Monday, December 31, 2012

TÌNH YÊU NHƯ MUÔN ĐIỀU RẠNG RỠ HÀO QUANG

Tự truyện

Tình yêu như muôn điều rạng rỡ hào quang…(*)

“Con nâng tâm hồn lên hướng về Chúa.
  Lạy Chúa, con trông cậy Chúa, con không lấy thế làm hổ thẹn.
   Trong số người chờ đợi Chúa đến, không một ai đã thất vọng…”
(TV 24, 1-3)
Nếu không xảy ra “biến cố” sau ngày sinh nhật lần thứ 77 của mình, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ được dịp thấm thấu nghiệm đúng lời ca trong phim “La colline de l’adieu” -do Henry King thực hiện cho hãng phim 20th Century Fox, năm1955; John Patrick viết phim chuyện (scénario) theo tác phẩm “tiểu sử” tuyệt vời, ‘livre autobiographique’ (*)“Love is many  splendored thing!” của BS Han Suyin, xuất bản năm 1952- mà vào những đêm cô tịch trên gác trọ sinh viên, đường Phan Đình Phùng Đà Lạt, cuối thập niên 50, tôi thường một mình rung cảm thì thầm ngân nga…Đặc biệt lần cuối, trên Đồi Thông Hai Mộ, tôi đã thẫn thờ cúi mặt khẽ hát Love is…trong đêm giã từ Xứ Hoa Đào lên đường sang Kinh đô Ánh Sáng, để rồi không bao giờ trở lại lần nữa gác trọ thân thương đã từng tích lũy biết bao hoài niệm khó phôi pha theo ngày tháng, mà chưa kịp “tạ từ trong đêm” với cố nhân chỉ một lần tình cờ hạnh ngộ…

MÁU ĐÀO TUÔN XỐI XẢ
Tai nạn xảy ra đột ngột lúc tôi đang làm vệ sinh cho tươi tỉnh, chuẩn bị ngồi vào máy “chăm sóc” bài vở cho tờ Nội San Gia Đình Phan Sinh, số 56, dự trù phát hành vào dịp đón Xuân Quý Tỵ 2013: một giọt máu từ lỗ mũi bên phải rơi xuống bồn rửa mặt…
Tưởng chuyện nhỏ -thỉnh thoảng xảy ra, chỉ trong giây lát là máu ngưng chảy- tôi dùng bông gòn chêm vào lỗ mũi rướm máu, tin chắc sẽ cầm máu tức khắc. Nào ngờ! Hằng tá bông gòn nhét vào mũi đều bị máu cam tống ra hết. Và máu bắt đầu tuôn như vòi nước được mở tối đa!
Phản ứng đầu tiên của tôi -nguy hại thay, sau nầy tôi mới biết- là nhét tối đa bông gòn vào chỗ tươm máu, rồi nằm dài trên sofa ngoài phòng khách: Phước -người phối ngẫu chuyên “chăm sóc” tôi- chùm nước đá lên trán, nghĩ rằng gặp lạnh máu tôi sẽ “đặc quánh” lại. Và  tôi sẽ thoát hiểm! Than ôi! Máu bắt đầu tràn ngập cổ họng tôi và làm tắt nghẽn khí quản! Tức tốc  ngồi bật dậy, tôi ọc ra từng bụm máu đầy một lon nhỏ. Hết lon nầy tới lon khác!
Thấy ngay không cách chi tự cứu, tôi cố gắng hết sức thều thào gọi 911 và thoáng thấy mặt mày Phước xanh như tàu lá, sắp ngất xỉu tới nơi!

CẤP CỨU!
Ông chăm chú nghe tôi chỉ dẫn đây, giọng cứu thương viên (ambulancier) trầm tĩnh phát ra từ máy khuếch đại thanh (haut-parleur) của điện thoại nhà:
*Ngồi nghiêng đầu về phía trước.
*Dùng hai ngón tay bóp chặt chỗ xương sống mũi tiếp giáp với hai lỗ mũi.
*Nhổ ra tất cả máu tuôn xuống miệng. Tuyệt đối không được nuốt!
*Dứt khoát không được nằm và chùm nước đá trên trán hay trên mũi!
Chúng tôi cấp tốc lên đường tiếp cứu ông! Hãy vững tin như vậy và nhất là…phải bình tĩnh, chớ bấn loạn!”
Chưa tới 15 phút, toán cấp cứu đã ập vào phòng khách. Sau khi đo huyết áp và lấy tâm đồ, họ “gói gọn” tôi trên “băng-ca”, chuẩn bị đưa lên  xe ambulance. Chợt cứu cấp viên nhận thấy Phước sắp ngã quị. Cấp tốc đo huyết áp: 210! Thế là họ “xúc” Phước lên xe cứu thương luôn!
Các con và cháu tôi đều ngã bệnh cúm như tôi, trước khi tôi “thổ huyết”. Nên chẳng đứa nào tháp tùng đưa ông bà lão đã bức xa tuổi thất thập cổ lai hi vào Phòng Cấp Cứu bệnh viện Lakeshore (Pointe-Claire), ngoại trừ hai đứa cháu nội chưa bị cúm vật ngã, lo lắng lái xe chạy theo ambulance!
Trên xe cứu thương, hồi tưởng lần đầu, cách đây 17 năm, tôi cũng được ambulance đưa vào Urgence bệnh viện Sacré-Coeur chờ…mổ tim! Cũng chỉ mình Phước được ambulancier “bồng” lên xe cứu thương theo tôi vào…nhà thương. Còi hụ réo inh ỏi vẫn như còn vang lộng bên tai tôi đang nghẹt thở từng chập trên đường tới Lakeshore:
-Chúa ôi! Liệu Chúa có còn thương xót giữ lại trên cõi trần lần nữa -lần thứ năm- đứa con tội lỗi nầy, vô cùng  bất xứng với tình yêu bao la của Chúa chăng, sau bốn kỳ Chúa đã thổi sinh khí cho con trở lại với sự sống (khi con vừa đầy tháng, khi con toan tính tự hủy trong ngục tù cộng sản, khi con vượt biển suýt vùi thây vĩnh viễn dưới lòng đại dương u tối giá băng, khi con bị đột quỵ thập tử nhứt sinh trên đất tạm dung)?

MẦU NHIỆM “AIMÉ”?
Năm cùng tháng tận mà sao quá nhiều biến cố dồn dập trút xuống đầu tôi. Chưa đầy hai tháng, tôi đã phải uống ba lần trụ sinh, mỗi lần mười ngày (Soi ruột: 10 viên! Nhổ răng: 10 viên, Cảm cúm nặng: 10 viên). Ăn uống kiêng cử, thiếu dinh dưỡng, thiếu “nước hạnh phúc” trợ lực, đã thiếu máu vì trụ sinh tác động trên số lượng hồng huyết cầu vốn đã giảm sút, giờ đây lại mất gần 2 lít máu! Quả thật đủ món ăn chơi trong một thời gian kỷ lục! Sanh, Lão, Bệnh đều đã “nếm thử thương đau”… (Cũng đã nhiều phen cận kề cái chết vì chiến cuộc, trước khi thoát hiểm trong gang tấc lúc vượt trùng dương đến được bờ bến tự do. Trên vùng đất tạm cư cũng đôi lần suýt vĩnh viễn xuôi tay trong bịnh viện). Chỉ còn món Tử thiệt thọ nữa là hoàn tất chu kỳ làm kiếp con người: sạch nợ trần gian!
Lần “xuất huyết” nầy chứng tỏ tình trạng sức khỏe tôi xem ra đã tới hồi cực kỳ gây cấn, nguy kịch…
Dù do ambulance đưa tới, Phước và tôi vẫn phải qua thủ tục lựa thương (triage), nghĩa là cũng phải chờ…được cấp cứu. Đang mùa dịch cúm, Phòng Urgence Lakeshore cũng như các nơi cứu cấp khác đầy nghẹt bịnh nhân. Hầu hết các bịnh viện vùng Montréal nói riêng, tỉnh bang Québec nói chung đều trong tình trạng…quá tải. Cho nên phải non một tiếng đồng hồ sau tôi mới được đưa vào phòng …chờ bác sĩ khám. Phước may mắn hơn, được trực tiếp đưa vào phòng bịnh nhân có trang bị máy móc theo dõi tình trạng tim mạch, nhưng cũng chỉ nằm chờ…bác sĩ tới khám, như tôi!
Trong khi chờ đợi, tôi được y tá yêu cầu “ngồi nghiêng về phía trước, bóp mũi, thở bằng miệng, nhổ máu ứ trong họng ra khay nhỏ bằng carton ép”, với sự trợ lực của đứa cháu nội nhỏ, đứa lớn bận “trông nom” bà nội.
Cực hình “ngộp thở” kéo dài thêm một tiếng nữa…trong khi chốc chốc y tá lại chớp nhoáng xuất hiện…rút máu đi thử nghiệm! Hai cánh tay tôi loang lổ nhiều vết tím bầm. Trông tôi không khác cá mắc cạn, há mồm “hớp hớp” không khí! Sắp đứt hơi tới nơi thì, may thay, bác sĩ “cứu tinh” gấp rút xông tới “take care” tôi  kịp thời!
Dù tai bắt đầu ù, mắt bắt đầu đổ đom đóm, tôi định thần lại được ngay khi nhìn thấy bảng tên bác sĩ: AIMÉ Dahan! Ngẫu nhiên trùng hợp hay định mệnh an bài? Phải chăng BS Aimé là “hiện thân” của Cha Trợ Úy Dòng PSTT Aimé Đỗ Văn Thông?  Phải chăng Thiên-Chúa-Tình-Yêu đã đến tìm tôi cứu độ mà không đợi tôi tìm Người kêu xin, van nài cứu khổ? Hai tôi tá Chúa, BS Aimé và LM Aimé, phải chăng là “thiên sứ” mà Đức Kitô truyền sai đến kéo đứa con bất xứng nầy ra khỏi cơn nguy khổn, BS chữa trị phần xác, LM chăm lo phần hồn? Mầu nhiệm thay: “Love is many splendored thing…”! Tôi hân hoan ứa lệ thì thầm:
Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền Hồng ân Chúa cao vời, Chúa đã làm cho con”.

ĐÊM “HÀNH LANG”: LOVE IS
Bác sĩ Aimé cho biết sở dĩ phải lấy máu nhiều lần, dù biết tôi đã mất khá nhiều máu, là vì cần thử nghiệm xem có vấn đề gì trầm trọng hơn đằng sau chuyện đổ máu cam chăng. Nhất là cần biết rõ số lượng máu đã mất để định liều lượng sérum sẽ phải tiếp cho tôi.
Theo BS, hồ sơ bệnh lý của tôi cho thấy chuyện ngăn máu tiếp tục chảy qua mũi và tuôn xuống cổ họng tôi không giản dị, vì tôi đã phải uống thuốc loãng máu sau lần mổ tim. Nếu tiêm thuốc cầm máu, sẽ có nguy cơ máu đông đặc và tôi có thể bị trụy tim (heart attack). Do đó, ông sẽ bơm thuốc qua một ống dẫn nylon, tạo áp lực tối đa bịt kín lỗ mũi đang chảy máu, nhằm ép sát mạch máu nhỏ đã bể vào thành mũi, chặn mạch nầy dẫn máu. Như thế lỗ mũi bên kia cũng sẽ không dẫn khí thở cho tôi được nữa. Tôi chỉ còn cách hít thở bằng miệng! Sẽ rất khó chịu, nhưng không cách nào khác…Quả đúng vậy, cách trị liệu nầy làm tôi đau buốt tận óc, gân xanh nổi hai bên thái dương trông rất dễ sợ. Gần như tôi thường xuyên thiếu hơi thở, tưởng chừng sắp đứt hơi tới nơi!
Tôi qua đêm trên giường sắt đặt ngoài hành lang lổn ngổn nhiều giường khác -với nhiều bịnh nhân rên rỉ, kêu khóc thâu đêm- trong tình trạng cực kỳ khó thở, miệng lưỡi không còn tí nước bọt, khô quánh vì phải “hớp” không khí không ngưng nghỉ, trong thế ngồi, trắng đêm không chợp mắt! Đôi khi chập chờn thiêm thiếp, phải cố gắng tự đánh thức ngay, vì lỡ ngủ quên, ngậm miệng thì…tắt thở liền! Cổ họng tôi nóng bỏng như núi lửa, uống bao nhiêu nước cũng không tạo được độ ẩm cần thiết, tưởng chừng như nước vừa hút vào đã bốc thành hơi! Chưa kể mỗi lần hút nước theo ống dẫn là mỗi lần tôi lên cơn suyễn, sặc sụa té ho, hổn hển “kéo đờn cò” vì… miệng bận uống, không còn “hớp” dưỡng khí được nữa; mà mũi thì bị “đóng chốt” kín mít!
Dù không chút hở tay với các bịnh nhân khác, BS Aimé vẫn qua lại ghé mắt thăm hỏi và ủi an tôi.
-Bác sĩ quả xứng với cái tên Aimé, vì rất nhân đạo (humain), giàu tình người. Tôi ngỏ lời cảm ơn BS Aimé mà như đang ngỏ lời tri ân Cha Aimé! Và chừng như tôi đang nhìn lên cao… “xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la…”!
Vâng, Tình Yêu Thiên Chúa bao la đã rạng ngời bao phủ những bàn tay ân cần yêu thương chăm sóc tôi trong đêm nằm bịnh xá, như tiếp nối công trình cứu độ của Người dành cho tôi, đứa con bất xứng nhưng đang nguy khổn: BS Aimé, hai đứa cháu nội, người phối ngẫu luôn tìm cách xin tháo gở dây nhợ chằng chịt đến thăm nom tôi suốt đêm, các y tá và nhân viên phục dịch luôn sẵn sàng trợ giúp tôi khi cần…
Ngay cả người bạn xa xưa, chỉ một lần tình cờ gặp gỡ, hơn nửa thế kỷ về trước trên “miền đất của đồi thông mù sương”, hiện cách xa tôi những ba múi giờ cũng thường xuyên gọi điện thoại di động theo dõi bịnh trạng chúng tôi…
Quả tình, Love is…
Không hiểu sao, suốt đêm không chợp mắt, tôi cứ thầm thì mãi:
“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra…Và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên: Alléluia! Alléluia!”.
Có thể tôi nghĩ tới những lần viếng và đọc kinh cầu nguyện cho ACE tôi đã an nghĩ trong tay Chúa.Tự nhiên tôi cảm thấy bình an trở lại tâm hồn, dù cơn khốn đốn thân xác vẫn chưa lắng dịu, bởi lẽ càng lúc tôi càng nhận ra lòng Tin, Cậy, Kính Mến và Phó Thác lớn mạnh trong tâm hồn tôi. Rồi đây, sẽ có thể:
“Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ…”

LẠY CHA…”
Gần sáng, BS Aimé kiểm tra lại sức chịu đựng của tôi, giảm bớt áp lực trong nút chặn, từ mức tối đa xuống mức trung bình, cho tôi dễ chịu hơn. Nhưng tôi chưa thoải mái được chút nào, trái lại vẫn cảm thấy “ngộp nước” như người bị chó dại cắn ở cuối giai đoạn cơn điên hoành hành, hay ngộp thở như người đang chết đuối…Vị lương y như từ mẫu thương cảm vuốt lưng tôi, nâng ly cho tôi hút nước thấm ướt đôi chút miệng lưỡi đã khô khốc, đôi môi đã nứt nẻ:
-Gắng sức chịu đựng đi ông nhé! Vị lương y vỗ về tôi. Nếu tôi rút nút chặn, ông sẽ đỡ khốn khổ. Nhưng máu sẽ tuôn ra lại và  sẽ vô cùng nguy hiểm, vì chưa chắc chúng tôi trở tay kịp để cứu ông. Détendez-vous! (Thư giãn đi ông)! Tôi “take care” ông mà! Yên chí đi! Hai tiếng nữa, tôi trở lại giảm áp lực trong mũi xuống mức thấp nhất. Nếu mọi việc diễn tiến tốt đẹp, tôi sẽ cho ông xuất viện sớm.
-Nghĩa là bác sĩ sẽ tháo gở nút chặn…
-Không, không! Chưa được đâu! Phải để yên nút chặn tại chỗ ít là ba ngày. Để tránh nguy cơ về chưa được bao lâu, ông lại phải gọi 911! Chúa Nhật tới đây mình gặp lại nhau, hy vọng tôi có thể an toàn “giải tỏa” nút chặn cho ông hít thở bình thường trở lại…
Lương y nắm chặt đôi tay lạnh ngắt của tôi như để chuyền hơi ấm tình người, trìu mến nhìn tôi buồn bã lắc đầu ngao ngán nghĩ đến nỗi thống khổ sẽ phải tiếp nối dài lâu (un long calvaire) khi trở về nhà. Chưa qua hết một đêm “hứng chịu” thiếu hơi thở mà tôi đã ngất ngư, cảm tưởng đêm dài như… thế kỷ! Thêm ba ngày “hụt hơi” nữa, trời ạ!

Tuy rất khốn khổ về chuyện hô hấp gần như bị tắt nghẽn, tôi vẫn không quên Phước đang bị hàng tá dây nhợ “giăng mắc” trong phòng bịnh, rất xa hành lang nơi tôi đang cong người thở dốc thâu đêm. Không thể tự mình di chuyển tới xem hiện trạng Phước ra sao, tôi chỉ còn biết rốt lòng cầu nguyện Ơn Trên quan phòng cho Phước qua cơn hoạn nạn… vì tôi!
Tôi cũng nhiệt thành cầu nguyện cho người bạn phương xa -thường tự nhận mình được “sinh ra dưới ngôi sao xấu”, toàn gặp chuyện đau lòng với thế thái nhân tình- đã nhiều phen giao phó số mạng trong tay các y sĩ giải phẫu, trước khi được định cư trên vùng đất tự do. Và hiện lên cơn đau bụng dữ dội đã mấy ngày liền. Thế nhưng không vì thế mà nàng không lo sốt vó, tìm mọi cách liên lạc theo dõi bịnh tình chúng tôi. Rất có thể nàng cũng sắp được đưa đi cấp cứu tới nơi!
Tôi cũng không quên nguyện cầu cho ACE Dòng PSTT, văn, thân hữu khắp nơi đang  lâm trọng bịnh sớm hoàn toàn bình phục, “tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ”, cậy vào lòng Chúa thương xót!
Nghĩ lại, những tháng này bị đày đọa trong trại  tù “cải tạo” của CS, mỗi lần suýt lâm nguy vì đám cai ngục toan đánh đập hay tra khảo, tôi nhớ rõ chỉ cần đọc Kinh Lạy Cha, tức khắc…tai qua nạn khỏi. Lúc vượt biển, lúc mổ tim cũng vậy; nhưng kèm thêm Kinh Kính Mừng Kinh Sáng Danh…
Tôi đọc thầm ba Kinh trên, thiết tha hướng về Cha Thánh Phanxicô-Assisi, Cha Phanxicô Trương Bữu Diệp (mà Phước thường đọc kinh cầu mỗi tối) cầu xin hỗ trợ tinh thần chúng tôi những lúc cơ cực thế nầy… Hơn lúc nào hết tôi vững tin:
“Hãy tìm sẽ gặp, hãy xin sẽ được, hãy gõ, sẽ mở cho…”.

HỒNG ÂN CHÚA
Bảy mươi bảy năm qua, tôi nhận ra đã được quá nhiều ân sủng từ Thiên Chúa mà hầu như tôi chưa đền tạ đúng mức. Tôi cũng được nhiều ơn ích từ Mẹ Maria, Cha Thánh Phanxicô-Assisi, Cha Trợ Úy Aimé Đỗ Văn Thông, lòng yêu thương của ACE Dòng PSTT và thân bằng quyến thuộc khắp nơi mà gần như tôi chưa đáp trả tương xứng… “Biến cố rướm máu” lần nầy cho tôi nhận rõ hơn rằng quả thực tôi đã thực sự được yêu thương nhiều hơn tôi tưởng: Love is...
Tôi nhận ra thiếu sót to lớn rằng tôi đã không thực sự yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu tôi. Phải chăng tôi đã không thực sự mở lòng với tha nhân, vì ích kỷ, vì chỉ thích nhận vào hơn cho đi? Tôi chạnh nghĩ phải chăng mình cứ miệt mài nài xin ân sủng thiên phước mà quên rằng biết bao anh chị em vạn lần kém may mắn hơn nhưng vạn lầu ưu tú hơn mình cần được Chúa xót thương ưu tiên quan phòng. Tôi lại thì thầm, cảm thấy thèn thẹn trong lòng:
-Hồng ân Chúa bao la tuôn đổ xuống chan hòa.
Tuy tay tôi nhỏ bé, bao nhiêu cũng không vừa…”
Thế đấy! Bao nhiêu cũng không vừa! Than ôi! Lòng tham vô hạn, túi tham không đáy! Nếu ai cũng “biết đủ…là đủ”(tri túc…hà thời túc) thì thiên hạ đỡ sanh giặc dài dài,  bá tánh sẽ an cư lạc nghiệp thay vì tìm đủ mọi cách, nêu đủ mọi lý do để không ngừng xâu xé, tàn sát lẫn nhau!

ÔI! HƠI THỞ!...
Phiếu hẹn gặp lại lương y Aimé trong tay như giấp cho phép xuất viện, tôi nhanh chóng tìm Phước để cùng ra về. Nào ngờ Phước đã nằm chờ suốt đêm mà chưa được BS chẩn bịnh. Đành chờ nữa thôi! Tôi ngồi cú rũ tiếp tục há mồm hớp không khí, nhìn Phước dây nhợ chằng chịt, khó khăn di động! Gần hết ngày, mới được thông báo Phước “vô sự” sau một chuỗi thử nghiệm máu và nghiên cứu tâm đồ. Tạ ơn Chúa!
Suốt chặng đường về do đứa cháu nội lớn đến đón, Phước tươi tỉnh, tôi héo úa, vẫn tiếp diễn màn “cá mắc cạn” ngáp gió!
Bước chân vào nhà: y như bãi chiến trường chưa kịp dọn dẹp! Giữa phòng khách, một xô con đầy máu đã quến cục, chưa kịp đổ. Băng bông vấy máu khô vung vãi tứ tung. Từ khi vào tới lúc rời Lakeshore, tôi chỉ thức trắng “hút” nước, hớp gió cầm hơi nên choáng váng mặt mày, ngã bật trên sofa. Nhưng  cũng chỉ để tiếp tục thở dốc “nút” nước, vốn  đã rất khó khăn, nói chi tới chuyện ăn uống!
Chưa kịp hoàn hồn thì…Lakeshore gọi thông báo cần đưa Phước trở lại Phòng Cấp Cứu, theo yêu cầu của BS chuyên khoa tim mạch! Lý do: soát lại tâm đồ thấy Phước có…vấn đề! Không cách chi tôi lái xe đưa Phước đi trong tình trạng “bèo nhèo” như cái mền rách. Đành chờ sáng mai thôi.
Lại một đêm thức trắng, không ăn được, chỉ hút nước, húp soupe, ngồi chịu trận...kiệt lực chờ sáng! Nào dám uống thuốc ngủ, vì có thể ngủ quên, ngậm miệng là… tắt hơi… ngủ vĩnh viễn luôn! Nhưng rồi sáng hôm sau tôi cũng phải cố thu hết tàn lực và ý chí lái xe đưa Phước đi. Lại một ngày uể oải đợi chờ, Phước chờ khám, tôi chờ…gục ngã! Thế mới hay tính tối cần của hơi thở vì…hơi thở là…sự sống!
Nữ BS Schiff nghi ngờ có một thứ như “souffle” trong nhịp tim đập của Phước, nên cho hẹn -lại hẹn!- tuần sau trở lại làm “écho” xem có phải bị…hở van tim chăng! Lại thêm một đòn cân não nữa rồi. Năm cùng tháng tận mà hết chuyện nầy tới chuyện khác! Quả thật, tôi số…con rệp!
Trong khi chờ đợi được “giải phóng” khỏi cái ách “nút chặn”, viễn tượng thêm ba ngày không ăn, không ngủ, thiếu hơi thở tối cần cho sự sống, với người phối ngẫu cũng đau yếu rề rề quả thật không chút chi hứng khởi. Con cháu, khi dịch cúm đang hoành hành kinh khiếp, cũng không khá gì lắm, lại còn bận mưu sinh nữa. Chúng tôi chỉ còn cách…tự lo liệu thôi: Phước phải lần theo vách tường lui tới bưng nước cho tôi “chữa lửa” nơi duy nhất tạm thời còn hớp dưỡng khí cho tim đập, nấu cháo hay xúp lõng cho tôi lót dạ cầm hơi để còn sức ngồi trắng đêm canh chừng từng hơi thở đứt quãng! Y như người què quặt thăm nom người bất đắc dĩ bị “á khẩu”! Ba đêm dài như ba thế kỷ nữa…

YÊU THƯƠNG RỘ NỞ
Điện thọai nhà không ngưng reo liên tục. Bằng hữu, đồng nghiệp, môn sinh khắp nơi, trừ VN, gọi tới vấn an. Người bạn xa xưa từ Cali, hằng ngày gọi sang ít là đôi ba lần. (Có lẽ quá lo rầu cho chúng tôi mà nàng quên cơn đau kịch liệt, khỏi phải vào emergency…chăng?). Riêng ACE Dòng PSTT trong nhóm thân hữu thì “phôn” tới tấp! Nhưng tôi nào trả lời được, chỉ còn biết nhờ Phước giúp đáp trả tấm thạnh tình của mọi người dành cho chúng tôi.
Sau khi rời bịnh viện, người duy nhất tôi báo tin bằng điện thư là Cha Trợ Úy Dòng, để xin phép Cha được vắng mặt ngày học Thánh Kinh sắp tới và xin tạm hoãn phụ trách phần vụ thư ký tòa soạn một thời gian ngắn. Phước báo cho Th.L. dặn dò giữ kín chuyện bịnh hoạn của tôi. Nhưng rồi T.X. biết (do Th.L), Ban Báo Chí biết…
-Anh Lộc ơi! TX đây! Chị Phước cho Th.L. biết anh rất mệt, không nói chuyện được. Chị nhắn ACE đừng khổ thân rủ nhau lên thăm anh đang khi thời tiết quá khắc nghiệt. Nhưng tụi em không yên lòng khi biết chị cũng bịnh mà phải nấu nướng, săn sóc anh; không thể vô tâm khi biết anh chị chẳng thể trông nhờ các cháu, đứa bị cảm cúm, đứa bận đi làm, đến trợ giúp. Từ lâu tụi em đã tự xem mình như hai đứa em gái cật ruột trong gia đình anh chị. Cho nên tụi nầy tự nguyện lên nấu nướng, trông nom nhà cửa cho chị đỡ nhọc nhằn, cho anh an tâm dưỡng bịnh…
Quá xúc động, tôi gắng sức trả lời TX qua speaker điện thoại:
“TX em! Anh thấu hiểu ân tình của hai cô em gái của anh, cũng như lòng cảm mến của ACE chúng ta dành cho anh. Nhất là dành cho chị Phước. Nhưng hai em chớ khá bận tâm quá mức. Anh có ăn uống gì được đâu! Chỉ uống nước chai (ít là sáu bảy lít mỗi ngày) và húp nước cháo hay xúp lõng. Hai em cần giúp ACE già yếu, bịnh tật, neo đơn của chúng ta hơn. Anh không sao đâu, dù anh đang chịu cảnh “ngộp thở” nầy như một cực hình vô cùng khổ sở. Gấp bội lần anh mổ tim. Nhưng coi như anh kề vai vác tiếp, chút ít thôi, thập giá. Những đêm khốn khó vì hít thở quá gay go, anh đã giang hai tay ngước nhìn lên cao, thầm van nài Đấng Cứu Độ:
-De profundis clamavi ad te Domini!(Từ vực thẩm sâu, con kêu lên Ngài, Chúa ơi!)
-In manus tuas Domine, commendo spiritum meum!(Xin phó thác linh hồn con  trong tay Chúa!)…
Và không ngừng cảm tạ Chúa vì cảm nhận được Người đã thường xuyên kề  cận vỗ về, ủi an anh trong cơn gian khổ cùng cực nầy…”

Một lúc sau…
-NKT đây anh Lộc! Nghe anh đã về nhà, tôi mừng lắm. Thiếu anh tôi chẳng biết phải xoay sở thế nào với chuyện báo chí của Dòng…Anh Lộc ơi! Tôi mừng lắm!
-Anh an tâm. Qua cơn “khổ nạn” nầy, tôi sẽ cùng anh chị em trong Ban Biên Tập tiếp tục phụ giúp Cha Trợ Úy xúc tiến việc gom góp bài vở cho tờ Nội San phát hành đúng thời hạn đã dự liệu…
Liên tiếp mấy ngày, không thể nhớ hết bao nhiêu cú điện thoại của ACE đề nghị lên thăm chúng tôi! Cả những ACE có chút hiểu lầm nhau trước đây cũng điện thoại ân cần vấn an anh “Trưởng ban Báo chí” có hơi chút khó tánh!
Quả tình, Love is…
Tôi chợt nhớ Cha Trợ Úy Aimé không ngừng nhắc nhở ACE luôn yêu thương nhau: “Miệng nói yêu Chúa mà không yêu anh chị em mình là…không yêu Chúa đâu!”
Lắm lúc tôi nghĩ ACE và tôi hầu như “quên” rằng:
Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi ở đấy có ân sủng Người. Đâu có lòng bác ái thì Chúa chúc lành không nguôi. Đâu ý hiệp tâm đầu, ở đấy chứa chan niềm vui…”
Giờ đây, tôi thấu hiểu vì sao anh Đa-Minh Mai Xuân Lâm thường nói với tôi anh rất “thích hát Thánh Ca” và luôn khuyến nhủ tôi “bằng mọi giá, nên sống hòa thuận với ACE mình”!
Thế nên, tôi “hạ quyết tâm”, sau khi bình phục, trở lại sinh hoạt bình thường, sẽ tự nhắc nhở và cổ võ ACE tôi chớ quên đặt Đức Ái lên hàng đầu trong giao tiếp. Vì xác tín rằng: Mầu nhiệm hoán cải chỉ hiển lộ khi Tình Yêu “lên ngôi”!

THÁNH LỄ NGUYỆN CẦU VÀ… “TAI ƯƠNG” ĐƯỢC GIẢI TỎA.
Ngày đứa con trai độc nhất đưa tôi trở lại Lakeshore cho BS Aimé tái khám cũng là ngày LM Aimé dâng Thánh lễ mở đầu cho buổi học Thánh Kinh…Cha Trợ Úy yêu cầu ACE hiệp ý cầu nguyện cho Phước và tôi chóng bình phục. Lúc bấy giờ đa số ACE mới rõ chúng tôi đã phải vào bệnh viện cấp cứu.
Dù bác sĩ trị liệu đã cho hẹn thật sớm (7 giờ sáng), tôi vẫn phải mòn mỏi tiếp tục “hớp” không khí chờ hơn 3 tiếng đồng hồ sau mới được vào phòng khám …chờ được “giải cứu”! Bởi vì bịnh nhân đủ thứ bịnh nằm la liệt ở Phòng Đợi, cũng chờ được… cứu cấp!
Khi “lương y” Aimé “rút chốt” đóng chặt mũi, tôi thực sự cảm thấy mình được…hồi sinh với nút chặn bị “bứng” đi để dưỡng khí “tự do” tràn ngập buồng phổi trợ lực cho tim mạch trở lại điều hòa…Tôi như người chết đuối vừa được “xốc nước” cho hơi thở trợ tim cứu sống. Cảm giác mãnh liệt nhất của tôi lúc đó y như là tôi từ bóng tối âm u, ghê rợn của địa ngục bước ra vùng rực rỡ hào quang của địa đàng! Rõ rệt nhất, tôi như vừa được lương y Aimé cất đi cục bướu ngàn cân trĩu nặng trên lưng!

Tôi được giải thích nguyên do đổ máu cam kinh khiếp: máu quá loãng, trong nhà để sưởi quá nóng nên không khí thiếu độ ẩm, các mạch máu nhỏ trong mũi quá khô sẽ rất dễ bể. Cho nên phải thường xuyên mở máy tỏa nước tăng độ ẩm (humidificateur) và bôi chất nhờn (vaseline) vào hai lỗ mũi, tránh “ngoáy” hay hỉ mũi quá mạnh, cố gắng tối đa tránh…hắt hơi!
Không dễ tăng độ ẩm vì Phước sẽ bị…nhức xương, do chứng  loãng xương! Bà sợ lạnh, ông sợ nóng. Cho nên chỉ còn cách giải quyết ổn thỏa là…mỗi người ngủ một phòng riêng. Nếu không, chảy máu lần nữa, tôi có thể…đi chuyến tàu suốt!

CHỈ CÓ TÌNH YÊU
Cuối cùng, Chúa đã xót thương giữ tôi lại thêm lần nữa để tôi tiếp tục nguyện ước hoán cải, cho tới nay chưa tiến triển khả quan lắm. Và cho tôi thêm cơ hội đón mừng lần nữa Chúa Hài Đồng Giáng Sinh …
Biến cố “rướm máu” vừa qua cho thấy trong tíc tắc, có thể tôi đã là một sự có mặt bị vĩnh viễn bôi xóa trên cõi trần:
-Cuộc sống con người như cỏ hoa. Một cơn gió thoảng đủ làm cho nó biến đi. Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích…

Qua cơn nguy tử, tôi nhận thức rõ ràng hơn thân phận mõng dòn của kiếp người:
-Phù hoa tiếp nối phù hoa. Trần gian tất cả chỉ là phù hoa…
Cũng nhờ “kinh qua” sự mõng dòn đó mà tôi nhận định chính xác hơn vị trí ưu việt của Tình Yêu. Rõ ràng, tôi nhận ra, quả thật:
Love is many splendored thing!
Để từ đó, thừa nhận chỉ có Tình Yêu tha nhân mới giúp tôi chế ngự được tính kiêu căng, tự mãn, hầu phát huy tính khiêm hạ để trọn vẹn sống thuận hòa với ACE, cùng hỗ trợ nhau  trên đường tu đức.

Đôi khi mãi hăng say tranh luận  hay bình phẩm người chung quanh, tôi lãng quên, thực chất quá bé nhỏ của mình…
Đêm nay, trong “căn nhà ngoại ô” Thôn trang  Rêu Phong, giờ đây hoàn toàn tĩnh mịch, thanh vắng -nơi một thuở ACE tôi yêu thương quay quần bên nhau sau Thánh Lễ Đầu Năm, tặng nhau nụ cuời như tặng nhau bông hồng- tôi lặng lẽ quì trước bàn thờ dâng lời cảm tạ Chúa đã thương xót gìn giữ tôi 77 năm qua, để rồi xúc động ngút ngàn “tâm tình” với Người:
“Trong trái tim Chúa yêu muôn đời con xin được một chỗ nghỉ ngơi nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi như nước mưa tan biến trong khơi…Nhỏ bé thôi! Nhỏ bé thôi!....”

-nhỏ bé thôi lê tấn lộc-
(Mùa Giáng Sinh 2012)
________________________________________________________________________
Ghi chú: Là tự truyện, dĩ nhiên tính chất cá nhân, chủ quan là điều khó tránh. Nhưng trên một bình diện nào đó, bài viết có thể giúp vài kinh nghiệm về bịnh chảy máu cam cho một số độc giả. -LTL-

 


No comments: