Thursday, May 29, 2008

Vàng son tuyết phủ trăng tà rêu phong


Vàng son tuyết phủ trăng tà rêu phong

Hôm nay là xuân mai còn xuân
Phơi phới mưa sa nhớ cố nhân
Phận gái ví theo lề ép uổng
Đã về Chiêm quốc như Huyền Trân
Huyền Trân ơi !
Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi !
Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi.

Những vần thơ xưa cũ lao xao trong đầu óc nghễnh ngãng của tôi đang lù mù vì men rượu xuân, dẫn dắt tôi về lại một mùa xuân năm mươi hai năm trước đây, chốn ấy tôi đã gặp Nàng Xuân một chiều xuân, mà cho tới đêm nay -đêm giao thừa- ngồi độc ẩm chén rượu tha hương lần thứ hai mươi lăm nơi thành phố tạm dung thân Mộng Lệ An tôi vẫn thấy “hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”!

Thuở ấy, Mỹ Tho thơm tuổi hẹn hò, Tiền Giang sầu mộng học trò tương tư. Bỏ lại sau lưng thành phố hiền hòa và ngôi trường thân thương đầy ắp kỷ niệm văn nghệ học trò Collège de Vĩnh Long, tiền thân của trường trung học Tống phước Hiệp sau nầy, mùa xuân lữ thứ đầu tiên của tôi đã thực sự mở đầu cho cuộc hải hành “Những cuộc tình không tới”, khởi từ dòng Cổ Chiên êm ả, bao quanh cù lao An Thạnh tới bến đò Rạch Miểu, cặp bến Bạch Đằng, chuyển bến xuôi “miền quê hương cát trắng”, chuyển hướng trôi về xứ của đồi thông và hoa anh đào, neo thuyền phiêu lãng bên hồ Than Thở, nghe rừng Ái Ân rì rào ru khúc mộng thường. Rồi lại trương buồm lộng gió trùng dương đến đỗ bờ sông Seine, tiếp nối hành trình ngược dòng, rẽ sóng tìm về bến Bình Dương. Để rồi cuối cùng nhổ neo lướt sóng biển Đông, chấm dứt hải hồ trên Xứ Tuyết.

Đêm nay, tuyết rơi lả chả thay cho “phơi phới mưa sa”, ly rượu đắng thay cho ly nước dừa xiêm ngọt lịm mà buổi đó tôi đã ngất ngây uống trên đôi môi mềm ấm vừa hé nụ của nàng Xuân:
Nắng chiều hôm ấy vàng ghê
Ve lười mệt ngủ bướm mê vẽ vòng
Tình cờ ánh mắt em trong
Qua khung cửa hẹp má hồng hây hây
Tự nhiên lòng thấy mê say
Tơ tằm như hẹn kiếp nầy có nhau
Để rồi, với Nàng Xuân :
Kể từ hôm đó chiêm bao
Cứ như len lén tìm vào mái Tây
Dặn lòng “Người ấy như mây
Liễu mơ cành rũ trăng gầy tương tư”.
Nhưng rồi giậu thấp rào thưa
Làm sao ngăn được gió đưa hương tình ? ...

Nàng Xuân giờ đây trôi dạt tới bờ sông Seine muôn thuở mặc áo sương mù, đêm đêm lặng hồn theo tiếng xaxophone thổn thức rút ruột ve vuốt tiễn đưa kèn trompette khóc dài trong sương sớm...Thoáng hiện giây phút rồi lại bặt tăm !
Men rượu ngấm dần, cơ thể lâng lâng chừng như muốn bay bổng níu bắt âm thanh thầm thì giữa Lệ Dung-Nàng Liễu và Tô Điền-Dũng sĩ thuở nào đã hòa tan trong gió Xuân :
-Như một thoáng trong mơ anh đến
Đò nan xuôi không bến không bờ
Nụ cười ánh mắt nai tơ
Vòng tay còn vụng lững lờ chiếc hôn ...
-Em có biết nụ hôn đầu ấy
Bao nhiêu năm còn thấy dư hương
Mặn mà nước mắt bi thương
Nghe như nức nở đoạn trường mai sau
-Thân phượng vĩ hằn sâu vết khắc
Trang học trò ướp xác pensée
Vĩnh Tràng mộng vẫn còn mê
Trung Lương ngày đó đi về có nhau ...
-Chiều hôm ấy hàng dừa lảo đảo
Liễu rập mình áo não duyên em
Tiền Giang dậy sóng ngửa nghiêng
Mưa theo nước mắt ướt liền mấy khăn ...
Lệ Dung giờ đã sang Tề, nhưng còn gởi lại cho Tô Điền một thắc mắc để đời : Nàng Liễu rũ về cơn gió dập, hay đời hoa sớm lỡ làng duyên? với mối ưu tư dai dẳng: Tôi một mình gọi nhỏ, Em ơi biết đâu tìm? Nụ hôn đầu, bất tỉnh trong giây phút, đến nay đã quá ngủ thập niên kỷ! Lệ Dung đã biến thành tro bụi hay đã hồi cố quận, từ Xứ Dừa tái xuất hiện dưới dáng dấp một Angélique thanh xuân mơn mởn, vào mùa Xuân Ất Mão 1975 nơi Sài Gòn hoa lệ, êm ái trao cho “Dũng Sĩ” một vết thương với bức tuyệt thư vẽ một trái tim người rướm máu vì năm móng vuốt của một bàn tay tuyệt tác như tay ngà Yên quí phi cào sướt lưu dấu?
Hỡi ơi ! tuổi tác làm chênh lệch
Chờ đến thiên thu đá có mềm?
Bên ngoài tuyết đã ngưng rơi, giọng hát trầm ấm thổi nhẹ từ hệ thống âm thanh tác dụng như một lớp kem xoa dịu những bỏng rát trên da thịt tôi: Chờ nhau hoài cố nhân ơi ...Thuở đó, thời đó, một thuở dấu yêu nào đậm nét Hương xưa, Hoài cảm. Nàng thơ Trinh Nữ đã rơi vào đôi tay trần tục của anh sinh viên ‘’Xa lạ’’ (L’étranger) vào một đêm tối trăng tắt sao, cho lửa tình vụt cháy trong căn gác trơ trụi trên đồi thông tư bề gió lộng của Xứ Hoa Đào huyền ảo:
Em từ đâu bay đến
Giữa tầng trời phân vân
Vườn Xuân lơi cánh mộng
Em nhẹ nhàng trao thân ...

Để rồi Xuân năm nay -bốn mươi lăm năm sau- Nàng ThơThư Sinh chỉ còn cách nhau quãng đường vừa vặn với độ xa giữa SàiGòn-Đà Lat. Nhưng đã đủ để từ nay mãi mãi không thấy nhau, tưởng chừng như nghìn trùng xa cách!

Thuở nào, thời nào Người Em Xóm Học, cũng một đêm xuân lạnh lẽo như đêm nay, đã gục khóc ướt vai tôi làm rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề trong một bistrot kế cận vườn Luxembourg? Một chớp...bốn mươi bốn năm! Xóm Học còn đây, Người Em biền biệt.

Thuở ấy, thời ấy, thời của Nguyệt cầm, Mắt biếc, bóng dáng Người Em Xóm Học lại thấp thoáng trên vòm trời của miền đất có thông reo, có suối róc rách, rồi nhẹ đáp xuống quê hương cây trái ngọt ngào của Người Đẹp Bình Dương, mắt sâu vì nhục nhằn, đơn độc như dã thú thọ thương, co rút vào bóng tối liếm lấp các vết thương còn rỉ máu. Tôi đến đúng thời điểm người thiếu phụ ít nhiều gợi nhớ Người Em Xóm Học năm xưa (với nhiều đặc điểm của khuôn mặt Jeanne Moreau thời tôi say mê) đang choàng dậy sau giấc ngủ thiêm thiếp nhiều trăn trở. Người ấy đã giã từ tôi bằng một điện tín đánh ra Đà Nẵng, đầu Xuân Canh Tuất 1970:
Ami! Quand tu seras dans la douleur
Viens à moi sans inquiétude
Je te suivrai sur le chemin
Mais je ne puis toucher ta main
Ami! Je suis La Solitude !
Một thoáng ...ba mươi lăm năm !
Mùa Xuân năm ấy, Quý Sửu 1973, cũng trên phi trường mà Nàng Thơ Trinh Nữ đã núp sau rặng cây, thầm lén tiễn đưa tôi sang trời Âu mười bốn năm trước đó, tôi đã dằn lòng đưa tiễn gần như dửng dưng Lana sang kinh đô Ánh Sáng; để rồi trên đường về tôi lặng lẽ ứa lệ đọc mảnh giấy con con mà Lana đã dúi vội vào tay tôi trước khi bước lên phi cơ :
Tim chưa đi hết máu
Tình thắm vẫn chưa phai
Nhớ nhiều đêm ướt áo
Vì sương mà không hay
Vèo một cái ... ba mươi hai năm !
Có người thường hỏi thăm tôi
Viết trang tình sử tới hồi cuối chưa?
Thưa rằng : Vẽ chuyện mây mưa,Đã đâu đến đoạn cuối mùa tịch liêu; Vẫn còn giây phút xiêu xiêu, Vốn nòi nhạy cảm cũng liều đưa chân. Hôm nay là Xuân, mai còn Xuân...
Xuân đến cho em thêm một tuổi
Thế nào em cũng phải thành công ...
Thành công ? Thêm một tuổi, chắc chắn. Bảy mươi mùa Xuân đã đi qua đời tôi, với ba mươi xuân khói lửa điêu tàn, trong ấy hết năm xuân viễn xứ bơ vơ đất khách, năm xuân nhục nhằn, bức bách trong lao tù “cải tạo”, hai mươi lăm xuân biệt xứ lây lất kiếp tha hương nơi quê người. Bàng hoàng! Phật đã từng lưu ý : ba vạn sáu ngàn ngày, gẫm lại không tròn thời gian nói hai tiếng Nam Mô. So với tuổi của vũ trụ, tuổi của loài người cũng chưa dài bằng tiếng thở dài ...
Biết vậy, nhưng đã đến lúc bóc một tờ lịch lòng thấy nao nao! Mình từ từ nhích gần tới cái huyệt chờ sẵn. Đã đến lúc xét lại tư tưởng của Albert Camus : “Chỉ có mỗi một vấn đề triết học thực sự nghiêm chỉnh : tự tử’’! Muốn thay hai chữ tự tử bằng sống sót, bằng sống đơn giản, mà rắc rối thay !
Dẫu nay tờ mộng rách rồi, tình yêu cũng đã là kẻ đưa đường dắt dẫn tôi đến bến bờ miền đất lạ tuyệt vời của tâm hồn tha nhân; tuy đôi lúc có buồn rầu ai tri âm đó mặn mà với ai, nhưng thỉnh thoảng cũng vẫn ngược dòng thời gian tìm dấu huệ hồng, với mộng tưởng sẽ có lúc thăng hoa thành Bài Thánh Ca tuyệt mỹ...
Muốn gác mái ngư ông về viễn phố mà tự nhủ có hề chi vàng một chút rêu rong. Muốn đẩy buồn xưa bây giờ vào thủy mộ quan cho ngày qua ngày quanh quẩn với niềm vui ung thư !
Muốn một lần thôi làm người đi trên mây, lướt qua sa mạc, vượt qua mùa biển động đến chân trời lam ngọc vui đùa cùng yêu nữ (người nữ đáng yêu). Muốn nếm thử bữa điểm tâm cho người tình nhưng… Hỡi ôi ! Ngày qua rất vội trong đêm dài thế kỷ !
Muốn đêm thức giấc nghe mưa chạnh nhớ thời ấy qua rồi thời ái ân. Đêm ấy, cùng ngắm trăng sao anh đã bộc bạch lời đầu, rồi giã từ em mà chỉ xin một nụ hồng. Thôi thì hãy vì anh mà nói đi em, hỡi Tình Yêu! Rằng ta vẫn thầm gọi tên nhau suốt đời...
Mặt trờI đã lấp ló sau rèm bụi tuyết. Cố nhướng mắt đọc đoạn chót của lá thư đầu xuân từ Paris :’’Nghĩ tới ngày L. bán ngôi nhà nầy và dọn đi, tôi sẽ không bao giờ còn ngồi phơi nắng uống bia và nghe con chim sâu nhỏ cất tiếng ngợì ca đờì sống, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi’’, tôi chợt nhớ đã có lần toan tính níu bắt một vết chim bay. Chậm rãi uống nốt giọt rượu đỏ Saint Julien cuối cùng, tôi gục ngã trong tiếng hát mơ xa:
Nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa…
Thôn trang Rêu Phong, Xuân Ất Dậu 2005
-Lê Tấn Lộc-

No comments: