Sunday, September 28, 2008

ECCE HOMO!

Sổ tay hành trình (III)

”ECCE HOMO!”
Voici l’homme!”.
“Nầy là người!”
(Jn 19, 5)
*Đêm Canh Thức với Cha Trợ Úy Aimé Đỗ Văn Thông:
Vậy anh em hãy canh thức vì anh em không biết
ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24, 42)

.ngày 6 tháng 9 năm 2008
Mười ba tháng trước, sau sáu tháng dằn vặt nội tâm, với nguy cơ lạc hướng trên đường hoán cải vì khủng hoảng niềm tin, sau cùng tôi quyết định tham dự tĩnh tâm. Lần đó, suốt Mùa Phục Sinh, sau khi tự đưa lên bàn mổ xét mình không khoan nhượng, với lời thú nhận thường xuyên Mea culpa! Mea culpa! Mea maxima culpa!...tôi đắn đo, run sợ trước khi “can đảm” xin…khấn tạm, ngày 5 tháng 8 năm 2007…. Bây giờ nghĩ lại, tôi nghiệm ra chính lời nhắn nhủ: “Anh em cũng vậy, hãy coi như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su ” (Rm 6, 11) đã giúp tôi vượt qua cơn sợ hãi để kiên tâm tiếp tục con đường tu đức với Anh Chị Em Dòng Phan Sinh Tại Thế…
Đêm nay, mười ba tháng sau, tôi lại khiếp đảm dữ dội hơn lần khấn tạm nữa, khi bước vào nhà nguyện dọn mình canh thức, chuẩn bị khấn hứa trọn trong Thánh lễ ngày mai. Lần nầy cơn bất ổn nội tâm kéo dài gần suốt năm với những “biến động” ngoài dòng đời, có khả năng làm tôi mất luôn Niềm Tin! Nhưng rồi tôi nhận ra các biến cố sôi động đó nằm trong những “đường lối Chúa khôn dò khôn thấu”, như để thử thách lòng “kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự” của tất cả con cái Chúa, không riêng gì cho cá nhân tôi…
Cho nên, khi những cây nến được các khấn sinh-canh thức “thắp sáng lên” từ ngọn nến Phục Sinh trong tay Cha Trợ Úy Aimé Đỗ Văn Thông, sau lời huấn đức trầm ấm mang nhiều tính chất khuyến nhủ hơn răn đe của người (“Đừng sợ! Không ai toàn hảo nên phải thường xuyên tự tu sửa, hoán cải”; “Muốn theo Chúa, phải chịu thiệt thòi, phải chấp nhận hy sinh: Khiêm tốn, khiêm hạ, khiêm nhường mà…không tốn, không hạ, không nhường thì làm sao khiêm được!”), tôi thú nhận đã vấp phạm hầu hết những sai sót người nêu ra những lúc gần đây trong hàng ngũ tín hữu!
Những ánh nến được thổi tắt cùng lúc. Bóng đêm bao trùm mọi vật trong Thinh lặng tuyệt đối. Tâm hồn lắng động, tôi tin rằng đã có những tiếng thổn thức được kềm giữ, những giọt nước mắt âm thầm nhỏ xuống trong đêm đen…trước khi các ngọn nến được thắp sáng lại, xua tan bóng tối “luyện ngục”: vài khuôn mặt còn lưu dấu ngấn lệ…
Thánh ca Kinh Hoà Bình của Cha Thánh Phan-xi-cô được các khấn sinh-canh thức xướng lên trong niềm xúc động rạt rào…
Suy gẫm Lời Chúa, tôi thì thầm: “Con Người đến không phải để giết mà để cứu chữa” (Lc 9, 56)“cứu chuộc kẻ hư mất” (Lc 19, 10)…

*Lời cảm tạ Cha giảng phòng Phêrô Trần Minh Bạch:
Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới cả.
Thế giới cũ kỷ đã qua đi và nầy một thực tại mới mẻ đã ló dạng” (2 Cor 5,17)

.ngày 7 tháng 9 năm 2008
Thưa Cha,
Vốn “nhỏ bé thôi” lại thường hay“lạc đường” mỗi lần họp mặt với ACE -ngay cả khi đi dự những kỳ Tĩnh Tâm- tên cúng cơm Lê Tấn Lộc của con bèn được ACE ưu ái biến cải thành “Lê Tấn Lạc…Đường”! Ấy thế mà hôm nay bỗng dưng con được “đẩy” ra đại diện ACE, phát biểu vài cảm tưởng cùng ngõ đôi lời cảm ơn Cha! Cho nên, nếu con phồng mũi vì cảm thấy mình “lớn quá xá”, nói năng “trật chìa”, suy diễn lạc đề, lạc nẻo thì…cũng xin Cha thương tình tha thứ cho kẻ lâu nay đã bị cố tật… lạc đường!

Thưa Cha,
Đề tài giảng phòng “Giê-su, con của người”, do Cha chọn, nội dung vừa thần học vừa triết học tương đối cao so với số đông ACE trong Dòng PSTT, nhưng với tài năng và sự thông hiểu uyên bác, Cha đã thành công trong việc chuyển đạt thông điệp huấn đức đến ACE chúng con bằng một ngôn ngữ vừa tầm lãnh hội (langage accessible) của mọi người. Qua cách diễn giảng rất nhẹ nhàng nhưng rất cô động và thâm sâu của Cha, chúng con nhận ra vấn đề vẫn còn nguyên vẹn để chúng ta cùng suy gẫm và nhập tâm: Giêsu vừa 100% con (của) Thiên Chúa [Jésus-Fils de Dieu] , vừa 100% con (của) Người [Jésus-Fils de l’Homme] -Người viết hoa, trong nghĩa Người Toàn Hảo, lý tưởng tối thượng mà mọi con-người-tạo-vật phải chiêm ngưỡng và vươn tới để thành đạt.
Thú thật với Cha và với ACE, trước khi bước lên máy vi âm, con bị ám ảnh bởi câu trích dẫn Lời Thiên Chúa trong Cựu Ước: Ta tạo con người theo hình ảnh Ta, và giống Ta . Và bởi lời Cha diễn giải: Nhưng chúng ta đã để cái “giống Ta” sút khỏi tay, nên chúng ta chưa hẳn là con người đúng nghĩa…Con lo, vì chưa hẳn là con người hình thành trọn vẹn, có thể với khối óc phôi thai còn ở thời kỳ động vật bò sát (cerveau reptilien), con không nói được ngôn ngữ thông thường của loài người, mà nói tiếng lạ hoắc làm Cha và ACE “bật ngửa”, bất tỉnh nhân sự! Nhưng tự nãy giờ không thấy cử tọa có dấu hiệu ngất xỉu, con vững bụng có thể tiếp tục…

1- Một trong những điều tương đối mới lạ với ACE Dòng PSTT là được nghe Cha trình bày về Tâm Nguyện, phảng phất ít nhiều hơi hướng Thiền. Và sau đó được Cha hướng dẫn thực tập THINH LẶNG HOÀN TOÀN trong Nhà Nguyện. Để rồi sau đó ACE trao đổi những“kinh nghiệm” - hay những kinh hồn tán đởm? - rất ư sôi nổi:
Có lẽ phần nào ảnh hưởng bởi phần Cha trình bày khai triển về Thân-Tâm-Trí-Tuệ, chuẩn bị Tâm Nguyện, một ACE phát biểu rằng mình đã có lần cảm thấy đạt tới mức “bay bổng” (état de lévitation!?) trong khoái cảm “extase”(!?)… Xin cho con góp ý về điểm nầy:
Cần phân định rạch ròi “Extase”, hiểu như Niềm Vui Sâu Đậm (Joie Profonde) cảm nghiệm qua tình trạng “siêu nhiên” Xuất Thần trong Cực Kỳ Hoan Lạc (Tọa Thiền Nhập Định, nói theo quan điểm Phật Giáo) -mà ngay cả trong hàng ngũ các thánh nhân, các thiền sư, các vị ẩn tu (ermites), các bậc chân tu cũng ít người đạt tới- với tình trạng “lờ lững, bồng bềnh” trong “tột khoái”, thường hay bị ngộ nhận là “Huệ” (illuminé?), dẫn tới hậu quả là “trật đường rầy” : không phải “extase”, mà là “égarement”(mê loạn, mê lầm); không phải Hoan Lạc mà thực ra là Lạc Lối, Lạc Hồn, Thất Thần -nói nôm na là bị Tẩu Hỏa Nhập Ma!
Riêng con, khi nhắm mắt, thinh lặng…con hơi “rét”, cái rét tương tợ như cái “lạnh người”khi ngước mắt nhìn lên trời cao: Sự im lặng vĩnh cửu của không gian vô tận làm tôi kinh sợ – “Le silence éternel des espaces infinis m’effraie!” (Blaise Pascal, Pensées). Có thể con cảm thấy “Thần khí linh thiêng” thâm nhập vào xương tủy mình tương tợ như Hàn Mạc Tử xưa kia, khiến thi sĩ phải kêu lên: “Maria! Linh hồn con ớn lạnh, Run như run thần tử thấy long nhan!” chăng? Có điều, nào ai dám tự hào “thấy” được Nhan Chúa, bởi vì:
Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ
nhưng Con Một là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”
(JN 1, 18)
Điều nầy cho con thấu rõ hơn lời Cha giảng: Không ai và không việc gì có thể ở ngoài Chúa Giê-su Ki-tô! Không ai có thể khơi khơi “lên trời” hỉ hả. Chỉ có trên trời xót thương “xuống thế” cứu chuộc: Ơn Mặc Khải, Ơn Cứu Độ, theo con nghĩ, nên cảm nhận từ điểm khởi then chốt nầy. Và đây cũng là điều mà con nghĩ ACE/PSTT chúng con, hơn ai hết phải nhập tâm, vì đó là nền tảng của đức khiêm nhường…
Từ đó, con suy ra sự khác biệt giữa thời gian của Thiên Chúa và thời gian của tạo vật mang tên người. Triết gia Henri Bergson, trong Tiểu luận về những dữ kiện trực tiếp của ý thức - “Essai sur les données immédiates de la conscience” trước đây và sau nầy trong Tiến hoá sáng tạo -“L’évolution créatrice”- đã phân biệt “thời gian” (temps) và “kỳ gian” (durée). Thời gian vật lý của bản ngã xã hội (moi social) chia cắt, đo lường được. Kỳ gian tâm lý của bản ngã thâm sâu (moi profond) bao gồm một chuỗi khoảnh khắc (instant) liên tục, không thể chia cắt để đo lường, kéo dài liên tục thành “đà sống” (élan vital). Và trực giác (intuition) là phương cách hiểu biết duy nhất có thể bắt gặp kỳ gian và đời sống. Bởi vì, theo triết gia Bergson, Đặc tính của trí tuệ là sự tự nhiên không hiểu biết về đời sống: “L’intelligence est caractérisée par une incompréhension naturelle de la vie”.
Với con người, thời gian làm bằng những thời điểm, những giây phút, những thời khắc (moments). Cho nên chúng ta mới thiếp lập thời khóa biểu (emploi du temps).
Với Thiên Chúa thời gian là KHOẢNH KHẮC (Instant), chớp nhoáng xuất hiện (instantanément apparu), phủ chụp xuống tạo vật mà tạo vật cao trọng nhất là con người, vì là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng vĩnh hằng (éternel): một khoảnh-khắc-chớp-nhoáng-trường-cửu-kéo-dài-đà-sống. Khoảnh khắc vĩnh viễn đó đến với con người qua mặc khải (révélation).
Sở dĩ con người thường oán trách Thiên Chúa trước những bất công, bất toàn, là bởi chúng ta “mất kiên nhẫn”, quá sốt ruột nên đã nhầm lẫn tai hại: lấy thời gian-con người bình giải kỳ gian-Thiên Chúa! Coi chừng phạm sự thánh “trần tục hóa Thánh Linh và thánh linh hóa Trần Tục” đấy! Tưởng nên suy gẫm Lời Chúa dưới đây:
Quả thế, ý nghĩ của Ta không phải là ý nghĩ của các ngươi,
và đường lối của Ta không phải là đường lối của
-Sấm của Yavê
Vì trời cao hơn đất,
cũng vậy, đường lối của Ta vượt hơn đường lối của các ngươi,
và ý nghĩ của Ta vượt hơn ý nghĩ của các ngươi”
(Es 55, 8-9)
Bởi các lẽ trên, con nghĩ rằng muốn tiếp cận và “làm một” với Thiên-Chúa-đến-trong-Khoảnh-Khắc, chúng ta không thể đến với Ngài qua thời-gian-vật-lý-bên-ngoài của bản ngã xã hội mà nhất thiết phải qua thời-gian-tâm-lý(hay tâm linh)-bên-trong của bản ngã thâm sâu. Do đó, phương thức cầu nguyện hữu hiệu nhất vẫn phải là Tâm Nguyện: ứng dụng phương thức tuần tự “sâu lắng” Thân/Tâm/Trí/Tuệ (thân an, tâm lạc, trí sáng, tuệ rạng ngời), tạm gác ngoại giới sang bên, đặt thế giới trong dấu ngoặt - “mettre le monde entre parenthèses”, nói theo cách hiện tượng luận (Ý tưởng chỉ đạo cho một hiện tượng luận thuần túy và một triết học hiện tượng luận – Edmund Husserl, “Idées directrices pour une phénoménologie pure et une philosophie phénoménologique ”).
“Thinh lặng để lắng nghe”, như Cha hướng dẫn. Qua tâm nguyện, tâm sẽ trong sáng. Mà Tâm trong sáng thì Ý trong lành. Và con nghiệm ra, như Cha Trợ Úy đã nói trong Đêm Canh Thức: Đến với Chúa phải chấp nhận thua thiệt. Quả thật: Ở đâu có nhiều vật chất, ở đó có ít tinh thần. Ở đâu có nhiều tinh thần, ở đó có ít vật chất - “Là où il y a beaucoup de matière, il y a peu d’esprit. Là où il y a beaucoup d’esprit, il y a peu de matière.” (Vật chất và Ký ức – Henri Bergson, “Matière et Mémoire”). Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn kẻ giàu sụ là thế!

2- Vì Giê-su vừa là Thiên Chúa vừa là Con Người (đặc điểm chuyên biệt của đạo Công Giáo) và vì tạo vật mang tên người đã lạc mất đặc tính giống Thiên Chúa, con người phải lột lớp da vẩn đục do vướng mắc vào vòng tội lỗi để tìm về Thiên Chúa qua hoán cải, bằng phương thức “đi thụt lùi”, tìm về cội nguồn nguyên thủy: Lột xác -biến hình- để nhận ra yếu tính (essence) thánh-thiện-giống-Thiên-Chúa của mình, khó nhìn thấy đằng sau lớp vỏ hiện hữu (existence) dễ nhìn thấy: Điều thiết yếu (cốt lõi của mọi sự) không thể thấy bằng mắt (“L’essentiel est invisible aux yeux”, Antoine de Saint-Exupéry, Le Petit Prince).
Về khoảng đi thụt lùi nầy, xin Cha và ACE cho con khai triển đôi chút:
Là người tân tòng, trước khi được thanh tẩy làm con cái Chúa, con thường được hỏi: Anh đạo không? (ý hỏi con có phải là người Công giáo chăng). Câu trả lời, dĩ nhiên là: Tôi không có đạo hoặc tôi chưa vô đạo (vẫn theo ý là đạo Thiên Chúa). Sau khi nhận bí tích thanh tẩy, nếu có ai hỏi, câu trả lời sẽ là: Có, tôi có đạo hoặc tôi mới vô đạo hay tôi mới được rửa tội…Sau đó, nếu có ai hỏi nữa hoặc khi đề cập vấn đề nầy, con sẽ trả lời hoặc phát biểu như sau: “Tôi trở lại đạo”. (Chứ không còn nói tôi vô đạo nữa).
Y như rằng, ngay từ đầu con đã có đạo…Có đạo nên mới trở lại đạo, đúng chăng?
Lời huấn đức của Cha (Không ai và không việc gì có thể ở ngoài Chúa Giê-su Ki-tô) vô cùng xác đáng!

3- Trong quá khứ, dù đến với Dòng PSTT tương đối muộn màng, con cũng đã nhiều phen thực hiện chuyện “đi thụt lùi”, nhưng cũng nhiều lần lùi lạc hướng, trật đường rầy, do thân chưa an, tâm chưa lạc nên trí làm sao sáng suốt được, nói chi tới tuệ ngời sáng!
Tuy nhiên con không ngã lòng, vẫn kiên tâm dò dẫm, điều chỉnh lộ trình đi lùi, với sự trợ lực của ACE và dưới sự linh hướng của Cha Trợ Úy. Lần tĩnh tâm nầy, những lời huấn đức của Cha thêm sức cho con tiếp nối quyết tâm tự sửa thường xuyên để không ngừng hoán cải. Dĩ nhiên tội lỗi vẫn còn trĩu nặng đôi vai, nhưng cậy vào lòng thương xót Chúa, con nghĩ rằng con vẫn còn có thể cứu vớt được (vẫn còn “récupérable”), chưa đến độ hết thuốc chữa hay thầy chạy. Cha Trợ Úy thường hay nhắc nhở và động viên ACE chúng con: Điều cốt yếu không phải là “sạch” tội mà là có thiện chí “Đi” trên đường hoán cải hay chăng. Không ngồi lại một chỗ, không dặm chân tại chỗ, phải đi, đi mãi, đi không ngưng nghỉ… cho đến khi tới đích đã theo đuổi, nhắm tới!
Con nghĩ rằng, với lần khấn hứa trọn đời, từ nay trở đi con sẽ không còn lạc đường nữa trên đường tu thân và trên đường tìm về cội nguồn nguyên thủy, với ước nguyện được tái sinh như một tân tạo vật càng lúc càng tiến dần đến con người trọn vẹn như khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên theo hình ảnh Người và giống Người…

Một lần nữa, xin thay mặt ACE Dòng PSTT chân thành cảm tạ Cha đã không quãng ngại đường xá xa xôi đến sinh hoạt với Dòng chúng con và đã dành cho chúng con những buổi huấn đức vô cùng bổ ích và hữu hiệu trong lần Tĩnh Tâm đặc biệt đáng cho ACE chúng con ghi nhớ lâu dài.

Pierrefonds, Xứ Tuyết, mùa hè 2008
Lê Tấn Lộc, pstt

Friday, September 5, 2008

LOẠN HẦU












LOẠN HẦU

Đang đêm pháo nổ vang như sấm,
Chợt tỉnh cơn mê, vẫn bẽ bàng :
Gì như lũ khỉ đang say đắm
Múa nhảy mê điên “khúc khải hoàn”?

Một, hai, ba, bốn…toàn độc khỉ
Nện gót quân hành vễnh mặt cao.
Hịch truyền: «Hỡi giống người thô bỉ !
Cả nước ngày nay thuộc chúng tao ».

Sĩ phú, xa phu chung một cũi,
Văn nhân, đồ tể xếp cùng đôi,
Y trang: đồng phục dành cho hủi,
Mõm vỗ, răng nhe, tộc lọ nồi.

Thôn ngôn, dăm chú “hầu nhập tịch”*
Khọt khẹt ta đây cũng hệ Tề !
Địa cầu trăm họ mang xiềng xích,
Chính khách* lăm le trích máu thề…

Hầu vương “vượn” miện uy nghi lắm,
“Tề” thống nêu cao, “khỉ” phách cao:
«Ba quân phủ phục nghe lời trẩm:
Ra sức thi đua dệt mộng “hầu”! »

Địa dân trộm liếc TỀ THIÊN TỬ
Trợn mắt, phùng mang nhát thứ dân,
Cau mày phán xuống: «Loài nhân dữ!
Hỏa ngục chờ bây, lũ thất thân!»

“Ba mươi”*, chính khách* như cầy sấy,
Địa huyết còn mang, đứng chết trân !
Non cao, bể thẳm không đường chạy,
Tự sát: ươn hèn, sống: bất nhân…


Quân-công-cán-chính đều “đăng ký”,
Tủi nhục đành cam, tức cũng câm.
Không cưỡng, không bàn, không cãi lý,
Thức nhiều đôi mắt đã quầng thâm…


Sàigòn, ngày 30 tháng 4 năm 1975**
Lê Tấn Lộc

Ghi chú: 1/* cách mạng 30; thành phần thứ ba. 2/ **Ghi lại theo trí nhớ để kỷ niệm lần bị nhốt conex khi tác giả bị ăng-ten tố cáo đã «truyền khẩu bài thơ bôi bác cách mạng»!
(Xứ Tuyết, 30.4.2008 -LTL-)

Thursday, September 4, 2008

Lối suy nghĩ và cách hành sử...

Phiếm “loạn” (2):

Tản mạn về cung cách biểu lộ tâm tính qua

lối suy nghĩ và cách hành sử…

Phật tức tâm, Phật chứng tại lòng,
Tâm tức Phật, lòng thành có Phật.

“Câu chuyện giữa Hòa Thượng Thích Phước Huệ và Phật tử Diệu Đức. Đâu là sự thực?”. Bài tường thuật nội vụ trên Việt Luận, ngày 22.8.2008, vừa khởi đăng phần đầu đã gây phản ứng dữ dội về phía độc giả và vài người làm công việc truyền thông -Phật tử cũng như không Phật tử. Đặc biệt, một vài vị thuộc hàng tăng sĩ đã hùng hổ nhập cuộc. Ủng hộ cũng như chống đối -thậm chí hù nhát, hâm dọa, văng tục- đều có. Việt Luận, như từ trước đến nay, đã và sẽ đăng tải tất cả ý kiến từ mọi phía, tán đồng cũng như phản bác, ngoại trừ những góp ý thiếu thanh nhã, thô lổ, sỗ sàng kiểu hàng tôm hàng cá…Bởi vì, như toà soạn đã minh định ngay từ đầu, Việt Luận chỉ làm công việc tường thuật, dành quyền phán quyết đúng sai cho công luận. Và câu hỏi “Đâu là sự thật?” đã xác định ý hướng không thể phủ nhận của tờ báo: Việt Luận cũng như độc giả và các cơ quan truyền thống -thực sự làm công việc truyền thông- chỉ muốn tìm hiểu sự thật về câu chuyện phạm pháp và phạm giới giữa một tu sĩ và một nữ tín đồ, căn cứ trên một số tài liệu mà toà báo nhận được, với lời yêu cầu -và với sự cho phép của đương sự- phổ biến các tài liệu vạch trần chân tướng của một tăng sĩ cao cấp lâu nay được giới mộ đạo sùng kính như một bậc tu hành toàn thiện, với thư cam kết sẵn sàng trả lời trước pháp luật về những gì người gửi trưng ra như bằng chứng về sự thông dâm “động trời” nầy!

Tôi nghĩ đã đến lúc tạm đúc kết để tạm đưa ra nhận định trước khi tạm ngưng cuộc tranh luận “lời qua tiếng lại” giữa hai bên, bên chủ trương tiếp tục tố giác trước công luận, bên tiếp tục cổ võ bao che, khỏa lấp, xù bài…
Thiết nghĩ không cần trích dẫn dài dòng các ý kiến đối chọi giữa hai bên, vì đằng nào Việt Luận cũng đã và sẽ đăng tải, đúng tinh thần làm báo: mở diễn đàn…
Để giáo đầu, xin nêu ra đây 2 bản tin ngày hôm nay (3 tháng 9/2008)của hãng thông tấn AFP liên quan tới vụ phạm giới (đối với đạo), phạm pháp (đối với đời):
*một ở Sydney với một linh mục hồi hưu, bị truy tố và bắt giữ về 60 vụ xách nhiễu tình dục “ấu dâm” (pédophilie) mới đây và 33 vụ trước đó, mà đối tượng là các em từ 10 tới 18 tuổi, trong suốt thời gian ông hành sử chức linh mục. (Tin nầy chắc chắn các báo ở Úc nói riêng và khắp thế giới nói chung đều đã đăng tải).
*một ở Hồng Kông: «Một tu sĩ Phật giáo nhìn nhận trước tòa án Hồng Kông là đã lưu giữ những tài liệu ấu dâm tại ngôi chùa của ông sau khi Interpol phát giác ông đã “tải xuống” những hình ảnh từ một website bất hợp pháp, theo một tờ báo địa phương loan tin vào hôm thứ Tư 3/9/2008.
Ông Chow Yee-cheong, 41 tuổi, nhận tội trước tòa vào hôm thứ Ba vừa qua là đã lưu giữ 413 phút phim ấu dâm và 85 bức hình.
Cảnh sát đã đột nhập vào chùa của ông hồi tháng 5 và được ông cho biết là đã mua những dĩa và tải xuống những hình ảnh từ Internet để thỏa mãn sự “hiếu kỳ và thèm khát nhục dục” của ông, tờ South China Morning Post tường thuật như thế.
Quan tòa John Glass cho biết ông Chow đã vi phạm một tội “rất trầm trọng” và sẽ phải bị ngồi tù, đồng thời ông Chow đã được trả chi phí cho các dịch vụ cố vấn ngay tại ngôi chùa của ông.
Quan tòa cho biết ông Chow lưu giữ một số lượng lớn hình ảnh các trẻ em làm tình và các hành vi dâm ô khác.
Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ ông Chow sau khi nhận được tin tức tình báo của Interpol như là một thành phần trong các cố gắng hợp tác quốc tế mà năm rồi nhờ đó một tổ chức tại Anh chuyên bán tài liệu ấu dâm trên website bị dẹp tan.
Các nạn nhân trong trường hợp này toàn là những em bé gái tuổi từ 6 lên đến 16, mà nhìn qua những hình ảnh thấy các em đang bị những người đàn ông trưởng thành lạm dụng tình dục, cảnh sát đã cho tờ Post biết như thế.»

Hai vụ nầy trong hàng trăm vụ khác được đưa ra ánh sáng và truy tố trước pháp luật, chưa kể hàng ngàn ngàn vụ khác còn trong bóng tối “được” bao che, khỏa lấp, ém nhẹm với chiêu bài “nhân danh nầy nọ” bảo toàn đạo pháp cùng thinh danh các tu sĩ, nhưng thực chất là xảo thuật tinh vi “cả vú lấp miệng em, lấy thịt đè người”, mị dân hết sức vụng về nhưng hết sức nguy hiểm vì có thể đưa đến âm mưu xách động quần chúng bạo hành người cầm bút tha thiết với nghiệp vụ truyền thông. Bởi vì nhóm chủ trương dịch vụ nầy nhắm vào các phần tử cực đoan, quá khích, cuồng tín, rất dễ bị lung lạc. Tôi nghĩ rằng ai đã có dịp chứng kiến phản ứng của một ít người vốn không hề có thành tích hay triệu chứng hung hăng bị đám đông lôi cuốn trong các vụ bạo động, dấy loạn (émeute) sẽ thấy rõ mức nguy hại của việc kích động, rỉ tai xúi bẩy đám đông mất tự chủ đốt phá…

Trở lại mục tiêu của bài viết -tạm đưa ra nhận định trước khi tạm ngưng cuộc tranh luận- xin chuyển một số câu hỏi dưới đây tới quí ngài lập luận khó hiểu rằng đưa ra trước công luận những vụ phạm giới, phạm pháp của vài vị bất xứng trong hàng giáo phẩm hay trong giới tăng sĩ là đả phá Công giáo hay Phật Giáo:
1- Trước 2 sự kiện bất chính được phanh phui trong 2 bản tin mới đây của AFP, giáo dân hay phật tử sẽ hoan hỉ có người “làm sạch đống rác nặng mùi” trong giới tu sĩ hay là cảm thấy bị xúc phạm trong tín ngưỡng của mình? Họ cảm thấy được giải thoát khỏi những lo âu, hồi hộp trước viễn tượng con em mình có thể là nạn nhân của những kẻ bị tình dục ám ảnh (obsédés sexuels) những tay chuyên săn mồi tình dục (prédateurs sexuels) luôn tìm mọi cách thỏa mãn những thác loạn dục tính (aberrations sexuelles) của mình nhưng lại ẩn núp sau làn áo an toàn, khả kính “nhà tu” hay là họ xả thân binh vực những con sâu làm rầu nồi canh, rồi đâm ra căm thù, tìm cách triệt hạ những người tố giác các tệ đoan xã hội?
2- Tố giác một linh mục “lệch lạc”, một sư ông “săn mồi” là phạm tới Đức Phật, tới Thiên Chúa sao, hở quí vị “bảo hoàng hơn vua, công giáo hơn cả Đức Giáo Hoàng”? Xem nào! Chẳng lẽ quí vị cả gan đồng hóa ông Sư với Đức Phật, ông Cha với Thiên Chúa? Ông Sư chỉ làm Phật sự hướng dẫn thiện nam tín nữ noi gương Phật qua Kinh Phật. Ông Cha chỉ làm công việc mục vụ hướng dẫn tín đồ đến với Chúa qua cách sống theo Phúc Âm thôi. Gọi là Sư vì sư làm phép qui y nhân danh Đức Phật cho tín đồ trở thành Phật tử. Gọi là Cha vì cha nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ban phép thanh tẩy cho giáo dân trở thành con cái Chúa. Chứ thực ra Đức Phật đối với phật tử, Thiên Chúa đối với người công giáo, mới đích thực là Bậc Thầy chính danh! Chớ nào phải Ngài Thượng Tọa hay Ngài Hồng Y đâu! Dám đưa ra luận chứng “đụng tới Cha là đụng tới Chúa, đụng tới Hoà Thượng là đụng tới Phật” thì…mới đúng là phạm sự thánh, mới thực sự đắc tội phạm thượng “trần tục hóa thánh thần, thần thánh hóa trần tục” đấy quí ngài “xả thân bao che” ạ!
3- Nữ thí chủ Diệu Đức đắc tội vì phạm giới gian dâm với Đại Lão Hòa Thượng Thích Phước Huệ. Dư luận chắc chắn lên án gắt gao người phụ nữ đã có chồng còn ngoại tình, mà lại thông gian với một “đấng tu hành” nữa, rồi lại làm rùm beng lên khi bị ruồng rẫy, bất chấp danh giá của gia đình. Nhưng bà chỉ là một phật tử thường. Tội của bà, bà chỉ phải trả lời trong lãnh vực đời nhiều hơn trong lãnh vực đạo. Vả lại bà đã cất tiếng xin lỗi toàn thể phật tử. Nhưng vị đại lão hòa thượng kia không thể vô tội vạ, trái lại còn vạn lần đắc tội dan díu với một nữ tín đồ đã có gia đình. Nếu ngài là nạn nhân của một chuyện vu oan dóa họa thì ngài phải có trách nhiệm lên tiếng cải chính. Bằng không thì, ngoài việc trả lời về hành vi phạm giới “động trời” của mình trước Quyền Lực Thiêng liêng của Phật Pháp, trước tập thể con Phật mà ngài là đấng “thượng toạ” -ngồi trên. ngài còn phải trả lời trước công luận về hành vi bất chính của một bậc tu hành. Đó là chưa kể ngài còn phải chịu trách nhiệm trước Công Lý của Xã hội loài người về hành vi phạm pháp phá hoại gia cang cùng lúc với người đàn bà ngoại tình, nếu người chồng đau khổ kia thưa kiện. Xin hỏi quí ngài “bao che”: Nếu đại lão hoà thượng không đủ dữ kiện đưa ra lời minh chứng mình vô tội thì, theo lẽ công bằng, một khi nữ thí chủ kia đã nhận lỗi, ngài phải có bổn phận lên tiếng xin lỗi, nếu không với công luận thì ít ra cũng với giới Phật tử. Đúng không? Hay vì ngài là Thượng Tọa nên được miễn?
4- Chẳng hay quí ngài “muốn khoả lấp” đã trưng ra được bằng chứng cụ thể, khoa học nào, do các chuyên viên pháp định kiểm chứng là các hình ảnh cùng bút tích về vụ Diệu Đức-Phước Huệ là ngụy tạo, là gán ghép chưa? Nếu chưa thì quí vị quá hấp tấp đến độ nông cạn, cường điệu khi quả quyết, ngay trang đầu, chạy tít lớn (gros titres):“Bà Diệu Đức với thủ đọan cực kỳ thâm độc: tự bêu xấu mình để hại người”… “Nhiều tấm hình ghép không phải là hình thật! (…) Bà Diệu Đức đã nói dối”(Chiêu Dương #5960, Thứ bảy 30.8.2008). Cho hay, có nhiều phương cách bao che, khoả lấp, xù bài bảo vệ “đối tượng nhất bộ nhất bái”của mình, nhưng vội vã quá sẽ lộ tẩy ta cực kỳ hăng say cứu giá, đâm ra khó coi, lố bịch nữa là khác!
5- Không hiểu quí vị “tấn công” nữ thí chủ Diệu Đức cảm nghĩ thế nào khi đọc “Thư gửi bà Diệp Hoàng Nga của Thượng Tọa Thích Viên Chơn” đề ngày 2 tháng 9/2008, chứ cá nhân tôi, tôi phát run…dùm cho người nhận thư gửi nầy. Bởi vì cái mũ Ma Vương phá hoại Phật Giáo nó to lớn đến độ có thể chụp hết mọi cái đầu đã đả động tới “danh dự” của HT/TPH vì, theo Thượng Tọa chạm tới Hoà Thượng là chạm tất cả phật tử, là đả phá Phật Pháp! Ô hô! Ô hô! Chả nhẽ T.T. dám bạo miệng đồng hoá vị H.T kia với Đức Phật? Còn luận chứng nào phủ chụp trơ trẽn hơn nữa chăng? Dám hỏi T. T. Thích Viên Chơn , Đức Phật có bao giờ chấp nhận trong hàng ngũ tăng ni những phần tử phạm giới trầm trọng đi thuyết pháp, truyền bá tư tường Phật giáo, mà một trong răn giới tuyệt đối là…diệt dục chăng? Câu trả lời sẽ là cả Phật lẫn Chúa đều chẳng thế dung dưỡng những thành phần còn nặng mùi tục lụy như thế trong hàng ngũ những bậc chân tu đi rao giảng đức tin. Trái lại, che chở, dung nạp các phần tử vô hạnh như thế mới thục là rủ Ma Vương đến quấy rối đạo hạnh, khuyến khích bọn quỷ đến phá nhà chay đấy quí Thượng Tọa!
6- Đọc bài “Tình pháp duyên tăng của cận sư nữ Diệu Đức” của ông Thiện Anh Lạc (chữ in nghiêng là của tác giả) tôi lại toát mồ hôi lạnh. Dám hỏi tác giả ngụ ý gì khi gán cụm từ cận sư nữ cho nữ thí chủ Diệu Đức? Tôi không am tường tiếng Hán Việt, nên đoán mò DĐ, cận vệ nữ của sư. Hiểu nôm na người phái nữ vừa hầu cận vừa bảo vệ sư . Chữ cận nó khiến tôi không thể không nghĩ tới chuyện gần gũi giữa hai chữ do chính tác giả đặt kề bên nhau: sư+nữ. Một bên là nam, một bên là nữ. Nếu kề cận nhau mà không phạm giới “hữu cơ” thì phải có một quyền lực tinh thần cực mạnh ngăn giữ họ đi chệch đường tu, thường xuyên nhắc nhở phương vị pháp qui của mỗi người để họ tự giác tuân giữ triệt để giới răn. Trong mọi đoàn thể tôn giáo lớn đều có những trường hợp nam nữ cùng sinh hoạt giáo sự và hoạt động xã hội mà không xảy ra xì-căng-đan nào cả. Cũng như rất nhiều tăng và ni, cha và soeur kề cần nhau mà vẫn giữ được sự thanh trong. Nào phải đâu lúc nào lửa gần rơm đều bốc cháy. Vấn đề là đức tin và ý chí tuân giữ luật tu có mạnh mẽ chăng. Đức trọng thì quỷ thần kinh, cổ nhân vẫn thường xác quyết như vậy. Thế thì chuyện xảy ra giữa cận sư nữ Diệu Đức và cao tăng Thích Phước Huệ, cả hai đều phải lãnh nhận hậu quả của sự đồng tình sa ngã của họ. Đôi bên đều phạm giới. Cho dù ông Thiện Anh Lạc có lập luận rằng cận sư nữ Diệu Đức rù quyến vị cao tăng đi nữa thì sự việc HT/TPH sa ngã vào vòng tục lụy không thể biện giải quanh co để gỡ tội cho ngài. Bởi vì hơn ai hết nhà sư dư thừa sức mạnh tâm linh để kháng cự sự lôi cuốn và khuyên giải người nữ bỏ ý định dan díu tội lỗi. Trong bài của T.A.L. tôi có cảm tưởng rằng ông chỉ qui tội cho cận sư nữ DĐ. Và các lập luận của ông cho thấy một tâm tính (mentalité) quá Macho.

Có lẽ những trao đổi trên đây của người viết không làm hài lòng một số vị đã lên tiếng góp ý trong vụ “Tình pháp duyên tăng…” [chữ của T.A.L.] đã gây chấn động vang dội khắp nơi, không riêng gì ở Úc.
Trở lại hai sự việc gần đây, khi một linh mục hồi hưu ở Sydney và một ông sư ở Hồng Kông bị bắt giữ và truy tố, Giáo hội ở hai nơi đó có la toáng lên là Công Giáo hay Phật Giáo bị hạ nhục, bị “bêu diếu” không?
Trước đây, khi nổ ra các vụ truy tố các linh mục xách nhiễu tình dục, Tòa Thánh Vatican có la ầm lên thiên hạ phá hoại Công Giáo chăng? Và gần đây, Đức Giáo Hoàng có lên tiếng xin lỗi giáo dân tại ĐHTTG tại Úc vừa qua về các “lệch lạc” của một số tu sĩ chăng?
Giáo quyền có xen vào được công việc xét xử theo luật định của chính quyền trần thế chăng?
Tại sao chuyện DĐ-PH lại gây ra tranh cãi ầm ỉ, mà lớn tiếng nhất vẫn là tiếng của nhóm muốn khỏa lấp, muốn xù bài!
Có nhiều nguyên do, dễ thấy có, khó thấy có mà chẳng thấy vì ngụy trang quá tinh vi cũng có luôn. Nhưng tựu trung, tất cả đều xuất phát từ tâm tính (mentalité) của người Việt chúng ta, vốn ít nhiều thấm nhuần lối suy nghĩ, cách nhìn sự việc, cách đặt và giải quyết vấn đề đưa đến cách hành sử theo tập tục rất đông phương, đúng hơn, rất ư là Việt Nam: Tốt khoe, xấu che! Kính lão đắc thọ! Dỉ hoà vi quý! Phép vua thua lệ làng; rõ nét nhất là sắc thái quá “địa phương”, cái mà tây phương gọi là luân lý gác chuông (morale de clocher): cái gì của ta, phe nhóm ta, địa phương ta, tôn giáo ta, v.v… đều nhất hết!
Từ đó người viết muốn nêu lên câu hỏi sau đây: Người Việt hải ngoại chúng ta đang định cư và sinh sống trên các quốc gia tự do, dân chủ pháp trị. Con em chúng ta dù muốn dù không cũng phải hội nhập với môi trường sinh sống hiện tại của chúng ta, đặc biệt là những con em sinh ra ở hải ngoại.
Liệu chúng ta có thể mang cái mentalité tốt khoe xấu che trao truyền cho chúng trong một xã hội mà mọi sự việc phải thông suốt (transparence), phơi bày minh bạch. Che giấu, ém nhẹm, không thông tri đầy đủ những gì người dân cần biết là phạm pháp và phải trả lời chẳng những trước công luận mà nhiều khi còn trước pháp luật.
Liệu chúng ta có thể thuyết phục chúng, với chiêu bài tốt khoe xấu che rằng; “Hãy làm những gì ta nói, đừng làm những gì ta làm” chăng?
Đã đến lúc nhận chân cái tâm tính (mentality) xa xưa của chúng ta đã lỗi thời, đã bất thích ứng với hoàn cảnh và môi trường sống hiện nay của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại chưa?

-Lê Tấn Lộc-