáo sư duy nhứt sử dụng cổng sau đến trường, ỷ y nhà gần trường nên thường hay đi trễ. Mỗi lần như vậy, “người nhạn trắng” Hóa cho học sinh vào lớp 5 phút sau tiếng chuông, rồi ra đứng trước cửa lớp canh giữ trật tự, đợi kẻ “phạm pháp” bước tới cửa lớp mới cất lời bằng tiếng Tây:
-Sau cùng ông có đây rồi, thưa ngài giáo sư! (Vous voilà enfin, monsieur le professeur!).
Đoạn hất hàm về phía lũ học trò đang ngồi im phăng phắc, người nói tiếp, cũng bằng tiêng Phú-lang-sa, dĩ nhiên:
-Lớp học của ông đây. Tôi trả lại cho ông đó! (Voici votre classe. Je vous la rend!) Rồi thầy Hóa tỉnh bơ hí hoái ghi chép vào sổ tay mọi sự kiện trong ngày, kể cả chuyện giáo sư đi trễ. Nhưng chẳng bao giờ nghe ai than phiền thầy báo cáo, phúc trình điều gì bất lợi cho học sinh lẫn giáo sư. Vậy thầy ghi chép chuyện gì? Bí mật! Thầy viết văn hay làm thơ? Hay mô tả những khám phá mới về khoa học do thầy thực hiện? Thứ thường thắc mắc tự hỏi.
Liếc sơ qua giấy vào lớp, chỉ tay về phía phòng học có tiếng ồm ồm lặp lại như vịt hãng kêu bầy (mỗi lần có một giọng đơn lẻ cầt lên: Rì-pít-áp-tơ-mi), thầy Hóa bảo tôi:
-Trò có thể vô được rồi đó! (Vous pouvez y aller!).
Chưa kịp gõ cửa, tôi đã nghe “com-minh”! Dù chưa hiểu, tôi cũng bước vào lớp vì tôi thấy ông thấy ngoắc tay biểu vô. Nhận xong bi-dê-đăng-trê, thầy chỉ chỗ trống bên cạnh Thứ, ở hàng đầu, bảo: xít-đao!
Chưa rõ ý thầy nhưng thầy ra hiệu biểu ngồi thì ngồi. Tôi đẩy mẩu giấy con về phía Thứ, viết hỏi :
-Ai vậy?
-Thầy Tế, dạy Anh văn. Thứ viết trả lời.
Thầy Tế nhỏ người, hơi ốm, đầu chải bảy ba láng mướt, áo quần thẳng thớm, xổ một tràng tiếng lạ hoắc, tôi chẳng hiểu gì hết. Thầy viết lên bảng Ireland, chỉ một cậu ngồi phía sau tôi: tôi nhận ra Lê Quang Liêm, tục gọi Liêm “đờn“, bạn tôi ở Vĩnh Long nhưng đã qua đây học trước tôi 4 năm. Liêm mau mắn đọc “ia-rơ-lăng”! Thầy viết other, trò đọc “ô-the”, thầy viết without, trò đọc “uýt-thót”! Thầy viết Iron, trò Thêm đọc “ia-rông”, viết Climate, đọc “cli-mát-tờ”. Mỗi lần Liêm, Thêm đọc là mỗi lần cả lớp cười ồ ồ. Thầy Tế lắc đầu, bực tức viết cả câu: “In winter I get up at night”, chỉ tôi. Ấp úng giây lâu, tôi mới rặn đọc từng chữ như trẻ con tập đánh vần: “En ven te i zê úp át ni gờ tơ”. Cả lớp cười lăn nghiêng lăn ngửa, đứa té ho sù sụ, đứa huýt sáo ầm ỉ, đứa vổ bàn rầm rầm. Tôi đỏ mặt tía tai, muốn độn thổ.
Từ trước tới nay, tôi chưa hề học qua một chữ Anh. Chỉ học sinh chương trình Moderne mới phải học từ lớp 6è (đệ thất hay lớp 6, chương trình Việt). Suốt 2 giờ, toàn tiếng cười, bởi đa số lớp tôi toàn dân “đíp-lôm”. Thầy Tế điên đầu nhưng vẫn kiên nhẫn truyền nghề. Thầy vui tánh, thỉnh thoảng mầy mầy tao tao với đám học trò lợi dụng học Anh văn để đùa giỡn, chọc phá. Suốt buổi học, tôi chỉ học được có một chữ -nhờ Chánh, tục gọi Chánh “còm” do hút thuốc lá tới môi thâm xịt- hỏi:
-Thằng dê gái, tiếng Anh kêu là gì, thưa thầy?
- Xì-cược-rân-nờ (skirt’s runner), thầy Tế đáp.
Thứ dịch ra tiếng Tây, tôi mới hiểu: Coureur de jupons!
Giờ ra chơi, Thứ giới thiệu với tôi một số bạn cùng lớp. Ngoài Liêm “đờn”, Hải “lớn” (Đặng Tứ Hải), Chánh “còm”, Thêm “cao đài”, tôi còn biết thêm Tê-Cà-No (Trần Kim Nở), Trung “quắn” (Quách văn Trung), Sinh “què” (Lê Tài Sinh), Louis “nước cơm chắt”, Huỳnh Kim Sang, Thu “mụn” (Phan Trung Thu), Văn “cười”, Tiên “gạo”, Thụy “cẳng dài”, Thế “ăng-lê”, Jean-Clément Huỳnh Đình Tràng…Và băng Trà Vinh, gồm Châu “rí” (Phạm Minh Châu), Tư “ngây” (Phạm Văn Tư), Lắm “bô-ga”, Ngà “tơ-nít…
Liêm chỉ tay về phía góc sân, cạnh phòng thí nghiệm, thuộc Pavillon Sud, đối diện và song song với Pavillon Nord, nói với tôi:
-Tay ốm cao, môi thâm là Nguyễn Thanh Liêm, tục gọi Liêm “ghiền” (vì ghiền thuốc Bastos xanh), tay mập mà lùn là Lê Thanh Liêm, tục gọi là Liêm “dế” (vì ghiền ăn dá sống). Đứng giữa Liêm ghiền và Liêm dế là Nguyễn Ngọc Thọ, biệt danh Thọ “phi-lô-dóp”. Ba tay nầy đều học lớp 1ère. Tao, Liêm “đờn” thì mầy biết quá, từ Vĩnh Long, tao mê đờn và viết nhạc.
Chuông reo báo hiệu hết giờ ra chơi. Chúng tôi lục tục sắp hàng hai dọc theo vách tường phòng học, chờ thầy đến cho phép vào lớp.
-Tới phiên ai hả Thứ? Tôi hỏi.
-Thầy Sanh, dạy hóa học. Có lẽ thầy dạy buổi chót. Nghe nói tuần sau thầy đi Pháp học École navale de Brest.
Thầy Sanh cao lớn, dềnh dàng hơn cả thầy Nguyên. Thầy vui vẻ nhưng nghiêm nghị; giờ học của thầy lớp có vẻ học hành chăm chỉ.
Chuông báo đổi giờ.
-Tới phiên thầy Huỳnh Đình Tràng, ba của thằng Jean-Clément, dạy Việt văn. Gia đình thầy dân Tây. Thứ giải thích.
Thầy Tràng tầm vóc trung bình, miệng móm, đeo kiếng gọng đồi mồi đen. Khi thầy giảng, tôi để ý thấy hình như miệng thầy không được tự nhiên. Quả nhiên! Viết mấy câu thơ lên bảng xong, khi quay mặt lại sửa soạn diễn giảng, đột nhiên thầy nhảy mũi hai ba cái liên tiếp; có lẽ vì hít bụi phấn, hàm răng trên văng khỏi miệng, lăn lốc trên sàn gạch. Có tiếng cười khúc khích. Thầy tím mặt, lật đật cúi lượm “của rơi” bỏ vào túi quần. Cố lấy lại bình tĩnh, thầy đưa tập bài giảng cho Thứ, major lớp, đọc cho chúng tôi chép. Rồi thầy ra tựa cửa sổ nhìn trời mây.
Gần hết giờ, có thông cáo của Ban Giám đốc gởi cho lớp “xơ-gồng-đơ”, do một chú tùy phái (planton) cầm xuống: từ nay, môn hóa học sẽ do thầy Lê Quang Nghĩa phụ trách. Các giờ Pháp văn bỏ trống sẽ được cô Poli Pierrette, từ Pháp sang, giảng dạy kể từ thứ hai tuần sau. Lớp Dự bị Cao đẳng Quân sự (PMS: Préparation Militaire Supérieure) sẽ khai giảng vào thứ bảy tới, tại Amphithéâtre, Pavillon Sud. Thông cáo viết bằng Pháp ngữ, dĩ nhiên.
Trên đường trở về nhà trọ, Thứ cho biết từ khi nhập học đến nay, học sinh thường học không đủ giờ, đủ môn vì tình trạng thiếu giáo sư, bởi lẽ nhiều giáo sư trẻ đã lần lượt lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Các giáo sư “già” phải chia nhau gánh vác, ưu tiên dành cho các lớp thi: 1ère moderne, 3è moderne, 4è année. Ngoài ra, các lớp chương trình Việt cũng thiếu thầy. Tuy vậy, Trường vẫn còn duy trì 3 loại chương trình: Moderne, Diplôme và chương trình Việt, đã mở tới lớp Đệ Ngũ.
-Chắc mình sẽ có nhiều giờ ở không. Thứ nói. Tao sẽ dẫn mầy đi “thanh tra” thành phố Mỹ Tho cho biết đó biết đây. Trước mắt, hãy chuẩn bị tinh thần để “ra mắt” thầy Kết đi em!
*
Cơm trưa xong, ngồi nghỉ xả hơi trên băng ghế trước nhà, tôi không ngớt nghĩ tới thân hình gầy đét của thầy Kết. Mặc áo sơ mi trắng, cổ gài nút, ngoài khoát áo bốn túi kaki trắng kiểu lãnh tụ, quần dài kaki trắng, mang guốc dông quay trắng, chắp tay trước bụng -hai tay thầy bị liệt bán phần, chỉ đưa lên cao tối đa tới chớn thủy- thầy đi tới đi lui trong phòng khách. Thỉnh thoảng thầy đưa chân đá tới đá lui cho giản gân cốt. Tóc thầy vẫn còn đen, tuy tuổi thầy gấp đôi tuổi cô. Chỉ có cặp mắt sâu hoắm, ti hí, sáng quắc của thầy sinh động, kỳ dư người thầy khô cằn, toàn những xương, trông thật thương tâm. (Sau nầy, bắt gặp cặp mắt cú vọ của ông tướng An ninh Quân đội tham dự đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm, và cặp mắt long lanh, láo liên của thầy-tu-chuyên-viên-xách-động-xuống-đường, thời Thủ tướng Trần Văn Hương, chợt nhớ tới “đôi mắt người xưa” trũng sâu của thầy Kết, tôi nổi da gà, rỡn tóc gáy!)
Anh tôi kể, lúc anh học 4è année ở Collège de CanTho, thầy Kết, dù bị nhọt ở bàn tọa vẫn cố gắng tới lớp, đem theo một chiếc gối con lót ngồi dạy cho học trò sắp đi thi để khỏi mất bài vở. Lòng tôi dậy lên niềm thương cảm khi thấy thầy thỉnh thoảng ngước lên trần nhà buông tiếng thở dài. Thầy nghĩ về thời xa xưa, lúc còn trai trẻ? Hay thầy ngao ngán cảnh vợ trẻ chồng già? Vợ già chồng trẻ là tiên. Chồng già vợ trẻ là điên cái đầu!
Tôi lại cũng thắc mắc sao thầy không tìm đôi bạn xứng đôi vừa lứa? Giai-nhân-mắt-ươn-ướt có bị ép uổng lấy thầy chăng? Sự hiện diện của đứa con nuôi đã xác nhận phần nào không khí nhạt nhẽo trong hạnh phúc chăn gối của lứa đôi so lệch nầy.
Bên kia đường vang lên từng chặp các khẩu lệnh: “Rờ-pô! Gác-đa-vú! Ăng-na-văng…Mác-sờ! Ọt! Đơ! Ọt! Đơ!”. Các em Thiếu sinh quân đang tập cơ bản thao diễn (ordre serré). Vị sĩ quan chỉ huy, người Việt, hai bệt vàng khè trên cầu vai, không ngừng la hét các em, tay lăm lăm cây roi mây quất gió rẹt rẹt, thỉnh thoảng quất vào các em. Cấm khóc! Tôi nghĩ mình còn may mắn được đi họ ở một trường dân sự.
Chiều xuống dần. Để tránh xót xa nhìn các em ăn đòn, tôi đứng dậy lững thững bước về hướng đường Ngô Quyền. Ngang nhà thầy Ất, thấy một cô gái khoảng 14, 15 tuổi, không đẹp lắm, thân hình nở nang, cân đối đang tập thể dục, tôi nghĩ chắc là con thầy. Ngang nhà thầy Lược, thấy thầy đang hì hục cử tạ, quay lưng ra đường. Tôi dừng bước, mải mê nhìn, chạnh nhớ tới ông anh vừa thi sĩ vừa lực sĩ, học trò cũ của thầy Kết. Người con gái đang ngồi học bài bên hông nhà bỗng nhìn lên, bắt gặp tôi đang ngây người nhìn lực sĩ cử tạ. Nàng thẹn thùng đứng lên, bỏ đi vào trong nhà, đinh ninh rằng tôi nhìn trộm nàng!. Thứ nói con thầy Lược đẹp dịu hiền, học lớp 1ère. Chắc là nàng đây.
Thầy Lược quay mặt lại, tôi cúi đầu chào. Thầy cười, chào trả. Nụ cười làm thầy trẻ ra, dù tôi đoán ít nhứt thầy cũng đã ngoài 45. Mới nhìn thấy thầy lần đầu mà tự nhiên tôi đã thấy có thiện cảm với nụ cười “dễ thương” của thầy. Trước mắt, sợ bị hiểu lầm có ẩn ý dòm ngó mỹ nhân, tôi cúi đầu chào thầy lần nữa rồi nhanh chóng tháo lui, quay về hướng sân vận động, cạnh trường Thiếu sinh quân. Có lẽ tôi phải rèn luyện lại thân thể. Lâu rồi tôi vắng bóng ở “thao trường”.
*
Từ lớp Seconde 2, nằm cạnh phòng cuối hành lang Pavillon Nord, chúng tôi có thể nhìn toàn diện ba dãy lầu ghép thành chữ U. Phòng Giáo sư đặt ở cuối hành lang tầng trệt của dãy “lầu dơi”. Để đến các lớp học, quý thầy phải “diễn hành” khá lâu trên hai hành lang tầng trệt lầu dơi và Pavillon Nord. Tha hồ quan sát các “diễn viên” trước khi họ bước lên sân khấu (bục gỗ) diễn xuất. Cao, thấp, ốm, mập, trẻ, già, đẹp, xấu, lực lưỡng, nhanh nhẹn, lụ khụ, rề rề. Đủ loại. Dáng dấp và tài năng ít khi đi đôi. Các bạn cùng lớp đã mãn nhãn. Mới ngày đầu làm con cháu cụ Đồ Chiểu, tôi vẫn còn thích thú ngắm nhìn mọi thứ quanh tôi.
Theo thời khóa biểu, hai giờ đầu toán, hai giờ sau Pháp văn, nhưng tạm thời tuần nầy thay thế bằng 2 giờ lý hoá cho giáo sư đi tròn buổi dạy. Như thường lệ, thầy Hóa nhắc nhở các lớp xếp hàng, các trưởng lớp (major) đứng cuối hàng bìa, quay mặt về phía phòng giáo sư để trông chừng thầy cô đến, báo động cho các bạn giữ im lặng. Nhưng hầu hết chúng tôi đều quay mặt cùng hướng với major lớp trò chuyện, giỡn hớt cho tới lúc các thầy cô bắt đầu bước vào hành lang Pavillon Nord.
Thứ chỉ tay về một người nhỏ thó, mặc áo gilet len đen bó sát sơ mi đậm, bước song đôi trò chuyện có vẻ tương đắc với một người to lớn hơn, mặc com-lê kaki trắng, đội nón cối (casque colonial) trắng, chắp hai tay sau đít, chúi mình về phía trước khi di chuyển, dáng đi như vịt xiêm, “vừa đi vừa lũi vừa mổ”.
-Thầy Ất và thầy Nghĩa đó Lộc. Thứ nói. Ê, tụi bây xây lưng lại đi chớ!
Thầy Ất dừng lại ở ngưỡng cửa, gật đầu ra hiệu cho chúng tôi vào lớp. Thầy đứng ngay lên bục giảng, mặt rầu rầu coi rất đau khổ. Tay trái cặp sát thân mình, thầy Ất chầm chậm đưa cánh tay trước lên ngang vai, bàn tay cụp xuống như cổ vịt, ngoắc ngoắc nhè nhẹ, nói thật nhỏ:
-Ngồi xi-uống! Đóng cửa sổ lại dùm!
Liền tức khắc, thầy nói lớn hơn :
-Xi-uống hàng!
Cả lớp cười rần. Thầy cũng cười nho nhỏ.
Chánh còm nói lớn:
-Ổng cười như cọp mếu bây ơi!
Thầy tiếp tục cười. Không có dấu hiệu nào trên khuôn mặt hiền từ của thầy cho thấy thầy giận!
-Xi-in lỗi mấy trò. Tôi quen miệng quá, tưởng đương đọc bài cho mấy trò chép. Tui vẽ hình lên bảng, mấy trò mở tập vẽ theo. Lát nữa sẽ học tới.
-Thầy Ất hiền như Phật. Thứ vừa vẽ vừa nói nhỏ với tôi. Mầy sẽ thấy ổng dạy Math. học trò đứa nào cũng mê. Tội nghiệp, thầy bị bịnh phổi mà vẫn không chịu nghỉ dạy. Bộ Giáo Dục nhiều lần mời thầy lên Sàigòn làm thanh tra mà thầy vẫn từ chối. Thầy quá thương học trò. Thầy ưa tâm sự với tụi tao rằng niềm vui độc nhất của thầy là “bốn bức tường và mấy trò”.
-Bon! Thầy Ất quay về phía chúng tôi nói. Mấy trò đọc kỹ énoncé du problème chưa? Có trò nào kiếm ra solution chưa? Non? Bon! Coi tui démontrer. Soit le triangle isocèle AB Xi-ê (C)...
Thầy chứng minh tới đâu, tôi theo sát tới đó. Dễ hiểu quá, dù tôi rất “gà” về math. Mỗi lần thầy giải quá hay chỗ nào quá khó, cả lớp chắc lưỡi hít hà thán phục. Thầy đóng khung (encadrer) kết quả, rồi nói:
-Đọ! mấy trò thấy hôn, nó rõ bông vậy đó!
Hai giờ say mê toán. Không một phút giây nào tôi lơ đễnh, lo ra…

-Vô đi tụi bây! Thứ la lớn. Thầy Nghĩa “phe-xin”(faire signe) rồi. Mau lên!
Thầy Nghĩa vừa bước qua ngưỡng cửa, cả lớp đứng lên liền cái rụp! Thầy khoái trá cười ha hả, dang hai tay chắp sau lưng ra phầm lên phập xuống làm chim bay cò bay!..
-Asseyez-vous! Asseyez-vous! Thầy lập đi lập lại theo nhịp vỗ cánh. Ê! Mở cửa ra cho tao thở chút coi. Thầy trò tụi bây sao ưa đóng cửa rù rì quá vậy?
Nói xong thầy cười ha hả. Cả lớp cười theo, mở màn cho những trận cười dài dài suốt hai giờ thầy vừa giảng dạy vừa “trình diễn”:
-Con gì ra đây?
Thầy vừa móc túi áo bành-tô (paletot) lấy ra một kính lồi, vừa xổ lô tô:
-Bắt Lạc Mậu Phong lầm Từ Hải Thọ là con số hai đó.
Móc kính lõm ra:
-Cao Lủng em ơi, huynh đệ rã rời, mộc hãy còn son là con mười một con.
Móc kính khuếch đại:
-Bồn vỗ bồn là con bốn mươi bốn.
Trận cười của lớp chưa dứt, thầy đã cầm kính khuếch đại lên soi mặt, nói :
-Ê! Giao kiếng nầy cho con gái nhổ lông coi bộ được à bây!
(ý thầy muốn nói nhổ lông mày!). Cả lớp lại cười ầm.
-Ê Sang! Thầy kêu lớn. Đọc bài đi em. Georges Ève, page…Allez-y!
Sang mở sách đọc. Thầy bình phẩm:
-Thằng đọc nghe khoái cái lỗ nhỉ dữ a! Đọc tiếp!
Sang đọc tiếng Tây nghe sướng thiệt.
Một lúc sau, thầy bảo ngưng:
-Ê, hiểu hông bây?
-Dạ hiểu. Cả lớp trả lời.
Hiểu mà sao mắt tụi bây trồng trắng không vậy?
Thầy giải nghĩa một đoạn trong sách, tạm kết thúc:
-Ê-xê-tê-ra, còn nữa hổng nói ra. Ê Sang! Đọc tiếp.
-Arrêtez! Thầy vừa ra lịnh ngưng vừa bước xuống bục giảng. Bây học cách nào tao không cần biết.Nhưng đừng có học hiểu. Học thuộc lòng là chắc ăn nhứt. Ra thi, bây không có thì giờ “học hiểu” đâu, phải làu làu, rót rót mới đủ thì giờ làm toán. Annamite ưa học hiểu lắm. Đậu diplôme rồi bây tưởng đã học hết sách Tây. Thành chung mà! Ê Sang! Continuez! Mà thôi, khoan đã!
Thầy mở sổ điểm gọi:
-Jean-Clément-Jacques-Henri Huỳnh Đình Tràng! Au tableau!
Cả lớp vỗ tay hò hét, cười ầm với cái lối gọi tên chọc phá của thầy dành cho đứa con “dân Tây” của thầy Huỳnh Đình Tràng!
Thầy cho một bài toán Vật lý. Khi giải, sắp tới kết quả, giải đáp tạm thời là một phân số dài ngoằn. Tràng nhanh nhẩu làm toán chia. Thầy nổi xung, xô Tràng con qua một bên, la lớn:
-Annam bây hễ thấy fraction là nhào vô chia liền. Ham chia lắm! Gặp là chia. Gặp là chia!
Rồi thầy bình dị hóa (simplifier) một hơi ra luôn kết quả, chẳng cần chia chác chi cả. Cả lớp hít hà thán phục.
Thầy Nghĩa vén tay áo xem đồng hồ, nói:
-Ê! Còn 5 phút hết giờ. Lập-bô! Lập-bô! (Repos! Repos!)

Ra về, Thứ nói với tôi:
-Giờ thầy Nghĩa dạy chằng ai dám lén phén ngoài couloir, từ Hiệu trưởng, Giám học tới Tổng giám thị. Thầy ngang tàng lắm, chẳng ngán ai hết. Vậy mà ổng nể thầy Hóa, vì một hai khi ổng cũng đi trễ. Nhà ổng ở xa mà ổng lại thích đi bộ. Mầy thấy ổng giải toán physique chưa? Số dách! Tao chịu ổng lắm: Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
-Tao cũng khoái ổng. Nhưng tao nghe đồn tụi con gái không ưa ổng. Tại sao?
-Mấy đứa con gái nghĩ ổng ưa nói tục. Mà tao thấy ổng nói chữ nào ra chữ nấy, kêu đúng tên. Lông thì ổng nói lông, trật chỗ nào? Tuần rồi tao nghe bà Kết kể là có con nhỏ học 1ère tới than với ông Kết rằng thầy Nghĩa ăn nói thô tục. Chẳng hạn: “Có cái nầy rồi làm chi đây? Đút vô đây, ch..(kiểm duyệt!) cho nó ra nước”. Thật ra, thầy giải bài toán Hóa học: chất nầy bỏ vô chất kia cho ra nước. Thầy nói đút vô là vì thầy đặt nó sau dấu égal (=) của công thức giải bài toán có chất H2SO4. Vậy chớ H2O mầy gọi là gì, không phải nước à? Chẳng qua ổng dùng tiếng Việt hơi “đặc biệt”.
Ngưng một lúc, Thứ tiếp:
-Cũng có thể do tánh ngạo đời của thầy cộng thêm óc trào phúng (humour) thích bỡn cợt. Nam sinh thì khoái rồi, còn nữ sinh thấy khó chịu cũng đúng thôi. Đằng nào đi nữa, thầy Nghĩa, thầy Ất, thầy Lược, thầy Kết cũng tròm trèm 50 hết rồi, xấp xì tuổi ông bà già tụi mình. Mấy ổng như cha mẹ, có nói gì cũng như giỡn với con cháu. Hơi đâu mà để ý, trách móc. Mấy con nhỏ lộn xộn quá!”.
-Mầy nói cũng phải. Nhưng chắc mầy đồng ý bà Kết không thể làm má tụi mình được. Bà giỏi lắm bằng tuổi chị Tư tao…
Hai đứa cùng thở dài. Coi bộ mệt cầm canh, kẹt dài dài…
*
Tin riêng của bổn báo đặc phái viên Cẩm Vân từ phi trường Bạch Mai điện về: Chiến dịch Castor nhằm đổ 5100 quân nhảy dù Pháp và 240 tấn chiến cụ xuống khu lòng chảo Điện Biên Phủ đã khai diễn đêm 20.11.1953, với 3 cuộc hành quân không vận kéo dài 3 ngày đêm. Hai lữ đoàn gồm 6 tiểu đoàn nhảy dù Pháp dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng Gilles đã an toàn nhảy xuống khu vực chỉ định sau vài cuộc đụng độ không đáng kể…”
-Thôi đủ rồi. Em đi nghỉ đi. Thầy Kết nhận tờ báo Thần Chung do Xuân xếp lại trao cho thầy.
Sáng nay, chủ nhựt nàng đọc báo cho thầy Kết nghe.
-Chủ nhựt nào cũng có mục đọc báo, Thứ rù rì vào tai tôi.
Tới bữa nay, tôi mới có dịp “thấy” nàng nguyên vẹn. Bốn mắt nhìn nhau chớp nhoáng. Xuân bước nhanh lên lầu. Thầy Kết cùng bước theo.
Hôm nay, đầu tháng, nhận được tiền của gia đình, các trọ sinh rủ nhau ra chợ mua sắm lặt vặt hoặc ăn hàng quán cho đỡ thèm. Chỉ có Thứ và tôi ở nhà bàn thảo chương trình buổi họp mặt tối nay cho mọi người trong pension, kể cả nữ trọ sinh, theo lời yêu cầu của gia chủ. Không biết từ đâu mà thầy Kết biết tụi tôi có máu văn nghệ, văn gừng.
Cơm nước xong, khán thính giả tề tựu quanh phòng khách, nam một bên, nữ một bên, vợ chồng gia chủ và đứa con nuôi Tây lai ngồi phía nữ, Thứ và tôi, phía nam.
Mở đầu chương trình, chúng tôi hoà tấu bản nhạc giựt gân thời danh Granada. Thứ guitare, tôi mandoline. La-la-la/ Là-la-lá/…chách bùm, chách bum!!! Phía nam vỗ tay bộp bộp, gõ nhịp. Xôm tụ đa nghe!
Dứt bản hòa tấu, tôi vừa dạo nhạc mở đầu xong, Thứ ra hiệu sans accord im lặng giây lát, rồi đưa hai tay lên cao, hướng mặt lên trần, đầm ấm cất giọng: Ngày nào một giấc mơ…Có tiếng thở dài từ phía nữ. Thầy Kết rảo mắt tìm kẻ phá giới…Lúc Thứ hạ giọng trầm: Hãy đớn đau vì câu chờ kiếp sau…Trăng úa màu lệ dâng ướt ngàn sao…tôi còn thấy rúng độn, huống chi phái nữ! Giai-nhân-diễm-lệ chớp chớp mắt, thầy Kết tằng hắng, khó chịu. Chưa có tiếng vỗ tay vì thầy Kết chưa…nhịp trống chầu!
Thứ ôm guitare “rải”, dẫn đưa tiêng hát tôi: Anh mong chờ mùa thu…Trời đất kia ngã màu xanh xanh lơ…Phía nữ có tiếng nuốt nước bọt. Thầy Kết quắt mắt tìm can phạm…
Màu áo xanh là màu anh trót yêu…mùa thu quyến rũ anh rồi…Thiếu-nữ-mắt-thỏ-ngọc ngẫu nhiên mặc áo xanh cúi mặt bùi ngùi. Thầy Kết trừng mắt, khó chịu thấy rõ.
Thứ rỉ tai tôi:
-Đổi nhạc hùng mạnh!
Tôi ú ớ. Không có mục nầy trong chương trình. Mấy bản nhạc hùng tôi còn nhớ: Học sinh hành khúc, Cung kèn rạng đông, Khỏe vì nước, nhưng tôi quên mất lời gốc, chỉ thuộc lời biến chế, châm chọc. Chẳng lẽ ca học sinh là người hủ tiếu ăn hai ba tô? Cũng không thể hát Ta văn minh cũng nhờ bộ râu! Càng không thể Khỏe vì nước bánh ướt tôm khô!
À, được rồi, tôi chợt nhớ ra, hùng dũng cất cao giọng: Người kỵ mã/trong sương chiều/Buông theo gió/ngựa chạy đều/Người niên thiếu/trong sương chiều/Giương đôi mắt/nhìn đường xa…Cắc-cụp-cắc-cụp!! (Tôi nhịp hai cái muỗng vào nhau giả tiếng vó câu). A-lê-hấp! A-lê-hấp! Kiếm/cung/bấy lâu/đấng anh hùng/nào đâu nề/chi sương gió/ Dung rũi trên/ đường xa/ biên cương/và quyết ra tay/ gìn giữ/nước/nhà… Cắc-cụp-cắc-cụp! Nam nữ đều nhập cuộc dậm chân cùm cụp, nhịp tay lốp bốp! A-lê-hấp! A-lê-hấp! Thầy cô cũng…dậm cẳng luôn! Cả pension vỗ tay rôm rốp, cười cười, nói nói. Lâu lắm rồi mới thấy thầy Kết vỗ tay, dậm chưn cười hả hê. Dễ gì!
Sẵn trớn, tôi búng tay trốc trốc giữ nhịp. chỉ tay về phía nữ:
-Hỡi cô nhân tình bé của tôi ơi! Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười…
Trong nhà nầy, người nữ nào bé nhứt thì…tự hiểu! Xuân đánh trống lãng, gợi chuyện với Yến. Thầy Kết hết hứng, nghiêm mặt trở lại.
Thứ khều tôi bỏ nhỏ :
-Tới bản ruột rồi nghe!
Thứ một bè, tôi một bè ráp vô, vừa êm ả vừa vang rền:
-Em/không nghe/mùa..thu/dưới/trăng /thổn thức//Em/không nghe/rạo rực/hình ảnh của chinh phu/trong lòng người cô phụ…
Cử tọa im phăng phắc. Thầy Kết lắng tai nghe, nhè nhẹ gật gù.
-Em/không nghe/ mùa…thu/lá/thu kêu/xào xạc/ Con/nai vàng/ngơ ngác/đạp/trên lá/vàng khô…
Thầy Kết vỗ tay trước nhứt. Tất cả vỗ tay theo. Thầy kêu: “Bis!”. Tất cả: “Bis!”.
Ta làm lại từ đầu. Em không nghe…Ê-xê-tê-ra…Còn nữa không nói ra!
*
Không những lớp Seconde 2 trông đợi người đẹp từ Pháp sang mà các lớp Seconde khác và lớp 1ère cũng chờ coi mặt người nữ giáo sư ngoại quốc sắp sửa đến trường giảng dạy.
Từ xa đã thấy trai anh hùng họ Đinh -Căn Nguyên, Giám học- dìu bước gái thuyền quyên Poli Pierrette. Chàng vai năm tấc rộng thì nàng cũng thân mười thước cao. Càng tới gần càng thấy chàng lép vế hơn nàng ở chỗ nàng tuy không có râu hùm nhưng vẫn có ria mép lún phún, có hàm én, có mày ngài trong khi chàng mày râu nhẵn nhụi. Chưa kể nàng có đôi chân tượng, mỗi lần xê dịch là cát bụi tung trời…Má cô lại ửng những mụn đỏ, sần sùi. Chắc vì vậy mà cha mẹ đặt tên Poli: verbe polir, chà láng. Mặt cô cần đánh giấy nhám cho đỡ sần?
Giới thiệu cô Poli Pierrette xong, thầy Nguyên giao lớp, chúc cô may mắn và thành công. Tuy to con nhưng cô Poli ăn nói rất nhỏ nhẹ, tử tế. Đang cúi đọc tên học sinh, vừa điểm danh vừa tập đọc tên Việt, chợt nghe có tiếng ngáp dài, cô ngẩng đầu xem đứa nào bất lịch sự như vậy thì bắt gặp Châu “rí” tuột giày, rung đùi. Cô yêu cầu:
-Chaussez-vous, Mr Chau! (cô đọc Châu thành Chaud).
Nghe ba chớp ba xáng, Châu tưởng cô hỏi:
-C’est vous, Mr Chau?
Bèn gấp rút trả lời:
-Non! Non! (Hổng phải tui ngáp mà!).
Cô Poli lập lại yêu cầu. Châu vẫn lắc đầu ngoầy ngoậy “Non, non!”. Cô nhắc lại lần thứ ba, nhưng nói rõ hơn, chậm hơn, dằn từng tiếng một :
-J’ai/dit/Chaus/sez/vous/Mr/Chau!
Chừng đó Châu mới hiểu ra. nhưng chỉ đáp cộc lốc:
-Ô! Chaud! Chaud!
Từ đó trở đi Châu rí vĩnh viễn trở thành Mơ-xiưa Sô (Chaud) đối với bạn cùng lớp.

Tướng đi của thầy Lược là đầu đề cho cả lớp bàn tán. Đứa nói thầy đi hàng hai, đứa cho thầy đi xàng xê, đứa cả quyết thầy bị “cán dá” chưn! Tôi thì tôi biết đó là dáng đi đặc biệt của lực sĩ cử tạ: gồ ghề, lực lưỡng theo người nầy; ô dề, cục mịch theo người nọ. Chung qui chỉ vì bắp thịt lưng nẩy nở đầy đủ nên khi di chuyển, hai tay lực sĩ như phình ra ngoài thân hình, giống như đang chuyển gân gồng mình. Danh từ “đô con” từ đó mà ra. Trông thầy Lược rất cường tráng. Có lẽ do thầy tập đúng tiêu chuẩn, đủ giờ thao luyện.
Lật sổ điểm, thầy gọi Châu lên trả bài. Mơ-xi-ừa Sô bữa nay gặp đại nạn. Châu đến gần bục gỗ, đưa tập cho thầy soát bài. Vốn ít nói, lại thêm đầu tuần chưa kịp học bài, chàng khổng lồ nói không ra lời khiến thầy “lực sĩ” cứ chận hỏi nhiều lần:
-Quoi? Quoi?
Cuối cùng, thầy vừa chỉ Châu vừa hỏi chúng tôi bằng tiếng Pháp:
-Thưa quí ông, ông nầy nói tiếng gì vậy? (Messieurs! Quelle langue parle-t-il?)
Chúng tôi cười rồ. Châu quê quá, về chỗ ngồi nói lầm bầm gì không nghe rõ. chắc than xui xẻo.
Thầy Lược đang giảng bài, đột nhiên dừng lại, hít hít mũi. Ngữi được mùi thuốc lá, thầy bước xuống bục gỗ, đứng trước bàn bureau xòe bàn tay mặt giơ lên cao, nói :
-Trò nào hút thuốc hãy coi bàn tay tôi đây. Có chịu nổi một bạt tai không?
Nhưng rồi thầy bỏ qua, tiếp tục bài giảng. Chưa nghe ai nói thầy tát tai trò nào hết. Tan giờ học, Chánh còm le lưỡi nói với Thêm (có lẽ một trong hai đứa hút thuốc khi nãy) :
-Bàn tay thầy Lược như nãi chuối cau. Ổng vả một cái chắc sệu hàm, bỏ ăn luôn!
*
Hôm nay tôi nghỉ học. Đêm qua tôi bị chảy máu cam nhiều lần, sáng dậy còn xây xẩm mặt mày. Tôi đang ngồi một mình ở bàn học, ôn bài vở, thầy Kết đến hỏi tôi có thẻ kiểm tra chưa. Thầy cho biết thầy cần tiền quan Pháp. Là học sinh đệ nhị cấp, tôi có quyền chuyển ngân hàng tháng 500 quan (cũ) đặt mua sách tại Pháp. Thầy nói thầy đang cần nhiều sách nghiên cứu chỉ có bán tại Pháp, tôi có sẵn lòng giúp thầy chăng? Làm sao tôi có thể từ chối lời yêu cầu thích đáng của thầy!
-Sẵn bữa nay em ở nhà, thầy nói, lát nữa em theo tôi ra Postes làm sổ chuyển ngân. Sao đó, em khỏi cần ra Bưu Điện, em chỉ cần giao sổ chuyển ngân cho tôi sử dụng khi cần.
Thầy đưa một số sổ chuyển ngân mang tên một số trọ sinh khác cho tôi xem để tôi khỏi e dè, do dự. Sau nầy, được học bổng sang Pháp, tôi mới thấy rõ tầm mức quan trọng của sổ chuyển ngân và tự hỏi, từ bao nhiêu năm rồi thầy Kết đã dùng sổ chuyển ngân của biết bao học sinh NĐC, tích trữ một số ngoại tệ to lớn tại Pháp để làm gì? Chắc hẳn không phải chỉ để mua sách như thầy đã nói. Ngay cả sổ chuyển ngân của tôi, thầy cũng không hề hoàn trả cho tôi sau khi thầy đã tống cổ tôi ra khỏi Mỹ Tho.
Liếc thấy cuốn “Thi nhân Việt Nam” trên bàn học, thầy Kết nhăn mặt nói:
-Em đọc chi mấy thứ đồ quỉ nầy! Loại thơ văn ủy mị đó liệng vô thùng rác là vừa. Thơ văn phải khí phách, mãnh liệt.
Thầy ngữa mặt lên trần nhà, tằng hắng sửa giọng, hét lớn Thơ Tố Hữu:
-Tung ngục tù ra, tung ngục tù ra, Ai đâu ngăn cấm được hồn ta! Thơ như vậy mới gọi là thơ. Thầy bình phẩm, mặt đỏ rần, gân xanh nổi lên hai bên thái dương, mắt long lanh, sáng rực!
Hào khí phừng phừng, thầy bước lên cầu thang nhắc tôi sửa soạn đi với thầy. Tôi thẩn thờ giây lâu, tự hỏi tại sao thầy mình quá khắc nghiệt với thơ văn lãng mạn, trữ tình. Có liên quan gì tới việc Mỹ nói với tôi đêm qua chăng?
Chiều hôm qua, Mỹ đã lưu ý tôi chớ nên ngêu ngao hai câu thơ trong “Xuân tha hương” của Nguyễn Bính: Thiếu nữ hoài xuân mơ cát sỹ, Chịu làm sao được những đêm đông.
- Bút hiệu của thầy Kết là Cát Sỹ. Mỹ giải thích,
- Cát Sỹ viết những gì? Đăng ở đâu, tôi chưa hề thấy. Tôi hỏi Mỹ.
-Tôi cũng bù trất. Mỹ trả lời.
Tôi nghĩ trong bụng, có lẽ Cát Sỹ viết cho những tờ báo quốc cấm. Chắc văn thơ người cũng long trời lỡ đất không kém thơ Tố Hữu. Tôi cũng chạnh nghĩ tới người-đàn-bà-tràn-trề-nhựa-sống đang tự trói mình với “nửa bồ xương khô” đàng sau một hành song sắt vô hình của nền luân lý cổ truyền. Liệu giai nhân có dám “tung ngục tù ra, tung ngục tù ra” chăng?
Trong khi chờ đợi ngày trọng đại đó. nàng sóng soải nằm ngủ trưa trên bộ ván gõ trước phòng phái nữ, một cúc áo cánh bật mở, một phần ngực trắng ngần ẩn hiện, nhấp nhô theo nhịp thở, hàng nút bóp bên hông quần không gài, phơi bày làn da dưới bụng trắng hếu! Một số trọ sinh trống giờ vừa bước vào cửa sau, đi ngang qua bộ ván ngựa. Giai nhân vẫn say ngủ.
Thầy Kết kéo tôi bước ra cửa trước. Giai nhân vẫn mê mệt ngủ
Tôi nghĩ thầm, tối nay nhiều nam sinh sẽ thức giấc nửa đêm giặt giũ…Tiệm thuốc bắc Thọ Nam Đường, gần rạp hát Vĩnh Lợi sẽ trúng mối to vào ngày mai: Tam Tinh Hải Cẩu Bổ Thận Hoàn sẽ đắc như tôm tươi!
*


Các biến cố chính trị, quân sự dồn dập trong năm 1953 ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt học đường trên toàn quốc. Nhằm chuẩn bị thành lập một lực lượng quân sự biệt lập với quân đội Pháp, ngày 15-7, Quốc Trưởng Bảo Đại ký đạo dụ nâng chế độ quân dịch từ 12 lên 24 tháng. Ngày 1-8, Bộ Quốc Phòng gọi nhập ngũ 100.000 người. Trường đã thiếu thầy lại sắp vắng học trò vì số học sinh từ 18 tuổi trở lên sẽ bị chi phối bởi lệnh gọi tập thể nầy. Chương trình PMS ra đời với chế độ hoãn dịch vì lý do học vấn như một hình thức động viên tại chỗ. Tất cả nam sinh trung học đệ nhị cấp đều bắt buộc tham dự các khóa Dự Bị Cao Đẳng Quân Sự nầy.
Khởi đầu, trung úy Quang và thiếu úy Vân, hai sĩ quan trẻ tuổi, đẹp trai, xuất thân từ các khóa đầu của Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, vốn là cựu giáo chức bị động viên, phụ trách huấn luyện quân sự cho trường NĐC. Vài tháng sau, địa điểm học được dời từ amphithéâtre qua “chuồng bò”, một phòng học có vách lửng tới khoảng đầu gối, nằm sau nhà thầy Tổng giám thị. Hai huấn luyện viên mới cũng trẻ tuổi đẹp trai, đại úy Đặng Như Tuyết (gốc Bến Tre) và trung úy Trần Bá Di (con thầy Vạng) đều là cựu học sinh Collège Le Myre de Vilers, tốt ngiệp Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Chương trình đặt dưới quyền giám sát của đại tá Trần Văn Minh, một sĩ quan cao cấp tốt nghiệp Trường Võ Bị Saint-Cyr, 31 tuổi, tư lịnh Secteur militaire de Mytho -tiền thân của Khu Chiến Thuật Tiền Giang- bao gồm các sous-secteurs (tiểu khu sau nầy) Định Tường, Bến Tre, Gò Công và Tân An, một khu quân sự trải dài từ Bằc Mỹ Thuận tới ranh giới Củ Chi.
Ảnh hưởng của các sĩ quan Việt Nam “trẻ tuổi, đẹp trai" với quân phục thẳng nếp, giày dép bóng lưởng, mũ cát-kết trang nhã như kiểu mũ của tài tử Robert Taylor trong phim “Điệu vũ trong bóng mờ”, lon đeo trên cầu vai vàng ánh, dáng điệu hào hoa phong nhã, oai nghiêm trên xe Jeep không phải là nhỏ với lớp học sinh có thể đeo “lon lá”. Đó là điều làm cho “người anh em phía bên kia” xốn mắt. Thế nào họ cũng phải động thủ.
Thêm vào đó, các tin tức chiến sự nóng bỏng về trận Điện Biên Phủ rất bất lợi cho phe phòng thủ. Có tin đồn rỉ tay, gây xôn xao trong hàng ngũ học sinh trường NĐC: Chánh phủ sẽ “hốt” hết học sinh trong lứa tuổi động viên, huấn luyện nhảy dù cấp tốc để “thả” xuống ĐBP. Dù thất thiệt, tin nầy lại rơi đúng thời điểm có nhiều quân nhân Pháp và VN được thả xuông tăng cường cho quân trú đóng trong “camp retranché” -lòng chảo ĐBP.
Người anh em phía bên kia ước lượng tình thế giao động trong trường NĐC đã “chín mùi” khi báo chí loan tin cứ điểm trọng yếu Huguette 7 thất thủ ngày 1-4-54.
Năm ngày sau nổ ra cuộc biểu tình “chống bắt lính”. Sáng hôm đó, cô Pierrette đang bực mình vì tiếng ầm ì do học trò chọc phá bằng cách dậm chân xuống sàn, thúc cùi chỏ vào tường giả làm tiếng đạn pháo vào ĐBP thì đột nhiên có tiếng la ó từ phía cổng chính của trường. Học sinh các lớp nhốn nháo, thầy cô ngưng giảng. Tất cả tuôn ra hành lang nghe ngóng động tịnh. Theo chân một số học sinh tràn ra sân cỏ, nhìn xuyên qua hai “portique” của dãy lầu dơi và lầu trệt, tôi thấy độ một chục nam nữ học sinh khoảng 14, 15 tuổi. Chúng dàn hàng ngang sau lưng một nam sinh độ 18, 19 tuổi, khá đẹp trai, tóc tai rất nghệ sĩ, đang ra tay ra chân đấu khẩu với thầy Vạng, thầy Nguyên và thầy Dỏi. Ba thầy cũng dàn hàng ngang trước đám học sinh đang nắm tay nhau hò hét ủng hộ cho “người hùng” đầu đàn. Không nghe rõ nội dung cuộc trao đổi quá ồn ào, nhưng tôi thấy “người hùng” đẩy ba thầy trong Ban Giám đốc qua một bên, rồi chỉ tay ra lịnh cho đồng bạn phân tán mỏng đến các lớp cổ võ bãi khóa, biểu tình chống bắt lính. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh trò xô thầy (lại là thầy trong Ban Giám đốc) và nam nữ thân thiện nắm tay nhau.
Một số học sinh hưởng ứng nhóm xách động tuôn ra cổng chánh, nhưng đa số bỏ ra cửa sau đi về, không nghe theo lời kêu gọi bãi khóa.
Đoàn biểu tình chiếm hết mặt lộ Lê Lợi, đi về hướng Ngô Tùng Châu để đến dinh Tỉnh trưởng. Tôi rảo mắt nhìn quanh: chẳng có đứa nào lớp Seconde, Première, toàn nam nữ sinh các lớp dưới. Rẽ sang đường Ngô Tùng Châu, đoàn biểu tình thưa dần. Đến gần dinh Tỉnh trưởng, đám biểu tình bị nhân viên công lực chặn lại. Phụng, tên người nam sinh lãnh đạo cùng “đồng bạn” hô to các khẩu hiệu chống bắt lính. Ông Tỉnh trưởng đến gặp lãnh tụ và đoàn biểu tình, ôn tồn giải thích chánh phủ không hề có ý định gọi nhập ngũ các học sinh trong lứa tuổi động viên đang theo học PMS. Ông yêu cầu tất cả nên giải tán, trở về tiếp tục đi học, và cam đoan sẽ can thiệp với Ban Giám đốc để không có bất cứ biện pháp kỷ luật nào với các học sinh tham dự biểu tình. Ông cũng nhấn mạnh, đoàn người không thể tiến vào khu quân sự nằm phía sau lưng ông. Phụng vẫn khư khư giữ ý định tiến về phía vùng cấm địa. Hàng rào công lực rẽ qua hai bên đường. Từ căn cứ Hài Quân, một vòi rồng cực mạnh dùng để rửa pont tàu xịt nước xối xả vào đám biểu tình. Nam nữ học sinh bỏ chạy tán loạn. Không hiểu vì lý do gì tôi lại có mặt ngay hàng đầu trong khi các bạn cùng lớp và cùng cấp chẳng có ai! Có thể vì hiếu kỳ, muốn nghe cuộc đối đáp giữa Phụng và chánh quyền. Mà cũng có thể vì chung quanh Phụng có nhiều người đẹp mà tôi muốn chiêm ngưỡng…
*
-Vậy là khoẻ rồi! Nghỉ xả hơi dài hạn…
Tư -hỗn danh Tư “ngây”- vừa choàng vai tôi kéo đi vừa nói, sau khi đọc thông cáo của trường treo lủng lẳng trên song sắt cổng trường ( “…tạm ngưng hoạt động cho tới khi các điều kiện thuận lợi cho phép mở cửa trở lại…”).
-Đâu có học hành gì mà mầy phải gấp rút về “tu viện” Hùng Vương. Tư nói tiếp. Mầy lại đằng tao chơi, tao giới thiệu cho mầy một người đẹp rất dễ thương. Bảo đảm hai đứa bây sẽ tâm đầu ý hiệp.
Thả bộ trên đường Lê Lợi. rẽ qua Ngô Quyền, chúng tôi dừng bước trước một biệt thự sơn màu gạch, kiến trúc tân thời, trước sân có trồng một cây…liễu rũ! (Trời hỡi!)… Tư dẫn tôi lên lầu.
Mười lăm phút sau, chỉ còn tôi và người con gái buồn như liễu rũ (Trời ạ!) đang cúi mặt lặng lẽ khóc sau làn cửa khép kín. Tư “ngây” và Lài, bạn cùng trọ, đã khéo léo kiếu từ chúng tôi kéo nhau đi…xin xâm, để mặc người con gái mắt đẫm lệ vẫn âm thầm cúi mặt lặng lẽ khóc không thành tiếng. Tôi không nhớ rõ đã nói gì với người con gái mười lăm phút trước đó. Tôi bị phân tâm trước hình hài ủ dột, vừa xa vắng vừa lôi cuốn của nàng. Hình như chúng tôi đã bàn bạc về cuộc biểu tình ngày hôm qua, ước lượng thời gian trường tạm đóng cửa và các dự tính nếu trường đóng cửa dài hạn. Qua câu chuyện, tôi được biết nàng tên Dung, cùng quê Bến Tre và cùng học lớp Đệ Ngũ với Lài.
-Cũng như anh, Dung có mặt ở hàng đầu và bị vòi nước xô ngã, quần áo ướt mem. Trong nhà trọ nầy chỉ có mình Dung đi theo đám biểu tình. Vì buồn quá, đi cho khuây khỏa.
Giọng nàng trong như chuông ngân, dễ cảm, ưa nghe. Nàng thường cúi mặt khi nói, nhưng khi nhìn lên thì lúc nào nước mắt cũng lưng tròng.
-Sao Dung ủ rũ, thê lương quá vậy? Liệu tôi có đáng tin cậy để Dung trút bớt phần nào nỗi cay đắng của Dung chăng?
Nàng tiếp tục im lặng khóc. Em chỉ nói rằng đời em buồn, Rồi em nức nở lệ sầu tuôn…
Tôi đứng lên khỏi đầu ghế bố, đối diện với đầu ghế bố nàng đang ngồi, rút khăn tay, nâng cằm nàng lên lau nước mắt và…không hiểu sao tôi nâng hẳn nàng đứng lên, môi tìm làn môi ngon như kiếp nào, khi còn là bụi sao, hai đứa đã chờ nhau, đã tìm nhau. Hẹn em từ muôn kiếp trước. Nhớ em mấy thuở bạc đầu…
Nụ hôn đầu đời…Không nồng cháy, không thiêu đốt. Nhưng môi kề môi như hai đầu dây điện chạm nhau nẩy lửa, đẩy tôi ngã bật về phía sau, nằm thiêm thiếp gần như bất tỉnh trên ghế bố! Coup de foutre? Quả thật tôi vừa bị sét đánh!
Bằng những giọt lệ nồng ấm rơi xuống mắt môi tôi, nàng đã thực sự bước vào đời tôi. Bước đầu trên lộ trình tiền định : Ngô Quyền-Hùng Vương.

Hôm sau, chúng tôi đưa nhau ra Ngã Ba Trung Lương, đến một vườn mận với những chùm trái sai oằn đỏ ửng trên cành. Nàng tựa lưng vào thân cây, vu vơ nhìn trời xanh, sắc diện đã phần nào tươi tỉnh hơn.
-Em mồ côi cha mẹ từ lúc 8 tuổi. Nàng bắt đầu kể. Em và đứa em gái ở với gia đình anh hai em. Người thanh niên mặc quân phục vừa bước ra khỏi nhà trọ lúc anh mới đến hôm qua là Đạt, cùng quê và là láng giềng của em. Hai đứa quen nhau gần một năm nay. Anh hai em biết được chuyện nầy nên đã ngăn cấm em. Gia đình Đạt cũng dọa sẽ từ Đạt nếu anh ấy còn tiếp tục liên lạc với em. Đạt tình nguyện vào quân đội và dự tính sẽ đem em đi xa để sống chung. Nhưng vì không muốn làm anh Hai em buồn, bởi anh đã hy sinh quá nhiều cho đại gia đình, em đã từ chối đề nghị của Đạt. Rồi anh đến…
-Vì sao gia đình hai bên lại ngăn cản? Tôi hỏi.
Nàng không trả lời, nưóc mắt bắt đầu chảy dài trên má. Tôi dùng môi lau nước mắt cho nàng, ôm nàng hôn thật lâu, ngăn chặn tiếng nấc vừa chớm nở. Tay tôi e dè di chuyển trên thân hình tuyệt mỹ của nàng, mê mẩn sờ soạng, cuống quít ghì siết.
-Đừng anh…Nàng nói qua hơi thở dồn dập. Với Đạt, em đã trót…
Trời đất như quay cuồng quanh tôi. Vòng ôm của tôi nhẹ nới lỏng, rồi chầm chậm siết chặt hơn. Nước mắt lại tuôn trào, nàng gục đầu vào vai tôi. Không! Tôi không muốn nghe, tôi không muốn biết những gì tôi vừa mới thoáng nghe, mới thoáng biết. Tôi yêu nàng.Tôi cần nàng. Chúng tôi cần nhau. Nụ hôn đầu. Tình yêu đầu.
-Anh yêu em. Tôi vuốt nhẹ làn tóc phủ lưng nàng, thì thầm. Em yên tâm, anh sẽ mãi mãi bên em.
Dung ngước nhìn tôi hân hoan, nhưng thay vì mỉm cười nàng lại bật khóc. Hai chiếc khăn tay của nàng và của tôi đẫm ướt, không còn thấm lệ nữa. Tôi để yên cho nàng gục khóc, ướt cả ngực áo hai đứa.
Nhẹ nâng mặt nàng lên, vén gọn các lọn tóc xoã phủ mặt nàng, tôi vỗ về: Em nên điểm phấn tô son lại, Ngạo với nhân gian một nụ cười..Rồi tôi dìu nàng đến chỗ dựng hai chiếc xe đạp.
Nắng vẫn còn đẹp vô cùng, lỗ đỗ rụng xuống thảm mận hồng bao quanh các gốc cây.
*
Hai tuần sau, trường NĐC mở cửa lại. Các lớp Seconde và Première thiếu vắng học sinh, không phải vì bị bắt bớ, bắt lính. Một số gia đình khá giả cho con em sang Pháp du học (như Chánh còm, Trung hói), số khác tình nguyện vào quân đội (như Louis-nước-cơm-chắc, sau nầy thành một sĩ quan nhảy dù lập được nhiều chiến công…)
Tưởng đã yên. Nào ngờ một buổi sáng đầu tuần tháng 5, Phụng tái xuất giang hồ. Anh ta đã vượt qua các trạm kiểm soát dẫn vào thành phố Mỹ Tho bằng cách cải trang: hớt tóc brosse, đeo kính cận dầy cộm. Đoàn “tùy tùng” nam nữ cũng cải trang: áo bà ba, khăn rằn. Họ liều lĩnh xông vào cửa sau của trường, kêu gọi bãi khóa để tẩy chay trường NĐC đã ăn cánh với chánh quyền đàn áp học sinh “yêu nước”. Vài nhóm lẻ tẻ trên lầu bỏ lớp xuống đứng xa nhìn Phụng và nhóm xách động. Cảnh sát, công an án ngữ các cổng. Phụng và các đệ tử trèo tường tiếp cận với “chuồng bò” tẩu thoát. Hôm sau, trường NĐC đóng cửa cho tới khi có lịnh mới.
Dung và tôi bàn tính “né” Mỹ Tho về Bến Tre, quê nàng. Chúng tôi tức tốc về quê Dung.
Các trọ sinh Hùng Vương lần lượt thu xếp hành trang về quê mẹ. Tôi nấn ná ở lại, viện cớ nhà chưa gởi tiền để thanh toán các món nợ ăn chịu ở các hàng quán khu rạp hát Vĩnh Lợi. Thật ra tôi chưa rời Mỹ Tho chỉ vì Dung.

Nhà Dung ở cạnh Sở Thú Bến Tre. Sau khi chào ra mắt anh Hai nàng, nói vội vã đôi ba câu chuyện, hai đứa dắt nhau ra phố ăn trưa. Sau đó tôi đưa nàng đến nhà thủy tạ, có cây liễu rũ la đà mặt nước, chụp ảnh nàng với suối tóc buông xõa bên cành liễu rũ. Kể từ hôm đó, với tôi Dung là Nàng Liễu …
Suốt ngày, nàng đã kềm giữ nước mắt cho đến buổi chiều, khi tôi sắp trở về Mỹ Tho : nàng khóc nhiều đến nỗi tôi nghĩ rằng nàng linh cảm sắp mất tôi.
Xuống xe, ngoài mọi dự tính, chờ đợi, tôi bất ngờ chạm mặt Xuân! Nàng đi mua vé để ngày mai về quê. Cho tới lúc đó, tôi chưa một lần trực diện nàng mà chỉ có hai đứa. Không ai dòm ngó, canh chừng, rình rập, tại sao tôi không đến gợi chuyện với nàng, tôi tự nhủ. Lại một bất ngờ nữa: chúng tôi cùng quê Vĩnh Lợi (Bạc Liêu)! Nàng biên địa chỉ trao cho tôi. Và thẹn thùng mớm ý, ngày nào tôi quay về cố quận thăm ông anh đầu quận của tôi thì, sẵn dịp, ghé thăm nàng!
Bước đầu trên lộ trình tiền định hình như có dấu hiệu chuyển tiếp bước thứ hai sang ngã rẽ Hùng Vương:hai lần trường đóng cửa đã đem tôi đến gần một Nàng Liễu ủ rũ rất quyến rũ, trong tầm tay; và một Nàng Xuân tươi thắm đang hé nụ, tưởng đã ngoài tầm vói.
*
Pension Hùng Vương tái hoạt động sau khi trường NĐC mở cửa lại vào đầu tháng 9. Kỳ thi Tú tài I vừa qua, 3 trong 4 trọ sinh Hùng Vương đã thi đậu, trong số có hai anh làm rạng rỡ ngôi trường và cả pension Hùng Vương: Mỹ đậu Tối Ưu, Tiến đậu Ưu, với Lời Khen của Ban Giám Khảo (Avec les Félicitations du Jury). Cả hai, sau đó được học bổng của chánh phủ Pháp sang tiếp tục học ở Paris. Hải nhỏ cũng đậu. Bốn bộ mặt mới điền khuyết chỗ trống: Lâm Võ Huỳnh, Trần Kim Qui học Seconde và 2 cậu bé vừa mới trúng tuyển vào Đệ Thất.
Ban giảng huấn của 2 lớp Première (từ 3 lớp Seconde của năm trước dồn lại vì sĩ số giảm sút) gồm các thầy cũ ở Seconde (thầy Ất, thầy Lược), thêm 2 thầy mới (thầy Kết, Pháp văn, thầy Chung Tốt, Anh văn). Thầy Tốt cao lớn, vạm vỡ, luôn ăn mặc tươm tất, cà vạt hẵn hòi. Học sinh 2 lớp Première vừa nức lòng vừa lo sợ trước kết quả rực rỡ của Mỹ, Tiến. Nức lòng vì hãnh diện, vì hy vọng. Lo sợ vì viễn ảnh không mấy sáng sủa đang chờ đợi mình. Nhiều anh chi “ở lại lớp” (redoubler) Première 2, 3 năm mà đi dự thi vẫn phải trở về tay không! Lý do: điểm loại môn Pháp văn. Vai trò của thầy Kết đương nhiên tối quan trọng đối với học sinh 1ère của trường. Có lẽ vì thế mà thầy rất nghiêm khắc. Gần 2 tháng học với thầy, hầu như không ngày nào lớp Première 2 không nghe thầy dằn vật, đay nghiến “ngu như bò, ăn cám sú…” v.v…
Dẫu chưa lần nào bị thầy rầy la tại lớp, tôi vẫn xót xa khi chứng kiến các bạn tôi bị mắng chửi. Tôi không thể quên lời xác quyết của thầy với Lê Tài Sinh:
-Trò mà thi đậu, tôi sẽ cõng trò chạy 3 vòng thành phố Mỹ Tho!
Tôi ứa nước mắt. Đã bị liệt tay, sao thầy không thương cảm cho Sinh “què”. Đã không khuyến khích, sao thầy nỡ đan tâm mạt thị một đứa tật nguyền, bất hạnh. May cho Sinh mà rủi cho thầy, vì cuối năm đó Sinh, Thứ, Văn, Tiên, Trung “quắn” và tôi đều “qua ải”!
*
Chiều hôm ấy hàng dừa lảo đảo
Liễu rập mình ảo não duyên em
Tiền giang dậy sóng ngữa nghiêng
Mưa theo nước mắt ướt liền mấy khăn.
Thẩn thờ trên ghế đá công viên Lạc Hồng, tôi thầm đọc những câu thơ ghi trong nhật ký 3 tháng trước đây, ngày tôi đưa Dung đến đứng bên bờ sông, ở khúc rẽ giữa sông Tiền và sông Bảo Định, phóng mắt nhìn về hướng chùa Vĩnh Tràng, nơi hò hẹn thường lệ của hai đứa. Nơi đó,cùng tựa lưng lên “thân phượng vĩ hằn sâu vết khắc” hai chữ LD xoắn tít vào nhau, lần giở “trang học trò ướp xác pensée” chúng tôi đã làm thơ liên hoàn:
Vĩnh Tràng mộng vẫn còn mê
Trung Lương ngày đó đi về có nhau…
Chiều hôm đó, cơn mưa sụt sùi kéo dài hai ba ngày liền vẫn chưa dứt hột, ảnh hưởng của trận bão rớt. Như mọi lần hẹn hò khác, gặp mặt vui mừng quá nàng cũng rơi lệ. Nhưng khi tôi gục đầu thú nhận với Dung về mối ràng buộc tình cảm của tôi với Xuân, sau lần gặp nàng ở Bạc Liêu, hè vừa qua, cơn mưa lệ hân hoan phút chốc trở thành cơn mưa bão thảm não. Bao nhiêu khăn tay của tôi mang theo cũng không đủ để chậm nước mắt cho nàng. Tôi gắng gượng giải thích với Dung về sự giằng co trong tôi giữa nàng và Xuân. Tôi không thể dứt khoát. Không phải tôi tham lam. Tôi cực kỳ đau đớn…
-Em hiểu. Nàng ngắt lời phân trần của tôi. Anh không cần giải thích nữa. Em hiểu. Anh ráng thuyết phục Xuân đến nhà trọ Ngô Quyền cho em gặp. Em sẽ thu xếp mọi việc êm đẹp. Dẫu sao em cũng lớn tuổi hơn Xuân, đã quen đau khổ…Và còn đủ sức chịu đựng hơn cả anh nữa! Em sẽ ra đi…
-Không! Không thể nào anh xa em được.
-Anh không lay chuyển được em đâu. Em không hờn giận, trách cứ gì anh. Em vẫn yêu anh, và vì còn yêu anh nên em phải ra đi. Em sẽ giữ mãi trong lòng những kỷ niệm đẹp của chúng ta, nhứt là về khoảng thời gian em đến với anh ở Vĩnh Long. Anh chuyển lời em thăm ba má, anh Hai, chị Tư và Kiệt. Anh nói với má em không bao giờ quên má và hôn má dùm em. Nếu quả thật anh vẫn còn yêu em thì xin anh đừng theo em. Thôi, em đi…
*
-Mấy trò nên đi coi Hô-li-đai-ông-ít-xờ (Holiday on ice) ở Sàigòn. Thầy Kết hớn hở tới bàn học nói với trọ sinh chúng tôi vừa trở lại trường sau khi về quê ăn Tết. Rất đẹp mắt. Mấy cô biểu diễn tài tình. Nhứt là trò Lộc và trò Thứ ham thích văn nghệ càng nên đi coi, bỏ qua rất uổng.
Sáng hôm đó, khi các trọ sinh chưa thức giấc, tôi lén đưa thư hẹn Xuân cuối tuần, ở Sàigòn. Núp núp, lén lén gặp nhau mãi, khi Vĩnh Tràng, khi Trung Lương, khi ở nhà bạn Xuân, hai đứa cũng bị căng thẳng thần kinh.
Chúng tôi kín đáo sắp xếp tỉ mỉ để không ai nghi ngờ. Ngay cả Thứ cũng không biết, dù Thứ cùng đi Sàigòn với tôi. Trưa thứ bảy, vừa tan học, hai thằng leo lên xe lô Minh Chánh đi Sàigòn liền. Vài tiếng đồng hồ sau, Xuân mới rời Pension cùng hai nữ trọ sinh Yến, Hương.
Nàng và tôi gặp nhau ở tiệm kem Phi Điệp. Trông Xuân khác hẳn, rất “con gái”, bớt vẻ “nhi đồng”. Một phần do nàng mặc áo dài màu thiên thanh tha thướt, mang giày cao gót và có trang điểm đôi chút.
Tôi đưa nàng đi thăm viếng các nơi trong thành phố, khi ngồi taxi, lúc đi xe buýt, trước khi chia tay nàng ở rạp hát Việt Long, gần khu Bàn Cờ, nơi nàng tạm trú với Yến, Hương, nhà bà chị ruột của bà Kết, vợ nhà văn kiêm nhà báo Phi Vân. Một chuyến du ngoạn vui vẻ, hoàn toàn “lành mạnh”. Tối hôm đó hai đứa tránh mặt nhau lúc xem trượt tuyết mỹ thuật.
Sáng sớm hôm sau, Chúa nhật, nàng và hai cô bạn trở về Mỹ Tho. Thứ và tôi đến chiều mới về tới nhà trọ. Vừa mở cổng trước, tôi chợt thấy thầy Ba ra hiệu cho tôi vòng qua ngã bên hông:
-Nguy rồi cậu ơi! Thầy Ba rù rì vừa đủ cho tôi nghe. Thằng Tựu nó cạy rương cậu và rương cô Xuân cho ông bà Kết tịch thu thư từ của cô cậu gởi cho nhau.
Tôi chết điếng người.
*
Cả tuần nay, thầy Kết tra vấn tôi về nội dung những lá thư tôi viết cho Xuân, thư nào cũng chấm dứt bằng câu “Kính cẩn quỳ xuống hôn tay Hoàng Hậu”!
-Trò có hôn tay Xuân không?
-Dạ em chưa hề nắm tay Xuân.
-Tại sao viết hôn tay mà chưa nắm tay?
-Dạ…em bắt chước tài tử Errol Flynt kính cẩn quỳ xuống…
-Láo khoét! Tôi sẽ đưa em ra tòa về tội dụ dỗ gái vị thành niên. Ngày mai, tôi sẽ nói với trường đuổi học em liền. Tôi sẽ đánh điện tín kêu anh của em lên đem em đi khỏi nhà tôi. Còn Xuân, tôi cũng sẽ nhắn Ba nó lên gấp, đem nó về Cà Mau trị tội. Phen nầy cho nó mang chài mang lưới mạt kiếp luôn. Cha mẹ cho ăn học, không lo học hành, bày đặt tư tình lộn xộn. Riêng em. tôi cho em nghỉ học luôn để có thì giờ mặc sức viết thư tình!
-Dạ…em có gặp ba má Xuân ở Bạc Liêu. Thấy em tính chuyện tiến tới làm lễ đính hôn, hai ông bà cũng tán thành…
-Câm họng! Đó không phải là ba má ruột của Xuân. Họ không có con nên xin Xuân làm con nuôi.
Từ hôm đó, thầy cấm tôi đến trường, bảo Tựu nghỉ học canh chừng tôi. Xuân bị quản thúc trên lầu, dưới sự canh giữ cẩn mật của bà Kết.
Hôm sau, thầy Ba mếu máo tới từ giã tôi. Thầy rũa ông bà Kết không tiếc lời và khuyên tôi chớ có xuống nước năn nỉ ỉ ôi cái thứ “cà xốc nước”, kiêu ngạo, tàn nhẫn, cậy thế ỷ quyền hà hiếp người dưới tay. Thầy cho biết chẳng những thầy Kết đuổi thầy ra khỏi nhà mà còn đuổi thầy về Đức Hòa “đi hốt cức trâu”, vì “ổng” đã can thiệp với trường La-san cho thầy nghỉ việc.
-Tội nghiệp cho cô Xuân và cậu. Đầu xanh vương khổ hận! Cô cậu có làm gì quá quắc đâu mà ổng bả nỡ xuống tay hãm hại không thương xót.
*
Mấy ngày liên tiếp, tôi không ăn ngủ gì được hết. Các trọ sinh đều né tránh tiếp xúc với tôi, ngoại trừ Thứ. Chính Thứ đã can đảm giữ dùm tôi những lá thư rất “mùi” của Xuân may mắn thoát khỏi trận “bố ráp” của thầy Kết, vì tôi đã bỏ các thư nầy trong áo bờ-lu-dông mang theo lúc đi Sàigòn.
Tôi chỉ còn thấy mặt Xuân những lúc nàng xuống lầu tắm giặt, dưới sự bám sát của Lang Anh. Tôi không cách nào liên lạc với nàng, chì còn biết nhờ Dì Ba chuyển lời. Vô tình tôi lại hại dì: tôi giả vờ xuống bếp xin chén cơm nguội lót dạ; dì Ba làm như không thấy tôi, phớt tỉnh lẫm bẫm như tự nói với mình:
-Xuân nói cứ yên tâm. Xuân biết lo mà!
Không may, lúc đó Lang Anh đang rình ngoài cửa. Thế là giông bão nổi lên tức khắc. Bà Kết réo dì lên lầu, tru tréo…Theo chân thầy Ba, sáng hôm sau dì Ba thút thít khóc từ giã tôi. Dì bị đuổi việc. Từ đó, Xuân và tôi hoàn toàn bị cách ly…Đã có yêu nhau là đến thế, Đừng về Chiêm Quốc nhé Huyền Trân!
*
Người đàn ông, vẻ mặt khắc khổ, đứng khoanh tay nơi phòng khách trên lầu, chờ tôi:
-Dạ thưa bác. Tôi cúi đầu chào.
-Em quỳ xuống! Thầy Kết nạt lớn. Không được kêu bác. Phải thưa ông, xin ông tha tội.
“Tội gì?”, tôi thầm tự hỏi. Nhưng cũng vâng lời thầy, quì xuống.
-Em lạy ông, xin ông tha tội. Thầy Kết nhắc tuồng.
-Dạ, con lạy ông…
-Không được! Thầy Kết chen vào. Phải nói: cháu lạy ông.
-Dạ, cháu lạy ông, xin ông tha tội.
“Tội gì?”. Tôi tự hỏi thầm lần nữa. Tại sao bắt tôi phải cúi lạy? Nếu có phải lạy thì tôi cần lạy Dung xin tha tội bất tín. Cùng lắm, tôi có thể lạy giai-nhân-mắt-ươn-ướt vì đã vô tâm không đáp ứng lòng trìu mến của nàng, lạy thầy Kết để tạ ơn chỉ gíáo. Nhất tự vi sư…Chứ tại sao buộc tôi phải lạy cha của Xuân xin tha tội, chỉ vì tôi viết thư bày tỏ tình yêu của tôi với Xuân, con của ông?
Người đàn ông, trạc tuổi thầy Kết nghiêm mặt phán:
-Con tôi hư thân mất nết. Tôi đem nó về dày đọa cho nó biết thân. Còn cậu, tôi nói rõ cho cậu biết, sau nầy dẫu cậu có là tỷ phú đi nữa, cậu cũng đừng hòng tôi gả con gái tôi cho cậu. Cậu mau đi khuất mắt tôi, đồ lãng mạn vô tích sự!
Ngần ấy thứ nhục nhã, chỉ vì tôi viết thư tình cho người nữ cùng ở trọ, ngoài phạm vi trường học.
Nhiều đêm trăn trở, tôi cố tìm hiểu vì sao thầy Kết và phu nhân đã đối xử với tôi quá đáng như vậy. Có lẽ đoán được nỗi lòng u uất và sự phản kháng ngầm của tôi, thầy Kết bắt đầu dịu giọng với tôi.
-Tương lai em còn dài, thầy Kết đến tận chỗ tôi nằm dỗ ngọt. Sau nầy, em thành tựu trên đường công danh sự nghiệp, tôi sẵn sàng xem em như một người bạn, một người bạn vong niên. Tôi không muốn tương lai em bị bế tắc. Thầy nói tiếp khi thấy tôi chẳng có phản ứng nào. Tôi và anh của em sẽ bàn tính sao cho em khỏi phải mang tiếng bị đuổi học.
Tôi vẫn nằm im, bất cần. Thầy nản chí, bỏ đi. Tôi chỉ mong chờ ở thầy một việc, mà tôi nghĩ bất cứ ông thầy nào có tình nhân ái và lương tâm chức nghiệp với học sinh phải làm. Đó là: đập cho tôi một trận nên thân, khuyên bảo tôi tạm gác chuyện tình ái lăng nhăng, chăm chú học hành trước đã…Tôi nghĩ, thầy Lược, thầy Ất, thầy Nghĩa và các thầy khác sẽ hành sử như vậy nếu bắt gặp tôi viết thư tình cho con em các thầy.
Tôi rời Mỹ Tho với tâm trạng đau đớn ê chề, lạc hướng. Hai mối tình đẹp như mơ, tưởng chừng như chỉ có trong tiểu thuyết, vừa chớm nở đã tan tác như hồi kết một chuyện phim đẫm lệ…Thế rồi cuộc đời là, Những cuộc tình chia xa, Đi lạc vào những phía không đường về…
Trên vùng đất hiền lành được ôm ấp, vỗ về quanh năm bởi hai dòng sông trữ mộng –sông Tiền và sông Bảo Định- người tình đầu tiên đã thoát khỏi vòng tay ôm của tôi trên bến phà Rạch Miễu…Đưa người ta không đưa sang sông, Sao có tiếng sóng ở trong lòng…Và người yêu cuối cùng cũng bị bức rời khỏi bàn tay nắm của tôi, vốn rất vụng về…
Em đừng quay lại nhìn anh nữa, Anh biết em đi chẳng trở về…
*
Tống cổ tôi ra khỏi trường NĐC rồi, thầy Kết lụp chụp rời đám học trò cuối niên học đó, về Sàigòn leo lên ghế thanh tra. “Tư dinh Phan Đình Phùng lại nối nghiệp nuôi pension, qui tụ một số trọ sinh Hùng Vương cũ, trong số có Thứ -lúc bấy giờ học Math. Élem., tôi, Philo. trường Chasseloup-Laubat).
Đang chuyện trò với Thứ bên kia lề đường, đối diện với nhà trọ, tôi cúi đầu chào thầy Kết và phu nhân vừa bước lên xe, có tài xế riêng. Hai vị chẳng buồn chào trả.
Ngay chiều hôm đó, Chúa nhật, đến thăm thằng bạn từ Vĩnh Long lên ở trọ nhà ký giả Phi Vân, tình cờ tôi chạm mặt Xuân, đang cùng đi vô nhà với giai-nhân-mắt-ươn-ướt. Bà Kết lạnh lùng, tôi chẳng có gì ngạc nhiên. Nhưng sắc diện và cung cách của Xuân lúc đó, nếu không biểu lộ sự kinh tởm cũng cho thấy sự lạnh lùng tàn nhẫn với tôi.
Nàng nào biết vì nàng mà tôi đã gần như cuồng điên suốt mấy tháng khi bị ép buộc “chuyển trường” về Phan Thanh Giản Cần Thơ, theo sự dàn xếp tài tình, ma thuật của thầy Kết: anh tôi được “thuyết phục” xin cho tôi thôi học để chuyển về Cần Thơ cho gần nhà. Nàng cũng nào biết, vì nàng mà anh tôi đã dần tôi một trận đòn nhừ tử đến mang sẹo ngay khi hai anh em về tới Vĩnh Long, vì tội đã làm anh mất mặt với ông thầy cũ!
Bị lăng nhục, bắt quì lạy, bị tống khứ, bị ăn đòn, bị ông anh khắc lên ngực hai chữ “vô cảm” -để răn đe tự hậu chớ có “ái tình lăng nhăng”- sắp điên loạn…Ngần ấy nhục hình tôi phải hứng chịu để sau đó thầy Kết dẫn nàng lên trường Gia Long tiếp tục học -chứ không phải về Cà Mau “mang chài mang lưới”! Thái độ thản nhiên của Xuân cho thấy thầy Kết đã thành công trong việc tẩy não Xuân.
Với Xuân, tôi chẳng có gì trách cứ, oán than. Tôi vẫn còn tha thiết yêu nàng nhưng nhận ra từ nay trở đi Xuân sẽ mãi mãi ngoài tầm tay tôi…Thì thôi người cứ yên tâm nhé, Tôi chẳng bao giờ dám nói đâu.
Tôi chạnh nghĩ đến Nàng Liễu. Thương thay cho Dung đã bị tôi phủ phàng ruồng bỏ! “Đáng đời mầy chưa Lộc?”. Tôi nghẹn ngào ân hận, tức tưởi hối tiếc …
*
Tôi thấy mặt thầy Kết lần chót khi tôi thi chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa. Lúc bấy giờ tôi đang học Đại học Sư phạm Đà Lạt, ban Triết.
Việc thầy theo CS sau biến cố Tết Mậu Thân, đối với tôi không có gì đáng ngạc nhiên. Dịp Tết, đến chúc Tết cụ Tết, thầy Kết toa rập Liên Kết với Đại Đoàn Kết cho tới chết! Câu nói tuy nặng tính chất khôi hài nầy thực ra diễn tả trung thục một tiếp nối hợp lý hệ tư tưởng của thầy Kết. Cả việc thầy ngồi ì ra đó, sau khi chức vụ Tổng trưởng Giáo dục “hàm” của thầy tự nhiên tan biến cũng chẳng có gì lạ: Một hệ lụy.
Dẫu sao thầy vẫn là thầy cũ của tôi. Không lúc nào tôi không kính trọng thầy. Đó là lễ nghĩa. Nhưng tôi không thể nào mến phục thầy. Đây là tấm lòng. Đằng nào đi nữa, tôi cũng chỉ xin nói ra hết tự sự để rồi gạch bỏ vĩnh viễn –faire une croix dessus.
Từ ngày rời trường NĐC, tới nay tôi không có dịp gặp lại tất cả các thầy đã dạy tôi, ngoại trừ thầy Phạm Văn Lược mà tôi có dịp may làm việc dưới quyền. Cho tới giờ nầy, tới lúc viết các dòng chữ nầy, tôi vẫn một lòng kính trọng và mến phục thầy. Tôi chỉ đau lòng là lúc thầy mất, tôi không hay vì đang ngồi tù “cải tạo” CS. Tôi học được ở thầy Lược các đức tính kiên nhẫn, liêm khiết, trung thực và, trên hết mọi thứ -quan trọng nhứt: lòng nhân ái.
Ngày nào có thể về thăm quê mẹ, chắc chắn tôi sẽ tìm cách liên lạc với thân nhân các thầy đã khuất núi -kể cả thầy Kết- để biết nơi các thầy an giấc ngàn thu, hầu đốt lên nén hương lòng tưởng nhớ công đức dạy dỗ của các thầy.
*
Lần sau cùng tôi liên lạc được với Nàng Liễu là lúc tôi toan tính bỏ học “đeo lon vàng” nhảy dù hoặc lái tàu xuống miệt U Minh để giải cứu Nàng Xuân mà tôi nghĩ đang bị đày đọa “mang chài mang lưới”. Chao ôi! Thuở ấy sao tôi nhiều nhiệt huyết đến thế!
Sau khi viết gần một chục lá thư về nhà trọ Ngô Quyền mà không được hồi âm, tôi đánh một điện tín vắn tắt cho Nàng Liễu: “Lộc hấp hối!” Một tuần sau, tôi nhận được thư phúc đáp:
…ngày..tháng…năm…
Bạn,
Tôi nhận đủ tất cả thư bạn gởi, do Lài chuyển giao. Tôi cũng biết chuyện đau buồn của bạn qua Lài.Tôi không thể đến với bạn, dẫu tôi biết hiện giờ bạn rất cần một người bạn như tôi. Nhưng tôi tin bạn thừa khả năng và ý chí chỗi dậy sau khi bị xô ngã.
Bạn còn nhớ đã vỗ về tôi thế nào khi tôi khóc chứ? Tôi còn nhớ bạn kể đã có lần bạn bị lăng nhục, lúc ở Vĩnh Long. Bạn đã chỗi dậy được. Tại sao lần nầy bạn lại cúi đầu, xuôi tay?
Nghe tôi đi bạn! Nếu bạn còn nuôi hy vọng gặp lại Xuân, trước hết bạn phải thành công trong kỳ thi sắp tới:
“Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy
Giam hãm thân trong cảnh nặng nề
Vẫn để hồn theo người lận đận
Vẫn hằng theo dõi bước anh đi”
Bạn của bạn,
ký tên: Nàng Liễu
T.B. Bạn đừng viết thư cho tôi nữa. Tôi không thể nhận vì tôi đang cần sự yên lặng để tĩnh tâm.

Thư mang dấu ấn bưu điện Mỹ Tho. Đó là lý do tôi trở lại nhà trọ đường Ngô Quyền dò la tông tích Nàng Liễu. Đoạn tái bút khiến tôi nghĩ nàng đi tu. Tôi đến chùa Phật Ân, mô tả: người ấy tướng tá không cao không thấp, hình vóc không ốm không mập, gương mặt không tròn không dài, tiếng nói thật trong như chuông ngân, nhứt là cặp mắt lúc nào cũng như đầy nước mắt. Trong chùa chẳng có ni cô nào có hình dáng như tôi mô tả. Đến chùa Vĩnh Tràng cũng y như vậy…Em ơi bây giờ em ở đâu? Góc biển hay rừng sâu?
ngày xưa em qua đây
cho tình tôi chớm nở
như chân chim muôn thuở
in mãi bậc thềm rêu.
***
Lần cuối tôi trở lại Mỹ Tho vài tháng trước khi Sàigòn mất tên. Cùng với Kiệt và một số cộng sự viên, chúng tôi rủ nhau xuống Mỹ Tho ăn hủ tiếu Phánh Ký, ghé thăm L.V.B. Chánh Sở Học Chánh sở tại, trước khi sang Bến Tre tìm dấu chân chim cố nhân Nàng Liễu.
Đảo một vòng thành phố Mỹ Tho, sau 20 năm rời bỏ:
Qua đường Ngô Quyền: Hỡi người tình xa xăm! Có buồn ra mà ngắm, Con đường thảnh thơi nằm, Nghe chuyện tình quanh năm…
Qua đường Hùng Vương: băng ghế trước nhà vẫn còn đó nhưng biệt thự đã đổi chủ.
Qua bến bắc Rạch Miễu: Dừng chân trên bến sông xa vắng, Chạnh nhớ tình ta trong phút giây.
Con đường dẫn vào thành phố Bến Tre, tuy đã nới rộng hơn xưa nhưng vẫn còn thơ mộng, với vườn dừa ngút ngàn hai bên đường.
Mới hôm nào tôi đưa Dung về quê…Vèo một cái đã hơn 20 năm!
Sở Thú không còn thú, công viên không còn cây lá xanh tươi như xưa. Ghé nhà nàng; cửa đóng then gài. Im ắng, vắng lặng. Gọi mãi không nghe ai trả lời.
Đến nhà thủy tạ: vẫn cây liễu rũ năm nào. Mơ màng thấy lại suối tóc nàng rũ cùng cành liễu la đà mặt nước hai mươi năm trước…
anh không cất tiếng mà nghẹn ngào dâng nước lụt
anh vươn mình nguyệt bạch vỡ trên vai
ôm em vào lòng tình ái nát trong tay
anh thèm khác mê điên hằng hà sa mạc

Từ văn phòng Sở Học Chánh Kiến Hòa của cựu cộng sự viên N.H.A. bước ra, đột nhiên tôi thấy nàng! Nàng đang ngồi trên ghế đá công viên, tóc buông xõa, mắt nhòa lệ nhưng miệng vẫn cười tươi, áo quần trắng nữ sinh. Đúng là nàng thuở 15, buổi đầu tôi gặp ở nhà trọ Ngô Quyền. Cuống quít chạy nhanh về hướng công viên, tôi gọi lớn: “DUNG!”
-Dạ, chú gọi con cháu có việc chi ạ?
Cô nữ sinh đứng lên cúi chào tôi, trả lời.
-Sao lạ vậy? Sao Dung nói tiếng Bắc?
-Dạ, thầy me cháu di cư đến đây lập nghiệp từ lúc cháu chưa ra đời. Chú cần gì cháu ạ?
-Xin lỗi! Tôi lầm. Xin lỗi! Xin lỗi!
bàng hoàng bấy mộng đâu mộng lạ
ước hẹn xưa tưởng đã vùi chôn
chợt nghe gió rít bên cồn
làm xao xác lá dậy hồn em xưa

Hình ảnh cuối về Nàng Liễu thoáng hiện trên Xứ Dừa một chiều nắng hiền hòa vẫn còn đậm nét trong ký ức gầy hao của tôi, đêm nay trên xứ người.
con chim thời nhỏ bay ngang rồi
mùa đông trời thêm rét thương ôi
bao nhiêu hờn tủi bao nhiêu lệ
đêm trắng khuya già qua đơn côi

Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết
-Lê Tấn Lộc-
_____________________________________


Người viết xin chân thành cảm tạ các bạn đồng môn, đồng nghiệp đã góp ý và giúp đỡ kiểm chứng một số biến động đầu thập niên 50 mà ký ức người viết có phần nhạt nhòa sau hơn nửa thế kỷ…
Đặc biệt, hai bạn VõTrung Thứ và LVB đã thường xuyên chia sẻ những xúc động ngút ngàn của người viết khi tìm về miền quá khứ.
(Montréal, mùa thu 2008–LTL-)