Monday, February 9, 2009

Tản mạn về..."ĐỒNG NGHIỆP"


Phiếm “loạn” (IV)

Tản mạn về…
“ĐỒNG NGHIỆP”

Phê bình thì dễ, nhưng nghệ thuật thì khó”
-La critique est aisée, mais l’art est difficile-
(DESTOUCHES, Le glorieux)

Đồng nghiệp” T. thân mến,

Có lẽ T. sẽ ngạc nhiên lắm khi thấy những giòng chữ nầy xuất hiện trên mặt báo. Chính tôi cũng lấy làm lạ tại sao đã bao phen quyết tâm liệng bút mà giờ đây vẫn còn cầm cây bút trên tay! Thực ra bài viết nầy đáng lý đã hoàn tất trước khi tôi trở lại Montréal, bởi lẽ ý định sơ khởi của tôi là sử dụng đoạn cuối bài viết của T. để kết thúc một bài viết trong thời gian tôi sang chơi với một “đồng nghiệp” khác ở Paris.
Chắc T, phần nào có thắc mắc về cặp râu bao quanh hai chữ đồng nghiệp. Cho tôi được diễn nghĩa: đồng nghiệp viết trong dấu ngoặc kép, có nghĩa là đồng mắc cái nghiệp viết lách. Đôi khi sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa đồng nghiệp và đồng nghề (như T. và tôi, cùng một số cây bút khác) dễ gây hiểu lầm “thấy sang bắt quàng làm họ”. Nhưng đó là chuyện sau, sẽ từ từ đề cập tới. Tạm thời xin T. chấp nhận “đồng nghiệp” theo nghĩa cùng cầm bút góp mặt trong văn giới, những người có thể đồng lòng, đồng tình, đồng điệu, đồng bệnh, đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, đồng hành mà không bắt buộc phải là đồng đội, đồng minh, đồng môn, đồng tù, đồng hương, đồng trang lứa, đồng đạo, đồng chí hướng, đồng quan điểm, đồng vợ đồng chồng -có khi lại còn trớ trêu “đồng sàng dị mộng” nữa là khác!- nhưng tuyệt nhiên không thể là đồng bọn, đồng đảng, đồng lõa, đồng mưu, đồng nhất, đồng phục, đồng nghĩa, đồng bạc, đồng cốt và… đồng ấu!
Cách đây hơn 35 năm, lúc ở trại “cải tạo” Long Giao, suy gẫm câu nói của E.Mounier: “Thiếu kinh nghiệm về bệnh tật, tù đày và chết chóc, con người chưa thể thực sự là con người” (Il manque à un homme, pour être vraiment homme, la maladie, la prison et la mort.), tôi viết một truyện dài bằng tiếng Pháp -vì phải tránh né các cần ăng-ten chi chít trong trại giam- mở đầu bằng một nhận định: “Longtemps j’ai vécu, agi, pensé comme si je ne devais jamais vieillir, souffrir, mourir…” (Lâu nay tôi đã sống, hành động, tư duy như tôi sẽ chẳng bao giờ phải già nua, đau đớn, chết đi…) Truyện chấm dứt bằng một nhận định: “Longtemps j’ai vécu dans le mensonge à moi-même et dans l’erreur déjà reconnue…” (Lâu nay tôi đã sống trong sự tự lừa dối và trong sự sai lầm đã được nhận diện...) -Mémoires d’un psychiatre, suivi du Journal d’un schizophrène épileptique-
Ấy vậy mà tới nay tôi vẫn chưa hết lận đận lao đao trước những đột biến của ngoại cảnh, dẫu đã chuẩn bị tinh thần tương đối đầy đủ trước những thăng trầm của cuộc sống!...
Đôi mắt rỗng phải che bằng khói thuốc,
Chúng tôi nằm run sợ cả chiêm bao…
*
Sao tiếng nói bỗng thẹn thùng bỡ ngỡ,
Gọi tên người nghe cả nắng vàng phai
Tôi đọc thầm hai câu thơ mở đầu bài viết dở dang ở Paris mà tôi có ý định viết dưới dạng thức “Thư cho một đồng nghiệp” nói về T. như trước đây “đồng nghiệp” nầy đã có “Thư cho L.”, khiến tôi phải lặn lội xuống tận Toronto tìm gặp nhà thơ nữ, tác giả hai câu thơ nói trên, dù tôi chưa hề biết diện mạo, cốt cách của “nàng” ra sao!
Một cố nhân, chỉ một lần gặp gỡ trên Xứ Hoa Đào nửa thế kỷ về trước rồi bặt tăm, mới đây, tình cờ đọc bài viết của tôi trên một tạp chí ở Cali, liên lạc với toà soạn để có thể gửi điện thư cho tôi kèm scan một đoạn thủ bút màu mực tím muôn thuở của tuổi học trò :
giữa thế giới văn minh em vẫn ngồi nắn nót
những bức thư tình trau chuốt gửi cho anh
thư tình yêu ai viết bằng điện toán
nét chữ mượt mà mới nói hết tình xanh...
Dưới thủ bút, một chữ ký tuyệt đẹp, cũng “sợ thư tình không hết nghĩa yêu đương (nên) pha mực cho vừa màu áo tím”…
Triết gia Alain trước đây nhìn nhận: “Con người tư duy vì có đôi tay” (L’homme pense parce qu’il a des mains). Tâm cử học (Behaviorisme) cho thấy tâm tính con người phần nào phô diễn qua nét chữ và chữ ký. Rất nhiều người lẫn lộn graphologie, môn học nghiên cứu các dạng chữ (chiết tự học?) với mục bói khoa và coi quẻ (chiromanchie)! Dịp khác tôi sẽ trở lại vấn đề nầy. Trong khi chờ đợi, do thu thập được vài khái niệm về tâm lý học, xin cho tôi được “méo mó nghề nghiệp” đôi chút: Chữ ký nói trên cho thấy người ký vào đời rất “văn nghệ” (phần đầu chữ ký); do va chạm, phần nào có khựng lại, co rút thủ thế (phần giữa) nhưng sau rốt vẫn buông theo cảm tính có chừng mực (phần cuối); gạch dưới chữ ký là dấu hiệu của sự chững chạc.
Đại cương, chữ ký cho thấy một tâm hồn quãng đại, có thủy có chung, tuy nét “buông xuống” khá nhiều (cho thấy có ít nhiều ngán ngẫm) nhưng vẫn không che dấu được “cánh cửa chưa khép kín”. Dạng chữ trong thủ bút cho thấy một trí óc “thông minh” (intelligent), mạch lạc, tuy rạt rào tình cảm vẫn không mất tính logique…Thôi thế cũng đã đâm hơi quá nhiều. Xin lỗi T. về cái méo mó trời đánh! Bây giờ xin trở lại chuyện trần thế, đi trên mây hoài cũng chóng mặt!
Có lẽ T. đã nghe nói, khá lâu rồi tôi đổi điện thoại, địa chỉ, rút êm ẩn dật. Để chắc ăn hơn, tôi rời Montréal, tiếng là đi làm ăn xa. Cũng như T. tôi đã trải qua một chuỗi ngày ê chề với một số… “đồng nghiệp”! Thế nhưng tôi đã trở về chốn cũ “Montréal đất lạnh tình nồng”. Tôi không thể quên lòng ưu ái, sự ân cần, sốt sắng giúp đỡ tôi -để cố giữ tôi lại với anh em- của các “đồng nghiệp” thân thương, đồng nghề cũng như khác nghề…Chắc T. cũng đồng ý trong số “đồng nghiệp” chúng ta vẫn còn nhiều vị xoa dịu những ê chề, đem lại cho chúng ta niềm hứng khởi tiếp tục cầm bút. Montréal đất lành chim đậu! Dĩ nhiên, đôi lúc cũng có mây mù vần vũ vì nhóm “đồng nghiệp-đồng bọn-đồng cốt”, nhưng tựu trung Montréal vẫn là thành phố văn nghệ cởi mở, nhiệt thành đón nhận “đồng nghiệp” nhất ở Châu Mỹ, nếu không muốn nói là trên khắp năm Châu.
Mới đây, có lẽ thấy bên Xứ Đại Thử một ngài hạ sĩ (trước 75) đăng tải chứng chỉ ở tù cộng sản vài chục…ngày để chứng minh mình có 30 năm hành nghề nàm báo cho giới truyền thông khớp vía chơi, một nhóm “đồng nghiệp” bên Xứ Tuyết hồ hởi noi gương thầy cai “chạy nhựt trình, từ trong ra tới ngoài nước” mở tiệc yến linh đình mừng kỷ niệm nàm báo và vẽ tranh! Tôi bèn nghĩ, có lẽ nay mai tôi sẽ mời T. cùng một số “đồng nghiệp” khác đến ăn mừng thất thập tứ chu niên ngày tôi mần báo (vì tôi đã tròn 74 năm báo cha, báo mẹ, báo anh, báo em, báo vợ, báo con, báo cháu) và lục thập cửu chu niên ngày tôi cầm viết, cầm cọ (vì lúc 5 tuổi, tôi đã tập đồ chữ, tô tranh ở lớp mẫu giáo)! Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà…đau cái đầu!
“Nhận báo mà không gửi bài là một mặc cảm nặng nề cho người cầm bút”, cố nhân 50 năm về trước viết cho tôi. Bởi vậy, hôm nay tôi phải viết quảng viết tiều cho vui, chứ chẳng có ý xúc phạm ai hết. Nếu có, chẳng qua là một tai nạn -đôi khi còn là một tai họa cho người viết! Dẫu sao muốn tráng trứng thì không thể không đập trứng. Chắc chắn thế nào tay tôi cũng dính chất nhờn của trứng. Chưa kể chiên xào, dầu mỡ văng vô mặt tôi, rỗ hoa hoè! Tai nạn nghề nghiệp mà, đồng nghiệp T.!
T. và một số đồng nghiệp thân hữu khác gửi sách tặng tôi. Mới nhận báo mà không gửi bài, tôi đã “mặc cảm nặng nề”. Nhận sách mà không tặng sách lại, chắc mặc cảm sẽ đè tôi lún sâu xuống đất!
Mười lăm năm trước, đồng nghiệp-đồng hương ở Troyes có đốc thúc tôi ra sách; đồng nghiệp-đồng môn-đồng nghề (chủ báo) ở Toronto khuyến khích tôi in “tác phẩm”; đồng nghiệp có cái tên rất tượng hình -Thế Nghiệp- mớm ý tôi nên tập trung cái bài viết in thành một cuốn tạp bút. Mới đây thôi, đồng nghiệp-đồng tình (cố nhân) ở Cali hỏi tôi đã “ra” được bao nhiêu sách rồi(!) Tôi trả lời các bạn, tôi chỉ viết để tiêu khiển, chưa có ý định in ấn. Tới nay, tôi vẫn còn lừng khừng...Có lẽ đến lúc nào đó cũng liều nhắm mắt đưa chân , xâm mình chơi dại, thử in một lần xem sao.
Chỉ mới vài năm gần đây tôi mới sử dụng máy điện toán để viết. Trước đây, tôi toàn viết tay. Đôi khi bản thảo gởi bạn bè đọc không ra vì chữ tôi viết như gà cào! Vả lại tôi không có tài hội họa như T. nên rất ngại phải phiền thiên hạ vẽ phụ bản. Ngoài ra, nghĩ tới cảnh một mình dùng hai ngón tay gõ lại số lớn các bài đã viết tay, tôi hơi rủng chí....
Tiện đây, tôi cũng bật mí cho T. là cuối thu nầy tôi sẽ rời Montréal, tái diễn màn ngao du một vòng các đảo thuộc Châu Đại Dương (Océanie), rà lại mớ hiểu biết sở đắc về thái độ tình dục (comportement sexuel) của các bộ lạc còn sống sót trong tình trạng hoang dã, để sau đó viết “truyện đường rừng” cho khỏi ai lời vô tiếng ra mất lòng nhau vô bổ. Điều nầy, tôi có tâm sự với một đồng nghiệp trẻ ở vùng ngoại ô Paris rất yêu thích lịch sử, khảo cổ học và nhân chủng học. Tôi muốn hư cấu hóa thực tại! Rắc rối nhỉ?
Nghĩ cho cùng, in hay không in, đâu có gì quan trọng lắm! Khổ nổi, lý thì vậy mà tình thì không giản dị vậy được. Đồng nghiệp làm bánh cho mình ăn hoài sao? Lâu lâu cũng phải xăn tay áo nhồi bột chớ! Tuy biết vậy, tôi vẫn chưa dám liều lĩnh phiêu lưu vào “chốn ấy hang hùm…”
**
K
hông rõ T. đã “kinh qua” lần nào chưa, chứ kẻ hèn nầy thỉnh thoảng chứng kiến cảnh tượng đau lòng một vài tạp chí, một vài tác phẩm cẩn trọng gửi biếu các đồng nghiệp thân hữu (mà tác giả đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc gọi điện thoại viễn liên yêu cầu điều chỉnh từng câu, từng chữ, từng cái dấu, cái phẩy, cái chấm v.v…) bị con cái của những vị được tặng xé ra xếp làm tầu bay! T. thử nghĩ: Mình thức đêm thức hôm viết ròng rã đôi ba tuần mới xong một truyện (viết tay), sụt cân thấy rõ, người đọc bỏ ra khoảng một tiếng, nếu đọc kỹ. Vậy cũng còn được. Đằng nầy…
Tôi kể T. nghe một chuyện vui: Đang đêm, một em văn nghệ khá dư thừa chất protéine gọi điện thoại hỏi tôi làm các nào thu gọn thân hình đẫy đà cho gọn ghẽ dễ coi. Tập thể dục chăng?
-Sáng tác đi! Tôi trả lời. Bảo đảm kết quả thấy rõ!
Tôi chợt nhớ có lần trả lời khi được phỏng vấn, T. nói nếu được đi lại từ đầu T. sẽ không cầm bút. Quá đúng! Nếu được phép “cố vấn”, tôi sẽ khuyến khích T. cầm kim. Tôi nói thật đấy! Mười sáu năm trước, đồng nghiệp-chủ báo ở Toronto của tôi đã cười ngất khi nghe nói tôi gác bút vì bận cầm… kim! Không phải kim ống chích đâu mà là kim…may quần áo: Còn có ra chi cái chữ Tây, Ông nghè ông cống cũng nằm ngây. Chi bằng ta chạy ô-vờ-lốc (máy vắt sổ), Tối đạp ro ro, sáng vác cày!
Chuyện khó tin nhưng có thật: Cầm viết, chẳng thể nào tôi đủ sở hụi đi thăm bạn bè ngoài Xứ Tuyết. Cầm kim tôi lại thừa phương tiện du ngoạn, nghỉ xả hơi và có cơ hội diện kiến một vài hảo hán cầm bút ở trời Âu!
Trong khi đó, không kể các khoản chi tiêu về cà phê, thuốc lá, rượu, giấy mực, photocopie, bao bì, tem thư, xăng nhớt đi gởi bài và sự “hao hụt tinh thần” không tính nổi vì vợ nhà “cằn nhằn”, 3 tuần quên ăn quên ngủ, sụt ký thấy rõ, xuống sắc, viết cho xong một truyện ngắn -tiêu cha nó 3 tuần nghỉ hè- chưa chắc đồng nghiệp-đồng bệnh-đồng ẩm của tôi ở Paris kiếm đủ tiền đãi tôi một chầu rượu chát! Phần tôi, trong hoàn cảnh tương tự, may ra tôi chỉ chi nổi 6 lon bia cho hai thằng nhâm nhỉ đỡ khát! Văn chương phú lục bạc chục la làng… may ra mới có! T. nghĩ tôi có lý chăng khi nhìn “lãnh tụ” vắt sổ của mình, lòng rạt rào cảm kích, tôi cất tiếng rổn rảng hát “suy tôn”: Toàn dân cầm kim nhớ ơn ô-vờ-lốc! Ô-vờ-lốc! Ô-vờ-lốc muôn năm!
Ôi thôi tôi đã đi quá đà! Ai lại xáo trộn văn chương với kim chỉ? Không khéo các “đồng nghiệp” khác lại kết tội tôi phá hoại văn hóa, âm miêu xách động T. đào ngũ khỏi làng văn! Tôi chỉ muốn nói, nếu chúng ta định kiếm tí tiền còm bằng nghề tay trái để rong chơi thoải mái thì…chớ nên kỳ vọng vào số “thu hoạch” từ văn, thi phẩm. Ngày xưa Nguyễn Bính đã khuyến cáo: Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ. Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con! Ngày nay, có khác gì đâu:
Ai bảo mắc vào duyên bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong…
***
Ý
định của tôi hôm nay, khi cầm viết là muốn trao đổi với T. một số kỷ niệm (hay kinh nghiệm?) để cùng chia sẻ những “vui buồn nghề nghiệp” mà, theo tôi, nghiệp nhiều hơn nghề, bởi vì, với tôi, cầm bút không thể là một cái nghề.
Ở hải ngoại, tôi cầm bút lại trong một dịp rất tình cờ, do lời rủ rê của đồng nghiệp-đồng ẩm-đồng bệnh (thích rượu đỏ và yêu nữ) ở Paris sang Xứ Tuyết nghỉ hè:
-Nếu có huỡn , anh viết báo chơi cho vui. Viết tiểu luận, nhựt ký, tùy bút gì đó cũng được, đâu có gì quan trọng. Cả thơ nữa, cho vui vậy mà!
Cho tới nay, tôi vẫn thấy đó là câu vận động “ nhập nghiệp” lâu dài hiệu quả nhất. Cho tới nay, khi liên lạc, “kêu réo” các đồng nghiệp-đồng bạn đã có ý mai danh ẩn tích tái xuất giang hồ, hoặc động viên các đồng nghiệp-mầm non văn nghệ đang thối chí tiếp tục cầm bút, tôi vẫn thường lập lại:
-Đâu có gì quan trọng! Cho vui vậy mà!
Tái xuất giang hồ lần đầu, tôi bị một đồng nghiệp-đồng nghề-đồng bạn-đồng môn có chức phận trong làng báo ở Cali “ngâm tôm” một bài viết sau khi “người” đã kêu lên trong điện thoại viễn liên:
-Hay quá toa! Moa đâu ngờ toa viết được quá! Moa tưởng toa chỉ lo philô-phôli thôi!
Một loạt bài gửi tiếp: Im lặng vô tuyến hoàn toàn! Đứa bạn thân đồng nghề khi xưa chắc không tiện coi tôi là đồng nghiệp! Sau nầy, đọc được lời nhận xét thần sầu quỉ khóc của hắn về một đồng nghiệp khác mà hắn rất “chịu” vì đồng nghiệp nầy, theo hắn, đã nắm bắt chữ, tôi càng thêm “hãi”: Với trò chơi cút bắt, săn đuổi để nắm bắt chữ nầy, độc giả làm sao không ngất ngư trước những trang giấy lí nhí vết mực, vì chữ đã bị tác giả nắm bắt đi mất tiêu!
Tuy nghe qua đã bủn rủn tay chân, xây xẩm mặt mày, tôi vẫn lo sợ không biết mình đã lọt vào mê hồn trận chưa, nên vội vã biên thư hỏi ý kiến đồng nghiệp-đồng bệnh ở Paris -người nhứt định không sử dụng máy điện toán để viết văn- yêu cầu đan cử một thí dụ về “truyện sốt ruột” (ngụ ý hỏi bạn: Viết mà không nắm bắt chữ đem đi mất có làm độc giả sốt ruột chăng? “Đồng nghiệp” trả lời:
-Anh thiệt có phước lớn! Té ra cho tới bây giờ anh chưa hề đọc loại truyện (ngắn có dài có) mà giở trang nào cũng sốt ruột cầm canh, chờ hoài coi chuyện gì xảy ra, mà tuyệt nhiên không có, chờ coi có diễn biến tâm lý gì thú vị mà cũng tuyệt nhiên không có, rồi xoay qua chờ đợi nó hết mà tuyệt nhiên nó không chịu hết!
Vậy, tôi có thể tạm an lòng. Mười trang sách để tả một trái cà chua hoặc một cái bìa sách, đôi ba trăm trang nữ công gia chánh (rờ-xết nấu ăn), hoặc rượt đuổi nắm bắt “con” chữ, bỏ lại “ảo tưởng về chiều sâu” (illusion de profondeur) cho người đọc là không có tôi!
Chuyện đồng nghề nhưng không “đồng nghiệp”, tình thân hay tình văn trọng giữa đôi bạn rất thân cùng cầm bút, coi như tạm xếp. Có thể một sáng đẹp trời nào đó hắn sẽ nhớ lại lần tôi kể cho hắn sự rạn nứt tình bạn giữa Sartre và Camus. Sartre viết: “Tình bạn chúng ta không phải dễ, nhưng tôi hối tiếc vì nó.” (Notre amitié n’était pas facile, mais je la regrette). Nhưng T. ơi! Cái nghiệp cầm ca đâu phải dễ dứt vậy. Một đồng nghiệp-đồng nghề khác, trách nhiệm một tạp chí có tầm cỡ ở Cali viết cho tôi: “Viết lách đem lại cho ta nhiều người bạn quí, nhưng cũng gánh theo rất nhiều phiền lụy” Tất cả chỉ do nhiều người không chú tâm viết, mà chỉ chú tâm lợi dụng chữ viết. Mọi chuyện rắc rối từ đó mà ra…”. Đúng thay!
****
T
ôi biết giờ đây T. có “vui gì đâu mà tâm sự”, nhưng “buồn làm chi cho bẽ bàng” hở T.? Tôi mến T. ở chỗ chỉ thích viết về tình yêu, đề tài tuy cổ xưa như trái đất mà viết hoài còn hoài. Tôi chia sẻ điều nầy với T. Dù không đủ tài viết truyện tình lôi cuốn, tôi vẫn thích viết về tình yêu hơn viết về hận thù. Tôi thích nói như Stendhal: “Với tôi, chuyện vĩ đại duy nhất là tình yêu” (Pour moi, la seule grande affaire, c’est l’amour). Có lần đồng nghiệp-đồng ẩm-đồng bệnh ở Paris viết: “Hỡi ôi! Khi in những chuyện móc cổ, móc họng, chặt đầu được mọi người coi là tự nhiên, còn in những chuyện vuốt ve, ôm ấp, sờ mó bị coi là đồi trụy thì thử hỏi thế giới nầy sao lại không thô bạo?”. T. nghĩ sao?
Có lần một đồng nghiệp (đồng nghề) ở Toronto thuật lại đã nói với bạn bè về tôi như sau:
-Quí vị thấy, trong lúc thiên hạ đua nhau viết chánh trị, khí thế đấu tranh bừng bừng thì bạn tôi, tuy khốn đốn về cuộc sống, vẫn lo viết chuyện nhậu nhẹt, ái tình vớ vẩn chăng?”. Một bạn đồng nghiệp (đồng ngũ) khác ở Cali “quạt” tôi:
-Tụi bây (ám chỉ đồng nghiệp-đồng ẩm-đồng bệnh ở Paris và tôi) tối ngày chỉ lo viết chuyện dâm dục!
Chuyện dâm dục(!?) Tôi viết hồi nào vậy “đại ca”? Sao tôi chưa phát tài nhỉ? Viết về Tạ Ký, về một lần toan tính tự tử trong tù CS, về chân dung một linh mục ngọai quốc cứu trợ thuyền nhân VN, về những đứa bạn cùng tù cải tạo, “cà răng” mấy tay chụp mũ chuyên nghiệp hay hí hửng bóp méo sự thật để dành chỗ sẵn khi tình thế biến chuyển -cách đây mười mấy năm ở Xứ Cờ Hoa và mới đây ở Xứ Đại Thử- là…viết chuyện dâm dục sao? Loạn chụp mũ chưa dứt thì họa gắn chưn mày thần Bạch Mi lại lăm le hù nhát một số đồng nghiệp viết về tình yêu có cơ thể! Cho tôi ngứa miệng philo-folie tí ti:
Tôi không những chỉ có một thân xác; tôi còn là thân xác tôi nữa. Nói: “Tôi có một cơ thể” (J’ai un corps) hàm chứa ám ảnh cơ thể đó sẽ phơi bày dưới cái nhìn kẻ khác và mặc nhiên coi thân xác mình đối nghịch với mình. Cấm kỵ từ đó mà ra, để kềm giữ nó, trau chuốt nó thành một hình hài khả dĩ “coi được”, cho người chung quanh dễ dàng chấp nhận nó theo những thỏa thuận ngầm do đời sống xã hội đặt ra. “Địa ngục là kẻ khác!”. Thế đấy! Thế đấy!
Nhưng nhìn nhận: “Tôi là thân xác tôi” (Je suis mon corps), thân xác tôi trở nên thân thiện với tôi hơn. Tôi “làm một” với thân xác tôi. Nhị nguyên tính giả tạo giữa thân xác và linh hồn không còn nữa. Nguyên khối “tôi-thân xác” đảm nhiệm thân phận làm người (condition humaine), một con người vừa là hữu thể nhập thể (être incarné), vừa là hữu thể nhập thế (être-dans-le-monde) -được vị trí hóa và thời gian hóa (situé et daté), nghĩa là có lịch sử tính (historicité) trong dòng lịch sử (histoire) chung của loài người- vừa là hữu thể siêu việt (être transcendant) -tuy đang ở đây và bây giờ (ici et maintenant) vẫn có khả năng vượt trên những ràng buộc của hoàn cảnh (situations) hiện tại bằng dự phóng (projet).
Bởi thế, trong lãnh vực y khoa, ngày nay người ta không còn coi bệnh nhân như thuần là một cơ thể bị bịnh, trái lại cần đặt chứng bịnh đó trong toàn thể nhân cách (personnalité) của người bệnh. Y khoa tâm-cơ thể (médecine psychosomatique) hiện nay là một thực thể không chối cãi được.
Từ đó, tôi nghĩ, thay vì la sảng “địa ngục là kẻ khác”, có lẽ chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận: địa ngục (hay thiên đàng) là...chúng ta đây! (L’enfer ou le paradis, c’est...nous autres!)...
Ôi thôi tôi lại bay bổng nữa rồi. Cho tôi trở lại chuyện trần tục cho đỡ lạc đường. Tôi trả lời hai anh bạn khắt khe của tôi, đại để như sau :
-Các bạn trách tôi sao không “dấn thân” viết chuyện dính líu tới xã hội đương thời, chuyện cải tạo, chuyện vượt biên, chuyện chính trị “có lửa” v.v…Hãy thử nghĩ, nếu ai cũng ngần thứ đề tài đó xào đi nấu lại thì văn học nghệ thuật ở hải ngọai sẽ đơn điệu đến độ đồng nhất, đồng hạng, đồng phục cỡ nào! Ngoài yếu tố sở trường và cảm hứng của từng cây viết, tôi thấy sinh họat văn học nghệ thuật tương tợ như sinh hoạt kịch trường: có đứa thủ vai tướng thì phải có đứa đóng vai quân; có người dàn cảnh thì phải có người chạy đề-co, kéo màn, sụp màn. Hãy thử tưởng tượng, trên sân khấu vua gọi quân bây chẳng ai dạ, triệu tướng tướng chẳng xuất hiện, nạt tướng lui tướng lại đứng chần dần, xuống vọng cổ lại rọi đèn pha, quân lâm trận lại phựt đèn màu, đào thương tự tử rồi mà không chịu ngã xuống chết để sập màn, khi đã chịu chết, màn sụp rồi lại kéo lên cho thấy nàng lui cui đứng dậy lui vào hậu trường thì có phải là “chửi cha” khán giả không? Trong sinh hoạt văn học, độc giả là người thưởng ngoạn, mà phán quyết tuy đến chậm nhưng thường có tính cách chung quyết. Họ dễ dàng nhận ra tay nào “hát” hùng hồn thật, tay nào cố “rống gào” giả, tay nào “xuống” vọng cổ mùi mẫn, tay nào “vô” xàng xê đâm hơi. Bởi vậy, theo tôi nghĩ, biết xuất hiện khi cần, biết rút lui khi đến lúc, kéo hay sụp màn đúng thời điểm là nghệ thuật sống của giới văn nghệ sĩ…
Tôi hỏi hai đứa bạn có nhớ thập niên 50 với hoạt cảnh “cao bồi” mang bảng “đồi trụy” đứng sượng trân trên vĩa hè đường Catinat (Tự Do) cho công chúng xem chăng? Thời đó, phe ta chống “ủy mị”, lên án bản nhạc Dư Âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý; phe địch bài xích “ướt át”, kết án vọng cổ “làm mất nước”’ Thập niên kế, hai bên đều xét lại phán quyết võ đoán của mình. Chẳng lẽ bây giờ ra nước ngoài chúng ta cũng muốn “tiêu chuẩn hóa” sinh họat văn học nghệ thuật theo chiều hướng các ông các bà “lành mạnh” của thập niên 50 lần nữa sao? Rồi tôi kết luận:
-Tôi thà cam chịu mang tiếng là tên giúp vui công cộng (amuseur public) còn hơn bị đồng nghiệp chạy làng như thằng gây phiền toái công cộng (emmerdeur public)!
*****
M
ột đồng nghiệp-đồng nghề-đồng nhiệm sở, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiệp viết lách đưa ra nhận xét rất xây dựng tôi viết có vẻ làm bản tin quá, thiếu mô tả hoa lá cành, -ít chất tiểu thuyết, các thể loại không rõ nét. Nghĩ mình viết tùy hứng để tiêu khiển, nhứt là để ghi lại một số kỷ niệm tươi đẹp và kinh nghiệm thương đau, vì đầu óc càng lúc càng lú lẩn theo tuổi, tôi không lưu tâm lắm về hình thức viết như “đồng nghiệp” đã thực lòng lưu ý nhắc nhở. Cho tới lúc một loạt bài Tại sao tôi viết? Tôi viết để làm gì? Tôi viết cách nào?Truyện ngắn là gì? v.v…trong số đó có bài nói tới nắm bắt chữ (!!!) làm tôi đâm hoảng về cái ngu dốt vô tư của mình! Bèn viết thư hỏi đồng nghiệp-ẩm-bệnh ở Paris. Thư trả lời như sau:
-Khi thấy anh hỏi về định nghĩa các thể truyện, tôi biết anh đã quá lậm vì văn nghệ. Đọc nhiều sách Tây -trong đó có Sartre- anh đã thừa hiểu (?) các định nghĩa. Nếu cần rõ thêm thì nên hỏi các thầy giáo Việt văn…
Thư tiếp:
-Mà thực sự cần thiết chăng? Có định nghĩa rồi ráng viết theo đúng định nghĩa hay tại cảm hứng muốn viết như vậy thì viết như vậy? Vẽ rắn đâu thể gọi là rồng, vẽ chuột đâu thể gọi là thỏ? Ngược lại cũng vậy, đừng có mặc cảm (…) Có người làm thơ mà đọc như văn mắc nghẹn, lại có người viết văn mà đọc như thơ. Đâu là giới hạn?
Vậy là tôi có thể an tâm viết mà không cần có định đề trước. Cho tới khi tôi bị người em văn nghệ nhiều chất protéine “ngoảnh mặt làm ngơ” vì cho rằng “thần tượng sụp đổ” (!?) với bài “lộn sòng, lộn dĩa” của tôi. Lý do: dâm ô đồi trụy (!?). Một lần nữa, tôi vấn kế đồng nghiệp-ẩm-bệnh ở Paris. Và được trả lời:
-Cứ lấy đề tài từ những kỷ niệm và kinh nghiệm sống của anh: thuở học trò, bạn bè, những vui buồn, những lầm lạc, những chỉnh hướng, tình yêu, tình dục đầu đời, đau khổ, khoái lạc, kẻ khác, lịch sử, biến cố, thời sự, huyền thoại, kiêng cấm, ẩn ức, tâm lý (nghề của chàng…) thêm ít nhiều tưởng tượng, hư cấu…Độc giả không màng sự thật 100% đâu. Miễn đừng làm độc giả sốt ruột là được rồi. Hay dở là tùy cảm quan người đọc, chẳng có gì tuyệt đối. Bút pháp và cách dàn dựng truyện là tài riêng của mỗi người.
Tự nhiên tôi cảm thấy sảng khoái vô cùng đã gặp được một tâm hồn đồng điệu.

Đang lúc lòng tôi rào rạt hứng khởi thì, trong một buổi họp mặt thân mật, một đồng nghiệp-Văn Bút “nghiêm chỉnh” dõng dạc tuyên bố, cốt cho tôi nghe :
-Muốn viết cái gì, cứ viết. Nhưng chúng ta có bổn phận phải viết cho thật hay!
Tôi nghĩ thầm: Tài năng là nhân tố quyết định, nhưng thiện chí trau dồi cũng không phải là yếu tố không đáng kể trong sáng tác. Cố gắng viết cho thật hay, có thể hiểu được. Nhưng từ đó bảo rằng “có bổn phận phải viết cho thật hay” thì…nghe sao có vẻ lệnh lạc từ “trên” ban xuống quá! Hay theo cách “trên” muốn chăng? Nhìn bộ điệu quá “nghiêm trọng” của đồng nghiệp nầy, tôi chợt nhớ câu chém ngọt của Sartre: “Thượng đế không phải là nghệ sĩ. Ông Mauriac cũng chẳng phải!” (Dieu n’est pas artiste. Monsieur Mauriac non plus!).
******
L
ần nọ,một đồng nghiệp-chủ báo nói với đồng nghiệp-chủ báo khác và tôi :
-Nơi mọi người VN đều có một ông chủ báo !
Câu nói thâm sâu, dày dặn kinh nghiệm. Nhưng tôi không hiểu thấu, nên nghĩ thầm: “Chủ báo hay báo chủ?”và nói:
-Theo tôi, nếu nói nơi mọi người VN đều có một quản giáo, có lẽ sát thực tế hơn.
Cả ba đều cười, mỗi người nghĩ một cách riêng về hai chữ chủ báo và quản giáo.
Đồng nghiệp-chủ báo thứ hai vỗ vai tôi, nói nhỏ:
-Toa “kê” thằng X. chi vậy? Chỗ bạn bè cả mà! Nó viết gì, thây kệ nó. Toa phải tỏ ra philosophe chút chứ!
Tôi cười xuề xòa gật gù, nghĩ trong bụng: “ Tỏ ra philosophe là để yên cho nó nói bậy, bóp méo lịch sử chăng?”. Mà thôi, tôi dứt thắc mắc: cũng là phù phiếm luận cả!
Trên đường về, tôi nhớ lại bài Nói chuyện với chủ báo của “đồng nghiệp”-đồng ngủ ở Salem đề cập tới những “chức vụ” béo bở, ăn trên ngồi trốc, như Chủ nhiệm, Chủ bút, Tổng thư ký Tòa soạn v.v…mà thấm thía vô cùng, bật cười khan. Vâng, tróc da đầu, sần mình thì có! Không tin giở mũ ra coi, Lác khô ở dưới tóc còi ở trên. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!
T. biết không, tôi mừng hết lớn khi đọc nhận xét của một đồng nghiệp-đồng hương ở Troyes về T. rằng T “không có tham vọng làm mới chữ nghĩa”. May thay! Nếu không, chắc tôi phải tốn hao rất nhiều cho khoản điện thoại viễn liên hỏi T. mỗi khi có điều chi tôi không thấu đáo về vụ “làm mới” nầy!
Nếu làm mới chữ nghĩa bằng cách “chém” câu thơ với một chuỗi cú Xì-Lát /Xì-Lát/Xì-Lát (Slash) hay thay đổi vị trí một cái chấm, một cái phẩy, chắc tôi dư sức qua cầu. Hoặc viết ba bốn chữ dính xà nẹo (kiểu: Kế-thừa và fáthuy truiềnthống…tủinhục với nghèođói và zốtnát...), viết suốt một bài không cần phẩy, chấm, xuống hàng chi cả, chắc tôi cũng không thiếu khả năng. Hay “chế kiểu” như Kách mệnh (khẩn trương, sự cố, fản ánh, giản đơn, hồ hởi, con chữ, ùn tắt, hoành tráng…) chắc cũng không khó lắm. Kể cả chuyện đảo lộn vị trí thông thường của các chữ thông dụng, kiểu: xa xót, thầm thì, mốt mai, v.v…cũng chẳng có chi bí hiểm lắm. Nhưng “làm mới chữ nghĩa” kiểu: chỉ có mình ta nắm bắt được, thảy qua thảy lại trên tay chơi một mình thì…tôi đầu hàng!

*******
T.
thân mến,
Ngay từ khởi điểm, tôi đã sợ lạc đường. Rốt cuộc cũng lạc lối! Mới biết ý thức là một lẽ, giác ngộ là một lẽ khác. Tôi cảm thấy đã lạm dụng câu chuyện nản lòng của T. với một số đồng nghiệp để trút bỏ những ê chề năm xưa của riêng tôi với bạn thân và bạn văn. T. hiểu cho tôi hiện nay đầu óc vẫn còn lơ lửng vì mấy cái truyện cứ lởn vởn trong đầu mà cái tay vẫn xuôi xị! Làm sao ra khỏi cái nghiệp nầy, hỡi “đồng nghiệp” T.? Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa…
Đành rằng, như T, tâm sự: “Cũng nhờ chút đụng chạm nầy T. mới biết ra văn nhân, thi sĩ cũng có nhiều người háo danh. Họ làm đủ mọi chuyện để nổi. Thôi thì mình làm đủ mọi chuyện để được chìm vậy!” Thế nhưng, người đã yêu cầu: thân tôi cứ đóng nghìn đinh nhọn, xin chừa một chỗ trái tim tôi, liệu có thể điềm nhiên tọa thị “thiền” được chăng khi trái tim chưa bị đóng đinh?
Tôi đồng ý T. “lặng lẽ rời mép chiếu văn chương”. Tôi thì đã rời lâu rồi, nghe theo lời tâm tình của “đồng nghiệp” ở Florida (rằng trên chiếu văn chương):
-Nếu nạn khiêu vũ trên những quả trứng vẫn tiếp tục, chắc chắn mình sẽ tìm nơi khác rong chơi…
Và theo lời “đồng nghiệp” ở Paris:
-Anh thấy làm văn nghệ ở xứ người là một màn xê-xê-xê-đê (c.c.c.đ.), lại thêm lắm nỗi bửc mình, nếu có yêu văn nghệ thì hãy đứng xa xa mà ngó, nhào vô sẽ vỡ mộng…
Mình cứ để chiếu văn chương hực nóng bay lướt như thảm bay chở quí tiên ông tiên bà “đồng nghiệp” hả hê hóng gió, ngất ngưởng thù tạc đi T.! Chúng ta tìm một quán cóc lắt lay hay thảm cỏ xanh mượt tươi mát nhâm nhi cốc rượu họp bạn -nếu T. không thuộc nhóm mấy tay “trà đá chanh đường”- coi bộ thoải mái, thú vị hơn nhiều, đỡ đau đầu với “những vấn đề nhớn”, đỡ mỏi miệng vì phải nhe răng cười hoài…
Nhưng tôi không đồng ý T. “từ biệt văn chương mà không dám vẫy tay chào”. Văn chương có tội tình chi mà mình phải “phụ rẫy văn chương”. Mình có thể “thù người phản bạn, hận kẻ bạc tình”, nhưng ai lại nỡ hận thù Tình Yêu? Mình có thể lợm giọng vì ông cố đạo nham nhở, nôn mửa vì một ông thầy chùa sàm sỡ, nhưng ai lại nỡ chà đạp Niềm Tin? Cũng vậy, mình có thể buồn một văn, thi hữu, nản một thân hữu hay một ông chủ báo, một ông chủ nhà xuất bản, chứ sao lại nỡ ruồng rẫy Nàng Văn Chương?
Một đồng nghiệp-báo ở Cali đã viết cho tôi: “Gần như từ lâu, từ 1963 ở Sàigòn, khi báo chí thuộc thế hệ trẻ do Chu Tử dẫn đầu mang không khí Lương Sơn Bạc vào làng báo, người cầm bút Việt Nam dường như không còn thắc mắc là những điều mình viết ra có được nhã không, có được đúng không, có làm phiền lụy tới người khác không?...” Bây giờ cái không khí đó đâu đã tuyệt dứt, T. đừng lấy đó làm phiền. Vả lại “đồng nghiệp” nầy nhìn nhận -nhiều “đồng nghiệp” khác và tôi cũng cùng một nhận xét- vẫn còn có những “đồng nghiệp” xông vào “làng” vẫn còn giữ nguyên lòng trong sáng về chữ nghĩa, chưa trở thành người “cynique”(khuyển nho?), những người hồn nhiên, lãng mạn còn sót lại của một thế hệ “cynique”…

Một cố đồng nghiệp-đồng nghề-đồng bạn-đồng nhiệm sở ở Montréal nhận định:
-Tôi thấy hình như ít ai, nếu không muốn nói là không có ai, khi đã yêu, đã mê “nghiệp” cầm bút rồi lại có ý nghĩ bỏ “nghề”, lại càng không có chuyện đòi hưu non hay hưu già. Họ chỉ ngưng viết khi không còn có thể viết được, mất trí nhớ hay tim ngừng đập.
Một nghìn năm một vạn năm
Con tằm cũng kiếp con tằm nhả tơ

Cuối thư, tôi không còn gì nói thêm, ngoài việc nhìn nhận chính bài viết của T. mà tôi sẽ mang theo trong chuyến rong chơi các hoang đảo sắp tới đã gây hứng khởi cho tôi cầm bút lại. Lần nầy tôi viết trong tâm trạng tương tợ như tâm trạng T. khi viết bài đó. Và tôi mạn phép dùng câu kết luận của T. để kết thúc bài viết hôm nay như chính tay tôi viết:
“Lần đầu tiên tôi muốn viết với tất cả sự bồng bột trong lòng, với những điều mình nghĩ, không cần phải trau chuốc, đắn đo. Từ trước tới nay, tôi chỉ thích viết khi tâm tình mình đã lắng xuống, khi sự bồng bột đã đi qua. Lần nầy thì khác, tôi phải ghi lại những cảm nghĩ nguyên thủy của mình để sau nầy nếu mất đi người bạn (chỉ một lần gặp gỡ trên Xứ Anh Đào hoa mộng xa xưa), tôi vẫn còn chứng cớ rằng tôi đã nghĩ đến bạn bằng tấm lòng chân thật ngay ở buổi đầu...”
Thương mến,

Thôn trang Rêu-Phong, Xứ tuyết, Mùa đông 2009
-Lê Tấn Lộc-