Sunday, November 8, 2009

MÙA XUÂN NĂM ẤY

MÙA XUÂN NĂM ẤY…

Hỡi cô gái khép đôi tà áo

Xuân nhật đăng lâu vọng cố nhân

Chàng trai phong nhã ngày xưa ấy

Đã bỏ tình riêng theo nước non

Tân dửng dưng trước không khí rộn rã vui tươi tưng bừng đón Xuân Tân Mão 1951. Trắng đêm thức đọc Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh, một tay xoa bóp các vết bầm trên thân thể sau trận đòn do người anh răn dạy mình đã tỏ tình không đúng chỗ với cô gái cưng của ông chef của anh, tay kia lần giở tập học trò với nhiều bài thơ tiền chiến chép tay, Tân thì thầm đọc:

Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng

Nhẹ bảo chàng: “Em chẳng biết gì ư?

Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù

Người nước Việt ra đi vì nước Việt

Tha La vắng vì Tha La biết

Thương giống nòi, đau đất nước lầm than…


Từ dạo bước chân vào trường trung học, càng đọc các truyện về những chàng trai theo kháng chiến chống Pháp -nhứt là các truyện của Thẩm Thệ Hà- Tân càng thán phục họ và cảm thấy lòng yêu nước bị khích động mãnh liệt, thâm tâm nhen nhúm niềm khao khát noi gương họ… “thoát ly”! Các tập truyện mõng nầy do nhà phát hành Nam Cường phổ biến rộng rãi và được giới trẻ -nhứt là giới học sinh- cũng như người đứng tuổi nồng nhiệt đón nhận. Tân vừa say mê vừa cảm động ngấu nghiến đọc Em không về nữa chị ơi, Chiếc hòm chưn nhạn, Xin đắp mặt tôi mảnh lụa hồng, v.v…Nhưng “Nửa bồ xương khô” mới thực sự là quyển sách gối đầu giường của Tân. Phải nhìn nhận thuở ấy, đối với Tân, những truyện viết nầy quá xuất sắc, càng xuất sắc hơn nữa là chúng đã khéo léo “qua mặt” được nàng kiểm duyệt “thông tin” của bộ máy cai trị thời đó, vốn chịu nhiều áp lực nặng nề và sự kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp. Điều lạ lùng nhứt là chúng đã thành công đẩy lui vào quên lãng những hoài niệm kinh hoàng của Tân tích tụ từ thời cùng gia đình tản cư, hưởng ứng lời kêu gọi “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh! Quả thật,

tuổi thơ vẫn sẵn lòng quên những phát súng những mũi dao của bọn người lớn…


Cuối cùng Tân quyết định sáng sớm tinh sương mùng bốn Tết Tân Mão âm thầm ra đi với Trang, bạn cùng trường ở Vĩnh Long, cả hai vai mang đờn mandoline, tay xách túi nhỏ đựng hai bộ quần áo với một ít tiện nghi vệ sinh hằng ngày. Để qua mắt chính quyền, người “móc nối” kín đáo “gởi” Trang và Tân trên chuyến xe di chuyển gánh hát cải lương Phát Thanh của ông Bầu Tèo sang lưu diễn tại Cái Bè, thuộc quận Cai Lậy, với thành phần diễn viên nồng cốt: đào thương thinh sắc vẹn toàn Nguyệt Yến-“Nữ Thần Trong Động Lửa”, kép mùi Paul Thuận gầy yếu xanh xao, kép độc Hoàng Dưỡng tướng tá bậm trợn, đằng đằng sát khí, v.v… Và hẹn một tuần sau đến đón hai cậu học sinh bỏ trường vô “khu” … Đảo mắt nhìn bao quát lần cuối thành phố còn say ngủ, thành phố tư bề có sông rạch bao quanh, đã yêu thương dung dưỡng biết bao mộng mơ bất thành của mình, Tân khe khẻ ngâm nga:

quê tôi ở giữa kinh thành

có những phố phường nho nhỏ

có những buổi chiều xanh xanh

bụi loãng trong lòng thương nhớ


-*-


Đến hẹn vẫn chưa thấy người móc nối xuất hiện như đã hứa. Hai thiếu niên Tân-Trang bỗng nhiên trở thành hai trẻ lạc loài như RémiMattia trong truyện Vô Gia Đình (Sans famille) của Hector Malot. Tân chợt nghĩ có lẽ rồi đây mình cũng sẽ như Rémi theo ông nhạc sĩ già Vitalis mưu sinh! Được báo cáo có hai cậu học sinh “bỏ nhà theo gánh hát”, ông bầu Tèo và tình nhân Nguyệt Yến vặn hỏi hai đứa muốn họ cho người đưa về nhà chăng. Cả hai đều nhứt quyết “theo gánh hát”, chẳng thể nào dám tiết lộ chờ người dẫn ra “khu”! Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, sự thế đã thế thì đành…gặp thời thế thế thời phải thế! Khởi đầu, bầu Tèo giao cho hai trẻ thủ vai vệ sĩ cho “dũng” tướng Paul Thuận, cứ mỗi lần ra quân phải kéo ro ro vài điếu lấy hơi và phải mặc áo độn cho ngực vung vai u để không quá lép vế trước người yêu Nguyệt Yến, đào lẵng tràn đầy nhựa sống, “trẻ mãi không già”, phu nhân bị cưỡng ép của loạn tướng Hoàng Dưỡng quá ư gồ ghề, “gian ác”. Hai trẻ rất được ông bà bầu gánh cưng chiều và anh chị trong đoàn hát thương mến. Nhờ thế Tân và Trang đỡ tủi thân. Trước mắt, có cơm ăn áo mặc tương đối tươm tất. Riêng Tân có khiếu văn nghệ nên được truyền dạy cổ nhạc. Hai cây mandoline coi như bỏ xó! Thế nhưng, không như Trang có vẻ dễ dàng thích ứng với cuộc sống mới, Tân vẫn thấp thỏm trông đợi người móc nối tới lôi mình ra khỏi “kiếp cầm ca”, để được dịp nhắn gửi người con gái đã khiến Tân bị ông anh mình dần một trận đòn nhừ tử:

Nghe chăng cô gái đô thành nội?

Áo trắng an ninh giữa lũy đồn

Xuân sang rấm rức sầu quê tổ

Ai điểm trang mà em phấn son?


Trong khi chờ đợi, đào chánh Nguyệt Yến sai người hầu cận Bảo Ngọc, một thiếu phụ nhan sắc hiền thục, phong cách thùy mị (phụ trách trang điểm các diễn viên) tới nhờ kép độc Hoàng Dưỡng và Tư Đẹt (nhỏ con, nhẹ cân, chuyên thủ vai kiếm khách “bay” lượn trên sân khấu) trông chừng và truyền nghề cho Tân: Đẹt dạy đánh kiếm, đấu “boa nha” (dao găm). Dưỡng chỉ dẫn điệu bộ trình diễn cải lương và các điệu ca Vọng Cổ, Xàng Xê, Chuồn Chuồn, Nam Ai, Mẫu Tầm Tử, Khốc Hoàng Thiên, Lý Con Sáo, Kim Tiền Bản… Riêng Trang được thầy đờn huấn luyện ghita sáu dây phím lõm; không mấy chốc ngón “nhấn” của Trang được coi như đã nhuần nhuyễn, nức-nở-mùi-mẫn-thốn-tim!


**

Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng trôi qua: chẳng thấy bóng dáng người có nhiệm vụ đưa đường dẫn lối hai cậu học-sinh-thoát-ly vào “khu chiến”. Tân và Trang -nhứt là Tân- đành miễn cưỡng tháp tùng gánh hát đi lưu diễn khắp các tỉnh miền Đông Nam Phần. Hằng đêm cùng ăn cháo khuya với Hoàng Dưỡng và Tư Đẹt, Tân được nghe nhiều chuyện bí ẩn, cực kỳ lý thú, khi bức màn nhung đã buông xuống, lúc “sân khấu (đã) về khuya”… -Lúc nãy Tân có thấy gì khác lạ khi hai tay trung thần và nịnh thần đối đáp chăng? Hoàng Dưỡng hỏi. -Họ diễn thực quá! Tát tai nẩy lửa, đối đáp chan chát… -Bởi vì trung và nịnh thần trên sân khấu có mối tư thù ngoài đời. Ông thầy tuồng biết rõ nên mới phân vai quá đúng. Cả hai là tình địch. Nịnh thần cướp tình nhân của trung thần. Cho nên khi trung thần xỉ vả nịnh thần: “Bản mặt nhà ngươi coi bảnh bao vậy chớ cái lưng nhà ngươi đầy thẹo ghẻ ngứa”, anh ta “hát cương” (mà kép nịnh thần ghẻ ngứa đầy mình thiệt!). Và nịnh thần cũng vả miệng trung thần thiệt tình (trả đũa mà!) thay vì giơ tay mặt giả bộ vả, tay trái vỗ vô đùi tạo ra tiếng “bốp”! Tân thấy chưa, sân khấu và cuộc đời nhiều khi không khác nhau lắm đâu! Thảm trạng của những ai theo đuổi nghiệp “dưới ánh đèn màu” là vậy đó: Một số đem cuộc đời lên sân khấu như Tân vừa chứng kiến. Một số, ngược lại đem sân khấu xuống cuộc đời! Câu sanh nghề tử nghiệp coi vậy mà đúng quá! Nốc cạn ly xây chừng rượu thuốc, khà một tiếng nghe thật đã, Hoàng Dưỡng tiếp: -Anh kể Tân nghe vài hiểm nguy nghề nghiệp: Có lần đi hát ở tỉnh lẻ, cô Bích Thuận diễn xuất vai Thúy Liễu (trong Lan và Điệp) quá xuất sắc, đã bị một nam khán giả văng tục mắng nhiếc thậm tệ, thiếu điều muốn trèo lên sân khấu hành hung cổ! Vị khán giả nầy phản ứng kịch liệt như vậy vì ông ta thực tình “thấy” cổ đích thị là…Thúy Liễu! Châm thêm rượu vào ly xây chừng, Hoàng Dưỡng kể tiếp: -Cách đây 2 năm, khi gánh hát mình lưu diễn tại Nam Vang, anh xém bị một ông “đàn thổ” (Cao-Miên) cáp duồn! Cũng vì anh đóng quá “đạt” vai nịnh thần Bàng Hồng! Tay nầy ngồi hàng ghế đầu, phát thinh chửi thề: “Dơ! Tao chem chêt me mây!”. Rồi xách dao xông lên sân khấu toan làm thịt anh! Rất may cảnh sát can thiệp kịp thời, còng tay chàng ta lôi đi. Thế mà ổng còn ngoái đầu lại hét lớn: “Dơ! Tao chơ mây ra đương tao chem chêt cha mây luôn!”. Suốt cả tháng anh chẳng dám ló mặt ra đường ăn cơm tiệm, đành trốn miết trong rạp hát húp cháo cầm hơi, sụt gần chục ký! Lúc giở gánh đi, anh phải núp trong rương quần áo, hia mão mới thoát chết vì ông đàn thổ ổng cầm dao chực sẵn ngoài rạp, hễ thấy anh là…“phụp” liền! Một điểm khá lạ lùng với Tân, không hiểu vì sao Bảo Ngọc có vẻ rất “thương” và tận tụy chăm sóc từng miếng ăn, thức uống, giặt ủi luôn áo quần cho Tân…Đặc biệt hơn nữa, người thiếu phụ xinh đẹp dễ mến nầy cứ nằng nặc đòi Tân phải nằm ngủ sát cạnh nàng! Lý do nàng nêu ra là có Tân kề cận nàng yên bụng đêm khuya khoắc không bị mấy tay kép “thả dê” ẩu tả! Đã có tiếng xầm xì nàng và Tân “bồ bịch”. Dĩ nhiên không có chuyện đó, dù nàng chỉ hơn Tân bốn năm tuổi thôi. Nghe đâu nàng đã một lần dang dở tình duyên. Tân không dám hỏi nhưng nghe đồn kết cuộc rất bi thảm…


***

Thế rồi việc gì phải đến cũng sẽ đến, khi gánh hát trở lại Cái Bè. Tân chẳng thể ngờ lâu nay Bảo Ngọc âm thầm “chăm sóc” Tân là vì đã được người móc nối ở Vĩnh Long giao trách nhiệm tìm hiểu hai cậu học sinh bỏ trường có thực lòng muốn theo kháng chiến chống Pháp chăng. Sau vài tháng theo dõi, quan sát, Bảo Ngọc thấy rõ chỉ còn Tân muốn vô khu… Đêm ấy, như thường lệ, sau khi vãn hát Tân sửa soạn chỗ ngủ sát cạnh Bảo Ngọc. Giữa đêm, một làn hơi ấm thoang thoảng mùi hương bưởi phả vào mặt Tân: khuôn mặt hiền hòa của Bảo Ngọc ẩn hiện huyền ảo dưới ánh đèn măng-xông (manchon) vặn nhỏ…Nàng đưa ngón tay lên miệng ra dấu giữ im lặng, vội vã kéo tay Tân về vùng bóng tối sau cánh gà “đề-co” (décor) trên sân khấu, kề tai Tân yêu cầu gấp rút gom góp hành trang rời gánh hát ngay… Tim Tân đập loạn xạ, thầm nghĩ chẳng lẽ nàng rủ chàng bỏ trốn đi xây tổ uyên ương? Vô lý, lâu nay nàng vẫn xem Tân như người em mà!

-Đi đâu vậy chị? Tân thì thào hỏi.

-Đi đến một nơi mà Ngọc sẽ giúp Tân toại nguyện… Tân đỏ mặt tía tai. Toại nguyện cái gì? Lẽ nào là…“chuyện ấy”? Sao nàng lại xưng tên mình và gọi Tân bằng tên, không như từ lâu vẫn một mực “chị nói em nghe…”?

-Chị nói gì em không hiểu…

-Tân đừng chị chị em em với Ngọc nữa! Chúng ta bình đẳng, cùng chí hướng. Ngọc nói cho Tân rõ: Ngọc là giao liên. Ngọc sẽ đưa Tân vô khu trước khi trời sáng. Từ nay trở đi, chúng ta là bạn và Ngọc sẽ luôn sát cánh giúp đỡ Tân trong mọi tình huống. Yên chí đi, lúc nào bên cạnh Tân cũng có Ngọc, như trước đây lúc nào bên cạnh Ngọc cũng có Tân…Xuồng ba lá ngụy trang đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tân không rành đường đi nước bước nơi đây, nhứt là trời còn tối om, nên Tân phải nắm chặt tay Ngọc. Từ đây tới chỗ xuồng đậu mất ít nhứt nửa tiếng đồng hồ. Trong mọi trường hợp Tân không được buông tay Ngọc…


Chàng và nàng vừa bước xuống xuồng thì có tiếng chân người thình thịch bên kia bờ sông! Ngọc vội vã đẩy Tân bật ngữa ra khoang xuồng, nằm sấp lên người Tân, đúng lúc ngọn đèn pha trên lô-cốt quét sáng trưng vào bụi ô-rô đang che khuất chiếc xuồng ba lá cùng lúc với tiếng quát tháo bằng tiếng Pháp:

-Qui va là? Halte-là! (Ai đó? Đứng lại!)


Một tay bịt miệng Tân, tay kia nắm chặt trái lựu đạn đã mở chốt, Ngọc trong tư thế sẵn sàng phản công tự vệ hoặc…tự sát! Một tràng tiểu liên “ria” bừa vào đám ô-rô. Ngọc áp sát người trên Tân, chắc chắn với ý định dùng thân đỡ đạn cho chàng! Một loạt đạn thứ hai “tưới” cầu âu vào lùm cây thăm dò phản ứng. Trong tình thế cực kỳ nguy ngập, Tân vẫn thấy người nóng rần trong đêm lạnh, bởi chưa bao giờ được dịp ngây ngất vì hương vị da thịt của phái yếu…Khoái cảm đầu đời! Đèn pha quét rọi đã tắt ngấm từ lâu nhưng Ngọc vẫn nằm yên trên Tân! Tự dưng Tân ao ước ánh đèn oan nghiệt kia lại chọc thủng màn đêm, từng tràng tiểu liên lại “rót” không ngừng vào bụi cây, cho Ngọc tiếp tục ghì siết Tân thâu đêm…Nhưng Ngọc đã nhỏm dậy, bình tĩnh đẩy xuồng ra khỏi lùm ô-rô: Nàng vẫn không quên trách nhiệm được giao phó!


****

Cuối cùng Ngọc chu toàn nhiệm vụ. đưa Tân an toàn “ra bưng”. Lúc bước lên bờ, đến bìa rừng chồi, Ngọc yêu cầu Tân cho Ngọc bịt mắt để bảo mật lộ trình dẫn tới điểm đến, theo qui định Ngọc phải tuân thủ. Sau khi hướng dẫn Tân đến “ra mắt” người điều khiển khu mang bí danh Tư Rọm, trách nhiệm chiến khu mang ám số C5, Ngọc giữ đúng lời hứa không rời Tân nửa bước, Sự quan tâm của Ngọc khiến Tân đỡ xao xuyến. Không hiểu sao giáp mặt Tư Rọm, Tân cảm thấy rợn người, tâm thần bất ổn trước cặp mắt cú vọ và cái miệng gần như không có môi của hắn, y như miệng rắn!

-Cô Ngọc giao cậu Tân cho Sáu Củi khai tâm về đường lối của Cách Mạng và huấn luyện xử dụng vũ khí, Tư Rọm ra lệnh. Cậu Tân qua bên đó ăn ở luôn với anh Sáu…

-Thưa anh Tư, Ngọc nghiêm mặt trả lời. Huấn luyện Tân thì giao cho anh Sáu. Nhưng Tân phải ở với tôi. Người móc nối Tân ở Vĩnh Long dặn dò tôi rất kỹ phải luôn luôn canh chừng Tân. Anh ấy nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Và tôi không thể trái lịnh…

-Thôi được. Tạm thời, tôi chấp nhận như vậy. Tuy cô trực tiếp chịu trách nhiệm với Bảy Vẹo ở Vĩnh Long, nhưng ở đây là vùng trách nhiệm của tôi, mọi chuyện phải theo qui định của tôi…

-Anh Tư cho Tân theo tôi “hoạt động” vài lần cho quen việc, rồi chúng ta bàn lại…


Trên đường về trạm giao liên -hầm trú ẩn được ngụy trang rất tinh vi, tránh máy bay quan sát khám phá- dành riêng cho Ngọc nghỉ ngơi, Tân thắc mắc: -Sao Ngọc cứ muốn mình ở chung với nhau vậy? Tân thấy Tư Rọm có vẻ hắc ám quá! Anh ta là người Nam mà sao giọng nói lơ lớ như…người Bắc hay người Trung vậy?

-Câu hỏi thứ nhứt của Tân, Ngọc sẽ trả lời sau, vì chuyện khá dài dòng…Tư Rọm là người Nghệ Tĩnh. Hắn bắt chước giọng Nam để giấu biệt gốc gác của mình, cho thiên hạ lầm tưởng hắn là dân địa phương, hầu dễ bề gây cảm tình với quần chúng. Tân linh cảm đúng về hắn đó. Sáu Rọm rất tàn bạo và quỷ quyệt. Ngọc nhắc Tân lần nữa, như mình đã nhất trí: Tân phải luôn bám sát Ngọc.

Ngưng một lúc, Ngọc choàng vai Tân, kề tai hạ thấp giọng:

-Thêm điều kiện nầy nữa cho thật an toàn: Từ nay trở đi, mình phải đóng kịch như đôi nhân tình. Tân không nên xem thường điều kiện mới nầy, vì nó tối quan trọng, có tính cách sinh tử chứ không phải chuyện giả bộ chơi cho vui đâu! Chuyện nầy ít nhiều liên quan tới câu hỏi thứ nhứt của Tân…

Tân định vặn hỏi nhưng Ngọc đã nhanh chóng kéo Tân xuống hầm, đóng nấp lại. Qua ánh đèn bấm, Tân nhìn thấy một thùng gỗ chứa đầy lựu đạn đặt cạnh một cây mi-trai-dết (mitraillette Mas 36) mà Tân thường thấy lính Tây được trang bị.

-Tân nhìn khẩu Mô-ze (Mauser) phòng thân của Ngọc đây. Ngọc sẽ chỉ Tân cách sử dụng. Có dịp, Ngọc sẽ kể câu chuyện về nó để trả lời câu hỏi thứ nhứt của Tân… Trước khi ngọn đèn dầu leo lét được thổi tắt, Tân thoáng thấy Ngọc lên đạn khẩu Mauser…


*****

Suốt hai tuần, Sáu Cũi vừa nhồi nhét “đạo đức cách mạng” vừa tập cho Tân đủ mọi thế ném lựu đạn (và tháo chạy!), tuyệt nhiên không chỉ dẫn gì hết về súng đạn. Ngọc luôn có mặt bên cạnh Tân, đưa chàng về trạm giao liên ngay sau mỗi buổi tập, không muốn Sáu Cũi kéo Tân ra khỏi tầm nhìn của Ngọc nói chuyện riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho Tư Rọm tới ve vản nàng. Tư Rọm bực tức, hậm hực nhìn “hai trẻ” nắm tay “tình tứ” đưa nhau về “động hoa vàng-hầm trú ẩn”! Hắn thèm khát Ngọc từ lâu. Bao nhiêu lần hắn đột nhập vào “sào huyệt” của Ngọc mưu toan hái mận bẻ đào nhưng không kết quả. Lần nào Ngọc cũng mở chốt lựu đạn cảnh cáo hắn nếu sấn tới sẽ buông tay cho cả hai cùng tan xác!

-Ông sẽ cho chúng con biết tay ông! Hắn lầu bầu, miệng méo sệch, sùi bọt mép, cặp mắt cú vọ đỏ rực, trợn trừng trông khiếp vía…


Một tuần sau Tư Rọm giao cho Tân công tác rải truyền đơn. Dĩ nhiên có Ngọc đi kèm. May thay! Nếu không Tân đã bị mật thám Tây bắt hoặc bị bắn hạ khi tháo chạy! Vào giờ chót, Ngọc thay đổi địa điểm do Tư Rọm chỉ định. Thay vì trong nhà lồng chợ, Ngọc canh chừng cho Tân thi hành công tác tại trường tiểu học quận lỵ…

-Tân chớ lo. Ngọc báo cáo địa điểm trong chợ bị địch phát giác…

-Ngọc tài thật. Sao Ngọc biết trước địa điểm nầy nguy hiểm?

-Ngọc sẽ nói rõ ngọn ngành với Tân sau. Tạm thời Ngọc bảo gì Tân cứ y thế mà làm. Nếu không mạng sống Tân sẽ như chỉ mành treo chuông! Trên đường về, Ngọc thay đổi lộ trình nhiều lần…


Đêm đó, dưới ánh trăng lưỡi liềm yếu ớt , ẩn mình trong khu rừng chồi ven sông, Ngọc tiết lộ hành tung khiếp đảm của tay huyện ủy đã khiến Tân rởn óc, lần đầu chạm mặt:

-Hắn tên Đỗ Xảo, năm nay hắn đúng 35 tuổi, giỏi lắm học tới lớp tư trường làng, sống bằng nghề chính bưng mâm rửa chén cho các tiệm ăn; nghề phụ, nhổ răng và thiến heo dạo. Năm 20 tuổi, hắn bỏ xứ trốn vào Nam vì đâm chết một đối thủ cùng trổ nghề cướp giựt, móc túi. Hắn chuyển qua nghề dẫn mối gái ăn sương cho lính Tây. Nhờ vậy hắn được một tên lính lê dương (légionnaire) giới thiệu làm bồi cho vợ chồng một quan hai Tây. Hai năm sau hắn mò vào phòng ngủ đâm chết ông trung úy, rồi hãm hiếp và siết cổ bà trung úy cho tới chết. Từ đó hắn tuyệt tích giang hồ. Nghe đâu nhờ “thành tích” đẫm máu nầy, hắn được kết nạp vào Đảng! Ngọc nghe anh chị em ở đây xầm xì là trước khi đáo nhậm C5 hắn đã trở về quê cũ ném lựu đạn rồi phóng hỏa đốt nhà ông hội đồng Thành, giết sạch gia đình ông nầy cùng vợ và hai con hắn được ông hội đồng cho tá túc làm việc nhà, sau khi hắn can tội giết người bỏ trốn. Nhằm tạo thành tích dâng cho Đảng, hắn không từ nan bất cứ chuyện gì có lợi cho hắn thăng tiến, kể cả việc giết luôn vợ con mình! Hiện nay “quan” huyện ủy nhà ta cuỗm vợ của một du kích xã đã bị Tây phục kích bắn chết. Thiên hạ đồn rằng hắn đã mật báo cho Tây lộ trình của anh du kích! Bây giờ hắn lại muốn “chiếu cố” Ngọc…

-Do đó Ngọc cần Tân sống chung với Ngọc để…

-Đúng vậy. Nhưng còn một lý do thầm kín khác mà từ từ Tân sẽ hiểu…Trong khi chờ đợi, Ngọc có bổn phận bảo vệ Tân và…ngược lại!

-Ngược lại?

Ngọc không trả lời câu hỏi của Tân, trái lại vội vàng ghì siết Tân vì…Sáu Cũi đi tuần tra các tổ báo động ven sông vừa rọi đèn pile vào “chàng và nàng” đang (giả bộ) mùi mẫn!


******

Một tháng sau khi tới C5, Tân bắt đầu nhuốm bệnh sốt rét rừng. Ngày cũng như đêm, Ngọc túc trực bên Tân cạo gió, giác hơi , nấu nồi xông, đút cháo cho Tân cầm cự chịu trận cho cơn bịnh hành hạ. Mỗi lần “làm cử”, đắp bao nhiêu chăn mền đều không ngăn được Tân rét run tận xương tủy, đến độ Ngọc phải ôm cứng Tân “đè” chàng xuống sạp tre, nếu không chắc Tân đã té lăn xuống đất! Ngọc van nài Tư Rọm xin vài viên kí-nin (quinine), nhưng hắn dứt khoát từ chối, viện lẽ thuốc để dành chữa cho các “đồng chí” chiến binh mau bình phục, sớm trở ra trận tuyến. Tân không thuộc loại được ưu tiên săn sóc nầy. Không còn cách nào khác, Ngọc đành liều lĩnh lẻn ra “thành” cầm đôi bông tai mua kí-nin giá chợ đen về cứu Tân qua cơn nguy kịch. Cơn làm cử vừa lơi đôi chút, Tư Rọm giao công tác liền tức khắc cho Tân. Ngọc phản đối. Hắn lạnh lùng “phán”:

-Cách Mạng không thừa cơm nuôi bọn ăn không ngồi rồi!


Lần nầy hắn cho Sáu Cũi “tăng cường” tổ công tác: Tân phải liệng lựu đạn vào một quán ăn trong chợ, nơi lính tráng từ trại binh của Tây thường ra ăn uống. Sáu Cũi lên đường trước, hẹn giao hai trái lựu đạn cho Tân trước cửa chợ. Nửa giờ sau Ngọc và Tân rời hầm trú ẩn, tiến về mục tiêu được chỉ định…Đột nhiên, Ngọc thay đổi lộ trình, kéo tay Tân vô khu rừng chồi, nhờ Tân phụ đẩy xuống nước chiếc xuồng ba lá đã đưa Tân tới C5, đem giấu sau đám lau sậy ven sông.

-Tân giữ trái lựu đạn nầy phòng thân, tuyệt đối im lặng chờ Ngọc trở lại. Ngọc đã lo liệu mọi thứ đâu vào đó rồi. Tân đừng sợ. Ngọc đi đây!


Áng chừng 30 phút sau, một tràng tiểu liên phá tan sự im lặng ban mai. Tân bồn chồn lo lắng cho Ngọc, muốn rời xuồng chạy về hướng có tiếng súng nghe ngóng tin tức, tuy nhiên vẫn cố dằn lòng nằm im, nhớ lời Ngọc dặn dò…Nhưng rồi nhiều loại súng thi nhau nổ ròn tan khiến Tân không còn chịu nổi sự căng thẳng cân não. Tân dợm nhảy lên bờ tiếp cứu đồng đội thì… từ xa Ngọc hỗn hễn phóng tới hối hả bơi xuồng lướt nhanh đi, luồng lách trong hệ thống kinh rạch chằng chịt tìm cách thoát khỏi khu C5.



Đêm đến, Tân “làm cử” dữ dội hơn mọi bận: sau cơn rét run bầng bật suýt làm xuồng lật chìm, Tân nóng sốt mê sảng, ói mữa thâu đêm. Ngọc mệt nhoài choàng ôm cứng Tân ngủ thiếp cho tới lúc mặt trời đứng bóng, Tân vẫn chưa ra khỏi giấc ngủ như hôn mê…

-Tân! Tân! Ngọc lay gọi. Ráng tỉnh dậy đi! Có chuyện nầy rất quan trọng, Ngọc cần bàn với Tân. Mình đã ra khỏi vùng kiểm soát của C5 và cũng đã vượt khỏi khu Tây có thể truy lùng. Sáu Cũi đã bị bắt.. Ngọc cố ý cho “bể” vụ Tư Rọm sai hắn gài bẫy cho Tân sụp hầm Tây. Tràng tiểu liên do Ngọc bắn đã cứu Tân thoát chết. Bây giờ Ngọc dự tính đưa Tân về với gia đình, trở lại trường học. Ở lại C5, Tân không chết về tay Tư Rọm cũng sẽ chết vì sốt rét rừng.

-Làm sao Tân về nhà mà không bị công an bắt về tội trốn ra bưng?...

-Tân yên tâm. Anh Bảy Vẹo đã chuẩn bị rất tỉ mỉ cho chuyến trở về của Tân hoàn toàn êm xuôi với chính quyền Vĩnh Long. Trước mắt, về tới nhà, Tân phải ẩn mặt một thời gian. Anh Bảy sẽ kín đáo cho người đến lo liệu mọi thứ với gia đình Tân…

-Nhưng Ngọc sẽ ra sao nếu Ngọc trở về C5? Chẳng thể nào Tư Rọm tha cho Ngọc và Tân đã bất tuân lệnh của hắn, khiến Sáu Cũi bị bắt…

-Tân không phải lo. Anh Bảy “uy thế” hơn Tư Rọm nhiều, nên hắn không dám đụng tới Tân. Ngọc sẽ báo cáo Tây nó lầm tưởng Sáu Cũi là…Tân! Mà đúng vậy. Vì sau đó Tây mang Sáu Cũi ra giữa chợ bắn bỏ! Điều nầy cho thấy rõ ràng Tư Rọm đã mật báo cho Tây vây bắt Tân và bắn chết ngay, bởi vì hắn đinh ninh Tân là tình địch …

-Càng thêm một lý do nữa để Ngọc đừng quay lại C5! Sao Ngọc không thừa cơ hội nầy ra đầu thú hay trở về hoạt động với anh Bảy? -Có nhiều tình tiết mà lúc nầy Ngọc chưa tiện tiết lộ cho Tân rõ. Nhưng nhứt định Ngọc phải tiếp tục công tác bên cạnh Tư Rọm để chờ cơ hội…

-Cơ hội?...

-Từ từ Tân sẽ rõ. Ngọc thấy Tân còn quá yếu, cần nằm nghỉ lấy sức. Ngọc cũng vừa bán chiếc nhẫn mua thêm vài viên quinine giúp Tân cầm cự vài hôm nữa để Ngọc có thể đưa Tân tới Bắc Mỹ Thuận cùng Tân đón xe đò về Vĩnh Long…

-Tân không đành lòng để Ngọc hứng chịu mọi hiểm nguy thường xuyên với con quỷ dâm ô có cái miệng như miệng rắn, chỉ vì muốn giải cứu Tân…

-Thì Ngọc cũng đã lợi dụng Tân như tấm bình phong để bảo vệ mình trước mưu đồ hắc ám của tên quỷ sứ đó! Vả lại Ngọc có mối thù bất cộng đái thiên với tên lưu manh đội lốt cách mạng nầy. Tân còn nhớ Ngọc nói có dịp Ngọc sẽ kể câu chuyện về khẩu Mauser tùy thân nầy chăng?

Ngọc không nghe Tân trả lời vì Tân lại vừa lên cơn sốt rét kịch liệt…


*******

Tân hồi tỉnh trên căn gác mà các cửa sổ đều được đóng kín, tưởng chừng như vừa giật mình thức giấc sau cơn mộng dữ dai dẳng: Tân bỏ học? Tân theo gánh hát? Tân vô khu? Tân rải truyền đơn? Tân trên đường mang lựu đạn đi ném vào khu chợ búa đông dân cư? Tân bị sốt rét rừng suýt chết? Tân bỏ khu trốn về thành? Ngọc! Ngọc ơi! Ngọc đâu rồi? Mọi chuyện đã thực sự xảy ra như thế hay tất cả chỉ là một giấc mơ dài? Rõ ràng đây là căn gác trên lầu nhà Tân, nơi vừa là phòng ngủ vừa là phòng học của Tân và đứa em trai mà! Lẽ nào do ôn bài thấm mệt Tân ngủ quên trên giường đến độ nằm chiêm bao kinh khủng quá sức tưởng tượng? Thân thể nóng bốc khói, miệng khô đắng, Tân dụi mắt cố gượng dậy. Vừa đứng lên, chàng lảo đảo té sấp xuống sàn gỗ, sặc máu mũi, môi miệng ứ máu sưng húp! Dưới nhà có tiếng chân người vội vã chạy lên cầu thang…

-Tân! Tân con! Ba đây, đừng sợ! Đã 3 ngày rồi con mê sảng… Có người giúp ba lén đưa y tá tới chích kí-nin-mắc (quinimax) nên con mới bớt làm cử. Nhưng con còn yếu lắm, lưỡi con đóng bợn cứng ngắt, nói chuyện khó khăn. Chưn con chưa đứng vững được nói chi tới bước đi. Chờ má con đi chùa Bà Đội thu xếp xong về, ba sẽ đưa con vô đó tạm lánh mặt để chữa trị, tránh chòm xóm dòm ngó. Cô Ngọc nói với ba anh Bảy đã “lo” xong với chánh quyền chuyện con trở về. Họ coi như con lỡ dại ham vui “theo gánh hát” thôi. Anh con cho biết đã được trường con đồng ý cho con trở lại đi học. Con ráng tịnh dưỡng…

-Vậy là con không nằm mơ, phải không ba? Ngọc đâu rồi ba?

-Cô ở lại một ngày, một đêm bên con. Sáng sớm hôm sau cô kiếu từ và nhờ ba má nói với con là cô rất quí mến con. Cô yêu cầu ba giữ cuốn sổ nhỏ nầy nhưng dặn ba chỉ đưa cho con khi tình trạng sức khỏe con khả quan…


Tân cảm thấy cổ họng nghèn nghẹn, mắt cay xè…Ngọc ơi! Bây giờ (Ngọc) ở đâu? Góc biển hay rừng sâu? Chúng ta vĩnh viễn chia tay nhau rồi chăng? Có lẽ Tân sẽ không còn ứa lệ như trước nữa, khi cám cảnh Em không về nữa chị ơi…Mà rồi đây Tân sẽ phải âm thầm thổn thức…Chị không về nữa em ơi! Đã một thời chúng ta tựa vào nhau chống chọi với thói đời ở một nơi mà chúng ta ngỡ là ưu việt, là cao cả, là… cách mạng! Ngọc ơi…

hai cánh bèo trôi bớt lẻ

ta ép chung từng tiếng lệ

sông dài cũng đỡ tràng giang

hia nhau nửa giấc kê vàng


Liên tiếp ba ngày sau khi Ngọc ra đi, một cơn bão rớt trút mưa xối xả xuống thành phố Vĩnh Long. Hệ thống cống rảnh không còn khả năng thoát nước, đường phố chìm dưới nửa thước nước. Riêng con đường mòn từ lộ cái dẫn tới chùa Bà Đội, nước ngập tới lưng quần! Xe cộ vô phương lưu thông, ba Tân đã phải kề lưng cõng Tân lội nước trên 3 cây số, từ nhà đến chùa dưới cơn mưa tầm tã…Tân khóc nức nở thương xót cha già khổ lụy vì con! Nhờ cơn bão rớt, đường phố vắng hoe, cha con Tân an toàn di chuyển trên lộ trình gian khổ đưa Tân đi mai danh ẩn tích trị bịnh… Một tuần cật lực điều trị, lớp uống quinine, lớp tiêm quinimax, Tân hồi lực thấy rõ. Sớm chiều nghe kinh, tâm hồn nhẹ lâng theo tiếng đại hồng chung thanh thoát, tiếng chuông mõ hoà quyện với tiếng ê a tụng niệm, Tân dần dà tìm lại được an bình nội tâm.


********

Bước ra sau chùa, tìm bóng mát dưới tàng cây đa, Tân lần mở quyển sổ tay của Ngọc ..mở đầu với 4 câu thơ khiến Tân đau nhói trong tim:

Mây sớm nay về u ám quá

Đường sầu ướt át phố mờ sương

Ta xé lòng nhau làm mấy mảnh

Anh một phương và tôi một phương


“Tân thương mến,

Không nỡ rời Tân đang đau yếu, nhưng Ngọc không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi, dù thâm tâm vẫn muốn luôn kề cận Tân để bảo vệ. Không như lúc chúng ta sớm tối có nhau ở C5, nấn ná, bịn rịn với Tân lúc nầy Ngọc sẽ gây nguy hiểm chẳng những cho Tân mà còn cho cả gia đình Tân. Ngoài ra, Ngọc còn món nợ to lớn phải thanh toán với Tư Rọm. Anh Bảy yêu cầu Ngọc giao cho anh ấy giải quyết, nhưng Ngọc không đồng ý. Ngọc phải đích thân ‘tính sổ’ với hắn… Chỉ một thời gian quá ngắn sinh hoạt với gia đình Tân, Ngọc nhận ra ba má Tân thương con hết lòng, hết sức, nhứt là ba Tân. Suốt thời gian Tân vắng nhà, ông bỏ bê công việc, suốt ngày thất thần buồn bã, lắc đầu thở dài, không màn tới chuyện uống rượu vốn đã thành thói quen của ông sau giờ trại mộc đóng cửa. Má Tân kể ba Tân vốn vô thần, chẳng những không tin tưởng gì hết mà còn châm biếm bà mê tín dị đoan, thờ ‘Chà Và’ (Phật), ‘Chệt’ (Quan Công, Cửu Thiên Huyền Nữ) v.v…Thế mà khi Tân bỏ nhà ra đi, bà thuyết phục được ông vô chùa lạy Phật và thắp nhang chắp tay xá trang thờ Bà Cửu Thiên cầu xin phù hộ cho Tân an lành trở về! Ngọc đoán Tân rất nôn nóng muốn biết rõ việc gì đã xảy ra giữa Ngọc và tên huyện ủy ác ôn của C5. Hôm nay Ngọc sẽ kể đầy đủ tình tiết… Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu (ba mẹ Ngọc đều dạy học), mẹ qua đời khi Ngọc vừa bước vào tuổi 16. Ba ở vậy nuôi con mà Ngọc là đứa con đầu đàn. Ông đốc học của ba muốn Ngọc về làm dâu ông. Mà Ngọc đã trót yêu Bảo, đang học Luật. Cũng như Tân, chịu ảnh hưởng những chuyện viết về kháng chiến chống Pháp, Bảo ‘thoát ly’...Rồi thuyết phục Ngọc bỏ nhà, tránh bị cưỡng ép kết hôn. Khởi đầu hai đứa hoạt động với anh Bảy. Sau đó được điều tới tăng cường cho C5. Ngay buổi tiếp xúc đầu, Bảo đã nghi ngờ tư cách ‘khó khá’ của Tư Rọm. Hình dong, dáng dấp của hắn gần như thường xuyên toát ra tính chất mờ ám…Riêng Ngọc thì bắt gặp ánh mắt thèm thuồng như muốn lột trần Ngọc ra và cái nhìn quá ác cảm chỉa về phía Bảo của hắn! Vài lần hắn giao công tác cho hai đứa, Bảo không còn nghi ngờ gì về tính gian manh của tên dâm tặc tàn nhẫn nầy. Bảo nhứt quyết phải vạch trần bộ mặt thật của hắn để vĩnh viễn khai trừ hắn ra khỏi hàng ngũ kháng chiến quân. Cơ hội diệt trừ hắn đến, khi hắn sai Bảo đi ám sát con yêu râu xanh người Cọt (Corse) - Xếp sòng công an liên bang (sûreté fédérale) Pháp, trách nhiệm truy lùng khu C5- chuyên hãm hiếp phụ nữ địa phương chẳng may bị hắn nghi ngờ hoạt động chống Tây bắt giam. Tư Rọm không đồng ý Ngọc theo trợ lực, nhưng Ngọc vẫn bí mật tới yểm trợ Bảo… Hai đứa tin chắc tài liệu về hành tung bí hiểm của hắn nằm trong tay của tên Corse dâm đãng. Phen nầy hắn vô phương chạy tội. Nhưng…ai ngờ hắn cao tay ấn hơn, mật báo cho tên trùm lính kín. Nhằm tuyệt đối bảo mật -đề phòng nội tuyến- tên nầy đơn độc phục kích sát hại Bảo với khẩu Mauser mà Ngọc đã cho Tân xem qua…Hắn không ngờ Ngọc có mặt, có lẽ Tư Rọm đã cam kết với hắn rằng Bảo sẽ đi một mình. Ngọc bắn hạ, tướt đoạt khẩu Mauser trên tay hắn, lục túi áo hắn lấy mảnh giấy -chứng cớ ràng ràng về sự hãm hại độc địa anh em kháng chiến của tên huyện ủy gian xảo- đau lòng bỏ xác Bảo cạnh xác tên quỷ sứ, gấp rút vượt thoát đám lính Tây đang ùa tới truy nã… Ngọc ẩn mình trong rừng suốt đêm, khóc thương Bảo hết nước mắt, tim quặn thắt đau đến mức sắp quị ngả nhưng cố lấy lại bình tĩnh, thản nhiên đến báo cáo Bảo đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ ám sát tên Corse-trùm-lính-kín. Cho nên Tân yên tâm: Tư Rọm không biết Ngọc đã rõ hết hành vi tàn độc của hắn mượn tay kẻ thù giết chết Bảo. Trái lại hắn yên chí sớm muộn gì Ngọc cũng sẽ rơi vào vòng tay thô bạo của hắn vì không còn ‘chướng ngại’ Bảo ngăn trở. Cho tới khi Ngọc nhờ Tân đóng kịch nhân tình…Một công hai việc: Chúng ta bảo vệ lẫn nhau và qua cách hắn âm mưu hãm hại Tân, Ngọc thu thập thêm bằng chứng về dã tâm sát hại đồng đội để rảnh tay cưỡng chiếm vợ con họ…” Tân ngước nhìn lên không trung, thầm cầu xin Trời Cao phù hộ cho Ngọc, giờ đây đang liều lĩnh trở về hang hùm C5, rình chờ cơ hội hạ thủ độc-xà-huyện-ủy Đỗ Xảo! “Sau cái chết tức tối của Bảo, Ngọc xin anh Bảy đổi bí danh thành ‘Bảo-Ngọc’, để vừa tưởng nhớ Bảo vừa nhắc nhở Tư Rọm ‘giao liên’ Ngọc hiện thuộc diện goá phụ tử sĩ hy sinh vì cách mạng, bất khả xâm phạm…tiết hạnh! Vậy mà hắn cứ lăm le giở trò bỉ ổi… Tân yên tâm dưỡng bịnh để trở lại học đường. Ngọc chắc chắn Tân sẽ thành công mỹ mãn trên đường học vấn và tin tưởng mãnh liệt sau nầy Tân sẽ nhiệt thành đóng góp sức mình cho đất nước hữu hiệu hơn. Phần Ngọc, Tân chớ lo: Ngọc đủ sức đối phó với Tư Rọm. Ngọc được biết ít nhứt có 3 người đang ra sức truy tầm hắn, đòi hắn trả nợ máu: Cô em vợ hắn, cậu em trai ông trung úy Pháp bị hắn đâm chết và ông anh bà trung úy bị hắn hiếp dâm rồi siết cổ chết. Chưa kể thân bằng quyến thuộc của ông hội đồng mà hắn đã tàn sát hết cả nhà… Ngọc hy vọng thành công xử tội hắn với khẩu Mauser đã hạ sát Ngọc, cho thân nhân các nạn nhân của hắn khỏi nhọc công ra tay… Tân sẽ được thông báo đầy đủ chi tiết về số phận của Tư Rọm một ngày gần đây. Hắn và đám em út tay sai của hắn không dám chạm tới Tân vì anh Bảy đã bố trí nghiêm nhặt chờ ‘đón tiếp’ rất kỹ bọn hắn. Tân đừng liên lạc với anh Bảy để tìm cách gặp Ngọc. Cứ coi như Ngọc đã biến mất trong trí nhớ của Tân. Hãy trở lại nếp sống thư sinh, chuẩn bị hành trang vào đời hữu ích hơn, phong phú hơn, nhân ái hơn…

Giao Thừa Tân Mẹo-Nhâm Thìn 1952

Vĩnh biệt Tân,

Bảo-Ngọc ”


Tân thẫn thờ dạo quanh sân chùa, thì thầm:

Cứ cúi đầu cứ thế rồi ra đi

Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết

Và dấu giầy mai sẽ lá sương che


Bất giác Tân ngậm ngùi nhớ đến Tha La xóm đạo:

Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!

Bao người đi thề không trở lại nhà

Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!...


*********

Lại thêm một mùa xuân lữ thứ! Tân thầm nghĩ. Mùa xuân tha hương thứ 30. Tân chợt nhận ra hầu hết các chuyển biến quan trọng đều đến với Tân vào mùa xuân. Nhìn lại những mùa xuân đã đi qua đời mình chỉ còn mùa xuân năm ấy -mùa xuân ra đi với duyên số gặp gỡ “người tình bất đắc dĩ”, mùa xuân quay về với duyên phận vĩnh viễn lìa xa “người ân xưa”- vẫn chưa phai mờ trong tâm trí Tân ở ngưỡng cửa mùa xuân mới, mùa xuân thứ 57 từ độ Ngọc tuyệt tích giang hồ… Chỉ một lần duy nhứt Tân nhận một lá thư Ngọc cho người mang tới trao tận tay, sau khi Ngọc rời Tân được một năm:


“Tân thương mến,


Như đã hứa, Ngọc xin vắn tắt báo tin cho Tân rõ: Ngọc đã thành công tự tay nã đạn vào ngay tam tinh của Tư Rọm với khẩu Mauser đã sát hại Bảo. Hắn đã trúng mỹ nhân kế, theo Ngọc vào khu rừng chồi, tưởng rằng sẽ được ân ái với Ngọc. Năm anh em bên anh Bảy gởi qua phục kích chận bắt trói gô rồi buộc hắn quì nghe đọc cáo trạng về tội ác tày trời của hắn. Sau khi trưng các bằng cớ về sự phản trắc của hắn, bán rẻ sinh mạng anh em cho thực dân Pháp để cưỡng hiếp người phối ngẫu của họ, Ngọc thi hành bản án tử hình dành cho tên cuồng dâm, phản dân hại nước Đỗ Xảo, bí danh Tư Rọm! Tuy nhiên, để tránh hoang mang trong hàng ngũ kháng chiến, tên tử tội cực kỳ lưu manh nầy được ‘tuyên dương’ tử trận vì…phục vụ cách mạng! Và được chôn cất tử tế. Ngọc phản đối, nhưng không kết quả… Ngọc đã làm xong hoàn mỹ hai việc mà Ngọc hết sức tha thiết:

-Đưa Tân trở lại học đường cho khỏi uổng phí một bàn tay, một con tim, một khối óc hữu dụng cho đất nước sau nầy hơn là để nguồn năng lực tiềm ẩn nầy bị nhóm người thiếu tư cách như Tư Rọm hoang phí.

-Rửa hận cho Bảo đã chết tức tửi vì một tên vô loại dùng xương máu anh em lập thành tích, mưu đồ tạo cho mình một ‘sự nghiệp cách mạng’! Thôi thì từ nay trở đi, xin Tân hãy coi như Ngọc đã vĩnh viễn tan loãng trong sương khói rừng rậm…”


Cũng chỉ một lần duy nhất Tân dò la tông tích Ngọc, 10 năm sau khi đọc lá thư trên, trong một lần hành quân qua thôn xưa: khu rừng chồi ven sông hầu như vẫn không thay đổi. Tân tưởng chừng như Ngọc vẫn còn quanh quẩn đâu dây, kéo Tân xuống xuồng dùng thân mình đỡ đạn cho Tân. Hỡi ôi!...

về đây ta lại về đây

về đây mây trắng trôi hoài ngàn năm

về đây hoàng hạc mất tăm

về đây lặng đứng âm thầm chốn xưa


-o-o-o-

Cao tay nâng ly rượu đỏ chào mừng mùa xuân năm ấy, Tân nhắn gửi người năm xưa chẳng bao giờ còn trông thấy nhau lần nữa:

Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó

Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau

Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi hoa ngâu

Rồi Tết đến, rồi lòng anh nhớ quá


Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, Xuân Canh Dần 2010

Lê Tấn Lộc

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
-Ghi chú: *Thơ trong bài nầy mượn của các nhà thơ Vũ Anh Khanh, Vĩnh Lộc, Kiệt Tấn, Nguyễn Đình Toàn… **Người viết sửa đổi tên một số nhân vật, nhằm tránh gây phiền toái cho họ -nếu còn sống- và gia đình họ -nếu còn ở Việt Nam. -LTL-