Wednesday, September 1, 2010

VỀ TỪ MỘT CHUYẾN HẢI HÀNH

Về từ một chuyến hải hành…“Quá ồn ào vì chuyện không đâu!”
(Beaucoup de bruit pour rien!)
Cha ơi!”…
Tiếng kêu khẽ trong đêm trừ tịch không khuấy động nổi sự im ắng cố hữu của căn nhà ngoại ô, một thuở nhiệt tình tiếp đón anh chị em thân thương đã quây quần bên nhau, trìu mến tặng nhau từng nụ cười ròn tan, như từng nụ-hồng-yêu-đương-cho-không-biếu-không nhất tề rộ nở…
Nói một thuở, vì con linh nghiệm những nụ hồng ấy hình như ngày càng héo hắt do những “đặt điều” so đo hơn thua, bắt bẻ, hoạnh họe, cố chấp, áp đảo… bắt nguồn từ khuynh hướng bất khả chế “lắm chuyện” của vài “bậc” tự cho là “mẫu nghi thiên hạ”,Bảo hoàng hơn Vua”, “Thánh thiện hơn Các Thánh”, “Công giáo hơn Đức Giáo Hoàng”, làm ô nhiểm không khí trong lành, khắn khít bên nhau như anh em một nhà! Những ốc đảo “duy ngã” lợn cợn nầy, tuy đơn lẻ, nhưng thừa khả năng kết nạp khá thành công những ai vốn ưa thích nghe chuyện bàn qua tán lại, thêm mắm thêm muối cho những mẩu chuyện “hư cấu” thêm phần hấp dẫn, ly kỳ -chiêu thức nhuần nhuyễn của những chuyên viên “rỉ tai”- ngấm ngầm gây mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ (đôi khi dẫn tới đấu khẩu kịch liệt)!

Những “ồn ào” như ruồi nhặng vo ve làm đinh tai điếc óc con sau chuyến hải hành với một số anh chị em thân thương cùng chung lý tưởng tu đức, chuyến hải hành tiếng là du ngoạn nhưng diễn ra trong nhóm nhỏ chúng con như một chuyến vượt biên “bỏ túi” nhiều tai biến!Những “ồn ào” khua động nầy diễn ra ở thời điểm sắp tới kỳ hạn tĩnh tâm thường niên, lại rơi đúng vào lúc sắp bầu lại Ban Phục Vụ-Huynh Đệ Đoàn Phan Sinh Tại Thế! Mà thường thì ở thời điểm nầy con dễ bị xáo trộn nội tâm vì những xét lại lập trường trong dòng đạo và dòng đời, về hướng đi sắp tới của mình trong tương quan với tha nhân, sao cho bác ái luôn đi đôi với công bằng, tình không hề bỏ rơi lý!Lần nầy trầm trọng hơn gấp bội hai lần con “choáng váng” khi khấn hứa! Vì con cảm thấy tín lý bị lung lạc. Con bị khủng hoảng Niềm Tin về các chuyện không xuôi chèo mát mái giữa những bậc chăn dắt giáo dân, trong và ngoài nước…Nhưng đây là chuyện trọng đại, ngoài tầm tay và tầm hiểu biết của con, nên chúng không gây tác hại trầm trọng lắm trên con. Trái lại, những nghịch lý giữa các tín điều con học được (như khiêm nhường, hiền hòa, nghèo khó, yêu thương…) với những biểu lộ cụ thể mà con thường xuyên chứng kiến từ các bậc tự coi là mẫu nghi thiên hạ (như tự cao tự đại, kênh kiệu, bới móc, chỉ trích, gây hấn…) càng lúc càng làm con…chóng vánh!
Niềm đau đớn nhất với con là nhận ra anh chị em trong đại gia đình KHÔNG HOÀN TOÀN THẬT LÒNG đối xử với nhau! Không thật lòng thì…Đức Ái chỉ là chót lưỡi đầu môi, một bóng mờ chặp chờn làm bình phong che khuất những tị hiềm nhỏ nhoi, đặc điểm của lối sống theo hướng phe nhóm, “bộ lạc” (clan)!*
* *
T
rước khi rời Mộng Lệ An lên tàu du ngoạn, con đã mang tâm trạng chán chường, hụt hẫng, trong đầu manh nha ý định rời hẵn Canada sang Âu Châu tổ chức lại cuộc sống ở buổi hoàng hôn của cuộc đời.
Không giấu gì Cha, con rất dị ứng với những ai tự cho là “đạo đức toàn hảo”. Càng lúc con càng nhận thấy thái độ tự phong cho mình tước hiệu “mẫu nghi thiên hạ” là loại bệnh hoang tưởng rất dễ lây! Và con khởi đầu đặt nghi vấn nơi chốn lâu nay con nương náo có còn là chỗ dung thân cho những ai nghĩ rằng phận mình là “hèn mọn”, “mõng dòn”, với tâm nguyện hoán cải, “ăn năn đền tội”… chăng?

Nhưng rồi xảy ra tai nạn một chị trong nhóm con trượt té trên tàu, gẫy cổ tay! Chị là người lớn tuổi nhất và đi một mình. Một chị trẻ tuổi nhất -khuôn mặt rất quen thuộc trong đại gia đình Phan Sinh- bỏ tất cả cuộc vui trên tàu, tự nguyện đứng ra lo cho người lâm nạn…Và kỳ diệu thay! Những ý tưởng chán chường, tiêu cực về Huynh Đệ Đoàn mà con mang theo lên tàu vụt tan biến! Như chị Phan Sinh trẻ tuổi xung phong cứu nạn, anh Phan Sinh bức xa tuổi thất thập như con đây cũng cấp tốc xông vào nhập cuộc trợ giúp chị Phan Sinh ngộ nạn của chúng con!
Suốt thời gian trên tàu, người chị bị tai nạn luôn được anh chị em trong nhóm -kể cả những chị bị say sóng, bị rối loạn đường tiêu hóa hành hạ, đi đứng không vững- thường xuyên lui tới thăm nom, chăm sóc, phục dịch…
Ai ngờ, nhờ tai họa nầy, con nhận ra đôi lúc mình hấp tấp nhận định sai lầm về anh chị em. Trước khi xảy ra tai nạn, con không một chút thiện cảm với người thọ nạn! Những ngày tay gẫy quàng treo trên cổ, người chị nầy không một tiếng rên than, lúc nào cũng tươi cười, trấn an nhóm “chị không sao, không đau” -ai đã “kinh qua” gẫy xương, ắt biết rõ nó đau nhức thể nào!- luôn khuyến khích nhóm cứ tự nhiên vui chơi, đừng quá bận tâm về chị. Lòng quả cảm của chị là một bài học cho nhóm biết đặt tiện ích tập thể trên lợi ích cá nhân. Tuy vậy, con vẫn tinh ý nhận ra chưa hẳn đa số trong nhóm đã thấm nhuần nguyên lý sơ đẳng nầy!
Tháp tùng nhóm chúng con, có hai cặp vợ chồng khác tín ngưỡng. Họ nhiệt thành bày tỏ lòng cảm phục người bị tai nạn và tinh thần yêu thương đùm bọc lẫn nhau của anh chị em Phan Sinh khi gặp khó khăn!
Riêng con, con nhận định cách ứng xử của con với anh chị em phần nào cũng do đã thấm nhuần các giá trị tích tụ từ những buổi linh đạo Phan Sinh. Một số kỷ niệm thân thương suốt thời gian sinh hoạt huấn đức, tĩnh tâm sống lại mạnh mẽ trong tâm khảm con…Chắc con chưa đến độ hoàn toàn tuyệt vọng hội nhập với anh chị em…
-0-0-0-
L
úc trở lại đất liền, người thọ nạn cứ luôn miệng cảm ơn nhóm. Con đề nghị mọi người ngồi lại với nhau, cho con có dịp ngỏ lời:
-Đề nghị anh chị em chúng ta đọc các kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh để tạ ơn Chúa quan phòng cho chúng ta an lành trở về sau chuyến hải hành với vài chuyện bất trắc.
Chuyến đi nầy chúng ta được dịp gần gũi nhau nhiều hơn, nhận biết điểm yếu, điểm mạnh của nhau. Cá nhân tôi thấy rõ mình thiếu sót rất nhiều trong giao tiếp với các chị em. Lẽ ra tôi phải tích cực lo chu đáo hơn nữa cho nhóm vì tôi là người nam duy nhất. Đằng nầy tôi lại để lộ cái tính khó chịu, hay càu nhàu khi các chị nhờ tôi giúp vài việc linh tinh…Mong các chị niệm tình tha thứ, bỏ qua cho!
Riêng người chị bị tai nạn, xin đừng cảm ơn chúng tôi. Chính chúng tôi phải cảm ơn chị. Nhờ chị té ngã mà chúng tôi mới được cơ hội thuận lợi xét nghiệm mình có còn xứng đáng là người Phan Sinh Tại Thế chăng? Tôi nghĩ chị nên Tạ Ơn Chúa hơn. Và mọi người trong nhóm cũng nên dâng lên lời sốt mến Ca ngợi và Đền Tạ Ơn Người …
-0-0-0-
Cha ơi!
Trên đây là những lời bộc bạch tự đáy lòng con sau chuyến hải hành khá gian truân, cơ hội quá tốt cho con “phản tỉnh”, dọn mình tìm đường quay về tổ ấm với anh chị em. Nhưng rồi con lại chùn chân trước những “ồn ào”, khua chiêng giống trống gây tranh cãi gay gắt sau chuyến hành hương-du ngoạn vui vẻ trên vùng đất thơ mộng, rừng núi chập chùng, sông nước mênh mông, biển hồ lênh láng... “Thanh tịnh nhăn nhó” (sénérité crispée) va chạm nảy lửa với “Thanh tịnh tươi cười” (sérérité souriante). Chuyện tiếng bấc tiếng chì nầy khiến con đau lòng nhớ lại trích đoạn trong bài viết nhân lần họp mặt thân mật đầu năm 2007 tại căn nhà ngoại ô Thôn Trang Rêu-Phong của con:
“Có lẽ chúng ta phần nào nên bớt khắt khe quá độ để bao dung nhận ra chúng mình là Phan Sinh, nhưng là…Phan Sinh Tại thế chăng? Chúng mình vẫn ước muốn Nên Thánh nhưng…muốn nên thánh rầu rĩ, cáu có hay muốn nên thánh tươi vui, thư giản đây?”(Một bông hồng cho nhau, LTL, NSGĐPS, số 39, ngày 04 tháng 02 năm 2007).
Lần va chạm quá náo nhiệt nầy khiến con rủn chí, vì các bậc mẫu nghi đã trịch thượng phê phán hàng giáo sĩ!

Bao lần con toan tính lẵng lặng “tháo lui” khỏi tổ ấm, nhưng rồi cuối cùng con vẫn còn ở lại với anh chị em tới ngày hôm nay. Nhưng lần nầy xáo trộn nội tâm của con cực kỳ nghiêm trọng: Trước đây, buổi đầu tiên con đến với anh chị em, con rụt rè, lấp ló ngoài cửa vì khớp vía nhận diện hàng hàng lớp lớp “thánh nhân” đang tu luyện trong tổ ấm. Giờ đây con rụng rời đứng trước lối vào đã được các bậc mẫu nghi thiên hạ dàn hàng ngang làm rào cản, canh gác nghiêm ngặt , “nhỏ bé thôi” như con không dễ gì bước qua!
Trên biển cả con hứng khởi bao nhiêu thì vào đất liền con nản lòng bấy nhiêu, chạnh nhớ lời một dòng viên, mà con kiến như “sư phụ”, thường căn dặn:
-Anh chớ có lý tưởng quá, sẽ có ngày thất vọng ê chề!*
* *
R
a khơi, cặp bến đều không giúp con đạt tiêu chuẩn “có thể hội nhập”. Chỉ còn nước “lên non tìm động hoa vàng ngủ say”, ra sức luyện công cho bằng được ba điều: KHÔNG NGHE, KHÔNG THẤY, KHÔNG NÓI, để “nhỏ bé thôi” có thể giả dại qua ải chui qua rào cản kiểm lưu của các đấng “khổng lồ” mẫu- nghi-thiên-hạ-thánh-thiện-cáu-có!
Cha ơi!
Con nhớm bước đi nhưng chưa nỡ rời, bởi lẽ những anh chị em tuy không cùng huyết thống đã lập nên một gia đình thứ hai cho con có nơi dừng chân trước khi lên đường VỀ NHÀ CHA…
Con vẫn còn nắm nuối, vẫn còn hy vọng ý chí hoán cải sẽ thắng thế trong đại gia đình Phan Sinh để cuối cùng TÌNH YÊU thắng lướt những hục hặc, tranh chấp vô bổ, cho TÌNH HUYNH ĐỆ PHỔ QUÁT mãi mãi là keo sơn gắn bó anh chị em chúng con…
Đây chỉ là ước vọng nồng nhiệt lâu nay của con, một dòng viên Phan Sinh còn quá xa “tiêu chuẩn” tối thiểu để được các bậc mẫu nghi vĩ đại nhìn nhận có khả năng “đồng hành” trên đường tu đức. Nhỏ-bé-thôi con đây nào dám “hoang tưởng” ôm tham vọng lạc thực “ta” dư sức làm công việc “đội đá vá trời” nầy! Con chỉ còn biết rốt lòng nguyện cầu và…phó thác thôi!

Cha ơi!
Con vẫn biết “Ồn ào ít khi làm nên điều tốt, việc thiện ít khi gây tiếng động” (Saint-François de Sales)…Nên rất khổ tâm! Biết đâu những bộc bạch cuồng nhiệt tuôn trào trên đây của con chẳng qua cũng chỉ là…quá ồn ào vì chuyện không đâu?!
Thạch động Rêu-Phong, cuối hạ 2010
“nhỏ-bé-thôi” LTL