Thursday, May 29, 2008

Một vết chim bay


Một vết chim bay
«Đôi khi anh muốn tin ngoài đời chỉ có trời sao là đáng kể,
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em, đến ngày cuối…»

Bước vào quán Ánh Hồng (Phú Nhuận), tôi đã thấy hai mặt trời đêm Tạ Ký-Tôn Thất Trung Nghĩa mọc lên đỏ ối giữa Nguyễn Xuân Hoàng và một số thực khách đông đảo đang quây quần quanh một cái bàn thật dài kê ngay giữa quán. Trước đó, tôi đã dự hai buổi họp mặt Giáng Sinh do hai trường Phục Hưng và Tân Việt tổ chức -cũng có Ký, Nghĩa, Hoàng tham dự nhưng chúng nó de trước- nên khi đến đây trời đã tối và tôi cũng đã bắt đầu lạng quạng. Tuy vậy tôi vẫn cố gắng điều chỉnh đôi chân cho đỡ băng xiên băng nai, đến chào hai thực khách khá đặc biệt trong buổi dạ tiệc mừng Noel của lớp 12 đêm "đặc biệt", trường Tân Văn. Chắp tay xá nhà sư, cúi đầu khá sâu về phía dì phước, tôi thưa: «Kính chào Thầy! Kính chào Ma Soeur!». Hai vị tu sĩ nầy không lạ gì tôi, bởi đêm qua, buổi học cuối trước khi nghỉ Giáng Sinh, tôi cả gan yêu cầu hết lớp cúi đầu cầu nguyện cho Hoà Bình nhân dịp Chúa ra đời. Chúa ơi! Chúa ơi! con, người ngoại đạo, vẫn tin có Chúa ngự trên trời cao…Lạ thiệt, nhà sư đáp ứng trước nhất. Và mọi người đã im lặng cúi đầu hơn mười phút!
Ngồi vào bàn tiệc tôi vẫn còn sật sừ. Một lúc sau, định thần thêm đôi chút, tôi sững sờ : đối diện tôi là một giai nhân tuyệt sắc! Vẻ đẹp rất tây phương, hao hao giống Cathérine Deneuve, tuy không tươi tắn bằng. Vì như có gì u buồn lẩn khuất trong sắc diện mà các đường nét, từ vầng trán thanh tú, đôi chân mày vòng nguyệt đều đặn hơi chếch lên ở phần cuối, đôi mắt đen lay láy tuyệt vời nhưng xa vắng, với hàng mi cong dài, sóng mũi cao thanh đến đôi môi tươi thắm khép hờ, nửa như gọi mời, nửa như lặng im đều hài hòa như
để tạo nên một khuôn mặt toàn hảo. Tóc nàng được vén gọn sang một bên, buông xõa trước ngực. Nàng thường nhìn xuống và khi ngước nhìn lên thì…gần như mời bạn, hay đúng hơn thu hút bạn vào bơi lội trong đáy mắt nhung tơ của nàng, dù nàng không cố ý; tôi tưởng chừng nàng nhìn tôi như không nhìn thấy tôi. Mà tôi thì y như rằng đã chới với như sắp chết chìm ! "Xa vắng" là ở chỗ đó.
Không lẽ tôi nằm mơ? Rõ ràng tôi nhớ, lúc bước vào bàn tiệc tôi không hề thấy nàng. Vốn dĩ ưa ngắm nhìn và ngưỡng mộ cái Đẹp, dễ gì một trang mỹ nữ "siêu phàm" như vậy thoát được ống kính siêu bén nhạy của tôi? Thế mà…gìờ đây, ngay trước mắt tôi, nàng hiện diện tròn đầy giữa một bên là ma-xơ và hiệp sĩ mù (học sinh), một bên, nhà sư và độc thủ đại hiệp (học trò). Người đẹp quả được "gìn vàng giữ ngọc" quá chu đáo !

Tiệc tàn, Ký leo lên con ngựa sắt Lamtretta phóng đi như hỏa tiễn : Nghĩa loay hoay chất học trò đầy chiếc «đơ-sơ-vô» của mình, từ từ "lết" bánh; Hoàng đang bị nam nữ môn sinh vây khổn xin chữ ký (ai biểu viết văn!). Tôi thì cho tới giờ vẫn chưa rõ vì sao, khi lần lần tỉnh, thấy mình đang lái xe, băng sau : hai nàng; băng trước, cạnh tôi : NÀNG!
Nàng ngồi rất ngay ngắn, mắt nhìn thẳng về phía trước, nghiêm trang. Rất nghiêm trang. Tôi liếc nhanh đồng hồ tay : quá 1giờ sáng! Trời đất! Tính nhẫm, tiệc thực sự bắt đầu khoảng 8giờ30 tối, tiệc tan áng chừng hơn 11giờ30 đêm. Vậy tôi đã lái xe hơn một tiếng đồng hồ trong tình trạng gần như hôn mê! Gió mát lành lạnh làm tôi tỉnh thêm : tôi đang lái xe dọc bờ sông Sàigòn, gần cột cờ Thủ Ngữ và sắp qua cầu Khánh Hội! Phen nầy chắc bỏ mạng nơi sa tràng…Cập xe vào sát quán Ngân Đình, tôi thắng lại và cất tiếng rầu rầu hỏi bâng quơ :

-Mình đang đi đâu và với những ai ?
Có tiếng nhỏ nhẹ từ băng sau trả lời :
-Em đây thầy. Em là Trung, cạnh em là Trinh, cạnh thầy là Thảo. Thầy thực sự khỏe chưa?
Tôi nghĩ thầm : Ba người đẹp, ba chữ T., toàn tên tốt, đã Trung còn Trinh, lại Thảo nữa. Phen nầy hải cẩu tôi lâm đại nạn : ba thoi vô một chỗ. Tôi đáp :
-Nghĩa là bớt xỉn chưa, phải không? Tôi ở Hàng Xanh, cũng Bạch Đằng nhưng là đường Bạch Đằng, Gia Định. Cớ chi tôi rà rà ở cái bến Bạch Đằng Sàigòn nầy vậy?
Trinh e thẹn đáp :
-Dạ …lúc lên xe em nói bến Hàm Tử Chợ Lớn, thầy chạy bến Bạch Đằng…
Tôi lắc đầu ngao ngán: Điệu nầy chắc…hết vô Chợ Lớn rồi trở ra Bà Chiểu, hết ra Bà Chiểu rồi trở vô Chợ Lớn…Nàng vẫn im lặng trong suốt cuộc đối thoại, vẫn nhìn thẳng về phía trước, bất động, Dù chưa hết ngầy ngật, tôi vẫn đưa Trinh (Chợ Lớn), rồi Trung về tận nhà ở Gò Vấp, sau khi lái quanh co, lạc đường ba bốn bận…Lại nhìn đồng hồ : gần 4 giờ sáng! Bây giờ chỉ còn tôi với Nàng. Trời hơi lạnh. Một ít sương mù bay lờ đờ trên mặt sông khi tôi chạy chậm chậm qua cầu sắt dẫn tới đường Bùi Hữu Nghĩa, Một vì sao đơn độc yếu ớt lung linh trên nóc giáo đường im vắng ở cuối đường… Cho tới giờ, tôi và nàng vẫn chưa ai nói với ai lời nào. Ngừng xe cách nhà thờ khoảng hai mươi thước, tôi lè nhè :
Đêm đón Nô-en, anh túy lúy,
Sao mai lơ lửng, dặm đường xa.
Không rõ bao giờ em đã tới
Kiêu kỳ như một ánh sao sa…
Bỗng nhiên nàng bật khóc. Tôi lính quýnh níu lấy tay nàng. Nàng gục đầu vào vai tôi nức nở. Trong cảnh tranh tối tranh sáng bên giáo đường, tiếng thổn thức nghe như dư âm một bản thánh ca. Khi xúc động nhất thời đã lắng động, nàng ngại ngùng sửa lại thế ngồi, nhìn vu vơ mặt đường ươn ướt sương đêm. Nước mắt nàng phản chiếu ánh sao đơn lạnh không ngừng rơi rụng xuống tà áo xanh thẩm, vỡ nhẹ thành những hạt thủy tinh li ti huyền nhiệm…Tôi thì thầm :
Hoang vu chút sáng đèn đêm muộn,
Chập chờn tranh tối dáng Liêu Trai,
Mắt biếc trùng dương dìu bến mộng,
Nghe chừng như lạc lối Thiên Thai…
Bất thần nàng bá cổ tôi, đắm đuối hôn tôi. Vị mặn trộn lẫn mùi nước hoa thật nhẹ khiến tôi dật dờ. Và không rõ vì sao tôi lại như say rượu lần nữa. Lại lỗ hổng trí nhớ như những lần say trước? Như tiếng vọng từ xa, tôi nghe mang máng tiếng nàng kêu khóc : «Anh Điền! Sao anh nỡ bỏ em một mình!». Sau đó nàng nói rất nhiều, mà hình như nói với Điền hơn là nói với tôi. Chót hết, nàng dặn đi dặn lại tôi -lúc bấy giờ nàng trở lại gọi tôi là Lộc- một điều rất quan trọng: Nhớ nghe anh!...Mà nhớ cái gì thì tôi quên tuốt luốt. Lỗ hổng trí nhớ nữa! Tôi nhìn nàng mất dần trong vùng bóng tối bên hông giáo đường -nàng không một lần quay mặt lại- và nổ máy cho xe phóng đi trong trạng thái gần như mê man.

Tôi châm điếu thuốc, gọi một bia 33 và nhìn Thảo đang cúi mặt, hàng mi cong dài như hai bức màn lửng nhung đen tạm che cho đôi mắt nghỉ ngơi. Ban ngày vẻ đẹp của Thảo sắc sảo hơn, có vẻ tươi vui hơn. Hôm nay Thảo mặc áo dài tím thẩm, thêu bông cùng màu, lợt hơn, môi tô rõ nét, mắt và má hình như chỉ được trang điểm qua loa. Bông tay và chuỗi cổ đen tuyền, làm nổi bật làn da trắng mịn. Quần trắng ống rộng dài thướt tha chấm
đất. Cho tới bây giờ tôi mới để ý Thảo có một thân hình cân đối, không quá gầy cũng không quá đầy. Một dáng dấp lý tưởng với số tuổi hai mươi sáu…Tôi cảm thấy hình như Thảo biết khá nhiều về tôi. Ngược lại, tôi vẫn chưa biết gì hết về "gia thế và sự nghiệp" của nàng. Tôi chỉ biết nàng rất đẹp. Mà tôi thì chẳng thuộc loại đàn ông chủ trương: Cứ đẹp và hãy câm miệng-Sois belle et tais-toi! Tôi ít có "gu" về bông hoa không biết nói; cũng chưa thác loạn đến độ có thể làm tình với một con búp-bê.
-Anh nghĩ gì mà thừ người ra vậy? Nàng hỏi tôi, mặt vẫn cúi xuống ly chanh đường.
-Anh đang bị đôi tay mỹ miều của em thôi miên. Anh không đủ ngôn từ mô tả chúng. Tạ Ký, Nguyễn Xuân Hoàng, Kiệt Tấn may ra...Với anh, chúng đẹp tuyệt trần, chúng là tay tiên -des mains d’Orphée! Chúng phải được tung bay trên các phiếm ngà…
-Anh đoán đúng. em có chơi dương cầm. Học ở trường Quốc Gia Âm Nhạc với thầy Nghiêm Phú Phi. Có dạo em định xin dạy nhạc ở Trường; nhưng thầy Phi khuyên em nên nhìn xa hơn: Conservatoire de Paris. Mộng không thành vì...
-…vì sao?
-Thôi mình đi đi anh, trễ rồi. Nàng không trả lời nhưng giục tôi rời hiệu kem Pôle Nord, đường Nguyễn Huệ.
Chúng tôi đưa nhau đến quán ăn La Paillote (Thủ Đức). Sau một lúc xí xô xí xào với lão tây Corse chủ quán, chúng tôi được lão xếp cho một bàn nhỏ, kê sát phên tre, tương đối biệt lập, ấm cúng. Phần do tôi là khách quen, phần vì người đẹp quá rực rỡ, lão Corse đích thân kê thực đơn, chọn rượu quý, căn dặn nhân viên phục vụ chớ "quấy rầy" chúng tôi nếu ông không ra hiệu. Tôi thấy Thảo có vẻ thoải mái…Trời đã dịu nắng. Thực khách cũng thưa dần. Rượu đỏ làm hồng đôi má Thảo (trông Thảo như trái cây chín mùi!) khiến nàng dạn dĩ hơn, ít khi nhìn xuống nữa; và làm tôi hừng chí. Thảo hỏi tôi còn nhớ những gì Thảo nói với tôi đêm qua chăng. Tôi ú ớ. Nàng hỏi tiếp :
-Vậy anh nói gì với Thảo đêm qua, anh có nhớ không?
Tôi lại ú ớ. Tôi thoáng thấy Thảo buồn.
-Thế đêm qua anh còn nhớ được những gì? Nàng thở dài hỏi tiếp.
-Anh chỉ nhớ em bật khóc, hôn và gọi anh là Điền.
-Anh có lấy làm lạ không?
-Có. Bởi vì ở nhà ba má và anh chị em cũng như thân bằng quyến thuộc vẫn còn tiếp tục gọi anh là Điền. Lúc anh được một tháng, vì tin dị đoan sợ "con sát" bắt -trước anh đã có hai anh trai và một chị gái chết non- ba má đem anh «ký bán» cho đôi vợ chồng người công giáo láng giềng không có con trai nhờ nuôi nấng. Họ đặt tên anh là Võ Bá Điền. Tới chín tuổi anh mới trở lại gia đình cha mẹ ruột và mang lại tên hiện giờ.
-Ngẫu nhiên trùng hợp hay định mệnh an bài? Anh ấy cũng là…
-Anh ấy là ai?
Thảo thở dài, cúi đầu im lặng, ngỏ ý muốn tôi đưa đi nơi khác. Ra xe, nàng muốn đến nhà thờ Fatima (Bình Triệu) cầu nguyện. Trong khi nàng trao gởi nỗi niềm tâm sự với Đấng Thiêng Liêng, tôi lang thang ra đứng bờ sông ngắm nhìn mặt trời lặn…đếm mãi bâng quơ những dấu giày…Lúc trở lại xe, đã thấy Thảo ngồi chờ sẵn, mắt đỏ hoe. Trời đã nhá nhem tối. Những vì sao bắt đầu được thắp lên.
-Ta về đâu đây em? Tôi hỏi nhỏ.
-VỀ EM! Về một nơi em có thể trả lời những câu hỏi của anh hôm nay. Anh chớ lo. Anh sẽ về kịp ăn réveillon với gia đình. Em hiểu. Em chấp nhận. Thôi mình đi đi anh!
Em hiểu. Em chấp nhận.Ngắn gọn nhưng đầy đủ. Không giải thìch. Không gạn hỏi. Không thắc mắc. Comme ça! Vậy thôi. Thì thôi người cứ yên tâm nhé, Tôi chẳng bao giờ dám nói đâu…

Về em chứ không phải về nhà em. Về nơi em thường đến một mình, trốn cô đơn, tìm chỗ trú ẩn đau thương. Đó là linh cảm đầu tiên của tôi khi Thảo đẩy cửa đưa tôi vào căn nhà cheo leo, cạnh nghĩa trang Gò Vấp, ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm thời em mới biết yêu. Dưới ánh đèn mù mờ hư ảo, vùng hoài niệm thương động của Thảo lần lượt hiện lên vật vờ… Trên chiếc dương cầm đặt cạnh phòng khách: một lọ hoa thon cao với một bông hồng đơn độc đã bắt đầu tàn úa. Kế bên là chân dung một quân nhân, hai mai vàng trên cổ áo, một hàng huy chương bên trên nắp túi trái, áng chừng hai mươi ba hai mươi bốn tuổi, đặt sau một cây nến trắng đã cháy lụn gần hết. Đối diện, sau bức màn the xanh lợt: một ghế bố nhà binh, trên có mền quân đội cuốn làm gối. Một bộ quân phục rằn ri, đủ huy hiệu cấp bực được trải dài, thế drap. Nón sắt úp chụp bên trên gối. Dưới chân ghế bố, một đôi "bốt" bóng loáng đặt cạnh một túi đeo lưng. Tất cả ẩn hiện lờ mờ, trông rờn rợn như một nhà quàng xác âm u, vắng lạnh…
Thảo nhìn tôi thật lâu -lần nầy tôi chắc chắn nàng thực sự nhìn tôi và…thấy tôi- đoạn lui về phía sau nhà. Lúc trở ra, nàng đặt hai cái ly bầu dục, một chai Martell cordon bleu trên chiếc bàn nhỏ ở salon, rót rượu và bắt đầu kể:
«Em là con gái duy nhứt trong gia đình. Từ nhỏ tới lớn chỉ học trường đạo vì gia đình em đạo dòng. Lúc sáu tuổi ba má cho học dương cầm. Năm mười bảy tuổi em gặp Điền, lúc bấy giờ đang học Kiến Trúc. Xong tú tài, em được khuyến khích xuất ngoại học nhạc. Cũng là lúc hai đứa yêu nhau thắm thiết nhưng …gia đình của Điền thuộc loại trọc phú. Bị chạm tự ái, ba má em, nhứt là má em, cương quyết ngăn cấm em qua lại với Điền. Mà em và Điền đã không còn có thể thiếu nhau được nữa. Kết cuộc, hai đứa thoát ly gia đình.
Điền tình nguyện vào quân đội. Em lánh mặt ở Khánh Hội, làm thơ ký cho một hãng bốc dỡ hàng hóa. Để đắp đổi, em nhận kèm trẻ tư gia và thỉnh thoảng em cũng tham dự các buổi trình tấu do trường Quốc Gia Âm Nhạc tổ chức. Nhờ thế em tìm được vài chỗ dạy piano cho đám con cái nhà giàu nên cũng tạm sống qua ngày được. Đến khi Điền ra sĩ quan, với số tiền em dành dụm, cộng thêm sự trợ giúp của bạn bè, hai đứa mua căn nhà nầy. Điền ít khi được gần em vì ở đơn vị tác chiến. Những lần Điền về phép, đối với em là những lần ăn Tết lớn. Sung sướng xiết bao!
Gần Noel 1967, Điền cùng em đến khóc lóc, kể lể, kêu xin ba má đôi bên tha tội, nhận cho hai đứa chính thức kết hôn. Nhờ họ đạo giúp lời, cuốì cùng hai đứa em thành công. Nhà thờ rao giảng, niêm yết danh sách và định lễ thành hôn vào ngày mùng bốn tháng Giêng năm Mậu Thân (1968). Em vui mừng hết sức vì…em đã thọ thai hơn một tháng. Điền cũng nhẹ nhỏm thở phào. Hú vía! Em trở lại gia đình, Điền trở ra tiền tuyến. Chờ đợi…Rồi Điền được phép rời đơn vị về ăn Tết và cưới vợ. Đêm Giao Thừa, Điền đến rước ông bà với gia đình em. Sau đó, Điền lái xe Jeep về Chợ lớn đón xuân với gia đình mình. Khoảng nửa giờ sau, em nghe nhiều tràng tiếng nổ, tưởng ai đốt pháo mừng xuân, nào ngờ TẾT MẬU THÂN bắt đầu gieo máu lửa, tang tóc…
Phải một tuần lễ sau, nhà em mới nhận được hung tin. Không tìm được xác Điền, nhưng chiếc Jeep do Điền lái lật ngang trên lề đường Nguyễn Tri Phương, kiến trước lỗ chỗ dấu đạn, băng trước vấy máu đã khô khốc. Em gào thét như người mất trí và té xỉu trên vũng máu khô đó. Thai nhi trong bụng em cũng chết theo Điền…Trong một lúc em mất tất cả: chồng cũng hụt mà con cũng sẩy! Đó, đời em là thế đó anh! »
Rót cho tôi thêm một ly cognac, Thảo tiếp : «Em giữ căn nhà nầy với hy vọng Điền bất thần trở lại. Đêm qua, với em Điền đã thực sự trở về. Em gọi anh là Điền bởi vì với em lúc bấy giờ -trong khoảnh khắc đó- anh là Điền của em. Cùng khuôn mặt, cùng mái tóc, cùng giọng nói, cùng dáng dấp, cũng lái xe Jeep, cũng là sĩ quan, cũng hơi men chếnh choáng…Dĩ nhiên là ảo tưởng; nhưng ngay lúc ấy em sẽ giết bất cứ ai làm em mất ảo tưởng đó ».
Thảo ngưng một lúc, uống cạn ly cognac, tiếp:
-Đêm nay thì khác. Em muốn can đảm lật qua trang sách cũ. Lúc trưa em thực sự hoảng hốt khi hẹn và chờ anh; em sốt ruột như đang chờ Điền trở lại, em sợ mất anh như mất Điền…Nhưng cuối cùng anh đã trở lại tìm em thật. Thế đã đủ. Bây giờ anh là anh, Điền là Điền. Lát nữa đây anh sẽ rời em về với gia đình, coi như trước đây Điền trở về đơn vị. Rồi anh sẽ trở lại. Em chờ. Em hiểu. Em chấp nhận. Các câu hỏi khác ( vì sao mộng không thành, anh ấy là ai…) qua em kể, anh đã rõ. Điểm kỳ lạ là anh ấy cũng Võ Bá Điền…».
Tôi cúi nhìn đáy cốc tần ngần…Nàng mỉm cười, dùng ngón tay chạm nhẹ môi tôi, nói:
-Ngước nhìn em đi anh! Em không phải là Liêu Trai đâu; anh thấy tay em có ấm không?
Tôi úp mặt vào hai bàn tay nàng, hôn say sưa.
-Anh còn nhớ bài thơ ứng khẩu đêm qua không?
-Không nhớ đâu em. Chắc rượu ứng khẩu ! Lúc đó anh có thể nhớ; nhưng sau đó anh không còn khả năng nhớ cái đã nhớ. Trous de mémoire!
Thảo xoa đầu tôi, bảo thấy tội nghiệp tôi. Rồi nàng đọc lại đoạn thơ "rượu xuất" của tôi. Khả năng ghi nhận nhanh chóng và trí nhớ tài tình của nàng quả thật phi thường.Tôi hỏi Thảo có đi học lớp 12 đêm của tôi không. Thảo cho biết Trung -làm chung với Thảo ở USAID- đi học về "khen" Hoàng, Ký, Nghĩa và tôi hết lời. Nàng tò mò vào nghe lén bộ bốn chúng tôi "hát" vài lần. Sau đó nàng thường xuyên có mặt ở các giờ tâm lý do tôi phụ trách. Thảo say mê theo dõi các đề tài : Cảm xúc và Đam mê, Khoái lạc và Đau khổ, Tâm phân học với các tâm bệnh và các lệch lạc tình dục. Riêng Trung thì "kết" Hoàng lắm. Trinh thì "mê" Nghĩa và Ký. Thảo nâng ly cognac vừa châm thêm mời tôi và tiếp nối bài thơ đứt đoạn đêm qua :
Thiên thần tuyệt vọng, em sa ngã,
Ác quỉ mệt nhoài, anh rộng tay.
Lứa đôi chênh lệch, tình tơi tả
Cùng hẹn say đời trong đắng cay

Tiếng Thảo trong như suối Ngọc Tuyền, êm như hơi gió thoảng cung Tiên…Tôi hôn nhẹ đôi mắt rớm lệ của nàng, thì thầm: «Vâng, đêm nay chúng ta cùng hẹn say đời trong đắng cay…». Nàng phớt nhẹ lên môi tôi một chiếc hôn vội, chậm rãi đứng lên, khoan thai bước tới nhẹ ngồi trước piano, nhẹ hất đầu cho lọn tóc phía trước ngực tung về phía sau, buông xõa nửa chừng lưng, sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn, đôi tay nhẹ vươn lên lơ lửng trong vị thế chuẩn bị, tập trung, chờ đợi…Tất cả điệu bộ đều tất nhẹ nhàng, la đà như chiếc lá đong đưa theo làn gió hây hây . Ngồi phía sau Thảo, cách nàng hơn một tầm tay, tôi cũng ngưng thở, chờ…Khi đôi tay ngọc đáp xuống bay nhảy trên các phiếm ngà, từng chuỗi âm thanh trầm bổng, khoan thai, dìu dặt phá vỡ không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ…Quả thật tôi muốn thành mây nương theo làn gió!...
Tiếng dương cầm đột ngột đứt ngang. Thảo gục đầu nức nở trên phiếm ngà. Tôi bước tới nâng Thảo đứng lên, để yên cho nàng gục khóc trên vai tôi và chầm chậm dìu nàng về phía bức màn the mỏng, đỡ nàng nằm dài trên chiếc ghế bố nhà binh đã một thời đem hạnh phúc cho nàng…

Tin Phước Long mất không làm Sàigòn đổi bộ mặt ăn chơi. Trận Tết Mậu Thân trước đây sắt máu thế kia mà dân Sàigòn chưa ngán nữa là…Quán nhậu chỉ cách nơi bắn giết nhau một hai con đường. Chưa kể một số đông còn rủ nhau đi xem các trận đánh như xem xinê. Thế nhưng, vì "Phước Long thương khó" (VC xuyên tạc Phước Long khó thương!) nên giờ giờ nghiêm được kéo dài thêm. Do đó, tôi cũng ít khi đưa Thảo đi chơi, hoặc đưa nàng trở lại "Căn-Nhà-Kỷ-Niệm-Động-Hoa-Vàng". Những buổi có giờ dạy lớp đêm, tôi ra khỏi lớp cũng đã non 10 giờ tối. Chúng tôi chỉ còn thường xuyên liên lạc điện thoại với nhau. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp vội nhau ở Phòng tập thể dục Tự Do, điểm hẹn của "ngủ hổ: Danh-trại-gà, Thứ-cần câu, Lộc-phi-lô-phô-li, Nhựt-cá-thòi-lòi, Kiệt-tóc-dài". Điểm son của Thảo: biết xuất hiện khi cần, biết "nhòa trong bóng đêm" khi thấy mình thừa thãi…Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, Ái ân nhạt nhẽo của…"chàng" tôi !

Rồi Ban Mê Thuột bị tràn ngập trong sự chờ đợi của một số người, trong nỗi bàng hoàng, ngớ ngẩn của tôi. Thứ "cần câu" bao lần đi bạch y về hồng y. Thảo bù đầu với đám đông sồn sồn, trắng trẻo, thoạt nhìn tưởng đâu mấy ông công tử bột –sau nầy mới rõ là đám sĩ quan văn phòng, cấp tá, mặc thường phục : Họ xô lấn nhau xin "đăng ký" vào danh sách mật do USAID thiết lập để được ưu tiên di tản. Sau họ là đám đông "chị em ta", son phấn loè loẹt, đeo tòn teng mấy ông lọ nồi…
-Anh đó hả? Thảo điện thoại cho tôi. Em chịu hết nổi rồi. Đến đón em nghe!
-Anh tới liền! Tôi cúp máy, vọt ngay ra xe.
Tấp vô USAID, đường Lê văn Duyệt, tôi nghĩ mình chưa ra khỏi cơn ác mộng. Tên thủy quân lục chiến Mỹ gác cổng chĩa súng về phía tôi, nạt lớn: «Dang ra!». Tôi giơ hai tay lên trời, hét to: « Tao đến rước míss Thao!». Chưa chắc hắn hiểu tôi muốn nói gì, nhưng hắn còn nhiều việc phải làm, chẳng hạn như chĩa súng xua đuổi đám đông da vàng đang chen nhau xin ghi danh di tản hơn là để ý đến tôi đang tìm Thảo. Chưa thấy nàng đâu, đã thấy Thứ-cần câu, hai mai bạc sáng chói trên cổ áo trận, uy nghi, lẫm liệt -Thứ vừa lên lon tuần trước- đột ngột xuất hiện trên một chiếc Jeep có gắn đại liên, với ba bốn cận vệ, súng ống tua tủa; Thứ dõng dạc thét: «Tránh ra cho tao tới rước lady Thao». Y như danh tướng Antoine phá vòng vây giải cứu César và Cléopâtre! Độ nửa giờ sau, Thảo bơ phờ bước xuống xe "cần câu" chỉ huy của Thứ. Chúng tôi họp mặt thân hữu để tiễn đưa Kiệt đi công tác tại Paris.

Một tuần sau khi Kiệt lên đường thì xảy ra cuộc "di tản chiến thuật". Sàigòn bắt đầu rục rịch, trở mình, láo nháo với tin mất Đà Nẵng. Quán Cái Chùa (La Pagode), đường Tự Do vẫn đông nghẹt khách. Đám chính "khứa", các "nhà" văn nghệ "sỡi" -thường được coi như bọn trí thức(hay trí ngủ) trùm chăn- thi nhau đoán mò, bắt mạch -hay đấm bóp?- thời cuộc, trong khi dân di tản tràn ngập Vũng Tàu, Phú Quốc…Các "thầy", các "cha" tự coi mình thuộc thành phần thứ ba -hay thành phần chàng hảng- bắt đầu "quậy" mạnh, xách động loạn cào cào, nhặn xị, trong khi các bạn đồng ngũ của tôi, đứa mất tích, đứa tan xác, đứa được cái may mắn cuối cùng nằm yên trong sơ-mi gỗ…
Theo sau hàng loạt các tỉnh Vùng I và Vùng II bị làn sóng đỏ tràn ngập, Nha Trang cũng bị bỏ ngõ trong sự bàng hoàng của mọi người. Sàigòn lúc nhúc lính tráng đủ mọi sắc áo…Khi tuyến phòng ngự Ninh Thuận và Xuân Lộc bị chọc thủng, mọi người có cảm tưỏng số lính rã ngũ còn đông hơn số dân Sàigòn. Cơ quan USAID, Toà Đại Sứ Hoa kỳ bị dân muốn di tản vây khổn y như Điện Biên Phủ lúc bị tràn ngập…

Cuối cùng tôi thuyết phục được Thảo chấp nhận ra đi, sau hai lần vào được Guest’s house của USAID nhưng nàng lại trốn ra về. Lần thứ ba đưa nàng trở lại Guest’s house, tuy bước đi nhưng chưa nỡ rời, tôi thấy Thảo có vẻ bình tĩnh hơn hai lần trước. Và tôi cũng tự chế, dứt khoát chia tay, bước đi nhanh, dằn lòng không ngoảnh lại. Trên đường về, tôi vừa qua Cầu Bông Đa Kao thì trời mưa tầm tã, sấm chớp sáng lòa, sét đánh ù tai trong lúc trên không có hai phi cơ chiến đấu nhào bổ xuống phía Dinh Độc Lập oanh kích. Dàn cao xạ bắn lên bao quanh hai chiếc máy bay như những chùm pháo bông…
Hai ngày sau, chiến xa cộng quân bò lểnh nghểnh ngoài xa lộ Biên Hòa và từng đoàn mô-lô-tô-va chất đầy lũ nón cối tuôn vào Sàigòn…Khoảng một tiếng đồng hồ sau, khi tiếng súng lẻ tẻ chưa dứt hẳn, tôi đạp xe mini chạy ngược về hướng Bà Chiểu, định bụng tạt ngang nhà Thảo dò la tin nàng. Tôi yên chí Thảo đã thoát đi được. Nào ngờ, vừa qua khỏi ciné Cao Đồng Hưng tôi đã thoáng thấy nàng đạp xe từ hướng Bà Chiểu phóng tới! Tôi chưa kịp hỏi, nàng đã kêu lên:
-Anh! Gia đình anh bình yên hết hả?
Tôi gật đầu, dựng xe bên lề đường, tới sát bên nàng, hỏi nhỏ:
-Sao em không đi? Tại sao ở lại chịu nạn?
Nàng mỉm cười buồn bã trả lời:
-Em không đành lòng bỏ anh lại một mình…
Tôi chỉ còn biết lắc đầu, ngao ngán thở dài…Cho hay là giống hữu tình, Đố ai dứt mối tơ mành cho xong!
Sau khi Thứ chui vào rọ cải tạo, tôi vẫn cùng Thảo đạp xe lang thang, chứng kiến những cảnh đổi đời thật đau lòng. Lần chót gặp Thảo bên ngoài vòng rào trường Gia Long, tôi vẫn chưa biết mình sắp sập bẫy quỉ đỏ vào ngày mai nên Thảo không ngờ, mà tôi cũng chẳng biết đó là ngày TỰ DO CUỐI CÙNG của tôi ở Sàigòn.

Lúc vào trại cải tạo Trảng Lớn tôi có gặp Tạ Ký, nhưng ít khi trò chuyện vì lúc bấy giờ tôi chỉ có một toan tính thường trực dính cứng vào đầu: tự tử! Khi đến trại Xuân Lộc, lần hồi tỉnh trí, tôi và Ký gần gũi nhau hơn. Ký kể, sau khi "đứt phim", một hôm tình cờ gặp Thảo đứng nói chuyện với Nguyễn Xuân Hoàng và Tôn Thất Trung Nghĩa, Ký hỏi Thảo sao không đi, Thảo trả lời: vì tôi.
-Mầy biết tao nói sao không? Ký hỏi tôi. Tao nói ai bảo cô yêu thằng Lộc chi? Nếu cô yêu tôi thì giờ nầy tôi và cô đã đi mất từ lâu rồi! Rít xong điếu thuốc lào, Ký kể tiếp:
-Thằng Nghĩa , thằng Hoàng cũng đồng ý, nếu Thảo yêu một trong ba thằng tụi tao thì bây giờ đâu còn kẹt lại đây! Tội con Thảo lắm. Nó sợ mấy thằng "ba mươi" ở lối xóm điềm chỉ nó làm sở Mỹ…
Tôi ứa nước mắt, nhìn nhận Ký, Hoàng, Nghĩa có lý và tin chúng nó dám nói, dám làm. Thương cho Thảo đã vì tên bất xứng như tôi mà hoang phí cả cuộc đời.
Khi bị chuyển tới trại Long Giao -sau 18 tháng bặt tin mọi người- tôi được gặp gia đình và được tin Ánh cùng hai đứa con đã an toàn đến Paris với Kiệt. Người tình "cô giáo" -cũng ở Paris năm 1973- có tiếp tế thuốc men cho tôi, lúc bấy giờ đang bị suyễn nặng, chỉ còn da bọc xương vì bị lũ vượn thành người chí cốt đày đọa, khai thác. Thôi thì Kiệt đã yên bề gia thất. Còn Thảo giờ ra sao? Nàng mà lọt vào rọ cải tạo thì coi như tàn một đời hoa!
Đêm đó tôi trằn trọc thâu đêm, cố nhớ lại bài thơ đã đọc cho nàng nghe, đêm đầu gặp gỡ. Ngày hôm sau tôi bắt đầu phổ nhạc đoạn thơ đó. Tình khúc "Đêm ấy…" ra đời sau một tuần thai nghén.
Lúc chuyển đến trại Hàm Tân Z30D (Căn Cứ 5 Rừng Lá cũ), tôi gặp được Thảo, nhưng không phải Thảo-Cathérine Deneuve, mà là Thảo cựu nhân viên của Kiệt, bị bắt đày lên đây vì hoạt động Phục Quốc. Thảo chỉ cho tôi thấy một thiếu nữ rất trẻ cùng hoạt động với nàng và cho biết người con gái khốn khổ đó đã bị lũ đầu trâu mặt ngựa "bò-vàng-công-an-cộng sản" tra tấn chết đi sống lại năm lần bảy lượt, rồi lại bị chúng nó thay phiên nhau hãm hiếp đến mang bầu! Tôi thương cảm, uất hận nghẹn ngào ; cùng lúc cũng bủn rủn tay chân khi nghĩ đến Thảo- Cathérine…

Tôi ra tù ngày cận Tết, năm 1980. Bạn bè coi như mất hết. Cố nhân thì…từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ;lời hẹn thề là những cơn mê khi bước chân ta về! Một bận đi phất phơ trên vĩa hè Nguyễn Huệ, bất ngờ tôi nhìn thấy…Thảo đang đứng bán bông ở một kiosque ngang cửa Pôle Nord! Thảo vẫn đẹp như xưa, có phần gầy hơn và…có vẻ u buồn hơn trước nhiều. Thảo chỉ nhận ra tôi khi tôi bước vào cửa hàng, gọi tên nàng. Cũng dễ hiểu thôi: hình hài, dáng dấp tôi chắc chắn đã đổi thay rất nhiều. Năm năm rồi không gặp…Phải chăng mình có nên ngờ, Rằng người năm ấy bây giờ là đây?...
Tôi rụt rè hỏi:
-Động hoa vàng giờ ra sao hở Thảo?
-Hiện là trụ sở của công an phường, nàng thẩn thờ đáp.
Rồi Thảo lần lượt cho tôi biết: Tạ ký -ra tù hai năm trước đây- đã bị bắt lại sau khi vượt biên không thành và đã chết. Tôn Thất Trung Nghĩa đang ở trại tỵ nạn bên Thái Lan, Nguyễn Xuân Hoàng vẫn còn kẹt ở Sàigòn, Võ Trung Thứ-cần câu vẫn chưa về, Huỳnh Quang Nhựt đã ra đi trước 30 tháng 4 v.v…Tôi hỏi thật nhỏ:
-Thảo lấy chồng chưa?
Nàng không trả lời. Tôi hỏi lại lần nữa. Nàng vẫn im lặng, tần ngần cúi xuống sửa lại mấy cành hoa…Là giết đời nhau đấy biết không! Sạp bán hoa hầu như không có khách. Thảo kéo ghế mời tôi ngồi. Bốn mắt nhìn nhau, chẳng nói một câu. Nàng ngồi sau một bàn viết nhỏ dành viết hóa đơn cho khách hàng. Tôi dùng hai ngón tay gõ nhịp tango trên mặt bàn bắt trớn, cất tiếng hát nhỏ tình khúc Đêm ấy…Nước mắt từ từ rơi xuống từ đôi mắt đã hơn một lần thu hồn tôi. Tình khúc dứt, Thảo kéo vạt áo dài mầu thiên thanh lau mắt, chăm chú nhìn tôi, cố mỉm cười :
-Thảo không ngờ anh còn nhớ tới Thảo đến như vậy. Khi xưa Thảo đã từng nghĩ anh không hề yêu Thảo. Thảo đã sống mấy năm qua với cái cảm giác đau đớn đó…
Tôi chạnh nhớ đến lời Tạ Ký ở Xuân Lộc…

Bốn năm sau, một tối đi cày về, tôi thấy ai gài lên cánh cửa appartemennt tôi một phong thư xanh lợt. Thư không đề tên người gởi, trái lại tên họ tôi và địa chỉ được ghi rất đầy đủ. Thư không dán tem, nét chữ trông quen quá! Tôi xé nhanh phong bì: bên trong chỉ có một ảnh mầu chụp một chiếc dương cầm, bên trên có một chiếc lọ cắm một bông hồng đỏ thẩm đặt cạnh một cây bạch lạp đã cháy hết nửa phần. Phía sau ảnh, ghi võn vẹn:
cõi người có bao nhiêu
mà tình sầu vô lượng
còn chi trong giả tướng
hay một vết chim bay…


Thôn trang Đổ-Lá-Đầy-Ấp-Mơ, Xứ Tuyết, cuối hạ 1991
- Lê Tấn Lộc -

No comments: