Thursday, May 29, 2008

Điền Đô phù phiếm luận


Điền Đô phù phiếm luận
HátHỏngHụtHơi
HổnHểnHòHét
L’on est né artiste. Rarement et péniblement, on le devient.
Mais l’on ne s’improvise artiste que ridiculement”. -LTL-

Tôi quen tác giả bài viết Điền Đô phù phiếm ký -mà tôi vừa nhận được bản thảo viết tay- vào khoảng tháng 10/1963. Lúc bấy giờ anh trở về đơn vị gốc (Nha Chiến Tranh Tâm Lý) sau khi được biệt phái hành quân với một đơn vị mũ đỏ thiện chiến, đóng tại Tam Hiệp (Biên Hòa). Thuở ấy anh thường nghêu ngao hát một bản nhạc của tôi mà anh cho biết đã từng hát trên sân khấu học đường. Bản nhạc đó, hình như tới nay vẫn còn thịnh hành, có cái tên rất gợi mơ. Cho tới khi biết tôi, anh mới vỡ lẽ là tôi thuộc phái nam, bởi cái bút hiệu quá “nữ” của tôi thường gây ngộ nhận!

Mùa thu năm 1999, tình cờ gặp lại anh trong một buổi họp mặt văn nghệ “hội đoàn”, anh ngỏ ý giới thiệu tôi với các bạn văn nghệ. Tôi ngăn anh vì tôi muốn thăm Xứ Tuyết “incognito”. Năm đó, tôi được anh hướng dẫn đi tham dự đủ mọi loại họp mặt văn nghệ, từ văn nghệ dưới mặt đất, văn nghệ lộ thiên tới văn nghệ trình diễn…Có lần anh dẫn tôi ra bờ sông, chỉ vào giòng nước cuộn xoáy ồ ạt chảy qua trước ngõ nhà anh, nói rằng anh thường đến đây trút bỏ “âm thanh và cuồng nộ”…

Mùa thu 2000, anh đến khách sạn Iris ,ngoại ô Paris, trao cho cho tôi một bản thảo thứ hai, viết dở dang…Tôi hỏi anh sao nỡ rời bỏ Montréal “đất lạnh tình nồng”để đi hoang. Anh chỉ cười nhẹ. Tôi gạn hỏi nhiều lần anh mới cho biết, tuy đã trút hết “cuồng nộ” xuống giòng sông trước ngõ anh vẫn chưa tìm được sự an bình cần thiết :
-Đã đến lúc mình cần đi lại trên những con đường có tâm hồn của Paris, sau khi đã chán chường đếm bước trên những đại lộ thênh thang, xinh đẹp nhưng vô hồn, với những người thân quen luôn miệng cười nói nhưng thực chất rất vô tâm,
anh thì thầm như đang nói với chính mình. Về lại Paris lần nầy, mình như quay về “bến cũ”, “trở về bến mơ”…
Rồi anh chia tay tôi, đi tìm tình người nơi các bộ lạc sơ khai còn sót lại trên một số quần đảo thuộc Châu Đại Dương (Océanie), với lời ước hẹn sẽ gặp lại tôi trên đảo Corse, sau khi hoàn tất thiên điều tra về đời sống tình dục của các bộ lạc nầy.

Trên chuyến bay từ Lausanne về lại Paris, sau khi đọc xong lần nữa Điền Đô phù phiếm ký, tôi miên man hồi tưởng tới hình ảnh dễ mến của chàng sĩ quan trẻ tuổi năm nào còn đầy nhiệt huyết…Tự nhiên tôi linh tính tác giả bài viết nầy sẽ gặp hiểm nguy và nảy ra ý định làm “Lê Lai liều mình cứu chúa”, tiếp tục bản thảo tác giả bỏ dở, ký tên tôi, nhằm giảm bớt áp lực đe dọa, có thể bất chợt ập xuống đầu anh. Dẫu sao tôi cũng xa lạ với Xứ Tuyết. Hơn nữa, với tuổi đời chồng chất tựa non cao, tôi cũng đã gần đất xa trời rồi, lại đơn thân độc mã, có bề gì cũng chẳng sao.
Tôi thiếp dần…Hình như có tiếng người vang vọng từ xa lay gọi tôi :
-Ông Đô! Dù đây, che đi, kẻo ướt hết áo quần…
Ơ kìa! Sao tôi lại có thể là Đô nhỉ?...

***

Mưa rơi lất phất. Chiếc buýt cồng kềnh thong thả tấp vô lề. Người đàn ông tàn phế chậm rãi bước xuống xe. Tài xế kiên nhẫn chờ. Sáng Chúa nhật thành phố còn say ngủ, đường phố vắng lạnh. Người xuống trạm ngừng là hành khách duy nhất trên chiếc bus rộng thênh thang. Gã lầm lũi chống nạng khập khễnh đếm bước, trông rất thểu não, thương tâm. Mới đây mà đã hai năm qua, từ lúc gã bị ám hại. Đột nhiên hắn ngẫng mặt nhìn về hướng có tiếng gọi tên mình rất thân quen. Phút chốc dáng dấp tiều tụy của gã tan loãng theo ánh mắt lấp lánh sống động, với nụ cười rạng rỡ như tia nắng muốn thiêu đốt cho mưa mau bốc hơi, cho trời trở lại quang đãng. Điền vẫn còn là Điền, dù đã mất một bàn chân. Vẫn hiên ngang. Vẫn vui sống. Vẫn tiếp tục…châm chọc!
-Đã bảo để tao tới rước cho mầy đỡ vất vã mà mầy cứ nhất định không chịu, tôi cự nự hắn. Điên vừa vừa thôi chứ!
-Tao không muốn mầy lo cho tao quá kỹ. Tao không thích làm phiền ai hết. Tao còn lết được mà. Anh chưa chết đâu em.
-Không muốn phiền thì mua xe phứt đi! Thiếu gì loại xe đặc chế cho người bị khuyết tật.
-Thì tao chẳng xài xe đây sao? Bê-Em-Đúp-Lờ-Vê, chớ đồ bỏ sao mậy!
-Cà rỡn nữa! Xưa như trái đất mà cũng muốn chộ thiên hạ. B.M.W, Bus-Métro-Walking…
-Thì đã sao? Mầy không thấy tao còn đã hơn ngài Thủ tướng Canada nữa chăng? Đi đâu, tao cũng đi bằng công xa, có tài xế riêng thay đổi tùy lộ trình tao muốn đi, thư thả đọc báo, có lỡ quá chén lạc quan cũng no problem, có thể tu chai nếu thích. Khỏi căng thẳng thần kinh như mầy: tha hồ hít khói độc khi bị kẹt xe, hồi hộp cầm canh, sợ chiếc xe yêu dấu bóng lộn của mình bị cọ quẹt, sợ lo ra vượt đèn đỏ; lớp sợ trễ giờ mất job, vọt quá tốc lực bị bạn dân “múm”, lớp sợ đoàn quân hốt bạc cắc của ville “nhắn tin” kèm message dưới cần quạt nước, khi đậu xe quên dòm trước ngó sau!...Mầy đi xe nhỏ mà trả tiền lớn (tiền lời vay mượn, góp hụi chết hàng tháng, cộng đủ thứ chi: bảo hiểm, bảo trì, bảng số, bằng lái, nộp phạt…). Tao đi xe lớn mà trả tiền nhỏ, mỗi tháng chỉ góp vài chục đô là xong. Mầy với tao, chưa chắc ai ngon hơn ai nghe!
Tôi cười xuề xòa. Đúng là cách nhìn thế sự rất…Văn Phát Điên! Chốc nữa đây, tới nhà Lưu Quí, Hội trưởng Hội Ái Thi (H. Á.T), mà đa số hội viên và khách mời đều thuộc loại “hột xoàn cả tô”, “trưởng giả học làm sang”, bạn Điền ta chắc chắn trúng mánh…chọc đời!

Vừa rẽ vào đường L…,còn cách nhà Lưu Quí hơn một trăm mét, chúng tôi đã nghe tiếng đàn, tiếng ca, tiếng la, tiếng hét vang động cả một góc trời. Dù vậy, chuông cửa vừa dứt reo đã thấy Lưu gia chủ vội vã mở cửa, vồn vã đón tiếp hai thằng tôi. Sau vài ly rượu phạt vì tội đến trễ, Điền đã bắt đầu hứng khởi, muốn tham gia văn nghệ bằng tiết mục hài hước “người Câm-bú-chia nói tiếng Việt”, chào mừng Hội H. Á.T.
-Thừa ống Hôi trương Lưu Quỉ, thừa quỉ thận hưu Hôi Ái Thị. Xỉn kinh chục quì ngái trướng tốn như nuôi sống, bạch niễn giải lao, đái thỏ như quì vì bố láo. Truyền thồng cua H. Á.T vì đái lá đọng kích cấm vạ hạt nòi. Quì ngái túy khổng la kích si thánh dành trện sần khẩu nhứng lá kích sử đái tai ngoái đợi. Hoạn hồ!
Tội nghiệp gia chủ-hội trưởng H. Á.T, vì nể tôi nên không nỡ kéo hắn xuống sân khấu. Tôi kín đáo ra dấu cho Điền về chỗ ngồi; nhưng hắn làm như không thấy, xin cử tọa cho hắn Việt hóa và diễn nghĩa lời chào mừng và chúc tụng của anh Câm-bú-chia giả hiệu.
-Thưa ông Hội trưởng Lưu Quí (mà Lưu Quĩ cũng chẳng sao, vì ý chính là giữ quỹ); thưa quí thân hữu Hội Ái Thi (mà Ái Thị cũng hay thôi: Ái Thi, yêu thơ; Ái Thị, yêu nữ!). Xin kính chúc quí ngài (quì ngái cũng tốt, ngủ ngon mà!) trường tồn ( trướng tốn cũng được, bành trướng thì hao tốn chứ!) như núi sông, bách niên giai lão (giải lao càng khỏe re), đại thọ như quí vị bô lão. Truyền thống vĩ đại của H. Á.T là đóng kịch câm và hát nói (đóng kịch thì câm như hến mà hát thì nói thôi là nói! Nói như “mắc đàng dưới”, “mắc thằng bố”!). Quí vị tuy không là kịch sĩ thành danh trên sân khấu, nhưng là kịch sư đại tài ngoài đời…Hoan hô!
Hội trường xôn xao, quần thần nhốn nháo. Để đánh lạc hưởng cử tọa có dấu hiệu sắp bị giao động mạnh, ông Hội trưởng H. Á.T vỗ tay khen tặng tài “giễu dở” của Điền. Và để vỗ an bá tánh, gia chủ “hân hạnh và trân trọng” giới thiệu tiếng ca“độc đáo, đang lên” của vị niên trưởng H. Á.T đã bức xa tuổi thất thập cổ lai hi -qua luôn tuổi bát thập sắp sửa hui nhị tì- qua nhạc bản trữ tình, bất diệt, cực kỳ ướt át Dư âm!
Suốt đêm “triễn lãm múa ca” bóng chiều tà nầy, tôi không ngừng “kềm kẹp” tay Bại Tướng Cụt Chân Văn Phát Điên, không cho hắn nhúc nhích. Và giấu biệt đôi nạng gỗ của hắn để hắn vô phương mon men tới sàn gỗ một lần nữa.

Thực khách lần lượt ra về. Sân khấu về khuya chỉ còn Lưu Quí, Điền và tôi.
-“Moa” rất ngưỡng mộ, bái phục tinh thần văn nghệ của lão đại huynh La Lạc Thanh, Lưu Quí gật gù nói. Tiếng hát lão thành nầy là tiếng hát tuyệt vời, đáng được cổ võ và vinh danh.
-Mình không hoàn toàn đồng ý với Quí, tôi nói. Dĩ nhiên, ngần ấy tuổi đời mà còn ham thích ca hát là điều hiếm có và đáng được xưng tụng. Cố nhiên, đã nhìn nhận văn nghệ vượt không gian và thời gian thì tuổi tác không thể coi như biên giới chia cắt những người yêu văn nghệ. Tuy nhiên, yêu văn nghệ thì tôi đồng ý, mà làm văn nghệ thì rất tiếc tôi không thể tán đồng. Ca hát, nhảy nhót, tuổi nào mà không làm được, với điều kiện còn sức và còn thích. Thế nhưng, những người trọng tuổi, theo tôi, nếu thấy còn ham vui thì chỉ nên vui tại gia với con cháu, họ hàng, bè bạn cùng trang lứa. Tôi không phản đối họ “họp mặt văn nghệ dưới hầm” (tục gọi văn nghệ xú-xôn). Nhưng từ ca cà-rà-ô-kê “dưới mặt đất” mà nằng nặc đòi trèo lên sân khấu bằng mọi giá để múa may quay cuồng, hát hò trình diễn thì quả thật…quá chướng tai gay mắt!
-Tại sao? Quí hằn học hỏi. Ai có quyền cấm những người lớn tuổi trình diễn văn nghệ? “Toa” có cảm thất chướng tai gay mắt khi nghe những giọng hát đã trọng tuổi, như Charles Trenet, Juliette Gréco, Gilbert Bécaud, Johny Halliday chăng?
-Anh Lưu quí nối kết hai sự việc vốn chẳng ăn nhập gì với nhau, Điền thay tôi trả lời. Những người trọng tuổi mà anh vừa kể là những nghệ sĩ lừng danh, có thực tài. Quí ông bà cụ da vàng chúng ta, so về “nhan sắc” thôi đã thấy “yếu”, nói chi tới giọng hát. Vả lại, anh vẫn biết dẫu sao vẫn còn sự khác biệt giữa Đông Phương và Tây Phương. Chúng ta đã cố răn dạy con em nên giữ phong tục tập quán tốt của tổ tiên. Chúng ta đã hết sức khổ tâm thấy chúng “hội nhập” –nói nôm na là bắt chước- quá nhanh đến độ tự đồng hóa với người ngoại quốc, nơi chúng được định cư cùng cha mẹ, anh chị em. Rồi chính chúng ta lại phá lệ, “xé rào” làm gương cho chúng đua đòi lố lăng! Anh thử nghĩ: nếu ở Việt Nam, cách đây bốn mươi năm, lúc anh và tôi trên dưới hai mươi tuổi, chúng ta thấy ông bà nội, ông bà ngoại mình nhai trầu bõm bẽm thượng đài ca múa thì anh và tôi có phải muốn độn thổ chăng?
Bây giờ cũng vậy thôi, con cháu anh và tôi thấy chúng ta leo lên sân khấu trổ tài ca hát, giễu dở, liệu chúng có tránh khỏi bị lợm giọng, nổi da gà chăng? Nói chi tới chúng chứng kiến ông bà cố, ông bà sơ chúng bon chen nhảy lên sân khấu, lấn lướt, xô đẩy, giành giựt nhau cái microphone quái ác để hát hò cho bằng được, ngâm nga cho bằng được, giễu dở cho bằng được! Có bao giờ anh nghĩ chúng có thể tự hỏi ông bà, cha mẹ ta đã bị con gì cắn chăng?
-Tụi “toa” ăn nói có vẻ trịch thượng quá! Tại sao mình không nhìn nhận sở thích và màu sắc là hai thứ mình không thể tranh cãi? Voltaire đã viết: “Với anh cóc đực, điều đẹp nhất là em cóc cái của nó!”.
-Đúng! Anh nói đúng, Điền đáp lời. Cũng có câu ngạn ngữ: “Con rận đực nào cũng luôn tìm được một con rận cái chiêm ngưỡng nó!”. Chuyện cóc, rận chung qui chỉ nói lên một sự thật giản dị: Nồi nào úp vung nấy! Ở đây chúng tôi muốn đề cập tới nghệ thuật chân chính, thái độ thực hiện hay thưởng ngoạn nghệ thuật. Cái Đẹp trong Nghệ Thuật tự nó có khả năng làm ta chóng vánh say sưa, cho ta cảm giác thực sự sống, khiến ta nhìn đối tượng yêu thương qua lăng kính nghệ thuật như một biểu tượng qui tụ nhiều lý tưởng. Nếu không như vậy, cuộc sống chỉ còn là bụi tro. Dẫu chưa nhắm mắt lìa đời, chúng ta đã nghiễm nhiên trở thành hoá thạch sống (fossile vivant), xác ướp còn thở!
-Vậy thì bọn “toa” quá lý tưởng, quá duy tâm, Quí tiếp lời Điền.
-Cũng là một chọn lựa thôi, tôi đáp. Môi trường, giáo dục, tính tình ảnh hưởng đáng kể trên thái độ làm hay thưởng ngoạn nghệ thuật: Hoặc thái độ “duy vật”, thực tế; hoặc thái độ “duy tâm”, lý tưởng (hay không tưởng?)…
-Anh quí chắc không lạ gì hiện tượng “văn nghệ ba bàn”? Điền cười nhẹ hỏi. Tôi “mua” giúp anh ba bàn, anh “phải” để tôi hát ba bản; bốn bàn, bốn bản; năm bàn, năm bản v.v…Trước đây cộng đồng người Việt hải ngoại đã báo động hiện tượng lạm phát thơ sĩ. Giờ đây chúng ta đang chứng kiến hiện tượng lạm phát hát sĩ. Mới đây, một tờ báo loan tin “có người phải tốn cả chục ngàn đô Mỹ để được lên hát một bài” trong đêm gala bế mạc đại hội thường niên do liên hội Nha-Y-Dược tổ chức tại Paris vào mùa hè 2000. Một ngòi bút tinh tế khác nhận định: Người Việt thích xuất hiện trước đám đông cảm thấy mình trở thành “nhân vật quan trọng” khi cầm microphone. Và khi đã cầm lấy rồi thì tay quên buông ra, miệng không thể ngưng nhả nọc độc, phun nước miếng! Họ như người lên đồng. Họ ghiền micro như nghiện ngập ma túy…
Thấy Lưu Quí có vẻ bất bình, tôi giả lả lãng sang chuyện món ngon vật lạ, rồi kéo Điền đứng lên cảm tạ và kiếu từ gia chủ.

Để Điền khỏi nhọc nhằn sử dụng BMW, tôi đề nghị chở hắn về nhà. nhưng thấy còn sớm, hắn đề nghị tiếp tục câu chuyện văn nghệ nơi một quán cà phê gần chỗ hắn ở.
-Nầy Đô! Mầy, tao và Lưu Quí đều đã có thời lên sân khấu, đều có viết lách tùy hứng. Hai đứa mình đã giã từ vũ khí văn học nghệ thuật khá lâu. Chỉ có Lưu Quí vẫn còn đeo đẳng cái của nợ đó. Tao thấy hắn khá nhất trong nhóm sồn sồn bố láo đó nên chẳng nỡ châm chọc, sợ e bứt mây động rừng, mầy bị vạ lây. Mầy chắc còn nhớ, trước đây đã có hiện tượng “ủng hộ” tiền cho các báo để thơ văn mình được đăng, khiến quí vị chuyên sống về tiền nhuận bút hay tác quyền “đọi” dài dài, phải đổi nghề, đủ thứ nghề, kể cả nghề cầm nhầm microphone. Tới nay, chân lý muốn viết phải chi tiền vẫn là sự thật hiển nhiên với rất đông cây bút nghiệp dư, “sô-ốp”, muốn nhanh chóng được thiên hạ biết tên. Bây giờ, muốn hát phải trả tiền gần như là chân lý phổ quát. Trách sao quí vị làm văn nghệ chuyên nghiệp chẳng ngày càng “thiếu dinh dưỡng”!
-Cứ đà nầy, gặp bạn bè mình không cần chúc con cái chúng học hành tấn tới, vì đã lỗi thời. Trái lại, có lẽ mình phải cầu chúc các cô cậu hát hò thành công, “hề” hà phát đạt!
-Ngọc bất trác bất thành khí. Nhỏ không học, lớn làm ca sĩ!
-Không hoàn toàn đúng và đầy đủ. Bởi vì giới ca hát ngày nay, cả chuyên nghiệp lẫn tài tử đều “có ăn học” khá cao, thế đứng trong xã hội tương đối vững vàng, gia đạo yên ổn, tổ ấm lúc nhúc con cháu. Giới cầm bút cũng vậy. Bởi thế mới có hiện tượng oái oăm gắn bằng cấp, chức vị vào cái “nghề tay trái”, nghiệp dư -dư thiệt!- ca sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ…Nào nhà văn BS, nào nhà thơ NS, nào ca sĩ DS, nào nhạc sĩ KS, nào nhà phê bình TS, PhD, LS v.v… và v.v…
-Bệnh rất Việt Nam: trưng sơ bằng cấp. Riết rồi tao chẳng còn biết đường nào mà lần, trong giới văn nghệ sĩ: Viết một truyện tình, làm một bài thơ tán gái, viết một bài phê bình văn học “ca” một đồng nghiệp, soạn một nhạc khúc, ca một bài hát, trình tấu một bản nhạc mà cũng cần sử dụng bút hiệu hay tên thật, kèm theo một lô nhãn hiệu BS-NS-TS-PhD-LS-KS-DS… sao? Nhà văn BS là gì? Nhà văn bơ sữa, bám sát, bí sử hay bán sách? Nhà thơ NS? Nhà thơ nói sảng, nắn sờ, nhan sắc, nhà sư hay nâu sòng? Nhà phê bình TS, PhD, LS? Nhà phê bình trung sĩ, tính sai, tư sản, thô sơ, tiền sử, thiền sư hay tan sòng? PhD? Phí đi, phá đám, phát điên, phóng đại, phê đại hay phô diễn, phù du? LS? La sảng, lòi sỉ, lực sĩ, lún sình hay lắm sừng? Ca sĩ DS? Dê sảng, da sần, dễ sợ, dã sử, dũng sĩ hay dính sình? Nhạc sĩ KS? Khất sư, kiếm sống, kiêu sa hay kém sắc?
-Có lần tao cự nự tay chủ bút tờ đặc san của một hội đoàn nọ về một bài ký sự kể chuyện rong chơi ăn nhậu và du hí lỉnh kỉnh mà tác giả ký tên thật kèm bằng cấp y khoa bác sĩ! Tao nói, nếu tác giả viết thiên điều tra về bệnh hoa liễu hay bịnh ung thư ruột già thì bắt buộc phải nêu rõ bằng cấp, tên tuổi cho nó có uy tín về chuyên môn. Đằng nầy…
-Bệnh nan y của phe ta mà! Phô trương thanh thế. Ra cái điều ta đây “thượng lưu trí thức” chịu hạ mình giúp vui thiên hạ; thực ra là tự giúp vui : Bác sĩ ca, nha sĩ đờn, dược sĩ giễu, tiến sĩ “em-xi”, kỷ sư viết, luật sư mần thơ v.v…Ngày xưa, ông bà ta thủ cựu, kết án xướng ca vô loại. Ngày nay, quả thật…xướng ca đủ loại. Từ hát xướng thay hình thành từ hát sướng. Nghệ thuật đổi dạng thành hát thuật, nhằm mà mắt thiên hạ, lôi theo hậu quả khó tránh: thủ thuật (công khai choảng nhau hoặc ngấm ngầm hạ độc chưởng để độc chiếm microphone) và khẩu thuật (ra mặt sỉ vả nhau hoặc núp trong bóng tối rù rì âm mưu bôi nhọ, triệt hạ nhau để…độc quyền bao thầu sân khấu!).
-Tao nghĩ mình nên minh xác: chúng ta không hề có ý định bôi bác những tài năng thực sự, những vị thực lòng say mê nghệ thuật, xuất thân từ giới có ăn học cao. Trái lại, lòng khâm phục của chúng ta về sự đóng góp thành khẩn của họ cho văn học nghệ thuật còn thêm phần tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng ta quyết liệt công kích những ai không hề có năng khiếu mà vẫn tìm đủ cách bon che, xô lấn những vị thành tâm thiện ý làm văn nghệ để…tha hồ phô diễn cá nhân và thương lượng dưới gầm bàn chỗ đứng của mình trên sân khấu và vị trí của mình trên các sản phẩm văn học.
-Cũng lại là cái bịnh trầm kha của phe ta. Xưa thì mua quan bán chức, nay mọi thứ cần thiết cho đời sống vật chất đều thừa mứa thì xoay ra…đổi chác danh vọng hão huyền, phù du. Một hình thức chơi lấy tiếng.
-Nghề nào cũng có cái nghiệp, cũng cần luyện tập trau dồi thường xuyên. Gần như ai cũng đồng ý: thiên tài, mười phần trăm thiên phú, chín mươi phần trăm đổ mồ hôi. Tuy nhiên, trường đào tạo cũng vậy thôi. Rất nhiều học viên, ít người tốt nghiệp; số có thực tài còn hiếm hoi hơn nữa. Được gọi rất nhiều, được chọn rất ít. Đã có trường y, trường nha v.v… thì cũng có trường dạy viết văn, làm thơ, soạn nhạc, ca hát, khiêu vũ, đóng kịch v.v…Cũng được huấn luyện y như nhau; nhưng thành quả ở trường, thành công ngoài đời chưa hẳn là một đảm bảo chắc chắn cho tài năng đích thực, hầu như hoàn toàn không do rèn luyện, đào tạo mà có. Không phải ai tốt nghiệp hóa học hay y học đều có thể trở thành Pasteur!
-Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh. Xưa rồi mà cũng đâu có trật. Tao nhớ man mán, trong một cuộn băng vidéo “nghệ thuật” nào đó, trả lời câu thắc mắc của một nhà văn “nhớn” hỏi mình vì sao không cầm microphone nữa mà xoay qua múa bút, một kịch sĩ chuyên nghiệp có tầm cỡ đã châm biếm người hỏi như sau: “Vì thấy anh bỏ bút, cầm micro, tôi quýnh quá bắt chước anh, bỏ micro, cầm bút thử thời vận xem sao!”. Thế mới biết từ ngữ viết lách quả diễn đạt trung thực sự chuyển biến theo thời trang của vài cây bút thích bay nhảy: Viết thì phải lách, lách dần dần tới…microphone luôn! Thế mới biết cái cảm giác tự thấy mình “quan trọng” của người cầm microphone trước công chúng quả thật là có đấy!
-Mỗi lần nghe đám dân ghiền microphone tự động viên “hát hay không bằng hay hát”, tao muốn hét to lên: “Bỏ đi tám! Nên hát hay hơn hay hát!”. Tiên sư nó, hát như đấm vào tai mình mà nó vẫn cứ ong óng hay hát, hát hoài không thôi!
-Tới “ông đông lạnh” Đô mà cũng nổi nóng xài giấy bạc năm trăm thì tao đành phải kiên định: Hô hào hát hỏng hụt hơi, hổn hển hò hét loạn cào cào là hư hết! Đã viết thì chớ có lách giành micro để…được dịp nói thả giàn !

Một tuần sau, đến chỗ làm như thường lệ, tôi được ông quản lý tống đạt trát đòi hầu tòa về tội đồng lõa phỉ báng có dự mưu. Cùng lúc tôi cũng được trao thư “cám ơn” của chủ hãng, kèm chi phiếu trả tiền thiệt hại cho nghỉ việc mà không báo trước theo luật định.
Cuối tuần, Điền đến tôi chơi, vẫn bằng BMW. Hắn cũng phải hầu tòa cùng ngày với tôi, cùng tội trạng, với tư cách chánh phạm. Hắn cũng được ông chủ tuần báo Mõ Thi “cám ơn”, khỏi cần đảm trách thư ký toà soạn nữa.
-Thấy chưa Đô! Tao đã đoán trước mầy sẽ bị vạ lây. Cố tránh mà không khỏi. Chẳng dám bứt mây mà vẫn động rừng. Cũng tại tao thài lai.
-Không đúng! Cũng như mầy, tao có cái giá phải trả cho lập trường của mình. May mà chưa mất một bàn chân như mầy. Tao chỉ ê chề cho mầy đã bị một tay bất tài vô tướng, vô luân vô đạo, bán trời không mời thiên lôi vật ngã, vì một quyền lực u tối yểm trợ cho nó thắng thế, trám chỗ của mầy ở tòa soạn. Trong cái thế giới u ám của đám hóa thạch sống đó, tao phải thừa nhận tầm vóc xác thịt sinh động của tên gian manh nầy và sức mạnh mê hoặc của hắn đối với giới thân cận ông chủ báo.
-Tao thì, ngược lại, tao chẳng có gì khiến tâm can phải nhão nhề cả. Tao thừa hưởng ở ba tao nhiều hơn tao tưởng về thuyết định mệnh: Một phần thâm sâu trong tao chẳng hề tin tưởng vào sự tất thắng của lý trí và trật tự tôn ti. Với tao, cuộc sống chỉ giản dị là một cuộc thí nghiệm. Vì những lý do còn tối tăm mình vẫn cứ thử tiếp tục sống. Vậy thôi.

Gần tới ngày hầu tòa, tôi bồn chồn lạ lùng. Giông tố hình như đã khởi sự chụp xuống đầu Điền và tôi. Thực ra tôi chỉ nơm nớp lo sợ cho Điền. Hắn đã mất một bàn chân. Sớm muộn gì hắn cũng sẽ mất luôn bàn chân còn lại. Viễn tượng Điền ngồi xe lăn luôn ám ảnh tôi. Giá như tôi cũng bị ám hại cụt một bàn chân để hai thằng còn có thể nương tựa nhau chập choạng bước đi nhỉ!...

Bản tin giờ chót của hệ thống truyền hình CBS cho biết : Một người đàn ông Á đông tàn phế tử nạn thê thảm tại trạm métro Côte Vertu. Nạn nhân, khoảng sáu mươi tuổi, bị các toa xe métro nghiền nát. Lý lịch kẻ xấu số chưa được tiết lộ. Hoàn cảnh và nguyên nhân gây ra tai nạn chưa rõ rệt. Cảnh sát đang xúc tiến điều tra.

Lâu rồi tôi không uống một giọt rượu. Đêm nay tôi không còn cay rượu được nữa. Tôi không khóc, lặng yên uống hết ly nầy tới ly khác. Điền vẫn tươi cười nhìn tôi qua bức ảnh chụp hai đứa đóng kịch trên sân khấu học trò, năm nào…
Chẳng rõ Điền tới số, vấp té xuống đường rầy hay bị ai xô ngã. Nhưng tôi chắc chắn Điền không hề có ý định tự tử. Tôi cũng không tin Điền vội vã chạy ào lên métro đến độ phải trượt chân. Có thể Bại Tướng Cụt Chân của tôi, trong chớp mắt, trước khi vĩnh viễn ra đi, vụt nghĩ: Thế còn hơn làm “hoá thạch sống”. Tôi cố bám riết ý tưởng chỉ có trong trí tưởng tượng của mình để tự ủi an: Vẫn còn đỡ thương tâm hơn nhìn Điền ngồi xe lăn suốt kiếp. Hỡi ôi! Ngần ấy tang thương cũng chỉ vì cái dịch hát-hỏng-hụt-hơi-hổn-hển-hò-hét, rất dễ lây, đã tàn phá vùng đất lành chim đậu Mộng Lệ An…
Bao giờ đến lượt tôi lãnh đủ hậu quả của cơn bão rớt nầy đây, cơn bão đã cuốn phăng Điền vào hư vô?

-Mr Mondoux-Mộng Du! Xin mời dùng điểm tâm. Chúng ta sắp sửa hạ cánh…
Lời mời êm ả của nữ tiếp viên đẹp như thiên thần tác dụng như một phép mầu, lôi tôi ra khỏi vùng u ám kinh hoàng của ác mộng. Thế nhưng hương vị cà phê hình như chưa hoàn toàn đánh thức tôi. Mộng Du là thực? Điền Đô là mộng? Hay ngược lại? Ranh giới -nếu có- giữa mộng và thực quá mong manh. Tôi vẫn chưa dứt lơ lửng như người đi trên mây…

Công viên Luxembourg, mùa lá đổ…
lã mộng du lê tấn lộc

________________________________________________________________
*Ghi chú : Như tác giả “Điền Đô phù phiếm ký” đã lưu ý, người viết lần nầy lại xin được minh xác đây là loại truyện hư cấu, đọc nhanh rồi lật qua trang, nghe qua rồi bỏ. Cái chết của Bại Tướng Cụt Chân mặc nhiên kết thúc “truyện dài” Điền Đô. Phù phiếm ký hay Phù phiếm luận, rõ ràng cũng chỉ Phù du thôi :
Quỉ vô thường không vị người tri kỷ,
Đò âm dương đưa rước không chừng… -LTL-

No comments: