Saturday, January 10, 2009

CẢI TẠO ĐIÊN








Câu chuyện đầu năm

CẢI TẠO ĐIÊN


Mở truyện:

Vui xuân chớ quên Tết Mậu Thân…”, khẩu hiệu xa xưa, phổ biến rộng rãi khắp nước sau cái Tết máu lửa năm 1968, giờ đây liệu có còn hiệu quả trong các Cộng đồng Người Việt Hải ngoại trước hiểm họa gây rối loạn trong hàng ngũ các Hội đoàn Người Việt Tị Nạn Cộng Sản rải rác khắp nơi trên thế giới chăng? Nói không hay nói có cũng không hoàn toàn đúng. Tuy nhiên không thể phủ nhận hiểm họa mất cảnh giác.
Với tôi, Tết Mậu Thân vẫn còn gợi nhớ cảnh tang tóc Tết 1968. Nhưng giờ đây “Chớ quên Tết Mậu Thân” tác động như lời cảnh tỉnh chớ mải mê “vui xuân” với tiền tài, danh vọng cùng thành quả đã gặt hái được trong xã hội, rồi đâm ra tự mãn, kiêu hãnh, tự tôn tự đại, ỷ y trước hiểm họa vong thân, dẫn tới tình trạng triệt tiêu tiệm tiến tiềm năng xét mình thường xuyên, để điều chỉnh tầm nhìn của mình về bản thân, về tha nhân…Rượu xuân, thịt thà, bánh mức, hoa quả, dù muốn dù không cũng góp phần ru ngủ tôi trong hoan lạc, lửng lơ trong hơi men chếnh choáng…
Cho tới lúc thân bằng quyến thuộc ra về hết, tôi lượt xem các thiệp chúc xuân, tình cờ cảm thấy nhói tim với tấm thiệp ghi hai câu thơ, gửi từ quê nhà, của một bạn đồng tù đã cùng tôi chứng kiến câu chuyện cười ra nước mắt ở trại Z30D, Tết 1977…

Vào truyện:

“trong vòng rào kẽm gai, nó chia cho ta từng hơi thuốc,
từng củ khoai lang, từng cọng rau rừng…”

Bạn thân mến,
Bạn ngạc nhiên lắm không, nếu tôi thú nhận hai câu thơ của bạn đã khơi dậy trong tôi cả một vùng hoài niệm thương động nhưng rạt rào tình người, với những ai đã từng “kinh qua” Đáy Địa Ngục, Đại Học Máu mà, cũng như bạn, tôi muốn gửi bạn bè còn ở lại?
Từng…Từng…Từng…Mỗi chữ là một âm điệu xoáy sâu vào tim tôi, đưa tôi về lại dải đất quê hương tang thương, thuở còn chằng chịt những vòng kẽm gai chạy dài từ Ải Nam Quang tới mũi Cà Mau: Từng khối óc nát ngứu, từng cơ thể tả tơi, từng nấm mồ không tên, hàng hàng lớp lớp…
Bạn hẳn còn nhớ đêm giao thừa Xuân Đinh Tỵ 1977. Đêm ấy, bên chung trà hiếm hoi, qua khói thuốc lào, chúng ta nhắc tới hai người bạn nằm cạnh chúng ta trên chỏng tre ọp ẹp nhun nhúc rệp đã vĩnh viễn ra đi vì bịnh tật không thuốc men chữa trị:
"...
*Đào Thành Tá, Trung úy Trưởng cuộc Cảnh sát, đã có lần cầm chân Việt Cộng trong đợt “tổng công kích” Tết Mậu Thân, ở lô cốt Ngã Ba Hàng Xanh. Với sự trợ lực kịp thời của Biệt Động Quân, Tá đã giữ vững vị trí then chốt nầy và đã đẩy bật nhiều đợt xung phong tràn ngập của địch. Tá hơn tôi gần một con giáp, đã nếm đủ mùi ca ngâm với cộng sản ở miền Bắc và đã trắng tay dìu dắt vợ con vào Nam, theo làn sóng di cư năm 1954.

*Nguyễn Phát Đạt, Trung sĩ Địa Phương Quân -lọai kiểng- thuộc Tiểu khu Gia Định, vốn là tay chơi có tiếng ở miệt Lò Heo Cũ; vì dáng dấp loắc choắc, Đạt mang hỗn danh “thằng lùn mã tử”. Đạt vào đây sau một chuyến vượt biên bất thành, dù trước đó Đạt đã thành công ít nhứt mười vụ đưa người ra đi do Đạt tổ chức. Sau khi hốt khá nhiều “cây”, no nê với nhiều vụ “tống tình”(Đạt không ngần ngại kể đã từng làm “săng-ta” các bà có máu mặt khi xưa, các cô gái nõn nà mơ đến thiên đường nước ngoài), Đạt leo vội lên ghe, làm ăn cú chót…Nào ngờ, lần đó phân nửa khách của Đạt là…công an chìm!
Đạt còn kể, trước Tết Mậu Thân vài tháng, lúc bấy giờ đang trốn quân dịch, Đạt đã mặc quân phục, mang cấp bậc trung úy QLVNCH, làm sự vụ lệnh giả đến trưng dụng một xe Hồng Thập Tự quân đội, nói là đi tản thương, xổ cờ, hú còi inh ỏi, chở đầy thuốc trụ sinh và huyết thanh đánh cắp -hoặc mua lậu qua đường tham nhũng- của quân đội, chạy thẳng vào mật khu bán cho cộng quân đang điều quân gần Hậu Nghĩa. Do dịch vụ nầy, Đạt “đớp” được một nữ huyện ủy. Với sự dan díu đặc biệt nầy, Đạt tái diễn màn Trung úy dỏm xổ cờ dài dài…
Nội vụ đổ bể vì Đạt trót lẹo tẹo với một nữ quân nhân ngành Quân Y. Quá ghen với nữ huyện ủy, nàng mật báo cho An Ninh Quân Đội gài bắt quả tang Đạt đang xổ cờ trao thuốc cho một đơn vị cộng quân…dỏm! Tưởng “hồn cẩm miêu chết tại hộp nầy” nhưng…Đạt tuy ngắn đòn mà tay rất dài…Kết quả: từ trốn quân dịch, Đạt leo lên chức Trung sĩ ĐPQ đặc trách địch vận!
Khi Đạt bước vào trại “cải tạo”, anh em đề nghị trùm poncho “bề hội đồng”, xin hắn tí huyết. Tá, lớn tuổi nhất trong bọn chúng tôi, ôn tồn can gián:
-Nó điếc -điếc thật đấy, tự ý gây thương tật để dễ bề trốn quân dịch mà- không sợ súng. Dĩ nhiên tội nó tày trời. Nhưng xét cho cùng, chính xã hội thời đó đã tạo cho nó có cơ hội làm bậy. Vả lại, các cậu cũng dư biết thân phận của thằng trốn quân dịch mà lại nghèo xơ nghèo xác. Thực tình mà nói, tớ chẳng thấy có cách chi nó không làm bậy để có tiền “chung”(đóng hụi chết!). Thêm vào đó, có thể nó chỉ là con cờ thí trong tay bọn tham nhũng gộc. Các cậu còn lạ gì vụ bà tướng (có khí chính ông tướng) bán gạo thóc, súng đạn (bán cả xe tăng nguyên xi) cho giặc! Thế nên, tớ đề nghị dung nạp Đạt vào hàng ngũ chống “ăng-ten”. Các cậu tin tớ đi! Tớ có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực phản gián…
Quả thật, Tá có lý. Hai tháng sau, bọn “quản giáo”, qua hệ thống “chó săn”thu nạp Đạt làm điềm chỉ viên. Và Đạt đã xuất sắc thành công trong “điệp vụ” khó khăn nầy: gây tin tưởng nơi bọn cai ngục (gài bẫy bọn chó săn làm tiền thân nhân thăm nuôi anh em, rồi tố cáo với quản giáo), đồng thời ngầm báo cho anh em -qua Tá- hệ thống ăng-ten chi chít trong trại giam bằng các thế cờ tướng đấu trí với Tá và tôi, qua hệ thống mật hiệu đã trao đổi với nhau trước.
Kỷ niệm vui buồn giữa Tá, Đạt và chúng tôi kể sao cho xiết. Có điều thái độ của Tá đối với Đạt nhắc nhở anh em chúng tôi: kẻ thù chính là cộng sản chứ không phải anh em chúng ta, cho dù là anh em lạc hướng nhất thời như Đạt, anh em theo thành phần thứ ba thờ ma cộng sản trước đây, hay anh em ăng-ten bị cộng sản dụ dỗ với vài đặc ân nho nhỏ, như cho thăm nuôi lâu hơn tí, thỉnh thoảng cho vợ ở lại ngủ đêm với mình trong “căn nhà hạnh phúc” để cho chúng có cơ hội vạch vách xem trò con heo sống động miễn phí; và dĩ nhiên với lời hứa hẹn cho sớm trở về đoàn tụ với gia đình!
Riêng tôi, trước đó thái độ quân tử Tàu “vuốt râu ải ải” khiến tôi thẳng thừng tuyên bố: “Kẻ thù, tôi tha được. Nhưng bọn chó săn thì tôi không chịu được. Je ne peux pas sentir les mouchards”! Do đó, đã không biết bao nhiêu lần tôi trầy vi tróc vẩy vì những buổi “làm việc” với bọn cai ngục.
Dẫu sao, đêm nay tôi vẫn còn cười được trong đêm xuân khi nhớ lại lần cùng Dê Húc Càn quẫy gánh c…( gánh “vàng” khôn) đi bón rau xanh trong trại tù Long Giao: DHC nổi hứng ca vang “mỗi bước ta đi một hai ba cục c…rớt”-thay vì mỗi bước ta đi, giặc tan bao đồn bót của quân Bắc xâm- với kết quả hai thằng vào năm thui da trong conex kỷ luật! Và chốc nữa đây, tôi lại được dịp cười ra nước mắt…Bởi vì, gần như cách hai đêm là có màn “dạ diễn”:
Quá nửa đêm, khi kẻng báo đổi phiên gác, từ phía trong cùng nhà giam Hà trần truồng la hét, vỗ ngực thình thịch, cười ròn rã thật lâu. Sự kích động kéo dài non một tiếng đồng hồ. Sau đó Hà ngã vật xuống sàn tre, quấn chăn ngủ tiếp như chẳng hề có chuyện gì xảy ra, mồm lải nhải:”Allô, Allô…Phắc!”. Cùng lúc Hải bật dậy, sửa lại áo quần, đứng nghiêm, giơ tay chào kiểu nhà binh, la lớn:
-Báo cáo cán bộ, tôi có đơn khiếu nại xin trình!
Bình tĩnh chờ trận cười chung quanh chấm dứt, hết sức nghiêm chỉnh Hải bỏ tay chào xuống, tự hô “thao diễn nghỉ, nghiêm” rồi bắt đầu “trả bài”:
-Hạ sĩ nhứt Hồ Giang Hải (…) kính gởi Đô Đốc Tư Lệnh Hải Quân QLVNCH (hệ thống quân giai). Trân trọng thỉnh cầu Đô Đốc (…) cho tôi truy lãnh số lương hạ sĩ nhứt mả tôi chưa được lãnh, kể từ 30 tháng 4 năm 1975 vì lý do tôi không rõ biết (…), cứu xét thăng cấp Trung sĩ cho tôi (…). Hết! Thao diễn nghỉ, nghiêm, tan hàng, cố gắng!
Nhà giam rền vang tiếng cười, trong khi Hải hết sức tự nhiên nằm lại chỗ ngủ và gần như liền tức khắc tiếng ngáy đều đều vang lên …
-Toa có biết tại sao Hà rú lên giữa đêm khuya không? Tá hỏi tôi.
-Điên chăng?
-Dĩ nhiên! Tiếng rú mê ly đó là kết quả của cuộc truy hoan với “chị năm” đấy!
-Lạ nhỉ? Tù gái nhốt riêng mà!
-Ậy! Chị năm ngón tay ấy mà…
Rồi Tá kể cho tôi nghe chuyện Hà và Hải:
Hạ sĩ I Vũ Mộng Hà, Truyền tin Không Quân cùng hạ sĩ I Hồ Giang Hải, Truyền Tin Hải Quân được kách mệnh ưu ái giải phóng khỏi Tổng Y Viện Cộng Hoà. Phân Khoa Tâm Trí. Đôi hạ sĩ đội ơn giải cứu, bèn mời một số dép râu đi ăn phở Pasteur. Xong, bộ đội tạ từ nhân dân đi “làm sạch” thành phố. Hai chàng hạ sĩ ngồi lại đấu láo bằng mật mã truyền tin, kiểu ai nói nấy nghe. Thỉnh thoảng chêm vài tiếng có vẻ bí mật, đại khái như: nghe rõ trả lời, allô cô-ca bờ-ra-vô, đại bàng gọi chim sẻ, cắc ké gọi kỳ nhông, cá he gọi nhạn trắng, kỳ lân gọi rồng vàng, v.v…Các ngài cách mạng ba mươi nghe lạ tai, lẻn đi gọi bộ đội…
Khi nón cối cùng đoàn tùy tùng “băng đỏ” tới lại đúng lúc hai chàng hiệp sĩ hạ sĩ tỉnh bơ rời bàn nhậu quên…trả tiền! Thầy chú lục soát, chẳng có hiệp sĩ nào có một teng dính túi, cũng chẳng có giấy “trả về nguyên quán làm ăn lương thiện’ của Ủy Ban Quân Quản, gọi châm chọc theo kiểu Sài Gòn là…
Cái Bang Khuân Sảng!
Bị hốt về đồn công an phường, nhị vị hạ sĩ quên mất cấp bậc khi đối chất với tên ác tăng nằm vùng đặc trách CIA vụ. Trước sự ú a ú ớ của hai cựu nội trú bệnh viện tâm trí, tên trốn lính đội lốt thầy chùa bèn phán: Vũ Mộng Hà thực ra là Đại Tá Quách Huỳnh Hà, nguyên Chánh Văn Phòng Đặc Biệt Phủ Tổng Thống “ngụy”. Và Hồ Giang Hải thực ra là Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, nguyên Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Chiến Thuật “ngụy”! Thế là, ngoài tội ăn quịt nhân dân, nhị vị đại tá và phó đề đốc “ngụy” ta thêm tội man khai lý lịch, với ý đồ chống phá cách mạng.
Suốt hai năm biệt giam ở Chí Hoà, hai chàng ngự lâm pháo thủ được cách mạng chiếu cố tận tình qua nhiều cuộc tra vấn, có “chạy điện” trợ lực -có lẽ chưa đúng chữ, hay đã quá chữ, nếu không hai chàng đã tỉnh trí lại rồi… Cũng may nhờ đối chất với các thuộc cấp của đại tá Hà và phó đề đốc Thoại (cùng bị nhốt ở Chí Hoà), hai cu cậu được minh oan tội man khai lý lịch.
Thế nhưng guồng máy điều tra của cách mạng khó mà thông suốt. Hai hạ sĩ I khùng của QLVNCH, trong tình trạng chờ giải ngũ vì lý do sức khỏe, được cách mạng nâng đỡ biến thành hai tay xê-i-a ác ôn, cực kỳ nguy hiểm, “toan giở trò Tôn Tẩn giả điên, âm miêu dùng khổ nhục kế đánh lạc hướng sự cảnh giác của quần chúng hầu xách động nhân dzân phá hoại nhà nước ta…”
-Thế là, Tá kết thúc, Căn Cứ 5 Rừng Lá cũ, bí hiệu
Dzách-ba-mươi-dzê, trại giam những thành phần bị liệt vào loại cực kỳ nguy hiểm (tình báo, cảnh sát, công an, chiến tranh chính trị, đảng phái “phản động”, các nữ điệp viên Thiên Nga thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, các lực lượng Phục Quốc…) được vinh hạnh đón tiếp hai “giới chức cao cấp” do CIA gài lại: Hải, Hà! Toa tin moa đi, đám thầy giáo biệt phái ngoại ngạch bị nhốt ở đây, đối với chúng nó, chắc chắn là “Xịa”. Bởi moa biết, khi còn ở ngoài Bắc, danh từ biệt phái đối với chúng nó nặng ký lắm: đặc biệt phái nhiệm, nghĩa là sư tổ ngành mật vụ, loại do KGB đào luyện. Rồi toa sẽ thấy: chỗ nầy cũng như nơi khác, chỗ nào có trại giam chính trị của cộng sản, cho dù toa có vô tình đi lạc vào cũng chẳng bao giờ được thả ra, trừ phi…trừ phi…
Tá bỏ lửng câu kết.
-Trừ phi? Tôi gạn hỏi.
-Hãy còn sớm để nói ra điều moa linh cảm. Toa chờ xem. Không lâu đâu. Vài ba lần thăm nuôi nữa, ắt sẽ rõ…
Vậy mà tôi chưa kịp rõ, Tá đã vĩnh viễn nằm xuống cùng Đạt. Vậy mà đêm nay tôi vẫn còn cười được với hoài niệm về Dê Húc Càn, với Hà điên, với Hải khùng, còn mỉm cười rạt rào thương cảm liên tưởng tới những người nữ cùng chung số phận bị nhốt kín trong nhà giam cận kề…
Nhưng ngày mai, đúng kỳ hạn thăm nuôi, tôi sẽ nói gì đây với vợ con Tá, Đạt cùng vợ con tôi ở khu thăm nuôi? Cả ba gia đình thường hẹn nhau cùng đi “bồi dưỡng” cho bọn khốn cùng chúng tôi để chờ… được “phục hồi quyền công dân” (sic!), dù chúng tôi vốn sinh ra trên mảnh đất hình cong chữ S không ngừng bị Tàu với đủ các sắc tộc, Tây cùng đám da đen rạch mặt, Mỹ cùng các đồng minh lông lá và Nga cùng đàn em cái bang thay phiên nhau hiếp dâm, dù ba đời cha ông chúng tôi chưa hề mang dòng máu lai căng!



..."
Bạn thân mến,
Sau cuộc chiến tương tàn mấy mươi năm, đêm đầu xuân nầy, nếu bạn hỏi tôi còn nhớ gì chăng, câu trả lời sẽ võn vẹn : “Vui xuân chớ quên Tết Mậu Thân”!..

Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, Xuân 2009
Lê Tân Lộc









No comments: