Friday, May 30, 2008

Lộn sòng lộn dĩa


Lộn
Sòng
Lộn
Dĩa

Nửa đêm, tay lính kín Tây dựng đầu ông anh Lợi của tôi dậy trong bót “nóc bằng” - ở Bạc Liêu có hai bót nhốt người tình nghi hoạt động chống Pháp, bót nóc bằng để tra khảo, bót “nóc nhọn” để chờ giải tòa - dùng vỏ xe đạp bằng cao su đặc quất túi bụi vào người anh, làm anh sụm hai cái ba sườn non và văng hai cái răng cửa. Chỉ vì khi lục xét, nó moi được từ trong bóp anh ra tờ giấy bạc mới (5 xu) do anh lì xì tôi dịp Tết mà tôi đã gởi lại anh giữ, trên đó tôi đề tên tôi để anh khỏi lẫn lộn với tiền khác. Chẳng may lúc bấy giờ mật thám Tây đang truy lùng tên trưởng ban ám sát thành của V.M. trùng tên họ với tôi. Lộn sòng... hộc xì dầu, mở đầu cho một loạt lộn dĩa chóng mặt!

Lúc đâu được mười bốn tuổi, tôi si tình mê mệt Trưởng Nhi, bạn cùng trường ở Vĩnh Long. Yêu một chiều, đau khổ tinh thần dĩ nhiên, nhưng thể xác còn đau đớn gấp ngàn lần. Anh Lợi - phần nào nhớ lại lúc bị lính kín “dợt” vì tôi - “dần” tôi một trận nên thân tới gẫy bốn cây cộc giăng mùng ghế bố vì mất mặt với ông chủ sở, ba của cô gái cưng, sau khi đọc toàn bộ tình thư tôi gởi cho nàng, mà nàng đành đoạn trao cho cha già để ông nầy trả lại cho anh tôi, với lời phê bự tổ chảng, đỏ lòm: “Lũ ma trơi”(Bande de feux follets!), gạch đít đậm nét. Chẳng thương thì chớ, sao đành giết nhau!
Bốn năm sau, bạn bè viết thư giũa tôi thê thảm, cho rằng tôi đặt điều Trưởng Nhi chơi khăm tôi. Chẳng hiểu vô tình hay cố ý, Nhi kết hôn với một người trùng tên, trùng họ, trùng luôn chữ lót với tôi!
- Mầy quá lố đó nghe, thằng cà khịa. Thằng bạn viết. Chữ in ràng ràng đây con! Ai trồng khoai đất nầy, hả mậy? Bây giờ lấy nhau rồi, tụi bây còn tính bày trò kiểu cọ nào thêm nữa chăng?Khi không bị chửi oan, trong lúc mình đang lảo đảo như con chim bị trúng đá nạng thung khi nhận được hồng thiếp. Mắc cười hơn nữa là có mấy anh chị đồng môn sốt sắng gởi quà cưới về nhà tôi. Lộn sòng... mắc dịch!

Năm hai mươi tuổi, tôi tháp tùng anh Lợi “khắc tinh” của tôi đi mần văn nghệ văn gừng “tranh đấu” với mấy cô thơ ký của chàng: đơn ca, song ca, hòa ca, hợp tấu, diễn kịch... Xôm tụ ghê! Kề vai cọ vế chẳng thể nào tránh đặng với cái khung cảnh “hiễu” tình mờ mờ ảo ảo của sân khấu về khuya, lúc khí thế “đấu tranh” đã loãng. Nhưng tiến xa hơn nữa thì thiệt tình tôi không tha thiết mấy, cũng chẳng dám. Nói ra khó tin, chớ chừng tuổi đó rồi mà tôi vẫn còn nguyên xi chưa cắt chỉ! Trong bầy tiên nữ nghệ sĩ tài tử nầy, tôi “kết” Phương nhứt. Coi bộ cô ta có vẻ chịu đèn tôi lắm, cũng “pha, cốt” lia lịa.
Bẵng đi một dạo không hát hò nữa, tôi cũng quên dần Phương và bắt đầu thả dê về chỗ con nhà làm ăn lương thiện, định bụng neo thuyền lãng tử. “Thuyền tình (đang) lung linh trong khói sương lam” thì bỗng nhiên một buổi sáng nàng thôn nữ đến dộng cửa nhà, liệng tờ báo Tiếng Chuông vô mặt tôi, dặm chân khóc ré, rồi thót lên xe máy nhôm dọt mất. Ba chưng bốn cẳng rượt theo nàng một lát tôi thấm mệt, thua buồn thả bộ lững thững về nhà, cúi lượm tờ báo lật ra, liếc vô chỗ có khoanh bằng viết chì đỏ, với cả chục cái chấm than bao quanh “Tin Mừng”:
Nhận được hồng thiếp báo tin cô Nguyễn Xuân Phương thành hôn cùng cậu Lê Tấn Lộc (...)
Trời đất quỉ thần ơi! Anh đây sao em không lấy, mà đi lấy tên anh chi vậy Phương! Em đặng tấm chồng khỏe re, anh mất người tình lảng xẹt. Lộn dĩa... trào máu!

Tới tuổi hai mươi mốt, thấy mình có vẻ chững chạc hơn trước, tôi bèn “thành đô giã biệt” quay về xứ Vãng - Vĩnh Long, đọc trại thành Vãng Long để tránh phạm húy tên tộc Vĩnh Thụy của cựu hoàng Bảo Ðại - tìm vợ cho cha mẹ yên lòng, vững bụng mần ăn. Lúc còn học trung học, tôi ưa rà rà trước cửa nhà Nguyệt Minh và thường bắt gặp nàng tựa cửa chải tóc, vu vơ ngó trời xanh bao la. Ðẹp thùy mị, đẹp như tranh. “Suối tóc buông lơ xõa má hồng”, tôi gồng mình đề thơ vậy đó để ca ngợi người thiếu nữ bên song cửa. Ðôi khi thấy nàng tha thướt đi ngang nhà, tôi mỉm cười đón gió và cũng được nàng mỉm cười trả lễ, kín đáo gật đầu chào. Tình trong như đã, mặt ngoài còn e? Chưa kịp trổ ngón ruột “quì dưới chân hoàng hậu dâng trái tim” (bài học thuộc lòng từ tài tử Errol Flint) thì con gà nuốt dây thung Kiệt, em tôi, đã xề vô Nguyệt Ánh, em nàng. Còn chêm tôi cứng họng luôn: “Hai anh em cua hai chị em, coi sao đặng đại ca? Kỳ chết!”. Tôi đành rút lui, hút gió hổng kêu. Trớ trêu thay, một lần nữa, tên tôi lại xuất hiện không phải chỗ, trên thiệp cưới của Nguyệt Minh! Lộn sòng... xót xa!

Ba lần xuất quân, ba lần thiên hạ ăn ốc mình đổ vỏ. Tôi nghĩ thầm: “Ở Việt Nam coi bộ không khá về đường tình duyên. Sẵn dịp mình được chọn đi Pháp du học, nên hướng về mấy cô đầm đìa thử thời vận”. Vậy mà chút xíu nữa cũng khỏi đi Tây luôn: Khi lấy lời khai để lập hồ sơ xuất cảnh, thầy cảnh sát hỏi tôi có phải là con ông Cựu Thủ Hiến Nam Việt (thời Bảo Ðại). Tội bực mình vặn lại:
- Sao ông không hỏi tôi câu đó lúc ổng còn tại chức. Bây giờ ổng lưu vong, Ngô Tổng Thống lại có tánh đa nghi. Bộ ông muốn hại đời tôi hay sao mà cột tên ổng vô tên tôi? Lộn dĩa... quá date!

Sau “bao năm từng lê gót nơi quê người”, trở về quê nhà đời tôi lận đận lao đao, khi chiến hào ngộp thuốc súng, ngổn ngang vỏ đạn, lúc quán rượu ngập đầy khói thuốc, la liệt vỏ chai... Cũng may, chưa có cơ hội hoặc “xanh cỏ” hoặc “đỏ ngực”. Khi ở nhà binh đã lục lục tầm thường, lúc ra “xi-vin” (dân sự) tôi cũng tầm thường lục lục, những tưởng sẽ yên lặng sáng xách ô đi, chiều vác ô về, tà tà cho tới ngày dưỡng lão. Nào ngờ, “đất bằng nổi sóng”.
Ðúng tuổi ba mươi lăm, chó ngáp phải ruồi, tôi may mắn được mang râu đội mũ, có dịp vui chơi xả láng hơn trước đây (Y như lời phê điểm của cấp trên, lúc tôi còn bận đồ kaki: Sĩ quan trẻ tuổi, có khả năng chỉ huy, thích chơi hơn làm việc”! Ðại úy muôn năm chẳng oan ức gì cho lắm).
Một bữa, có thằng bạn cho tôi số điện thoại để lấy hẹn với một em, được mô tả thơm như múi mít, có cái tên rất ướt át gợi tình:
- Dạ Lan nghe đây! Tiếng em êm ả rớt vào tai tôi.
- Dạ chào cô! Tôi đáp. Anh Danh nói tôi điện thoại mời cô đi dạ vũ ở nhà anh Thứ. Xin cho tôi được vinh dự làm chevalier servant (hiệp sĩ hầu cận?) cô đêm nay. Thưa cô, xin được phép tự giới thiệu, tôi là Lê Tấn Lộc...
- Thôi nghe cha nội! Bộ cha chưa “đã” sao mà còn theo chọc phá tôi hoài vậy? Cái gì quí nhất đối với con gái, tôi đã cúng cho cha rồi, cha còn ức hiếp gì nữa? Bên nhà băng thiếu gì người đẹp sẵn sàng chờ cha ban ơn mưa mốc. Ðể tôi yên, nghe chưa? Ðủ rồi!
Có tiếng cúp điện thoại. Tôi ngẩn ngơ tò te. Trời Phật! Cái gì vậy bà con? Từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới nay, tôi chẳng hề biết đếm tiền. Gọi Danh mới biết Dạ Lan lộn tôi với ông chóp bu bên Ngân hàng Việt Nam “Thôn” Tín, con ruột của ngài Cựu Thủ Hiến Nam Việt! Lộn sòng... trời đánh!
Nhưng rồi nhờ sự dàn xếp của Thứ tôi cũng cận kề Dạ Lan. Em và tôi càng lúc càng khắn khít dữ dội. Một bữa, em điện thoại tới chỗ tôi làm:
- “Tổng” Lộc hả? Ðêm qua cưng “sung” dữ há! Sáng nay em vẫn còn bần thần, ê ẩm cả mình mẫy. Ðồ quỉ! Kiểu cỏ tản thần luôn! Cưng đau lưng dữ lắm không? Nhớ ăn tẩm bổ nhiều nhiều nghen. Em chờ cưng ở Ritz tối nay đó!
- Allô! Cô nói... tôi chẳng hiểu gì hết! Tôi là Phụ tá Tổng...
- Thôi đi tía non! Ðừng có “mần tuồng” nữa, được không? Em quạu lên bây giờ. Ðừng bắt em chờ lâu nha! Ðúng 8 giờ tối nay đó. Bái bai...
Tội nghiệp ông Phụ tá của tôi. Ông hầm hầm đẩy cửa văn phòng vào gặp tôi, phân trần có ai điện thoại quấy rối cơ quan và đề nghị tôi chỉ thị Ban Thanh tra tìm hiểu sâu rộng nội vụ để truy nguyên kẻ phá hoại!
Tôi cười thầm. Ông ta đâu biết tôi đã cho Dạ Lan số điện thoại của ông. Ai biểu ông trùng tên với “chief” chi! Dẫu sao ông cũng “đã” được ba mươi giây, vì người đẹp vô tình tỉ tê cho ông nghe vài pha cụp lạc khỏi trả tiền. Thính dâm! Lâu lâu mới được ăn ốc để người khác đổ vỏ! “Vui nầy đã bỏ đau ngầm xưa nay...” Lộn dĩa... đỡ đạn!

Bận khác, có người nhờ cô thủ quỹ phòng tập Tự Do đưa cho tôi một thư tay.
- Chó con, cục cưng của em! Thư viết. Em muốn một lần nữa thân xác em bấu víu chó con, tâm thần em chết điếng trong tiếng rên ư ử của chó con...
Người tôi hừng hực lửa khi đọc tiếp các đoạn kế. Ông Phụ tá “nhĩ dâm” mà bắt gặp tôi đang ngờ nghệch với lá thư trong tay, chắc sẽ trả đũa tôi “thị dâm”! Tôi, chó con... rên ư ử? Phần nào thôi chớ em! Tuy ngờ ngợ có cái gì “trật chìa”, tôi vẫn đến điểm hẹn (hiệu kem L’Impériale, đường Tự Do) như tác giả “dâm thư” yêu cầu, dù tôi chẳng rõ dung nhan mùa hạ của em ra sao. May thay, trong số khách ăn cà-rem hôm đó, chỉ có một cô trông rất angélique (thiên thần?) ngồi cu-ki. Tôi rề rề lại trình thư cho mỹ nhơn. Cô em Bắc kỳ nho nhỏ cũng dễ tính, mời tôi ngồi và nói ngay đang chờ một người tên Lộc thật, nhưng Lộc nầy “đô” con và gồ ghề hơn tôi nhiều (Trời mới hiểu những kẻ yêu nhau: bự con mà kêu là chó con!). Khi đã rõ sự nhầm lẫn vô duyên của cô thủ quỹ, em cười nhẹ, tỉnh bơ nói :
-Sự thể đã vậy thì... cho nó vậy luôn! Âu cũng là số kiếp... Ai ngờ câu nói vô tâm của em lại thành sự thật. Một thời gian dài, tôi mạt kiếp luôn vì em. Lộn sòng... tưởng ngon xơi, ai dè lãnh thẹo dài dài!

Ðang dở sống dở chết vì viên thuốc độc có bọc đường, quà tặng bất ngờ, như đùi gà rút xương chấm muối tiêu sẵn, từ trần nhà rớt vô bảng họng mình, một bữa, tôi lại nhận một thư tay do văn phòng trường Phục Hưng, nơi tôi đang cộng tác, chuyển giao.
-Thằng chó đẻ! Thư viết. Ðồ xỏ lá ba que! Mày để con nít trong bụng bà rồi bỏ trốn hử? Bà chờ mày đúng một tháng nữa. Mày không giải quyết ổn thỏa, bà sẽ cho đàn em đâm mày bỏ mẹ!”. Ký tên Cathy Xù.
Tôi tá hỏa tam tinh, tra vội tự điển trong đầu. Và yên tâm chẳng thấy cố nhân nào của mình có cái tên xù lông dữ vậy (Tổ cha nó! Hết chó con, tới chó đẻ!). Rồi chợt nhớ trong lớp tôi dạy có một tay bụi đời vừa bỏ học, trùng tên, trùng họ, trùng luôn chữ lót với mình. Tuy vậy, để phòng hờ bà xẹt bất tử, tôi vẫn kè kè theo cây dù mà cán được biến chế thành dao bấm. Lộn dĩa... nẩy lửa, có thể bị lòi ruột như chơi!

Thế nhưng “động mà qua”. Tôi hơi yên bụng thấy lâu lắm rồi không có vụ lộn sòng vì cái tên duyên số của mình nữa. Nhưng rồi hè đỏ lửa, hiệp định Paris, đứt phim, “đăng ký học tập” tuần tự tiếp nối nhau như một ván cờ sắp đặt trước:
Bước vô trại cải tạo, tôi tưởng đã xù bài được nghiệp chướng lộn dĩa lộn sòng vì lầm lộn họ tên. Ai ngờ! Suốt bảy tháng liền, tên sĩ quan chấp pháp, do Bộ Nội Vụ CS gởi xuống tra hỏi tôi về... liên hệ cha con với ngài Cựu Thủ Hiến Nam Việt và các bí mật trong Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín! Tôi hết lời “thành thật khai báo” cha tôi là Lê Minh Châu (lại thêm một cơ hội cho hắn hoạnh họe: Tại sao cha Lê Minh mà con Lê Tấn?...), một ông thợ mộc nghèo. Từ xưa tới nay, tôi chỉ hành có hai nghề: nghề tay mặt là gõ đầu trẻ, nghề tay trái là giặc nói. Nghề nào cũng chỉ có nói chớ không có làm. Hắn vẫn không tin, khư khư quả quyết tôi “man khai lý lịch”. Hắn bảo tôi mô tả công việc hằng ngày của tôi. Tôi khai:
- Tay mặt cầm cục phấn, tay trái cầm nùi lau, dưới chân là bục gỗ, trước mặt là đám học trò...
- Thế sau nưng anh nà cái rì? Hắn ngắt lời tôi.
- Tấm bảng đen. Tôi thành thật trả lời.
- Anh bôi bác trế độ hử? Hắn giận dữ đập bàn quát tháo. Anh không trấp hành nghiêm trỉnh nàm việc với cán bộ phải không? Cũng rễ thôi. Biệt ram cho anh hết ngoan cố. Tấn Nộc mà không niên hệ với Tấn Lẫm thì niên hệ ai?
Thời gian ba tuần nằm thui da trong cô-nếch, tôi mới rõ ý của tên chấp cung: Hắn muốn biết sau tấm bình phong làm thầy giáo (mặt nổi) thực sự tôi làm gì bí ẩn (mặt chìm). May nhờ có ông Phụ tá của ông Tổng Giám Ðốc Ngân Hàng (cùng nhốt chung trại) lên nhận diện và xác nhận với bọn thẩm vấn tôi không phải là chef của ông, nếu không chắc tôi đã mập mình! Tôi quả có duyên với cha con ngài Cựu Thủ Hiến Lê Tấn Nẫm! Lộn sòng... chó má!

Ðã hết đâu. Khi ra trại cải tạo,tôi cố gắng tìm phương tiện chạy lên Lái Thiêu thăm Danh-trại-gà năm xưa. Tuy tiếp tôi niềm nỡ nhưng Danh không được vui. Vô lai rai ba sợi, Danh lôi ra một sấp báo Tin Sáng có đăng một loạt bài bốc thơm chế độ (ký tên Lê Tấn Lộc) thảy lên bàn, hậm hực lớn tiếng:
- Vậy là hết ý kiến. Hổng lẽ tao cấm cửa mầy. Thằng Thứ mà đọc được, chắc nó trốn trại ra kiếm mầy. Bạn bè ai nấy đều chưng hửng...
- Trời đất! Nghe tao nè Danh: Tao mới ra tù có mấy ngày, mầy biết không? Trong tù, tao có đọc mấy bài nầy, đăng cách đây hai ba năm. Có thằng cũng dạy Triết (đâu ở miệt Hậu Giang) trùng tên họ với tao. Nó bây giờ là ủy viên ủy hòn trong Hội trí thức yêu nước yêu cái gì đó. Mầy mà nghĩ tao “ba mươi” còn chửi tao nặng hơn là tưởng tượng tao “pê-đê”!
- Tao đã hồ nghi có thằng đội lốt mầy hoặc trùng tên họ với mầy. Thấy nó chêm bậy bạ ba cái tiếng Tây ba xí ba tú, trật lất, tao đã nghi nghi. Cũng may. Nếu thật mầy viết mấy cái thứ giẽ rách đó, chắc tụi tao đội quần hết cả đám.
Lộn dĩa... bể mặt!

Ðến lúc định cư tại Montréal, cái nghiệp dĩ trùng tên vẫn chưa buông tha tôi. Một đêm, ông bạn cùng sinh hoạt cộng đồng kêu điện thoại báo có người loan tin tôi nói dóc! Lý lịch tôi kê khai để nhập hội hoàn toàn láo khoét. Tôi chỉ là tên giáo quèn dạy trường Nông Lâm Súc Bình Dương, chẳng hiệu trưởng hiệu trảng, trưởng khu trưởng mông, “xọt-bon”(Sorbonne) xọt biếc gì ráo.
Lại trùng tên nữa rồi! Trường Trịnh Hoài Ðức của tôi quả có sát vách với trường Nông Lâm Súc, nhưng tay Lộc kia, khi ở Biệt Ðộng Quân bị thương động não, đầu cứ chút chút lại lắc lắc, nên có hỗn danh là “Lộc lắc”. Ðể phân biệt, khi xưa bè bạn gắn cho tôi cái tước hiệu khó khá là “Hiệp sĩ say”. Qua bên nầy đại dương, lắc hay say gì cũng rứa. Lắc lư hay say sưa gì cũng mâm-xôi (même chose). Người tung tin, tuy cũng là thầy giáo nhưng ở ngành kỹ thuật. Lúc giáp mặt với tôi, anh ta mới biết mình lộn :
- Ông nầy đâu phải Lộc lắc, bạn tôi!
Lộn sòng... sần mình và te tua, vì nó trùng hợp với thời điểm tôi bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng!

Lần chót (mong thay!) có sự lầm lộn là lúc tình cờ tôi gặp lại đứa học trò cũ, trường Phục Hưng, năm cuối ở Sàigòn, trước khi “hạ màn” - nam sinh, xin nói rõ, kẻo lộn nữa - khi đời tôi đang trên đà xuống dốc thảm thương trên Xứ Tuyết.
- Em tưởng thầy đã chết lúc “đứt phim”, người môn sinh cũ bùi ngùi kể, nên em đã lấy tên thầy đặt cho đứa con đầu lòng của tụi nầy, để mỗi lần gọi tên nó, em nhớ tới thầ...Lê Tấn Lộc!
Rất thương yêu xin nhớ gọi dùm tên! Lộn dĩa... mát dạ, ấm lòng chiến sĩ!

Lần trùng hợp thứ mười ba sắp tới, nếu có, chẳng rõ định mệnh sẽ dành cho tôi sự ngạc nhiên nào đây, tuyệt vời hay thảm não: Một cố nhân được nữ thần Fortuna đãi ngộ đúng mức, leo lên tới tột đỉnh danh vọng làm Ðệ Nhứt Phu Nhơn một vương quốc ở châu Phi, chợt nhớ tới “người xưa” (ngẫu nhiên trùng tên với tôi) mà chạnh lòng triệu hồi lộn tôi sang, cho hưởng lộc trời chăng? Hoặc giả, một cố nhân khác, đã nuôi hận nghìn đời với “kẻ bạc tình”, chợt nhớ phải rửa nhục, bèn thuê người trèo non vượt biển, lội suối băng rừng đến tìm tôi thanh toán lầm chăng?

Hỡi cố nhân chưa hề quen, nhưng biết đâu sẽ gặp vì “lộn dĩa”! Chúng ta vốn vô can trong sợi dây oan nghiệt “ơn đền oán trả”, duyên phận cũng không mà duyên nợ cũng không. Nhưng duyên kiếp, duyên số có lẽ còn vướng mắc nhiều oan trái, bởi cứ:
Lộn lầm lầm lộn lộn lầm
Lộn lề mấy phát, lộn làng mấy phen
Nửa đêm tối lửa tắt đèn
Lộn liền lần nữa, oan khiên kiếp nào!

Xứ Tuyết, mùa bão băng
-Lê Tấn Lộc-

No comments: