Monday, October 27, 2008

Tiểu thuyết mới ở Việt Nam: một kỷ niệm



Tiểu thuyết mới
ở Việt Nam: một kỷ niệm
Dẫn nhập:
Đầu thập niên 60, một phong trào văn học âm thầm du nhập từ Pháp vào Việt Nam : Tiểu thuyết mới (Nouveau roman). Người viết là chứng nhân bất đắc dĩ của sự thâm nhập nầy từ những bước đầu. Được sự đồng ý của nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh, chúng tôi xin sử dụng trích đoạn dưới đây của tác giả để bạn đọc có vài khái niệm vể quan điểm văn học của Tiểu thuyết mới trước khi đi vào phần “lược sử” (historique) như “một kỷ niệm” về sự hình thành của phong trào nầy tại Việt Nam.

(…) Rồi sau làn sóng hiện sinh thời thượng là mốt "tiểu thuyết mới" đến từ Pháp với Huỳnh Phan Anh, Hoàng Ngọc Biên, hoặc điểm trang thời thượng với Nguyễn Xuân Hoàng,.... Một loại "phản tiểu thuyết", nói như Jean-Paul Sartre, đối thoại và độc thoại cùng tình cảm nội tâm trộn lẫn, thứ tự thời gian đảo lộn, không cần đến cốt truyện, có khi không cả người kể. Nhân vật thường ở ngôi thứ ba (il, elle, on). Một thế giới rất "khách quan", ở ngoài! Các tác giả của phong trào muốn diễn tả những cái nhỏ nhặt, tầm thường, như cái gôm và cả tâm hồn con người là những sự những cái di chuyển, biến động không ngừng và biết đâu đó chính là mầm của sự sống! Ở đó con người ta sẽ tìm ra cái mênh mông của đời sống nội tại! Ngôn ngữ làm hư sự vật, sự sống, làm sai lạc tình cảm nhưng ngôn ngữ sẽ được dùng cùng phản ứng bản năng để nhận thức, tiếp cập sự vật, sự sống! "Tiểu thuyết mới" như tiên đoán một thời đại bất khả cảm thông, đầy bất trắc, trong khi truyện thật ngắn thu gọn hy vọng còn sót lại và đưa ra một diễn văn máy móc, vội vàng. Mặt khác tiểu thuyết mới có yếu tố thi ca, văn như là thơ với Michel Butor. Tiểu thuyết mới nói đến một cuộc đời đang hình thành, đang thai mang cho con người do chính con người đi tìm, làm ra, xa hơn là một kiếm tìm định nghĩa tương giao với tha nhân - trong khi tiểu thuyết "cổ điển" tả một câu chuyện với những nhân vật "dính" với câu chuyện, một xã hội với những con người đã có tương quan với nhau! Nay "tiểu thuyết mới" còn lại cái nội dung tìm tòi của phận người ngày càng cô đơn bất khả cảm thông, hình thức mất đi hấp dẫn vì như trật đề, không đủ thuyết phục!
Phong trào "tiểu thuyết mới" của Paris và tiểu thuyết hiện đại Hoa Kỳ cũng lan rộng đến Sài-Gòn - một thử nghiệm khác, hiện đại và quốc tế, nhưng vong hóa thêm cái hồn Việt Nam. Nói vong hóa phải kể thêm những "anh hùng ca" sử thi của văn học miền Bắc cộng sản từ 1945 đến gần đây. Phái này thường bị xem là vô nhân hóa tiểu thuyết, vật hóa cuộc đời. Chỉ có sự vật, con người không ra gì, không đáng nói đến! Alain Robbe-Grillet, "giáo hoàng" của tiểu thuyết mới, người từng được R. Barthes gọi là "tiểu thuyết gia của cái nhìn khách quan" (romancier du regard objectif), đề nghị tiểu thuyết mới để đáp ứng với cuộc sống mới, nơi đó thế giới hết vững lặng, hết còn ý nghĩa hiển nhiên, con người vừa chính diện vừa phản diện, đổi luôn và đầy trục trặc. Hết cái thời tiểu thuyết với nhân vật có cá tính như những nhân vật của Balzac chẳng hạn, vững vàng và rõ nét.
Hoàng Ngọc Biên với tập Đêm Ngủ Ở Tỉnh (1970) và một số truyện đăng trên tập san Trình Bày như Chuyến Xe và Người Đạp Xe Vào Thành Phố Buổi Sáng - sau xuất bản ở ngoài nước năm 1997, viết theo khuynh hướng mới này. Chuyến Xe là độc thoại của một người ngồi ở công viên chờ một chuyến xe lửa nào đó, không rõ lý do, nguồn cơn! Nhà văn như viết cho riêng mình rồi tình cờ đem xuất bản! Cũng như Huỳnh Phan Anh trong hai tập Người Đồng Hành (1969) và Những Ngày Mưa (1970) và tập Phía Ngoài (1969) in chung với Nguyễn Đình Toàn. Trong các truyện tiểu thuyết mới này, tác giả của chúng vẫn có phần riêng bản sắc, có nhân vật và con người không hoàn toàn bị vật hóa, kiểu tả "cái máy pha cà phê để ở trên bàn" mà những nhà phê bình văn học Pháp chống khuynh hướng vẫn hay nhắc đến! Không khí tác phẩm của Huỳnh Phan Anh, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đình Toàn,... gần với khuynh hướng tiểu thuyết mới ở Âu châu, trong khi thế giới của Nguyễn Xuân Hoàng không hẳn cùng khuynh hướng vì trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của ông, tính cách tự thuật và lãng mạn cũng như văn phong tạp bút thật sự lấn át tính cách khách quan của tiểu thuyết mới! Cũng như một số tiểu thuyết thời này tự cho là hiện sinh thật ra chỉ là những bắt chước bất thành, những sẩy thai hay sanh thiếu tháng mà thôi! Chúng tôi muốn nhắc đến những Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng, Sám Hối, Đàn Ông Đàn Bà của Minh Đức Hoài Trinh , v.v. Hiện sinh dễ dãi! (…)
(Référence:
Nguyễn Vy-Khanh. Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX : Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại. Glendale, CA: Đại Nam, 2004. Ch. 3- Tiểu thuyết , trang 141-144.)
***
Sau khi được đọc các bài viết của Nguyễn Quốc Trụ về tiểu thuyết mới ở Việt Nam, đăng trên Tạp chí Văn (bộ mới, số 3 & 4) tôi liên lạc điện thoại viễn liên với Hoàng Ngọc Biên, chủ ý chỉ là tán dóc với bạn già, nhân có người nhắc đến Tiểu thuyết mới và nhắc tên bạn trên báo.
Cho tôi dài dòng đôi chút trước khi vào chuyện.
Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường và tôi là bạn thân từ những ngày ở đại học. NĐThường, tôi ít khi gặp lại sau này. HNBiên thì cho tới nay thỉnh thoảng vẫn còn liên lạc. Gặp nhau chỉ trên điện thoại -mãi cho đến 3 năm trước đây, hai đứa mới được gặp mặt nhau sau 30 năm xa cách tại San Jose- chúng tôi nói chuyện nắng mưa, nhắc chuyện sách vở, tên bạn bè…Thời ấy, thân hay sơ, những anh em sau đây đều là chỗ quen biết nhiều: Nguyễn Xuân Hoàng, Triết khóa1962, kế khóa tôi, Huỳnh Thanh Tâm (Huỳnh Phan Anh), Triết khóa 1965 và Nguyễn Nhật Duật, Triết khóa sau cùng 1966 ở Đại học Dalat, rồi Nguyễn Đình Toàn, cũng là chỗ rất thân thiết với Cung Tiến và Kiệt Tấn. Và là người tôi có cảm tình nhiều nhất.
Nguyễn Quốc Trụ (Sơ Dạ Hương) thì năm 1966 tôi có dịp gặp trong một quán bia kế nhà Kiệt Tấn ở đường Bạch Đằng (Hàng Xanh), Gia định. Tối hôm đó, Kiệt Tấn, Sơ Dạ Hương bàn về Tiểu thuyết mới. Chuyện có thể đã trở thành giai thoại, là vì chữ “nouveau roman” lặp đi lặp lại, mà cả ba chúng tôi suýt bị du đãng vùng Long Vân Tự chém, chỉ vì hắn hiểu lầm là bọn tôi dùng tiếng Tây để chửi hắn. Xém chút nữa phong trào Nouveau roman ở Việt Nam có ba thánh tử đạo!
Trở lại câu chuyện điện thoại viễn liên với Hoàng Ngọc Biên.
Hơn 40 năm đã trôi qua, HNB nói, Tiểu thuyết mới đã cũ, nhắc lại cũng thấy vui, nhưng chuyện “đi vào phong trào” (như người ta vẫn nói) bây giờ như kỷ niệm, nói sao cho hết! Bởi vì thật ra mình không đến với Tiểu thuyết mới như một nhà báo, hay như một giáo sư, bằng ngõ đọc bài viết trong báo Tây, rồi, chẳng cần để thì giờ tiêu hóa, đem giới thiệu với người Việt Nam. Mình đọc tiểu thuyết mới như người đọc thường, ban đầu là một mình, và sau đó cùng chia sẻ với NĐThường. Có thể mình đi vào Tiểu thuyết mới trong khi chúi mũi vào những ngăn sâu nhất của những kệ sách bị Nhà Albert Portail ở Catinat bỏ quên, ở đó trước tiên mình bê về nhà được các cuốn bìa đã ngả vàng: Le Tricheur, La Corde Raide Gulliver của Simon, xuất bản năm 45, 47 và 54, không phải Nhà Minuit xb.; Passage de Milan, hình như Nxb Grasset và La Modification
(chưa có nhãn Giải thưởng Renaudot) của Butor. Đó là vào mùa hè mình bước vào năm đại học đầu tiên. Ở Việt Nam người ta đang đi vào cơn sốt văn chương dấn thân…
Tôi hỏi HNBiên về các cây viết được đề cập trong bài viết của Nguyễn Quốc Trụ. Biên nói đều là chỗ quen biết ít nhiều, anh không rành lắm về những con người, nhưng thấy cái viết của những anh em đó rõ ràng có thay đổi kể từ cuối 1969, đầu 1970. Và, HNB nói, như thế là vui. Biên cũng cho biết hồi anh cho xuất bản Đêm ngủ ở tỉnh ở Nxb Cảo Thơm, NĐThường có viết một bài “đìểm”. Mới đây NĐThường copy cho anh một bản, đọc lại thấy một NĐThường rất bạo, rất dữ. Nhưng như thế cũng vui, Biên nói, và có hứa sẽ copy cho tôi một bản đọc chơi.

Sau lần nói chuyện ngắn ngủi với bạn, suốt đêm tôi thao thức tự trách ngày xưa hồi ở chung với biên trên gác trọ đường Phan Đình Phùng Dalat, tôi đã quá “lạnh nhạt” trước nhiệt tình của Biên khi anh chàng kiên nhẫn giới thiệu Tiểu thuyết mới của Pháp với tôi. Hồi ấy, tôi còn quá “cổ điển”, bước ra khỏi Terminales, tôi vẫn còn vương vấn với những bài giảng (Philo) nổi tiếng của thầy Pierre Ansart, vẫn mê Sartre, Camus…và nặng nợ với trào lưu “văn chương dấn thân”.
Nhưng tôi vẫn không quên Biên là người đầu tiên giới thiệu với tôi tác phẩm L’Emploi du Temps, xuất bản năm 1956, của Michel Butor. Tôi không dám quả quyết lúc ấy chỉ có mình Biên biết tới phong trào Tiểu thuyết mới ở Pháp. Nhưng tôi có thể xác nhận, ít ra trong giới sinh viên, quả thật tôi biết chỉ có mỗi một mình Biên để ý và say mê phong trào này. Năm 1959, có thể trước hơn nữa không chừng, Biên đã bắt đầu viết theo kỹ thuật viết Nouveau roman. Mấy năm trước Kiệt Tấn có nhắc kỷ niệm thời ấy giữa Biên và tôi trong Nằm tròn trong đáy mắt: «Trong bốn người, Hoàng nói nhiều nhất. Gã rất mê phong trào nouveau roman của Pháp với Alain Robbe-Grillet, Michel Butor. Có lần Hoàng (HNB) đã phủ kín mười trang giấy để mô tả một cái bìa sách và viết cả một truyện ngắn để theo dõi một vệt nắng di động trong lớp học; Thạch (Lộc) đọc xong ngửa cổ lên trời than thở: “Mày làm tao sốt ruột quá trời!” Ngược lại hoàng chê Thạch và cả bọn triết gia là một lũ phù thủy ngôn ngữ, chuyên vật lộn với các định nghĩa và lý thuyết không tưởng…»

Năm 1960, từ Pháp tôi gửi về cho Biên bốn quyển sách: Degrés của Butor, Dans le labyrinthe của Robbe-Grillet, Le Planétarium của Sarraute, và La route des Flandres của Simon, mặc dầu thời gian ở đường Phan Đình Phùng Dalat với Biên, năm 1959, tôi biết Biên đặt mua sách mới từ Nxb. Minuit, và nhà xuất bản này không tháng nào là không cập nhật hóa hoạt động xuất bản của mình và gửi tới đường Phan Đinh Phùng! Tôi thành thật thú nhận chưa hề đọc các tác phẩm này. Và tôi tin đó là những quyển sách chưa bày bán ở các nhà sách tại Việt Nam. Và bởi tôi biết HNBiên và NĐThường vẫn chuyển cho nhau sách báo tiếng Pháp từ nhiều năm trước đó, kể cả khi hai người ở hai thành phố khác nhau, trước cả khi tôi gặp và quen Biên, tôi cũng tin Thường và Biên là những người VN đầu tiên (ở VN) đọc các tác phẩm đó.
Riêng biệt hiệu “Biên-Butor”, nó đã có từ năm 1959, do tôi tặng cho Biên (tôi thường gọi tắt: B.B.). Biệt hiệu này thời ấy cũng được nhiều bạn đồng môn biết tới, vì có một thời, tôi nhớ Biên đi đâu với tôi cũng đem theo
L’Emploi du Temps!
Tôi nghĩ Đêm ngủ ở tỉnh, tuy xuất bản năm 1970, thực sự đã manh nha từ năm 1959, trên gác trọ của Biên và tôi, đường Phan Đình Phùng Dalat. Có nghĩa là Biên đã thực sự viết theo lối Tiểu thuyết mới từ năm đó. Và, quả thật, tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Quốc Trụ, người xứng đáng “đại diện” cho Tiểu thuyết mới ở Việt Nam phải là Hoàng Ngọc Biên. Cho tôi nói tiếng Tây một tí: “Il faut lui rendre cette justice”…
Bỏ qua việc HNBiên có thành công hay không với công việc mình chọn lựa và tác phẩm của mình, phải nhìn nhận lúc bấy giờ tại Việt Nam chỉ có Biên viết theo quan điểm Tiểu thuyết mới tại Pháp, theo lý thuyết văn học phát động bởi Alain Robbe-Grillet, chẳng hạn.
Khi viết xong những dòng này, tôi nghĩ tôi đã làm được một việc nhỏ: qua một kỷ niệm thời đèn sách ở đại học, ít nhiều tôi đã làm sáng tỏ thêm một góc hoạt động của bạn tôi, tuy riêng, nhưng hẳn là đã có phần đóng góp chung như chúng ta đã thấy…

Thôn trang Rêu Phong, Xứ Tuyết, cuối thu…
Lê Tấn Lộc

No comments: