Sunday, September 20, 2015

VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT VÀ CÁC CỰU SINH VIÊN..."THỤ NHÂN"

Vài mẩu chuyện đưa tới nhận định về

VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT  
VÀ CÁC CỰU SINH VIÊN … “ THỤ NHÂN ”


Lời mở đầu

Bài viết nầy trình bày quan điểm của người viết về :

1- bối cảnh đưa tới sự ra đời của Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà lạt Việt Nam Tự Do
(AEUDVNL ),

2- sự ra đời của Viện Đại Học Đà Lạt ,

3- nghi lễ và nghi thức khai mạc các Đại Hội hay Hội Ngộ của các Hội Đoàn Người Việt Quốc Gia ở hải ngoại .

Tác giả hoan nghinh mọi góp ý xây dựng trong tinh thần tương kính và lịch sự .

LTL


Câu chuyện khởi đầu cũng khá ly kỳ , khi tình cờ, hết sức tình cờ , tôi nhận điện  thư của một thân hữu cho biết một  Đại Hội Thụ Nhân Thế Giới  sẽ được tổ chức tại Paris vào đầu tháng sáu 2012 . Và Ban Tổ Chức Đại Hội đương nhiệm quyết định từ chức vì có sự bất đồng chính kiến với các ý kiến từ các nơi gửi tới, liên quan tới nghi thức khai mạc Đại Hội mà quan trọng nhất là vấn đề treo hay không treo Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ , quốc kỳ của VNCH mà VĐHĐL với các Cựu Sinh Viên  -được quảng bá dưới danh  xưng Thụ Nhân -đã từng được hưởng mọi quyền lợi của một công dân trong một thể chế tự do , thể chế đã mất dạng trên quê hương ngày 30.4.1975 vì bị bức tử bởi bọn xâm lược từ phương Bắc , như giặc châu chấu , tràn vào miền Nam Việt Nam … cưỡng chiếm !
Do đó , một BTC mới được ra đời , BTC cũ chính thức tuyên bố tự giải tán .


Trong danh sách BTC mới nầy tôi thấy tên một  người quen biết từ lâu , mà tôi rất đỗi ngạc nhiên vì đã không biết người quen nầy là một Thụ Nhân . Nên tôi gửi liền điện thư hỏi người quen đó , lúc bấy giờ là 1 trong 4 người sáng lập Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt ( AEUD ) tại Paris , được lập ra để yểm trợ cho Đại Hội nói trên , với sự cam kết sẽ có đầy đủ các nghi lễ nghi thức khai mạc đại hội : chào quốc kỳ , hát quốc ca và một phút mặc niệm ( tôi sẽ trở lại nghi thức nầy sau ) .

- Quá đỗi ngạc nhiên biết chị từng theo học ở Viện Đại Học Đà Lạt . Tôi cũng đã từng… như chị đấy! Nhưng tôi không là Thụ Nhân . Vậy tôi có thể gia nhập Hội của  quý vị chăng ? Tôi hỏi .
- Tôi cũng chẳng ngờ anh cũng từng…như thế ! Lâu nay tôi và các bạn chúng ta chỉ biết anh là một sorbonnard ( sinh viên Sorbonne-Paris ). Người quen tôi trả lời . Được chứ anh ! Hội là Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt mà ! Nào phải chỉ là Hội Thụ Nhân thôi đâu !

Câu giải thích của người quen nầy khiến tôi chưa hết thắc mắc vì xem qua các đại hội cựu sinh viên VĐHĐL được tổ chức trước đó và sau đó , như đại hội 2014 tại Montréal chẳng hạn , cũng đều xưng danh là Đại Hội  Thụ Nhân  Thế Giới ! Cho nên lúc tôi được mời đến dự phiên họp đầu tiên chuẩn bị bầu Ban Tổ Chức cho Đại Hội nầy , tôi cũng lặp lại câu hỏi tương tợ với một Thụ Nhân khác , người đứng ra triệu tập phiên họp sơ khởi :

- Tôi có đủ tư cách dự phiên họp dù không phải là Thụ nhân…chăng ?
- Được chứ ! Vì anh cũng là CSV/VĐHĐL mà  ! Thụ nhân nầy trả lời .


( VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT,  1957 )

- À ra thế ! Các bạn đồng môn và tôi  -có mặt tại Viện từ lúc Viện khởi sự chính thức hoạt động, năm 1958 , cho tới năm 1964-  chẳng có chút khái niệm gì về hai chữ Thụ Nhân . Danh xưng Thụ Nhân nầy chắc chắn chỉ xuất hiện vào năm 1964 , khi khoa Chính Trị Kinh Doanh được chính thức khai giảng trong khuông viên VĐHĐL .  Mãi sau nầy ,  khi thoát khỏi địa ngục trần gian cải tạo của CSBV, vượt biển tìm tự do , định cư tại Montréal tôi mới biết  -qua một Thụ Nhân khác nữa-  rằng hai tiếng Thụ Nhân phát xuất từ Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập , người Cha được các CSV ( dưới danh xưng Thụ Nhân )  -thời ngài làm Viện Trưởng-  vô cùng mến yêu , quí trọng . Vậy tôi có nên hiểu tất cả CSV/VĐHĐL đều phải được coi là Thụ nhân chăng ?

Mới đây thôi ,  một Thụ Nhân ( X )  -Thụ Nhân chót của VĐHĐL ,  một Thụ Nhân chưa đủ một niên học khi Viện bị CSBV bức tử-  viết cho tôi :

“ Tuy hoàn cảnh địa lý cách biệt , nhưng đối với ( X ) , chúng ta cùng là một " gia đình Thụ Nhân " của Cha chung Đức Ông Simon Nguyễn văn Lập ” .

Tôi đã trả lời :

(…) xin (X) chớ quá “ hăng say ” mà đâm ra hồ đồ và cường điệu đấy !
Tôi sẽ có một bài viết về danh xưng “ Thụ Nhân ” sau khi Hội Ngộ Paris 2015 kết thúc .
Trong khi chờ đợi , ( X ) nên biết VĐHĐL chính thức hoạt động vào năm 1958 , sau khi được phép thành lập năm 1957 . Khoa CTKD chỉ ra đời năm 1964 . Danh xưng Thụ Nhân có từ đó và thịnh hành vào thời LM Simon Nguyễn Văn Lập làm Viện Trưởng .
Thời tôi vào Viện chưa có Cha Lập . Thời (X) thì Cha Lập hết làm Viện Trưởng , mà Viện Trưởng là Cha Lý .
Cho nên danh xưng Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt bao gồm tất cả CSV/VĐHĐL,  kể cả Thụ Nhân . Nhưng danh xưng Thụ Nhân không thể bao gồm tất cả CSV/VĐHĐL . Dù không được vinh hạnh tiếp xúc hay diện kiến Cha Lập ,  tôi vẫn nghe tiếng Ngài là bậc chân tu , rất mực yêu thương “ các con ” sinh viên của Ngài .
Nhưng võ đoán Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập là Cha chung của tất cả CSV/VĐHĐL thì không hoàn toàn chính xác đâu !
Cũng như nhóm chữ một “gia đình Thụ Nhân” không bao gồm tất cả CSV/VĐHĐL !
Do đó , danh xưng “ Thụ Nhân ” có tính cách chuyên biệt ( spécifique ) , thường ứng dụng với các sinh viên Chính Trị Kinh Doanh -một khoa như các khoa khác ( Sư Phạm , Khoa Học , Văn Khoa  ) mà  thôi ” .  
{ Thụ nhân X nầy mới lên  3 tuổi khi VĐHĐL chính thức hoạt động với 3 phân khoa Sư Phạm, Văn Khoa và Khoa Học }

Do cách nhìn phiến diện của X kể trên , tôi thiết nghĩ : để giúp cho các CSV vào Viện trước 1964 , nếu dùng danh xưng Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt thì dễ dàng cho họ nhận ra đồng môn hơn . Tôi thấy các hội ái hữu cựu sinh viên hay cựu học sinh đều dùng đích danh  Trường Mẹ ( như Cựu Sinh Viên  Đại Học Luật Khoa , Văn Khoa , Sư Phạm , Cao Đẳng Phú Thọ , Quốc Gia Hành Chánh , Võ Bị Quốc Gia , Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức…Cựu Học Sinh Trung học Petrus Ký , Gia Long , Trưng Vương , Chu Văn An , Jean-Jacques Rousseau , v.v…) mỗi lần tổ chức họp mặt . Ngay khi tổ chức Đại Hội các hội đoàn nầy cũng ra thông báo dưới danh xưng Trường Mẹ .

Không có câu trả lời thích đáng cho tôi từ những “ thụ nhân ” được hỏi lúc đó và sau nầy... về việc tôi nêu lên ngộ nhận phát xuất  từ các “Thụ Nhân” theo học khoa ChínhTrị Kinh Doanh, hầu như nghĩ rằng chỉ có các CSV/CTKD mới là “Thụ Nhân” thôi! Điều nầy khiến các CSV theo học các khoa Sư Phạm, Văn Khoa, Khoa Học phần nào cũng buồn lòng , vì họ cũng là Thụ Nhân , khi sinh viên các khoa thuộc VĐHĐL được gọiThụ Nhân từ năm 1964 trở về sau !

***
Trong một điện thư gửi Y , một Thụ Nhân Văn Khoa sau 1964 , tôi viết:
 “ (…) Viện Đại Học Đà Lạt chính thức hoạt động như một VĐH tư thục từ năm 1958 , dù đã được cấp giấy phép từ 1957 ( do Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đứng đơn xin ) sau khi các sinh viên ban Triết 1 của Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn được chuyển lên VĐHĐL tiếp tục học trình .
( Khởi đầu , năm 1957 , VĐHĐL chỉ có 49 sinh viên theo học lớp Dự bị Đại Học , theo cách thức của Viện Đại Học Louvain - Belgique ).
Lúc bấy giờ , sau khi trường ĐHSP Sài Gòn đã hình thành , do GS Trương Công Cừu làm Khoa Trưởng , Bộ Giáo Dục đã tổ chức thi tuyển thêm sinh viên cho 3 ban Triết , Pháp Văn và Anh Văn  nhằm mục đích lập thêm một trường ĐHSP nữa ( cùng lúc với trường ĐHSP/Viện Đại Học Huế ) ,  giao phó cho VĐHĐL huấn luyện : Trường Đại Học Sư Phạm Đà Lạt ra đời từ đó , Ban Anh Văn vì quá ít tuyển sinh nên được gửi về sáp nhập với Ban Anh Văn trường ĐHSP Sài Gòn ( từ đó trở đi trường nầy hoàn toàn không có Ban Triết nữa ) , trong số có anh Trần Cảnh Xuân , sau nầy là giới chức cao cấp của Bộ Giáo Dục ) . Cùng lúc , Trường ĐHKH và ĐHVK/VĐHĐL cũng đã thu nhận sinh viên . ( KH có Nguyễn Tử Quốc Hùng -PV1- đậu chứng chỉ Toán Đại Cương . VK có Lê Tấn Lộc đậu chứng chỉ Đạo Đức Học và Xã Hội Học và Nguyễn Văn Tốt -Triết 1-  đậu chứng chỉ Lịch Sử Triết Học Tây Phương ) . Các chứng chỉ nầy đều được giảng dạy bằng tiếng Pháp .

Từ năm 1957 , Cha Joseph Trần Văn Thiện là Viện Trưởng ; Ông Trần Quang Diệu là Tổng Thư Ký từ 1959 , thay thế ông Lê Đình Tuế đựợc gửi đi du học ( hậu đại học ) tại Canada . Sư Huynh Pierre dạy Sư Phạm ( pédagogie ) , Cha Bửu Dưỡng dạy Tâm lý học , Cha Alesis Cras ( Đỗ Minh Vọng ) dạy Triết học Đông Phương , Cha Albert-Marie Bernard Pineau dạy Đạo đức học , Cha Boyer dạy Xã hội học , Cha Gauthier dạy Lịch sử Triết học Tây Phương , Mr Piclin dạy Luận lý học và Triết học Tổng quát ( Siêu hình học ) , Mme Etiennette Poirson ,  Mr Cabrière , Mr Damoineau , Mr Bornecque…dạy Văn chương Pháp , GS Trương Bửu Lâm dạy Latin ,  Mr Rioux dạy Lịch sử cho chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa , v.v...Cha Debrook , Quản thủ thư viện.
Tôi không còn nhớ tên các GS dạy ĐHKH...

Nêu lên những chi tiết trên đây , tôi muốn cho thấy một số tài liệu về văn kiện pháp lý hay lịch sử liên quan đến VĐHĐL được phổ biến và đăng tải trên vài website Thụ Nhân là không hoàn toàn đúng như những gì anh chị em sinh viên đầu tiên của Viện đã rõ biết với tư cách là nhân chứng sống mà anh Nguyễn Sanh Biên-PV1, cùng thời với tôi , ( định cư tại Florida ) là một. Chưa kể các nhân chứng khác , như ông cựu TTK/VĐHĐL Trần Quang Diệu ( định cư tại Montréal ), chị cựu sinh viên Chu Kim Long -Triết 1 ( định cư tại Washington DC ) , các anh cựu sinh viên Vĩnh Đễ -Triết1 ( định cư tại Ottawa ) , Nguyễn Ngọc Thọ-Triết 1 ( định cư tại Chicago ), Võ Doãn Nhẫn-Triết 1 , Trần Quang Minh-Triết 1 ( định cư tại San Diego ) , Bùi Phong Quang-Triết 1 , Nguyễn Lộc Thọ-Triết 2 ( định cư tại Nam California ) ; Nguyễn Văn Tốt-Triết 1 ,  chị Lữ Thị Hoài Pháp Văn 1, anh Nguyễn Thành Công , KH 57 ( định cư tại Florida ),  anh Huỳnh Hồng Cẩm , Triết 1 (còn ở lại quê nhà), các anh Nguyễn Tử Quốc Hùng -Pháp Văn 1 , Lâm Võ Huỳnh -Pháp Văn 1 , Bửu Toại-Pháp Văn 1 ( định cư tại Montréal ), Trần Ngọc Thái -Pháp Văn 1, Hoàng Ngọc Biên-Pháp Văn 1  (định cư tại San Jose ) , Hoàng Lý Phúc, Triết 1 ( định cư ở đâu hay còn ở quê nhà , không rõ  ) , v.v…
{ Đó là chưa nói tới một số rất đáng kể các nhân chứng sống khác hiện định cư tại Pháp, như anh Phạm Xuân Ái ( PV1 ) , chị Đỗ Tuyết Sương hay Đỗ Cao Jeanne ( PV1 ) , anh  Phan Như Khuê ( PV1 ), các chị Trương Thị Cúc , Nguyễn Thị Thảo ( PV1 ), các anh chị Nguyễn Thị Lệ Quyên , Triết 1 ( định cư tại Pháp ) , các anh chị Phạm Duy Khiêm , Trần Hữu Đức , Nguyễn Văn Hữu , Chu Trọng Thuyết , Nguyễn Duy Diệm , Trần Đức An , Công Tôn Nữ Tri Chỉ ( Triết 1), hai anh Lê Thành Châu , Trần Xuân Tiên , Triết 1 ( đã qua đời ); các anh chị Nguyễn Văn Sáu , Nguyễn Hoàng Sanh , chị Cécile Nguyễn Thị Bạch Tuyết , chị Đặng Thiên Chi, Pháp Văn 1 ; các anh chị đã qua đời : Phạm Ngọc Đảnh, Triết 1 , Nguyễn Xuân Hoàng , Triết 2 , Ngô Thị Tám , Kiều Văn Chương , Đoàn Thị Mỹ Dung PV1, v.v... và một số ở các nước thuộc Liên Hiệp Âu Châu , tại Hoa Kỳ , tại Úc , v.v…có thể lên tiếng xác nhận những gì tôi viết trong điện thư nầy . Tất cả đều có thể xác nhận Cha Joseph Trần Văn Thiện là VIỆN TRƯỞNG ( chứ không như một số tài liệu “ quả quyết ” Cha chỉ là “ Giám đốc Học vụ - Directeur d’études ) ” ! Đức TGM Ngô Đình Thục là Chưởng Ấn ; sau nầy Đức Cha Nguyễn Ngọc Quang tiếp nối làm Chưởng Ấn....

Tôi xin bổ túc thêm phần nói về Cha Viện Trưởng đầu tiên của VĐHĐL :
Cha Joseph Trần Văn Thiện , cựu “sorbonnard” về Văn Chương Pháp , trước khi nhận chức vụ Viện Trưởng  -do Đức TGM Ngô Đình Thục địa phận Vĩnh Long yêu cầu-  đã là Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long .
Ngài rời VĐHĐL khi được Giáo Hội bổ nhậm Giám Mục địa phận Mỹ Tho } .

Riêng Trường Đại Học Chính Trị Kinh Doanh thì… chỉ ra đời vào năm 1964 ! Và từ đó cho tới ngày 30.4-1975 chỉ võn vẹn có 11 khóa !
(…)
***

Như thế cũng đủ biết, người trong cuộc như tôi mà còn lạc hướng , nói chi đến những ai không am tường về các giai đoạn phát triển của Viện Đại Học Đà Lạt , trước ngày 30.4.1975 !
Nguy hiểm hơn nữa là mới đây một số Thụ Nhân lại tung lên mạng rằng họ muốn tổ chức Ngày truyền thống (?!) tại VN dưới sự chỉ đạo chủ đạo của…CSVN ! Tôi viết tiếp cho Thụ Nhân Y quen biết nói trên :

Và từ đó cho tới ngày 30.4-1975 chỉ võn vẹn có 11 khóa ! Có nghĩa là CTKD chỉ tồn tại 11 năm !  (Riêng VĐHĐL chỉ tồn tại 17 năm , từ 1958 tới 1975 ) . Thế thì  “ nhóm truyền thống ” nầy lại  kỷ niệm 50 năm VĐHĐL ( poster ghi rõ như thế ) là nghĩa lý gì nhỉ ? Phải chăng đám “ thụ nhân trở cờ ” nầy cho rằng VĐHĐL chỉ bắt đầu từ khóa 1 CTKD , năm 1964 : chúng cột thêm số tuổi của Trường Đại Học Đà Lạt / XHCNVN ( từ 1975 tới 2014 ) để “ kỷ niệm ” 50 năm thành lập VĐHĐL !
Rồi chúng cột thêm 39 năm “ khoa ” Quản Trị Kinh Doanh của Trường Đại Học Đà Lạt do một “ Hiệu Trưởng ” VC điều hành để cho là ... “ truyền thống ”của VĐHĐL !  Lại còn gắn lễ giỗ  Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập -Cha chung của các “ Thụ Nhân-cựu sinh viên VĐHĐL ”, theo sự cả quyết của TN X , trước 30.4-75-  vào để cho có...“  chính nghĩa ” thì quả thật là thiếu sự ngay thẳng tinh thần ( honnêteté intellectuelle ), nếu không muốn nói là bất lương đến độ không chút hổ thẹn ( éhonté, sans scrupules ) .
Không “ CHÍNH DANH ” thì quả là có tà ý lươn lẹo . Y như treo đầu dê bán thịt chó ( sự kiện “ lươn lẹo ” nầy hiện nay rất phổ quát trong các hội đoàn người Việt hải ngoại bị Nghị quyết 36 thâm nhập ) .

Nhân tiện, tôi cũng tâm sự với Thụ Nhân Y nầy lý do vì sao nhóm sáng lập Hội mới thay thế cho Hội cũ -lập ra để yểm trợ cho ĐH 2012 tại Paris- đã chấp thuận đề nghị của tôi về danh xưng đầy đủ của Hội :


Do đó , khi một số anh chị em cựu sinh viên đề nghị giải thể Hội CSVVĐHĐL tại Paris ( AEUD ) cũ để khai sinh một hội mới , với danh xưng Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt , tôi đề nghị -và được sự đồng thuận của anh chị em- thêm Việt Nam Tự Do ” ( AEUDVNL ) , như yếu tính cơ bản của Hội .
Vậy mà tôi vẫn phải giải thích và xác định lập trường với hai vị thân hữu cùng lập trường tuyệt đối không hòa hợp hòa giải với VC , dưới bất cứ  hình thức nào ! 

1-Thư trả lời Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại :

Thưa Niên Trưởng ,

Xin Niên Trưởng và quí bạn cứ yên tâm .
Tarzan_VNCH LTL đã chứng kiến nhiều màn gọi là “ phi chính trị ” , sau rốt lòi cái đuôi hồ ly .... phi chính trị rập theo khuôn mẫu ( hay theo chỉ thị ) của  XHCNVN , qua hàng loạt “ nhiêu khê ” trong các hội ái hữu cựu học sinh hay cựu sinh viên ở hải ngoại .
Cho nên khi tái phục hồi sinh hoạt cho Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt cũ , ngoài việc minh xác “ Thụ Nhân ” CHỈ là những cựu sinh viên của VĐHĐL TRƯỚC  30.4.1975 , chúng tôi còn cẩn thận hơn thêm danh xưng VIỆT NAM TỰ DO , cho chẳng ai có thể nhầm lẫn hay cố tình nhầm lẫn rằng các sinh viên của Đại Học Đà Lạt CHXHCNVN có thể là hội viên của Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt-Việt Nam Tự Do , chính thức ra đời ngày 16 tháng 7 năm 2013 mà tôi được hân hạnh đảm trách chức vụ Hội Trưởng đầu tiên .

2- Trả lời " thắc mắc " của Luật Sư Lê Duy San :
( Rất tiếc  tôi lưu giữ nơi nào mà chưa tìm ra...)

Đại khái LS Lê Duy San hiểu lầm AEUDVNL là Hội do “ TN ” XXX bên Paris lập trước khi Hội AEUD ra đời để yểm trợ cho ĐHTN 2012 , nên hỏi tôi có phải Hội “ do anh làm Chủ tịch (...) trở cờ ” chăng khi “ tổ chức ĐHTN 2012 tại Paris ” !
Tôi đã đính chính nói rõ sự “ nhầm lẫn ” đó . Và khẳng định “ Hội chúng tôi không có Chủ tịch Ban Chấp Hành , mà chỉ có Hội Trưởng . Nhưng có Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị . Và nhóm chữ Việt Nam Tự Do đã tỏ rõ lập trường chính trị của chúng tôi ” .  LS Lê Duy San trả lời như thế thì ông rất yên lòng !

Hôm nay được dịp bộc lộ tâm tình cùng anh , tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng.
Rất mong gặp lại anh chị trong Đêm Hội Ngộ Paris 2015 -trọng điểm thiết yếu của Hội CSVVĐHĐLVNTD, khơi mào cho các chuyến landtour và cruise ( như là phần phụ diễn văn nghệ , để ACE tiếp tục hàn huyên khi du lịch và du ngoạn ).

Bây giờ tôi nghĩ nhóm anh em sáng lập nhận ra vì sao tôi đã hết sức thuyết phục được anh em cần phải có nhóm chữ Việt Nam Tự Do để xác định ngay từ khởi điểm lập trường dứt khoát của Hội đối với nhóm Thụ Nhân trở cờ mưu toan lấy điểm với bọn CSVN -mafia đỏ- bằng chiêu bài xảo quyệt đến mức tinh vi : nối kết VĐHĐL/VNCH với Trường Đại Học Đà Lạt/XHCNVN , xuyên qua thủ thuật quỷ quyệt hòa hợp hòa giải dân tộc , độc kế bẫy sập của Nghị quyết 36 nhằm phá nát các hội đoàn Người Việt Quốc Gia tại hải ngoại…
***

Để tạm kết bài viết, tôi xin được phép trình bày nhận định nghi thức ( rites ) chào quốc kỳ , quốc ca và phút mặc niệm , khi các cuộc tổ chức họp mặt CSV/VĐHĐL ( thường với danh xưng Thụ Nhân )  có nghi lễ ( protocole ) chào quốc kỳ :

Về nghi lễ chào quốc kỳ và hát quốc ca, tôi nghĩ rằng hầu hết anh chị em CSV đã có đầy đủ kinh nghiệm , hoặc với tư cách cá nhân ( đã đứng ra tổ chức ) , hoặc đã tham dự những buổi tổ chức của các đoàn thể có cử hành các nghi thức ( rites ) nầy . Cho nên tôi chỉ muốn nói rõ hơn về Phút mặc niệm .


1-Nếu không có nghi lễ chào quốc kỳ và hát quốc ca thì chúng ta chỉ tưởng niệm quí vị tu sĩ , thầy cô , đồng môn , thân hữu , v.v… đã vĩnh viễn ra đi .
Nhưng nếu có tiếng hát quốc ca vang lên khi chúng ta chào quốc kỳ thì phút mặc niệm chỉ dành để mặc niệm những ai đã bỏ mình ( hy sinh ) vì Tổ Quốc , trong đó các chiến sĩ đã góp xương máu và mạng sống để bảo vệ quê hương cần được xướng lên trước nhất, ( bao gồm cả quí tu sĩ, giáo sư, đồng môn, thân hữu, v.v…) , vì danh từ chiến sĩ   (combatants) không chỉ hạn chế trong hai chữ quân nhân ( soldats, militaires ). Chúng ta chắc  hẳn đã nghe qua gọi phục vụ dưới cờ ( appelés sous les drapeaux ) và chết dưới cờ  hay gục ngã trên bãi chiến danh dự ( morts sous les drapeaux ou tombés au champ d’honneur ) . Kế đến là quí đồng bào đã vĩnh viễn nằm xuống vì tranh đấu cho lý tưởng tự do, kể cả đồng bào qua đời khi lên đường tìm tự do…
( Chứ nào phải mặc niệm những quí vị qua đời vì lý do bịnh tật hay già yếu ! ) .
Các nghi thức nầy có tính cách quốc tế  -ít là đối với thế giới tự do-  vì liên quan đến sỉ diện các quốc gia . Làm không đúng cách là lẫn lộn sở thích cá nhân chuyên biệt với các nguyên tắc cơ bản khi cử hành nghi lễ trọng đại chào quốc kỳ .
2-Theo thiển ý , sau các phần nghi thức bắt buộc tuân thủ kể trên , chúng ta có thể du di thêm phần một phút tưởng niệm như đã nêu trên .
Người viết mong những ý kiến thô thiển của mình được quí anh chị em CSV/VĐHĐL trước 30.4-1975 quãng đại đón nhận .
Thôn trang Rêu Phong, Xứ Tuyết Canada, chớm thu 2015
Lê Tấn Lộc
Triết 1, ĐHSP/VĐHĐL (1958)
===========================================================================
*Source: Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt Việt Nam Tự Do ( AEUDVNL ) http://hcsvvdhdalat.com/
===============================================================





















































































No comments: