Monday, January 11, 2010

BỮA CƠM HÀN MẶC TỬ

Bên lề
Bữa cơm Hàn Mặc Tử
“Niềm tin là tin những gì không thấy
và rồi niềm tin sẽ cho thấy những gì đã tin”.
(Thánh Augustinô)

Lời giáo đầu: Đề cập tới hai đề tài ‘nhức nhối’ -một: Tôn Giáo, hai: Làm Việc Thiện- là ‘khiêu vũ trên những quả trứng’. Vẫn biết thế, nhưng trong thế chẳng đặng đừng, người viết đành “cũng liều nhắm mắt đưa chân”, hy vọng được những ‘tâm hồn đồng điệu’ cảm thông, bao dung, chia sẻ…


Theo thông lệ, Dòng Phan Sinh Tại Thế Vùng Montréal hàng năm đều tổ chức Bữa cơm Hàn Mặc Tử, hy vọng đón nhận được vài món tiền ủng hộ tương đối ‘khiêm nhường’ giúp những anh chị em chẳng may mắc bịnh cùi tại quê nhà đỡ phần cơ cực hẩm hiu. Năm nay Cha Trợ Úy của Dòng, Aimé Đỗ Văn Thông, ofm, thực hiện Bữa cơm nầy ngày 17 tháng 10 năm 2009 qua một đêm văn nghệ tại nhà hàng Ruby Rouge…
Đặc biệt, lần nầy ‘Bữa cơm’ không được quảng bá rộng rãi trên các báo. Cho nên rất nhiều người không hay biết. Thế mà, cùng đêm đó, với ba bốn vụ ‘gây quỹ’ giúp thiên tai tại VN qui tụ trên dưới hai ngàn thực khách, hội trường Ruby Rouge vẫn gần bít hết các lối đi với 450 dòng viên và thân hữu tham dự ‘bữa cơm’! Uy tín của Cha Thông một lần nữa được minh chứng! Danh xưng ‘Bữa cơm Hàn Mặc Tử’ cũng như ‘Bánh chưng Hàn Mặc Tử’ trong dịp Tết Nguyên Đán hầu như đã quá thân quen với cư dân Montréal và các vùng phụ cận cũng như với một số khá đông cư dân Ottawa và Toronto…
“Bữa cơm…”. Nghe sao hết sức, khiêm tốn, gần gũi, dễ thương …
-o-o-o-
H
iện tượng ‘trăm hoa đua nở’ gây quỹ làm việc thiện giúp người nghèo khổ, nạn nhân thiên tai, kể cũng lạ. Vô lẽ người Việt Nam ở hải ngọai đột nhiên giàu lòng từ bi quá đỗi với mỹ từ ‘khúc ruột ngàn dậm’ do nhà đương cuộc trong nước ‘ban cho’ mà động lòng trắc ẩn bỏ ra nhiều món tiền kếch sù (đôi khi lên tới năm, mười ngàn đô như chơi) cứu khổ cứu nạn ‘khúc ruột quê hương’, nạn nhân của Nhân Tai cường hào ác bá mới? Không rõ quí ‘ân nhân giai đoạn’ nầy thành tâm bỏ tiền ra ‘chẩn bần’, ‘bố thí’ vì bác ái hay thực ra chỉ vì thích ‘chơi trội’ phô trương (sô-ốp)? Đó là chưa kể quá nhiều vụ gây quỹ xây chùa, cất miễu, đại tu bổ nhà thờ, xây cất trường học, v.v… Thiếu điều muốn xây luôn nhà tù, tránh cho cha con nhà nước khỏi mở cái hầu bao riêng vàng rồng và đô la lớp lớp chất chồng cao như Hy Mã Lạp Sơn! Chưa kể một ‘vĩ đại’ thiền sư (vợ con đề huề) ôm của bá tánh về xây thiền viện để rồi bị san bằng! Cơ hồ như thiên hạ quên câu ‘cứu một mạng người hơn xây mười kiểng chùa’. Giá như ‘vĩ đại nhân’ dùng số tiền khổng lồ đó cứu nhân độ thế thì còn có chỗ châm chước. Đằng nầy… Quả thật hết ý! Ước gì thiền sư vĩ đại ‘tham-sân-si đủ mùi ca ngâm’ nầy và những ai muốn quyên góp tiền bạc của ‘khúc ruột ngàn dậm’ -kệ xác đám bần dân nơi quê nhà đói rách cùng khổ khao khát đợi chờ ơn mưa mốc- mang hiện kim hiện vật về VN xây cất chùa chiềng, nhà thờ cho thật ‘hoành tráng’, cho thật ‘ấn tượng’, chịu khó bỏ chút thì giờ đọc câu chuyện dưới đây mà người viết tìm thấy trên internet:
Có một người tên Tetsugen. Ông là một tâm hồn Thiền ở Nhật bản mơ ước in các tập kinh điển Thiền Sutra cho dân Nhật. Bấy giờ kinh điển của Thiền mới có bằng tiếng Trung Hoa bên Tàu. Ông lặn lội khắp nơi xin tiền. In bằng bản khắc trên gỗ, công trình rất cam go, tốn phí. Sau mười năm dành được tiền, sắp đem in kinh, dòng sông Uji ngẫu hứng dâng nước tràn ngập, lụt lội khắp miền. Dân chúng lâm cảnh màn trời chiếu đất, mất mùa khốn khổ. Băn khoăn trước số tiền mười năm quyên góp được, in kinh hay cứu người?
In kinh để truyền bá một triết lý, gầy dựng cả một suy tư tôn giáo. Cứu người chỉ là giai đoạn nhất thời. Rồi ai mà không chết ? In kinh có thể lưu danh lại tên tuổi. Ấy vậy mà Tetsugen không đành lòng đem tiền in kinh. Ông bỏ hết số tiền tích góp mười năm trời giúp nạn nhân lụt lội của dòng sông Uji. Thế là công trình mười năm với giấc mộng truyền bá Zen cho dân tộc Nhật theo dòng sông nước đục chảy vào hư vô.
Tha thiết với tấm lòng, ông lại lên đường hành khất xin tiền lần nữa. Mấy năm sau, dành dụm được một số tiền, ai ngờ một nạn dịch lan tràn, bao nhiêu người chết, động lòng trắc ẩn, ông lại đem hết tiền in kinh giúp người khốn khổ. Thoáng qua đã mười mấy năm. Tuổi đời theo thời gian ngắn lại.
Hết tiền in kinh, lòng ông vẫn tha thiết, ông lên đường xin tiền lần thứ ba. Mất mấy năm nữa, lần thứ ba này ông in được bộ Sutra. Thấm thoát hai mươi năm. Bản in gốc của bộ Sutra hiện còn lưu giữ tại Obaku, thiền viện ở Kyoto.
Trên đây không phải câu chuyện dụ ngôn để dạy thiền sinh. Nó là tấm lòng có thật. Một trái tim bồ tát, trái tim Chúa Kitô. Có những dòng sông và những định mệnh. Có nhiều dòng nước phù sa, lụt lội. Dòng sông và lời kinh ở đâu cũng có. Nhưng những tấm lòng dám hy sinh lời kinh vì lấy con người làm chính lời kinh thì không nhiều. Bởi nó là một lối suy tư rất khác. Ôi! những con người với những tấm lòng.
Hôm nay, nhắc nhở đến Tetsugen, dân Nhật giáo dục con cái họ là Tetsugen đã in ba lần bộ kinh Sutra. Lần thứ nhất ông in bộ kinh ấy trong trận lụt của dòng sông Uji. Lần thứ hai in trong cơn bệnh dịch của xứ sở. Lần thứ ba in bằng mực. Hai lần trước vô hình không nhìn bằng mắt xác thịt được, nhưng hai lần ấy cao cả linh thiêng hơn lần thứ ba.
Đền thờ Jerusalem đẹp thế, các môn đệ xít xoa khi đi ngang qua, thế mà Chúa chẳng để ý. Chúa bảo đền thờ là một tấm lòng.
Trong bối cảnh hôm nay, giả sử Tetsugen là linh mục, là ông trùm, có thể ở Việt Nam, ở Ấn Độ hoặc bất cứ nơi đâu, ông sẽ xử trí ra sao? Giả sử bạn là Tetsugen bạn sẽ xử trí ra sao?
Phong trào (hay dịch) gây quỹ làm việc thiện ‘bùng phát’ ở hải ngoại gây nhiều tranh luận, bênh vực có, chống đối có. Bên nào cũng cho mình có lý. Và bên nào, khi tranh luận cũng ít nhiều cường điệu. Trước khi lạm bàn, người viết muốn trình bày một vài cảm nghĩ thô thiển về ‘bữa cơm’ nói trên.
**
N
hìn chung, hầu hết mọi việc đều diễn tiến tốt đẹp, từ tiếp tân, hoạt náo, ẩm thực, sinh hoạt văn nghệ…Điều đáng nói là -đúng như ý Cha Trợ Úy Dòng ao ước- tất cả anh chị em dòng viên và thân hữu đến trợ lực đều vui vẻ chung sức điều hợp cho công việc từ thiện tiến hành nhịp nhàng và…nhẹ nhàng (không nhất thiết phải đạt kết quả tối đa về tài chánh), khiến cho tất cả tham dự viên không cảm thấy bị gò ép đóng góp, trái lại cảm thấy thoải mái ‘trước chung vui sau làm việc nghĩa’…
Cha Thông luôn di động trong hội trường để có mặt với hầu hết dòng viên và thân hữu. Đâu đâu Cha cũng được săn đón, mời mọc nồng hậu. Cha hoàn toàn hòa nhập với toàn thể tham dự viên, khi thì cùng ăn một vài món, lúc cùng nhấm nháp một vài ly rượu chào mừng nhau… Người viết nghĩ rằng linh mục phải đi bước trước đến tiếp cận chẳng những với giáo dân và còn với tất cả mọi người. Cha Thông thuộc hàng linh mục nầy. Kết quả tài chánh bữa cơm vượt xa ước đoán của Ban Tổ Chức, đa phần do cảm tình và lòng tin tưởng mà hội trường đã dành cho Cha Thông bấy lâu nay. Ngay cả kinh phí cho Ban nhạc, dàn âm thanh cũng được một Mạnh Thường Quân ẩn danh tự nguyện trang trải. Được biết tổng số thu, sau khi trừ chi phí nhà hàng, lên tới hơn 30.000 đô la Canada. Một thành tích đáng kể đối với một Dòng tu tại thế mà tôn chỉ là khiêm hạ và nghèo khó! Và sẽ là một niềm an ủi vô biên cho những anh chị em bất hạnh mang bịnh cùi tại quê nhà, ít được ai ngó ngàng tới, sống chết bỏ mặc (laisser pour compte)…Chắc hẳn những anh chị em cửu cùng bát khổ nầy sẽ vô cùng xúc động trước biểu lộ tình người của những ân nhân hiện diện trong Bữa cơm chan chứa ân tình đêm ấy. Người viết mường tượng những con người bị xã hội ruồng bỏ nầy, như Hàn Mặc Tử trước đây, sẽ rơi nước mắt, ngước nhìn trời cao vô vàn cảm kích:
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ.
(Hàn Mặc Tử,Thánh Nữ đồng trinh Maria)

Hãy thử tìm hiểu phương thức sử dụng số tiền trên đây sao cho đúng mục tiêu nhắm tới.

Trong một lần sinh hoạt linh hướng, Cha Thông ngỏ ý với anh chị em dòng viên (ACE ) muốn làm việc thiện hữu hiệu -và đúng nghĩa từ thiện- tại VN thì chớ có ‘gióng trống thổi kèn rầm rộ’, thành lập phái đoàn nầy, hướng dẫn phái đoàn kia ‘chính thức’ ra mắt chính quyền địa phương xin phép ‘hoạt động’. Nên kín đáo, âm thầm đến với đối tượng cần giúp đỡ. Phúc Âm đã không ngừng khuyến nhủ tay phải bố thí thì tay trái chớ nên biết sao? Ẩn danh vừa an toàn cho đôi bên cho và nhận vừa tránh cho người từ tâm khỏi mang tiếng khoa trương. Chưa kể số tiền quyên góp làm việc thiện dọc đường bị thất thoát gần hết vì kinh phí di chuyển, ăn ở và nhất là vì…thủ tục ‘lịch sự ra mắt’! Bởi thế, từ lâu Cha Thông và các ACE cộng sự áp dụng cách thức ‘kín đáo, âm thầm’, không qua các trạm trung gian, trực tiếp với đối tượng…Nhất là những ACE tự nguyện làm công tác từ thiện cho Dòng PSTT tại quê nhà đều phải tự túc các khoản chi tiêu cần thiết cho chuyện làm việc thiện nầy, sao cho số tiền quyên góp được không bị ‘sứt mẻ’! Cho nên, người viết phần nào cũng an tâm khi đọc bài viết dưới đây được tung lên ‘mạng’, tựa đề “Những tổ chức từ thiện muốn giúp đỡ thiên tai tại VN cần đọc” (không rõ tên tác giả):
Miền Nam Việt Nam (MNVN) trước 1975, không có sản xuất quan trọng, không mỏ dầu, chỉ nhận trung bình 700 triệu Mỹ kim một năm nuôi 17 triệu người và gồng gánh bộ máy chiến tranh. Trung bình 42USD / 1người / 1 năm.
Thế nhưng, MNVN là con rồng Đông Nam Á. Trường học MNVN từ mẫu giáo đến Đại học đều được hưởng quy chế miễn học phí. Người bệnh vào bệnh viện từ xã phường đến trung ương đều được miễn phí. Thiên tai năm nào cũng có nhưng cả nước đùm bọc lấy nhau. MNVN không cần ngửa tay xin tiền ngoại quốc.
Từ 1989 đến nay đã 20 năm nay, VN vẫn lẽo đẽo phía sau các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á. Tụt hậu 35 năm so với VNCH năm 1975.
Việt Nam ngày nay ở vào thời đại WTO, thời đại mở cửa, không còn là thời đại thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ thuở trước 1989. Trước 1989 việc cứu trợ thiên tai tại VN là việc cần. Sau thời đại mở cửa 20 năm nay, VN phát triển vượt bực. Những người về VN đều thấy việc hàng quán đầy đường, người xe kín lối, nhà chọc trời đầy dẫy, tất cả các nhà hàng đều đông nghẹt, khách sạn giá quốc tế, địa ốc ngang tầm hay mắc hơn cả Tokyo, Sydney, Whasington DC ....
Mọi người đều biết triệu phú USD ở Việt Nam nhiều hơn triệu phú trong Cộng đồng người Việt Hải ngoại.
Số tiền trong nước đổ ra nước ngoài mỗi năm rất lớn đều tuôn vào các ngân hàng và các trương mục tư bản đỏ.
Do vậy việc cứu trợ và từ thiện Việt Nam đã đến lúc cần được xét lại một cách đúng mức.
Giúp đỡ thương phế binh VNCH bị bỏ rơi tại VN là cần.
Giúp đỡ những cơn bệnh hiểm nghèo VN không có phương tiện chữa trị là không thể bỏ.
Giúp đỡ những trường hợp cá biệt là cần.
Giúp đỡ những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân và dân quyền là không thể thiếu.
Tuy nhiên việc tổ chức thành những phong trào rầm rộ dưới hình thức từ thiện mang tiền về nước cống nạp cho CSVN là chuyện phải chống vì vi phạm luật lệ VN và không phục vụ lợi ích đích thực của cộng đồng hải ngoại. Luật lệ CHXHVN ghi rõ không tổ chức nào trong nước và ngoài được phân phối tiền cứu trợ tại Việt Nam ngoại trừ cơ quan Cứu trợ có thẩm quyền từ Trung Ương tới địa phương do Mặt Trận Tổ quốc lãnh đạo (Thông tư số 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính & Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ). Những tổ chức vận động lạc quyên hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn mà nói rằng có thể mang về mua quà cứu trợ trao tận tay nạn nhân hết số tiền này, đó là vấn đề cần được các tổ chức khác nhau trong Cộng đồng Người Việt Hải Ngoại nghiên cứu và tìm hiểu thích đáng.
Thay vì mang tiền về! Chúng ta chỉ giải quyết ngọn mà không giải quyết gốc.
Tại sao chúng ta không vận động chính phủ, vận động các nhà hảo tâm, vận động các nhà tư bản đỏ trong nước để họ tự đùm bọc giúp đỡ nhau?
Tại sao không vận động chính phủ tổ chức cứu trợ đúng mức cho nạn nhân trong nước?
Việc cứu trợ có thể giải quyết thỏa đáng bằng quy hoạch của chính phủ chứ không bằng các vận động ồn ào bòn rút của cải hải ngoại. VN trước 1975 không cần xin hải ngoại như hiện nay để giải quyết thiên tai, thế nhưng người dân vẫn no ấm và “phồn vinh giả tạo”.
35 năm qua chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm của chúng ta đối với đồng bào ruột thịt của mình tại hải ngoại và cho tổ quốc mới của chúng ta.
Đừng nên quá ôm đồm.
Cộng đồng VN hải ngoại còn nhiều người “mù vi tính”. VN sắp sang giai đoạn xoá mù vi tính.

Chúng ta đã giúp VN từ 1975 đến nay.
35 năm cũng đã quá tròn tình nghĩa đối với người đã đưa tiễn chúng ta khi ra đi bằng đại liên trực xạ và trìu mến gọi ta bằng “ngụy quân, ngụy quyền, ham mê bơ thừa sữa cặn của đế quốc, chây lười lao động, vượt biên phản quốc ...”
Đã qua thời 20 năm mở cửa (1989 – 2010).
Chúng ta đã làm đủ mọi thứ cho Việt Nam .
Xây cầu. Cất trường. Nuôi dạy trẻ mồ côi. Nuôi dưỡng người tàn tật. Giúp đỡ người nghèo, người bệnh. Xây chùa, nhà thờ ...
Thời gian 35 năm qua Bộ Thương Binh Xã hội VN đã báo cáo nhiều thành tích tốt mà không cần động đến móng tay và không cần quan tâm chăm sóc phúc lợi người dân trong nước vì ... mọi thứ đã có “bò sữa” hải ngoại chăm lo.”
***
C
òn lại vấn đề ‘nhức nhối’ Gây Quỹ (Tây gọi Levée de fonds, Mỹ nói Raising fund), một vấn đề vừa xã hội vừa ‘tôn giáo’, rất đáng được đề cập tới, cho dù có phải ‘khiêu vũ trên những quả trứng’!
Người viết muốn lạm bàn lắm, nhưng e ngại mình không được bình tĩnh, chịu ảnh hưởng cảm tính hơi nhiều, sanh ra chủ quan: vấn đề raising fund nầy đã làm hắn xốn mắt, ngứa mồm khá lâu mà vì tôn chỉ ‘an hòa’ của Dòng PSTT hắn phải cố dồn nén, để rồi cam đành ‘bịt mắt câm miệng’…Cho nên người viết xin mời ACE và bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây:
Một trong những lời căn dặn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trước khi qua đời là: Tiếng chuông và những làn khói.
Họ đến Roma để chứng kiến giây phút lịch sử. Chờ công bố Giáo Hoàng mới.
Nếu không vỗ tay khi làn khói bay lên, lỡ là khói trắng, họ mất cơ hội là những người đầu tiên reo mừng vì chứng kiến làn khói lịch sử.
Nếu vỗ tay mừng mà là khói đen thì giây phút lịch sử ấy lầm lỡ quá.
Media, truyền thông khắp thế giới quay ống kính vào làn khói. Không biết bao nhiêu nghìn phóng viên quốc tế chỉ chờ giây phút lịch sử ấy để mình là người đầu tiên loan tin về một làn khói. Không biết mấy trăm triệu người theo dõi truyền hình về một làn khói.
Người ta bực mình về một làn khói. Không đen, không trắng.
Thế kỷ này, người ta chứng kiến, người ta sống một trời lịch sử về những làn khói.
Con người hôm nay đang khủng hoảng về những giá trị không rõ trắng, rõ đen.
Trước khi vĩnh biệt trần gian, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để lại tiếng chuông trước những làn khói.
*** **
Khói ở công trường Roma không nhiều, hai mươi sáu năm nay mới lại xảy ra. Khói ở cuối sân nhà thờ thì nhiều.
- Nhóm quyên tiền giúp người nghèo.
- Nhóm quyên tiền bảo trì đền thờ.
- Giáo dân tổ chức raising fund.
- Linh mục tổ chức raising fund.
Nhóm nào cũng muốn khói mình bay cao, bay xa. Nhóm nào cũng muốn mọi người chú ý đến ống khói của mình. Lúc này cuối sân đền thờ rất nhiều thứ khói.
- Có khi giáo dân trách linh mục về raising fund. Cuộc đời họ là chạy theo nhu cầu để raising fund rồi, ít được học về Chúa, khi đến nhà thờ, họ xin các ngài hãy nói cho họ về Chúa.
- Có khi giáo dân lại xin các ngài raising fund. Họ rủ các ngài vào nhóm raising fund. Họ tập cho các ngài raising fund. Họ dựa vào các ngài mà raising fund.
- Có khi linh mục muốn raising fund nhiều hơn giáo dân.
Cuối sân giáo đường hôm nay, khói bay muôn hướng.
Rồi từ những làn khói bay. Có người cay mắt. Có tiếng kêu. Có người mắt cay mà không kêu. Có người kêu mà khói vẫn bay. Từ những làn khói, có người bỏ cuối nhà thờ đi chỗ khác. Thì cũng từ những làn khói, có những người bỏ nhà thờ từ lâu, nay lại tìm đến. Đó là kỳ diệu của những làn khói. Có làn khói làm người đi xa. Có làn khói đem kẻ khác lại gần.
LỜI KINH VÀ NHỮNG LÀN KHÓI
Cha Nguyễn Văn Quang, một linh mục người Việt Nam, coi một họ đạo lớn người Mỹ ở Greeley, gần Denver, Colorado. Một ngày chúng tôi lên núi Rocky Mountains. Trong câu chuyện đời sống linh mục. Chúng tôi nói chuyện với nhau.
- Mình là linh mục mà 60 phần trăm thời gian phải lo administration mất rồi. Có cuối tuần mất hàng tiếng đồng hồ chỉ ký checks cho nhân viên. Thế này thì hỏng, phải xét lại.
Linh mục được huấn luyện để nói về Chúa. Vai trò quan trọng của linh mục là sứ ngôn. Công bố Lời Chúa. Chúng tôi không được huấn luyện để raising fund. Nếu có linh mục kém raising fund, xin giáo dân đừng trách, đừng đòi buộc và so sánh. Khi có những linh mục raising fund giỏi, giáo dân ca tụng. Họ nhờ, họ xin các linh mục đó raising fund. Ca tụng linh mục này raising fund giỏi, chê linh mục kia kém, từ đó, giáo dân đưa dần làn khói, rất tiếc, không đen, không trắng vào cuối giáo đường, và có thể làm cay mắt nhiều tâm hồn.
Linh mục mà phải lo administration, phải lo đối phó với nhóm này, nhóm kia, phải raising fund, phải lo trả lời phỏng vấn, phải lo nhiều thứ quá, làm sao có thời giờ soạn bài giảng, làm sao có thời giờ đọc văn kiện Giáo Hội, làm sao có thời giờ nhận định xem khói đang bay về đâu, khói luân lý, khói đức tin, khói văn hóa, khói xu hướng, khói trong Giáo Hội, khói ngoài cuộc đời.
Trong những cuộc raising fund, làm cách nào để tránh được khói cạnh tranh?
Khi linh mục có mặt trong các chương trình này, dù tốt đến đâu, nếu có sự cạnh tranh, sẽ có “triệu người vui, và triệu người buồn.” Khói sẽ làm kẻ này đến nhà thờ, khói cũng làm kẻ khác bỏ đi. Nếu một việc mà như thế, một mục tử có nên làm không? Hay là trở về với bục giảng, để an ủi kẻ này bị khói làm cay mắt đừng bỏ nhà thờ đi, và cảnh tỉnh kẻ kia đừng lấy khói làm ai cay mắt.
Đức tin không có lòng xót thương, nó không có địa chỉ để về.
Lòng xót thương dễ ngộp thở trong một thế giới cạnh tranh.
Muốn giết lòng xót thương, có lẽ không khó. Cứ khen cha kia tổ chức giỏi, chê cha này giảng dài. Khen ông chủ tịch cũ, nhờ ông mà cộng đoàn mua được miếng đất. Hỏi ông chủ tịch mới, khi nào hội đồng mục vụ mới xây tượng đài? Nói Rollo hay thế sao kỳ này họ không mời? Cứ so sánh, khen và chê, sẽ thấy sinh hoạt xứ đạo ngộp thở, nhiều tâm hồn khốn khổ và lòng xót thương có thể sẽ chết tự bao giờ.
Khi một đoàn thể Công giáo tiến hành mà chỉ mong đoàn thể mình thành công hơn đoàn thể kia, thì đâu là Công Giáo tiến hành? Khi một dòng tu mà chỉ muốn dòng mình phát triển. Thành công của Phúc Âm là gì? Đối với việc tông đồ, làm sao có thể cổ võ kẻ khác bỏ tiền vào quỹ người nghèo do mình lập nên, đừng bỏ tiền vào quỹ kia? Nếu thế, đâu là lý chứng biện minh cho lòng bác ái và hành động như vậy? Nếu không, cứ khuyến khích người ta bỏ tiền vào quỹ kẻ khác, thì đâu là quỹ do mình lập nên? Đó là thách thức của lời kinh và những làn khói.
HỌC THUYẾT PHAOLÔ: ĐƯỢC LÀM KHÁC VỚI NÊN LÀM
Trong cộng đoàn Côrintô đã xẩy ra những chuyện được làm nhưng không nên làm. Phaolô viết:
“Được phép làm mọi sự” nhưng không phải mọi sự đều có ích. “Được phép làm mọi sự” nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng. Đừng ai tìm lợi ích riêng nhưng hãy tìm lợi ích chung. Tất cả những gì bán ngoài chợ anh em cứ việc ăn… Nhưng nếu có người bảo: “Đây là của cúng” thì đừng ăn. Tôi không có ý nói lương tâm anh em, nhưng vì lương tâm người khác.(1 Cor. 10:23-33 - Xem chú thích câu 29,
bản dịch Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).
Phaolô cẩn thận cắt nghĩa là ăn của cúng không sao, nhưng nếu vì gương xấu cho người khác thì đừng ăn. Phaolô viết:
“Không phải của ăn làm chúng ta gần Thiên Chúa. Không ăn những thứ đó, chúng ta chẳng thiệt, mà có ăn cũng chẳng lợi gì. Nhưng hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho người yếu đuối sa ngã.” (1 Cor.10:8-9).
Trường hợp cụ thể xẩy ra ở cộng đoàn Côrintô là vấn đề ăn thịt cúng. Nếu dựa vào hiểu biết của mình, cứ làm, không cần biết gương mù có thể gây ra, nghĩa là biết ăn của cúng không có tội, cứ ăn, còn ai nghĩ thế nào kệ họ, Phaolô viết rất rõ về thái độ đó như sau:
“Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc. Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô. Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã (1 Cor. 11-13)..
Không phải chỉ gởi cho cộng đoàn Corintô. Trong thơ gởi cộng đoàn Rôma, chúng ta cũng gặp những căn dặn tương tự:
“Nếu vì bạn ăn một thức ăn, mà bạn làm phiền lòng người anh em, thì bạn không còn sống theo đức ái nữa. Đừng vì chuyện ăn uống mà làm cho người anh em của bạn phải hư mất, vì Đức Ki-tô đã chết cho người ấy.
Vậy đừng để cho thiên hạ chê bai điều mà anh em cho là tốt.Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Ai phục vụ Đức Ki-tô như thế, thì đẹp lòng Thiên Chúa và được người ta quý trọng. Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau. Đừng vì một thức ăn mà phá huỷ công trình Thiên Chúa. Đã hẳn, mọi thức ăn đều thanh sạch; nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu” (Rom. 14:15-20).
Trong hoàn cảnh xã hội hôm nay. Các vấn đề raising fund cần thận trọng. Nhưng tìm đâu tiêu chuẩn thận trọng? Có nên tìm hiểu thêm trong học thuyết này của Phaolô như một tiếng chuông không?
NHỮNG NGUY CƠ
Trong hoàn cảnh đặc biệt của người Công Giáo Việt Nam hải ngoại, raising fund là chuyện rất thường. Có khi cần. Nhiều người muốn đóng góp để xây dựng. Vấn đề là để được tốt, phải nói đến những nguy cơ để bảo vệ điều tốt kia.
1. Nguy cơ thứ nhất: Power
Đằng sau công việc từ thiện. Tiền bạc ngấm ngầm cho người ta power. Power ở đây mang nhiều mầu sắc:
- Power thứ nhất là chứng tỏ tài năng. Ai raising fund được nhiều, càng chứng tỏ nhiều power. Nhóm nào raising fund được nhiều càng chứng tỏ uy tín. Vì xã hội khen như thế. Đây là tiêu chuẩn xã hội, chứ chưa hẳn là đúng vì có những giá trị thành hình là do sự lầm lẫn của kẻ khác. Có người thành công trong raising fund, rồi cho là mình có tài năng. Có kẻ thấy người khác raising fund giỏi rồi cho rằng người đó có uy tín. Có nhiều cách raising fund. Nếu khen nhóm này đóng tiền nhiều để khích cái tự ái của nhóm kia thì đấy có là do tài năng và uy tín không? Nếu vì sự dễ tin của những tâm hồn chân thành mà dẫn họ vào những con đường vòng quanh mập mờ thì đấy có là nhân đức không? Giáo Hội đã có từng thời kỳ nhân danh ân xá để kiếm tiền, và đấy là một trong những nguyên nhân lớn trong cuộc ly giáo do Luther khởi xướng. Có đường lối thật, có đường lối sai. Phúc Âm gọi những tài năng giả, đường lối sai đó là những ngôi mộ tô vôi.
- Power thứ hai là được có quyền chi tiền cho ai. Thứ power này êm dịu, kín đáo vô cùng. Nó kín đáo lẻn vào lòng người, nhưng nó lại tỏ lộ trong thái độ sống. Người ta kín đáo che đậy, nhưng nó lại êm dịu như ánh trăng chiếu ra, không giấu được.
- Power thứ ba là được người chịu ơn ca tụng. Ai cũng bảo mình không muốn kẻ khác cám ơn. Nhưng ít người chỉ raising fund mà lại không muốn “đích thân” mình về Việt Nam trao tiền thì mới chắc chắn. Có hai thứ “đích thân”. Một là đến từ lòng nhiệt thành. Hai là kín đáo đến từ thứ power này.
Những power này, nó thầm kín, nhưng người ta dễ nhận ra. Những thứ Power trên đây không loại bỏ ai, giáo dân cũng như tu sĩ.
Khi không ai cắt cử mình vào công việc raising fund mà cứ có động lực thúc đẩy, thì cần cẩn thận vì có thể đàng sau động lực bác ái, đang bị những power trên đây thúc đẩy.Và đối với người dâng cúng tiền bạc cũng nên khôn ngoan nhận định những động lực này.
Tiêu chuẩn để canh chừng chính hồn mình, hoặc để khám phá ra các thứ power trên đây, thánh Phaolô đã viết cho cộng đoàn Galát:
“Hoa trái của Chúa Thánh Thần là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Galát 5:22-23). Như thế, khi công việc dẫn tới những gì ngược với hoa trái trên đây, đấy là dấu chỉ cần thức tỉnh về những làn khói.
2. Nguy cơ thứ hai: Power
Đằng sau công việc từ thiện. Tiền ngấm ngầm lấy mất power của người ta. Nguy cơ thứ nhất, tiền cho người ta power có chất độc, nguy cơ thứ hai, trong power nó cho, nó lấy mất power nhân đức mình có. Power bị mất ở đây cũng mang nhiều mầu sắc.
- Power bị mất là không còn thời giờ cho đời thong thả, vì quá khắc khoải làm sao công trình của mình thành công. Với linh mục, thêm những mất mát khác, thiếu thời giờ thăm bệnh nhân, soạn bài giảng, học hỏi thêm. Và làm mình “chia trí”. Tại sao Đức Kitô quả quyết tiền bạc ở đâu thì lòng dạ ở đó. Nếu linh mục rơi vào tình trạng này thì lời giảng của linh mục mất nhiều power. Đây là mất mát rất lớn.
- Power bị mất là có thể mất lương tâm trong sáng. Tiền dễ đi tới gian lận. Lỗi đức công bình. Cắt nghĩa quá rộng cho lương tâm của mình vào vấn đề xử dụng quỹ bác ái. Ngày còn là các chú tiểu chủng viện Têrêsa, Long Xuyên. Cha giáo Vũ Sửu, bây giờ ngài vẫn còn sống, nhưng cha già yếu rồi, ngày đó, hơn ba mươi năm về trước, miền Tây thường lụt lội, ngài nhờ chúng tôi đi ủy lạo người nghèo bị lũ lụt. Tôi nhìn những thùng xà bông. Nhiều như thế kia, nghĩ làm công tác xong, thế nào cha chẳng cho mỗi đứa một bánh xà bông. Vậy mà ngài không cho một bánh nào. Lúc đó, đứa nào mà không buồn. Nhưng ngài dạy chúng tôi, dù một bánh xà bông, phải giữ tấm lòng trong sạch. Tôi vô vàn biết ơn những linh mục rất nhân đức
trong đời tôi.
- Power bị mất là không còn trái tim bao dung. Họ sẽ cạnh tranh với kẻ khác, gây gương mù. Có thể đi đến phá đám nhau. Gây chia rẽ cộng đoàn vì cần các đoàn thể khác ủng hộ mình. Người ta có thể gây chia rẽ và kiếm được trăm ngàn dễ dàng. Nhưng không dễ dàng dù chi trăm ngàn để chữa được vết thương đã chia rẽ. Trái tim bao dung và sự hiệp nhất có là tiêu chuẩn thành công theo cách thế của Nước Trời không? Việc làm của họ không còn siêu thoát. Giáo dân cũng vậy, tu sĩ cũng thế. Không nói đến tiền bạc, cách đây hơn hai mươi năm, vào năm 1984 cha Julian Elizalde, người Tây Ban Nha, hiện nay còn sống, đang làm việc ở Roma, một mình lái xe khắp các tiểu bang nước Mỹ lo tĩnh tâm cho giới trẻ Việt Nam. Tôi còn làm thày, xin theo ngài để học hỏi. Một chuyến hai cha con lái xe xuyên bang, ngài tâm sự:
- Có cha Việt Nam bảo giới trẻ nằm trong tay ông cha người Tây! Họ sợ tôi ảnh hưởng. Là pastor tốt thì phải lo cho giáo dân, đáng lẽ họ nên nhờ tôi đến giúp họ, họ lại cho rằng cho tôi đến giảng là một ân huệ.
Tôi còn nhớ mãi lời này. Xã hội này phải cạnh tranh mới sinh tồn. Cạnh tranh lẻn chui vào cả vấn đề thánh thiện của tôn giáo. Có những cộng đoàn giáo dân thiệt thòi chỉ vì pastor của họ như thế.
NHỮNG LÀN KHÓI HOANG MANG
Khi giáo dân hoang mang về những làn khói, không biết đen hay trắng, giáo đường sẽ là nơi rất buồn. Thánh Phaolô bảo ăn của cúng không sao. Nhưng nếu gây gương mù thì đừng ăn. Nhiều giáo dân thắc mắc, tại sao linh mục cứ phải bỏ thời giờ vào những việc mà giáo dân làm được, hay vì họ thiếu khả năng? Mỗi người tự chọn cho mình một chọn lựa. Nhưng đây là nguyên tắc không thể thay thế: Dù tu sĩ hay giáo dân khi tham dự vào các raising fund thì công việc này phải là những làn khói trắng vô cùng rõ ràng, không thể xám.
Ơn gọi của người hướng dẫn tâm linh là phân biệt cho người ta khỏi lầm lẫn về những làn khói. Phân biệt cho người khác không lầm lẫn những làn khói đã khó. Chính mình làm làn khói thì phải rất trắng để người khác không thể lầm lẫn.
Mê ngủ nơi thiền sinh thì khác nơi thiền sư.
Tín đồ lầm lẫn, họ mong các vị linh hướng giúp họ phân biệt khói trắng hay đen. Khi người hướng dẫn tâm linh lầm lẫn, mong ai phân biệt dùm mình.
Đức Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II trước khi chết, Ngài thay đổi một nghi thức rất lạ. Để báo Tin Mừng cho thế giới là có Giáo Hoàng mới, đền thánh Roma không được để khói bay mà thôi. Trải qua nghìn năm lịch sử, thế mà bây giờ Ngài thêm vào: Khói trắng cũng phải có tiếng chuông kèm theo.
Công việc raising fund nhiều khi không rõ đen mà cũng không rõ trắng.
Khói bay ở sân nhà thờ hôm nay nhiều khi không rõ trắng, không rõ đen.
Đức Hồng Y Thuận đã phân biệt CHÚA và Công việc của chúa.
Để tránh lầm lẫn, mong ai phân biệt dùm mình?
- Phải có tiếng chuông!
Đối với giáo dân, làm sao linh mục giúp họ nhận ra tiếng chuông?
Đối với linh mục, đâu là tiếng chuông cho chính mình?
- Phải có tiếng chuông!
Đó là lời căn dặn của một con người đã làm xoay chiều lịch sử hôm nay.
Xin Đức Thánh Cha cầu bầu cho chúng con. Vì cuối sân giáo đường hôm nay có nhiều làn khói khác nhau.
Phụ Chú
Cần một tiếng chuông. Chính đời Đức Giáo Hoàng là một tiếng chuông rồi.
Có một phụ chú. Có thể chỉ là trùng hợp thôi, nhưng là trùng hợp rất đáng suy nghĩ. Ngôn ngữ Phúc Âm Gioan ở đây là tiếng chuông rất lạ, cho thấy kẻ đánh mất lý tưởng, phản bội Chúa và anh em mình là kẻ giữ túi tiền, chi tiền, quản lý tiền, là kẻ quan tâm đến người nghèo.
“Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo.” Y nói thế không phải vì y lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: Y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.” (Gioan 12: 4-6).
Power nào đã lẻn vào con người Giuđa?
Power nào Giuđa đã đánh mất?
(“Tiếng Chuông Và Những Làn Khói”, Lm. Nguyễn Tầm Thường, S.J)
-o-o-o-
B
ài viết Bữa cơm…nầy chỉ nhằm khơi dậy một vài điều rất tế nhị, rất nhạy cảm, nhất là rất…phức tạp, dễ gây va chạm trong việc làm công tác từ thiện và gây quỹ, mà theo người viết hình như càng lúc càng trở thành nếp sinh hoạt rất phổ biến, nếu không muốn nói là cái mốt (mode) rất ‘thịnh hành’ trong Cộng đồng Người Việt Hải ngoại, để cần lưu tâm hơn hầu tránh bị lợi dụng, bị khai thác sái mục tiêu từ thiện. Tuyệt nhiên, người viết không nhằm đả kích hay có ác ý châm chọc một đoàn thể hay một cá nhân nào hết. Việc tranh luận giữa hai phía bênh và chống các cá nhân hay đoàn thể hải ngoại về Việt Nam làm việc thiện chắc chắn còn tiếp diễn dài dài… Nói như Tây: Cuộc tranh luận vẫn còn triển mở (Le débat est encore ouvert)!
Tuy nhiên, thiết nghĩ có thể tạm kết bài viết rằng:
“Ồn ào ít khi làm nên điều tốt, việc thiện rất ít khi gây tiếng động” (Saint-François de Sales)

Thôn trang Rêu Phong, Xứ Tuyết, Đầu năm 2010
-Lê Tấn Lộc-


























No comments: