Sunday, September 28, 2008

ECCE HOMO!

Sổ tay hành trình (III)

”ECCE HOMO!”
Voici l’homme!”.
“Nầy là người!”
(Jn 19, 5)
*Đêm Canh Thức với Cha Trợ Úy Aimé Đỗ Văn Thông:
Vậy anh em hãy canh thức vì anh em không biết
ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24, 42)

.ngày 6 tháng 9 năm 2008
Mười ba tháng trước, sau sáu tháng dằn vặt nội tâm, với nguy cơ lạc hướng trên đường hoán cải vì khủng hoảng niềm tin, sau cùng tôi quyết định tham dự tĩnh tâm. Lần đó, suốt Mùa Phục Sinh, sau khi tự đưa lên bàn mổ xét mình không khoan nhượng, với lời thú nhận thường xuyên Mea culpa! Mea culpa! Mea maxima culpa!...tôi đắn đo, run sợ trước khi “can đảm” xin…khấn tạm, ngày 5 tháng 8 năm 2007…. Bây giờ nghĩ lại, tôi nghiệm ra chính lời nhắn nhủ: “Anh em cũng vậy, hãy coi như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su ” (Rm 6, 11) đã giúp tôi vượt qua cơn sợ hãi để kiên tâm tiếp tục con đường tu đức với Anh Chị Em Dòng Phan Sinh Tại Thế…
Đêm nay, mười ba tháng sau, tôi lại khiếp đảm dữ dội hơn lần khấn tạm nữa, khi bước vào nhà nguyện dọn mình canh thức, chuẩn bị khấn hứa trọn trong Thánh lễ ngày mai. Lần nầy cơn bất ổn nội tâm kéo dài gần suốt năm với những “biến động” ngoài dòng đời, có khả năng làm tôi mất luôn Niềm Tin! Nhưng rồi tôi nhận ra các biến cố sôi động đó nằm trong những “đường lối Chúa khôn dò khôn thấu”, như để thử thách lòng “kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự” của tất cả con cái Chúa, không riêng gì cho cá nhân tôi…
Cho nên, khi những cây nến được các khấn sinh-canh thức “thắp sáng lên” từ ngọn nến Phục Sinh trong tay Cha Trợ Úy Aimé Đỗ Văn Thông, sau lời huấn đức trầm ấm mang nhiều tính chất khuyến nhủ hơn răn đe của người (“Đừng sợ! Không ai toàn hảo nên phải thường xuyên tự tu sửa, hoán cải”; “Muốn theo Chúa, phải chịu thiệt thòi, phải chấp nhận hy sinh: Khiêm tốn, khiêm hạ, khiêm nhường mà…không tốn, không hạ, không nhường thì làm sao khiêm được!”), tôi thú nhận đã vấp phạm hầu hết những sai sót người nêu ra những lúc gần đây trong hàng ngũ tín hữu!
Những ánh nến được thổi tắt cùng lúc. Bóng đêm bao trùm mọi vật trong Thinh lặng tuyệt đối. Tâm hồn lắng động, tôi tin rằng đã có những tiếng thổn thức được kềm giữ, những giọt nước mắt âm thầm nhỏ xuống trong đêm đen…trước khi các ngọn nến được thắp sáng lại, xua tan bóng tối “luyện ngục”: vài khuôn mặt còn lưu dấu ngấn lệ…
Thánh ca Kinh Hoà Bình của Cha Thánh Phan-xi-cô được các khấn sinh-canh thức xướng lên trong niềm xúc động rạt rào…
Suy gẫm Lời Chúa, tôi thì thầm: “Con Người đến không phải để giết mà để cứu chữa” (Lc 9, 56)“cứu chuộc kẻ hư mất” (Lc 19, 10)…

*Lời cảm tạ Cha giảng phòng Phêrô Trần Minh Bạch:
Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới cả.
Thế giới cũ kỷ đã qua đi và nầy một thực tại mới mẻ đã ló dạng” (2 Cor 5,17)

.ngày 7 tháng 9 năm 2008
Thưa Cha,
Vốn “nhỏ bé thôi” lại thường hay“lạc đường” mỗi lần họp mặt với ACE -ngay cả khi đi dự những kỳ Tĩnh Tâm- tên cúng cơm Lê Tấn Lộc của con bèn được ACE ưu ái biến cải thành “Lê Tấn Lạc…Đường”! Ấy thế mà hôm nay bỗng dưng con được “đẩy” ra đại diện ACE, phát biểu vài cảm tưởng cùng ngõ đôi lời cảm ơn Cha! Cho nên, nếu con phồng mũi vì cảm thấy mình “lớn quá xá”, nói năng “trật chìa”, suy diễn lạc đề, lạc nẻo thì…cũng xin Cha thương tình tha thứ cho kẻ lâu nay đã bị cố tật… lạc đường!

Thưa Cha,
Đề tài giảng phòng “Giê-su, con của người”, do Cha chọn, nội dung vừa thần học vừa triết học tương đối cao so với số đông ACE trong Dòng PSTT, nhưng với tài năng và sự thông hiểu uyên bác, Cha đã thành công trong việc chuyển đạt thông điệp huấn đức đến ACE chúng con bằng một ngôn ngữ vừa tầm lãnh hội (langage accessible) của mọi người. Qua cách diễn giảng rất nhẹ nhàng nhưng rất cô động và thâm sâu của Cha, chúng con nhận ra vấn đề vẫn còn nguyên vẹn để chúng ta cùng suy gẫm và nhập tâm: Giêsu vừa 100% con (của) Thiên Chúa [Jésus-Fils de Dieu] , vừa 100% con (của) Người [Jésus-Fils de l’Homme] -Người viết hoa, trong nghĩa Người Toàn Hảo, lý tưởng tối thượng mà mọi con-người-tạo-vật phải chiêm ngưỡng và vươn tới để thành đạt.
Thú thật với Cha và với ACE, trước khi bước lên máy vi âm, con bị ám ảnh bởi câu trích dẫn Lời Thiên Chúa trong Cựu Ước: Ta tạo con người theo hình ảnh Ta, và giống Ta . Và bởi lời Cha diễn giải: Nhưng chúng ta đã để cái “giống Ta” sút khỏi tay, nên chúng ta chưa hẳn là con người đúng nghĩa…Con lo, vì chưa hẳn là con người hình thành trọn vẹn, có thể với khối óc phôi thai còn ở thời kỳ động vật bò sát (cerveau reptilien), con không nói được ngôn ngữ thông thường của loài người, mà nói tiếng lạ hoắc làm Cha và ACE “bật ngửa”, bất tỉnh nhân sự! Nhưng tự nãy giờ không thấy cử tọa có dấu hiệu ngất xỉu, con vững bụng có thể tiếp tục…

1- Một trong những điều tương đối mới lạ với ACE Dòng PSTT là được nghe Cha trình bày về Tâm Nguyện, phảng phất ít nhiều hơi hướng Thiền. Và sau đó được Cha hướng dẫn thực tập THINH LẶNG HOÀN TOÀN trong Nhà Nguyện. Để rồi sau đó ACE trao đổi những“kinh nghiệm” - hay những kinh hồn tán đởm? - rất ư sôi nổi:
Có lẽ phần nào ảnh hưởng bởi phần Cha trình bày khai triển về Thân-Tâm-Trí-Tuệ, chuẩn bị Tâm Nguyện, một ACE phát biểu rằng mình đã có lần cảm thấy đạt tới mức “bay bổng” (état de lévitation!?) trong khoái cảm “extase”(!?)… Xin cho con góp ý về điểm nầy:
Cần phân định rạch ròi “Extase”, hiểu như Niềm Vui Sâu Đậm (Joie Profonde) cảm nghiệm qua tình trạng “siêu nhiên” Xuất Thần trong Cực Kỳ Hoan Lạc (Tọa Thiền Nhập Định, nói theo quan điểm Phật Giáo) -mà ngay cả trong hàng ngũ các thánh nhân, các thiền sư, các vị ẩn tu (ermites), các bậc chân tu cũng ít người đạt tới- với tình trạng “lờ lững, bồng bềnh” trong “tột khoái”, thường hay bị ngộ nhận là “Huệ” (illuminé?), dẫn tới hậu quả là “trật đường rầy” : không phải “extase”, mà là “égarement”(mê loạn, mê lầm); không phải Hoan Lạc mà thực ra là Lạc Lối, Lạc Hồn, Thất Thần -nói nôm na là bị Tẩu Hỏa Nhập Ma!
Riêng con, khi nhắm mắt, thinh lặng…con hơi “rét”, cái rét tương tợ như cái “lạnh người”khi ngước mắt nhìn lên trời cao: Sự im lặng vĩnh cửu của không gian vô tận làm tôi kinh sợ – “Le silence éternel des espaces infinis m’effraie!” (Blaise Pascal, Pensées). Có thể con cảm thấy “Thần khí linh thiêng” thâm nhập vào xương tủy mình tương tợ như Hàn Mạc Tử xưa kia, khiến thi sĩ phải kêu lên: “Maria! Linh hồn con ớn lạnh, Run như run thần tử thấy long nhan!” chăng? Có điều, nào ai dám tự hào “thấy” được Nhan Chúa, bởi vì:
Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ
nhưng Con Một là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”
(JN 1, 18)
Điều nầy cho con thấu rõ hơn lời Cha giảng: Không ai và không việc gì có thể ở ngoài Chúa Giê-su Ki-tô! Không ai có thể khơi khơi “lên trời” hỉ hả. Chỉ có trên trời xót thương “xuống thế” cứu chuộc: Ơn Mặc Khải, Ơn Cứu Độ, theo con nghĩ, nên cảm nhận từ điểm khởi then chốt nầy. Và đây cũng là điều mà con nghĩ ACE/PSTT chúng con, hơn ai hết phải nhập tâm, vì đó là nền tảng của đức khiêm nhường…
Từ đó, con suy ra sự khác biệt giữa thời gian của Thiên Chúa và thời gian của tạo vật mang tên người. Triết gia Henri Bergson, trong Tiểu luận về những dữ kiện trực tiếp của ý thức - “Essai sur les données immédiates de la conscience” trước đây và sau nầy trong Tiến hoá sáng tạo -“L’évolution créatrice”- đã phân biệt “thời gian” (temps) và “kỳ gian” (durée). Thời gian vật lý của bản ngã xã hội (moi social) chia cắt, đo lường được. Kỳ gian tâm lý của bản ngã thâm sâu (moi profond) bao gồm một chuỗi khoảnh khắc (instant) liên tục, không thể chia cắt để đo lường, kéo dài liên tục thành “đà sống” (élan vital). Và trực giác (intuition) là phương cách hiểu biết duy nhất có thể bắt gặp kỳ gian và đời sống. Bởi vì, theo triết gia Bergson, Đặc tính của trí tuệ là sự tự nhiên không hiểu biết về đời sống: “L’intelligence est caractérisée par une incompréhension naturelle de la vie”.
Với con người, thời gian làm bằng những thời điểm, những giây phút, những thời khắc (moments). Cho nên chúng ta mới thiếp lập thời khóa biểu (emploi du temps).
Với Thiên Chúa thời gian là KHOẢNH KHẮC (Instant), chớp nhoáng xuất hiện (instantanément apparu), phủ chụp xuống tạo vật mà tạo vật cao trọng nhất là con người, vì là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng vĩnh hằng (éternel): một khoảnh-khắc-chớp-nhoáng-trường-cửu-kéo-dài-đà-sống. Khoảnh khắc vĩnh viễn đó đến với con người qua mặc khải (révélation).
Sở dĩ con người thường oán trách Thiên Chúa trước những bất công, bất toàn, là bởi chúng ta “mất kiên nhẫn”, quá sốt ruột nên đã nhầm lẫn tai hại: lấy thời gian-con người bình giải kỳ gian-Thiên Chúa! Coi chừng phạm sự thánh “trần tục hóa Thánh Linh và thánh linh hóa Trần Tục” đấy! Tưởng nên suy gẫm Lời Chúa dưới đây:
Quả thế, ý nghĩ của Ta không phải là ý nghĩ của các ngươi,
và đường lối của Ta không phải là đường lối của
-Sấm của Yavê
Vì trời cao hơn đất,
cũng vậy, đường lối của Ta vượt hơn đường lối của các ngươi,
và ý nghĩ của Ta vượt hơn ý nghĩ của các ngươi”
(Es 55, 8-9)
Bởi các lẽ trên, con nghĩ rằng muốn tiếp cận và “làm một” với Thiên-Chúa-đến-trong-Khoảnh-Khắc, chúng ta không thể đến với Ngài qua thời-gian-vật-lý-bên-ngoài của bản ngã xã hội mà nhất thiết phải qua thời-gian-tâm-lý(hay tâm linh)-bên-trong của bản ngã thâm sâu. Do đó, phương thức cầu nguyện hữu hiệu nhất vẫn phải là Tâm Nguyện: ứng dụng phương thức tuần tự “sâu lắng” Thân/Tâm/Trí/Tuệ (thân an, tâm lạc, trí sáng, tuệ rạng ngời), tạm gác ngoại giới sang bên, đặt thế giới trong dấu ngoặt - “mettre le monde entre parenthèses”, nói theo cách hiện tượng luận (Ý tưởng chỉ đạo cho một hiện tượng luận thuần túy và một triết học hiện tượng luận – Edmund Husserl, “Idées directrices pour une phénoménologie pure et une philosophie phénoménologique ”).
“Thinh lặng để lắng nghe”, như Cha hướng dẫn. Qua tâm nguyện, tâm sẽ trong sáng. Mà Tâm trong sáng thì Ý trong lành. Và con nghiệm ra, như Cha Trợ Úy đã nói trong Đêm Canh Thức: Đến với Chúa phải chấp nhận thua thiệt. Quả thật: Ở đâu có nhiều vật chất, ở đó có ít tinh thần. Ở đâu có nhiều tinh thần, ở đó có ít vật chất - “Là où il y a beaucoup de matière, il y a peu d’esprit. Là où il y a beaucoup d’esprit, il y a peu de matière.” (Vật chất và Ký ức – Henri Bergson, “Matière et Mémoire”). Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn kẻ giàu sụ là thế!

2- Vì Giê-su vừa là Thiên Chúa vừa là Con Người (đặc điểm chuyên biệt của đạo Công Giáo) và vì tạo vật mang tên người đã lạc mất đặc tính giống Thiên Chúa, con người phải lột lớp da vẩn đục do vướng mắc vào vòng tội lỗi để tìm về Thiên Chúa qua hoán cải, bằng phương thức “đi thụt lùi”, tìm về cội nguồn nguyên thủy: Lột xác -biến hình- để nhận ra yếu tính (essence) thánh-thiện-giống-Thiên-Chúa của mình, khó nhìn thấy đằng sau lớp vỏ hiện hữu (existence) dễ nhìn thấy: Điều thiết yếu (cốt lõi của mọi sự) không thể thấy bằng mắt (“L’essentiel est invisible aux yeux”, Antoine de Saint-Exupéry, Le Petit Prince).
Về khoảng đi thụt lùi nầy, xin Cha và ACE cho con khai triển đôi chút:
Là người tân tòng, trước khi được thanh tẩy làm con cái Chúa, con thường được hỏi: Anh đạo không? (ý hỏi con có phải là người Công giáo chăng). Câu trả lời, dĩ nhiên là: Tôi không có đạo hoặc tôi chưa vô đạo (vẫn theo ý là đạo Thiên Chúa). Sau khi nhận bí tích thanh tẩy, nếu có ai hỏi, câu trả lời sẽ là: Có, tôi có đạo hoặc tôi mới vô đạo hay tôi mới được rửa tội…Sau đó, nếu có ai hỏi nữa hoặc khi đề cập vấn đề nầy, con sẽ trả lời hoặc phát biểu như sau: “Tôi trở lại đạo”. (Chứ không còn nói tôi vô đạo nữa).
Y như rằng, ngay từ đầu con đã có đạo…Có đạo nên mới trở lại đạo, đúng chăng?
Lời huấn đức của Cha (Không ai và không việc gì có thể ở ngoài Chúa Giê-su Ki-tô) vô cùng xác đáng!

3- Trong quá khứ, dù đến với Dòng PSTT tương đối muộn màng, con cũng đã nhiều phen thực hiện chuyện “đi thụt lùi”, nhưng cũng nhiều lần lùi lạc hướng, trật đường rầy, do thân chưa an, tâm chưa lạc nên trí làm sao sáng suốt được, nói chi tới tuệ ngời sáng!
Tuy nhiên con không ngã lòng, vẫn kiên tâm dò dẫm, điều chỉnh lộ trình đi lùi, với sự trợ lực của ACE và dưới sự linh hướng của Cha Trợ Úy. Lần tĩnh tâm nầy, những lời huấn đức của Cha thêm sức cho con tiếp nối quyết tâm tự sửa thường xuyên để không ngừng hoán cải. Dĩ nhiên tội lỗi vẫn còn trĩu nặng đôi vai, nhưng cậy vào lòng thương xót Chúa, con nghĩ rằng con vẫn còn có thể cứu vớt được (vẫn còn “récupérable”), chưa đến độ hết thuốc chữa hay thầy chạy. Cha Trợ Úy thường hay nhắc nhở và động viên ACE chúng con: Điều cốt yếu không phải là “sạch” tội mà là có thiện chí “Đi” trên đường hoán cải hay chăng. Không ngồi lại một chỗ, không dặm chân tại chỗ, phải đi, đi mãi, đi không ngưng nghỉ… cho đến khi tới đích đã theo đuổi, nhắm tới!
Con nghĩ rằng, với lần khấn hứa trọn đời, từ nay trở đi con sẽ không còn lạc đường nữa trên đường tu thân và trên đường tìm về cội nguồn nguyên thủy, với ước nguyện được tái sinh như một tân tạo vật càng lúc càng tiến dần đến con người trọn vẹn như khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên theo hình ảnh Người và giống Người…

Một lần nữa, xin thay mặt ACE Dòng PSTT chân thành cảm tạ Cha đã không quãng ngại đường xá xa xôi đến sinh hoạt với Dòng chúng con và đã dành cho chúng con những buổi huấn đức vô cùng bổ ích và hữu hiệu trong lần Tĩnh Tâm đặc biệt đáng cho ACE chúng con ghi nhớ lâu dài.

Pierrefonds, Xứ Tuyết, mùa hè 2008
Lê Tấn Lộc, pstt

No comments: