Thursday, May 29, 2008

Thư cho Kiệt Tấn




Nay ta thèm rượu nhớ mong ai,
Một mình rót cạn uống chẳng say.

Em thương mến,

Bốn buổi sáng chói chang đã đi qua cửa patio trông ra rặng cây xanh tươi mát đang lả ngọn như mời gọi anh viết bất cứ cái gì cho em. Để tự khích mình, anh đã độc ẩm hơn nửa chai pernod mang về từ Orly, mong tháo gỡ nốt những trăn trở cuối cùng còn sót lại trong tiềm thức. Hoài công.
Sáng nay, cũng một buổi sáng rất đẹp trời, anh lại ngắm nhìn rặng cây trước patio -không có chất men thúc đốc- mà mơ tưởng mình đang
ngồi đây đợi nắng bình dương
tương tư phố nhỏ bụi hường lao xao

với Trâm, em, Nhựt, Thứ và Danh. Văng vẳng đâu đây tiếng nhạc sầu:
paris thu xám, vàng thêu,
anh đi giữa phố, nắng chiều không lên…

Phút chốc anh mơ ước trời đổ mưa thay cho những giọt nước mắt, lẽ ra phải có khi anh không còn nhìn ra được em sau khung cửa mở của căn nhà «thượng tầng không khí», lầu 15 chung cư Bagnolet, để làm ướt mắt chúng ta qua cái choàng ôm vội vã ở Orly ngày chia tay, sau ba tuần hội ngộ nhanh như chớp…Làm sao ta có thể ôn lại những gì đã đi qua đời anh em chúng ta -phần nào đã được phơi bày trong Nụ cười tre trúcThương nàng bấy nhiêu- suốt thời gian dài đăng đẳng từ thuở ấu thơ tới nay, chỉ trong khoảnh khắc 21 ngày? Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Nghìn năm chưa dễ đã ai quên.

Anh trộm nghe có người ngờ vực anh em ta vô luân. Nghĩ cho cùng, chuyện chúng mình cũng công-xúc-tu-
lắm, dù anh chắc em cũng đồng ý ta chỉ muốn -xúc-nữ-sĩ thôi. Bởi, em thấy không, bất cứ khúc quanh nào trong cuộc sống chúng ta cũng đều có bóng dáng yêu nữ (người nữ đáng yêu) chập chờn, bất cứ thành phố nào còn lưu lại trong ký ức chúng ta đếu là thành-phố-mang-tên-em, bất cứ con đường nào ta đã đi qua cũng đều là con-đường-xưa-em-đi…Đa tình hay đa dâm ? Anh thua em ở chỗ: Giữa tình yêu và tình dục, nếu bị ép bỏ một thứ, có lẽ em sẽ giữ lại tình dục. Anh thì…anh giữ cả hai thứ, bởi với anh, tình mà không dâm cũng như rượu ngon mà không có đồ nhấm hợp khẩu; dâm mà không tình cũng như thức ăn cao lương mỹ vị mà không có bồ đào mỹ tửu.
Cố nhiên, rượu ngon không có bạn hiền cũng hóa rượu dỡ. Thế nên tôi có mời anh. Dự hay không, tùy hỉ. Nhưng xin anh, nếu không nhập cuộc thì đừng có la sảng tôi dâm ô đồi trụy. Thây kệ anh, nếu anh muốn tìm sự thanh thản cao quí. Mặc kệ tôi, nếu tôi nhào vô cái «cõi đời ô trọc» nầy. Anh cho anh đeo đuổi niềm vui thanh cao. Anh nói tôi chạy theo lạc thú thấp tè. Cám ơn, anh khỏi cần ``giải phóng`` tôi. Xin lỗi anh, về cường độ sướng tôi thấy nó cũng ngang nhau: Anh hả hê sau khi ra tuyên ngôn, đọc cương lĩnh cứu nguy nhân loại hoặc với một đoạn kinh, một bài giảng. Tôi cũng sướng rân, cũng đã lắm với một ngụm rượu đỏ kèm cục thịt bò bít-tết. Chưa chắc ai sướng hơn ai. Nghĩ cho cùng, ai cũng tìm «sướng» hết, kể cả tên khổ dâm: hắn tìm thú đau thương đấy chứ!
Trời đất! Anh đâm hơi rồi. Trở lại chuyện chúng ta: Anh em ta vô luân? Khắt khe chi lắm vậy, người anh em?
nỡ đâu trách tội tơ tằm,
nỡ đâu thống trách trăng ngầm gợi mơ?
tình nào không chút bơ phờ?
yêu thì không nói bao giờ…xót xa!
Thế nên ngoái nhìn lại đoạn đường đã đi, anh không chút chi hối tiếc. Cái chất nữ, theo anh, đã trút đổ xuống chúng ta như mưa tắm gội, nắng sấy ấm tạo vật. Bóng dáng người nữ mỹ miều tô mầu hồng lên cuộc đời xám xịt của chúng ta. Cây cỏ mà không có nắng mưa thì làm sao nẩy nở, trường tồn ? So, take it easy!

Hai mươi mốt ngày tái đoàn tụ của «anh em nhà họ Lê», hết 7 ngày mưa thúi đất, 5 ngày thuốc an thần đè em ngủ thiếp, 4 ngày em vác cày xuống núi. Nhưng chuỗi ngày ngắn ngủi bên nhau quả là hạnh phúc (xin miễn định nghĩa, chứng minh). Những gút mắc đã được tháo gỡ, những ẩn ức đã được vạch trần, những vọng chấp đã được hóa giải với hy vọng phá chấp. Chúng ta đã cho nhau những trận cười lăn chiên lăn ngửa. Cười lên đi cho đỡ táo bón!
Ít nhiều anh cũng bị méo mó nghề nghiệp («Tôi đam mê hiểu biết con người-J’ai la passion de comprendre les hommes.»,J.P.Sartre). Xấc chưa! Đó là cái giá phải trả cho thân phận làm người. Tình thật anh không có tham vọng phác họa một thứ profil psychologique. Anh chỉ khám phá mình chưa hết ngạc nhiên về cặp bài trùng Kiệt-Lộc, vốn rất khác biệt nhau về nhiều điểm. Em, hướng nội. Anh hướng ngoại. (Ráng chịu các danh từ hàm hồ nầy nghe em). Do sự khác biệt cơ bản này, các chấn động bên ngoài, tuy thâm nhập tâm hồn em và anh cùng cường điệu, nhưng phản ứng hai đứa hoàn toàn theo hai cách chuyên biệt: ở em, «những kinh nghiệm, xúc cảm, suy tưởng(…)được ấp ủ, tích lũy như một thứ rượu quý, để đến một lúc nào đó, không thể dừng được nữa(…)để mặc cho xúc cảm tuôn trào nơi ngọn bút».Nơi anh, sự «ấp ủ, tích lũy» này rất ngắn và…không mấy chốc đã trào ra cửa miệng! Tâm hồn anh như chỉ là một relais, một trạm trung gian. Trước đây, anh đã nói với em: «Em viết được những gì anh muốn nói. Anh nói được những gì em muốn viết »…Thế nên, thông thường em chỉ nói 10% điều em nghĩ. Nhưng gặp cơ hội thuận tiện 90% ấp ủ, tích lũy nấy tuôn ra hết. Do đó em không thể không ngất ngư, như hết hơi bình (batterie à plat). Anh, trái lại, thông thường đã tuôn ra hết 90%. Có điều 10% còn lại, nếu có dịp cũng chỉ trào ra 9%. Cái 1% sót lại đó chính anh cũng không còn nhớ, nhưng biết chắc nó có đó, có như một donnée cho vào máy điện toán, có như cái ngăn trở cuối cùng không cách chi giải tỏa, ngoại trừ phát điên. Mà điên cũng có nhiều cách, cũng không phải dễ. Bởi vì, như một triết gia đã nhận ra : «Người điên là kẻ mất tất cả, trừ lý trí »

Hai đứa là bạn đồng hành thường xuyên trong tình trường. Với anh, cũng giông tố bão bùng lắm, nhưng tai ương còn lại chỉ là những nếp nhăn nho nhỏ như dấu chân chim trong tâm can. Với em, những tàn phá chỉ kinh hồn khi bộc phát như một hoả diệm sơn chuyển mình dưới lớp tuyết phủ nhiều năm. Trên một bình diện nào đó, cơn điên là một thứ xú-bắp an toàn, một phương thức tự trị liệu căn bệnh trầm kha nơi em : lúc cuời, lúc khóc, vật vã, hành xác...
Em vào đời bằng nguyên khối trực-giác-xúc-cảm. Anh, với những lắc léo của lý-trí-suy-luận. Từ điểm khởi em đã bắt gặp cuộc sống. Anh quanh co rồi cũng tới nơi. Sức mạnh của nguồn sống đã vật em đảo điên. Những cạm bẫy của tư duy đã đưa anh vào ngõ cụt: lò cải tạo. Từ đó anh bắt gặp Niềm Tin. Tình Yêu và Niềm Tin đã là hai chiếc nạng chống đỡ anh trong cái «đại học máu» hoàn toàn bưng bít bởi cuồng tín và giáo điều của đàn cừu Mác-Lê. Đừng hỏi tại sao con người vô thần như anh trước đây, giờ lại tin Thượng Đế. Niềm Tin đến với anh như một nhu cầu sinh tử. Tôi tin. Giản dị thế thôi. Tôi không cần đến các luận cứ chứng minh sự hiện hữu hay không hiện hữu của Thượng Đế. Niềm tin tự tại nầy của tôi, không một quyền lực nào có thể tước đoạt. Tôi không khuyến giục anh tin, nhưng anh cũng không thể cấm tôi tin. Cùng lắm anh chỉ có thể cấm tôi hành đạo theo nghi thức. Mà tôi không hề có ý định làm một thánh tử đạo, cũng không có ý muốn nhận huy chương anh hùng cải tạo như một số rất hiếm hoi anh em chúng tôi trong tù đã ngang nhiên -can đảm thay!- dùng miệng lưỡi đấu với vũ khí của bọn chúa ngục các anh. Cùng lắm, tôi cũng chỉ có thể lặp lại câu đốp chát của anh thanh niên Phục Quốc chẳng may rơi vào tay các anh: «Anh có ngon, đưa tôi cây súng hoặc vứt bỏ cây súng anh đang cầm trên tay. Như vậy, chúng ta có thể nói chuyện hay đấu chưởng bình đẳng hơn…».
Anh lại đâm hơi nữa rồi! Lại trở về quá khứ, lại bị ám ảnh bởi cơn ác mộng hãi hùng bị bắt giữ, cưỡng bức «cải tạo»!..Thật khó lòng trả lời câu hỏi của em : Chuyện nào em viết, anh thích nhất? Chuyện nào em viết gây xúc động cho anh nhất? Độc giả chưa kịp phỏng vấn tác giả đã bị tác giả phỏng vấn rồi! Chắc chắn anh đã khóc, đã cười, đã «rất đã» khi đọc Kiệt Tấn. Đâu phải em là em ruột của anh mà anh không được quyền rung cảm, phải không? Rằng quen mất nết đi rồi, Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao…

Mấy giây phút cuối ở Orly, anh đã nhắc lại nhiều lần với em: Anh không ngừng bận tâm về em, dẫu anh vẫn biết chìa khóa hội nhập cuộc sống đang nằm trong tay em. Như em thường nói: Thiên đàng hay Địa ngục cũng chỉ nằm trong đầu chúng ta. Như anh vẫn thường nói: Chỉ cần một chút thôi cũng đủ để hạnh phúc hay để…bất hạnh ( Il a suffi de peu pour être heureux ou…malheureux.). Cùng lắm anh chỉ có thể trỏ cái ổ khóa nơi cánh cửa mở tới những gắn bó với vợ con, gắn bó với anh em, gắn bó với bạn bè, gắn bó với cộng đồng, gắn bó với quê hương. Anh tin –và hằng cầu nguyện- cuối cùng em sẽ tra đúng chìa vào ổ khóa mầu nhiệm đó. Anh biết em dị ứng với hai chữ cầu nguyện. Xin hãy hiểu: cầu chúc và ước nguyện…
Như một niềm tin –đồng thời cũng là một hi vọng- anh mơ ước cái chết tức tưởi của Tuyết-Đêm-Cỏ-Tuyết trước đây và sự trở về tro bụi của Louise-Yêu-Em-Xứ-Tuyết sẽ như căn duyên đã được giải, để đem em trở về với loài người đang được đẻ ra, ăn uống, giỡn cười, la khóc, yêu đương…Anh tin em làm được, bởi anh thấy sức yêu mãnh liệt nơi em tuôn chảy đến mọi người, mọi vật, mọi thứ…

Chót hết, anh hỏi em: Biết bao giờ anh em chúng ta sẽ lại là láng giềng lân cận như khi xưa ở Hàng Xanh? Phải đợi đến lúc mỗi người, tay chống gậy, chân nhích từng bước đi chăng? Và chân trời nào đây sẽ là điểm hội tụ? Quê hương hay xứ người? Câu hỏi ném lên không trung, chỉ có sóng gió rì rào trả lời. Phải chăng đó là nỗi buồn của chúng ta hôm nay ?


Thôn trang Đổ-Lá-Đầy-Ấp-Mơ, Xứ Tuyết, Hè 1989
- Lê Tấn Lộc -

No comments: