Wednesday, November 23, 2011

KHI EM HẬU PHƯƠNG LÊN TUYẾN ĐẦU

Khi em hậu phương lên tuyến đầu…


Ngày đó, trước khi nổ ra cuộc binh biến 1.11.1963, từ chiến tuyến đèo heo hút gió do Tiểu đoàn 3/8, Sư đoàn 5 BB trấn đóng, nằm khuất trong khu rừng chồi mênh mông tiếp giáp các đồn điền cao su quận Trị Tâm (Dầu Tiếng cũ), trải dài suốt các vùng đất “hiểm nghèo” An Sơn, An Điền, Phú Thứ, Thùng Thư (Bình Dương), sào huyệt của đám du kích VC -từ đó chúng thường xuyên hoạt động khuấy phá, sách nhiễu dân lành, tạo thành những vùng “bị ung thối”, bất ổn- tôi được lịnh về hậu cứ Đại đội 11/1 Chiến Tranh Tâm Lý nằm trong khu quân sự Tam Hiệp (Biên Hòa), tiếp cận hậu cứ Tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù, đón ba nữ ca sĩ dân chính Mai Sương, Thu Vân, Mộng Thu, vừa được đơn vị nầy tuyển mộ, lên…tiền tuyến hợp lực với Liên Toán CTTL, do tôi chỉ huy, làm công tác dân sự vụ; đồng thời ủy lạo chiến sĩ tiểu đoàn 3/8, trách nhiệm hành quân yểm trợ chiến dịch thiết lập Ấp Chiến Đấu hay Ấp Chiến Lược, tùy tình hình an ninh địa phương, khởi đầu tại 2 thí điểm Phú Thứ và Thùng Thư…


Nhớ lại,vài tháng trước đó, sau khi thụ huấn Khóa 3 Căn Bản Tâm Lý Chiến tại Trung Tâm Huấn Luyện CTTL (tiền thân của bản doanh Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến sau nầy), với ám số chuyên nghiệp “SQTLC/HQ” (Sĩ Quan Tâm Lý Chiến/Hành Quân), tôi được cử làm Sĩ quan Phụ tá Đại đội 11, Tiểu đoàn 1 CTTL. Vừa đáo nhậm đơn vị buổi sáng, đang ăn trưa tại Câu Lạc Bộ, tôi được xe Jeep của đại đội từ tuyến đầu về “bốc” hỏa tốc lên thay chân cho Đại đội trưởng được đi phép sau 3 tháng thi hành công tác tâm lý chiến bên cạnh Tiểu đoàn 3/8.
Vào thời điểm đó, mỗi Khu Chiến Thuật được biệt phái một Đại Đội CTTL/Hành Quân do Nha Chiến Tranh Tâm Lý quản trị, đặt thuộc quyền sử dụng của Phòng 5 Sư đoàn liên hệ và thường được Ban 5 Trung đoàn điều động tăng phái cho các Tiểu đoàn trực thuộc.

Chân ướt chân ráo ra trường, lần đầu tiên xuất quân tôi đã lọt ổ phục kích trên đường ra trận tuyến! Vừa qua khỏi Bưng Cầu chưa tới 1 cây số, chiếc Jeep trúng mìn! May thay xe chỉ bị hất tung lên khoảng một thước rồi rơi xuống mặt lộ, bể hết bốn bánh, nằm bất động: Thuở ấy mìn của VC còn quá “đơn sơ”, quá “thủ công nghệ”, sức tàn phá không đáng kể. Bốn “thầy trò” tôi -một Trung sĩ, một Hạ sĩ nhất , một Hạ sĩ già, tài xế, đầy kinh nghiệm chiến trường và một Chuẩn úy lính mới tò te- tức tốc phóng ra khỏi xe, nằm sát mặt đường, dùng chiếc Jeep hư hại làm ụ che chắn, ba khẩu Garant M1 châu lại bắn trả, tác xạ như một trung liên BAR…Riêng Chuẩn úy nhà tôi chỉ biết “cầu âu” siết cò cây Carbine M1 vì chưa xác định được hướng hỏa lực địch! Ông hạ sĩ già vừa bắn vừa trấn an ông quan “non nớt” chiến trận của mình:
-Thiếu úy đừng lo! Tui rành sáu câu tụi du kích xã nầy. Tụi nó chỉ có ba thằng, hai thằng có “quảnh-tầm-xào” (súng trường thời Đệ I Thế Chiến , thằng kia chỉ có mã tấu và lựu đạn nội hóa, liệng chưa chắc đã nổ!
Chú Hạ sĩ già có lý. Chưa đầy 20 phút “giao tranh”, tiếng quảnh-tầm-xào im bặt và một trái mảng cầu lép xì khói nhưng không nổ, lăn lông lốc trên mặt lộ, do bọn phục kích ném bừa trước khi “chém vè”!
Chúng tôi lồm cồm ngồi dậy, nhanh chóng “thu dọn chiến trường”…Dùng địa bàn và bản đồ, tôi dẫn cả bọn vượt sông, băng rừng…an toàn tới địa điểm đóng quân.


Trình diện Tiểu đoàn trưởng tại Thùng Thư, bất ngờ tôi được yêu cầu nhận trách nhiệm Quyền Đại đội trưởng ĐĐ Chỉ huy, vì Thiếu úy Đại đội trưởng tử thương, Chuẩn úy Đại đội phó bị thương nặng, cấp chỉ huy cao nhứt còn lại của đại đội là…Thượng sĩ đại đội! Quân số đại đội cũng đã quá hao hụt: 60 còn khả năng tác chiến, 15 bất khiển dụng vì thương tích trầm trọng, chờ tản thương cùng lúc với Đại đội phó.




Tiểu đoàn đã xin bổ sung gấp, nhưng tình trạng thiếu sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ là tình trạng chung, đầu thập niên 60…Vả lại, nếu có sĩ quan thay thế cũng phải chờ tới tháng sau, khi từ trực thăng của Sư đoàn (lúc bấy giờ còn quá ít) một quân nhân thuộc Phòng 4 “xô”một con heo xuống tiếp tế tăng cường “cải thiện chế độ ăn uống” cho đơn vị. (Gạo được tiếp tế bằng quân xa GMC, có Thiết vận xa M113 hộ tống). Cùng lúc vị sĩ quan phát ngân viên vội vã nhảy xuống phát lương cho quân sĩ; rồi cũng gấp rút trèo lên trực thăng quay lại rước đến các đơn vị khác trong khu vực hành quân của Trung đoàn 8 tiếp tục phần vụ. Hy vọng lúc đó sẽ có sĩ quan điền khuyết, nhưng không chắc lắm! Thế là chuẩn úy mới ra lò tôi lại phải cùng lúc làm Liên Toán trưởng CTTL/Hành Quân “chuyên môn” và… Quyền Đại đội trưởng “tác chiến”!

Ba tháng liền dính chặt với đơn vị, bù đầu với hai nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, tôi không còn thì giờ nghĩ tới gia đình hay bè bạn. Gần gũi, chia ngọt xẻ bùi với tôi trên tuyến án ngữ nhằm cô lập VC, tách chúng khỏi dân chúng, chỉ là những chiến binh cùng xa nhà như tôi, thường xuyên đối đầu với hiểm nguy mỗi lần xuất quân tuần tiểu, truy lùng địch hay gài đặt những tổ báo động về đêm, bảo vệ vòng đai phòng thủ của tiểu đoàn, cũng như bảo đảm an ninh bằng cách giữa đêm đột nhập Ấp Chiến Đấu, bất thần kiểm tra xem VC có len lỏi vào uy hiếp đồng bào trong Ấp chăng.


Một đêm nọ, địch phát loa tuyên truyền chống quốc sách Ấp Chiến Lược, tiếng nói nghe rất gần vòng đai Ấp…Tôi cho súng cối “thục” liên tục. Nhưng loa vẫn tiếp tục ra rả suốt đêm.
Khoảng hơn 5 giờ sáng, chú hạ sĩ già của tôi bèn đề nghị tôi cho chú và hai binh sĩ đi “tắt” cái loa quái ác đó:
-Bảo đảm với Thiếu úy, một tiếng đồng hồ nữa cái loa đó sẽ tịt ngòi!
-Nguy hiểm lắm, chú à!
-Không sao đâu, Thiếu úy cứ an tâm!
Quả nhiên, gần 6 giờ sáng, VC “ngưng phát thanh”! Và chú hạ sĩ già xuất sắc của tôi dẫn độ tên du kích “xướng ngôn viên” với chiếc loa cầm tay có nút bấm nói-tắt, chạy bằng pin!
-Thiếu úy biết sao không? Tụi nó cũng 3 thằng thôi (Tổ tam tam chế mà!). Hai thằng kia canh cho thằng nầy nói. Nhưng súng cối “chụp” rát quá, chúng nó rút lui, để thằng nầy an toàn tiếp tục phát thanh: Nó đào một hố cá nhân sâu một thước, dài hai thước, rồi nó nằm dài, tha hồ nói…Tụi tui tiến tới sát miệng hầm mà nó chẳng hay biết, cứ thao thao bất tuyệt…Cho tới lúc tui kê súng vào đầu nó!


Lần khác, một Trung đội trưởng của tôi tử thương vì trúng đạn bắn sẻ. Trước đó ông Thượng sĩ đại đội cũng bị bắn sẻ, may thay đạn xuyên nón sắt chỉ làm sướt da đầu một lằn dài! Chưa kể, mỗi lần xuất quân, binh sĩ cũng bị trúng đạn của tên du kích bắn sẻ nầy. Nhiều lần tiểu đoàn lịnh cho đại đội tôi tìm cách diệt tên sát thủ vô hình, nhưng vẫn vô hiệu quả.
Nhờ kiên trì theo dõi hướng đạn bắn đi, chúng tôi dần dần xác định được vị trí của tay súng bắn sẻ xuất phát từ một bụi tre già, cách vị trí đóng quân của tiểu đoàn khoảng 60 thước. Lục soát suốt ngày, chẳng tìm ra dấu vết tên sát nhân. Cuối cùng, nhờ kín đáo gài các tổ phục kích đêm, chúng tôi tóm được tay du kích xã-chuyên viên bắn sẻ: Hắn ẩn núp trong một hầm đào dưới gốc bụi tre. Cửa hầm được ngụy trang quá tài tình thành một mảng đất có cỏ mọc xanh rì, bao quanh bụi tre!





Hình ảnh tang thương của một Trung đội trưởng khác của tôi -đang dùng cơm được tôi cấp tốc ra lịnh đi giải cứu một tổ báo động đang bị địch vây khổn- lọt ổ phục kích, lãnh nguyên tràng trung liên vỡ bụng, thức ăn còn bốc khói chưa kịp tiêu hóa văng tung tóe… theo tôi suốt chặng đường về nhà chớp nhoáng thăm gia đình.


Hoàn toàn trái ngược với những gì anh em chiến binh chúng tôi thường xuyên đối diện với cái chết chờn vờn bên ngoài phòng tuyến, dân Sàigòn hầu như không ý thức quê hương đang trong tình trạng chiến tranh. Cảnh tượng sinh viên, học sinh bị xách động “xuống đường” chống phá chính quyền, gây rối loạn khắp nơi trong thành phố, vô tình “cầm chưn” một số lớn lực lượng an ninh (lẽ ra phải được sử dụng để truy nã VC nằm vùng) và lực lượng tổng trừ bị (đáng lý ra phải được điều động tăng cường cho những điểm nóng bỏng trên chiến trường) khiến tôi đau lòng nghĩ tới những thằng bạn cùng khóa đã vĩnh viễn nằm xuống, đôi khi chưa kịp lãnh lương sĩ quan!

Trên đường trở lên hậu cứ, chiếc Jeep tôi bị kẹt cứng vì lưu thông tắt nghẽn; Tôi được dịp chứng kiến cảnh các cô cậu dìu nhau “vô tư” bát phố, nói nói cười cười…Ra tới xa lộ, lại được xem màn biểu diễn lạn xe hai bánh như hát xiệc. Thú thật, tôi muốn nổi điên, suýt nhấn ga cán bừa những chiếc xe gắn máy lạn qua lạn lại trước đầu xe Jeep, khiến tôi nhiều phen đứng tim, gồng người đạp thắng!
Phải cố nén cơn bực tức: bổn phận đang chờ tôi ở hậu cứ và trách nhiệm cũng đang đợi tôi nơi chiến tuyến!

Ba cô ca sĩ trông rất “non trẻ”: Mai Sương trẻ nhất, áng chừng 16 tuổi là cao; kế đến Thu Vân, cũng ước độ 17; Mộng Thu lớn tuổi nhất, khoảng 20 là cùng! Tất cả đều “tay yếu chân mềm”! Có lẽ Sương và Vân khai tăng tuổi để được tuyển chọn. Các cô em tôi có lẽ cũng đã bỏ học vì gia cảnh…
Đêm cuối ở hậu cứ, tôi tổ chức một buổi trình diễn ca nhạc lộ thiên cho gia đình binh sĩ của đơn vị, nhằm thử sức ba “mầm non văn nghệ” vừa tuyển dụng. Các “thiên thần mũ đỏ” láng giềng cũng được mời tham dự. Mai Sương được khán giả nhiệt liệt hoan nghinh. Màn tam ca được chấm quá…đạt! Tuy mới vào nghề, các em đã tỏ ra khá “chuyên nghiệp”. Tôi cảm thấy phấn chấn trước viễn ảnh tốt đẹp các em sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho công tác ủy lạo chiến sĩ và thu phục cảm tình đồng bào trong các Ấp do Liên Toán CTTL/HQ điều hành.

Nghĩ tới chặng đường ngày mai đưa các em lên tiền đồn -các cô em dáng dấp còn quá nhiều nét “nữ sinh”- tôi vô cùng bối rối, lo ngại cho thân phận liễu yếu đào tơ mà đã sớm dấn thân vào vòng binh lửa: Chặng đường gay go -gấp trăm lần đoạn đường chiến binh ở các quân trường- đầy dẫy mìn bẫy, hầm chông, ổ phục kích, với nhiều cây quảnh-tầm-xào “rắp ranh bắn sẻ”! Biết đâu chẳng có ngày chiến binh chúng tôi phải ngậm ngùi tiếc thương …
“Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương…”


Sau đêm văn nghệ, tiếp xúc với ba cô em, tôi hỏi:
-Sao mấy em không tìm một công việc gì nhàn hạ và ít nguy hiểm hơn?
-Em thì nhà nghèo, mẹ mất sớm, ba làm cảnh sát viên thường, với một bầy con 8 đứa, làm sao đủ tiền nuôi? Mai Sương trả lời. Em lớn nhứt, đành nghỉ học. Kiếm việc gì khi em chưa đủ tuổi trưởng thành? May nhờ ông anh họ làm ở Nha CTTL mách bảo Tiểu đoàn 1 CTTL tuyển ca sĩ cho các Đại đội. Mà Đại đội 11 gần Sàigòn nhứt…Thật tình, chính em cũng thích ca cho lính nghe hơn là đi làm thuê làm mướn…
-Vậy chắc Mai Sương ít nhiều cũng mơ ước được là… người yêu của lính”?- Hoàn cảnh của em cũng tương tợ như hoàn cảnh của Mai Sương. Thu Vân tiếp lời. Nhưng em mồ côi cha (tử trận). Nhà thiếu trước hụt sau. Em là con út. Các anh của em đều ở trong quân đội…Tự nhiên em thấy thương lính lạ lùng!
-Lại thêm một cô em muốn làm…người yêu của lính! Ấm lòng chiến sĩ biết bao! Tôi cảm thấy được an ủi phần nào rằng ở Sàigòn hoa lệ, ăn chơi vô tư lự, ít ra cũng còn có người…nghĩ tới và thương lính tiền đồn…-Em thì…người yêu chết trận. Tứ cố vô thân. Cha mẹ mất sớm. Anh em tứ tán khắp nơi vì chiến cuộc. Mộng Thu cúi đầu ứa lệ, nói nhỏ…

Sáng sớm, tôi đích thân đến hậu cứ Trung đoàn nhờ sĩ quan chỉ huy hậu cứ cho tôi gửi ba cô em của tôi theo đoàn Thiết vận xa M113 tiếp tế…Yêu cầu của tôi được chấp thuận. Như thế tôi sẽ yên tâm hơn lên Jeep đi cùng chú hạ sĩ già dặn phong sương về lại Thùng Thư!
Càng nghĩ càng cảm thương vô biên các em tôi “thân gái dặm trường”…Lòng tôi tràn ngập niềm mến phục những người “em gái hậu phương” sắp thẳng đường xông ra tiền tuyến, sát cánh cùng anh em chiến binh chúng tôi ngăn chặn địch quân khủng bố đồng bào nông thôn. Với số thù lao hàng tháng 1800 đồng bạc -một nửa lương thiếu úy- ba cô em gan dạ của tôi sẽ phải đương đầu với mọi bất trắc nơi chiến trường, hôm nay trèo lên M113, mai mốt có thể cũng sẽ phải nhảy trực thăng xuống những địa điểm không thể di chuyển bằng đường bộ…


Thuở ấy chưa có Nữ Quân nhân, chỉ có Nữ Trợ tá. Và họ chỉ làm việc ở hậu phương những đơn vị lớn, hoặc ở các Phòng, Sở Trung Ương. Các em tôi -tuy chỉ là nữ ca sĩ dân chính- vẫn xuống công tác tới cấp đại đội… Đáng ca ngợi lắm chứ!
Các Toán CTTL chúng tôi đi hành quân phải tự lo lương thực, đủ thứ lỉnh kỉnh, gạo và thức ăn, thường là cá khô làm chuẩn. Lúc bấy giờ chưa có gạo sấy Quân Tiếp Vụ hay “C ration” do Quân đội Hoa Kỳ cung cấp sau nầy. Chuẩn úy tôi được một “tà lọt” phục dịch, một mang máy truyền tin kiêm cận vệ (thường là để “chăm sóc” khi tôi bị thương hay…tử thương!). Tôi nghĩ anh em sĩ quan thời đó không thể quên hình ảnh thân thương của thằng em “tà lọt” gập người nhỏ thó quảy túi đeo lưng khổng lồ -nặng hơn trọng lượng của chàng!- chứa đầy thức ăn dã chiến, nồi niêu son chảo móc lủng lẳng hai bên “ba-lô”, lo từng bữa ăn cho “ông thầy”! Ba cô em ca sĩ “hành quân”của tôi chắc cũng phải phụ lực với anh “tà lọt” yêu quí để có gì bỏ bụng khi xong công tác. Tất cả chi phí ẩm thực nầy đều do “quan” Chuẩn úy ta gồng mình đài thọ, với tiền lương tháng quá “khiêm nhường” 3.300 đồng! Các cô đã nghèo mà lính còn nghèo rớt mồng tơi hơn nữa! Coi như mình tôi “lo” cho 6 miệng ăn!
May là toán phục dịch phía Đại đội Chỉ huy đã có Thượng sĩ đại đội lo!

quân trường, tôi thường nghe “Bộ binh là hoàng hậu của các trận đánh” (L’infanterie est la reine des combats). Nơi trận tuyến các tỉnh miền Đông Nam Phần, ở thời điểm 1963, các cuộc chạm súng thường chỉ diễn ra tối đa tới cấp đại đội. Về Hải quân, chỉ có vài chiếc giang thuyền của Bảo An (Địa Phương Quân sau nầy). Với không quân, họa hoằng lắm mới thấy xuất hiện một hai skyrider dội bom vào các điểm nghi ngờ địch đặt súng cối. Cho nên, Bộ binh chỉ trông nhờ vào các trực thăng yểm trợ, rất hữu hiệu, nhanh chóng và chính xác khi chạm địch. Các thiết vận xa M113 cũng trợ lực rất hiệu quả cho chúng tôi, trong nhiệm vụ hộ tống, tiếp tế, khai thông các trục lộ. Hỏa lực các trọng liên 12.7 và 13.2 của các chiến sĩ thiết giáp đã nhiều phen làm địch quân khiếp vía! Vũ khí cá nhân của Bộ binh thời đó chỉ có súng ngắn Colt 12, súng trường Garant M1 (có thể trang bị óng phóng lựu), tiểu liên Thompson, Carbine M1, lựu đạn tấn công và phòng thủ, bên cạnh các vũ khí cộng đồng trung liên Bar (được biết qua hỗn danh FM đầu bạc), đại liên M1, súng cối 81…


Cho nên, không cường điệu lắm nếu nhận định “Trực thăng và Thiết vận xa M113 mới thật là hoàng hậu chiến trường” thời đó. Bởi thế VC mới tuyên truyền láo khoét trực thăng và thiết giáp của “Diệm-Mỹ” làm bằng cạc-tông, chỉ cần lấy sào thọc trúng là “máy bay lên thẳng” rớt xuống đất ngay!


“Xe bọc sắt” cũng thế, đụng phải các ụ đất “ta” đắp mô là vỡ toang! Thực ra, trực thăng lúc bấy giờ là…vô địch, thiết vận xa trúng mìn chỉ…đứt xích là cùng (thuở ấy VC chưa được Trung cộng trang bị B40). Riêng cá nhân tôi, những lần biệt phái cho Tiểu đoàn 5 Nhẩy dù, được sử dụng Carbine M2 bá xếp, vũ khí chỉ được trang bị cho các lực lượng Tổng Trừ Bị, Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân…Và là vũ khí cá nhân “tối tân” nhất thời đó trong Quân đội VNCH!

Sự hiện diện của 3 nữ ca sĩ “non trẻ”, dù muốn dù không cũng đã thổi một luồn sinh khí mới cho Tiểu đoàn 3/8 nói riêng, cho đồng bào các Ấp Chiến Đấu Phú Thứ và Thùng Thư nói chung. Ít ra 3 em cũng mang đến chút tươi vui cho mọi người trong khu vực trú đóng của đơn vị. Nhưng đồng thời cũng là mối bận tâm phụ trội cho tôi, với tư cách là sĩ quan TLC/HQ. Các em được săn đón chí cốt từ mọi phía, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ…Mà tôn chỉ của ngành Tâm Lý Chiến là quân cán chính CTTL phải luôn luôn giữ tác phong gương mẫu khi tiếp xúc với các đơn vị bạn hay với dân chúng, tránh tối đa mọi hành vi gây tai tiếng xấu cho ngành! Mà tôi làm sao ngăn cấm các cô em tôi -vốn đã sẵn có cảm tình với lính- tiếp xúc với các chiến binh ?
May cho tôi là các em tự giác khép mình vào khuôn khổ do Nha CTTL hoạch định. Mai Sương, Thu Vân, Mộng Thu luôn quấn quít bên tôi, coi tôi như người anh cả, không tự ý giao dịch lung tung. Và thường xin phép tôi cũng như yêu cầu tôi cùng đi với các em trong những lần họp mặt ngoài đơn vị CTTL, mặc nhiên coi tôi như…lá bùa hộ mệnh!
Chuẩn úy tôi giờ đây kiêm thêm một nhiệm vụ mới nữa, không có trong chương trình huấn luyện của Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức:“Bê-bi-xít-tơ”! Cũng tốt thôi: coi như dịp may hiếm có cho tôi áp dụng những điều thu thập được từ những năm theo ngành Tâm lý học ở ĐH Sư Phạm và ĐH Sorbonne, để sau nầy trở về đời sống dân sự đem ra ứng dụng vào “nghiệp” gõ đầu trẻ…vị thành niên! Ngày đó chắc cũng còn xa…
Trước mắt, còn nhiều việc thực tiễn, cấp bách hơn phải chu toàn: hành quân tảo thanh đám du kích đang tìm mọi cách thâm nhập khuấy phá các Ấp; củng cố hệ thống bảo vệ an ninh cho đồng bào nhằm cô lập tối đa bọn phiến cộng…Và mọi việc coi như đang tiến hành tốt đẹp: những vụ chạm súng lẻ tẻ với địch ở Phú Thứ và Thùng Thư giảm thiểu thấy rõ! Ba cô em ca sĩ của tôi có thể cùng Ban Văn Nghệ Liên Toán CTTL đến ủy lạo chiến sĩ ở các địa điểm đóng quân của các đại đội khá xa Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn mà không còn phập phồng lo sợ bị phục kích hay bị bắn sẻ!

Lần đầu ra quân tại Phú Thứ, sau tràng vỗ tay của anh em chiến binh nhiệt liệt chào đón Toán Văn Nghệ lưu động do tôi đích thân hướng dẫn, cử tọa im phăng phắc khi Mai Sương cất tiếng Chúng mình hai người bước chân ngược xuôi, Đôi lần vẫn nhắc đến tên người xưa…” cho Thu Vân tiếp nối Đêm nay dĩ vãng về trong giá lạnh, Nhớ chuyện mùa thu tâm tình, Cùng đi chiến đấu tôi và anh…”, để rồi Mộng Thu trầm buồn buông lững tiếng ca cực kỳ truyền cảm “Đêm đêm gối súng mình đâu tiếc đời, Thế mà tình yêu chết rồi...”Tiết mục kế tiếp khiến khán thính giả thêm rạt rào thương cảm với giọng hát như tiếng nức nở của Mộng Thu, hầu như muốn phơi bày tâm sự u uất:
Nửa đêm nhớ anh, buồn nghe mưa khóc qua mành
Nửa đêm nhớ anh, tủi thân mi khép mong manh
Ai ngỡ duyên mình, bẽ bàng lá thắm xa cành
Chim đàn xa tổ tội tình, người chờ người trong lúc tuổi xanh…
(…)
Anh nhớ đêm nay có người em gái thơ ngây,
Môi hồng nức nở canh dài, bàng hoàng vì trong mộng chờ ai…


Kết thúc buổi trình diễn, hợp ca “Huynh đệ chi binh” lôi cuốn hội trường hòa ca vang dội, vô cùng hào hứng!

Cuối cùng vị sĩ quan do Tiểu đoàn yêu cầu bổ sung cũng đã từ trực thăng tiếp tế nhảy xuống nhận Đại đội Chỉ huy do tôi bàn giao. Và ba tháng sau ngày các em ca sĩ lên tuyến đầu, Đại đội trưởng ĐĐ11CTTL hướng dẫn một Liên Toán mới lên thay chân cho Liên Toán tôi đi phép, sau khi chúng tôi kiện toàn tổ chức hai Ấp Chiến Đấu thành hai Ấp Chiến Lược Phú Thứ và Thùng Thư.

Các em tôi giờ đây xem ra cũng “dày dặn phong sương” không kém các anh tiền tuyến, không còn “mình hạt xương mai” như lúc mới đáo nhậm đơn vị nữa, dáng điệu cũng “nhà binh” ra phết -dù chưa hề qua một ngày huấn nhục ở quân trường- phần lớn là do tự nguyện theo chân các anh chiến binh dầm mưa dãi nắng tảo thanh du kích.
Sau một đêm sinh hoạt với trại gia binh của đại đội, khoảng 11.30 sáng ngày 1/11/1963, chúng tôi dùng GMC rời hậu cứ về Sàigòn thăm gia đình.
Bất ngờ, tới ngã ba xa lộ, ngang con đường từ Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức đổ ra, xe chúng tôi gặp nút chặn của khoảng một Trung đội Thủy Quân Lục Chiến. Tôi xuất trình sự vụ lệnh theo yêu cầu:
-Chuẩn úy không thể về Sàigòn.
-Sao vậy? Đảo chánh chăng? Mấy anh đảo chánh hay đi “giải cứu”?
-Chúng tôi chỉ được lệnh ngăn chặn các quân nhân với lời yêu cầu tất cả quay về đơn vị gấp chờ lệnh…
Về tới hậu cứ, vừa bước chân vô văn phòng, đã nghe điện thoại reo vang:
-Chuẩn úy chuẩn bị ngay một Toán CTTL chờ Phòng 5 Sư đoàn cho xe tới đưa về Sàigòn công tác khẩn cấp.
Chưa tới nửa giờ, Toán chúng tôi đã tháp tùng một cánh quân của Sư đoàn thẳng đường xông…về Thủ Đô! Các cô em ca sĩ được miễn đi theo. Chắc chắn sẽ chẳng có dịp “trình diễn văn nghệ”, em hát cho anh nghe, nếu không là… một lần cuối cùng…rồi thôi”!Đạn từ trong Thành Cộng Hòa tua tủa bay tới hướng Toán phát loa kêu gọi đầu hàng. May mà chúng tôi có nơi ẩn núp tương đối an toàn trên một cao ốc, nơi có sự hiện diện của nhiều sĩ quan cao cấp. Tôi nghe Trung tướng TVĐ hét bằng tiếng Pháp qua ống liên hợp (combiné) của máy truyền tin trên chiếc Jeep “cần câu”:
-“Commandant LTB! Où sont tes chars?” (Thiếu tá LTB! Thiết giáp của ông đâu hả?).
Không nghe có tiếng trả lời…Súng từ phía lực lượng kháng cự đảo chánh vẫn bắn rát…
Sau đó Toán chúng tôi được chuyển đến dãy lầu Tòa Án, phát loa kêu gọi lực lượng bảo vệ Dinh Gia Long buông súng…Cũng không kết quả, trái lại, Đại úy Ngải, TQLC bị bắn gục trước Dinh…

Tình thật, khi bị TQLC chặn ngoài xa lộ, cũng như khi nhận lệnh của Phòng 5 Sư đoàn, tôi vẫn chưa biết đích xác chuyện gì xảy ra ở Sàigòn. Lần binh biến 11.11.1961 do Đại tá nhẩy dù NCT chủ xướng tôi theo dõi diễn tiến trên đài Truyền Hình tại Paris (Giờ chót Ngô Tổng Thống được các lực lượng trung thành giải cứu). Cho nên lần nầy, tôi chẳng rõ ai đảo chánh và ai giải cứu, cho tới khi chứng kiến tình hình chuyển biến ở Thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long. Rõ ràng phe đảo chánh làm chủ tình hình…Quân nhân cấp thấp như tôi chỉ biết tuân lệnh thượng cấp, đúng như “truyền thống” quân đội: Thi hành trước, khiếu nại sau!

Khi mọi việc đã xong, trở về đơn vị gốc chờ lệnh thì…bất ngờ một công điện hỏa tốc yêu cầu tôi trình diện Bộ Quốc Phòng trong vòng 48 tiếng. “Mọi chậm trễ, đơn vị trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm”! Từ đó trở đi, cuộc đời binh nghiệp của tôi trải qua nhiều gian truân, bất trắc, hoàn toàn ngoài ý muốn! Một vài cuộc binh biến xảy ra sau ngày “đảo chánh”, không hiểu do căn duyên gì mà tôi bị “dính” vào, dù võ nghiệp không phải là nghề chính của tôi: “Chỉnh lý”, “Biểu dương lực lượng” diễn ra nhằm lúc tôi là sĩ quan trực Phòng Công điện Bộ Tổng Tham Mưu, nên bị “hốt” chung với các vị mà quí ngài Chỉnh lý và Biểu dương muốn loại trừ…

Nhưng rồi cũng tới lúc tôi được trả về đời sống dân sự. Từ đó trở đi tôi không còn cơ hội gặp lại các cô em ca sĩ đã từng sát cánh cộng tác thực hiện quốc sách Ấp Chiến Lược, quốc sách mà những vị chủ xướng lật đổ và sát hại hai anh em cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, xóa sổ nền Đệ I Cộng Hòa, đã thẳng tay dẹp bỏ, gây nhiều tổn thất cho lực lượng hành quân truy lùng địch sau đó, vì địch trở lại trà trộn với đồng bào nông thôn, dùng họ làm lá chắn, cầm chưn quân ta.


Những lúc đứng trên bục gỗ, nhìn xuống đám môn sinh “vị thành niên”, chạnh lòng nghĩ đến các em nữ ca sĩ “non trẻ” ngày nào cùng tôi “sống chết có nhau” trên tuyến đầu đầy dẫy thử thách, gian nguy, tôi thầm nguyện cầu cho các em nhanh chóng trưởng thành qua cơn binh lửa, sớm được làm “người yêu của lính”, cho tôi được dịp nhìn các em bước lên xe hoa (cho dù là “đám cưới nhà binh”, “hai xe lội nước đi đầu”). Để nâng ly rượu hồng chúc mừng các em tôi, cùng nhau hồi tưởng một thời đã từng chung bước trên vùng đất biết bao lần thấm máu anh em chúng tôi đã đổ ra bảo vệ nó -một thời mà mỗi lần cất tiếng ngân nga nhớ chuyện mùa thu tâm tình, cùng đi chiến đấu tôi và anh” cả khung trời kỷ niệm dấu yêu xa xưa thoáng hiện về
Như chân chim muôn thuở
In mãi bậc thềm rêu

chẳng bao giờ phôi pha theo ngày tháng…

Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, cuối thu 2011
Lê Tấn Lộc

Thursday, November 10, 2011

VỀ MỘT VÀI TIẾNG VIỆT "BIÊN CHẾ"!





VỀ MỘT VÀI TIẾNG VIỆT “BIÊN CHẾ”!


Vẫn biết “Phê bình thì dễ, nhưng nghệ thuật thì khó - La critique est aisée, mais l’art est difficile” (Destouches, Le glorieux). Khi giáo đầu với câu trích dẫn nầy, tôi không hề có dụng ý võ đoán rằng quí nhà phê bình văn học biên soạn dễ dãi hơn người viết văn. Trái lại tôi vốn rất ngưỡng mộ những bài phê bình đòi hỏi nhiều đầu tư trí tuệ và kiến thức bách khoa chuyên biệt, chưa kể đến tài năng thiên phú (chẳng hạn như những bài phê bình văn học trứ danh của Charles-Augustin Sainte-Beuve {1804-1869}, đã đi vào văn học sử với tầm vóc hoàn vũ).

Tuy nhiên, trên văn đàn người Việt hải ngoại, gần đây tôi cảm thấy ít nhiều bị “kích xúc” trước hiện tượng quá lạ lẫm, thể hiện qua chuyện “sáng chế” dài dài chữ mới -những “từ” đôi khi rất …quái đản- không những ở các cây viết “mới ra lò” mà còn nơi một vài cây bút chuyên nghiệp phê bình văn học vốn đã khá thành danh, được giới cầm bút cùng khá đông độc giả biết đến.


Nơi vùng đất vốn dồi dào “hiện tượng” quá “ấn tượng”, nằm ở cực Nam Bán Cầu, một cây bút chuyên viết biên khảo, phê bình khá “nặng ký” rất đáng được “vinh danh” vì không theo trào lưu “cóp” ngôn ngữ XHCNVN, quá thịnh hành không những trong giới viết lách mà ngay cả trong giới truyền thông (báo giấy cũng như “vi” báo, thậm chí cả trên làn sóng truyền thanh hay truyền hình hải ngoại. Nhưng mất vui thay “đấng” nầy lại mắc cái tật bất khả chế… “biến chế” , nhập cục một số chữ thành những “cụm từ” vô cùng bí hiểm, “hiểu được chết liền”, phảng phất không khí…“đố vui để…chọc”! Tôi có cảm tưởng cây bút nầy “biên chế”: biên chữ thông dụng, cắt xén, gắn ghép…chế thành chữ…mới, chưa hề có trong các tự điển đã ấn hành trước cũng như sau 75! Chao ôi! Nghe qua, nổ như “tiếng sắt tiếng vàng chen nhau”. Và khi đọc phải, tức thì con ngươi đổ đom đóm như đang nhìn ánh sáng lân tinh của “trái phá”…chẳng những làm chóa mắt mà còn khiến khối óc bị “teo tê” và…“con tim mù lòa” luôn!

Nhà phê bình văn học nầy xem ra rất mê thích “làm mới ngôn ngữ” bằng cách “sáng tác” (sic) nhiều chữ mới, có thể ông đã mắc phải bệnh “nắm bắt con chữ”, một khi đã nổi tiếng (y như một số ca sĩ khi bắt đầu được khán thính giả mến mộ bỗng thấy có nhu cầu hát “kiểu cọ” ngoài sức tưởng tượng):
Hết “tiêu chí” -viết lên thấy “đã” hơn tiêu chuẩn …chăng?- tới “điển phạm” -nghe “kêu” hơn qui phạm…chăng?
Canon? Nhà phê bình ta chê những chữ đã dịch trước đây, được sử dụng tương đối phổ quát và dễ hiểu, để dịch theo “kiểu” riêng: Điển phạm! Nghe qua như…bị điện giựt gân vì…tiếng cà-nông nổ sát bên tai!
Dĩ nhiên, dịch giản dị, cố cho sát ý hay ít nhất cũng thoát ý đã quá “vất vả, và ít nhiều cũng đã là “phản bội” rồi (traduire, c’est trahir…). Canon mà cố tình dịch khác hơn thiên hạ chơi, cho có vẻ bí ẩn (nếu không muốn nói là “phăng” quá đà) thì người đọc chỉ còn cách giơ hai tay lên đầu hàng!
Cho tôi được lặp lại câu nói của Socrate: “Tôi chỉ biết có mỗi một việc: Tôi không biết gì hết!”, để cố gắng tìm hiểu những “từ” quá “cao siêu”, quá thâm sâu của nhà chuyên viết phê bình văn học nầy, sâu tới độ tối u với đầu óc “chậm tiêu” của tôi:
Có phải tôn ý của tiên sinh là muốn “dồn cục” hai nhóm chữ “kinh điển” và “quy phạm” (hay “phạm trù”) thành điển phạm…chăng? Kiểu dồn cục nầy hiện nay rất hợp thời trang, rất được phổ biến rộng rãi (rất…đại trà!) trong giới cầm quyền CHXHCNVN!
Còn “từ” “tiêu chí” thì tôi xin…chịu thua! Chả nhẽ tôi phải diễn nôm: Tiêu tùng hết ý chí!
Ước mong được các bậc “thức giả” (thức thiệt!) thương tình chỉ dẫn cho tôi được soi sáng thêm tí nào chăng trước hiện trạng “trăm hoa đua nở”, sử dụng không tự chế những “con chữ mới” sinh sôi nẩy nở vượt chỉ tiêu (hay…tiêu chí?) từ sau Ngày Ba Mươi Tháng Tư …Bảy Nhăm!

Tôi chuyển bài viết “Điển phạm…” của nhà phê bình văn học lẫy lừng danh tiếng kể trên cho một đồng nghiệp ở Hoa kỳ và được phúc đáp như sau:
“Quả tình đọc bài viết tôi không hiểu gì cả. Từ ngữ dùng nghe điếc con ráy. Chữ canon được dịch thành điển phạm. Canoniser thành điển phạm hóa để rồi dùng chữ Ngoại Đạo một cách lạc lõng trong văn chương VN vào thế kỷ XVII và đầu XIX…”.
Bạn tôi còn đưa vài nhận xét về nội dung bài viết nầy, chỉ ra những chỗ không chính xác, nhưng tôi không nêu ra đây vì không phù hợp với chủ đích bài viết nầy của tôi.

Để tạm kết, tôi nghĩ có lẽ nên nêu ra đây nhận định của nhà văn N.M.G. trong một thư gửi cho tôi vào năm 1992:
“Viết lách đem lại cho ta nhiều người bạn quí nhưng cũng gánh theo rất nhiều phiền lụy. Tất cả chỉ do nhiều người không chủ tâm viết, mà chỉ chú tâm lợi dụng chữ viết. Mọi chuyện rắc rối từ đó mà ra…”

Thôn trang Rêu Phong, Xứ tuyết, cuối thu 2011
Lê Tấn Lộc


Sunday, October 9, 2011

BÂY GIỜ EM Ở ĐÂU

Tạp bút

BÂY GIỜ EM Ở ĐÂU?
Tôi một mình gọi nhỏ
Em ơi biết đâu tìm?



Khe nắng xuyên qua phên nứa loang lổ chiếu hắc vào mặt làm tôi hồi tỉnh trên chiếc đệm rách nát trải ngay sàn đất căn nhà lá lụp xụp, nhưng chưa định thần nhận ra mình đang ở đâu, thiên đàng hay địa ngục: quanh tôi la liệt nhiều xác người chỉ còn da bọc xương! Máu ứa ra miệng hầu hết các xác…
Gắng gượng chống tay đứng lên, bước ra sân ngoài tôi nghe có tiếng rên yếu ớt của một thanh niên trạc 20, 21 tuổi, đang ôm ngực húng hắng ho, nhổ ra từng búng máu tươi…Anh cũng mặc “trây-di” (áo trận) rách bướm như tôi, loại áo mang theo khi “trình diện học tập cải tạo”, phòng khi “kách mạng” cưỡng ép đi lao động. Mẹ rượt cái lũ “răng xâm lăng” hắc ám, đểu giả từ phương Bắc tràn xuống như giặc cào cào, châu chấu cứ ra rả suốt ngày “lao động là vinh quang”!
-Tôi là Lộc. Anh tên gì?
-Tôi tên Ngon.
-Mình đang ở đâu đây anh? Nhiều xác chết quá! Địa ngục chăng?
-Không hẳn, nhưng cũng không thua địa ngục lắm đâu anh ơi! Bọn chúng cho khiêng tôi vất vào cái “trạm xá chống lao” nầy đã gần 3 tháng, khi tôi khạc ra máu vì bị thúc ép lao động quá sức. Để trị lao chỉ có thuốc tể vò viên từ lá cây “xuyên tâm linh”, do chúng bắt bệnh nhân tự chế biến. Chúng bỏ mặc chúng tôi vì nghĩ trước sau gì tụi tôi cũng chết vì lao. Cá nhân tôi đã vùi lấp cả chục anh em mình…Hôm qua chúng quăng anh vô đây. Nghe anh em mình kể là anh chặt cành cây theo yêu cầu “đạt chỉ tiêu”, rủi ro té từ thân cây cao gần 10 thước xuống bất tỉnh. Chúng vứt anh vào chỗ coi như nghĩa địa lộ thiên nầy, vì tin chắc sớm muộn gì anh cũng theo chân mấy anh em đang bị vi trùng Koch gậm nhấm. Quả nhiên! Anh thấy chưa, thiếu thuốc men, anh em mình chết hết rồi đó. Giờ đây chỉ còn anh và tôi còn sống sót!
- Mấy tên bộ đội quản giáo đâu hết rồi hả anh?
-Nghe nói đêm qua, khi anh còn hôn mê, chúng nó lùa anh em trại Long Giao mình vào xe bít bùng chở ra xe lửa tống ra ngoài Bắc hết rồi. Đám ho lao tụi tôi và anh, chúng bỏ lại cho rã thây trong rừng già…

Ngon và tôi dìu nhau tìm đường ra lộ cái, kiếm cách chuồn về Sàigòn…Đói lả người, khát khô cổ. May thay hai đứa gặp được vài đồng bào đi làm rẫy cho vài nắm xôi, vài chén nước cầm cự lết ra tới mặt lộ. Định đón xe đò năn nỉ xin quá giang (trong túi hai đứa chẳng có một xu teng!). Nhưng chưa kịp thấy bóng dáng xe đâu thì năm ba trự “bò vàng” đã ập tới chỉa súng “hỏi thăm sức khỏe”, còng tay dẫn độ về đồn công an. May là không bị ăn đòn hội chợ vì tội “trốn trại”. Nhờ một tên quản giáo của trại Long Giao ngả bịnh bất thình lình ở lại trại chờ “nhập viện”, hai đứa được giải oan “trốn học tập cải tạo”. Ngon được đưa về một “trạm xá” không thuốc men khác. Tôi được giải giao về trại Z30D (Hàm Tân), trước đó là Căn Cứ 5 Rừng Lá của QLVNCH…




Suốt buổi sáng cùng băng rừng, Ngon kể chuyện đời mình, buồn nhiều hơn vui: Cha mẹ bị đấu tố chết, hai người anh tay xách nách mang Ngon chưa đầy 6 tháng tuổi, lội suối trèo non vượt thoát thiên đường xã hội chủ nghĩa. Năm Ngon lên 17, người anh cả, sĩ quan Biệt Động Quân và người anh kế, sĩ quan Nhẩy Dù, lần lượt tử trận trong mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Không nơi nương tựa, Ngon đành bỏ học, khai tăng tuổi, tình nguyện đăng lính Thủy Quân Lục Chiến. Nhờ tinh thần hiếu học, Ngon thi đậu tú tài I, được đơn vị gửi đi học khóa sĩ quan trừ bị, Trường Bộ Binh Thủ Đức. Trở lại đơn vị cũ với cấp bực chuẩn úy, Ngon đánh đấm ra phết, noi gương hai anh mình, được đặc cách thăng thiếu úy tại mặt trận. Chưa kịp lãnh lương mới, Ngon bị trọng thương. Đang nằm điều trị ở phòng hồi sinh thì bị “kách mạng” đuổi xô ra đường…
-Em tứ cố vô thân. May có duyên gặp anh trong cảnh hai anh em mình đều thập tử nhất sinh. Em mong anh nhận em làm em nuôi. Một mai anh hay em qua đời trong cảnh đất nước tan hoang, trong vòng rào kẽm gai của kẻ thù, nhớ nhau, chúng ta sẽ lặng lẽ thấp một nén hương lòng, thầm đọc cho nhau một kinh cầu làm “ấm lòng chiến sĩ” trong nghịch cảnh sa cơ thất thế!
-Vâng, kể từ giờ phút nầy, Ngon là Em của anh. Và Lộc là Anh của Ngon!

Trên xe giải giao, nghĩ tới thân phận hẩm hiu của đứa em vừa kết nghĩa bệnh nặng không thuốc thang, giờ đây chẳng rõ xiêu lạc hà phương, tôi thì thầm:
Em ơi bây giờ em ở đâu?
Bến Hải hay Cà Mau?
-o-o-o-
B
ị tống vào trại mới quá trễ -lẽ ra nếu không bị tại nạn lao động, tôi đã bị nhốt như thú vật trong các toa xe lửa cục kỳ hôi hám, thiếu dưỡng khí; và có lẽ đã tắt thở, thây bị vứt xuống đường rầy làm mồi cho thú dữ- tôi được nhét vào một chỗ chỉ đủ nằm ngửa, vô phương nhúc nhích cựa quậy, trên sạp tre ọp ẹp đầy rệp, sát vách nhà cầu công cộng, với ngọn đèn pha từ ngoài nhà giam chiếu sáng rực vào mặt suốt đêm!
Nơi đây tôi đã ôm trong vòng tay hai bạn đồng tù -và đồng bịnh suyễn nặng- chết vì không có liều thuốc bơm tức tốc làm hạ cơn suyễn đến nghẹt thở, trụy tim!

Nhiều đêm mất ngủ, những ray rứt, những dằn vặt nội tâm bỗng dưng trỗi dậy trôi chảy trong tâm can tôi như những thước phim phô diễn trước đôi mắt nhắm nghiền sau làn vải đen che khuất ánh sáng của ngọn đèn pha trực chiếu vào chỗ tôi nằm…




Ngày ấy, 41 năm về trước, vào giờ chót, tôi được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng thi Tú Tài II tại Đà Nẳng, vì nghe đâu Bộ Giáo Dục bắt được tin có sự thông đồng giữa một số giáo chức địa phương với một số khá nhiều thân nhân các thí sinh để mưu toan gian lận thi cử, qua việc sắp xếp chỗ ngồi của các thí sinh, phân phối giám thị, hầu giúp các thí sinh cóp bài hay tráo bài với nhau, hoặc giám thị trao bài giải cho thí sinh, hay thậm chí làm lơ cho thí sinh thuê người thi thế (lơ là trong việc kiểm tra căn cước thí sinh),v.v…
Do đó, Bộ quyết định cử tôi thay thế vị Chủ tịch đã được chính thức lên danh sách bằng Nghị định, nhằm phá vỡ âm mưu “làm ăn” bất chính nầy.
Trong quá khứ đã xảy ra nhiều vụ mưu toan như thế ở vài tỉnh miền trung. Khi các giáo sư đi gác thi phát giác, báo động, họ bị hăm dọa, hành hung, đôi khi bị sát hại.
Lúc bấy giờ, vì sắp có cuộc bầu cử lại Tổng thống, nên Chính phủ ra thông tư yêu cầu các chính quyền địa phương tích cực yểm trợ tối đa cho các Hội đồng thi, nhằm bảo toàn nghiêm ngặt kỹ luật và trật tự nơi trường thi, tránh gây dư luận bất lợi cho chính thể VNCH.
Tuy nhiên, ai được điều ra công tác ở miền Trung cũng đều nơm nớp lo ngại ảnh hưởng nặng nề của các đảng phái trong mọi sinh hoạt dính líu tới chính quyền địa phương. Thiên hạ chưa quên các phong trào đấu tranh bạo động tại Huế, năm 1966…
Hội đồng Giám thị Trung ương đặt Văn phòng tại trường Trung học Phan Chu Trinh. Sau khi viếng thăm xã giao và được Đại tá Thị trưởng cam kết triệt đễ thi hành Thông tư của Chính phủ, tôi cho họp ngay Ban Điều hành Hội đồng, gồm 1 Phó Chủ tịch (Hiệu trưởng Nữ Trung học Nha Trang), 1 Thư ký (Giáo sư Chu Văn An) với 3 Phó Chủ tịch Trung tâm (1 Hiệu trưởng Nữ Trung học Bùi Thị Xuân-Đà Lạt, 1 Hiệu Trưởng Châu Văn Tiếp-Phước Tuy, 1 Giáo sư Gia Long) nhằm duyệt xét danh sách thí sinh tại 3 Trung tâm, sửa đổi toàn diện cách phân phối thí sinh tại các phòng thi, các giám thị phòng và giám thị hành lang cho các Trung tâm.

Bên ngoài phòng họp, một tiểu đội Địa Phương Quân được bố trí bảo vệ an ninh cho Hội đồng. Phiên họp đang diễn tiến, đột nhiên một anh thanh niên mặc quân phục tác chiến, không mang cấp bậc hay huy hiệu cho biết thuộc đơn vị nào, đầu đội bê rê đen cũng chẳng có phù hiệu binh chủng hay huy hiệu cảnh sát dã chiến, nghênh ngang bước vào phòng họp, sấn tới hất hàm hỏi tôi là ai và yêu cầu cho xem căn cước! Tôi nghiêm mặt vặn hỏi lại:
-Anh là ai mà ngang nhiên tới Hội đồng thi xét giấy tờ tôi? Nếu anh trong toán bảo vệ an ninh thì anh phải biết tôi là ai và đã phải cùng toán canh gác tới trình diện Hội đồng để chúng tôi nhận diện các anh, phòng hờ kẻ gian giả dạng trà trộn phá phách.
Hắn vẫn kênh kiệu nghinh ngó tôi.
-Được rồi! Anh chờ xem. Anh Trưởng toán an ninh đâu? Anh giữ an ninh thế nào mà để người lạ mặt đột nhập vào trụ sở của Hội đồng? Anh tới khám xét người khả nghi nầy, giữ anh ta lại chờ tôi liên lạc với giới chức có thẩm quyền đến dẫn độ anh ta cho Hội đồng chúng tôi làm việc!
Không đầy 15 phút sau, một Jeep cảnh sát tới “xúc” tay phách lối lên xe…Ông Hiệu trưởng Phan Chu Trinh tiết lộ hắn ta là đảng viên một đảng rất có thế lực tại đây. Hắn tới với dụng ý “dằn mặt” ông Chủ tịch Hội đồng chưa chi đã được dư luận đồn đãi “sẽ cương quyết mạnh tay bài trừ gian lận thi cử”! Chưa tới ngày khai diễn khóa thi mà không khí đã cực kỳ….căng thẳng!

Ngày đầu khai mở cuộc thi đã có va chạm nẩy lửa, suýt xảy ra cảnh huyết lưu mãn địa! Tại phòng thi dành cho quân nhân, một thí sinh mặc quân phục Cọp Ba Đầu Rằn BĐQ bị bắt quả tang đem tài liệu vào sao chép trên bài thi (tiếng lóng gọi là “quay phim”, “đánh bùa”). Anh ta rút lựu đạn hăm sẽ buông tay cho nổ tung! Cả phòng thi náo loạn. Ông giám thị ngất xỉu! Giám thị hành lang tức tốc tuôn vào phòng Hội đồng thông báo sự việc. Ông Phó Chủ tịch trung tâm cũng sắp bị “kinh phong giựt” (crise d’épilepsie) tới nơi! Tôi vội vã chạy ra ngăn toán an ninh can thiệp, cố gắng điềm tĩnh bước vào phòng thi. Anh “rằn ri” hét to:
-Đứng lại!Tiến tới là tôi cho nổ đấy!…
-Anh đưa trái lựu đạn cho tôi…
-Không bao giờ! Thà chết sướng hơn mang tiếng nhục gian lận thi cử về đơn vị thọ phạt, có thể bị giáng cấp!
Trưng thẻ sĩ quan cho anh ta xem, tôi ôn tồn nói:
-Tôi cùng binh chủng với anh, nhưng hơn anh về tuổi lính và cấp bực. Tôi là Đại úy QLVNCH biệt phái ngoại ngạch về Bộ Quốc Gia Giáo Dục.
Anh thí sinh quân nhân phạm lỗi đổi thái độ, khép đôi chân đang dạt ra trong thể thủ, đứng nghiêm chào tay, nhưng vẫn khư khư nắm chặt quả lựu đạn…
-Anh nghe đây: Với phương vị Chủ tịch Hội đồng, tôi có thể cho lập biên bản anh phạm qui luật trường thi. Với trái lựu đạn trên tay anh còn thêm tội mưu toan bạo hành. Hậu quả là anh có thể bị cấm thi vĩnh viễn. Chưa kể anh có thể bị “lột lon”! Sao anh lại có thể toan dùng trái mãn cầu nầy sát hại các chiến hữu của anh và tự sát vậy? Đây là trường thi, đâu phải chiến trường, phải không? Tôi đề nghị thế nầy: Anh trao trái nổ quái ác đó cho tôi, rồi trở về chỗ ngồi dành cho anh dự thi. Tôi xé bài thi anh đã cóp từ tài liệu bất hợp lệ, trao cho anh mẫu bài thi khác, bỏ qua chuyện anh gian lận. Anh làm bài được thì tốt. Không làm được, anh nộp giấy trắng ra về. Coi như bỏ cuộc. Tôi nghĩ giải quyết như thế chỉ có lợi cho anh. Phần tôi, tôi sẽ thuyết phục các đồng nghiệp bỏ qua chuyện anh toan đại náo trường thi. Dẫu sao anh cũng đã góp xương máu bảo vệ bờ cõi quê hương của chúng ta…
Tôi thu hồi được quả lưu đạn đã rút chốt an toàn. Và trật tự được vãn hồi, cuộc thi tiếp diễn như chưa có gì xảy ra! Mùa thi nầy hứa hẹn sẽ cực kỳ gây cấn…

Trên chiếc Jeep của trường Phan Chu Trinh giao cho Hội đồng thi sử dụng, tôi chở chị Phó Chủ tịch và anh Thư ký đi tuần tra vòng ngoài các Trung tâm thi. Không thể tưởng tưởng cảnh hỗn loạn diễn ra trước mắt chúng tôi, y như chợ trời đang nhóm trên đường phố: từng đoàn người xô lấn, chen nhau trèo lên dốc thoai thoải sát bờ tường các phòng thi phóng bài giải cho các thí sinh, mà các giám thị cứ như thị thiền cho họ tung hoành như chỗ không người! Thậm chí có vị còn thò tay ra cửa sổ phòng thi đón lấy các bài giải giúp đám người tự tung tự đại, coi giới chức thị sát trường thi như có mặt để làm kiểng chơi thôi! Không thể để tình trạng rối loạn chướng mắt nầy tiếp diễn, tả xung hữu đột, xua đuổi đám người coi thường khung cảnh trang nghiêm của trường thi, tôi đột nhập phòng thi bị tràn ngập bài giải từ ngoài phóng vào, tiếp sức với các giám thị hành lang tịch thu “tang vật” ngoại nhập, lập biên bản hai vị giám thị phòng không làm tròn trách nhiệm gác thi, tức khắc cử người thay thế họ.
Tại các trung tâm khác cũng tình trạng “loạn cào cào” như thế. Tôi thấy rõ giờ đây không những chúng tôi phải đối phó với tệ trạng gian lận từ phía thí sinh, từ phía những người bên ngoài phòng thi làm “áp-phe” với thân nhân thí sinh, mà còn phải “canh chừng” các vị gác thi của chúng tôi nữa! Mệt cầm canh! Tôi “rỉ tai” các Phó Chủ tịch Trung tâm: Ưu tiên “canh gác” quí ngài…gác thi! Vô cùng tế nhị, khó khăn, đau đầu gấp trăm lần “trông chừng” thí sinh!

Anh chị em chúng tôi trong Hội đồng thi từ các nơi được điều động về đây làm công tác khảo thí đã làm hết sức mình trong việc bảo toàn tính chất trang nghiêm cho trường thi, trong ý hướng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân có cơ hội thăng tiến, nếu có thực tài, đã cố gắng tối đa ngăn chặn tệ trạng “bán buôn” làm giảm sút giá trị của văn bằng mở cửa vào đại học. Với ý nguyện thực thi công bằng, chúng tôi sẵn sàng trực diện với mọi hiểm nguy, rủi ro khó lường. Thế nhưng sức người có hạn! Biết đâu, vì lý tưởng nghiêm minh, công bằng đó mà vô tình chúng tôi bất công với những thí sinh bị lập biên bản, đưa tới hình phạt cấm thi? Bởi lẽ do giới hạn về nhân số, về thời gian, về phương tiện, vô hình chung chúng tôi bất lực ngăn chận những thí sinh gian lận qua trót lọt kỳ thi lấy bằng tú tài II, do những “âm mưu”, những “a tòng” bất chính trong bóng tối! Thế thì đâu là công bằng? Các thí sinh bị phát giác gian lận, có thể không có thế lực “ma nớp” nào sau lưng trợ giúp. Trừng phạt họ trong tình thế “nhiễu nhương” tràn lan, có thực sự công bằng chăng? Câu nói của một ông thầy cũ khiến tôi suy nghĩ đến nhức đầu: “Tuyệt đỉnh của công bằng là…bất công” !...Ngày cuối của kỳ thi, tôi thực sự nhức óc đối đầu với một trường hợp khó xử trí. Nói cách khác, nôm na hơn: tiến thoái lưỡng nan. Tại Trung tâm do Nữ Hiệu Trưởng Bùi Thị Xuân phụ trách, giám thị bắt được một nữ thí sinh ban C đang “đánh bùa” bài thi vạn vật. Trung tâm báo cáo không đủ sức (hay không dám) giải quyết ra sao. Nên đưa nội vụ lên Hội đồng quyết định!
Sở dĩ có tình trạng chuyển giao nội vụ cho tôi định liệu bởi vì nữ thí sinh tuy còn đi học nhưng là một ca sĩ nổi tiếng của đài Truyền hình Đà Nẵng và là thần tượng được dân địa phương vô cùng mến mộ! Nghe phong phanh có một số “fan” của em đang xách động xuống đường gây áp lực! Yếu bóng vía, “rét” là phải! Rốt cuộc, trăm dâu đổ đầu tằm “Chủ tịch Hội đồng” thôi!
Trước mặt tôi, ông giám thị xác nhận em nữ thí sinh có gian lận; ông đã lập biên bản. Bà Phó Chủ tịch Trung tâm trao cho tôi văn kiện mang chữ ký của giám thị phòng và giám thị hành lang, nhưng nữ thí sinh chưa chịu ký tên, một mực kêu oan em bị hiểu lầm. Theo em, tài liệu “gian lận” là của nữ thí sinh bên cạnh đã rời phòng thi, sau khi nộp bài, sấp tài liệu bỏ lại trên băng ghế…Ai đáng tin hơn ai đây? Người bắt và kẻ bị bắt đều là dân địa phương! Họ có quen biết nhau chăng? Có gì “bí ẩn” đàng sau vụ lập vi bằng mà tôi và các đồng nghiệp từ xa tới không rõ chăng?
Tôi không thể đơn phương hủy bỏ biên bản -coi như thí sinh bỏ cuộc, sẽ bị đánh rớt, nhưng không bị phạt cấm thi, như tôi đã “linh động” giải quyết với anh thí sinh quân nhân trước đó- nếu hai ông giám thị không đồng ý. Ngược lại tôi cũng không thể ép em nữ thí sinh ký tên vào biên bản, khi em vẫn một mực kêu oan! Đó là chưa kể nếu xé biên bản, dù ông giám thị xác nhận trao quyền cho tôi tùy nghi giải quyết, biết đâu ông chẳng đặt nghi vấn tôi “lương lẹo” tiền bạc để “tha” cô nữ thí sinh “gian lận”?
Thôi thì chỉ còn cách xin quí vị liên hệ tới vụ tình nghi “gian lận” nầy ra chờ ngoài phòng đợi, để tôi tìm hiểu thêm nội vụ với đương sự bị qui trách vi phạm qui định khảo thí, với sự chứng kiến của anh Thư ký Hội đồng…
Cuối cùng, tôi thuyết phục được em nữ thí sinh ký tên vào biên bản với dòng chữ viết tay: “ Em có cầm sấp tài liệu do thí sinh bên cạnh bỏ lại, nhưng không sử dụng, vì bài thi em đã làm xong. Định trao cho thầy giám thị phòng thì em bị hiểu lầm là có ý gian lận… Xin quí thầy cô mở lượng từ bi cho em được hưởng biện pháp khoan hồng…”, sau khi tôi long trọng hứa rằng em sẽ không bị cấm thi, với chữ ký của tôi và của anh Thư ký bên dưới chữ ký của em. Tôi cũng sẽ làm tờ trình nội vụ lên Bộ (qua Nha Khảo Thí) với đề nghị miễn áp dụng biện pháp kỹ luật với em, sau khi bài thi của em được hủy bỏ và em đành chấp nhận bị đánh rớt. Tôi nghĩ như thế cũng là đã là một hình phạt khá đủ cho em, nếu em thực sự ngay tình nhưng vô ý…

Mấy tháng sau, tôi nhận được danh sách khá dài các thí sinh toàn quốc bi cấm thi từ 1 đến 3 năm, có tên em nữ thí sinh “ca sĩ đài Truyền hình Đà nẵng”! Tôi ngao ngán thở dài, tim đau nhói, hồi tưởng lại cảnh tượng thương tâm trong phòng họp Hội đồng thi tại Thị xã Đà Nẵng. Em nữ thí sinh nước mắt đầm đìa làm nhoen ố làn mực đen kẽ quanh viền mi, khiến tôi kinh hoàng nghĩ rằng em khóc đến mù lòa! Ngực áo trắng tinh tuyền của em cũng lổ chổ vết mực đen…


-Thầy ơi! Oan cho em lắm! Thầy cứu em nghe thầy! Em mà bị tai tiếng gian lận thi cử thì…tàn đời em thầy ơi! Em không màng thi trượt hay thi đậu. Nhưng gia đình em cổ kính lắm! Cha mẹ em không bao giờ dung thứ cho đứa con ngoan của mình phạm lỗi làm ô danh gia tộc. Bị cấm thi, chắc em phải bỏ xứ ra đi! Bao nhiêu bè bạn thân thương, bao nhiêu người mến mộ em sẽ quay mặt với em! Thầy ơi là thầy ơi!

Vậy mà tôi nỡ vô tình cho em ăn bánh vẽ với hy vọng em sẽ được khoan hồng, đã an ủi em, khuyến khích em lau khô nước mắt đến đen hết cả hai tay áo dài tha thướt …
Sẽ không bao giờ tôi quên nổi nụ cười gượng của em qua đôi mắt chưa hoàn toàn ráo lệ, chưa tẩy hết vết mực đen kẽ mi, khi em ngước nhìn tôi, chắp đôi tay như vừa thầm cảm ơn tôi vừa khấn nguyện trời cao nhậm lời em cầu khẩn, môi cười mà lệ như rơi…môi cười mà lệ như rơi!...Em ơi! Em đã bỏ xứ, lang thang vô định chưa hở em? Em lìa xa thị xã thân yêu thì tôi cũng sẽ chẳng bao giờ dám trở lại Đà Nẵng lần nữa…Đôi mắt nhạt nhòa mực đen ngày ấy sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi!
Người đời vô tình giày xéo lên em
Người đời vô tình giết chết đời em
Bốn mươi mốt năm qua rồi mà nào tôi đã quên được ngày ấy em như Nàng Liễu rũ vì cơn gió dập bất chợt…Và không ngừng thầm hỏi:
Em ơi, bây giờ em ở đâu?
Góc biển hay rừng sâu?


***
T
âm trạng ngao ngán, ê chề, tôi khước từ nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng thi Tú tài II, kỳ hai tại một tỉnh miền Tây, sau vụ bị “ê mặt” vì không thể hiện được lời hứa với em nữ thí sinh mắt ướt lệ đen tuyền. Nhưng vì thiếu nhân sự, Bộ chỉ định tôi làm Phó Chủ tịch Trung tâm “Tôn Thọ Tường”, đối diện rạp chiếu bóng Đại Nam, đường Trần Hưng Đạo, do Thanh tra TBQ trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng, Văn phòng đặt tại Trung tâm do tôi phụ trách.
Một lần nữa, cũng vào buổi thi cuối, giám thị phòng và giám thị hành lang lập biên bản 4 trường hợp thí sinh “gian lận”, 3 nam, 1 nữ. Dĩ nhiên, các em khóc lóc, van xin…Các thầy cô giám thị động lòng trắc ẩn, dẫn các em đến gặp tôi để xin rút lại biên bản. Khổ nỗi, mọi thứ vừa được Trung tâm niêm phong trao cho Chủ tịch Hội đồng! Các em nam sinh hết lời khẩn khoản nài nỉ tôi cứu giúp, nếu không, ngoài chuyện bị gia đình trừng trị, các em sẽ phải…đi lính! Tôi nói với các em tôi rất cảm thông, nhưng đành phải bó tay, “ván đã đóng thuyền”!
Các thầy cô giám thị cũng góp lời thuyết phục tôi ra tay cứu giúp các em! Tôi buồn rầu lắc đầu nói với họ rằng tôi đã nói trước với quí vị gác thi (qua kinh nghiệm đau thương tôi đã trải qua ở Đà Nẵng) rằng để tránh trường hợp bị “lương tâm cắn rứt” sau nầy, quí vị có toàn quyền hoặc lập biên bản, hoặc tịch thâu bài thi “gian lận” xé bỏ, phát giấy trắng cho thí sinh điền tên tuổi nộp lại cho quí vị. Như thế thí sinh sẽ không bị cấm thi. Dĩ nhiên, như vậy là không hợp lệ, nhưng tôi coi như không biết cách hành sử của quí vị. Nhưng khi quí vị lập biên bản trao cho tôi, coi như hết phương cạy gở.

Thí sinh và giám thi lần lượt ra về. Trường thi giờ đây chỉ còn Ban Điều hành Hội đồng và Trung tâm. Bước ra hành lang vươn vai hít thở chút thoáng khí, tôi sững sờ khám phá em nữ thí sinh bị lập biên bản “gian lận” ngồi gom mình trong một góc tối khóc thút thít!
-Sao em chưa ra về? Em cần tôi giúp gì chăng?
Gắng gượng đứng lên, dùng khăn tay chậm nước mắt, em trả lời:
-Dạ không cần đâu, thưa thầy! Cái em cần thầy giúp thì thầy đã trả lời thầy đành bó tay!
-Đâu đuôi chuyện em bị lập biên bản gian lận thế nào, em có thể kể cho tôi nghe chăng?
-Thưa thầy! Em có kêu oan, em có giải thich, nhưng cô giám thị hành lang nhất định không tin em: Anh thí sinh ngồi sau lưng em bị bắt quả tang đang “đánh bùa”; khi rời phòng thi, anh bực dọc ném sấp tài liệu gian lận còn sót trong người xuống đất, một hai tờ vướng vào chân em, đúng lúc cô giám thị bước vào phòng nói với thầy giám thị phòng em sử dụng tài liệu cấm, nhưng chợt nhìn thấy cô, em quính quáng vứt xuống đất! Giữa em và cô giám thị hành lang, thầy giám thị phòng tin ai, hở thầy? Thầy xem có quá oan ức cho em không? Em buồn tủi, em uất ức là vì em không dám dự thi kỳ I, nghĩ rằng em chưa chuẩn bị đầy đủ, nên quyết định chờ thi kỳ II. Bao nhiêu công sức, thức khuya dậy sớm, bỗng chốc thành công dã tràng! Vận xui bất chợt úp chụp xuống đầu em, em cũng đành chấp nhận hỏng thi, nhưng sao trời xanh cay nghiệt bắt em chịu thêm tai ương nhục nhã bị cấm thi vì bậc thầy cô của em hạ bút lập biên bản giết chết đời em mà không chút đắn đo suy xét tường tận! Thầy cô từng dạy dỗ, thương mến em ở Trung học Vũng Tàu trước khi em chuyển về trường Sương Nguyệt Ánh sẽ nghĩ sao về em hở thầy? Ba mẹ, anh chị em, bè bạn em sẽ thất vọng dường nào về em, hở thầy! Em muốn chết phứt cho rồi, thầy ơi!!...
-Bình tĩnh lại em! Bình tĩnh lại! Em chờ đây, tôi vào thu xếp vật dụng cá nhân rồi sẽ lái xe đưa em về nhà…
-Không cần thiết đâu thầy. Em không dám làm phiền thầy sau kỳ thi đã quá mệt mõi đối với thầy…
-Chờ đấy nghe em!


Khi tôi trở ra, em nữ thí sinh không còn ngồi đó nữa. Dưới cơn mưa lắc rắc, đầu trần, em tôi khập khểnh bước đi về hướng trạm đón ô tô buýt…Trời hỡi, em tôi tật nguyền mà nào đâu tôi có ngờ! Tôi gấp rút đuổi theo em… nhưng em đã bước lên chiếc buýt vừa rồ máy phóng đi! Khói xe hay bụi đường làm mắt tôi cay xè, rớm lệ? Tôi muốn chạy theo xe, phóng lên tìm em tôi, dẫu chỉ để…
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng
Nhưng cũng chuyền được cho em chút hơi ấm Tình Người, “trong xót xa đưa theo từng ngày lạnh lùng”…Từ dạo ấy trở đi, mỗi lần hồi tưởng hình ảnh người em khập khễnh bước lên xe biến mất sau làn khói đen trộn lẫn bụi mù, tôi không thể không xúc động, tâm can ray rứt, thì thầm thương cảm:
Em hỡi em ơi, sau nầy đời sẽ ra sao?
Lòng người vô tình em sẽ về đâu?
***
T
rừng phạt thí sinh gian lận, thiên hạ ra tay nhanh lắm, sốt sắng nữa. Nhưng chờ mãi, chẳng thấy quí thầy cô đi gác các em dự thi “phạm pháp” bị biện pháp kỷ luật. Ngay cả giấy cảnh cáo hay văn thư khiển trách cũng không! Vậy thì các biên bản của tôi về các giám thị coi thi chắc nằm yên trong ngăn kéo “hồ sơ xếp”, chưa kể có thể đã được vứt vào sọt rác! Tôi chưa tin lắm, đâu đến nổi tệ thế, phải không? Cho đến khi, với phương vị Trưởng Khu Học Chánh, tôi được Bộ cử ra giám sát Hội đồng thi Tú tài II tại Nha Trang, năm 1973…
Hôm ấy, ký thi vừa khai mở, chuông rung báo hiệu vừa dứt, đề thi vừa được phân phát cho thí sinh thì đột nhiên một giám thị hành lang gấp rút bỏ đi ra ngoài Trung tâm…Để làm gì, đố ai biết! Mua thuốc lá? Uống cà phê? Vô lý! Ông Phó Chủ tịch Trung tâm nói với tôi ông giám thị nầy không hề báo cho ông biết ông ta đi đâu! Tôi vội vã ra đứng trước cổng chờ ông giám thị có hành tung bí hiểm nầy trở về, vì nghi ngờ ông liên lạc móc nối với dân làm “áp phe” bất hợp pháp bên ngoài.
-Ông anh đi ra ngoài làm gì khi nhiệm vụ của ông anh là phải có mặt ở hành lang?
Đương sự không trả lời, trái lại muốn tiến nhanh về hướng các phòng thi. Tôi ngăn ông anh đồng nghiệp nầy (giáo sư Trung tâm Giáo dục Lê Quí Đôn), đồng thời yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thi và Phó Chủ tịch Trung tâm lập biên bản vi phạm qui định về tổ chức khảo thí.
Một lần nữa, tờ biên bản nầy bị coi như giấy nháp viết chơi cho vui!...
Thế thì, một lần nữa, tôi tự hỏi đâu là công lý? Phải chăng những thí sinh bị bắt “gian lận thi cử”, bị cấm thi, sau rốt chỉ là nạn nhân của một thứ công lý “có điều kiện”? Nói khác đi, một thứ… “cong” lý mà người áp dụng nó bẻ cong theo…những chỉ thị rất có thể đã bị áp đảo bởi các thế lực mờ ám trong bóng tối của những thứ “đồng lõa a tòng” làm chuyện phi pháp!
Càng nghĩ càng thêm thương cho hai em thí sinh thấp cổ bé miệng của tôi ở Đà Nẵng và ở Sài Gòn, mấy năm trước đó!
-o-o-o-
B
ốn mươi mốt năm trôi đi rồi mà cứ ngỡ như vừa mới hôm qua!
Ngon-Lao-Phổi ơi!
Em-Mắt-Lệ-Huyền ơi!
Em-Tật-Nguyền-Thê-Thiết ơi!
Có bao giở các “Em tôi” tưởng tượng được người anh của các em ngày xưa -giờ đây là “ông đồ già kiêm lính yếu” lưu lạc trên đất khách- vẫn không ngừng nhắn hỏi trời mây non nước:
Em ơi, bây giờ em ở đâu?
…ở đâu?...
…ở đâu?...
…ở đâu?…
Hỡi ơi! Chỉ có sóng gió rì rào trả lời câu hỏi tôi ném lên không trung!

Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, chớm thu 2011
Lê Tấn Lộc
________________________________________________________________________
Ghi chú: Trích đoạn thơ mượn của thi sĩ Phạm Thiên Thư, nhạc của các nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Nhật Ngân & Duy Trung, tranh của Kiệt Tấn và Vivi.

Monday, September 12, 2011

CHỐN ẤY ANH EM, ÔI CẢM TÌNH!

Sổ tay hành trình

CHỐN ẤY ANH EM, ÔI CẢM TÌNH!
Hãy cứ cho thêm, hãy còn cho mãi
Mai ta đi nào kịp vẫy tay chào
Chuyến đi Cali lần nầy, tôi hoàn toàn không dự tính trước. Đây là lần thứ ba tôi đến Little Saigon, vùng đất được mệnh danh là “Thủ đô của dân tị nạn Việt Nam”.
Trên chuyến bay về hướng phi trường Los Angeles, tôi thực sự lấy làm lạ sao mình có thể tới miền đất thuộc Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ nầy đến những ba lần. Nào phải tôi “quyến luyến” gì người Mỹ đâu! Trái lại là khác.
Ba mươi mốt năm về trước, ra khỏi địa ngục trần gian “cải tạo”, làm “thuyền nhân” trôi dạt vào trại tị nạn Galang (Nam Dương), tôi “được” một viên chức người Mỹ trong phái đoàn Cao Ủy Tị Nạn (HCR) “phỏng vấn”, nội dung như sau:
-Ông có làm Sở Mỹ không? Ông có thân nhân bên Mỹ không?”
-Thưa không! Nhưng tôi có làm việc trong lãnh vực giáo dục với người Mỹ. Và người Mỹ có “lâm trận” với tôi và các đồng đội của tôi trên đất nước tôi, chống cộng sản xâm lược miền Nam Việt Nam!
-Thế thì chúng tôi rất tiếc thông báo: ông không đủ tiêu chuẩn đi định cư ở Mỹ!
-Thưa ông, ngoại trừ sự kính trọng của tôi đối với vị đại diện chính quyền Hoa Kỳ, xin ông cho tôi được nói thẳng thừng với ông rằng tôi không hề có ý định xin định cư ở cái xứ “chết tiệt” của ông, sau khi các ông bỏ rơi anh em chúng tôi cho CSBV “làm thịt”!-Ấy chết! Xin ông bớt cơn thịnh nộ. Đây là chính sách di dân của chính phủ đương nhiệm của chúng tôi. Riêng cá nhân tôi và một số chiến hữu của tôi đã phục vụ ở VN, chúng tôi rất cảm thông hoàn cảnh bi thiết của dân miền Nam VN sau ngày 30 tháng 4 năm 1975; cũng như chia sẻ niềm uất hận của ông đối với người Mỹ chúng tôi…
Ấy vậy mà tôi lại “hồ hởi” lên đường Cali du lần thứ ba! Cái gì lôi kéo, thúc đẩy tôi đến chốn phồn hoa đô thị, được “vinh danh” là “kinh đô sành ăn” (capitale “gastronomique”) nầy? Chắc không hẳn chỉ vì thèm ăn…ngon thôi đâu, dù tôi rõ biết dân thích ngon miệng từ những vùng lân cận, cũng như từ các tiểu bang khác, cuối tuần thường đổ xô về đây kiếm…ăn, gây tình trạng tắt nghẽn lưu thông khá bực bội!

Mục tiêu tiên khởi của tôi trong chuyến du hành lần nầy là ước muốn gặp lại một số cựu đồng nghiệp đã từng cộng tác với Trường Phục Hưng, đường Lê Ngô Cát (Sài Gòn), nhằm động viên tinh thần anh em tiếp sức khuếch trương Trang Nhà của Trường, vừa mới hình thành được vài tháng, mà cho tới nay mới chỉ có em cựu học sinh Trần Đức Diên và tôi góp công sức gầy dựng. Em Phạm Văn Sinh, một cựu học sinh khác -thổ địa vùng Cali- là người hăng say nhứt đề nghị tôi lên đường “du thuyết”…Sinh tình nguyện làm “cận vệ” đưa tôi “an toàn đi khắp Cali” tái ngộ với các thầy và các trò. Nghe qua bùi tai, nức lòng “ông đồ già kiêm lính yếu” biết mấy! “Thầy cứ yên tâm!” Mọi thứ để em lo liệu! Thật không em? Chờ xem…

Ngoài mục tiêu tiên khởi, thiết nghĩ cũng đã tới lúc tôi gặp lại anh em (sau 2 lần tới Cali vào năm 1994 và 2005), những anh em một thời đã từng chia ngọt xẻ bùi, vào sanh ra tử có nhau…Nhứt là để đến viếng đáp lễ và tạm trú nhà Túy-Lê -“Nữ-bá-tước-chân-trần” -người bạn lâu đời từ Đà Lạt cách đây đã hơn 50 năm, thuở còn là sinh viên, người bạn đã 3 lần bay sang viếng “căn nhà ngoại ô” vùng “Rêu-Phong” (Pierrefonds), nơi khá lâu rồi tôi đã gác kiếm rửa tay…tu chai dưỡng sức!

Chưa kể cần đến Anaheim gặp thiện nguyện viên Nguyễn Trọng Ngữ -đã có mối thâm giao với nhau từ 27 năm về trước tại Xứ Tuyết Canada- nhằm xúc tiến việc thực hiện hai tuyển tập Một Lần Toan TínhGối Rơm mà, trước đó vài tháng, Ngữ đã đề nghị sẵn lòng in ấn giúp tôi, trong lần tái ngộ sau một buổi họp Dòng Phan Sinh Tại thế Vùng Montréal…
-o-o-o-
L
ấy xong hành lý, nhìn dáo dác chẳng thấy ai đến đón rước, “nội tướng” Phước và tôi cảm thấy hơi lo…Lẽ nào em cựu môn sinh yêu quí của tôi quên? May thay, tôi chợt nhận ra một dáng dấp thân quen -với đôi kính râm khá đặc biệt- đang thấp thoáng ngoài hành lang chờ đợi hành khách xuống phi trường: Túy! Theo sau là Nguyễn Ngọc Phát, cựu cộng sự viên của tôi ở Khu Học Chánh Vùng III, trước 75. Chưa thấy Sinh đâu hết! Một lúc sau, thầy trò bỡ ngỡ nhìn nhau giây lâu, hết nhận ra nhau sau gần 30 năm bặt tin, trước khi xúc động cùng choàng ôm, mừng mừng tủi tủi…
Rất tháo vác và nhanh nhẹn, Sinh tóm gọn hành lý cồng kềnh và…nhóm người “có tuổi” chúng tôi vào chiếc Toyota SR5, luồn lách qua đường phố đầy dẫy xe cộ lưu thông quanh phi trường, tuôn ra freeway “vọt” đi như phóng hỏa tiễn! Ngồi cạnh tài xế, tôi lên ruột từng cơn như đang chơi trò nhào lộn trên xe lửa ngoằn ngoèo leo dốc tuột dốc ở Wonderland! Nói chi tới Phước, Túy, Phát ở hàng ghế sau, mặt mũi chắc đã xanh dờn, chẳng còn chút máu! Tôi có cảm tưởng Sinh “lạn” chiếc 4 runners như lạn xe gắn máy Honda ở VN! Xẹt qua xẹt lại, đổi lane lia chia, luồn qua, lách lại với tốc độ trên trăm cây số/giờ mà chẳng hề cần giảm tốc độ! Có lẽ Sinh muốn cho tôi “nếm thử thương đau” sơ khởi kiểu lái xe skyriders hay cascadeurs mà Sinh sẽ biểu diễn để “hộ tống” tôi “an toàn đi khắp Cali” trong những ngày tới …chăng?
Nhờ ơn Trời Phật, sau 90 phút chơi trò “đi dây tử thần” trên “đại lộ kinh hoàng”, chúng tôi an toàn ghé bến Mì La Cai “dùng thiệt tình” món mì cật heo trứ danh, do tài xế “đu bay” Sinh “bồi dưỡng”, giúp các hành khách “lão thành-thành lão” thu hồi “hồn phi phách tán” của mình còn thất thểu ngoài Phờ-ri-ủ-ê! Hú vía! A Di Đà Phật! Alléluia!

thực mới “giựt” được đạo! Vui ăn chớ quên hết nhiệm vụ, tôi đề nghị Sinh chụp ảnh chung để gởi dần cho Diên chuẩn bị đưa lên Trang Nhà Phục Hưng, sau khi Sinh đưa tôi đi gặp hai đồng nghiệp Nguyễn Xuân HoàngNguyễn Sỹ Thân ở San Jose. Nhưng Sinh dứt khoát từ chối, “vì lý do an ninh nghề nghiệp” (?!). Sinh giải thích nhưng cũng chẳng soi sáng thêm chút nào cho tầm hiểu biết “chậm tiêu” của tôi! Thôi thì đành ngầm hiểu Sinh có những lý do riêng rất chính đáng để không muốn “dung nhan” mình xuất hiện trên báo, cho dù là báo điện tử hay Web Phục Hưng. Khó khăn, trở ngại đã bắt đầu ló dạng rồi đây! Quả nhiên!

Sau khi đưa chúng tôi về nhà Túy, chuyện trò rất vui vẻ (Sinh kể rất nhiều kỷ niệm xưa về trường Phục Hưng cho mọi người thấy Sinh cũng như các cựu PH rất thương quí tôi), Sinh “tiết lộ” không có thì giờ ngơi nghỉ, làm việc bù đầu để cùng một nhóm bạn tạo dựng một công ty đang trên đà phát triển…Trước mắt, ngày mai Sinh phải bay cấp tốc lên Houston, TX…Thôi thì cũng đành ngầm hiểu thêm điều nữa là…cố nhiên Sinh rất bận với công việc đa đoan. Tội nghiệp em nó vất vả quá. Thông cảm, thông cảm!
Rõ ràng từ nay trở đi tôi phải tự xoay sở để tìm gặp đồng nghiệp xưa và môn sinh cũ. Cũng như phải tự lo liệu chuyện “an toàn đi khắp Cali”! Trước mắt, mọi di chuyển trong phạm vi Orange County, cựu Thanh tra Phát sẽ giúp tôi, như đã từng đưa tôi đi “thăm dân cho biết sự tình” khắp Khu III Học Chánh trước đây! Phát cũng suýt soát thất thập cổ lai hi rồi, cũng không mạnh khỏe gì cho lắm.
Quả thật tôi vẫn còn may mắn có được những người bạn yêu thương, bận tâm “chăm sóc”, hỗ trợ khi cần, những người bạn trung kiên trong tình tương thân, tương ái -mà Phát là một biểu tượng điển hình- lúc còn làm việc chung cũng như lúc tôi ngồi tù “cải tạo”, ra tù, vượt trùng dương tìm tự do, định cư và giờ đây, khi tôi chới với, hụt hẫng nơi vùng đất không quen thuộc mà ngôn ngữ Shakespeare là một trở ngại khá lớn cho con người đã quá quen sử dụng ngôn ngữ Molière!
Vẫn hay những lúc khó khăn, trắc trở mới nhận biết giá trị nhân ái đích thực của một người bạn…
***
C
huyện “nối vòng tay lớn” với các cựu Phục Hưng coi như bất thành, vì thành viên năng nổ nhứt có thể tiếp tay hữu hiệu cho tôi chu toàn “sứ mạng” lại bất khiển dụng “vì lý do kỹ thuật” vào giờ chót, ngoài dự liệu! Bù lại, liên tiếp bốn cuối tuần, Phát đưa tôi đến họp mặt tại Café Cali với anh em cựu giáo chức đã từng (cũng như chưa từng) quen biết nhau từ lúc còn ở VN: Cựu “cấp trên” của tất cả anh em đến họp mặt, TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ Trưởng Giáo Dục, các cựu Thanh tra Nguyễn Văn Ngàn, Bùi Phong Quang, cựu Chánh Sở Học Chánh Bạc Liêu Huỳnh Trung Nghĩa, cựu Phó Ty Giáo Dục Vĩnh Long Đỗ Hữu Ngạn, cựu Hiệu Trưởng Mạc Đỉnh Chi Sàigòn Lý Di, cựu GS Quốc Gia Nghĩa Tử Sàigòn Nguyễn Lộc Thọ, cựu GS Petrus Ký Nguyễn Hồng Đảnh, cựu GS Petrus Ký, BS Nguyễn Sơ Đông (đến từ Virginia), cựu GS Trường Sư Phạm, Viện Đại Học Cần Thơ, Nguyễn Sanh Biên (đến từ Florida),v.v…quay quần bên nhau, tay bắt mặt mừng, quen trước cũng choàng ôm tôi, chưa quen cũng choàng ôm luôn, trước lạ sau quen mà! Thân thiện y như lúc cùng làm việc ở các Hội đồng thi Tú tài, trước 75. (Ngàn, Quang, Thọ, Đông là cựu đồng môn với tôi ở Chasseloup-Laubat, tiền thân của Jean-Jacques Rousseau). “Ấm lòng chiến sĩ” xiết bao, nơi xứ lạ quê người! Số tôi vẫn còn đỏ!

Người bạn đầu tiên của Túy đến thăm chúng tôi là Thủy Tú, một thiếu phụ thanh lịch, nói năng điềm đạm, trong giao tiếp vẫn còn giữ được nhiều đặc điểm của người phụ nữ Á Đông. “Nàng Tiên Bé Nhỏ”-biệt danh của Thủy Tú- là người bạn học thuở mười lăm của Nguyễn Xuân Hoàng nơi “miền quê hương cát trắng” Nha Trang. Cung cách của nàng như đã biểu lộ trung thực danh tánh nàng mang vào đời: Thủy nhưng Tú, Tú nhưng Thủy…
Dạ Yến là người bạn thứ hai của gia chủ tới vấn an du khách đến từ Mộng Lệ An. Khác với người nữ Nha Trang còn chút rụt rè, thiếu phụ đất Thần Kinh nầy, trong tiếp xúc rất nồng nhiệt, đi thẳng vào đề, trực ngôn, không né tránh hay kiểu cách dùng sáo ngữ. Trò chuyện với nàng không lúc nào chúng tôi không cười lăn nghiêng lăn ngửa, dù Dạ Yến đã năm lần bảy lượt lên bàn mổ cho bác sĩ giải phẫu! Thế nhưng không vì vậy mà nàng thở than, rên siết, kêu khóc, oán trách thân phận, “hận đời”! Tóm lại, nụ ười không hề tắt trên môi người phụ nữ mà nét kiều diễm phảng phất nhiều nét rất tây phương, nhưng phong cách rất thanh thoát. Dạ Yến khi xưa gầy dựng được nhiều cơ ngơi khá “đồ sộ” ở Cali. Nhưng rồi tất cả cơ nghiệp đó dần dà đi vào hố thẳm “quên lãng” của thời gian…Lần nầy nàng trở về Cali để chờ …lên bàn mổ lần nữa!

Những ngày không đi họp bạn, sinh hoạt thường nhật ở căn nhà “tí hon” của Túy thật vui nhộn và ấm cúng. Những láng giềng của Túy quá tốt bụng, lúc nào cũng sẵn sàng trợ giúp cô bạn khả ái của tôi đang sống một mình trong căn phố nằm trên đường Belfast -mà bạn bè tôi thường đặt tên đùa là Con Đường Nổi Loạn, vì mang tên thủ đô của Bắc Ái Nhĩ Lan- thuộc thành phố Garden Grove, các con của Túy tứ tán khắp nơi, đứa Canada, đứa Mỹ, đứa còn ở lại VN…
Sáng sớm thức dậy, tôi lui cui xếp chiếc giường con mà ban đêm tôi phải vất vả lôi ra từ căn buồng của gia chủ -cũng rất nhỏ hẹp- mở ra, trải dài trong phòng khách ngả lưng đi vào cõi mộng mơ. Phước ngơi nghỉ trên sofa kế cận, Túy vào “chuồng” bé tí ti của mình. Tôi thường ngủ trễ và khó ngủ nên được thưởng thức đều đặn tài nghệ của hai nữ nhạc công: kèn trompette hòa tấu không ngưng nghỉ với saxophone trong đêm thanh vắng! Nhờ vậy tôi lịm dần trong “giấc ngủ cô đơn” về sáng. Có thể tôi cũng thổi clarinette lúc nào mà không hay biết!
Điểm tâm qua loa, “Quan Công (tôi) phò nhị tẩu” xuất hành cuốc bộ để bảo trì sức khỏe cho còn có thể vui vẻ họp bạn khá nhiều lần trong những ngày tới! Khu Túy cư ngụ nhà cửa rất “dễ thương”, nhà nào cũng cỏ cây hoa lá cành xum xuê, hầu hết cư dân là người Việt. Đẹp nhất là giàn bông giấy đỏ thắm gần nhà thờ, tiếp giáp khu chợ Đại Hàn. Quan Công và nhị tẩu thường ngồi bệt trên lề đường, dưới giàn bông giấy rực rỡ đó, vừa nghỉ chân vừa tránh nắng! Chạnh nhớ “…bất cứ thành phố nào còn lưu lại trong ký ức chúng ta đều là thành-phố-mang-tên-em, bất cứ con đường nào ta đã đi qua cũng đều là con-đường-xưa-em-đi…” (*) , tôi khe khẻ ngân nga:




con đường mộng hoa xưa
vẫn từng đôi từng lứa.
con đường vào mộng mơ




con đường mặn mà




Bộ ba, sau đó dạo quanh các chợ Đại Hàn mua ít thực phẩm về trổ tài “cordon bleu” nấu nướng “bồi dưỡng” -được chút nào hay chút nấy- cho thân xác đã “hằn lên” dấu ấn khó phai mờ của thời gian…

Trước sân nhà Túy, thảm cỏ xanh mượt, tươi tắn, rất bắt mắt, lôi cuốn hàng xóm đến ngả lưng phơi nắng trên băng ghế xích đu độc nhất trong cả khu, hoặc trên băng ghế sắt đối diện, thưởng thức cà phê buổi sáng, hay nhâm nhi bia lạnh buổi chiều khi nắng còn le lói, chuyện trò bù khú, cười đùa rôm rả. Thành, Đoàn Đệ, Ngọc đi làm về, cơm nước xong là tự động ra ngay điểm hẹn thường nhật nầy với “Quan Công và nhị tẩu”! Nhà Thành sát nách nhà Túy. Và Thành thường xuyên phụ giúp Túy bảo trì mọi thứ trong nhà, chăm sóc cây kiểng mỹ miều đủ loại, điểm tô sân trước và sân sau nhà. Hình ảnh quen thuộc với tôi là vừa về tới nhà sau suốt một ngày quần quật với công việc ở nhiệm sở, Thành vẫn hăm hở mở vòi nước…tưới cây hơn cả tiếng đồng hồ! Thành rất vui tính, luôn sẵn sàng giúp đỡ người chung quanh. Nhờ Thành, suốt thời gian ở Cali Phước và tôi tham dự đầy đủ các Thánh lễ Misa. Rõ ràng tôi vẫn còn may mắn được “quới nhơn phò hộ”!
***
M
ới đó mà đã một tuần trôi qua! Gần như Phát đều đặn đến Con Đường Nổi Loạn “phò” Quan Công và nhị tẩu đi “bồi dưỡng” dài dài, hết phở gà, phở bò quá tuyệt, tới croissant, pâté chaud, cà phê sữa đá “Coeur de Paris” trứ danh, tới luôn cơm chay Bồ Đề trong khuôn viên Little Saigon!
Trước nguy cơ nếu không “phát ách” cũng phát phì tới nơi, Túy đề nghị du ngoạn Sea Word ở San Diego. Để Phát ở nhà nghỉ xả hơi, bộ ba chúng tôi qua Ramada Inn lấy vé đi Tour. Cuốc bộ khắp khu đầy nghẹt du khách danh tiếng nầy, dưới cái nắng nung nấu, cả ba mồ hôi vả như tắm, sụt ký thấy rõ! Đã thế, tôi còn kiểu cọ tìm cảm giác mạnh (như chưa đủ chữ với tài xế đu bay Sinh chăng?), lên tàu leo dốc, đổ dốc…đứng tim chơi (chơi dại thiệt, tôi đã mổ tim vì …nhồi máu cơ tim 16 năm trước đây), dù nhị tẩu hết lời cản ngăn! Qua cơn sốt ruột chờ tôi xuống tàu, nhị tẩu ôm bụng cười hăng hắc nhìn tôi mặt mày tái mét, lê từng bước một, lảo đảo ôm ngực thở dốc, ngồi bệt xuống nền xi măng sủng ướt, bên cạnh một thiếu nữ ngất xỉu đang được cứu cấp! May là không bị heart attack. Già mà còn ham!

Về tới nơi lại…ăn! Châu, Kim Anh, Văn Đệ “lực sĩ đẹp”, bạn của Túy rủ nhau đi ăn bún chả Hà Nội ở… Cali! Cơ hội rất tốt và rất vui cho tôi được dịp trò chuyện với Đệ, một cựu chiến hữu, cựu đồng tù cải tạo và…cựu “kiến càng” (vì có thời tôi đến rèn luyện cơ thể ở Phòng Tập Tự Do, Sàigòn). Xem ra hai chúng tôi rất tương đắc. Quả nhiên: Đệ đã đọc đi đọc lại nhiều lần hai tập truyện tôi tặng sau đó, và rất nhiệt tình chia sẻ nhiều điều với tác giả mới tập tễnh viết lách…

Lật bật đã tới ngày sinh nhật của Túy. Cũng là một trong những mục tiêu trong chuyến Cali du của chúng tôi: Lần đầu Túy đến thăm, Phước đã đứng ra tổ chức mừng sinh nhật Túy rất vui vẻ, với sự góp mặt của Hà và Thường, hai con của Túy, định cư tại Canada...
Phước đề nghị rời Pierrefonds sớm là để kịp thời góp mặt chung vui mừng sinh nhật của Túy tại Cali. Có lẽ Túy cũng rõ ý định của chúng tôi, nên lần nầy sinh nhật của Túy được tổ chức hai ngày liên tiếp, cả hai lần đều có Phát tham dự, với Thành và thân mẫu, Madame Quỳ cùng Ngọc-Đệ. Một lần ở restaurant Cát, mà sáng sớm hôm sau Thành và Phát phải thay phiên nhau cùng tôi tới trước quán canh chừng, chờ nhân viên phục dịch mở cửa là xông vào ngay tìm lại “hai bàn nạo” (prothèses dentaires) tôi đã sơ ý tháo ra, rồi bỏ quên trên bàn tiệc, sợ đến trễ họ dọn dẹp vứt vào thùng rác là mất toi hai ngàn đô! Đứng từ 8.00 am tới 11.00 am, sưng vù cả hai bắp chuối! Một kỷ niệm đẹp khiến tôi càng thêm cảm kích sự hết lòng “cứu giúp” bạn của Thành và Phát…
Lần thứ hai, BBQ trên thảm cỏ mượt xanh trước nhà Túy, do Ngọc và Đoàn Đệ lo liệu mọi thứ; bà con chòm xóm thân thương tham dự đông đủ, với sự góp mặt của một người bạn Mỹ rất thích người Việt xóm nầy: Ron, tay bế bồng cô bé Joy, một em Pékinoise rất xinh xắn… Quả thật Túy được mọi người trong khu vực quí mến như “cô láng giềng khả ái”! Văn nghệ bỏ túi tiếp nối, ra rít ra phết với dàn ca-ra-ô-kê tân kỳ -hiện tượng phổ biến quá rộng rãi nơi nào có người Việt tị nạn họp bạn!
***
N
hững ngày kế tiếp tôi tìm mọi cách bắt liên lạc với bạn bè đã quá lâu không gặp: Võ Trung Thứ (đang quá bận rộn dọn nhà từ San Jose và Las Vegas về Santa Ana), Lê Hoàng Tông, Lê Tấn Hội, Đặng Thanh Phong -những cựu đồng môn ở Collège de Vĩnh Long- và Nguyễn Văn Nhân, cựu phi công QLVNCH…
Hai buổi họp mặt được Tông chủ trì tại căn phố dành cho người cao niên rất khang trang, thông thoáng. Quí bà một bàn gần bếp, quí ông một bàn ngoài salon, cho dễ dàng hát bài “nam vô tửu như kỳ vô phong” mà không bị nhóm “yêu nữ” (người nữ đáng yêu!) kia “đạp thắng” tới cháy bố trên chưn cẳng quí tiên ông- ẩm sĩ, “nhắc chừng, cảnh cáo”, gây khó khăn, cản trở! Bởi lý do kỹ thuật đó mà Túy bị sung vào đội yêu nữ, Phát phải gia nhập cánh quân tu…chai!
Thứ, Tông và tôi, trước đây trong Ban Văn Nghệ Trình Diễn của Collège de Vĩnh Long. Bộ ba nầy thường gặp nhau sau khi rời trường mẹ, trước và sau 30.4.1975: Thứ và tôi, do căn duyên chăng, thường phục vụ cùng đơn vị (Sư đoàn 5 BB, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, v.v…). Tông và tôi thường xuyên duy trì liên lạc, khi còn ở quê nhà cũng khi xa lìa quê hương. Hội thì từ lúc gặp nhau năm 1955 ở Đồn Lạc Quới (Châu Đốc), nơi Hội trấn đóng khi ra Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, ít khi có cơ hội gặp lại sau lần tái ngộ ở El Toro (Lake Forest) năm 1994…Phong, cũng vậy. Với Hội và Phong tôi có vài kỷ niệm khó quên, không tiện kể ra, e ngại sấm sét nổi lên bất tử từ phía các bà!
Đôi ba lần Tông đề nghị Phước và tôi đến ở căn phố “mát mẻ” nầy, thường để trống vì Tông và Túc chỉ ở căn nhà đồ sộ trên El Toro. Nhưng chúng tôi vẫn thích khu “con đường nổi loạn” hơn, tuy nhà hơi chật chội nhưng ấm cúng và quá vui vì luôn nhộn nhịp. Vả lại ở chỗ Tông đề nghị, chúng tôi không có phương tiện di chuyển thuận tiện, vì khá xa khu thị tứ.
Lần họp mặt nầy, Phong thông báo một tin buồn: cựu đồng môn Bùi Văn Bảy, nguyên Thiếu tá, cùng khóa 10 VBQG ĐL với Phong, vừa vĩnh viễn giã từ anh em. Cựu đồng môn khác, Dương Kim Thoại cũng đã qua đời vài năm trước đây. Sinh lão bệnh tử, nào ai tránh khỏi...
Lần họp mặt thứ ba, cũng do Tông sắp xếp, chúng tôi gặp lại nhạc mẫu của Tông -cũng là mẹ vợ của anh ba Lê Tấn Lợi của tôi- vẫn còn mạnh khỏe và minh mẫn, dù tuổi hạc đã cao vút tầng xanh (104 tuổi!), trước khi đến dự tiệc tại nhà con gái của Tông trên dốc cao của khu đồi núi chập chùng San Clemente. Có Túy tháp tùng nhưng thiếu Phát, bận giữ…cháu ngoại.
Tông và Túc quả “sung túc” thật: con đông, cháu đếm không xuể! Không biết chàng và nàng có nhớ hết tên chúng nó chăng! Đông đúc thế mà trong ấm ngoài êm! Ngưỡng mộ và bái phục chàng và nàng quá đỗi! Đại phúc, đại phúc!
***
P
hát đưa Phước và tôi đến thăm vợ chồng Nguyễn Đình Toàn. Căn phố lầu của Toàn trông ra sân chơi một trường tiểu học luôn náo nhiệt với bọn trẻ chí chóe đùa nghịch đuổi bắt nhau, khiến đôi bạn già đỡ thấy “trống vắng”…Toàn có vẻ yếu hơn nhiều so với lần tôi gặp năm 2005, chị Toàn trông còn “sỏi" hơn.
Toàn “tiết lộ” cho tôi nhiều điều “khó khá” về cây viết Ham P Ác, chuyên “thách thức thần linh…đâm nổ mặt trời”:-Tao đã nhất quyết không nhìn mặt hắn, hai ngày sau 30.4.75, khi bạn bè cho tao biết hắn “quậy” các đồng nghiệp của hắn ở trường Nguyễn Trãi đến ngất ngư với đám cán bộ tới “tiếp thu” trường, Toàn nghiêm mặt nói. Mầy biết tao với hắn vốn rất thân. Thú thật, chính tao đã “lancer” hắn… Nhưng tao dứt khoát cắt mọi giao tiếp với hắn. Quả thật tao thất vọng ê chề về hắn! Tao không ngờ hắn tệ lậu đến thế! Làm cách mạng 30 xong, hắn bèn vượt biên nhưng bất thành. Vợ hắn vùi thây dưới đáy biển. Hắn xin định cư ở Mỹ. Rồi lại trở lộn về VN hăm hở tham dự đại hội nhà văn ở Hà Nội! Hắn còn nghĩ gì đến cô vợ đã bỏ mạng vì chế độ độc tài đảng trị đã xua nàng ra biển cả làm mồi cho cá nữa đâu! Nói hắn không lập trường chưa đủ. Hoạt đầu, có lẽ đúng hơn…
-Ham nổi tiếng, bằng mọi giá, chắc còn chính xác hơn nữa, tôi tiếp lời Toàn. Trao đổi với một đồng nghiệp đến từ Florida, lập trường dứt khoát như mầy (“Nếu phải chọn giữ vững lập trường mà đành cắt đứt liên hệ với người bạn lập trường chao đảo thì tôi không chút chi do dự”), tao nói với anh ấy và nói luôn với mầy cùng bạn bè của chúng ta rằng: dấu chỉ hiển lộ nhất về sự lương thiện tinh thần của con người là còn biết…xấu hổ! Khối thằng tự cho là trí thức mà nham nhở hết biết! Chữ “éhonté” sao mà quá chính xác: không biết xấu hổ, mặt trơ răng bóng! Nói nôm na là không biết hổ thẹn với lương tâm!
Toàn gật gù cười nhẹ. Có lẽ Toàn quá não nề về một số bạn, nếu không thay đổi màu da xoành xoạch như kỳ nhông thì cũng “chơi cha” trên đầu bè bạn. Toàn nói phớt qua về chuyện “chơi gác” Toàn của một ca sĩ thời danh đang đặc trách chương trình văn học nghệ thuật cho một đài truyền hình ở Mỹ. Tôi không lạ gì về “ngài” ca sĩ nầy, có thời là bạn đồng tù “cải tạo” với tôi…
Rất tiếc tôi không giữ được lời hứa trở lại thăm Toàn trước khi rời Cali để Toàn có cơ hội trổ tài nấu nướng đãi tôi một bữa cơm gia đình thanh đạm. Tôi nhớ mãi lời Toàn nhắn nhủ nên thường xuyên liên lạc điện thoại chuyện trò với nhau cho qua ngày tháng, vì ở tuổi quá thất thập chúng tôi có thể ra đi “no return” bất cứ lúc nào. Vô thường!..
***
Đ
ịnh ngồi xe đò Hoàng lên San Jose gặp Hoàng và Thân, sau khi liên lạc điện thoại, nhưng thấy trước không tiện, vì Hoàng vừa vợ bệnh vừa bận dọn nhà mà bản thân cũng không được khỏe, nên tôi còn chần chừ. Riêng Thân, tôi có phần e ngại vì 36 năm rồi bặt tin nhau và sau khi gửi điện thư nhiều lần cho bạn mà không được phúc đáp, chẳng biết đồng nghiệp khi xưa giờ đây có gì thay đổi trong tình thân chăng. Ngay khi vừa tới, gọi điện thoại nhắn tin cũng không thấy bạn tôi sốt sắng gọi lại.
Ngoài ra, một chuyện mất vui về Nguyễn Đồng Danh, thằng bạn nối khố, đồng hương Bạc Liêu -mà tôi dự tính lên tới nơi sẽ đến tá túc nhà nó- cũng khiến tôi chùn chân. Hình như bạn tôi không còn nhận ra tôi là ai nữa rồi! Cố ý làm ngơ để khỏi tiếp tôi hay “an-zai-mơ” lú lẩn?
Thêm vào đấy, H.N.Biên, thằng bạn rất thân ở Đại Học Sư Phạm Đà Lạt xưa kia, cũng khiến tôi khổ tâm, buồn lòng không ít, hết hứng thú đến San Jose: Câu nói của N.S.Biên xác định dứt khoát gạt bỏ tình bạn hơn là chối bỏ lập trường bảo toàn lý tưởng của mình tác động mạnh mẽ trên tâm tư tình cảm của tôi…
Cho nên, một lần nữa, chuyện nối vòng tay lớn Phục Hưng lại bất thành! Chỉ còn hy vọng mong manh NXHoàng ngồi xe đò Hoàng xuống gặp tôi thôi!

May thay, bỗng nhiên BPQuang nẩy ra sáng kiến mời các cựu đồng môn Triết Đại Học Sư Phạm Đà Lạt họp mặt “dàn chào” Lộc-philo-folie tôi tại tư gia. Quang cho biết đã mời NXHoàng (San Jose), Trần Quang Minh (San Diego), Trần Đức An (láng giềng của Quang), NLThọ, v.v…Các cựu philo khác (Nguyễn Ngọc Thọ, Nguyễn Văn Tốt…) ở Chicago và Florida không đến được. Dĩ nhiên một số còn kẹt ở quê nhà cũng vô phương đến họp bạn. {Chắc chắn Nguyễn (Trộn) Văn và sư phụ của hắn, Lý (Tránh) Trung, giáo sư “chết” lý -cho tới giờ nầy vẫn còn ung dung chết lý vì XHCNVN “u việt”- sẽ chẳng bao giờ dám vác mặt tới!}. Quang cho biết tất cả đã nhận lời…Nhưng vào giờ chót Hoàng báo không xuống Santa Ana được vì vợ trở bịnh nặng, Minh gửi điện thư cho biết cảm nặng vẫn còn dây dưa, không tiện xê dịch. Riêng An thì chỉ ngắn gọn nói với Quang: “Bận, không tới”.

Cũng vẫn Phát đưa tôi đến điểm hẹn. Trông Quang có vẻ gầy yếu hơn xưa. Bốn mươi năm rồi không có dịp gặp nhau, dù cả hai đều phục vụ ở Sài Gòn.
Cuối cùng buổi họp mặt cựu “Triết Đà Lạt” chỉ qui tụ được ba mống Triết: Quang, Thọ và Lộc, cùng với các cựu gõ đầu trẻ Ngàn, Nghĩa, Ngạn, Di, Nguyễn Hữu Phước và…Dương Ngọc Sum xanh xao, vàng vọt, hốc hác, hầu như sắp…”Sụm” tới nơi! Chuyện trò rôm rốp, cười cợt hả hê vì vắng mặt các bà. Nhưng mấy chai rượu đỏ quá ngon chỉ được Quang và tôi “chiếu cố” tận tình. Kỳ dư, nếu không thuộc hệ phái “trà đá chanh đường” thì cũng chẳng dám mó tới vì phải…lái xe!
An không tới, tôi có thể đoán trước. Hoàng “kẹt” vì lý do bất khả kháng, tôi có thể cảm thông, ngoại trừ còn lý do “bí ẩn” gì khác -mà nếu có thì…tôi cũng đành chịu thua thôi. Hai cựu giáo sư Phục Hưng nầy lẽ ra nên cố gắng tới gặp tôi: lần thứ ba “mộng ước” nối vòng tay lớn với các cựu Phục Hưng không thành! Chưa tới thời điểm hay đành phải chờ tới xương tàn cốt rụi?
Riêng với Minh tôi tự hỏi, ngoài chuyện cảm cúm ra, không biết thằng bạn đồng môn ở Jean-Jacques Rousseau và bạn cùng khóa I Triết ĐHSPĐL có buồn giận gì tôi mà tôi chẳng rõ chăng…
Thôi thì cứ cho là các bạn vắng mặt đều có lý do chính đáng để…vắng mặt vậy! Cho khỏi mất công suy diễn “linh tinh” vô bổ…nhức đầu, nhức cổ!
***
G
ọi điện thoại một vòng tìm những bạn cũ trước đây ở Montréal, hiện sang Cali sinh sống, tôi “tìm dấu” được nàng…Thơ -hồng nhan đa truân- mỹ nhân một thuở “người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”, rất được giới văn nghệ sĩ thương mến (trong số, có Kiệt Tấn, đến từ Paris). Thơ mừng rỡ hẹn tới ngay thăm “người anh văn nghệ mà Thơ hằng quí mến”…Trông Thơ rạng rỡ hẳn lên, nét u buồn cố hữu thể hiện qua “môi cười mà lệ như rơi” dạo nào giờ như đã tan biến qua “ánh mắt cười theo miệng cười” mà tôi nhận ra ngay khi Thơ bước nhanh tới choàng ôm Phước và tôi.
Giới thiệu người bạn đường mới, Thơ tâm tình cuối cùng Thơ cũng tìm được bến đỗ vững bền trong vòng tay đùm bọc chở che của một người đàn ông rất mực yêu thương nàng, người đàn ông mà Thơ hằng mong ước từ lâu… Mừng cho Thơ biết bao! Coi như nàng đã được tạo hóa đền bù những tháng năm dài gánh chịu quá nhiều gian khổ… Phép mầu của tình yêu có khác! Love is many splendoured things!
Người bạn cũ ở Xứ Tuyết rất nặng tình với tôi, Đào Khánh Thọ -người bạn lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ, chẳng những bạn mình mà luôn cả bạn của bạn mình- dù bận bịu chăm sóc chị Thọ bị tai nạn gẫy chân phải băng bột, di chuyển rất khó khăn, vẫn chở chị đến đưa chúng tôi đi viếng tượng Đức Mẹ ở Long Beach.
ĐKT vốn là cựu đồng môn với tôi ở Lycée Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), cựu đồng nghiệp, cựu Trưởng Khu Học Chánh như tôi, nhưng ở Vùng IV…Chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm vui buồn lẫn lộn, khi còn bên nhà cũng như lúc qua xứ người, nhứt là giai đoạn cùng làm việc trong Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân Canada. Sau đó chúng tôi vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ khi Thọ chủ trương Đặc San Trung Học Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long)…Hai chúng tôi coi nhau như người trong gia đình. Thọ đã thường xuyên an ủi, trợ lực khi tôi phải đương đầu với những khó khăn, trở lực khiến tôi vô cùng bực tức, nản chí trong thời gian hai đứa phục vụ anh chị em NĐC-LNH. Là một phật tử thuần thành nhưng Thọ không cuồng tín nên chúng tôi vẫn có thể thân thiện trao đổi quan điểm về đạo và đời…

Một bất ngờ thích thú: Khánh, cựu môn sinh trường Bồ Đề (Bình Dương), dù chỉ sinh hoạt với tôi một niên học thôi, năm 1967, đã bỏ nhiều công sức dò tìm tông tích tôi trên Net, sốt sắng gửi điện thư, gọi điện thoại chào mừng, vấn an “thầy cũ” trước khi tôi rời Montréal. Suốt thời gian tôi qua viếng Cali, Khánh thường xuyên điện thoại thăm hỏi, giúp tôi bắt liên lạc với hai cựu đồng nghiệp ở Bồ Đề: Nguyễn Kim Long (Pháp văn) và Phạm Đình Lân (Sử Địa).
Nghĩ tới chuyện các cựu môn sinh, cựu đồng nghiệp trường Phục Hưng không “mặn” lắm với chuyện nối vòng tay lớn, tôi cảm thấy đôi chút xót xa. Chờ xem lần họp mặt với trường Trịnh Hoài Đức (Bình Dương), dự trù tổ chức vào tuần cuối tôi còn ở Cali diễn tiến ra sao…
Trong khi chờ đợi, tôi vẫn phò nhị tẩu “cơ bản thao diễn” đều đặn trên đường phố Garden Grove rợp nắng ban mai, để rồi về đêm một mình lăn trở trên chiếc giường xếp, lắng nghe “tiếng còi trong sương đêm” từ sofa bên phải nỉ non tâm sự hòa quyện với tiếng “kèn trompette khóc dài trong sương sớm” từ căn phòng tí hon bên trái nức nở tâm tình, đồng trổi một hợp tấu khúc khá “mê ly”, thừa khả năng đưa tôi vào cõi mộng mơ khi bình minh vừa chập chững lố dạng với tiếng hát mơ xa lững lờ tan loãng trong sương mai:
đứng ở ngoài đầu rừng
đứng ở đầu con sông
nhớ về con đường cũ
mênh mông
mênh mông
***
P
hát chuyển lời anh NTLiêm mời tôi đến họp mặt với một số anh em đồng nghiệp tại trụ sở Lăng Ông Lê Văn Duyệt Foundation. Cũng là trụ sở của Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai-Cửu Long. Trang trí bên trong rất uy nghiêm, phản ảnh trung thực nơi thờ phượng Đức Tả Quân tại Bà Chiểu (Gia Định). Đặc biệt, trong Hội Trường có bàn thờ Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương. Tôi đứng nghiêm cúi đầu chào di ảnh của cố Tổng Thống, nghe trong lòng dấy lên niềm thương cảm vô biên…
Sau đó anh em kéo nhau tới một buffet tiếp tục hàn huyên. Trong câu chuyện trao đổi, tôi giải tỏa ngộ nhận về GS Nguyễn Văn Kiết, cựu Tổng Trưởng Giáo Dục trong cái gọi là Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam của cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam trước đây:
Một nữ và một nam đồng nghiệp, gốc Đức Hòa (Hậu Nghĩa) kể lại có nghe lời phao đồn nhằm gỡ tội cho ông GS -cũng dân Đức Hòa, một người đã thừa hưởng quá nhiều bổng lộc, đặc quyền của VNCH mà vong ân bội nghĩa chạy theo VC sau biến cố Tết Mậu Thân 1968- rằng ông ấy không “chủ động” theo MTDTGPMN vào mật khu, sau khi bọn chúng thất bại trong chiến dịch “Tổng Công Kích-Tổng Nổi Dậy”: Ông đang dạo mát trước nhà, đột nhiên bị một cựu môn sinh tới “bắt cóc”(!?), thúc ép ông “chém vè” theo chúng!
Ô hô! Ô hô! Y như luận điệu gần đây ngụy biện cho Sư Cộng Thích Đôn Hậu bị Việt Cộng “bắt cóc, cưỡng bức” theo chúng ra…Hà Nội, sau vụ bọn chúng thảm sát hàng ngàn đồng bào Huế, năm 1968!
-Thưa quí anh chị! Tôi biết rõ GS Nguyễn Văn Kiết đã có khuynh hướng thiên cộng từ lúc tôi ở trọ nhà ông theo học trường Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho). Ông “mê” và sùng bái Tố Hữu từ khuya rồi quí vị ạ! Tội là tội cho các cựu môn sinh của ông luôn nêu cao truyền thống “tôn sư trọng đạo”, đã hết lòng ngăn cản thừa phát lại thi hành án lệnh của Tòa tịch biên gia sản khi đương sự theo VC. Để rồi lúc ông “vinh qui áo cán bộ-nón cối ” trở về ông chẳng động một lóng tay cứu nạn cho họ mà còn cao giọng kết án họ là…cực kỳ phản động! Còn nhiều thứ khác chứng tỏ lập trường dứt khoát ủng hộ CS mà tôi không muốn nêu ra vì ông đã vĩnh viễn xuôi tay…“Nghĩa tử là nghĩa tận”, như cổ nhân thường khuyên bảo…
***
C
uối cùng, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Trịnh Hoài Đức cũng chính thức mời tôi -với tư cách là cựu giáo sư và cựu hiệu trưởng- đến họp mặt tại Bistro Đà Lạt. Là cựu học sinh khóa I của trường, Phát cùng đi với tôi tới điểm hẹn.
(Trước đó, MyKoVĩnhAn, cựu nữ sinh THĐ gửi điện thư nhắc nhở tôi: “Thầy nhớ là thương "tụi Phục Hưng" ít hơn "tụi em ở Trịnh Hoài Đức" nha thầy!”. Tôi thấy tức cười: em nào biết tôi muốn “thương” Phục Hưng hơn THĐ cũng đâu được, vì ba lần toan tính nối vòng tay lớn PH đều không thành!)
Tới nơi tôi hơi ngạc nhiên thấy mọi người đứng lố nhố ngoài cửa nhà hàng chứ không vào trong. Nghĩ bụng chắc mọi người chờ tôi đến để cùng vào. Nào ngờ nhà hàng…đóng cửa! Có thể đã dẹp tiệm mà chưa kịp hạ bảng hiệu cũng nên! Không hiểu sao Ban Tổ Chức không điện thoại đặc tiệc trước nhỉ? Hơi lạ đấy!
Hội Trưởng Nguyễn Văn Diệp và Hội Phó Từ Minh Tâm bèn tùy cơ ứng biến “giải tỏa bế tắc”, mời tất cả qua Âu Lạc, tiệm cơm chay “de luxe” kế cận, do “ Thượng Sư” Thanh Hải kinh doanh, cho đỡ phải xê dịch, “vừa đánh (chén) vừa đàm (tiếu)”! Quả thật tôi có căn duyên tu…chay đúng điệu hơn là tu…chai dỏm! Trước mặt mọi thực khách: hàng hàng lớp lớp ly to tổ bố tràn đầy nước…lạnh! “Nước hạnh phúc” có chất men làm sao có chỗ đứng trong quán cơm chay nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn chai nước…suối!
Tôi không nhớ hết các cựu môn sinh, ngoại trừ em Nguyễn Văn Tiếp (đã từng nghe “thầy hiệu trưởng Lộc du học bên Tây về, ngồi trong văn phòng ngẫu hứng ca Vọng cổ”!)
Về phía đồng nghiệp, tôi được gặp lại lần thứ hai Đoàn Văn VượngPhó Đức Long (nhưng thiếu Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Trí Lục), tái ngộ với anh chị Võ Văn Minh-Nguyễn Thị Cam, sau 41 năm bặt tin (mà tôi còn nhìn ra được), với Đinh Đức Vượng (mà tôi không còn nhìn ra được nữa, sau lần gặp cuối cùng, ngày 30.4.75, trong khuông viên trường Gia Long)…
Một bữa cơm chay tịnh nhưng câu chuyện trao đổi suốt buổi hội ngộ rất ư là mặn nồng! Không khí đại gia đình vẫn còn bao trùm sư đệ THĐ! Tình nghĩa thầy trò vẫn còn sâu đậm ở những thế hệ học sinh được giáo dục trước 1975, một nền giáo dục nhân bản, khai phóng, dân tộc, tự do và…miễn phí!
***
Đ
ón NSĐông từ Virginia xuống, NLThọ ghé rước tôi đi họp mặt với Ban Chấp Hành Gia Đình Hậu Nghĩa Hải Ngoại: chiến hữu Đông là một trong những Mạnh Thường Quân và Thọ là một thành viên BCH bên cạnh quí chiến hữu Nguyễn Thành Toán, Đỗ Bảy, Bùi Văn Ngô, Vũ Hữu Trường, Mai Thế Nghĩa. Tất cả đã từng phục vụ tại Tiểu Khu Hậu Nghĩa, Sư đoàn 25 BB, hoặc các đơn vị bạn hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Tỉnh Hậu Nghĩa. Cá nhân tôi cũng được xem như có liên hệ với Hậu Nghĩa vì Sở Học Chánh Hậu Nghĩa là nơi tôi thường đến sinh hoạt nhiều nhất so với các Sở Học Chánh khác thuộc Khu III Học Chánh.
Thọ quí tôi đến độ cởi chiếc áo trận rằn ri khoát ngoài (Jacquette) tặng tôi. Và Đông cũng mến tôi đến độ đích thân mang chiếc mũ lưỡi trai mua từ Normandie -nơi duy nhất có bán loại mũ đặc biệt mà Tướng Nhẩy Dù Bigeard thường sử dụng- chụp lên đầu tôi!
Dịp nầy, BCH tặng tôi quyển Đặc San Hậu Nghĩa, Xuân Tân Mão 2011. Trang bìa trình bày Quốc kỳ VNCH rạng rỡ tung bay trước Tòa Hành Chánh Tỉnh, với ảnh cổng Chùa Giác Phước, cổng Thánh Thất Cao Đài và cổng Họ Đạo Tha La gợi nhớ vô số kỷ niệm khó phôi pha theo ngày tháng cho những ai đã từng sinh sống nơi biết bao quân dân các chính VNCH đã đổ xương máu bảo vệ an ninh cho đồng bào luôn bị CS khuấy nhiễu, sát hại dã man, tàn bạo…
Mở đầu Đặc San, bốn trang dày đặc tên tuổi những quân cán chính đã vĩnh viễn nằm xuống trên vùng đất không lúc nào ngưng giao tranh, trang trọng “Tưởng Niệm Tử Sĩ Quân Cán Chính VNCH Đã Hy Sinh cho Tỉnh Hậu Nghĩa”. Hai trong bốn trang nầy liệt kê danh sách các chiến hữu bị VC “bắn bỏ” ngày 30.4.75. những chiến hữu chiến đấu tới viên đạn cuối cùng để rồi, nếu còn sống sót, đều bị địch quân tàn sát…Buổi họp hôm ấy, các anh lượt duyệt kết quả cứu trợ Thương Phế Binh VNCH tại Hậu Nghĩa. Đây là Hội Ái Hữu thứ hai mà tôi được biết có chương trình và kế hoạch trợ giúp cụ thể và trực tiếp TPB tại địa phương. Hội kia là Hội Ái Hữu Biên Hòa…
Chạnh nhớ lần tôi đến Hậu Nghĩa sinh hoạt với Sở Học Chánh, ngày 20.4.1972, định ghé qua Tòa Hành Chánh Tỉnh chào Đại Tá Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Thành thì bàng hoàng nghe Chánh Sở Đào Công Nghiệp báo tin Đại Tá vừa tử trận…
Tôi cúi đầu thinh lặng nghe tiếng gió rít bên song tung bụi đường xoáy thành con trốt, nghe chừng như… Hồn tử sĩ gió ù ù thổi…năm nào trong trận chiến Tết Mậu Thân, những oan hồn vất vưởng trong chuỗi ngày u uất cuối tháng Tư 1975, với tiếng hát bi thiết xa xa vọng lại:
Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này!
Bây giờ anh ở đâu, bây giờ anh ở đâu?
Còn trên đời này đang xông pha đèo cao dốc thẩm hay đã về bên kia, phương trời miên viễn chiêm bao.
Trên đầu anh cái nón sắt ngày nào ấp ủ mộng mơ của anh, mộng mơ của một con người.
Hoạt động của anh em Hậu Nghĩa Hải Ngoại quả thật khiến tôi vô cùng khâm phục. Nhứt là nghĩa cử ân cần chăm sóc, giúp đỡ anh em TPB và gia đình cô nhi tử sĩ…
Tiếng hát cũng như giọng đọc diễn tả “vượt không gian và thời gian” của danh ca Thái Thanh lại vang lộng trong đầu tôi:
Trong cái nón sắt của anh mặt trời vẫn còn đó ban ngày và ban đêm, mặt trăng hoặc muôn muôn triệu triệu vì sao vẫn còn đó, tất cả vẫn còn đó vẫn còn đó.
Nhưng anh, bây giờ anh ở đâu? Con ễnh ương vẫn còn gọi tên anh trong mưa dầm, tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ.
Dạo tháng Ba, tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa nghe như tiếng gầm phẫn nộ đến từ cuối trời.
Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này!
Anh là ai? Anh là ai? Anh là ai?
Hỡi ôi!
Ba chục Tết tơi bời xương máu
Triệu oan hồn lảo đảo đồi nương…

Thương ôi! Vì ai nên nỗi… “Tang thương đến cả hoa kia cỏ nầy” !***
N
gữ mang số sách ấn hành giúp tôi -đợt I, 50 cuốn cho mỗi tập truyện- để tôi kịp tặng thân hữu tại chỗ trước khi rời Cali. Sẵn dịp “rước” bộ ba Phước-Lộc-Túy lên Anaheim dùng bữa cơm gia đình.
Ngữ ở trong khu phải nói là “kính cổng cao tường”, an toàn tối đa. Muốn tới nhà, Ngữ phải dùng remote control mở ba hàng cửa sắt! Nếu tự mình lái xe đưa nhị tẩu đến đây chắc chắn tôi sẽ thành Lê Tấn…Lạc trong mê cung với hàng hàng lớp lớp cổng sắt lù lù ngăn chặn!
Nhìn bên ngoài, dáng dấp ngôi nhà đã hết sức đặc biệt. Nhưng vào trong mới thấy hết được công sức đã đầu tư để trang hoàng nội thất: lộng lẫy, rực rỡ… nếu muốn nói là “hoành tráng”! Y như một Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật, với rất nhiều thứ có tính chất sưu tầm (collection). Đặc biệt nơi thờ phượng trông như một mini giáo đường! Toàn những đồ cổ có giá trị như di vật thánh thiện…
Khu vườn phía sau nhà cũng được sắp xếp, trang trí rất bắt mắt. Bảo trì “bảo tàng viện” bên trong, chăm sóc vườn tượt bên ngoài, chắc Hương, vợ Ngữ không còn bao nhiêu thì giờ nghỉ ngơi ăn uống!
Ấy thế mà vợ chồng còn phải thay nhau trông coi một cơ sở thương mại tự lập. Ngoài ra hai đứa còn bỏ rất nhiều thì giờ làm việc thiện nguyện! Ấy là chưa nói tới chuyện bếp núc mà Hương cũng thuộc hàng cordon bleu!
Hương rất khéo tay, không những trong chuyện nấu ăn (Hương nấu rất đạt và rất nhanh) mà còn trong chuyện thủ công. Hình như không lúc nào Hương “ở không”, tay chân và đầu óc lúc nào cũng hoạt động. Trong lúc Ngữ rất nhiệt thành bỏ công, bỏ của ra in kinh sách và tài liệu huấn đức miễn phí cho các giáo xứ thì rảnh tay đôi chút là Hương hỗ trợ cho chồng, bỏ công sức làm hàng trăm, hàng nghìn chuỗi Mân Côi, tặng cho các nhà thờ và tín hữu. Thắng, em của Hương cũng bỏ công “chùa” design sách vở do Ngữ nhận in giúp các hội đoàn và thân hữu…
Bữa ăn rất vui vẻ, hợp khẩu vị. Món bò kho Hương nấu ngon tuyệt.
Lúc tạm biệt, Hương trao cho tôi 200 xâu chuỗi mang về Montréal cho Dòng Phan Sinh Tại Thế và các đoàn thể trong giáo xứ.
Một đôi vợ chồng lưu lại trong tôi nhiều thương mến và cảm phục.
***
Đ
ang sắp xếp dần hành lý chuẩn bị vài hôm nữa về lại “căn nhà ngoại ô Rêu-Phong” thì bất ngờ NLThọ phôn:
-Thay đồ gấp đi! Tao tới bốc mầy đi một nơi bảo đảm mầy sẽ khoái chí!
Vừa gác phôn đã nghe chuông cửa reo. Thì ra Thọ tới đậu xe trước nhà rồi mới gọi điện thoại di động! Gấp dữ!
-Đi đâu vậy Thọ?
-Lên xe lẹ đi, tới nơi mầy sẽ biết! Ngạc nhiên thích thú chứ không ngạc nhiên khó chịu đâu mà mầy lo sợ!
Nửa tiếng sau, Thọ bấm chuông một ngôi nhà trông có vẻ “bề thế”, quay mặt về hướng bờ biển, gió thoáng mát dễ chịu...
-Giới thiệu mầy: anh Mai Thanh Truyết, gia chủ! Còn ông “phi-lô” nầy là LTLộc đó Truyết!
-Tôi đọc rất nhiều bài viết của MTTruyết mà tới hôm nay mới được giáp mặt anh. Rất hân hạnh!
-Tôi cũng mới được đọc bài “Họa phúc khó lường” của anh, và cũng như anh, bữa nay mới “thấy mặt” anh. Mời vào! Mời vào!
Cảm tưởng đầu tiên của tôi là ông TS nầy rất bình dị và nồng nhiệt (chaleureux) với anh em…Không khách sáo, không kiểu cách, không kênh kiệu “ta đây”! Đúng là phong cách đặc thù của dân “Nam Kỳ Lục Tỉnh”! Quả nhiên! MTTuyết cũng dân Hậu Nghĩa như NLThọ…Tôi quả có duyên “khắn khít” với dân Hậu Nghĩa, dù -cũng như NS Đông và một số anh em đã phục vụ ở Hậu Nghĩa- tôi không phải gốc gác Hậu Nghĩa!
Thọ cặp nách chai rượu chát đỏ đem đặt trên bàn tiệc dọn phía sau nhà đã có hai “đồng nghiệp” red wine chờ sẵn! “Khí thế” dữ a! Ông TS của tôi coi bộ cũng thấm nhuần “triết lý” đông phương lắm đó: Vô tửu bất thành lễ! Chả bù với bữa cơm chay kèm nước lạnh mà các cựu môn sinh và cựu đồng nghiệp bất đắc dĩ “phải sao chịu vậy, chẳng vui trong lòng” cam tâm vui vẻ cạn chén ly bôi trong lần họp mặt Trịnh Hoài Đức vừa qua!
Quán rằng thịt cá ê hề…Gia chủ sành ăn nên tôm cua sò ốc bò “lễnh nghễnh” trên bàn ăn, quá hạp gu thực khách! Rượu đã ngon lại có bạn hiền, còn bonus hai đóa hoa hồng kiều diễm biết nói -hiền thê của gia chủ và một thiếu phụ Á lai Âu- cùng đối ẩm thì không cách chi khi “ra sân” (sau thời gian khá dài “thiếu dợt” với mùa chay tịnh cơm cá trà đá tại gia) tôi không say khướt, ngã ngựa tại chỗ, “siêu thoát” lúc nào không hay biết!
Sáng hôm sau, khi choàng tỉnh, tôi như người vừa tỉnh mộng, chưa rõ tại sao tôi không ngơi nghỉ trên chiếc giường xếp như thường lệ mà lại nằm trơ trên sofa!
Tôi nhớ lờ mờ -không rõ mộng hay thực- tôi té xuống vực sâu, chới với, quờ quạng đôi tay tuyệt vọng… Bỗng dưng nắm níu được một bàn tay…Nhưng rồi lại bàn tay cứu vớt ấy lại vuột khỏi bàn tay nắm của tôi…Tôi lại sờ soạng kiếm tìm cái phao cứu vớt đó trong cảnh tranh tối tranh sáng với hơi men nồng chưa hoàn toàn lắng động…Rồi bừng tỉnh hẳn, nhận ra tôi đang siết chặt tay…tôi, hụt hẫng:
Có gì vừa mất ở đâu đây
Lòng thấy mềm như rượu quá say
Hốt hoảng chàng tìm trong bóng tối
Bàn tay lại nắm phải bàn tay!
-Allô! Thọ đây Lộc. Mầy cầm phone tay ra sân trước nhà nghe tao kể chuyện đêm hôm qua ở nhà Truyết. Ngày mai Truyết đi xa, muốn gặp mầy lần nữa trước khi mầy về Montréal. Tao nói hơi khó vì tối hôm qua nó với tao phải “kè” mầy về, tao không dám kéo mầy đi nữa sợ mấy bà “quạt” tao chạy không kịp!

Thọ kể là Truyết “kết” tôi lắm, vì hai đứa xem ra rất “cùng băng tần” khi trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề chính trị, xã hội, văn chương, lịch sử, triết học, v.v…Tâm đầu ý hiệp đến độ ba chai rượu đỏ không mấy chốc đã cạn láng! Thọ không dám tham gia hết mình, chỉ nhâm nhi chiếu lệ vì phải lái xe. Hai ẩm sĩ Truyết-Lộc tửu nhập nhạc xuất, cùng cất giọng hợp xướng, đủ loại ca khúc tây ta.
Cuối cùng hai bạn đã phải dìu tôi ra xe. Nhưng đã yên đâu. Xe vừa chuyển bánh là tôi nằng nặc đòi “vũ qua Bắc hải”! Truyết bảo Thọ nhấn ga vọt nhanh cho mau về tới nhà. Nhưng Thọ cảnh cáo sẽ không kịp vì tôi sắp…vũ trong xe tới nơi!
-Mầy biết không, tao phải de xe lại đậu trước nhà Truyết, tao một bên, nó một bên kè mầy tới mấy bụi bông kiểng cho mầy…vũ trên hoa lá! Mà mầy đâu còn sức tự lo chuyện “vũ” đó! Xong xuôi đâu đó, tao nói với Truyết rằng tao đâu ngờ thằng bạn hơn 40 năm mới được gặp lại đã cho tao có cơ hội ngàn năm một thuở cầm “vòi rồng” cho nó…tưới cây! Tao tin chắc rằng kỷ niệm độc nhứt vô song nầy không thể nào hai đứa quên nổi!
Quả thật bạn tôi hành sử với tôi hơn cả “huynh đệ như thủ túc”!
***
D
ù đang lu bu với chuyện dời nhà, Thứ vẫn tạm gác qua mọi vướng bận lái xe đến rước tôi rất sớm, ghé qua Coeur de Paris mua cà phê sữa và croissant mang đi tới khu Phước Lộc Thọ nhâm nhi, thương cảm ngắm nhìn người Việt xa xứ sinh hoạt trước mặt và bên trong thương xá.
(Là bạn đồng môn Jean-Jacques Rousseau với tôi, Thứ tốt nghiệp Thủ Khoa Khóa 15 VBQG Đà Lạt. Hè Đỏ Lửa 1972, là Trung đoàn phó kiêm Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn 9/Sư đoàn 5 BB, đang hành quân ở Lộc Ninh, Thứ bị thương nặng phải tản thương về Tổng Y viện Cộng Hòa).
-Mỗi lần về Santa Ana, cứ 5 giờ sáng là tao mua cà phê và một ổ bánh mì không đến đây ngồi nhìn đồng bào mình hẹn nhau tới đây tán gẫu chuyện đời. Thiên hạ trách họ nói chuyện trên trời dưới đất, không đâu ra đâu. Nhưng tao hiểu và thương họ hết sức. Anh em mình đó Lộc à! Đàng sau những tiếng cười đùa trông như vui vẻ, vô tích sự là những mảnh đời rách nát bị bức rời khỏi một quê hương tan tác, trôi dạt đến “vùng đất hứa” mà họ khó có thể hội nhập hoàn toàn. Không bỏ lại quê hương nhiều thảm kịch thì đa số cũng đang đối đầu với nhiều bi kịch trong cuộc sống thường nhựt trên đất tạm dung! Tao nói họ là anh em mình vì đa số đều đã khoác chiến y như tụi mình, đã đổ mồ hôi, nước mắt trên quê cha đất tổ, đã góp xương máu trên khắp chiến trường, đã hứng chịu biết bao tủi nhục, uất hận trong các trại khổ sai của bọn CSBV hung tàn, khát máu...
Tôi thoáng thấy khóe mắt bạn tôi ươn ướt…
Đại dương nọ từ đây đôi ngã
Tàn binh đao keo rã hồ tan
Quê hương anh tấm thân tàn
Xứ người em gót bàng hoàng ngẩn ngơ

Mắt tôi cay xè… “Chốn ấy quê hương…”. Nơi nầy:
Thân đất khách một mình xui nhớ
Hương đêm dần dần nở khúc thương
Cửu Long Hồng Thủy Giang Hương
Ba sông một mẹ đau thương ngút trời

Anh em tôi! Những anh em nạn nhân của bạo quyền phi nhân!
Ngự đó một lũ đần ăn máu
Hả hê thay cường bạo sát nhân
Quê hương còm cõi toàn dân
Trời chưa hé sáng đêm vần vũ sa
Bạn bè tôi! Những anh em cùng ở đảo được mệnh danh “cửa ngõ của Tự Do và Tình Người” với tôi 33 năm trước -do LM Đỗ Minh Trí (Gildo Dominici) đảm trách- giờ đây xiêu lạc hà phương? Có khi tôi không còn nhận diện được họ trong số anh em đang tụ họp tại khu Phước Lộc Thọ nầy hay ở những anh em bất hạnh vô gia cư (homeless) mà sĩ số càng lúc càng gia tăng, đang lang thang khắp nẻo đường tiểu bang California, cố sinh tồn với đồng tiền bố thí của người hảo tâm, động lòng trắc ẩn…
một cơn gió bụi tơi bời
bạn bè trăm đứa rã rời bốn phương
(galang) đảo nhỏ nam dương
tấp vô lây lất kiếm đường định cư
ăn cơm chen lấn mệt đừ
nằm queo ngóng đợi tháng dư năm dài
cali texas sydney
bon chen dựng lại tương lai mịt mùng
Cũng có thể sau cùng họ đã có gia cư vĩnh viễn ở nghĩa trang, hoặc đã thành cư dân dài hạn ở các nhà thương toàn khoa hay bệnh viện tâm lý! Những bạn bè, anh em…
giựt gân bức xúc lung tung
tai biến mạch não đứa khùng đứa điên
đứa may kiếm được nhiều tiền
ung thư ập tới xuôi miền âm u
Đất nước tôi phải chăng bị Tàu phù Cao Biền trù yếm như truyền thuyết rất phổ biến trong dân gian, nên không thể nào được hưởng thanh bình lâu dài cho ba tánh được an cư lạc nghiệp? Phải chăng lá bùa yếm của Tàu phù nầy vẫn còn linh nghiệm nên VN khó ngóc đầu lên nổi, khốn nạn dài dài? Và viễn ảnh đất nước tôi đang trên đà biến thành một quận của Trung Hoa Đỏ phải chăng là hệ lụy tất yếu, với bè lũ Mafia VN đỏ lúc nào cũng sẵn sàng cắt đất đai, dâng sông nước, hiến hải phận và các quần đảo cho Chệt bá quyền?
Đâu ân oán những hàng cường quốc
Đọa Việt Nam đầu cất chẳng lên
Nợ đâu ai mượn ta đền
Chung qui một lũ kênh kênh chia mồi
Trên đường về, Thứ mở nhạc...
Dân nước tôi, nòi giống hùng cường Lạc Long
Làm gái toàn là Trưng Vương
Làm trai rạng hồn Quang Trung
Tôi không còn có thể kềm giữ được nước mắt tuôn tràn…
-o-o-o-
C
hậm thế nào rồi cũng tới lúc phải giã biệt nhau.
Tôi thức sớm hơn mọi bận, gập chiếc giường xếp, lòng thấy nao nao. Biết còn cơ hội trở lại gây náo nhiệt trong khu phố đáng mến nầy với Túy và anh em hàng xóm khả ái, bạn bè thân thương chăng?

Hôm qua, từ giã Thứ, tôi chợt nhận ra -không như trước đây nơi tôi luôn muốn tới khi không thể trở về thăm quê nhà là Paris, vì có quá nhiều kỷ niệm khó phai mờ thời sinh viên- giờ đây Cali đang chiếm trọn trái tim tôi, vì nơi đây tôi nhìn thấy lại Sài Gòn trước khi “mất tên”, cảm thông với những mảnh đời tan nát theo quê hương tan tác…

Trong khi chờ đợi Ngữ tới đưa Phước, Túy và tôi ra phi trường, tôi thẫn thờ đếm bước trên hàng gạch đỏ phân cách Belfast thành con đường lưu thông hai chiều, chạnh nghĩ biết đâu đây chẳng là những bước cuối của mình trên lối đi khó quên nầy. Ở tuổi quá thất thập, thời gian góp mặt với đời chẳng còn được bao lâu, thường được tính từng ngày, nếu không muốn nói là từng giờ, từng phút! Vô thường…
thế rồi cuộc đời là
những cuộc tình chia xa
đi lạc vào những phía không đường về
Nắng đẹp vô song. Ngữ đảo xe một vòng cho tôi nhìn lại lần cuối khu phố tôi đã thương mến đặt tên “Lady Belfast”. Vẫn con đường với những lối đi quen…
con đường thảnh thơi nằm
nghe chuyện tình quanh năm
Sau hai lần Phước và tôi choàng ôm giã từ Túy, nắm níu bịn rịn, “bước đi nhưng chưa nỡ rời”, hình ảnh sau cùng theo tôi lên phi cơ là dáng dấp khuất dần của Túy khi chúng tôi bước lên cầu thang dốc ngược lên trời dẫn vào khu chờ đợi. Mờ dần…mờ dần…
Nghe đâu đây vang vang ca khúc trữ tình chia tay thuở nào…
Je pouvais t’imaginer toute seule abandonée
Sur le quai dans la cohue des au-revoirs”…
J’ai failli crier vers toi, j’ai failli courir vers toi
C’est à peine si j’ai pu me retenir…” (**)
Trong tiếng rít gầm của động cơ phản lực tung máy bay lên không trung, tôi nhận ra ngày rời Cali quả thật tôi đã… “để quên con tim” ở lại…chốn ấy anh em, ôi cảm tình!
Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, cuối hạ 2011
Lê Tấn Lộc
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: Thơ, văn, nhạc trong bài nầy được trích dẫn từ Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên, cũng như vay mượn của các nhà thơ Nguyễn Bính, Kiệt Tấn, các nhạc sĩ Hoàng Trọng, Phạm Duy. Tranh vẽ mượn của Kiệt Tấn.(*) Thư cho Kiệt Tấn (LTL)
(**) J’entends siffler le train (Hedy West)















.