Thursday, May 29, 2008

Phái yêú và tôi


Sổ tay hành trình

Phái yếu và tôi

Mọi trùng hợp về nhân vật, cảnh ngộ, nếu có, đều ngẫu nhiên.
Bài viết vừa hư vừa thực. Nhân vật xưng tôi không nhất thiết là tác giả.

-LTL-

«Nhi nữ tạo anh hùng. Anh hùng tạo thời thế», người xưa nhận định như vậy. Tôi nghĩ có lẽ cổ nhân «quên» một vế rất quan trọng. Để khởi đầu nhận định, không trật. Để nối tiếp cũng không sai: (Thời thế tạo nhi nữ). Nhi nữ tạo anh hùng. Anh hùng tạo thời thế.( Thời thế tạo nhi nữ)! Nhưng với riêng tôi -xuyên qua kinh nghiệm tiếp xúc với nữ phái- vế «anh hùng tạo thời thế» không ổn lắm. Trái lại, tôi dần dần nghiệm ra dường như «nhi nữ tạo thời thế» cho «anh hùng» dương oai diệu võ hoặc cam thân làm gà què ăn quẩn cối xay mới thật xác thực. Nói kiểu bình dân: đàn bà dựng rạp, trang trí sân khấu, «làm bàn» cho đờn ông, tùy tình thế, biểu diễn theo bài bản, chủ đề đã mớm ý trước. Người xưa đã chẳng nhìn nhận «giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ» sao?
Tôi không có ý tranh luận nữ phái quan trọng, «đáng kể» hơn nam phái hay ngược lại. Tôi chỉ muốn ghi nhận một sự việc không chối cãi được: nam, nữ khác nhau. Họ khác phái mà! Nam muốn thành nữ, hay ngược lại, đều phải nhờ phẫu thuật chuyển đổi phái. Hiện tượng chuyển phái giờ đây khá thịnh hành. Có điều các «đấng» đổi giống nầy -transsexuel(le)- dẫu hình hài thay đổi toàn diện vẫn chẳng bao giờ có khả năng truyền giống hay sinh sản như nam, nữ «trời cho»! Chung cuộc, nam-nữ vẫn đời đời khác phái và nhờ vậy giống người chưa tuyệt chủng! Trừ phi có ngẫu biến (mutation) trong quá trình tiến hóa (évolution) vạn vật, cho tới nay loài người chưa thuộc nòi lưỡng tính (hermaphrodite), có khả năng tự mình gieo giống cho mình rồi thụ thai truyền giống , sinh sôi nẩy nở.

Một vài nhận xét xa xưa của phái yếu -yếu thật chăng?- về tôi rất bất ngờ, tới nay vẫn còn lưu lại trong tôi nhiều vết tích như «vết thù hằn trên lưng ngựa hoang», vừa đau nhói vừa tức cười. Còn nhớ và cố vẽ lại các vết hằn nầy là do vừa rồi đi tham dự sinh hoạt linh hướng, tôi nghe vị chủ trì, một tu sĩ kể rằng: Ngày xưa khi còn trai tráng, vì nhà nghèo, người vừa đi học vừa kèm trẻ tư gia, tạm trú khu bình dân Chợ Cầu Muối. Ngày hai buổi đi về bình thường, không động chạm ai, không mích lòng ai hết. Thế mà trong đám đệ tử nghèo có đứa thương tình báo cho người biết nên dọn đi chỗ khác ngay vì…có mấy tên du đãng cho rằng «cái bản mặt (của người) kênh kênh thấy phát ghét, muốn đục cho phù mỏ»!
Đã có lần, trong một tiệm ăn bình dân khu Hàng Xanh, tôi cũng suýt bị một tay anh chị cao bồi hương thôn «chém lã đầu» vì hắn thấy bộ mặt tôi «khinh khỉnh», đang lúc tôi bàn luận về «tiểu thuyết mới-nouveau roman» với hai cây viết thân hữu mới xuất hiện trên văn đàn. Trời thần ơi! Bộ mặt tôi dễ gây ngộ nhận lắm sao? Thỉnh thoảng tôi cũng soi gương thử coi cái bản mặt mình có gì đặc biệt quá chăng mà hết du đãng đòi «phụp» tới người đẹp muốn bộp tai, ưa nặng lời bôi bác? Bà con thử nghĩ…
Tôi kiểm điểm rất rõ để chắc chắn mình chưa hề có lời nói hay cử chỉ nào «thất thố» với người đẹp, vợ anh bạn nhạc sĩ thời danh, thập niên 50-60, ở Sàigòn. Thế mà… Một bữa tình cờ gặp nàng ngoài phố, kéo nhau vào quán Cái Chùa, tôi bia 33, nàng trà sữa, trao đổi cầm kỳ thi họa pha trộn chút triết lý hiện sanh vớ vẩn…Đột nhiên nàng cười ruồi, «chi» cho tôi một câu toé phở:
- Toa cũng spirituel-duy linh đáo để nhỉ! Lâu nay moa cứ tưởng toa purement matérialiste-thuần duy vật thôi chứ!».
Tôi chỉ còn nước ngửa mặt lên trời cười ba tiếng, thầm phân bua với thế sự nhân gian:
- Làng nước ơi, nó nói nặng, nó «pác-lê-lua» tôi! Phần nào thôi chớ em! Tội nghiệp thằng bé…
Hai mươi năm sau, trên Xứ Tuyết, sa cơ thất thế, chịu đấm ăn xôi mưu sinh để trường tồn; văn-chương-thi-phú-triết-học-nghệ-thuật đem chôn giấu hết, tôi cùng một số bạn lưu vong hợp tác mở hãng may, do một người đẹp

-lại phái yếu!- mang tên một loài hoa quí, vợ một ông bạn trong nhóm cầm đầu. Tôi nhớ kỹ mình rất cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, trong mọi cử chỉ thường nhật với «bà chủ tịch». Một bận đi giao hàng quá gay go, mệt lã, nàng đề nghị tôi đi ăn vì cả hai đói gần xỉu. Nàng đang theo học tu thiền với ông Bảy, ông Tám gì đó, nhưng coi bộ chưa mấy gì «thiền» lắm. Nàng hỏi, tôi đáp. Hỏi mới dám thưa, không tự ý phát biểu linh tinh.
Bỗng nhiên nàng cười nhẹ rồi nghiêm chỉnh «ban» cho tôi một nhận xét đổ mồ hôi hột giữa mùa đông buốt giá:
- Xem ra anh cũng có chiều thanh cao, cũng ngưỡng vọng «Tuyệt Đối» dữ há! Bây giờ tôi mới nhận ra, chớ từ lúc biết anh tới giờ tôi cứ đinh ninh anh sống chỉ để nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất, theo đuổi lạc thú thấp hèn, chẳng hề có ý hướng thượng.
- Trời hỡi! Em nỡ (nặng lời) đến thế sao… Sao em không (tiếc) một lời nào! Tôi chỉ còn biết cúi mặt xuống đất khóc ba tiếng, ngao ngán thở dài, rồi «lạnh lùng» lau mắt đi (anh), lầm bầm tự thán!
Thôi thì âu cũng là dịp tốt cho tôi «phản tỉnh», cảnh giác nhiều hơn nữa trong lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động. Nhưng chẳng lẽ cảnh giác đến độ câm nín, bất động, ù lì? Chưa chắc tôi có thể tự thắng vượt tới mức «siêu» như thế: không ai sửa chữa được tính tình, vì đó là tính khí, là khí huyết bẩm sinh. Bởi khí huyết trời cho, tôi mắc phải cái chứng mà bạn bè gọi là «nhu cầu xúc giác kỳ dị - besoin maniaque du toucher» của các nhân vật trong truyện Dostoïevky: Tôi cần tiếp xúc như cần dưỡng khí. Do đó dễ gây hiểu lầm tôi quá «vồn vã», quá «sốt sắng», quá «bặt thiệp» với tha nhân, nhất là quá «lịch duyệt - galang» với phái yếu.
Hay tôi thử chỉnh trang, thử «vỗ đồng» cái bản mặt thoạt trông rất «dễ nhợn» của tôi xem có thể khá hơn chăng?

Trong quá khứ, lúc còn trai trẻ, tôi cũng đã thử «chăm sóc» sắc diện, «chỉnh đốn» cung cách, ngôn từ nhưng chẳng đi đến đâu! Cũng lãnh thẹo dài dài:
Phái yếu, một hoa khôi thuở lưu bút ngày xanh - đương lúc cảm tình hai đứa ngày càng tươi đẹp - không rõ bị con gì cắn, đột ngột «phang» cho tôi gục trước bạn bè: Gối rơm giữ phận gối rơm, Có đâu dưới thấp mà chồm lên cao! Để rồi sau đó tìm đến xin tôi tha thứ đã hạ nhục tôi chí cốt. Lúc chia tay, nàng ngậm ngùi «phán»: Anh cao cả quá! Từ gối rơm đến cao cả! Chẳng còn biết đường nào mà lần…Tại cái bản mặt của tôi nữa chăng? Khi thấy phát ớn (gối rơm!), khi thấy dễ mến mộ (cao cả!). Hay vì tâm trạng người đẹp thay đổi như thời tiết đột biến đổi thay? Allez donc savoir! Cho dù cẩn trọng cách mấy tôi vẫn có thể bị giông tố bất chợt phủ chụp xuống đầu!
Thấm đòn gối-rơm-cao-cả, tôi bèn «quay về với chính mình», điều chỉnh tầm nhìn để chỉnh trang thái độ cho được politiquement correct (đoan chính?) với nữ phái. Người đẹp, một thục nữ trông rất mực hiền hậu, tôi đã để ý từ lâu nhưng chưa dám hở môi -muốn nói mà sao vẫn nghẹn lời- vì đang «suy tư» sắp xếp chữ nghĩa sao cho vừa phải phép vừa lịch lãm.
- Thưa chị! Tôi hằng hi vọng được hân hạnh và vinh dự mời chị luân vũ…
- Cái gì? Nhảy đầm à? Tôi đập anh bể đầu bây giờ!
Than ôi, vận xui vẫn còn bám riết tôi! Uổng phí bao công lao «uốn lưỡi bảy lần trước khi nói», đến khi cóc mở miệng lại ăn nói vô duyên, trật chìa! Thế nhưng động mà qua. Tôi có bị đập phun máu đầu thật sau đó, nhưng không phải bởi người đẹp tôi yêu, có đôi bàn tay mỹ miều mà bởi ông anh đặc trách giáo huấn tôi quơ cây cọc giăng mùng xáng xuống đầu thằng em khó dạy!
Thế nhưng chẳng bao giờ tôi có thể tưởng tượng nổi nhờ biến cố tươm máu đó mà nàng trở thành người-bạn-đồng-hành-suốt-đời của tôi!
Nghe tin tôi bị «đập bể đầu» nàng xúc động ghé thăm tôi nơi phòng trọ sinh viên. Và mọi sự khơi nguồn từ đó…Hãy tìm hiểu giùm tôi chuyển biến lạ lùng nầy của phái yếu. Allez donc savoir pourquoi!

Cũng từ đó tôi bắt đầu để ý kỹ càng hơn tâm lý tế nhị (hay phức tạp?) của người nữ. Không đến nỗi cả quyết con gái nói có là không, con gái nói không là có, nhưng càng lúc tôi càng nghĩ rằng, cho dù nữ và nam phái có cùng một tính khí (tempérament) đi nữa, phản ứng (réaction) nữ phái vẫn khác biệt phản ứng nam phái; phản ứng bọn đàn ông con trai thường dễ tiên đoán vì đơn giản hơn phản ứng đám đàn bà con gái, thường khó tiên liệu vì hơi «rối rắm», nếu không muốn nói là «lắc léo»…Sự việc sau đây, phần nào minh chứng cho nhận xét thô triển nầy:
Vốn dĩ dễ động tâm vì bản chất «siêu» nhạy cảm, «mầm» hành-hiệp-giữa-đàng-thấy-sự-bất-bằng-mà-tha (sao) ít nhiều đã sẵn luân lưu trong huyết quản, một lần nữa - sau nhiều phen hăng say ra tay «trừ gian diệt bạo» thương tích đầy mình, trầy vi tróc vẩy - tôi lại nhắm mắt nhắm mũi lao đầu vào binh vực kẻ cô thế bị hiếp đáp. Nhứt là lần nầy phái yếu đơn chiếc lại là cựu học sinh một trường nữ trung học danh tiếng, kế cận trường tôi theo học khi xưa, nên coi như chúng tôi đồng «cửa Khổng sân Trình» miệt Tiền Giang. Kết quả ngoài sức tưởng tượng của tôi và của người-bạn-đồng-hành-suốt-đời của tôi : Tôi bị nguyên tập đoàn XXX chuyên hà hiếp, lấn áp hợp lực tấn công, bức hại, với sự bí ẩn trở mặt tiếp tay của chính «nạn nhân» đã kêu cứu tôi bảo vệ.
Đau nhứt là câu «chém ngọt» lạnh tanh, để đời của phái yếu vô cùng bí hiểm nầy về «cuồng hiệp sĩ» tôi, sau khi tôi bị đòn hội chợ :
- Vậy tôi phải làm tất cả theo đúng ý anh muốn, hoàn toàn nghe theo lời anh thì anh mới vừa lòng? Bộ anh muốn chúng ta make love chăng?
Tự cho mình quyền ăn nói hồ đồ, sỗ sàng, phách lối đến thế, tôi đành… hết ý. Do đâu con người thoắc trông đoan trang thùy mị, liễu yếu đào tơ rất có biệt tài làm-dáng-đức-hạnh nầy -một cách bắt chước nhạt nhẽo coquetterie vertueuse kiểu Andromaque, người đã khéo léo õng-ẹo-nghiêm-trang để thủ tiết thờ chồng, bảo vệ con, nhưng thiếu hẳn chiều sâu- lại có thể «sáng tác» những suy diễn quái đản đến mức trơ trẽn, thô tục quá cỡ như vậy? Tôi kinh hãi đến rụng rời, buồn nôn. Lần nầy «gối rơm» tôi, tuy không bị hạ nhục trước bá quan văn võ, nhưng còn thê thảm gấp vạn lần lúc tôi lãnh đạn «giữ phận gối rơm» mấy mươi năm về trước. Chưa bao giờ tôi bị lừa phỉnh tới mức «siêu đẳng» như thế! Bởi lần nầy phái yếu không chỉ ngấm ngầm hạ bệ mà còn rạch toang gối rơm cho rơm rạ tung tóe trông như ruột gan đổ nuồi rướm máu của chính tôi, kẻ «đơn thân hành hiệp» bị «đâm sau lưng» khi lâm trận!

Thôi thế thì thôi đành… xếp giáp qui hàng, vẫy tay vĩnh biệt phái yếu! Còn gì nữa đâu mà bảo nhau đợi chờ…khi tình (người) bây giờ đau như ngọn roi quất vào tim vết bầm tím...Niềm cảm thông sâu sắc giữa người khác phái và tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ thành tựu.
Quả thật tôi thất vọng ê chề: Cảnh khốn nạn trong đời người, không gì bằng thất vọng(…) Chân trời góc bể biết đâu là nhà; có khi phải ngồi xuống bên đường mà khóc… Nhưng nghĩ cũng buồn cười. Lúc tôi sống thiên về tâm linh thì bị phái yếu hiểu lầm chuyên hưởng thụ vật chất. Bây giờ trước cao trào «giải phóng (tình dục cho) phụ nữ», nếu tôi ọ ẹ lên tiếng, chắc chắn sẽ bị dán cho cái nhãn «duy tâm lẩm cẩm, bảo thủ, phản động, ngoan cố, *macho* lỗi thời, sống lạc thực trong thế giới tâm linh huyền ảo»! Còn một nhãn hiệu nữa, trong những ngày tới không chừng sẽ được phe nữ «đóng kịch đạo mạo» đóng dấu lên trán tôi : duy thực ! Cho đủ bộ bình tích!
Đến bao giờ tôi mới thoát khỏi tai nạn bị phái đẹp hiểu lầm đây? Tôi lại chạnh nhớ bài học thuộc lòng thuở còn bé: «Đến lúc tuổi càng cao, kinh lịch càng lắm, bấy giờ mới biết sự đời là khó, tài mình là hèn (…) chân đã mỏi, dặm đường còn xa, lòng hi vọng cứ mỗi ngày một lạt…»

Ngán ngẫm cuộc đời chi nói nữa, Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi! Tại sao không? Chi bằng láo láo lơ lơ vậy, Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi! Nên lắm. Khỏi rắc rối, lôi thôi. Cho khoẻ cái thân già. Sau vố «gối rơm bị đổ ruột» tôi trốn lánh tối đa giao dịch với thế nhân, hướng cơn ghiền tiếp xúc trầm kha của mình tới thiên nhiên : băng rừng lội suối tìm hoa thơm cỏ lạ, lắng nghe tiếng chim hót líu lo trên cành, tiếng ếch nhái trững giỡn lõm bõm trong ao đầm, tiếng pha lê vỡ nhẹ khi hoa lá bắt đầu ngoi mình dưới lớp tuyết băng, chuẩn bị đón mùa xuân tới…Hạnh phúc cũng dễ ợt nhỉ? Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Không do tôi chủ xướng, tự nhiên tôi lại có dịp tiếp xúc với phái yếu! Đặc biệt, lần nầy phái đẹp thuộc một dòng tu tại thế.
Tôi chưa hề có dịp tiếp xúc với giới nữ tu. Nghe đâu nàng đã dang dở tình duyên, sống đơn lẻ, khiết tịnh, một thân trơ trọi nuôi nấng dạy dỗ cho đàn con ăn học đến nơi đến chốn. Hoàn cảnh tương tợ như người đẹp có biệt tài làm-dáng-đức-hạnh đã đâm toạt gối rơm tôi. Nhưng phúc đức thay nàng có lòng yêu người vô bờ bến và là mẫu mực vị tha được anh chị em nhìn nhận, yêu chuộng. Tôi trọng nàng như «sư phụ» trong việc tu tập theo đường lối dòng Phanxicô. Nhưng nàng quí tôi như một người anh tinh thần. Với tôi nàng không khác đứa em gái thân thuộc trong gia đình. Chúng tôi thường xuyên trao đổi kinh nghiệm học hỏi, quan điểm về đạo và đời. Đôi khi tranh luận cũng gay cấn lắm, nhưng vẫn trong tình huynh đệ tương nhượng, hiệp thông, hòa nhã. Qua nàng tôi tìm lại được sự an bình trong tiếp xúc với tha nhân. Cũng qua nàng tôi phục hồi lòng tự tin và niềm tin yêu người khác, nhất là với nữ phái : Nàng thường nhắc nhở tôi nên quên đi những hoài niệm thương động để có thể thay đổi toàn diện cách nhìn phái yếu, khuyến khích tôi đọc Kinh Hoà Bình khi gặp phiền muộn trong giao tiếp và thuyết phục tôi «Hãy yêu thương đi, rồi muốn làm gì thì cứ làm!» (Saint Augustin).
Nạn nhân đau thương bị ruồng rẫy tàn nhẫn, nàng tuyệt nhiên không để tâm oán hận đời, trái lại toàn nghĩ điều tốt và chỉ giữ kỷ niệm vui về người chung quanh. Những vết thương xưa cũ của tôi từ từ lành lặn, thẹo vết cũng tan biến dần trước sự hồn nhiên quên lãng nỗi đau xót đã qua của nàng. Giao tiếp tinh túy, phong phú, ngoại hạng với phái yếu thánh thiện nầy khơi mào cho một vài tiếp xúc lạ thường khác - cũng không do tôi chủ định, cũng rất bất ngờ, nhưng bất ngờ thích thú- liên quan tới hai người nữ, «con cái» công chúa Lê Ngọc Hân…Viễn tượng có vẻ lạc quan -lạc quan bi đát?- hứa hẹn thiện hảo. Có lẽ vận hên đã bắt đầu trở lại tìm tôi…

- Thưa anh. Tất cảm kích trước sự đón nhận nhiệt tình của anh dành cho bài viết Gối Rơm., qua điện thư anh gửi cho anh N.H. và anh ấy chuyển tiếp đến tôi. Đó là niềm an ủi vô biên cho người viết… E.mail đánh đi, tôi yên chí đấng mày râu nầy chắc cũng đã từng «nếm thử thương đau» trong cảnh ngộ méo mặt như gối rơm tôi khi xưa. Ai ngờ…
- Thưa anh, tôi là phái nữ, điện thư hồi báo viết! Tôi tái xác nhận Gối Rơm là bài viết hay nhứt mà tôi chưa từng được đọc. Không ngờ tác giả bài đăng trên một Đặc San Ái Hữu ở Hoa Kỳ cách đây tám năm lại là anh, cũng là cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân như tôi…
Vài lần trao đổi mail sau đó, chúng tôi nhận ra ngay «cùng một tần số» về nhiều điểm. Tuy lúc tôi theo học Nguyễn Đình Chiểu - lúc bấy giờ là Le Myre de Vilers - trường Nữ Lê Ngọc Hân chưa ra đời, nhưng tôi chia sẻ được kỷ niệm vui buồn qua các bài viết của nàng về trường cũ bạn xưa LNH. Ngược lại nàng cũng hòa nhập vào dòng hoài niệm xanh NĐC của tôi. Không bao lâu, nàng «tôn» tôi làm Đại Huynh, tôi cảm kích «nhận» nàng làm Hiền Muội. Chúng tôi mail qua mail lại hay chuyện trò viễn liên y như các nhân vật trong truyện kiếm hiệp. Vui hết sức, thân thiện hết sức. Hào hứng nhứt là chúng tôi có khả năng đọc giữa những hàng chữ (lire entre les lignes) để thấu hiểu ý nghĩa thâm sâu của một bài viết mà thoạt nhìn dường như tác giả chỉ viết giễu cợt cho vui thôi.
Thế nhưng tôi vẫn tự nhắc nhở chớ có quá «sốt sắng», cần giữ chừng mực trong tương quan với người khác phái hầu tránh ngộ nhận như trước đây đã hăng hái lâm trận hành hiệp! Nhưng chắc «sự cố» nầy không xảy ra đâu. Vì trên một bình diện nào đó Hiền Muội tôi cũng có nhiều điểm tương đồng với «sư phụ» tôi. Nếu tôi hừng hực lửa như hoả diệm sơn cuồng nộ thì nàng như nước dòng sông xanh tươi mát êm ả điều hoà thời tiết cho cỏ cây hoa lá không bị thiêu đốt thường xuyên! Vả lại, dù muốn dù không, khoảng cách tuổi tác cũng như khoảng cách địa lý phần nào cũng đặt Đại Huynh và Hiền Muội trong tư thế «kính nhi viễn chi». Thêm một giao tiếp thượng đẳng cho tôi với phái yếu trong hành trình tứ phương tìm bạn tri âm kết nghĩa đệ huynh...

- Thưa anh. Được biết anh có viết cho một Đặc San ở Cali, tôi mạo muội xin anh đóng góp bài cho Đặc San LNH Xuân Đinh Hợi của chúng tôi, dự trù phát hành vào tháng 2 năm 2007…
Thêm một cơ duyên tiếp xúc với phái yếu đồng môn với Hiền Muội, con dòng cháu giống LNH, lấy đích danh Công Chúa làm bút hiệu. Khác với Hiền Muội, «Công Chúa» rất ít liên lạc điện thư với tôi, nhưng chúng tôi thông hiểu những khó khăn, «rắc rối» trong công tác phục vụ một hội đoàn người Việt xa xứ, nhất là trong lãnh vực giao tế, đặc biệt trong sinh hoạt văn nghệ và báo chí. Tuy không nhiều lời qua các mail trao đổi, chúng tôi mặc nhiên hỗ trợ tinh thần cho nhau để kiên nhẫn tiếp tục «ăn cơm nhà vác ngà voi». Có lẽ tôi không cường điệu nếu nhìn nhận giữa chúng tôi hình như có sự tương thân (cùng yêu thích văn học-nghệ thuật), tương kính (quí nhau vì quan điểm và lập trường trong đối xử với anh chị em đồng môn và thân hữu xa gần). Cũng như với Hiền Muội, Công Chúa và tôi cũng có khoảng cách địa lý và tuổi tác, rất thuận tiện để kính nhi viễn chi !

Sổ tay hành trình của tôi giờ đây ghi dấu thêm các tiếp xúc thanh lịch với phái yếu mà sự không tiếp cận là một đảm bảo an toàn trong tương quan anh em trân quí. Sau vụ «Andromaque» dỏm, tôi tưởng đã vĩnh viễn kinh sợ người khác phái . Hai người nữ LNH kế tiếp đã xóa tan định kiến «ưa nhí-nhảnh-điệu-hạnh» của tôi về phái yếu và tái phục hồi niềm hứng khởi tiếp tục lên đường tìm bạn đồng tâm, đồng lực, đồng hành để phát triển lòng ái hữu đích thực giữa những tâm hồn đồng điệu trong khung cảnh tình đồng liêu thân thương…Phải chăng tôi đang được tạo hóa «đền bù» những« thua thiệt» xa xưa với… nữ phái?
Nghĩ cho cùng tôi nên cảm ơn tất cả những người nữ đã cho tôi cơ may được tiếp xúc. Mỗi người một vẻ, khi nhẹ nhàng, khi nghiệt ngã, họ đã tôi luyện tôi nên người «trưởng thành»: chấp nhận mọi việc với nụ cười. Bởi vì: khôn, chết; dại, chết; biết, sống… Nhưng rồi cũng phải chết thôi. Điểm đến sau cùng của thân phận làm người. So, take it easy!

Thôn trang Rêu-Phong,
Xuân Đinh Hợi-Lê Tấn Lộc

No comments: