Sunday, July 13, 2008

Câu chuyện dưới cờ

Lời mở đầu:

Mười sáu năm trước đây, tôi có viết một bài phản bác bài phỏng vấn một cựu trung tá QLVNCH, được đăng tải trên tạp chí Hợp Lưu ở Hoa Kỳ. Vị sĩ quan cao cấp nầy kêu gọi dẹp bỏ Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Bài phản bác nầy không được Hợp Lưu đăng. Lại thêm một bài “phù phiếm luận” thứ 2 của tôi bị bỏ vào ngăn kéo, sau khi bài phù phiếm luận 1 phản bác nhà văn Thế Uyên -cũng là một cựu sĩ quan QLVNCH- bị chính tờ nguyệt san mà tôi là Tổng Thư Ký từ chối đăng…
Cả hai ông cựu sĩ quan nầy quả thực quá may mắn, nhất là ông Thế Uyên. Vì theo luật lệ hiện hành, quân nhân tại ngũ không được làm chính trị. Ngay cả việc lập gia đình cũng phải xin phép Bộ Quốc Phòng, nói chi tới việc viết lách bất lợi cho chính quyền trước 75 như “quan” Thế Uyên. Ông trung tá kia nghe đâu là sĩ quan phục vụ tại Tổng Cục Chiến Tranh ChínhTrị mới cơ khổ chứ!
Sự kiện nầy chứng tỏ -muốn nói sao thì nói- miền Nam trước 1975 vẫn tự do dân chủ gấp vạn lần toàn cõi Việt Nam sau 1975.
Xin tạm gác chuyện hai “ông quan” nầy một bên. Vì mục đích hôm nay của tôi, khi lôi bài viết thứ hai của tôi bị xếp xó -hy vọng nó được phổ biến trên mặt báo- là vì…bất ngờ câu chuyện Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ lại trở nên vấn đề thời sự nóng bỏng, với Đại Hội Giới Trẻ Thế Gìới, tổ chức tại Úc Châu vào tháng 7/2008, với lời kêu gọi (lại kêu gọi!) dẹp bỏ Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ -ngay trên miền đất đón nhận những người Việt tị nạn cộng sản- của một người thuộc hàng giáo phẩm cao cấp trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại quê nhà…
-LTL-
(Xứ Tuyết, mùa hè 2008)
****


Phù phiếm luận (2)

Câu chuyện dưới cờ

Tết nhứt tới nơi. Dù không còn cảnh “đêm nghe đại bác”, cũng không còn thấy lòng rộn rã vui với “xác pháo đầy đường nhớ cố nhân”, rồi lâng lâng ngắm nhìn khóm cúc khoe tươi, cành mai rộ nở, tôi “cũng cố vui ngang gái được chồng”, tạm rời xưởng cắt sắt. Trút bộ áo xanh công nhân bạc màu vì mạc sắt bám đầy, cởi đôi “bốt-đờ-xô” an toàn nhầy nhụa dầu mỡ, nghỉ bậy vài ngày giải lao, tôi định bụng chỉ cầm chai, chứ không có ý “đầu xuân khai bút”, cho tinh thần đỡ căng thẳng. Anh hùng thấm mệt? Chiến binh ngơi nghỉ? Có thể. Sự nghỉ ngơi công chính, an lành của bác nông phu sau những ngày đầu tắt mặt tối cày cấy có lẽ đúng hơn.
Ấy vậy mà chằng yên thân! Tình cờ lật tập san Hợp Lưu, số 7, tháng 10 & 11/1992 do một văn hữu từ Hoa Kỳ gửi tặng, đọc xong bài phỏng vấn nhà văn Vũ Huy Quang, do nhà thơ Phạm Việt Cường thực hiện (trang 185), tôi nổi máu “quan” công (chợt quên mình là công nhân) vớ cây bút cùn (thay vì quơ thanh long đao vớt trái), trút bầu tâm sự ứ tức, xả xú-bắp an toàn cho nó khỏi nổ tung. Hóa ra vô tình lạc điệu với mùa xuân vừa e dè ló dạng…
Yên chí đi nhà văn Vũ Huy Quang. Tuy vốn có chút máu kiêu căng của loài công đực, thực ra tôi chỉ còn là con công ngái ngủ. Tuyệt nhiên không có ý phùng xoè như loài công vũ, công thủ, “động đậy cho người ta khỏi quên thế thôi” (chữ của Nguyễn Mộng Giác), khá đông trong hàng ngũ của giới được xếp vào nhóm làng văn, nhưng cung cách hành sử hầu như sao chép toàn bộ thủ thuật của phe làng võ: Nói là văn chương tải đạo nhưng chỉ nghe toàn tiếng khua rổn rảng của nòi văn chương tải đạn (Xin nói thêm, phía chủ xướng văn chương tải tình cũng ồn ào không kém. Nhưng, chịu khó hít thở kỹ đôi khi cũng bắt được mùi vị khá kín đáo của giống văn chương tải tiền…).
Nếu việc góp ý vài điểm nầy tạo cơ hội cho phe “động đậy” xỏ dép râu vào cẳng, chụp nón cối lên đầu nhà văn Vũ Huy Quang -và khiến tôi văng bút luôn- thì quả thật ngoài ý muốn của người viết. Nói thế không có nghĩa là người viết vô trách nhiệm đâu nhé!
*
Người được phỏng vấn là một cựu trung tá QLVNCH, “sau lưng ông vẫn còn nặng trĩu 11 năm quân ngũ (…)đã đi Bình Long, An Lộc, Dakto, Daksut (…)đã bị thương ở đèo Lai văn Chu (…) tác giả của 6 quyển sách đã xuất bản ở Mỹ”. Không rõ “bạn tôi (…) tác giả của 5 cuốn sách” mà nhà văn Kim Thi đề cập trong mục ngày…tháng…, như kẻ đã “lắc đầu” từ chối đề nghị của bạn bè mớm ý cho đương sự nộp đơn ứng cử Chủ tịch Văn Bút và “người được phỏng vấn” có phải là một chăng?
Nhìn chung, nhà thơ Phạm Việt Cường đã thẳng thắng đặt những câu hỏi phản ảnh trung thực những ưu tư, thắc mắc của đa số người Việt xa xứ. Và nhà văn VHQ cũng đã thẳng thừng trả lời không quanh co các câu hỏi, đôi khi rất gay go, có tính cách “vấn nạn”.
Mấy điểm sau đây, xin được trao đổi với nhà văn VHQ:
1-VHQ nói: “Những người chống cộng cực đoan xưa nay chỉ cưỡng lại lòng dân mà thôi”. Đồng ý về sự nhấn mạnh cụm từ cực đoan. Nhưng VHQ không đưa được những dữ kiện lịch sử cụ thể chứng minh điều xác quyết của mình.
Xin hỏi VHQ: Sự tan rã của Liên Xô, sự sụp đổ của các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, sự nhìn nhận “chủ nghĩa cộng sản là một lệch lạc trí tuệ của nhân loại” của các lãnh tụ trên thế giới (kể cả các cựu lãnh tụ khối cộng sản, ngoại trừ các “đại lãnh tụ” Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba) có “cưỡng lại lòng dân” chăng?
Dĩ nhiên, cũng như VHQ, tôi rất dị ứng với số người chống cộng mù quáng, rẻ tiền, mang sẵn trong đầu mặc cảm bị trù ếm (paranoïa), đánh trống thổi kèn như đám sơn đông mãi võ, to mồm chửi rủa hơn chắc tay súng trước đây và bây giờ cũng tiếp tục la ó, chụp mũ loạn. Nhưng tôi “may mắn” hơn VHQ là có ngồi tù cải tạo -ngoài việc hơn VHQ 2 tuổi lính- không “bất hạnh” chạy thoát trước ngày “đứt phim”. Nên tôi muốn thưa với VHQ điều nầy: Bọn tù cải tạo chúng tôi muôn người muôn ý; nhưng hầu hết đều đồng ý với nhau hai việc:
-Thứ nhất: Trước đây mình có tận tâm phục vụ nhưng chưa tận lực làm việc.
-Thứ hai: Nếu cần chọn lựa lần nữa, chọn bắn tới viên đạn cuối cùng hơn là buông súng bỏ chạy…vô rọ cải tạo.
Cố nhiên, sự nhất trí về điểm thứ hai ngày nay có thể đã phải thay đổi theo thời thế. Vả lại dư luận thế giới hiện lên án gắt gao bất cứ ai chủ trương dùng chiến tranh giải quyết chính trị. Nhưng điều đó không có nghĩa là những người thua cuộc năm xưa hoàn toàn vô lý ở thời điểm đó. Họ có thể tủi nhục vì bị kẻ thắng cuộc đày đoạ, phỉnh gạt; họ có thể oán hận cấp lãnh đạo, lũ quan to đã lợi dụng xương máu của họ như VHQ rồi bỏ chạy. Nhưng tôi không tin họ có thể nguyền rủa lý tưởng tự do, phỉ nhổ lên Lá Cờ mà bấy lâu nay họ đã đóng góp xương máu. VHQ có thấy hình như mình đã đi quá đà rồi chăng?

2-VHQ nói: “Ông ấy (Trang Châu) không thể bỏ Lá Cờ được” (…) vì “đã trao tận tay cho cô nhi quả phụ” (…) “Giễu thật!”. Tôi thật không thể tưởng tượng một người ăn cơm lính 11 năm, đã có mặt ở các chiến trường sôi động nhất, đã từng bị thương, đã từng di tản bạn bị thương, đã từng gác xác bạn, lại có thể buông ra lời đùa cợt “giễu thật” khi y sĩ thiếu tá mũ đỏ Lê Văn Châu “đã trao tận tay (Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ) cho cô nhi quả phụ”!

Tôi lại có cái may mắn kể cho VHQ câu chuyện về Lá Cờ trong trại cải tạo: Trung úy H. sĩ quan truyền tin QLVNCH bị bắt làm tù binh mùa hè đỏ lửa 1972, khi vào tù CS lần nữa, sau 30 tháng 4/1975 đã kể cho tôi nghe lần trao đổi tù binh sau Hiệp định Paris. Anh và số binh sĩ cùng bị giam được phóng thích, áo quần te tua, đi đứng không vững vì đói lả. Nhưng khi thấy thấp thoáng ở bìa rừng Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, đã nhắm hướng đó chạy miết tới, quì níu Lá Cờ hôn khóc nức nở…Anh và các bạn cảm thấy như vừa tìm lại được gia đình thất tán từ lâu. Cảm giác của họ tương tợ như cảm giác sau nầy của chúng tôi khi vượt biển chìm tàu mà vớ được phao…
VHQ thử chịu khó tìm hiểu xem những thuyền nhân Việt Nam lên ghe vượt đại dương mang theo Lá Cờ nào, đã phủ lên mui ghe Lá Cờ nào để trực thăng nhận thấy, ra tay cứu vớt? Và khi chưa ra khỏi hải phận quốc tế, họ sợ Lá Cờ nào nhất?
Nếu tôi chưa thuyết phục được VHQ thì lại xin kể hầu người một chuyện nữa về Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, mà chính người cũng thừa nhận “quý lá cờ ấy lắm”. Chuyện nầy, nếu người còn có điểm nào hồ nghi, xin mách người tìm hỏi mấy cựu tù Z30D, trong số có:
-Danh ca Duy Trác, cựu trung uý ngành Quân Pháp QLVNCH, vừa từ VN đến Texas mấy tháng. Tiện thể, xin người tìm đọc bài phỏng vấn đặc biệt “Nói chuyện với Duy Trác, những ngày tháng còn ở lại” do nhà văn Trọng Kim thực hiện (Sóng, số 127, tháng 12/1992) để bổ túc sự hiểu biết quá hạn hẹp của người về tình cảnh của những anh chị em còn kẹt trong vòng lao lý của chế độ XHCNVN, một chế độ mà dường như người “hồ hởi” tin tưởng họ rất dễ dàng “cởi mở”, sẵn sàng “đổi mới”,
-Cựu dược sĩ trung úy Vũ Văn Quang, bút hiệu Vũ Như Ty -người từng nằm “cô-nếch” dài dài vì đã nhiều phen đập vỡ mặt mấy tay tù theo đuôi kiếm điểm với “cách mạng”, bô bô cái miệng gọi bạn đồng tù là “ngụy”, kêu tên các cựu lãnh tụ VNCH bằng thằng nầy, thằng kia- cũng vừa từ VN sang Virginia chưa đầy một tháng:
Trại cải tạo Z30D có một Đội Lâm Sản, được “tự do” đi đốn củi mà không cần vệ binh đi “bảo vệ”. Họ thường xuyên cung cấp tin tức bên ngoài cho anh chị em tù. Cái mà ai nấy đều cố bám víu vào để hy vọng, để trường tồn, để chịu đựng là việc các tù tiều phu thuật lại, thỉnh thoảng có bắt gặp bóng Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ lấp ló sau những rặng cây dầy đặc của khu Rừng Lá bao quanh trại tù…
Từ đó tôi nghĩ, thay vì đặt câu hỏi: “Lá cờ ấy có phục vụ cho dân tộc không?”, VHQ nên tự hỏi: “Dân tộc (như VHQ và cả tôi cùng nhiều chiến hữu khác) có phục vụ đúng mức Lá Cờ ấy không?”, có lẽ nghe hợp lý hợp tình hơn chăng? Cho tôi hỏi nhỏ VHQ: Người nhìn nhận người “mà không nhanh chân (người) cũng ít ra 10 năm tù cải tạo”. Chẳng hay lúc tháo chạy người có mang theo “Lá cờ ấy” chăng? Ít nhất là để thỉnh thoảng nhìn nó nhớ lại “nó thuộc về quãng đời hoa niên của (người) -dẫu đã nhọc nhằn quá lắm” ?

3- “Cờ quan trọng hay người quan trọng?”. Hỏi thế dường như thừa khi VHQ đã có sự chọn lựa, vì câu trả lời nằm trong sự chọn lựa đó. Cờ quan trọng: Chết dưới Cờ. Người quan trọng: Vứt Cờ chạy thoát thân.
Tôi sững sờ trước câu nói quyết liệt của VHQ: “Những người tôn thờ lá cờ, thực ra tôn thờ chính họ, vui với quá khứ vàng son của họ”! Không rõ người “một lần dại đủ rồi” đã trót dại tình nguyện phục vụ hay được gọi phục vụ dưới cờ ? (Mỹ từ của Pháp: Engagé volontaire ou Appelé sous les drapeaux?).
Riêng kẻ hèn nầy, tuy không tự ý lấy quân đội làm vợ, nhưng thời gian bất đắc dĩ chung sống với tập thể kaki càng lúc hắn càng thấy mình yêu cô vợ miễn cưỡng nầy qua nhiều cậu chồng tự nguyện lao đầu vào cũng có, bị gọi vào động phòng cũng có, “cảnh sát mộ” vào nhập cuộc cũng có luôn! Lắm lúc hắn cũng ngậm ngùi nghĩ tới biết bao thằng bạn vạn lần ưu tú hơn mình đã nằm xuống vĩnh viễn và càng thắm thía câu “được gọi phục vụ dưới cờ” (Hắn xin nói rõ : thắm thía cho mọi thanh niên, thanh nữ ở mọi thứ quân đội, dưới mọi thể chế).
Phải chăng hắn nên hiểu rằng lá cờ mà VHQ đề cập tới chỉ là lá cờ tướng của mấy ông đeo sao? Chẳng lẽ mấy đứa con thân yêu nằm yên dưới Lá Quốc Kỳ “thực ra tôn thờ chính họ với quá khứ vàng son của họ“ cùng giun dế? Chẳng lẽ thân nhân, bè bạn của họ khi “tôn thờ lá cờ” là thờ phượng “quá khứ vàng son của họ” qua nắm xương tàn cốt rụi mà họ đã gửi lại trong lòng đất quê hương?

4- Lẽ nào tôi kém thông minh đến nỗi không thấy VHQ đồng hóa “Lá Cờ ấy” với cựu hoàng Bảo Đại, với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, với cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hay cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ…Nhông? Lý luận nầy, tôi có thể hiểu ra nếu nó đến từ những người thiếu hiểu biết, cùng lắm là từ lớp người trẻ sinh ra và trưởng thành ở hải ngoại, hoặc từ những ai không trực tiếp liên hệ tới cuộc chiến ý thức hệ vừa qua ở Việt Nam.
Học đường nào không dạy trẻ con tôn trọng lá cờ, cho dù chỉ là lá cờ tiêu biểu cho một đoàn thể hướng đạo, huống chi lá cờ tiêu biểu cho một tập thể, một cộng đồng, một quốc gia, lá cờ mà tập thể đó, cộng đồng đó -dưới mọi thể chế, mọi xu hướng chính trị- đã hàng triệu triệu lần bó thây con em mình đã xả thân bảo vệ nó, hàng triệu triệu lần tung bay trong các đại lễ, hàng triệu triệu lần buông rũ trong những buổi chiêu hồn tử sĩ hay trong các dịp quốc tang?

5- Tôi chưa kịp hoàn hồn thì VHQ búa thêm một búa nữa : “Cho nên (ông nầy ngon nhỉ!), cờ vàng bỏ trước. Bỏ đây là bỏ cái tinh thần. Cờ đỏ bỏ sau”. Bỏ mẹ không chứ! Lúc tôi đi lính, đã có thằng bạn khuyên bảo : “Đánh đấm chi cho vô ích. trung lập mẹ đi, cho nó khoẻ. Mầy bỏ súng trước, nó bỏ súng sau”. Khoẻ re! Rốt cuộc, bên bọn tôi bỏ súng thiệt vào ngày 30.4.75; bên tụi nó tới nay có bỏ súng đâu. Và thằng bạn thánh hiền nầy cũng đã bỏ chạy khi tụi tôi vào tù được đôi ba tháng!
Lặn lội qua tới đây, VHQ lại rủ tôi bỏ trước, tụi kia bỏ sau! Cũng may VHQ chợt nhớ: “Cờ là biểu tượng”. Nhưng lại nhắn nhủ thêm: “Tạm thời, ở đâu chào cờ nước ấy”. Nghĩa là người Việt có thể chào bất cứ lá cờ quốc gia nào dung nạp họ, ngoại trừ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ hay Cờ Đỏ Sao Vàng. Cho nó khỏi sanh giặc. Cũng có lý. Song le, tôi trộm nghĩ, một VHQ đã “nói” bằng chữ hoa hai tiếng Dân Tộc -xem nào, dễ chừng cũng đến hơn mươi lần trong suốt bài phỏng vấn, đã gớm ghiết Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, đã ghê sợ Cờ Đỏ Sao Vàng, có lẽ đã khởi đầu cảm thấy yên bụng nếu có lá cờ trắng in đậm hai chữ DÂN TỘC màu đen lất phất trên đầu mình để tôn thờ!
Đồng ý, không có bản nhạc nào giết người nhiều hơn bản quốc thiều, không có thứ vải nào quấn xác người nhiều hơn lá quốc kỳ. Nhưng VHQ ơi! Mấy cái thứ giết người đó chung qui cũng phát xuất từ quan niệm hẹp hòi, câu nệ, cố chấp, đầy tính tự tôn tự đại về Dân Tộc đấy người ạ! Trở về với nhân dân, tìm lại chỗ đứng trong lòng dân tộc là hai câu tôi nghe đã điếc cả tai, từ lúc còn cầm súng cho tới lúc chết dần mòn trong rọ cải tạo. Vừa hồi tỉnh đôi chút, lại nghe chan chát điệp khúc cà lăm Dân Tộc! Dân Tộc! Dân Tộc! Tội nghiệp thằng bé…Nên hãnh diện chăng về một Dân Tộc với 70 triệu sinh linh đang bị “Bọn Cường Hào Ác Bá Mới” khoét con mắt lắt hầu bao, với đôi ba triệu lê dân rải rác trên khắp mọi miền đất lạ chỉ chực chở “cắn xé nhau” -chữ của VHQ- vì cái thây ma Cường Hào Mới kia mà thiên hạ đồn rằng chết chưa chịu tẩn?

6- Những vấn đề trọng đại khác về văn học, chính trị “hợp thời trang”, xin nhường quyền cho những ai có nhiều năng khiếu hơn tôi. Vả lại, đã có quá nhiều tranh luận về văn chương phản kháng, hợp lưu…, về hoà hợp hoà giải dân tộc. Chỉ nhắc sơ : XHQ lại vừa chính thức “khai thông cho một thành phần thứ ba” ngo ngoe chỗi dậy, chập chờn làm phông cho một mưu toan Hoà Hợp Hoà Giải…Bỏ Cờ Xuôi Tay Chay Làng lần nữa…
*
Để kết thúc bài “nghe qua rồi bỏ, đọc sơ rồi liệng” nầy, tôi ước mong gió xuân, tuy không ấm áp như ở quê nhà cũng sẽ xoa dịu được phần nào niềm “hậm hực” nơi tôi, nỗi “ấm ức” nơi VHQ.
Rất tiếc VHQ không được cơ hội phát biểu những nhận xét của ông trong bài phỏng vấn nẩy lửa nêu trên về “Lá Cờ ấy”, về “Chính nghĩa Dân Tộc” v.v…trong vòng rào kẽm gai cải tạo, qua những bản lý lịch trích ngang trích dọc, qua những bản tự phê tự kiểm, tự buộc tội, thành thật khai báo... Chắc chắn người sẽ được cấp giấy khen là cải tạo viên ưu tú, đã giác ngộ đường lối cách mạng của đảng ta. Và “bản tự thú” của người chắc chắn sẽ được dùng làm “tài liệu học tập” cho bọn cai ngục sử dụng “giáo dục” bọn “ngụy ác ôn” chúng tôi!
Tuy chưa hề gặp nhau, VHQ và tôi cùng một số anh chị em khác đã có thời cùng một sắc áo, cùng một màu cờ, cùng một chiến tuyến. Và cho dù đội nhiều mũ khác nhau để phân biệt quân binh chủng, mũ sắc vẫn là cái mũ chung cho mọi chiến binh. Nó là thứ binh giáp còn sót lại đã bảo vệ đầu óc chiến binh chúng tôi trước hiểm hoạ bị tẩy não trong các trại tập trung cải tạo của CS.
Hy vọng nhà văn VHQ, nếu còn rơi rớt chút tình huynh đệ trong tâm khảm, sẽ cởi mở đón nhận những mẩu vụn vặt góp ý trên đây. Và coi chúng như Câu Chuyện Dưới Cờ -giữa hai người lính già lang thang nơi xứ người- mà xưa kia quân đội chúng ta thường có thông lệ tổ chức vào dịp cuối năm hay đầu năm .
Chót hết, bài tôi viết đây, xét cho cùng có thể chẳng ăn nhậu gì đến nhà văn VHQ, bởi người đã kết thúc bài phỏng vấn người như thế nầy : “Người trả lời không có lỗi. Người hỏi mới có lỗi.ai bảo dồn tôi vào chân tường?”
Nói năng trớt quớt kiểu nầy mà cả gan rủ rê thiên hạ xoá lá cờ nầy, bỏ lá cờ kia thì…hơi quá lố đấy nhé! Hạ «cờ tây» coi bộ thú vị hơn nhiều đấy, Vũ Huy Quang ạ!

Thôn trang Đổ-Lá-Đầy-Ấp-Mơ, Xứ Tuyết
-Lê Tấn Lộc-


No comments: