Thursday, May 29, 2008

Một thuở, nhìn lại…


Tiểu sử Lê Tấn Lộc
(Bài viết sử dụng Unicode-Verdana)

*Ngày sinh : 10 tháng 12 năm 1935 tại Vĩnh-Lợi ( Bạc-Liêu )
*Quá trình đào tạo, (Các trường đã theo học):
-Tiểu-học tại Bạc-Liêu.
-Trung-học : Collège de CanTho, Collège de VinhLong, Collège Le Myre de Vilers (Mytho), Lycée Jean-Jacques Rousseau (Saigon).
-Đại-học : Văn-Khoa, Sư-Phạm (Sàigòn, Đàlạt) và Sorbonne (Học bổng do Chánh phủ Pháp cấp, qua sự tuyển chọn của Mission Culturelle Française au VietNam ).
*Quá trình nghề nghiệp:
-Trước 1975 :
Giáo sư trung học đệ nhị cấp chuyên khoa,tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ĐàLạt, Khoá I ( Ban Triết ). Cử nhơn giáo khoa Triết (Sorbonne).
-Sau 1975 : Trở lại Đ.H. Paris, viết tiểu luận cho Diplôme d’Etudes Supérieures (D.E.S.) de Philosophie. Dự phóng soạn tiếp thèse de doctorat về Psychologie và Sociologie phải bỏ dở vì chứng nhồi máu cơ tim (infarctus du myocarde) đột suất. Rất lâu về sau, công việc được tiếp nối như để hoàn tất một «thủ tục» hơn là một thích thú tìm tòi, nghiên cứu lúc ban đầu…
*Các chức vụ quan trọng đã đảm trách trước 1975 :
-1969 : Hiệu-Trưởng Trường Trung-học Trịnh Hoài Đức Kiêm
Thanh-Tra Trung-Học Bán Công và Tư Thục tỉnh Bình-Dương.
-1971 : Thanh-Tra Trung-Học đặc trách Bình Định và Phát Triển,
Đại diện Bộ Giáo Dục tại Quân Khu III
Trưởng Khu Học Chánh Vùng III, đặc trách các Sở Học Chánh : Biên Hòa, Bình Dương, Bình Long, Bình Tuy, Hậu Nghĩa, Long An, Long Khánh, Phước Long, Phước Tuy, Tây Ninh, Vũng Tàu, Gia Định và đặc khu Côn Sơn.(Cuối 1972, Gia Định và Côn Sơn được tách khỏi Khu III Học Chánh, kết hợp với Sở Giáo Dục Đô Thành, lập thành Đặc Khu Học Chánh Sàigòn-Gia Định).
**Ghi chú bổ túc:
*Cựu Đại úy QLVNCH, khóa 14 Sĩ Quan Trừ Bị (1963), Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức; ngồi tù «cải tạo» cộng sản từ 1975 tới 1980. Vượt biển định cư tại Montréal(Québec) Canada,từ tháng 11/1980 đến nay.
*Sách giáo khoa(cùng hợp soạn với Vĩnh Đễ) đã xuất bản tại SàiGòn :
-Siêu hình học.
-Luận lý học.
-Đạo đức học.
-Tâm lý học.
-Phương pháp làm luận triết.


Một thuở, nhìn lại…

«Dưa leo ăn với cá kèo, Con cái nhà nghèo phải học
nọt-man (École Normale: Trường Sư Phạm)».

Mới đó mà gần nửa thế kỷ đã trôi đi, kể từ lúc tôi bước những bước đầu qua ngưởng cửa trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn, ban Triết(sau đó được chuyển lên Đàlạt giữa niên học). Lũ quỷ phá nhà chay chúng tôi thường châm chọc gọi tên trường mình là độc hại sư cụ, hoặc chanh chua hơn, học đại xơi phạn! Ấy thế mà cái đám nhứt quỉ nhì ma thứ ba học trò đó sau nầy lại trở nên thành phần cốt cán, thuần thành trong công tác giáo dục, thổi một luồn sinh khí mới vào học đường suốt hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa …

Tôi không cường điệu đâu. Trừ một số rất ít bỏ nghề vì không kham nổi cuộc sống thanh đạm cố hữu, khá chật vật của nghiệp mô phạm, vì khoái làm giàu mau lẹ (bon chen vô các cơ sở Kinh Tế), vì say mê quyền lực (nhào vô cảnh sát-công an, nhập ngành «ba toà quan lớn»), vì ưa thích phiêu lưu chính trị (ứng cử nghị sĩ, dân biểu, nghị viên hội đồng tỉnh, xã v.v…), vì ôm mộng chu du thiên hạ ( cải ngạch tham vụ ngoại giao), hoặc vì ham muốn «mần quan cai trị» ăn trên ngồi tróc (đổi nghề, qua học Quốc Gia Hành Chánh, hay «Hành Chén?»), tuyệt đại đa số thầm lặng «thầy giáo» tiếp tục «mang lấy nghiệp vào thân» cho tới những ngày cuối cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hòa; chưa kể một số khá lớn kéo dài kiếp «con tằm nhả tơ» sau ngày 30.4.75, sống nghèo khổ, hẩm hiu, luôn bị chèn ép,đe dọa.
Có lẽ chớ nên quên, sau Bộ Quốc Phòng và Bộ Nội Vụ, Bộ Giáo Dục chiếm kỷ lục về số lượng nhơn viên có mặt ở mọi cơ cấu tổ chức quốc gia, kể cả cơ cấu xa xôi hẻo lánh nhứt, thấp bé nhứt (giáo viên ấp) ! Cho nên số giáo chức trong các trại tù «cải tạo» cũng chiếm kỷ lục về số lượng lẫn thời gian «nằm ấp» !

Xin trở lại đầu thập niên 60, thời điểm các tân khoa đầu tiên tốt nghiệp các trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn, Đàlạt và Huế (do cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành Nghị định thành lập vào tháng 8/1958) được phân phối tới các trường trung học trên toàn quốc. Nhóm «thầy,cô» chuyên khoa đầu tiên dạy các môn Toán, Lý hóa, Vạn vật, Sử địa, Việt văn, Anh văn, Pháp văn, Triết học cho các lớp đệ nhị cấp nầy, nếu phụ trách lớp đệ nhứt thời đó, thường chỉ hơn đám học trò của mình bốn, năm tuổi là cùng. Ở các tỉnh lẻ, do ảnh hưởng chiến cuộc, học hành bị gián đoạn, nhiều khi học sinh ngang hoặc hơn cả tuổi thầy mình !
«Trở ngại kỹ thuật» nầy tưởng đâu sẽ là một chướng ngại bất khả vượt, ngờ đâu lại tạo nên một lợi điểm, một ưu thế ngoài dự kiến cho nhóm giáo sư trẻ trung: Họ rất gần với đám môn đệ của mình, vì tất cả đều còn rất «son trẻ». Họ dễ thông cảm nhau, dễ «nói chuyện», trao đổi, chia sẻ ưu tư, hoài bão với nhau hơn…
Riêng tôi, mỗi lần nhớ lại những lá thư «thố lộ tâm tình» của đám môn sinh đã «ký thác» cho tôi sau những bài giảng về Tâm phân học, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động đã được các em tin cậy, bày tỏ ẩn ức dồn nén trong gia đình cũng như trong đời sống tình cảm của các em. May mắn thay, hầu như tôi giải tỏa được đa số các uất nghẹn, hoá giải được gần hết các xung đột ngấm ngầm đã làm khổ các em tự bấy lâu nay…Cho hay làm giáo sư trẻ chưa chắc đã bất lợi, thất thế !
Điều nầy được minh chứng sau đó, với biến cố 1.11.1963. Hằng loạt giáo sư trẻ, xuất thân từ Đ.H.S.P lần lượt thay thế lớp giáo sư lão thành không còn thich ứng với khí thế mới của các trường học, đảm nhận các chức vụ Hiệu trưởng, Giám học…Khối «thầy trẻ-trò trẻ» trước đây thực sự nắm tay nhau «trẻ trung hóa» khung cảnh học đường, mở đầu cho một chuỗi dài cải tiến phương thức điều hành hệ thống giáo dục sau nầy, rõ nét nhứt và tương đối «mới mẻ» nhứt là trong lãnh vực trung tiểu học và bình dân giáo dục, với «kế hoạch địa phương hóa giáo dục», năm 1971.

Kế họach nầy, sở dĩ thực hiện được vì người qui hoạch nó là một nhà giáo đã từng thực sự «đứng lớp», từng đảm nhận các chức vụ Hiệu trưởng, Thanh tra, Chánh Thanh tra…, nghĩa là đã «kinh» qua và thấm thấu các ngõ ngách «lắt léo» của guồng máy nặng nề «thủ tục hành chánh»(lourdeur bureaucratique) đã từng gây quá nhiều khó khăn cho các dự án cải thiện nhằm hữu hiệu hóa việc điều hợp quản trị các cơ sở giáo dục, từ trung ương tới địa phương. Cá nhân tôi cảm thấy rất phấn khởi: Lâu lắm rồi mới thấy Bộ Giáo Dục quan tâm giao phó công việc liên quan tới giáo dục cho một người thực sự am tường công tác giáo dục ! Và tôi nghĩ đa số đồng nghiệp lúc bấy giờ đang giữ các chức vụ trong Ban Giám Đốc các trường trung học toàn quốc có lẽ cũng chia sẻ nhận định nầy của tôi.

Tôi còn nhớ rõ ngày đến chào vị trách nhiệm thực thi chính sách địa phương hóa nầy, trước khi lên đường đáo nhậm nhiệm sở mới, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Trưởng, Đặc Trách Trung-Tiểu Học và B.D.G.D. đã nhắn nhủ tôi phải cố gắng tối đa hoàn thành nhiệm vụ được giao phó; vì ngoài tính chất mới mẻ của công việc có thể chấn động các khuynh hướng thủ cựu quá già nua, cằn cỗi, lỗi thời, các Tân Trưởng Khu còn phải «tự dựng sân khấu để hát» bài ca cải cách! Thật vậy, ngoài Khu I đã sẵn có cơ sở của Khu Thanh Tra Huế, bộ ba anh em chúng tôi, Phước(Khu II)-Lộc(Khu III)-Thọ(Khu IV) chỉ võn vẹn được Bộ «trang bị» mỗi người 1 Sự vụ lệnh và 1 con dấu ! Thế mà chưa đầy một tháng sau, các Khu Học Chánh đã chính thức họat động, bắt đầu tiếp xúc, thăm viếng cùng thăm dò ý kiến các Hiệu trưởng Trung học và Trưởng ty Tiểu học để xúc tiến việc thành lập các Sở Học Chánh cho các tỉnh thuộc các Khu liên hệ…
Không thể kể hết những rắc rối, những trở ngại mà chúng tôi phải hết sức kiên nhẫn, mềm dẽo nhưng vẫn cương nghị đương đầu, chẳng những với các Trưởng cơ quan giáo dục sở tại, với ý định «áp đặt» của chánh quyền địa phương, mà đôi khi còn với cả khuynh hướng bảo thủ từ các cơ quan trung ương của Bộ GD nữa. Đụng chạm tới đặc quyền, đặc lợi đã quá quen thụ hưởng, ở thời điểm đó không phải dễ. Cũng may, chúng tôi được sự hỗ trợ tối đa của ông Phụ Tá Bặc Biệt Nguyễn Thanh Liêm và của chính ông Tổng Trưởng Giáo Dục Ngô Khắc Tĩnh.
Riêng Khu III Học Chánh, có hai Sở Học Chánh mà Khu và Bộ «không có tiếng nói»: Bình Tuy và Tây Ninh. Hai Sở H.C.nầy và Sở H.C. Bình Dương được thành lập chậm nhứt, sau các Sở H.C. khác gần một năm.

Phần tôi, tôi thực sự cảm thấy khoan khoái «đã làm xong nhiệm vụ». Ít ra tôi đã hết bị «ám ảnh» bởi cái gọi là «thủ tục hành chánh thông dụng», «tinh thần công chức thông thường». Bởi các thứ đó mà một công văn «thượng khẩn», đi từ Nha nầy tới Nha khác trong cùng một công ốc phải mất tối thiểu hai tuần; từ Phòng nầy sang Phòng khác sát vách phải cần tới ba, bốn ngày đi…Từ cơ sở đầu não của Bộ GD bên nầy đường Lê Thánh Tôn sang bên kia đường, công văn đi, đến đều phải tốn bảy ngày đường cho mỗi lượt !!!
Vì trụ sở đặt tại Biên Hòa, Khu III Học Chánh được lợi điểm gần Sàigòn. Với các việc khẩn cấp cần gấp rút giải quyết, chẳng hạn như vụ tiết lộ đề thi tuyển vào lớp 6 (đệ thất trước đây), vụ từ chối hoặc trì hoãn quá mức bàn giao chức vụ không lý do chính đáng hoặc có ý định bất chính v.v…,tôi đich thân cầm tay tờ trình, nhận chỉ thị thẳng từ giới chức có thẩm quyền của Bộ để vừa bảo mật, vừa nhanh chóng có văn kiện hợp pháp hành sử trách nhiệm của một Trưởng cơ quan cấp Khu. Tờ trình,với bút phê trong tay, chúng tôi,Trưởng Khu, hai Thanh Tra và một thư ký mang theo bàn đánh máy chữ, dấu mộc lên xe phóng nhanh tới nơi tiết lộ đề thi, ký lệnh ngưng chức vị Hiệu trưởng Trung học X.,Chủ tịch kiêm Chánh chủ khảo Hội đồng thi, kịp thời lập biên bản vi phạm ,ngưng ngay công tác khảo thí cùng thông báo dời ngày thi tuyển...Tất cả được giải quyết nhanh, gọn trong một ngày!
Vụ bàn giao chức vụ bị «ngâm tôm»ở Ty tiểu học X., chúng tôi cũng áp dụng phương thức «tờ trình cầm tay lấy bút phê» như hình thức trực tiếp nhận chỉ thị của Bộ để Khu nhanh chóng đến tận nơi giải quyết tại chỗ,trong ngày. Các Nha Sở trung ương, dù muốn xen vào can thiệp cũng không kịp, không nổi, trước lệnh của Bộ… Xin hãy hình dung thời gian cần thiết để giải quyết, nếu hai vụ «tiết lộ»,«tắt nghẽn» trên đây được giao cho những vị lão thông thủ tục hành chánh thông dụng, tinh thần công chức thông thường thụ lý! Lạc quan lắm cũng kéo dài tối thiểu tới ba tuần !!!
Chúng tôi thường đến tận chỗ làm việc với các Sở Học Chánh khi họ gặp khó khăn hoặc cần yểm trợ trong khu vực Sở. Khi cần phối hợp hoạt động giữa các Sở thì Khu đánh công điện mời các Sở về họp tại Khu để thảo luận. Nhưng thường thì Khu sinh hoạt như một Toán Công Tác Lưu Động hỗ trợ cho các Sở điều hành dễ dàng, nhứt là trong thời gian chuyển tiếp sáp nhập hai ngành trung và tiểu học thành một cơ quan giáo dục thống nhất tại địa phương.

Sự việc đang tiến hành tốt đẹp thì đột nhiên chánh phủ cho triệu tập một cuộc hội thảo «cải tổ hành chánh» nhằm thực hiện chủ trương «tản quyền» từ trung ương xuống địa phương (lúc bấy giờ, gọi nôm na là chủ trương «đầu teo, đít to»). Trớ trêu thay, việc cải tổ đó lại giao cho một ngài đốc phủ sứ, sản phẩm đào tạo của thực dân Pháp «đí-nớp-xăng-oảnh-tọt-1921» chủ trì (Pháp vốn vô địch về môn «cửa quyền» vừa rắc rối vừa nặng nề),với sự trợ lực của một quan-năm-cựu-đầu- tỉnh! Quả nhiên, như đã tiên đoán, thành phần chủ trì bảo thủ như thế làm sao có đầu óc canh tân được ! Kết quả, như lời phát biểu giữa hội nghị của một Chánh Sở Học Chánh: «Quí vị đang tản quyền lên thay vì tản quyền xuống!», khi ngài đốc phủ sứ Nguyễn văn «Bạc » và ông quan năm Quách Huỳnh «Sông» công bố qui định các cơ cấu hành chánh của Bộ Giáo Dục: Các Nha Sở trung ương được duy trì, các Khu Học Chánh địa phương bị dẹp bỏ; các Sở Học Chánh bị hạ xuống thành Ty Giáo Dục mà mọi ngân khoản đều do Tỉnh quản lý. Nghịch lý nhứt là quyền quản trị nhân viên trực thuộc, trước đây do Trưởng ty Tiểu học, kế đến do Chánh Sở Học Chánh phụ trách, nay do Tỉnh trưởng cai quản; Trưởng ty Giáo Dục vì thế lại thêm lệ thuộc Tỉnh hơn cả Trưởng ty Tiểu học trước đây! Từ phương vị Hiệu trưởng Trung học đệ nhị cấp, với phụ cấp chức vụ ngang một Chánh-sự-vụ, vốn tương đối «độc lập» với chánh quyền địa phương, bước lên phương vị Chánh Sở Học Chánh vẫn còn được sự «độc lập» đó, ông Trưởng ty Giáo Dục giờ đây quả thật quá lép vế, nếu không muốn nói là xuống cấp thê thảm!!!

Chuyện vui buồn nghề nghiệp nói sao cho hết! Một vài mảnh vụn vặt tâm sự chỉ mong được anh chị em đống nghiệp cảm thông chia sẻ và dung thứ cho lối viết gần như nói về cái tôi nhiều quá. Người viết đã do dự rất lâu trước khi cầm bút đáp lời kêu gọi đóng góp kỷ niệm trong ấn phẩm Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do Trước 1975
được Tập San Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai Cửu Long phát hành, tháng 11, năm 2006

Thôn trang Rêu-Phong (Pierrefonds),
Xứ Tuyết Canada, ngày 17 tháng 8 năm 2006
Lê Tấn Lộc

No comments: