Sunday, July 13, 2008

Vô tình sai sót hay cố ý bóp méo?


Thay lời phi lộ:

Tôi chưa được may mắn gặp mặt hay trò chuyện với nhà văn Thế Uyên.
Cách đây 17 năm, nhân dịp cộng tác với nguyệt san Sóng ở Toronto và sau đó phụ trách Tổng Thư Ký giúp anh Nguyễn Tăng Chương, chủ nhiệm kiêm chủ bút, tôi có dịp liên lạc một vài lần với TU qua mục thư tín của tờ báo, vì thỉnh thoảng TU cũng có viết cho ông bạn NTChương của mình.
Năm 1992, thấy TU ba hoa chích choè quá mức, tôi có viết tay một bài dưới đây gửi cho anh NTChương để minh định lập trường của tờ báo trước những bài viết càng lúc càng cường điệu của TU đả phá vô tội vạ các cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Nhưng anh Chương từ chối đánh máy để đăng trên Sóng. Lý do: tôi không thể công kích một cây bút đang công tác với báo nhà…Bài viết được xếp vào ngăn kéo. Dẫu sao TU cũng là chỗ thân tình với ông chủ báo của tôi!
Tôi giữ im lặng mãi đến ngày hôm nay…Cho tới khi tình cờ đọc được một bài viết mới đây của TU trên Talawas, ngày 25.6.2008 (Đọc “Can trường trong chiến bại” của Hồ Văn Kỳ Thoại)…Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng! Nhà văn nhớn Thế Uyên quả thật rất can trường -nơi hậu cứ thôi!- “quí trọng những giọt nước mắt của tướng Kỳ” -những giọt nước mắt “cương quyết tử thủ, ở lại quê hương suốt đời để ăn mấm tôm” chẳng? Để rồi…vài tiếng đồng hồ sau bay ra đệ thất hạm đội HK trực chỉ đảo Guam để…tiếp tục vinh danh mắm tôm!..
Tôi không có ý định đi sâu vào bài viết nầy của nhà văn nhớn. Bởi vì lần nầy tôi chỉ muốn đưa bài viết của tôi bị xếp vào ngăn kéo năm xưa, cho độc giả thử xem có còn ứng dụng với siêu [nhân] vật Thế Uyên 2008 nữa chăng? ( -LTL, hè 2008-)
-o-o-o-


Phù phiếm luận (1)

Vô tình sai sót
hay
Cố ý bóp méo?

Nhân đọc mấy bài viết của nhà văn Thế Uyên đăng trên tạp chí Văn Học (số 72 và 73, tháng 2 & 3/1992, số 75, tháng 7/1992) và Hợp Lưu (số 5, tháng 6/1992), tôi xin mạn phép nêu lên một vài thắc mắc cùng góp ý với tác giả:

1-Trong mục Điểm sách (V.H số 72-73, trang 176), nhà văn Thế Uyên mở đầu phần Văn chương tải tình tại hải ngoại như sau:”Trong những năm đầu của cuộc sống tị nạn tại nước ngoài, những tiêu chuẩn về văn hoá, văn học được đưa ra thường là những tiêu chuẩn của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà cũ. Hai nét chính của tiêu chuẩn nầy là:
-Phải có tính chống cộng
-Không được viết truyện đồi trụy
Xin hỏi nhà văn: Ban Biên Tập của các tạp chí mà ông đã cộng tác (thí dụ như Văn, Văn Học, ở Hoa Kỳ, Sóng, ở Canada chẳng hạn) có nằm trong nhóm chủ trương áp dụng “những tiêu chuẩn của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà cũ” chăng? Nếu câu trả lời là có, thì xin tạm kết luận:
-Nhận xét tiền nghiệm của ông, bao quát đúng tương đối.
-Ông tự mâu thuẫn khi gửi bài đăng trên các tạp chí nêu trên, vì ông đả phá hai tiêu chuẩn của Chính quyền VNCH cũ, mà ông đã chụp lên đầu đa số những người cầm bút ở thời điểm đó, hầu như ám chỉ họ tiếp tục làm “bồi bút” cho VNCH. Đó là chưa kể, lúc bấy giờ ông chưa có mặt ở hải ngoại. Căn cứ vào đâu, ông đưa ra lời phê phán hàm hồ, vơ đũa cả nắm thế?

2- Cũng trong mục Điểm sách (V.H, số 75, trang 86), ông viết: “ (…) trong khi Thế Uyên viết đủ loại, từ sáng tác tới biên khảo, dịch thuật và lập trường chính trị thì tả khuynh”. Tôi cảm phục ông can đảm xác định lập trường rõ rệt, dù tôi biết cái “mốt làm dáng” (snobisme) muôn thuở của người “trí thức” (hiểu theo nghĩa nôm na như người có ăn học) là tự xưng thiên tả. Nhưng tôi tin ông thực tâm thiên tả, trong nghĩa rất tốt của nó: luôn đứng về phía kẻ cô thế bị hiếp đáp, luôn bênh vực sự công chính. Tuy vậy, từ thiên tả công trực đến thiên vị, thiên lệch, hàm chứa khuynh hướng thầm kín xuyên tạc theo định kiến (tendancieux) chỉ cần một bước nhỏ. Tôi sẽ đề cập đến sự kiện nầy sau.
Tạm thời xin nhắc nhở ông, trong nhóm tự coi là tả khuynh tả ở Việt Nam, trước 30 tháng 4/1975, có một trong “những người công giáo bạn tôi” của ông rất đáng được xướng danh ra đây: Giáo sư Lý Chánh Trung, tác giả đoạn văn bất hủ đăng trên báo Tin Sáng: “Cải tạo viên rất thoải mái như đang nghỉ hè trong trại học tập: ăn no(thịt gà, thịt bò), ngủ kỹ (chăn nệm đầy đủ) để dưỡng sức đánh bóng chuyền tối ngày”!!!
Tôi đã nằm lòng áng văn lịch sử nầy khi ngồi tù cải tạo. Và từ đó, với tôi, ông giáo sư triết lý nầy đã trở thành giáo sư chết lý. Sự lệch lạc trí tuệ lừng lẫy của con người trí thức-cầm bút-“triết gia” thời danh nầy đã khiến ông ta trông gà hoá cuốc, nhìn bo bo ra ca-via, sắn khoai ra đùi gà, bít-tết…Để rồi trong cơn mê sảng về những chiều cao cách mạng (nếu tôi không lầm, ông đã viết xong luận án tiến sĩ “Cách Mạng và Hành Động”, dự tính trình ở đại học Louvain, Bỉ), ông phát huy cao độ “óc sáng tạo của nhân dân ta”, sáng tác những dòng chữ ngà ngọc để đời, ca ngợi tính nhân đạo của chế độ cải tạo. Một điệp khúc mà cho tới nay thỉnh thoảng vẫn còn được vài cây bút thành danh ở hải ngoại nhơi đi nhơi lại…
Một Hàn Tín lòn trôn còn có thể vin vào cớ mưu đồ đại sự -bài bản quen thuộc của con người chính trị. Nhưng con người cầm bút không thể hành sử như vậy. Ông TU hãy thử hình dung một Nhất Linh, con người của lịch sử, của dân tộc, nếu lúc còn sống bẻ cong ngòi bút để ca ngợi một chế độ tham tàn, hung bạo nào đó thì ông, Thế Uyên, là người thân tộc liệu có thể chấp nhận được chăng, nói chi tới độc giả!

3- Trong bài Vài nhận xét về tương quan giữa cộng đồng Việt Nam hải ngoại và nội địa (H.L, số 5, trang 4, 5), ông viết: “Nhiều báo chí, đặc biệt là báo chợ, do thành phần chống cộng bảo thủ, kiểu VNCH trước kia, nắm giữ. Những báo chí này thường có khuynh hướng bóp méo sự thực cho vừa ước mơ chính trị của mình (…) Cũng bởi thế, nếu người ngoại quốc chỉ căn cứ vào báo chí Việt Nam hải ngoại loại đó thôi, dễ có cái cảm tưởng là tất cả đều là những chiến sĩ chống cộng can trường (không hề có một ai bỏ chạy năm 75 cả chẳng hạn), tất cả đều “thề phanh thây uống máu quân thù cộng phỉ” cương quyết bao vây kinh tế cộng sản (…)!”
Xin góp ý với ông T.U vài điều:

a-Tôi để ý ông ưa hậm hực lặp đi lặp lại, qua rất nhiều bài viết, luận điệu thành phần chống cộng bảo thủ, kiểu VNCH trước kia. Xin tôn trọng tự do tư tưởng của ông. Nhưng, sự ngay thẳng trí tuệ còn có mặt nữa chăng, nếu cái “khuynh hướng bóp méo hiện thực cho vừa ước mơ chính trị của mình” dẫn dắt ngòi bút mình lấy râu ông nầy cắm cằm bà kia để gán ghép nhầm đối tượng quyết tâm “thề phanh thây uống máu quân thù cộng phỉ” ?
-Xin nhắc ông, sự kiện lịch sử phải được ưu tiên tôn trọng trước khi diễn giải hay bình luận sự kiện đó. Thí dụ: không ai có thể sửa đổi hay chối cãi được (kể cả những ai muốn bênh vực Bắc Hàn) là trong chiến tranh Triều Tiên 1950, Bắc Hàn đã xua quân tràn qua vĩ tuyến 38 trước, tấn công Nam Hàn. Còn ý nghĩa của sự việc đó ra sao (Bắc Hàn muốn “giải phóng” Nam Hàn, hay bị Nam Hàn khiêu khích chẳng hạn) lại là một chuyện khác.
-Về vĩ tuyến 17 ở Việt Nam, xin để ông tự suy diễn. Nhưng, lại xin nhắc ông nguyên văn bản quốc ca của Việt Minh trước đây là: “Thề phanh thây uống máu quân thù (không có hai chữ cộng phỉ, dĩ nhiên!), Thắng gian lao đoàn Việt lập chiến khu (v.v…)”
Trong miền Nam, lúc tôi 10 tuổi, đi tản cư theo Việt Minh trốn Pháp, trẻ con tụi tôi đã hát, dưới sự điều khiển của cán bộ tuyên truyền của VM như sau: “Thề ăn gan uống máu quân thù (…) Người Việt Nam nuôi máu căm hờn. Tiến mau ra sa trường! Tiến lên cùng tiến lên! (…)” v.v…và v.v…
Không rõ có ai nghe -riêng tôi thì chưa hề- bất cứ người nào trong hàng ngũ Quân Đội Quốc Gia Việt Nam trước đây và Quân Lực VNCH sau nầy hát bản quốc thiều bằng những lời ca sắt máu như thế chưa. Ông có nghe chăng? Bản thân ông có lần nào hát như vậy, với tư cách người sĩ quan QLVNCH chưa?

b- Về điểm “nhất định là giữ vững quyết tâm không bước chân về Việt Nam, ngày nào còn có chế độ cộng sản…” và lý luận ông đưa ra: “Cho mấy ổng bả chết luôn, ai bảo không chịu chạy cho lẹ ra nước ngoài. Kẹt lại thì ráng mà chịu!”, xin trích gửi ông đọan văn sau đây của một cây bút quen thuộc đã “thành danh” (nhận định của chính ông, VH số 72-73, trang 178), vốn cũng có “cha mẹ già, hấp hối, cầu mong nhìn thấy mặt con lần chót…”, để ông thấy đôi khi còn nhiều lý do khác hơn lý do đơn giản mà ông đưa ra, suy nghĩ dùm thiên hạ: “Riêng tôi, nếu về nước để nhìn thấy đồng bào lầm than, trong lúc cán bộ phè phỡn thì tôi không về. Trong chế độ tư bản, người bóc lột người. Trong chế độ cộng sản thì ngược lại!”
Mới đây, tôi nghe hình như ông đã “vinh quang” trở về Việt Nam theo lời mời của nhà cầm quyền Hà Nội để thực hiện một chuyến “công du” 46 ngày, dùng tài hùng biện thuyết trình các đề tài có tính cách thời sự, chính trị “nóng bỏng”, mà ông đã từng quảng bá trên sách báo hải ngoại -những đề tài đã một thời gây sóng gió cho 19 hội đoàn ở Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ và gây phản ứng ầm ỉ từ một số đông văn hữu khắp nơi ở hải ngoại.
Về lại Hoa Kỳ, hình như ông đang tập trung toàn bộ các lời tuyên bố vung vít thuộc loại “nẩy lửa” để chuẩn bị in thành sách và để trả lời hai cuộc phỏng vấn của hai tạp chí tại California, nội dung xoay quanh chuyến đi du thuyết (chứ không phải du lịch) “Bốn mươi sáu ngày đêm ở Việt Nam” của ông.
Sắp tới, hình như ông sẽ tiếp tục cuộc du thuyết “giải độc dư luận” ở Pháp, nhân tiện bắt tay với nhóm chủ trương hoà hợp hoà giải dân tộc bên đó.
Tôi nói hình như, nhưng xin ông hiểu cho đó là cách nói dè dặt của người cẩn trọng, dù các sự kiện nói trên chắc chắn đã xảy ra và sẽ diễn tiến đúng trăm phần trăm, ngoài trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai bất ngờ, ông nhuốm bệnh ngặt nghèo (tôi không có ý trù ẻo ông đâu nhé, chỉ dự trù các giả thuyết khả dĩ)…
Chờ xem ông sẽ sáng tác những áng văn “để đời” nào nữa đây trong những ngày tới.

c- Ông viết tiếp: “Các tờ báo bảo thủ hải ngoại với các ông già, cựu lính cựu viên chức VNCH, dù cố gắng đến mấy, cũng chẳng thể cản nổi đời sống thực sự (ông nhấn mạnh bằng chữ in nghiêng) của thành phần đa số trong cộng đồng. Những tâm tư nguyện vọng, những điều muốn làm, vẫn cứ biểu lộ qua các báo chí cấp tiến, vẫn cứ được thực hiện trên thực tế” (HL, số 5, trang 5). Không thấy ông chỉ đích danh “các tờ báo bảo thủ”, “các báo chí cấp tiến”…
Riêng tôi -và tôi nghĩ ông cũng vậy- chắc chẳng nỡ coi “mấy ông đồ” (Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Tăng Chương chẳng hạn) như các ông già cựu lính cựu viên chức VNCH…, dù trên thực tế họ có đi lính, có làm công chức cho chế độ cũ, với đầy đủ “mấy món ăn chơi” mà họ phải nếm qua trong chế độ mới, như biết bao người khác đồng cảnh ngộ “kẹt” lại Việt Nam, trong đó có ông và tôi.
Nói phớt qua rồi bỏ, tôi nhận thấy qua các tiểu luận kinh tế, chính trị v.v…ông quả can đảm, dám nghĩ khác hơn đám đông bảo thủ và viết ra điều mà ông cho là tiếng nói của đa số thầm lặng. Tôi chỉ hơi thắc mắc về những chữ ông dùng: Cùng là người Việt Nam mặc quân phục; nhưng nói tới VNCH ông kêu “lính”(có ngụ ý “lính đánh thuê” chăng?); đề cập tới CHXHCNVN thì ông trân trọng gọi “bộ đội”. Và còn nhiều điểm thiên vị khác nữa, kể sao cho xiết. Nhưng tôi không bao giờ đồng ý với những ai bực tức chụp cho ông cái mũ cộng sản, dù trên thực tế, căn cứ trên toàn bộ lý luận của ông, họ không hoàn toàn vô lý khi hồ nghi như vậy. Bởi tôi vẫn còn ngây thơ tin tưởng “những ai đã dự phần vào cuộc chiến bảo vệ tự do, đã kẹt lại ở Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã đi tù cộng sản sẽ khó có thể trở thành cộng sản”.
Có điều tôi vẫn thấy thán phục nhà văn Dương Thu Hương hơn ông nhiều, ở chỗ bà dám thẳng thắn xác nhận mình vẫn là con người cộng sản, qua bản Tự bạch. Sau đó, tôi còn kính nể bà hơn nữa, qua Thư ngỏ gửi bà Thụy Khuê. Và nhất là qua Thư cho một bạn văn. Tôi thấy bà can đảm chấp nhận sửa sai. Tôi thực sự ngã nón chào bà khi đọc đoạn kết lá thư đó: “Mặc dù tôi vẫn biết rằng tính chất phong kiến dã man Châu Á đã làm biến dạng cơ cấu xã hội kiểu dân chủ tư sản ở miền Nam, song le với nguyên tắc cốt tủy tam quyền phân lập, nó vẫn còn văn minh gấp bội xã hội chuyên chính vô sản miền Bắc. Vậy thì ngôi sao chiếu mạng tôi đã định đoạt rồi, tôi an nhiên chấp nhận” (HL, số 5, trang 39).
Liệu ông có đủ can trường đi nốt đoạn đường ông đã tự vạch ra chăng? “Làm nhà văn VN đâu có lợi lộc gì nhiều về tiền bạc, về quyền bính lại càng không nữa. Đã thế văn chương mình viết ra lại hay gây tai nạn, đôi khi làm chết người viết như không”(Thề Uyên, Nghĩ trong mùa xuân, nxb Xuân Thu 1992, trang 166).
Trước mắt, liệu ông có dám khẳng định trước sau gì mình vẫn còn đứng về phía những người bênh vực tự do (như Dương Thu Hương quả quyết mình vẫn còn là người cộng sản, cho dù là người cộng sản thất vọng ê chề về đảng cộng sản), cởi mở đón nhận những góp ý của thân hữu để điều chỉnh lại tầm bắn và nhất là để nhận ra -như Dương Thu Hương ở đoạn kết bài viết dẫn thượng- đâu là cốt lõi của dân chủ, tự do?

d- Tiếp tục bài tiểu luận, ông viết:” Dĩ nhiên một khi chính quyền Mỹ chấm dứt phong toả (…), do tương đồng về quyền lợi, thành phần tiểu tư sản mới (nhấn mạnh: do vốn đầu tư của hải ngoại mà xuất hiện và tồn tại) sẽ liên kết với thành phần tư sản và tiểu tư sản đỏ (mà vốn liếng đầu tư xuất phát từ tham ô, hối mại quyền thế) để tạo thành một thành phần tiểu tư sản vững mạnh trong nội địa. Chế độ cộng sản có chấm dứt sớm hay muộn, tùy thuộc rất nhiều ở thành phần tiểu tư sản nầy: họ lớn mạnh thì một chế độ dân chủ kiểu đa nguyên lại càng dễ thành hình” (HL, số 5, trang 8).
Nếu viễn ảnh do ông phát họa sẽ thành sự thật trong nay mai thì… quả thật nước Việt Nam sẽ còn khốn nạn dài dài…Bà con thử nghĩ, từ sự “ăn nằm” giữa vốn đầu tư của hải ngoại với vốn liếng của tham ô, hối mại quyền thế, một quái thai kiểu nào sẽ tượng hình đây?
Làm chính trị phải chăng đồng nghĩa với “làm ăn”, hở nhà văn Thế Uyên?
***
Tôi minh định đây không phải là một bản cáo trạng hài tội ai hết. Lại càng không nằm trong chiều hướng mở màn cho một cuộc bút chiến sôi nổi nhưng vô bổ. Lẽ ra tôi nên góp ý bằng thư riêng với nhà văn TU. Nhưng tôi không may mắn có liên hệ thân tình với tác giả các bài viết dẫn thượng, để có thể tự cho phép trao đổi thư từ với đương sự.
Tôi rất đau lòng viết ra những điều có thể làm phật lòng một người cầm bút mà tôi vốn rất có thiện cảm (dù chưa một lần giáp mặt) trước 1975. Thế nhưng đôi lúc phải nhận chịu hậu quả của một chân lý rất sơ đẳng: thuốc đắng đả tật, lời thật mất lòng. Hy vọng nhà văn TU thấu hiểu: Vấn đề không phải ở chỗ nói hay không nói sự thật, mà ở chỗ có dám nói hết sự thật chăng.
Cố nhiên, khi nêu lên nghi vấn nhà văn Thế Uyên có nhiều điểm thiên vị, thiên lệch, tôi vẫn không quên chính mình có thể cũng có nhiều chỗ không hoàn toàn vô tư lắm. Bởi tôi vẫn còn nhớ lời của ông tổ chủ nghĩa xã hội khoa học, Karl Marx: “Không thể có một khách quan tính thực sự khách quan; chỉ có thể có một khách quan tính chủ quan” (Bản dịch từ Đức ngữ sang Pháp ngữ như sau: Il n’y a pas d’objectivité vraiment objective; il n’y a qu’une objectivité subjective).
Dĩ nhiên, trung lập hay lắm (trên thực tế làm sao có thể hoàn toàn trung lập?); nhưng trung lập vẫn còn là một xa xí phẩm ngoài tầm tay của đám đông quần chúng ở các nước trên đà phát triển. Tuyệt đại đa số, sau rốt, vẫn phải có sự lựa chọn, kể cả sự lựa chọn không chọn lựa gì hết!
Nghĩ cho cùng: “Không phải ai cũng có may mắn làm dân Thụy Sĩ” (Tout le monde n’a pas la chance d’être Suisse. J-P Sartre). Đúng không, nhà văn Thế Uyên?

Thôn trang Đổ-Lá-Đầy-Ấp-Mơ, Xứ Tuyết
-Lê Tấn Lộc-

No comments: