Thursday, December 4, 2008

Nhìn những mùa xuân đi...

Nhìn những mùa xuân đi...




Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay!


Tân mở quyển nhật ký may mắn thoát khỏi cơn truy lùng tìm diệt “tàn tích đồi trụy của Mỹ Ngụy” do đám công an văn hóa kách mệnh Bắc Bộ Phủ chủ xướng, dưới sự tiếp tay điềm chỉ của bọn trí thức thiên tả dỏm, theo đóm ăn tàn, tục gọi lũ kách miệng ba mươi tháng tư…Tất cả hành trang vượt trùng dương tìm tự do của Tân đã gửi lại trong lòng biển cả, quyển nhật ký là “tàn tích” duy nhất Tân còn giữ được trong tay, sau cơn hồng thủy trên quê hương tan tác và sau những đợt sóng thần đã cuốn phăng hàng muôn vạn sinh linh khốn cùng khỏi những con tàu định mệnh -những con tàu tưởng đã giúp họ thoát được kiếp lưu đày trên chính đất nước của họ- để dìm sâu họ xuống đáy biển ngàn đời u tối, giá băng …
Quyển nhật ký đã theo Tân suốt thời gian nhục nhằn bức bách trong lao tù CS, tiếp tục bầu bạn với Tân ngày Tân rời trại giam nhỏ bước vào nhà tù lớn Xã Hội Chủ Nghĩa, cùng Tân hành trình lướt sóng biển Đông trôi dạt vào đảo Galang “cửa ngõ của Tự Do và Tình Người” trước khi Tân được Xứ Tuyết, vì lòng nhân đạo dang tay đón nhận, cưu mang đùm bọc cùng với hàng hàng lớp lớp thuyền nhân Việt Nam liều chết vượt thoát gông cùm của chính đông bào họ đi tìm đất sống...
-o-o-o-

Thân đất khách một mình xui nhớ
Hương đêm dần dần nở khúc thương…


*Xuân “Cách Mạng” (Ất Dậu 1945)
Những tầm vông vạt nhọn
những bầy chân đi trần
những lỗ mắt ngời ngời
những rừng đèn chai đứng dậy trong đêm khuya
đòi giải phóng
tự do
độc lập

Ngày ấy, tôi và Kiệt -đứa em út kế tôi- chuẩn bị cắp sách đến trường, bỗng dưng nghe tiếng giày đinh nện đều trên mặt lộ Lamothe de Carrier, trước tiệm mộc của gia đình, như ai đang lắc một xô nước đá nghiền nhỏ: rộp! rộp! rộp! rộp!
Từng đoàn người mặc quân phục, mũ lưỡi trai ba mảnh vải buông thõng che tai và ót, đội ngũ chỉnh tề, súng trường cầm tay -lưỡi lê tuốt trần cắm trên đầu súng- chiếm trọn mặt đường, nối đuôi nhau chạy lúp xúp về hướng Toà Bố (Toà Hành Chánh với Dinh Tỉnh Trưởng) và khu Cư Xá của Tây “thực dân”…
Khi đoàn quân “con mặt trời” xâm chiếm Bạc Liêu (là xứ quê mùa, Dưới sông cá chốt trên bờ tiều Châu) khuất dạng trên bến xe đò, cuối đường La-mốt-đờ-ca-ri-dê, một số dân bản xứ túa ra mặt lộ, tranh nhau thu lượm quân trang quân dụng -kể cả súng ngắn- rơi rớt trên đường tiến quân của quân đội Nhật hoàng; những thứ sau nầy được trang bị cho kháng chiến quân chống Pháp. Biến cố “Nhựt Bổn đảo chánh”, ngày 9 tháng 3 năm 1945 khơi mào cho khói lửa nhen nhúm, để rồi không bao lâu lan rộng khắp quê hương tôi…Vài mươi thi thể ông Tây bà Đầm bị cứa cổ nằm rải rác quanh hồ tắm công cộng, máu động vũng tuôn chảy nhuộm đỏ mặt hồ. Người bảo Nhựt giết, kẻ bảo đồng bào ta trả thù đám Tây tà lâu nay hà hiếp dân lành.
Khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt với sự đầu hàng của Nhựt, Pháp trở lại Đông Dương. Họ không quên đồng bào họ bị sát hại, thẳng tay trừng phạt đồng bào ta để báo thù. Có thể đó là một trong những nguyên nhân chính đưa đến “Cách Mạng Mùa Thu, toàn quốc kháng chiến”. Với chủ trương ”vườn không nhà trống”, nhà cầm quyền lúc bấy giờ kêu gọi dân chúng tản cư:
Lệnh truyền kháng chiến vô bưng,
Ruộng vườn triệt phá giặc đừng thu quơ

*Xuân Khói lửa (Bính Tuất 1946)
Kẻ già cõng người bồng con dại
Dân tản cư ùn chạy bỏ thành

Gia đình tôi hưởng ứng lời kêu gọi, tạm lánh nạn về Trà Kha, Trà Khứa, rồi rút xa hơn nữa về Béc-Heng, một vùng đất hoang vu, nơi làng Việt tiếp cận sóc Miên, rất xa Châu thành Bạc Liêu. Hai anh tôi, người cầm súng giết giặc, kẻ xung vào đội Võ Trang Tuyên Truyền, động viên tinh thần đồng bào ủng hộ kháng chiến; chị tôi gia nhập đoàn Nữ Cứu Thương. Tôi và cậu em út xung vào đội văn nghệ lưu động “giúp vui chiến sĩ và đồng bào”, nhân tiện cổ võ họ đóng góp tiền bạc, quần áo, thực phẩm “nuôi quân”. Hai anh em tôi vừa ca vừa múa, quyên tiền như sơn đông mại võ: Mừng xuân ánh sáng bốn phương (ánh sáng bốn phương) tràn lan đất nước (tràn lan đất nước) ánh sáng ngày xuân (ánh sáng ngày xuân) chiếu ngàn năm…Xuân đầu tiên của chúng tôi trong bưng biền tràn ngập khói súng, bom đạn thường xuyên gieo rắc tang tóc, điêu linh…
Thuở ấy đám con nít chúng tôi còn quá non trẻ để thắc mắc vì sao lá cờ vàng ngôi sao đỏ của Thanh Niên Tiền Phong bỗng nhiên một sớm một chiều biến mất và cờ đỏ ngôi sao vàng của Việt Minh rộ nở khắp bưng biền, nơi dân chúng lánh nạn ẩn náu sau khi rời bỏ kinh thành do bộ máy cai trị của thực dân Pháp kiểm soát.
Theo đà truy lùng, càn quét của lính Tây, gia đình tôi chất nhau lên ghe chạy giặc, cùng với đoàn ghe tản cư chèo miết tới Chắc Băng, Cạnh Đền, gần miệt U Minh. Tại đây, một cán bộ Việt Minh đề nghị tôi ca diễn bài hát “Mắng Lê Tắc”. Tôi thích chí “lột hết khả năng diễn xuất” bắt thằng em út tôi quì gối thủ vai Lê Tắc nghe tôi hùng hỗ miệt thị: Mi nghe chăng hỡi ai tham mồi phú quí quên non sông/ Hãy nghe đây lời ta mắng muôn năm/ Sao nỡ đành đem người ngoại quốc ác tâm /xâm chiếm quê hương nhà sát tàn nòi giống?/ Loài bán nước/ loài buôn dân/ loài phản quê hương/ Nguyền rủa tên bọn mi khắp nơi muôn đời…Dân tản cư hoan hô nồng nhiệt, hăng hái ủng hộ quỹ “nuôi quân”.
Sau buổi văn nghệ “lạc quyên”, cán bộ cao cấp kể trên nhiệt liệt khen tặng và thuyết phục (đúng hơn, khuyến dụ) tôi nối chí “thiếu niên anh hùng kháng chiến” Lê Văn Tám tẩm xăng châm lửa, nhào vô kho đạn Thị Nghè cho nổ tung! Tôi đã xiêu lòng muốn nghe theo, chờ “ngài” cán bộ giao công tác “hy sinh cho kách mệnh”. May thay, trước vô số vụ cuồng sát đồng bào tản cư bị tố khổ Việt gian (cho đi mò tôm, mổ bụng dồn trấu, chôn sống, thiêu sống, xử trảm rồi bêu đầu thị uy, đập đầu thả trôi sông v.v…) gia đình tôi kinh hoàng tìm đường hồi cư, chèo ghe về hướng Rạch Giá để tránh bị nghi “trốn về thành”, bỏ lại sau lưng hàng vạn đồng nghiệp, láng giềng cùng đi tản cư trước đây, lớp bị độc đoán hành huyết vô căn cứ, lớp bỏ mình trong các cuộc giao tranh với lính Tây vì cái mà họ tin tưởng là… “lý tưởng cách mạng”. Cũng như tôi đã vội tin vào sự hy sinh cao quí của anh hùng Lê Văn Tám cho “sự nghiệp kách mệnh” mà mãi sau nầy ai ai cũng rõ là một bịa đặt hoàn toàn của đảng Lao Động VN thời đó!


Một mùa xuân đi qua, cuốn theo hàng muôn vạn sinh linh đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi tầng lớp…Xém chút đã lôi theo cậu bé chưa hưởng trọn vẹn 11 mùa xuân, được nhồi nhét chí cốt lý tưởng anh hùng cách mạng…dỏm!

*Xuân kinh hoàng (Mậu Tý 1948)
Tiếng hét thảm thiết chạy dài từ đầu kinh đến cuối kinh trong
đêm bất tận
“aaaaaa!!!Trời ơi đừng giết tôi! aaaaaa!!!...”

Chiếc ghe tam bảng, căn nhà lưu động của gia đình tản cư chúng tôi tròng trành theo lượn sóng nhấp nhô dưới ánh trăng lưỡi liềm nhỏ rít, yếu ớt của đêm mùng ba Tết. Ăn cơm tối xong, cả nhà chuẩn bị lên bờ thăm viếng bà con tản cư thì bỗng nghe tiếng loa kêu gọi đồng bào tập trung trước sân đình làng Hốt Hỏa (địa danh một vùng hẻo lánh thuộc tỉnh Rạch Giá) coi “chặt đầu Việt gian”! Ba tôi vội thổi tắt ngọn đèn dầu leo lét trong khoang ghe, ra dấu cho cả nhà nằm im, như tất cả đều đã ngủ say. Ông không muốn chúng tôi chứng kiến thêm lần nữa cảnh máu đổ, đầu rơi của đồng bào mình dễ dàng bị ghép tội Việt gian, một hiện tượng quá ư thịnh hành trong thời buổi nhiễu nhương, củi quế gạo châu…
Tiếng chân người thình thịch dẫm trên con đường đất ven sông, dẫn tới nơi hành hình vang dội trong đêm thanh vắng. Ánh đèn chai cho thấy 4 người đàn ông bị trói thúc ké, đầu bù tóc rối, mặt mũi sưng húp, tím bầm, khập khễnh lê bước. Theo sau là đoàn người hung hãn, áo quần đen, khăn rằn quấn đầu, dao mác, gậy gộc tua tủa. Tôi thoáng thấy chú Tư Hơn, tay lăm lăm con dao phai, chỉa vào lưng các tử tội, thúc họ bước nhanh. Chắc hẳn chú được chỉ định làm đao phủ thủ. Không thể ngờ con người rất hiền hoà, luôn rộng tay đón nhận, giúp đỡ dân tản cư, sẵn sàng cho họ tá túc trong nhà mình, buổi đầu họ chân ướt chân ráo đến nơi tạm cư lánh nạn, đêm nay lại đằng đằng sát khí đến thế dưới ánh đèn chai bập bùng…
Từ pháp trường vang lên từng chập tiếng la thất thanh chen lẫn tiếng nguyền rủa của một tử tội: “Tổ cha tụi bây! Bây chém tao hơn chục nhát rồi mà đầu tao cũng chưa rơi! Trời ơi là trời!”…
Con dao cùn làm cá chém đến chiếc đầu thứ tư phải cứa
qua cứa lại nhặp nhằn
tiếng hét thảm thương của con heo bị thọc huyết túa ra trên
kinh dài hỗn loạn
họ không có thì giờ để rèn dao giết người

Chợt có tiếng la ó kêu cứu ầm ỉ chen lẫn tiếng vật lộn huỳnh huỵch… Dưới ánh đuốc chai ma quái một cảnh tượng ghê rợn từ nay trở đi sẽ ám ảnh tôi suốt đời: Đao phủ thủ Tư Hơn, mắt đỏ ngầu, sùi bọt mép, quơ con dao cùn vấy máu, hét to: “Chém hết tụi Việt gian! Chém hết tụi Việt Gian!”, rượt chém loạn đả đám đông. Bọn người quấn khăn rằn tức tốc vây chặt tên điên loạn, chỉa súng buộc hắn buông dao, hè nhau đè hắn xuống đất trói gô. Chém xong tử tội thứ tư, chú Tư Hơn, một nông dân xưa nay hiền lành, chất phác, hiếu khách đối với cư dân vùng đất hiền hoà Hốt Hoả, bùi tai vì “sự nghiệp kách mệnh của nhân dzân ta”, phút chốc đã say máu, biến dạng thành một phần tử cuồng tín, khát máu, mù quáng trung kiên với “kách mạng”…
Đêm trở lại yên tĩnh. Một mùa xuân vấy máu vừa lố dạng, hứa hẹn nhiều máu lửa càng lúc càng cuồng nhiệt, ghê rợn. Bốn chiếc đầu lâu mắt trừng, miệng há lăn lốc trên mặt đất loang lổ vết máu khô quánh, chờ được mang đi bêu chốn thị tứ để hù dọa những ai không theo cách mạng. Sân đình làng lẽ ra nồng nàn hương khói lại sặc mùi máu tanh!

*Cuối Xuân Mậu Tý,
hồi cư bàng hoàng …

con chim nhỏ bé dám ca câu sấm thì:
Cuối xuân năm Mậu Tý tướng quân mang kiếm về…

Đêm Giao thừa không tiếng súng. Lác đác vài tiếng pháo nổ đì đẹt, gọi là cho có vẻ giữ lệ tống cựu nghinh tân. Quê hương vẫn còn chìm trong khói lửa ngút ngàn. Bất ngờ… người anh đầu đàn của tôi rón rén xuất hiện giữa lúc gia đình đang quay quần bên mâm cơm đạm bạc chờ đón tân xuân. Mọi người lặng lẽ rơi nước mắt, ôm chầm lấy anh, người anh đầu đàn trở về từ bưng biền, hốc hác, thất thần…Nhắp chung rượu xuân cho cơ thể bớt co thắt, anh tôi cố gắng bình tĩnh kể:
“Thưa ba má! Con bất hiếu mang tấm thân tàn ma dại về đây, sau khi lùng kiếm không kết quả đứa em con thất lạc sau vụ Tây oanh kích vào đội Võ Trang tuyên Truyền của nó, là vì con muốn mọi người trong gia đình biết qua những thử thách đau thương mà con đã trải qua, khiến con không còn lòng dạ nào chiến đấu dưới sự chỉ đạo của nhóm cán bộ khát máu đang tự tung tự tác trong bưng biền…
Đêm mùng ba Tết vừa rồi, tại Chắc Băng, bọn nầy phóng hoả thiêu sống cả ngàn người Việt, Miên cùng toàn bộ gia đình họ, bị dồn nhốt chật cứng một lẫm lúa khổng lồ vì tình nghi họ hợp tác với Tây… Tiếng kêu khóc van xin đinh tai điếc óc, mùi da thịt khét lẹt làm mọi người chứng kiến màn nướng thịt người nghẹt thở, té ho sù sụ! Con và anh em trong đội của con bị bọn chúng tước khí giới trước khi chúng thẳng tay tàn sát đồng bào…
Họ không có thì giờ để cắt cổ từng người một…
Hôm sau, đêm mùng bốn, tại Cạnh Đền, bọn nầy bắt cả đội tụi con áp tải hơn 500 người bị trói thúc ké, bịt mắt, ra bờ sông cho chúng dùng phảng chém đầu, bồi thêm chày vồ… Suốt đêm, con phải sống với tiếng người ơi ới kêu la, chửi bới vì chưa thiệt chết đã bị tống xuống sông cho dòng nước cuốn phăng!... Họ không có thì giờ đào những lỗ huyệt tập thể…
Và mùi máu tanh đã theo con chui vô nóp ngủ, liên tiếp nhiều đêm liền. Con phát điên. Con phải vượt khỏi cõi âm ty do bọn nầy tạo dựng trên làng xóm hiền hoà, nhân ái của chúng ta, nếu con không muốn loạn thần kinh giết hết bọn chúng hoặc bị lây bịnh giết người không gớm tay như chúng!...
Những người mất đầu vì cuốn văn phạm ngoại ngữ
Những người bị mổ bụng vì mặt biên áo trong có in ba màu

Có tiếng kêu mở cửa gấp rút: Hai người mặc đồ đen, một nam, một nữ dìu một bộ xương người còn thoi thóp thở …Đứa em Võ Trang Tuyên Truyền của anh cả tôi cuối cùng còn sống sót tìm về tổ ấm! Cả nhà xúm lại đỡ anh xuống ghế bố. Anh nằm im lìm, không còn hơi sức chào hỏi gia đình. Bịnh kiết lỵ đã tước khả năng đi đứng của anh.
Người con gái vắn tắt cho biết cô đã tháo cũi sổ lồng cho người yêu và ông anh tôi thoát khỏi trại giam tử tội chờ ngày thọ hình. Anh ấy bị kết tội đã lên tiếng phản tuyên truyền chủ trương “tận diệt Việt gian” của kách mệnh, sau khi chứng kiến hàng trăm vụ xỏ xâu đồng bào, kết thành từng bè cho đi “mò tôm”…
Lũ tôm chực sẵn bên bờ sông
Lũ tôm-ăn-thịt-người
Lũ người-ăn-thịt-tôm-ăn-thịt-người
Lũ người-ăn-thịt-người-ăn-thịt-tôm-ăn-thịt-người

Người yêu của cô gái đột nhiên ú ớ bật khóc! Cả gia đình sững sờ nhận ra… chú chín Xuân của chúng tôi, câm điếc từ thuở lọt lòng mẹ. Chú theo kháng chiến giúp khuân vác lương thực, tãi đạn. Một hôm, giữa đêm chú ra bìa rừng hút thuốc giải khuây, đi lạc qua khu vực đóng quân của một đơn vị khác. Lính gác hô to: “Đứng lại! Dơ tay lên!” Chú tỉnh bơ xâm xâm tiến bước…Hỏi mật hiệu, chú vẫn đường ta ta cứ đi… Bị bắt về trạm kiểm soát thẩm vấn, chú chỉ biết cười cười phát âm “ụ à ụ á dễu dễu ”. Tình nghi chú dọ thám cho Tây, họ tra khảo chú chết đi sống lại đôi ba lần…
Người câm bắt buộc phải trả lời
những tội phạm họ không bao giờ đủ khả năng nghĩ tới
Người điếc bị đánh đơ xương sống
vì không nghe được người ta hỏi gì

Một mùa xuân đẫm máu nữa lại vừa âm thầm đi qua, lôi theo sự ê chề, thất vọng của những người tưởng rằng mình tranh đấu vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho giống nòi… Chiêu bài giải phóng đất nước khỏi ách tham tàn của thực dân Pháp do nhóm chỉ đạo đảng Lao Động VN rầm rộ hô hào, thực chất chỉ giản dị là một cuộc đấu tranh giai cấp rập khuôn Mác-Lê, nhằm tiêu diệt mọi giai cấp, chuẩn bị cho giai cấp vô sản độc quyền chuyên chính!

Cuối xuân năm ấy, cả gia đình tôi đau lòng rời bỏ “xứ quê mùa” yêu thương đang chìm đắm trong lửa đạn tơi bời, tái định cư tại Vĩnh Long, một thị trấn bốn bề có sông rạch bao quanh. Cậu bé 11 tuổi, năm xưa suýt trở thành “anh hùng” kiểu Lê Văn Tám…dỏm, ngoan ngoản trở lại băng ghế nhà trường, dốc lòng chăm chỉ học hành. Các hoài niệm thương động thời tản cư dần dà đi vào quên lãng…
Tuổi thơ vẫn sẵn lòng quên những phát súng những mũi
dao của bọn người lớn

Cho tới khi cậu bé chuyển sang trường Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) tiếp tục học, có dịp chứng kiến các cuộc biểu tình “chống bắt lính” của học sinh, *Xuân Giáp Ngọ (1954). Các hoài niệm đau thương tưởng đã phôi pha theo năm tháng lại chập chờn trong đầu cậu. Xảo thuật kích động học sinh bãi khóa khiến cậu có cảm tưởng “đã thấy qua rồi” (impression du déjà-vu): Trước mắt cậu, nhóm học sinh cầm đầu vào trường xách động các lớp bỏ học , các thầy cô ngưng giảng dạy cho học sinh tham gia biểu tình (thuở ấy chưa có danh từ “xuống đường”) hành sử y như các cán bộ Việt Minh hô hào đình công, bãi thị ở Bạc Liêu, năm nào! Tình cờ cậu khám phá một giáo sư của cậu là linh hồn của cuộc biểu tình chống bắt lính nầy. Ông thầy nầy sau đó đứng hẳn về phía “kách mệnh”, sau vụ Tết Mậu Thân…
*
* *
*Xuân “Thanh Bình” mong manh (Kỷ Hợi 1959)

Ngày xưa em qua đây
Cho tình tôi chớm nở
Như chân chim muôn thuở
In mãi bậc thềm rêu

Chiếc xe lửa phì phò phun khói đen từng cụm, nặng nhọc bò lên triền núi gần như thẳng đứng trên đường rầy có răng cưa (crémaillère) móc giữ cho khỏi tuột dốc. Chánh phủ tiết kiệm công quỹ, trưng dụng một toa xe đưa 30 sinh viên ban Triết Đại học Sư phạm Sài Gòn, giữa niên khóa, lên Đà Lạt tiếp tục học trình, thay vì cấp kinh phí cho họ đi xe đò, đắc hơn đi tầu hoả. Cảnh trí chung quanh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Hứng chí, tôi cầm guitare đệm nhạc cho cả nhóm hòa ca vang rền… Sau hiệp định đình chiến Genève, ngày 20 tháng 7 năm 1954, miền Nam liên tiếp hưởng được mấy mùa xuân không tiếng súng, an bình, thịnh vượng…
Anh chị em sinh viên chúng tôi vừa ăn Tết xong ở Sài Gòn, một cái Tết rất vui nhộn, có pháo nổ, có lân múa, có mai vàng, dưa hấu, bánh tét, bánh chưng, kẹo mức, hoa quả v.v…Nhộn nhịp vô cùng. Đà Lạt có vẻ quá yên tĩnh đối với chúng tôi. Nhưng thành phố cao nguyên mù sương nầy lại là nơi hẹn hò lý tưởng của những cặp tình nhân lãng mạn, là nơi gặp gỡ tuyệt vời của tao nhân mặc khách…Ôi! Đà Lạt là thơ… Ai lên xứ Hoa Đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi…
Hoàng,
bạn cùng khóa, ban Pháp văn và tôi quyết định rời khu nội trú Viện Đại học Đàlạt, dọn ra thuê chung một gác trọ trên đường Phan Đình Phùng cho được thoải mái hơn. Hoàng thích vẽ, tôi thích nghe nhạc cổ điển Tây phương nên khó tuân giữ giờ giấc qui định trong khu nội trú. Vả lại hai đứa thường lang thang trên đường phố Đàlạt về đêm tìm hứng -Hoàng để vẽ, tôi, để suy gẫm- khi trên đồi thông, lúc bên bờ hồ…Chiếc Vespa tôi chở theo trên xe lửa quá đắc dụng cho những cuộc dạ hành không giờ giấc nầy. Cuộc sống hai gã con trai độc thân bình lặng trôi đều cho đến lúc một giai nhân mà dung nhan và dáng dấp phảng phất ít nhiều phong thái của nữ-bá-tước-chân-trần (la comtesse-aux-pieds-nus) Ava Gardner xuất hiện như giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần, tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ…Than Thở khi mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng…
Tú, tên giai nhân bên bờ hồ, khẽ gật đầu đáp lời chào xã giao của Hoàng, lơ đễnh liếc nhìn tôi tần ngần dựng chiếc Vespa, chưa biết có nên bước tới làm quen với người em sầu mộng hay không. Nhìn tôi bối rối thấy rõ, Hoàng nắm tay tôi kéo tới trước người đẹp giới thiệu:
-Đây là Tú, láng giềng của tao ở Phú Nhuận. Còn thằng thỏ đế nầy là Tân, “triết-gia-phù-thủy-tập-sự”, bạn cùng trọ với tôi. Mầy chào Tú đi chứ! Làm gì đứng chết trân như trời trồng vậy! Bị sét đánh á khẩu hả? Đúng là dân philo-folie! Mời Tú lên ngồi giữa hai thằng tôi. Lâu lâu chở ba giỡn mặt chính quyền chơi. Đèo Tú về nhà thay đồ, mình đi kiếm gì ăn cho vui.
Cố tập trung lái, tôi vẫn không thể không bồn chồn lo lắng hai thằng làm gì có tiền trả bữa ăn với Tú. Tiền trọ vẫn chưa thanh toán, chờ lãnh học bổng hàng tháng. Đã thế Hoàng còn đề nghị rủ nguyên băng Lưu-Quang-Trinh-Tấn-Thu đến nhà hàng Chic Shanghai “chung vui”! (Vui chung rồi mạnh ai nấy trốn chăng?) Đúng là điếc không sợ súng!

Cả bọn, trừ tôi lái xì-cút-tơ, đạp xe tới biệt thự Rosalie, cuối đường Phan đình Phùng. Y như đoàn quân hầu cận chuẩn bị “hộ giá” Công Nương! Tú đứng chờ sẵn trước cổng. Đột nhiên một chiếc Falcon bóng loáng lao thẳng vào chúng tôi, thắng gấp. Một gã đàn ông ăn mặc sang trọng, bước xuống xe, hầm hầm xốc tới kênh kiệu nghinh ngó bọn tôi, đoạn tiến về hướng giai nhân, choàng vai mỹ nhân, định dìu lên “long xa” Cờ Hoa. Tú trừng mắt hất tay gã, bước thẳng về chiếc Vespa, ngồi hẳn lên yên sau. Tôi gấp rút nổ máy phóng đi, đoàn xe đạp nối đuôi như một đám rước! Gã đàn ông sạm mặt, cung tay quơ quả đấm về hướng tôi…
Suốt bữa tiệc, Tú gần như hoàn toàn im lặng, thỉnh thoảng mỉm cười, nụ cười “bí ẩn” của La Joconde, nhưng đôi mắt không cười theo, luôn trầm buồn, xa vắng. Đôi lúc nhìn lén nàng, tôi ngờ ngợ Tú cũng có nhìn trộm tôi! Mắt, môi Tú hình như toát ra “cái gì đó” xoáy sâu tâm can người đối thoại, dù Tú hầu như không bao giờ xen vào câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi. Mãi nghĩ vẩn vơ, tôi quên mất bận tâm tiền đâu trả bữa ăn! May thay, hình như tất cả hàng quán trên miền đất lạnh nầy đều được yêu cầu “ghi sổ” mọi chi tiêu của nữ-bá-tước-chân-trần chuyển về biệt thự Rosalie: Tú là người duy nhứt thừa hưởng tài sản kếch sù do ông nội để lại theo di chúc…
Hôm sau, Tú hẹn chúng tôi ở Café Tùng. Không hiểu vì sao chỉ mình tôi đến điểm hẹn. Chúng tôi vừa bước ra cửa quán, gã đàn ông hôm qua sấn tới nắm tay Tú lôi đi. Tú vùng vẫy gỡ tay níu, hắn giận dữ tát tai nàng. Tôi vội vã buông chiếc Vespa ngã lăn bên vệ đường phóng tới. Thấy tôi có thể xông vào can thiệp Tú ra tay trước, giáng cho hắn một cái tát đổ lửa, sẵn trớn xô hắn ngã bật ngửa trên dãy bàn cà phê ngoài hiên quán, cặp kính cận của hắn văng xuống thềm gạch bể nát…
Chẳng rõ vì sao tôi chở Tú thẳng tới Viện Đại học Đà Lạt, đưa nàng vào luôn lớp Triết đang nghỉ giải lao chờ đổi giờ học môn khác. Các bạn đồng liêu áp tới vây khổn Tú, hỏi han về môn nàng theo học ở Đại học Văn khoa Sàigòn (vì tôi trót giới thiệu “sảng” nàng học dư bị văn khoa với tôi, để nàng đỡ ngượng đột ngột xuất hiện cùng tôi giữa đám “thư sinh lều chõng” nghiêm túc như các chủng sinh!) Tú rảo mắt tìm tôi cầu cứu tới giải vây…

Khi nắng vàng bắt đầu mờ nhạt sau lớp sương mù se lạnh, giăng mắc lụa lê thê trên các ngọn thông đong đưa theo làn gió thoảng trong khuôn viên đại học, không hiểu sao tôi đưa Tú về gác trọ Phan Đình Phùng thay vì đưa nàng về biệt thự Rosalie… Và lạ lùng thay, Tú không chút do dự theo tôi bước lên cầu thang rập rình, dốc ngược lên trời, dẫn tới căn gác xép gắn ghép vào vách tường mặt sau căn phố lầu của chủ cho thuê, trông như treo chênh vênh giữa không trung!
Gác trọ tuy chật hẹp nhưng bàn tay nghệ sĩ của Hoàng đã biến thành một căn phòng rất trật tự ngăn nấp, có kệ sách như một mini-thư viện, bàn viết, giá vẽ, máy hát dĩa, bàn cà phê…Hai chiếc ghế bố nhà binh ghép chung, kê sát góc tường làm chỗ nghỉ lưng cho hai chàng trai tơ khá lập dị.
Tú ngồi bất động nơi bàn cà phê, cúi nhìn…sàn gỗ, thỉnh thoảng ngước nhìn chân dung nữ tài tử điện ảnh Ava Gardner do Hoàng phát họa treo gần kệ sách. Đối diện Tú, tôi cũng ngồi im, ngước nhìn…trần nhà! Hai tách trà đã nguội lạnh từ lâu. Chẳng ai nói với ai lời nào. Trên máy hát dĩa, một mẩu giấy con của Hoàng: “Tao đi nghe récital dương cầm của Supitra, rất khuya mới về”.
Sau bữa ăn ở Chic Shanghai, trên đường về Hoàng kể chuyện gã đàn ông đã hung hăng lái xe đâm sầm vào chúng tôi trước nhà Tú: Gã là bác sĩ, đã theo đuổi Tú từ lúc nàng mới lên 16, đang học lớp seconde ở Yersin. Tú mồ côi cha rất sớm, mẹ tục huyền. Dượng ghẻ rất ác cảm với chị em Tú, nhứt là với Tú. Nàng cũng muốn nhận bừa lời cầu hôn của tay đốc-tờ nầy để thoát khỏi không khí ngột ngạt trong gia đình. Nhưng khổ nỗi nàng không ngửi nổi cái kênh kiệu, cái thô tục của hắn. Hắn nghĩ rằng cứ vãi tiền ra là muốn cái gì cũng được. Chưa chi hắn đã muốn xử sự như Tú là vợ của hắn. Cho nên Tú đã cho hắn một bài học thích đáng.

When I fall in love…It will be for ever…So I never fall in love…Giọng ca truyền cảm, đắm đuối của Nat King Cole từ máy hát bay ra trầm buồn. Tú và tôi không một lần nhìn nhau, không một lần nói với nhau bất cứ điều gì, lặng im nghe nhạc cho đến khi đã quá khuya. Chúng tôi lặng lẽ xuống cầu thang, rời căn gác trước đây chưa một lần tiếp đón phái nữ…
Tú hẹn tôi ngày mai sẽ trở lại gác trọ nghe nhạc. Lúc chia tay, có lẽ Tú không khỏi ngạc nhiên nghe tôi “ngập ngừng” thì thầm: Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi đảo một vòng thành phố dầy đặc sương mù, tư bề vắng ngắt, dừng xe giây phút trước khu đại học còn leo lét vài ngọn đèn vàng yếu, lướt qua biệt thự Rosalie kính cổng cao tường lờ mờ trong đêm đen…
Tôi trở về cửa cài then gác xép
Giường chiếu mênh mông sầu khép đôi tay
Đếm tuổi thời gian dưới bóng đèn gầy
Soi cô độc nằm tròn trong đáy mắt…

Tú và tôi không lần nào gặp lại nhau nữa. Chỉ một lần duy nhất mặt đối mặt, thanh trong, huyền ão như…nắng đưa em về bên dòng suối mơ, như…nhẹ vươn theo gió (tôi) xa rời chốn xưa…

Cuối niên học, khi tôi rời Đà Lạt đi Paris, Việt Cộng bắt đầu dấy loạn, công đồn đả viện quân đội VNCH tại Trãng Sụp (Tây Ninh):
Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam
Trận bày trận thiệt Mặt làm bình phong


Xuân thanh bình qua mau. *Xuân Canh Tý (1960): khói lửa lại kéo tới tái diễn cảnh thịt nát xương tan, đầu rơi máu đổ, tưởng đã vĩnh viễn sang trang.

*Xuân Mậu Thân sắt máu, tang tóc (1968)
Ngoài Hà Nội dân ăn Tết sớm
Hồ Giáp Đồng lận lỡm con đen
Giao thừa vừa độ quá đêm
Nằm vùng ra mặt súng rền miền Nam

Anh chị em chúng tôi và bầu đoàn thê noa đông đủ tề tựu về đón Giao thừa ở nhà đứa em út, đường Bạch Đằng (Hàng Xanh) cùng với ba má từ Vĩnh Long lên ăn Tết với con cháu. Pháo đỏ đầy thềm, rượu đổ tràn ly, tứ sắc, bài cào, xì phé, bầu cua đều chi! Năm nay hầu như mọi nhà đều tưng bừng đón Xuân…Chẳng ai ngờ những tràng pháo đại nổ liên hồi về sáng là đạn pháo VC công phá các công sự phòng thủ Sàigòn, hầu như hoàn toàn “bỏ ngõ” vì đôi bên lâm chiến đều tuyên bố hưu chiến nhân dịp Tết Nguyên Đán!
Đợt I “Tổng công kích” vừa bị đẩy lui, những đám cháy chưa dập tắt hết, hàng núi xác người nhầy nhụa thối rữa chưa kịp vùi lấp hay hỏa táng tập thể thì VC lại tung thêm đợt II, mưu toan san bằng thủ đô Sàigòn đã không hưởng ứng lời kêu gọi “tổng nổi dậy” cùng chúng lật đổ chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa. Cùng lúc chúng tàn sát hàng ngàn quân cán chính cũng như lương dân vô tội tại Huế.
Cố đô Huế nhân dân cửa đóng
Giải phóng quân giải phóng nghìn người
Đập đầu cắt cổ chôn tươi
Oan khiên u uất ngợp trời Cố Đô
Thảm cảnh “tận diệt Việt gian” tái diễn kinh khiếp và nhanh chóng gấp bội lần Xuân kinh hoàng Mậu Tý 1945…
Vừa cởi quân phục chưa đầy 2 năm, tôi lại phải giã từ đám môn sinh, khoác chiến y ra trận, đánh cận chiến, giành từng góc phố, từng con đường như phim “combat” trên truyền hình, trước khi phụ trách cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc tại khu Vườn Lài, “đoàn ngủ hóa sinh viên” trong Liên đoàn sinh viên “phòng vệ” Thủ đô, để rồi sau cùng được trả về làm công tác giáo dục thuần túy.
Trở lại trường cũ ở Bình Dương, tôi bùi ngùi nhìn các lớp đệ nhị cấp trống vắng: một số lớn học sinh ở vùng xôi đậu của trường đã bỏ thây trên các chiếc xe lô do VC trưng dụng tiến đánh Sàigòn bị chận đánh, tiêu diệt toàn bộ ngay ngã tư xa lộ Biên Hoà…
Dụng hưu chiến toan bề tráo trở
Tưởng nhân dân hỗ trợ quân Hồ
Ngỡ dân nổi dậy ô hô
Cán binh Mặt Trận chôn mồ Mậu Thân

*Xuân Ất Mẹo tan tác (1975):

-Nhà tan cửa nát, người người ly tán…
Ba chục Tết tơi bời xương máu
Triệu oan hồn lảo đảo đồi nương
Ba đời gươm súng thê lương
Mẹ cha còn bấy lư hưong đỉnh đồng



Những đứa con chết muộn

Vẹn bực tức gỡ ống nghe khỏi tai, lầu bầu: ”Lệnh lạc khôi hài thật. Chưa đụng đã bảo rút là sao?”. Chàng đau lòng nhìn đám lính địa phương quân đang cố thủ dưới dạ cầu và quanh khu Tân Cảng. Rõ ràng họ chưa biết phải rút. Chính chàng cũng chẳng rõ ai đã ra lệnh kỳ quái vậy. Cấp chỉ huy trực tiếp chỉ nói lệnh từ Mặt Trời. Chắc chắn chàng không thể bỏ đám lính kiên cường nầy bơ vơ. Lại càng không thể khơi khơi bỏ chạy khi nhớ tới người anh cả, đại úy Trung đã tử trận trong lần giải tỏa cố đô Huế, hôm Tết Mậu Thân 1968. Và đại úy Hiếu, đã nằm xuống trong lần tái chiếm cổ thành Quảng Trị, hè đỏ lửa 1972…
Nhưng lệnh là lệnh. Phải tuân hành. Sau khi ra lịnh cho các chiến xa khác tháo lui về hướng Tiểu khu Gia Định, Vẹn yêu cầu số quân nhân trên chiến xa M48 án ngữ bên kia cầu xa lộ sang qua chiếc Jeep chỉ huy đơn vị trực chỉ Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp, cầm theo công điện mang tay thông báo đơn vị đã triệt thoái theo yêu cầu, đơn vị trưởng ở lại. Chấm hết.
Nửa giờ sau, chiến xa T54 xuất hiện rầm rộ. Vẹn khai hỏa trước và bắn tới viên đạn cuối cùng rồi nổ súng vào đầu, gục ngã trên pháo tháp, máu nhuộm đỏ ba mai vàng trên ve áo…
Trước khi quyết định ở lại trận tuyến, chắc Vẹn thừa biết Phủ Tổng Thống giờ đã như nồi cháo heo, nói chi tới Bộ Tổng Tham Mưu và cái Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp khốn khổ của chàng. Nhưng Vẹn vẫn chu toàn trách nhiệm trong danh dự, như một kỵ mã thời Nã Phá Luân đệ I, trên con ngựa sắt khổng lồ M48…
Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh?...

Cùng lúc, trên chót vót một cao ốc, Tuân hướng ống dòm về phía Tân Cảng rực lửa, ngao ngán lắc đầu, cầm ống liên hợp (combiné) liên lạc với “thẩm quyền”. Im lặng vô tuyến hoàn toàn!
Gọi máy nhiều lần không kết quả, Tuân quyết định chuyển quân qua bên kia cầu Phan Thanh Giản, rải dọc hai bên xa lộ, gần trạm biến điện. Lại được lệnh rút lui về Lăng Ông Bà Chiểu! Tân bấm combiné chuyển lệnh cho đại đội phó thi hành. Tuân, đại đội trưởng ở lại vi trí chiến đấu, đơn độc tiến về hướng Ngã Tư Xa Lộ, lột bỏ nón sắt, đội chiếc mũ đỏ lên đầu, ngạo nghễ đứng sững trên mặt lộ chờ…xe tăng địch. Lúc cây M72 trên tay chàng bắn cháy một T54 cũng là lúc hàng ngàn viên đạn lớn nhỏ đủ cỡ từ các T54 khác tua tủa bay tới xé nát người Tuân, chiếc mũ đỏ bị hất tung, bay lơ lửng trên trời cao trước khi lảo đảo rơi rụng xuống chụp ngay vào họng đại bác một chiếc tăng! Có lẽ Tuân ao ước được tan xác theo quê hương tan tác.
Anh! Hỡi anh ở lại Charlie…

Lúc những mảnh thịt còn lại của Tuân bị xích sắc xe tăng nghiền nát ngoài xa lộ cũng là lúc Toàn đang ấm ức trấn thủ phía sau Dinh Độc Lập. Khi chiếc T54 đầu tiên ủi sập cửa sắt của Dinh, Toàn nổ súng vào đầu…Cũng như Tuân, Toàn không thể sống khi đất nước đã chết…Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây…Bạn bè còn đó anh biết không anh, người tình còn đây anh nhớ không anh…
Mặt trời thật sự đã vụt tắt, dù ngày ấy nắng chói chang, với Vẹn, với Tuân, với Toàn và với nhiều chiến hữu khác của họ, trong ngày cuối của VNCH. Nhưng mặt trời giả hiệu vẫn còn leo lét nhắc nhở, khuyến khích những ai đã từng đâm sau lưng chiến sĩ hãy tiếp tục ngo ngoe kiếm ăn trên xác chết của con em mình. Độc hại nhứt vẫn là thái độ khả ố của cựu đồng minh cờ hoa, cứ thường xuyên trình chiếu những cuốn phim về chiến tranh VN, trong ấy chẳng bao giờ có bóng dáng người chiến binh cộng hoà kiêu hùng, gây ngộ nhận cho dư luận thế giới rằng cuộc chiến ở Việt Nam chỉ là cuộc đấu súng giữa du kích CS và cao bồi Huê Kỳ!

Trong ba người vĩnh viễn nằm xuống ngày 30 tháng 4 năm 1975, chỉ có Toàn tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Điểm đáng nói: Vẹn, 27 tuổi. Toàn, 25. Tuân, 23 là…anh em ruột. Cả ba đều chết cho quê hương ở lứa tuổi dưới 30, ở cấp bậc đại úy.
Hỡi ơi một dải san hà
Lọt tay cộng sản hận loà sử xanh

(Trích “Tạp ghi những điều trông thấy”)
-Tù đày…

Trại cải tạo Z30Z (Hàm Tân, 1977)
Biến đất Việt nhà tù vĩ đại
Khắp nơi nơi dựng trại tập trung.
Học tập cải tạo tàn hung,
Quân nhân công chức trị trừng tội xưa.

Quả thật tôi đang cử động trong bốn bề thời gian đặc cứng trong căn nhà tù do chính tôi cùng một số đông anh chị em “tù cải tạo” chém tre, đẵn gỗ, phá rừng, đắp nền, dựng cột, lợp tranh, chắn song, xích cửa, cài then dựng nên tự nhốt mình rồi…trao chìa khóa cho bọn cai ngục cộng sản. Đúng theo “yêu cầu” của giới tự cho là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”: Các “phạm nhân” -hết rồi mỹ từ “cải tạo viên”, sau hơn 2 năm “học tập” -tự ý trừng phạt, tự ý giam mình. Nói cách khác: tự ý xin được ở tù.
Sự tự nguyện “tự giác” nầy được phát huy đến cao độ khi phạm nhân tự lực cánh sinh và kêu réo gia đình “thăm nuôi”, để đủ sức lao động “vượt chỉ tiêu” cho nhà nước. Trước đây có lũ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, vô tình hay cố ý “đâm sau lưng chiến sĩ”. Bây giờ, cả bọn đâm và bị đâm đều “tự nguyện” vào rọ hết để…ăn cơm tư gia cuốc cày chết cha cho cộng sản!

Đêm đã xuống từ lâu trên Căn Cứ 5 Rừng Lá cũ. Thế nhưng cường độ oi bức, không khí nặng mùi xú uế trong nhà giam không hề lắng dịu…
Vâng, đêm nay tôi đã
dừng lại một bước trên đường dài gian khổ đọa đày, nhục nhằn, bức bách -“con đường đầy máu và nước mắt”- và nói thầm đó là mùa hè…dẫu chẳng còn là mùa hè xa lắc xa lơ năm nào, nơi đó có lời Tây Ban Cầm tự tình bên khung cửa khuất, có chiếc khăn choàng đã bỏ quên trên bãi muộn, không bao giờ tìm thấy nữa…Nhưng vẫn là mùa hè muôn thuở trong tôi, dù giờ đây ngọn đèn pha trại tù chói lòa chiếu rực vào mắt, dù xiềng gông đã thay vòng tay nồng nhiệt yêu đương năm nào đã trói buộc tôi trên làn cát mịn Địa Trung Hải xanh lơ, dù giờ đây tôi đang nằm trơ vơ trên chỏng tre ọp ẹp vấy máu-người-quện-đen-quanh-vô-số-xác-rệp, giữa hai khoảng trống dành cho Tá và Đạt, hai bạn tù đã tắt thở trên tay tôi vì thiếu liều thuốc sinh tử làm hạ cơn suyễn cực nặng. Và tôi đã phải cứa đôi chiếc poncho quấn xác họ, cho cả hai khỏi bị chôn trần. Xưa có “sơ mi gỗ”, trống kèn chen lẫn tiếng khóc kể thảm thiết. Nay, sơ mi cao su hoặc sơ mi chiếu. Cả tiếng nấc, câu kinh cũng bị cấm tuyệt. Tuy thế, tôi cũng thầm thì Amen, A Di Đà Phật khi bọn cai ngục cho mang xác hai bạn tôi đi vùi lấp ở một xó xỉnh nào đó, không lưu vết tích gì hết…

Bất giác tôi thở dài chạnh nghĩ đến những nữ “phạm nhân” rất trẻ, thuộc nhóm kháng chiến Phục Quốc -những người nữ đáng được yêu thương, trân quí- bị nhốt kín trong nhà giam cận kề, không còn tự do tung tăng bay nhảy, một thời đã cùng người yêu rong chơi vui thích, khi trong rừng chồi, trên đồi thông, lúc trên ghềnh đá sóng vỗ bập bùng…
Vói tay mở chiếc ba lô sờn rách đã theo tôi trên khắp nẻo đường hành quân, tôi lôi chiếc khăn choàng cổ màu đỏ, cũng đã bạc màu, bịt mắt để đi vào giấc ngủ chập chờn, mệt lử, trong trạng thái căng thẳng tột cùng: đợi chờ tiếng kẻng inh ỏi báo thức, như những đêm mất ngủ trước đây -lúc còn bên ngoài vòng kẽm gai- thao thức chờ tiếng “bõm” của giọt nước từ rô-bi-nê không khóa chặt, rỉ ra, rơi xuống…
Giờ sẩy vực triền miên địa ngục
Giữa vòng gai nuốt nhục sa cơ
Thân lao lý đến bao giờ
Nước non tàn một cuộc cờ trắng tay

(Trích “Nhật ký của một người lạc thực”)

*Những mùa Xuân sau 30.4.1975
Xưa nay sử Việt chưa từng
Nạn dân bỏ nước ùn ùn ra đi
Dù biết vạn hiểm nguy vẫn trốn
Nộ trùng dương ghê rợn sóng phăng.
Hiếp dâm hải tặc dã man
Cạn lương giữa biển người ăn thịt người…

*Xứ Tuyết, xuân Đinh Hợi 2007


Thảm họa ba mươi tháng tư một chín bảy lăm bất chợt phủ chụp xuống đất nước như một tai nạn lưu thông kinh hồn, vô tiền khoáng hậu, gây thương vong hàng loạt cho hằng muôn vạn sanh linh (hécatombe), đột biến như cơn nước lũ vỡ đê cuốn phăng đi một mảng mặt lộ khổng lồ trên *đại lộ kinh hoàng*, chia cắt đôi bờ *sông Côn mùa lũ*; bên nầy bờ, nhục nhằn đày đọa; bên kia bờ, an lạc, tự do…Đôi bờ càng lúc càng dang xa, càng lúc càng *nghìn trùng xa cách* như bên nầy và bên kia đại dương mông mênh, phong ba bão táp trùng trùng điệp điệp. Một đại-dương-chứng-nhân biết bao thảm kịch vượt ngoài trí tưởng tượng của loài người, một đại dương như bể khổ trầm luân, đã đánh đắm hơn nửa triệu nhân mạng vượt trùng dương mưu tìm đất sống…
Cơn gió thốc từ nhánh sông Saint-Laurent lờ đờ trôi ngang hậu liêu tu viện Dòng Tên Villa Saint-Martin lay động hàng phi lau ven sông. Từng đàn bướm trắng bung lên, chới với vẫy cánh bay lượn la đà mặt sông làm liên tưởng tới những cánh bườm của những chiếc xuồng ba lá tí teo, mong manh như lá liễu trên đại dương bao la sóng gào gió thét, ngày nào đã đưa từng đoàn người không đành lòng rời bỏ quê cha đất tổ vượt biển tìm đất hứa…Phải chăng các cánh bướm kia là những oan hồn vất vưởng của bạn bè thân thương vạn lần ưu tú hơn tôi đã phơi thây trên chiến trận, chôn xác trong rừng sâu nước độc của những trại giam nghiệt ngã, tàn khốc hay vùi thân dưới đáy biển tăm tối thiên thu?
Requescat in pace!
Hỡi ôi! Hí trường hay dở ba canh vãn, Thế sự thăng trầm một kiếp thôi. Chẳng còn được như ngày xưa viếng thăm phần mộ những người đã khuất, cúi đầu lặng yên suy gẫm thế sự thì...Hỡi những anh em đã nằm xuống không một nắm mồ-morts sans sépultures! Xin hãy cho tôi được một lần
Nhớ nhau vẫy bút làm mưa gió
Cho nắm xương tàn được nở hương


*Xuân Mậu Tý (2008):
ngỡ ngàng như giấc chiêm bao…
Người ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy

Sáu mươi năm đã trôi đi từ độ Xuân kinh hoàng Mậu Tý 1948 ngự trị trên thôn xóm quê hương -với chính sách khủng bố kinh khiếp của Việt Minh do đảng Lao Động VN chuyên quyền áp đặt- tưởng chừng qua như một chớp tắt của sấm sét trên không trung…
Thế sự thăng trầm thì cuộc sống trên đất tạm dung của tôi cũng không tránh khỏi những đổi thay, đôi khi rất đau lòng. Những cảnh “đổi đời” tưởng chỉ xảy ra trên quê nhà lại diễn ra nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng trên xứ người với cộng đồng người Việt xa xứ. Không kể xiết những đảo lộn trong cuộc sống hằng ngày của di dân VN trên đất khách…
Ngoài mọi dự tính, chờ đợi, ước muốn, những tưởng đã đến lúc tự cho phép mình rửa tay gác kiếm hưởng nhàn -ba bốn chục năm bương chải để sinh tồn, còn ức hiếp gì nữa mà không chịu ngưng nghỉ- bỗng dưng tôi đành bỏ hết, làm lại từ đầu khi gần hội đủ điều kiện để an tâm dưỡng lão, dọn ra “căn nhà ngoại ô” nầy, tính ra đã 16 năm qua…
Căn nhà nhỏ trong một chung cư nằm ở đoạn cuối con đường dẫn ra bờ sông. Toàn bộ cao ốc xếp hàng làm một thành lũy bê-tông tiếp cận một khu rừng thưa, lỗ chỗ những đầm lầy ao tù ngập đầy lá cành mục rã. Khung cảnh yên lặng cố hữu của xẻo đất hẻo lánh vùng ngoại ô thành phố Montréal nầy rất thích hợp với cư dân tới hoặc sắp tới tuổi hồi hưu. Khu chung cư hoang vắng như thành phố ma. Họa hoằn lắm mới có một hai bóng người lụ khụ thấp thoáng, chậm chạp di động. Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi cô lổ, nhưng được bảo toàn quá kỹ, rề rề lăn bánh chở hai mái đầu bạc phơ, y như một họat cảnh trong phim câm. Sự huyên náo duy nhất đến từ lũ chim bay liệng, ríu rít trửng giỡn…Khu chung cư có vẻ một chợ chim khổng lồ hơn một cư xá cho con người! Mọi tiếng động đều tắt ngấm theo bóng đêm vừa chụp xuống. Tĩnh lặng hoàn toàn. Có lẽ vì lý do an ninh, đèn đường san sát và sáng hơn các nơi khác. Từ các góc tối, nhiều dàn đèn rọi tập trung chiếu vào các kiến trúc, làm khu chung cư nổi bật lên nền trời đen tuyền như một di tích lịch sử!
Cơ thể rủ liệt, thần trí rời rã sau chuyến rong chơi vào miền quá khứ vui buồn lẫn lộn, nhưng giấc ngủ không đến với tôi trong căn nhà ngoại ô tĩnh mịch. Bạn bè tứ tán, cố nhân nếu không bặt tăm thì cũng ơ thờ, tránh mặt… Khi bước chân ta về…Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…

Tình cờ điện thư của một bạn văn báo tin có một bạn đọc muốn nhờ anh giúp liên lạc với tôi. Quả thật hết sức bất ngờ vì chẳng bao giờ tôi chờ đợi hay nghĩ rằng việc ấy có thể xảy ra: Một cố nhân chỉ một lần mặt đối mặt trên Xứ Hoa Đào 49 năm về trước, đang ở bên kia đầu dây, cách tôi ba múi giờ, về hướng Tây Nam, vùng đất được các nhà địa chất học tiên đoán sẽ bị nhận chìm xuống lòng Thái Bình Dương sau một trận động đất khủng khiếp.
-Tân nghe đây!
-Tân-Viện Đại học Đà Lạt, phải không?
-Không sai! Tú-Rosalie, đúng không? Không thể Tú nào khác được!
-Sao chắc dữ vậy?
-Chỉ có Tú-Rosalie mới biết Tân-Phan Đình Phùng, Đà Lạt 1959!
-Còn nhớ năm 1959 nữa cơ à?
-Chẳng lẽ Tú quên gác trọ năm nào...
Hai người bạn non nửa thế kỷ bặt tin, nhờ một bài viết của Tân đăng báo ở Cali, tìm được dấu vết nhau! Họ nói chuyện như mới chia tay ngày hôm qua, coi chuyện xa cách nhau 49 năm qua như một giấc chiêm bao! Bao nhiêu cố nhân nặng tình nặng nghĩa với nhau bên nhà, sang đây, nếu không ngoảnh mặt làm ngơ, cũng chẳng còn chút thân tình nào như trước, dẫu chỉ mới xa nhau năm ba năm! Thế mà Tú đã nhớ và để tâm dò la tung tích anh sinh viên “thỏ đế”, năm nào đã ra đi không một lời giã biệt, 49 năm trước!…Trong bối cảnh thế thái nhân tình ngày nay, phải nhìn nhận một tấm lòng như thế vô cùng hiếm hoi và quả thật đã làm “ấm lòng chiến sĩ” (già nua, thất thế) trên xứ lạ quê người…
Sau tháng Tư đen, hơn cả tôi Tú đã trải qua nhiều gian truân khổ lụy, mẹ góa con côi, đơn thân độc mã gánh gồng mọi nhục nhằn, đương đầu với biết bao thử thách gian nguy. Đau nhứt là đã “cúng” cho CS đứa con trai đầu lòng chết đuối khi bị điều đi làm công tác thủy lợi. Trắng tay sau vụ đánh tư sản, giờ đây mẹ định cư một nơi, các con một ngã, rải rác khắp năm châu. Ít ra tôi may mắn hơn Tú về điểm nầy, tuy tôi cũng tay trắng như Tú khi vượt thoát ngục tù CS…Nữ bá-tước-chân-trần năm xưa giờ đây đành…“tay-trần” !
Đà Lạt, một thuở…Nay còn đâu
Đà Lạt cảnh thơ tình man mác
Vàng lối thu ngơ ngác nai tơ
Đồi thông bụi phấn buông mờ
Xuân Hương hồ biếc phẳng lờ mặt gương


Tú hẹn sẽ ghé thăm căn nhà ngoại ô ven sông vào mùa xuân tới. Có lẽ cho tròn năm (mươi) năm rồi không gặp… chăng?
Chỉ sợ không còn nhìn ra nhau nữa… Tang thương đến cả hoa kia cỏ nầy!
-o-o-o-

Lòng đắng sá chi muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say

Quyển nhật ký vuột khỏi tay Tân, rơi xuống sàn gỗ, mở ra ở trang viết về *Xuân Ất Mẹo (1975), kết thúc bằng bốn câu thơ ghi nguệch ngoạc, có lẽ chép trong cơn say, lúc chạnh nhớ tới chuỗi ngày gian khổ trong ngục tù cộng sản:

Khuya vượn hót chiều tà tu hú
Đại mộng đời thế sự bến mê
Phù vân mây chó trôi về
Ba mươi năm giặc não nề hoa niên

Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết,
cuối xuân Mậu Tý (2008)
-Lê Tấn Lộc-

__________________________________________________________________________________
Ghi chú: Trích đoạn thơ văn sử dụng trong bài viết nầy, người viết mượn của các thi sĩ Kiệt Tấn, Nguyễn Bính, Phạm Thiên Thư, Trần Huyền Trân, Tạ Tỵ và đôi khi của chính tác giả.
Lời nhạc mượn của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, Ngô Thụy Miên, Hoàng Nguyên, Trần Thiện Thanh, Lê Thương, Trịnh Công Sơn...






No comments: