Thursday, November 10, 2011

VỀ MỘT VÀI TIẾNG VIỆT "BIÊN CHẾ"!





VỀ MỘT VÀI TIẾNG VIỆT “BIÊN CHẾ”!


Vẫn biết “Phê bình thì dễ, nhưng nghệ thuật thì khó - La critique est aisée, mais l’art est difficile” (Destouches, Le glorieux). Khi giáo đầu với câu trích dẫn nầy, tôi không hề có dụng ý võ đoán rằng quí nhà phê bình văn học biên soạn dễ dãi hơn người viết văn. Trái lại tôi vốn rất ngưỡng mộ những bài phê bình đòi hỏi nhiều đầu tư trí tuệ và kiến thức bách khoa chuyên biệt, chưa kể đến tài năng thiên phú (chẳng hạn như những bài phê bình văn học trứ danh của Charles-Augustin Sainte-Beuve {1804-1869}, đã đi vào văn học sử với tầm vóc hoàn vũ).

Tuy nhiên, trên văn đàn người Việt hải ngoại, gần đây tôi cảm thấy ít nhiều bị “kích xúc” trước hiện tượng quá lạ lẫm, thể hiện qua chuyện “sáng chế” dài dài chữ mới -những “từ” đôi khi rất …quái đản- không những ở các cây viết “mới ra lò” mà còn nơi một vài cây bút chuyên nghiệp phê bình văn học vốn đã khá thành danh, được giới cầm bút cùng khá đông độc giả biết đến.


Nơi vùng đất vốn dồi dào “hiện tượng” quá “ấn tượng”, nằm ở cực Nam Bán Cầu, một cây bút chuyên viết biên khảo, phê bình khá “nặng ký” rất đáng được “vinh danh” vì không theo trào lưu “cóp” ngôn ngữ XHCNVN, quá thịnh hành không những trong giới viết lách mà ngay cả trong giới truyền thông (báo giấy cũng như “vi” báo, thậm chí cả trên làn sóng truyền thanh hay truyền hình hải ngoại. Nhưng mất vui thay “đấng” nầy lại mắc cái tật bất khả chế… “biến chế” , nhập cục một số chữ thành những “cụm từ” vô cùng bí hiểm, “hiểu được chết liền”, phảng phất không khí…“đố vui để…chọc”! Tôi có cảm tưởng cây bút nầy “biên chế”: biên chữ thông dụng, cắt xén, gắn ghép…chế thành chữ…mới, chưa hề có trong các tự điển đã ấn hành trước cũng như sau 75! Chao ôi! Nghe qua, nổ như “tiếng sắt tiếng vàng chen nhau”. Và khi đọc phải, tức thì con ngươi đổ đom đóm như đang nhìn ánh sáng lân tinh của “trái phá”…chẳng những làm chóa mắt mà còn khiến khối óc bị “teo tê” và…“con tim mù lòa” luôn!

Nhà phê bình văn học nầy xem ra rất mê thích “làm mới ngôn ngữ” bằng cách “sáng tác” (sic) nhiều chữ mới, có thể ông đã mắc phải bệnh “nắm bắt con chữ”, một khi đã nổi tiếng (y như một số ca sĩ khi bắt đầu được khán thính giả mến mộ bỗng thấy có nhu cầu hát “kiểu cọ” ngoài sức tưởng tượng):
Hết “tiêu chí” -viết lên thấy “đã” hơn tiêu chuẩn …chăng?- tới “điển phạm” -nghe “kêu” hơn qui phạm…chăng?
Canon? Nhà phê bình ta chê những chữ đã dịch trước đây, được sử dụng tương đối phổ quát và dễ hiểu, để dịch theo “kiểu” riêng: Điển phạm! Nghe qua như…bị điện giựt gân vì…tiếng cà-nông nổ sát bên tai!
Dĩ nhiên, dịch giản dị, cố cho sát ý hay ít nhất cũng thoát ý đã quá “vất vả, và ít nhiều cũng đã là “phản bội” rồi (traduire, c’est trahir…). Canon mà cố tình dịch khác hơn thiên hạ chơi, cho có vẻ bí ẩn (nếu không muốn nói là “phăng” quá đà) thì người đọc chỉ còn cách giơ hai tay lên đầu hàng!
Cho tôi được lặp lại câu nói của Socrate: “Tôi chỉ biết có mỗi một việc: Tôi không biết gì hết!”, để cố gắng tìm hiểu những “từ” quá “cao siêu”, quá thâm sâu của nhà chuyên viết phê bình văn học nầy, sâu tới độ tối u với đầu óc “chậm tiêu” của tôi:
Có phải tôn ý của tiên sinh là muốn “dồn cục” hai nhóm chữ “kinh điển” và “quy phạm” (hay “phạm trù”) thành điển phạm…chăng? Kiểu dồn cục nầy hiện nay rất hợp thời trang, rất được phổ biến rộng rãi (rất…đại trà!) trong giới cầm quyền CHXHCNVN!
Còn “từ” “tiêu chí” thì tôi xin…chịu thua! Chả nhẽ tôi phải diễn nôm: Tiêu tùng hết ý chí!
Ước mong được các bậc “thức giả” (thức thiệt!) thương tình chỉ dẫn cho tôi được soi sáng thêm tí nào chăng trước hiện trạng “trăm hoa đua nở”, sử dụng không tự chế những “con chữ mới” sinh sôi nẩy nở vượt chỉ tiêu (hay…tiêu chí?) từ sau Ngày Ba Mươi Tháng Tư …Bảy Nhăm!

Tôi chuyển bài viết “Điển phạm…” của nhà phê bình văn học lẫy lừng danh tiếng kể trên cho một đồng nghiệp ở Hoa kỳ và được phúc đáp như sau:
“Quả tình đọc bài viết tôi không hiểu gì cả. Từ ngữ dùng nghe điếc con ráy. Chữ canon được dịch thành điển phạm. Canoniser thành điển phạm hóa để rồi dùng chữ Ngoại Đạo một cách lạc lõng trong văn chương VN vào thế kỷ XVII và đầu XIX…”.
Bạn tôi còn đưa vài nhận xét về nội dung bài viết nầy, chỉ ra những chỗ không chính xác, nhưng tôi không nêu ra đây vì không phù hợp với chủ đích bài viết nầy của tôi.

Để tạm kết, tôi nghĩ có lẽ nên nêu ra đây nhận định của nhà văn N.M.G. trong một thư gửi cho tôi vào năm 1992:
“Viết lách đem lại cho ta nhiều người bạn quí nhưng cũng gánh theo rất nhiều phiền lụy. Tất cả chỉ do nhiều người không chủ tâm viết, mà chỉ chú tâm lợi dụng chữ viết. Mọi chuyện rắc rối từ đó mà ra…”

Thôn trang Rêu Phong, Xứ tuyết, cuối thu 2011
Lê Tấn Lộc


No comments: