Thursday, May 29, 2008

Dọc đường góp nhặt



Dọc đường góp nhặt
*nằm mơ một chớp dài muôn thuở,
ngoảnh lại nghìn xuân một thoáng thôi*!

Rất xa xưa, gần nửa thế kỷ về trước, tiễn tôi lên đường du học, ba tôi nhắn nhủ: «Mười mấy năm dồi mài kinh sử, mài miệt vùi đầu trong các thư viện con có thể ngấu nghiến đọc hàng vạn vạn trang sách. Nhưng với mớ kiến thức đáng kể thụ đắc đó, con vẫn chưa thể tự hào đã đọc được nửa trang trong quyển sách vô cùng to lớn của thế giới mông lung ngoài đời…». Thuở đó, tôi chưa hiểu thấu thông điệp ba tôi muốn truyền đạt, bởi vì còn bị choáng ngợp bởi chuyến ra đi đầy mộng ước vẻ vang đang đợi chờ «ta» nơi Kinh Đô Ánh Sáng. Và lý thú nghĩ rằng «ta» sẽ theo chân triết gia Descartes «ngao du trong quyển sách vĩ đại của địa cầu-voyager dans le grand livre du monde»!
Phải gần năm mươi năm sau ngày xa quê hương lần đầu, tôi mới sực tỉnh nhận ra mình đã lầm đường vì…lo sợ lạc đường! Lo sợ lầm đường đến độ không hề dám sấn bước chệch ra ngoài những lối đi an toàn có người qua kẻ lại tấp nập (sentiers battus), cứ mê say phóng lướt trên xa lộ thênh thang của công danh sự nghiệp -những tưởng sẽ được bảo đảm bền vững suốt đời- ngờ đâu lại lạc lối vào ngõ cụt, với vực thẳm không đáy trước mặt: Thảm họa ba mươi tháng tư một chín bảy lăm bất chợt phủ chụp xuống đất nước như một tai nạn lưu thông kinh hồn, vô tiền khoáng hậu, gây thương vong hàng loạt cho hằng muôn vạn sanh linh (hécatombe), đột biến như cơn nước lũ vỡ đê cuống phăng đi một mảng mặt lộ khổng lồ trên *đại lộ kinh hoàng*, chia cắt đôi bờ*sông côn mùa lũ* ; bên nầy bờ, nhục nhằn đày đọa; bên kia bờ, an lạc, tự do…Đôi bờ càng lúc càng dang xa, càng lúc càng *nghìn trùng xa cách* như bên nầy và bên kia đại dương mông mênh, trùng trùng điệp điệp phong ba bão táp! Một đại-dương-chứng-nhân biết bao thảm kịch vượt ngoài trí tưởng tượng của loài người, một đại dương như bể khổ trầm luân, đã đánh đắm hơn nửa triệu nhân mạng vượt trùng dương mưu tìm đất sống…

Sống sót sau cơn hồng thủy khiếp đảm đó, may mắn trôi dạt vào bến bờ nhận đón các dũng-sĩ-vượt-thoát-cùm-gông, cái «ta» kết sù trước kia giờ đây biến dạng thành *người ngồi hong nắng lặng thinh, hong kinh vô tự hong tình vô ngôn* trên dốc đá nhìn xuống biển cả, mồ chôn biết bao tài hoa son trẻ hơn kẻ bất tài vô tướng như hắn; để rồi hắn xót xa nghiệm ra quả thật mình *nhỏ bé thôi… nhỏ bé thôi*! Bài học đầu tay về khiêm nhường khởi đầu cho ý chí khiêm hạ, «đọc được» từ nửa trang -nửa trang thôi- trong quyển sách đời! «Nhỏ-bé- thôi» nhận chân rằng mình không được đặc ân *sinh nhi tri chi*-sinh ra đã biết; đã qua giai đoạn *học nhi tri chi*-nhờ học mà biết; bây giờ đang trải qua thời kỳ *khốn nhi tri chi*-do khốn đốn mà biết. Lời cha già thân yêu nhắn nhủ năm xưa lại vang dội bên tai «nhỏ-bé-thôi»…

Cơn gió thốc từ nhánh sông Saint-Laurent hiền hòa lờ đờ trôi ngang hậu liêu tu viện Dòng Tên Villa Saint-Martin (nơi anh chị em Dòng Phan Sinh Tại Thế vùng Mộng-Lệ-An đang Tĩnh Tâm) lay động hàng phi lau ven sông: Từng đàn bướm trắng bung lên, chới với vẫy cánh bay lượn la đà mặt sông, làm liên tưởng tới những cánh bườm của những chiếc xuồng ba lá tí teo, mong manh như lá liễu trên đại dương bao la sóng gào gió thét, ngày nào đã đưa từng đoàn người không đành lòng rời bỏ quê cha đất tổ vượt biển đi tìm đất hứa…Phải chăng các cánh bướm kia là những oan hồn vất vưởng của bạn bè thân thương vạn lần ưu tú hơn tôi đã phơi thây trên chiến trận, chôn xác trong rừng sâu nước độc của những trại giam nghiệt ngã, tàn khốc hay vùi thân dưới đáy biển ngàn đời tăm tối, gíá băng? Lạy Chúa! Xin rũ lòng thương xót cho những linh hồn cô đơn nầy được an bình ngơi nghỉ. *Requiescat in pace!*
Hỡi ôi! *Hí trường hay dở ba canh vãn, Thế sự thăng trầm một kiếp thôi*. Chẳng còn được như ngày xưa viếng thăm phần mộ những người đã khuất, cúi đầu lặng yên suy gẫm thế sự thì… Hỡi những anh em đã nằm xuống *không một nắm mồ-morts sans sépultures*! xin hãy cho tôi được một lần *nhớ nhau vẫy bút làm mưa gió, cho nắm xương tàn được nở hương*!

Hết rồi những xa lộ thênh thang nhưng dẫn về ngõ cụt. Nhỏ-bé-thôi giờ đây nằm lòng trích đoạn Phúc Âm nầy, lúc Chúa Giê-su trên đường lên Giê-ru-sa-lem đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy :
Có kẻ hỏi Người :«Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải
không?». Người bảo họ:«Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào,
vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể
vào được» (Lc 13, 23-24).
Từ nay trở đi nhỏ-bé- thôi xin dấn bước trên những lối mòn không quen thuộc để học hỏi thêm, khám phá thêm những kho tàng tiềm ẩn nơi những anh chị em hèn mọn đang ở đây và bây giờ-*hic et nunc* với cái «ta» đang dần dà lột xác: Những ACE không học-cao-hiểu-rộng-lớn-lối-khoa-trương-khua-môi-múa-mỏ-cường-điệu-ngoan-cố; trái lại rất đơn sơ, hồn nhiên, rất kín đáo nhưng rất nhiệt thành, luôn luôn sẵn ứng giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, khiêm tốn sống Phúc Âm, âm thầm *an nhi thiện cư, lạc nhi thiện sự* -an với chỗ mình đang ở,vui với việc mình đang làm- không bon chen, xô lấn, không loại trừ bất cứ ai, thể hiện trọn vẹn Tình Huynh Đệ Phổ Quát, tôn chỉ của Dòng Phan-xi-cô…
Tiếp cận dài lâu với những ACE «ít học» nầy, nhỏ-bé-thôi càng lúc càng thấy mình nhỏ bé thêm, càng lúc càng thấy lời cha già nhắn nhủ mình năm xưa được kiểm chứng: Hắn cần học hỏi thêm nơi các bậc «sư phụ» nầy mới có thể tiếp tục «đọc» nửa trang còn lại và những trang kế tiếp trong quyển sách đời, ngõ hầu phát huy hai vết khắc «Yêu Thương và Tha Thứ» mà vị linh đạo tĩnh tâm, Cha Trợ-úy-giảng-phòng Aimé Đỗ văn Thông đã hằn sâu trong tâm khảm hắn, xóa dần *vết thù hằn trên lưng ngựa hoang* của hắn từ lâu chưa được hóa giải…Lời khuyên nhủ của một ACE ít-học-nhỏ-bé-xinh-xinh, «sư-phụ-đơn-sơ» của hắn, bên bờ sông tĩnh mịch đầy cánh bướm nhấp nhô vang động trong tâm thức hắn:
*một cũng chấp, hai cũng chấp, chất chứa trong lòng chi cho khổ?
trăm điều bỏ, ngàn điều bỏ, thong dong tất dạ vậy mà vui !*
Dĩ nhiên chấp là tự làm khổ, nhưng phá chấp không phải bất cứ ai cũng dễ dàng làm được. Vẫn biết bỏ qua để tha thứ là trước tiên *chữa lành* cho mình, ơn ích của thứ tha, chính mình là người thụ hưởng đầu tiên. Nhưng, nếu Rome không thể xây cất xong trong một ngày thì thứ tha trọn vẹn, đích thực không thể một sớm một chiều mà đạt được. Tha thứ, một hành trình dài lâu đầy gian khổ, trục trặc: Nguy cơ tái phạm lầm lỗi không-bỏ-được-niềm-uất-hận-nung-chí-trả-thù thường xuyên chực chờ trong tiềm thức ẩn chứa hoài niệm thương động ta-đã-bị-xúc-phạm-nặng-nề…Nhỏ-bé-thôi làm sao quên được những bàn tay tinh xảo của y sĩ chuyên giải phẫu tim, óc bị «những đỉnh cao trí tuệ của loài người» buộc phải dùng tay trần cào xới đất cày lên sỏi đá để «canh tác»! Nhưng…một ACE «sư-phụ-ít-học-đàn-anh-tinh-thần» lại ân cần vỗ về cái «ta» của nhỏ-bé-thôi đang muốn vùng lên: «Uất ức nầy sớm muộn cũng sẽ đưa đến ý định trả thù, ăn miếng trả miếng. Cứ thế mà tiếp diễn, anh-cải-tạo-tôi-cải-tạo-anh…Biết bao giờ mới ra khỏi cái vòng lẩn quẩn hận thù chồng chất? Cả nước sẽ mãi mãi là một chuỗi trại giam…cho tới ngày tận thế chăng? Nầy người anh em! *Sự lai nhi tâm thỉ khởi. Sự khứ nhi tâm tùy không*-Tới thì biết tới. Qua thì cho qua». Thêm một nửa trang sách thứ hai của quyển sách đời được mạc khải cho nhỏ-bé-thôi:
*Sự việc tới tâm vui đón nhận,
Việc qua rồi tâm cũng theo qua…*

Nhìn lại chặng đường đã qua, cái ta từ từ tan biến theo sự bừng tỉnh của cái tôi càng lúc càng ý thức mình vô cùng nhỏ bé…Ếch nằm đáy giếng thấy bao lăm trời: «*Không thể nói về biển với ếch giếng, nó chỉ biết cái hang của nó mà thôi. Không thể nói về tuyết với ve sầu, nó chỉ biết có một mùa hạ mà thôi. Không thể nói về đạo với kẻ hẹp hòi, họ chỉ biết giáo điều của họ mà thôi*». Tự nhiên tôi thấy người nhẹ nhỏm. Lợi ích gì chấp nhứt «đỉnh-cao-trí-tuệ-giáo-điều»? Họ nào biết họ đang làm gì đâu! Chúa Giê-su đã chẳng xin Cha Ngài tha tội cho những kẻ không thấu rõ ý nghĩa hành vi của họ sao? Cùng lúc, tôi đón nhận lời truyền đạt của một «sư-phụ-anh-em» khác để rèn luyện đức khiêm tốn, hiền hòa với ACE:
*Tâm đừng hẹp hòi.
Khí đừng hung hăng.
Tài đừng bộc lộ.*
Hầu hết ACE tôi đều lặng lẽ, âm thầm phục vụ nhau. Hình như họ thấm nhuần tư tưởng phương Đông: * Ngôn giả bất tri. Tri giả bất ngôn *-Nói thì không biết. Biết thì không nói. Ai dám bảo họ không «có đầu óc». Họ mới đích thực là trí thức, trái với đám vỗ ngực tự xưng là trí thức nhưng thực chất là trí…ngủ! Cung cách tiếp xúc với anh em trong những ngày tĩnh tâm nói riêng, thuật xử thế khiêm nhu của họ trong mọi hoàn cảnh nói chung, cho thấy tôi còn rất nhiều điều cần phải lãnh hội, thấm nhuần. Sự thanh thản bình tâm của họ khiến tôi nhận ra *Tự do là ung dung trong ràng buộc. Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau*. Và quả thật họ chỉ cho tôi thấy, khi nhớ lại chuỗi ngày thê lương sống trong sự khốn cùng của một thế giới vô thần, rằng *Có mất tự do mới biết tự do là cao quí. Có ly thoát mới biết sự ràng buộc là khổ đau*…

Chia sẻ huấn đức tạo thêm cơ hội thuận tiện cho những trao đổi tâm tư tình cảm giữa ACE bên bờ sông im vắng. Các xung đột ngấm ngầm còn tồn đọng lần lượt được kín đáo tìm cách giải tỏa. Bài học cụ thể đến từ quyển sách đời là gương sáng nhẫn nhịn của «sư-phụ-đơn-sơ», nạn nhân bị «bạo hành miệng-violence verbale». Nhỏ-bé-thôi chất vấn sao người có thể chịu nổi một xúc phạm nặng nề, hết sức bất công và phi lý như vậy, «sư phụ» ôn tồn tâm giải: «*Nhẫn một chút, gió yên sóng lặng. Lùi một bước, biển rộng trời cao*»!
Đêm thức canh, mọi nguồn ánh sáng đều được giảm thiểu tối đa. Không khí trang nghiêm mờ ảo bao trùm các khấn sinh đang chập chờn trầm mặc trong bóng tối huyền nhiệm. Một ngấn lệ chảy dài trên má một khấn sinh, lấp lánh dưới ánh nến lung linh. Không rõ khói hương trầm làm cay mắt tôi hay chính tôi cũng đang ứa lệ? *Còn khóc được là còn hạnh phúc*.Tôi lại nhớ chuỗi ngày nhục nhằn, tan tác trong các trại tập trung. Nhớ như để chấp nhận «chịu tang-porter son deuil» cho thời gian bị trả thù đó, để rồi quên đi, quên ngay cả niềm uất hận chờ ngày phục thù! Thông điệp lồng trong đề tài tĩnh tâm Yêu Thương và Tha Thứ đã bắt đầu tác dụng trên nhỏ-bé-thôi…

Sau thánh lễ long trọng cho các khấn sinh tuyên khấn, nỗi vui mừng lan rộng, bao trùm tất cả ACE. Những vòng tay ôm siết trong tiếng chúc mừng qua nụ cười ướt lệ…ôi sao mà chân thành, nồng nhiệt quá sức! Như toàn thể đại gia đình mở rộng vòng tay nhất tề đón nhận những đứa con hối cải quay về tổ ấm. Mầu nhiệm thay, nhỏ-bé-thôi, kẻ một thời «khuấy nước chọc trời» giờ đây cùng với nhóm khấn sinh thân thương chính thức nhập gia Huynh Đệ Đoàn Phan Sinh Tại Thế. Nhưng niềm vui chưa được toàn vẹn vì một vài ACE trong nhóm chưa đứng trong hàng ngũ khấn sinh lần nầy. Nhỏ-bé-thôi đã để yên cho một nhỏ-bé-thôi khác không cùng khấn lần khó quên nầy gục khóc ướt cả vai áo mình! Còn khóc được là còn…hy vọng. Một lần nữa khói hương trầm lại làm cay mắt tôi…

Một tuần sau ngày kết thúc tĩnh tâm, nhỏ-bé-thôi đứng trong đội ngũ Dòng PSTT tham dự rước kiệu Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, gây ngạc nhiên thích thú cho nhiều thân hữu và cho…cả chính hắn! Lần đầu tiên hắn đi kiệu, mà còn đi hàng đầu, cầm cờ nữa chứ! Quả thật, «đường lối của Chúa khôn dò khôn thấu-les voies du Seigneur sont impénétrables»!
Trên đường về, trao đổi cảm nghĩ về lần tĩnh tâm vừa qua với «sư-phụ-đơn-sơ», hắn lại được dịp «dọc đường góp nhặt» từ quyển sách đời để tìm hiểu thêm động lực đã thúc đẩy hắn thay đổi toàn bộ lối sống và suy nghĩ : *Phù du trong những phù du, phù du tất cả chỉ là phù du-Vanitas vanitatum, et omnia vanitas!*. Đúng thế, bởi vì chính ta : *Rồi đây ta cũng bỏ ta. Có, không, không, có cũng là phù du…*
Vậy thì cố chấp làm chi cho khổ thân, cứ *sống thanh thản, chết bình yên*. Vẫn biết trần gian là cõi mộng nhưng một khi đã đến cõi trần và có duyên gặp nhau thì hãy sống hết lòng với nhau. Bởi lẽ,*Trời xui định mệnh quen nhau Mà không cho biết bao lâu kiếp nầy. Thôi thì quên những tàn phai Để ta sống trọn tháng ngày có nhau*

Vâng, anh chị em của tôi ơi! Hãy cùng tôi sống như *người về qua cửa phù vân, nghiêng vai trút gánh phong trần đổ đi* cho tâm được thanh thoát…

Thôn trang Rêu-Phong, cuối hè 2007
-Lê Tấn Lộc -
_____________________________________________________________________________
Ghi chú : (*) Trích đoạn thơ văn trong bài viết nầy mượn của Chúc Mai, Hư Trúc, Khổng Tử , Lão Tử, Thanh Sơn, Trang Tử, Trần Huyền Trân, Viên Minh, X. v.v…và của chính tác giả.

No comments: