Thursday, May 29, 2008

Thầy Tư Hón



Thầy Tư Hón

Người đàn bà luống tuổi vẫn còn giữ được phong cách nhanh nhẹn của một vị cao niên mà sức khỏe vẫn còn tốt, ánh mắt đã bớt long lanh, có phần “hom hem” nhưng vẫn không sút giảm nét linh động, nụ cười vẫn tươi tắn… không nhận ra tôi lúc tôi cúi đầu chào: “Thưa chị Tư…”
Năm mươi năm rồi không gặp. Nửa thế kỷ! Không nhìn ra nhau cũng là lẽ đương nhiên. Tôi ước đoán ít nhứt chị cũng hơn tôi mười tuổi. Mà tôi giờ đã tròm trèm “thất thập cổ lai hi”!
-Lộc-Nguyễn Trãi đây mà chị Tư!
Người đàn bà trọng tuổi lộ vẻ bối rối không bắt được mạch hoài niệm. Cũng dễ hiểu. Làm sao chị còn nhớ được cậu bé còn non choẹt, chưa bể tiếng, lớp đệ nhứt niên học trình Thành Chung của Collège de Vĩnh Long, dạo nào đã cất tiếng hát thảnh thót: “Chim kêu não nùng trên non bao la…” trong vở kịch dã sử “Hận Nam Quan” do chính thầy Tư Hón, người chồng lỗi lạc của chị biên soạn năm mươi ba năm về trước? Làm sao chị còn nhớ nổi chàng thiếu niên bắt đầu bể tiếng đã hùng hồn, tha thiết trổi giọng rền vang trong nhạc cảnh “Khúc hát sông Thao”, cũng do chính thầy Tư Hón dàn dựng, hai năm sau đó?
Văn Chinh, đứa em họ của tôi nhắc khéo:
-Thưa cô! Anh năm Lộc của em từ nước ngoài trở về thăm quê hương sau hai mươi ba năm biệt xứ. Anh vẫn còn nhớ đường qua cầu Thiềng Đức và nhớ căn nhà của thầy cô, nên ảnh nhờ em đèo Honda đến tìm gặp “anh Tư Hón yêu dấu” của mình. Anh Lộc từng là “kép chánh” của trường Cao Tiểu Vĩnh Long suốt bốn niên khóa và là “đệ tử ruột” của thầy Tư.
Người đàn bà tuổi đã xế chiều, nhan sắc còn phảng phất nét kiều diễm vẫn chưa đánh thức được hồi ức, mời chúng tôi ngồi đợi trên bộ xa-lông gỗ cổ kính bằng gõ đỏ…
Tôi nghẹn lời, ứa nước mắt ôm chầm lấy người đàn ông già yếu đang được chị Tư dìu từ buồng ngủ bước ra chậm rãi từng bước một, mà tôi chỉ còn nhìn ra được qua nụ cười thoảng nhẹ trên môi, tóc thưa thớt gần hói trọc, mắt thờ thẩn nhìn lơ đãng, nhưng nét cường tráng một thời vẫn còn ẩn hiện sau bộ đồ ngủ.
-Anh Tư! Em đây! Lộc-Nguyễn Trãi, Lộc-Lê Lai, Lộc-Ngô Quyền đây, anh Tư!
Người đàn ông già nua vẫn không chút giao động. Ký ức người đã rong chơi xa rồi! Anh Tư “Hón” yêu dấu muôn thuở của tôi, người thầy khả kính cận kề nhiều thế hệ học trò Collège de Vĩnh Long mà tôi và các bạn đồng liêu (niên khoá đầu tiên, 1949-50) đã may mắn được thụ huấn; anh Tư (biệt hiệu “Hón”, vì thuở còn học trường Taberd có tính hay phá phách, nên các sư huynh gắn cho biệt hiệu “diable Hun”); anh Tư Hón thần tượng thuở niên thiếu của tôi đã hoàn toàn lạc thực vì bệnh Alzheimer…
Bốn bức tường của căn nhà mà năm mươi năm qua bạn bè và tôi không còn được dịp đến vui họp đoàn với gia đình thầy cô (đúng hơn, gia đình anh chị Tư. Thầy Tư yêu cầu và chỉ cho phép nhóm văn nghệ lớp tôi gọi thầy cô bằng “anh chị” cho thân mật) treo đầy ảnh sinh hoạt văn nghệ, thể thao của trường, suốt thời gian anh Tư phục vụ.
Tôi huyên thiên nhắc nhở kỷ niệm, kể cả kỷ niệm đau thương, lần chỉ có mình tôi có mặt khi anh chị mất đứa con trai thứ hai. Chị Tư chăm chú nghe, khi nhớ, khi không. Lúc tôi hỏi thăm Tùng, đứa con trai đầu lòng của anh chị, cả một vùng kỷ niệm như chợt hồi sinh với chị Tư. Anh Tư thì tuyệt nhiên không phản ứng, tiếp tục “lơ lửng”. Nhưng khi tôi vói tay cầm cây mandoline khẩy bản Tuổi Thơ, mắt anh hình như ngấn lệ. Và khi tôi đánh guitare bản Thu Quyến Rũ, đôi mắt lạc thần dường như có dấu hiệu tập trung và đôi môi anh hình như mấp máy… Nước mặt tôi tuôn trào không ngăn được…

Hai năm đã trôi qua, từ lúc tôi gặp lại anh chị Tư Hón. Đầu óc tôi đầy ứ hoài niệm thân thương về ngôi trường thuở mới lớn, biết mơ mộng, biết tương tư, biết vỡ mộng, thuở mới chập chững bước lên sân khấu học trò và…vướng vào nghiệp chướng văn nghệ.
Cơ duyên nào đưa đẩy tôi gặp được thầy Tư Hón? Tôi nghĩ phần lớn có lẽ vì thuở còn lõi tì (lớp tư, lớp ba) các thầy cô đã “khám phá” chất văn nghệ nơi tôi. Suốt ba năm tản cư vì chiến cuộc, tôi và thằng em út tôi (Kiệt Tấn sau nầy) đã ca múa “Mừng Xuân”, “Mắng Lê Tắc” v.v… để vận động đồng bào nuôi kháng chiến quân chống thực dân Pháp. “Mầm non văn nghệ” nầy được quí thầy lớp nhì, lớp nhứt nuôi dưỡng và khuyến khích trong các kỳ văn nghệ phát thưởng cuối năm.

Rời Bạc Liêu lên Vĩnh Long học, lúc mới vào lớp 1ère Année, trong giờ huấn luyện thể dục, tôi vô ý đánh rơi trên sân vận động bài thơ học trò mà thầy Tư Hón tình cờ lượm được:
Đời tôi là cả một bài thơ,
Cả một bài thơ rũ bụi mờ,
Cả một bài thơ không đầy ý,
Là đời nghệ sĩ sống vì mơ…
Có thể từ đó tôi được thầy Tư “chấm” có khiếu văn nghệ!
Thêm vào đó, không rõ ngẫu nhiên hay tiền định, hai nơi tôi cư ngụ ở Vĩnh Long, một bên kia, một bên nầy cầu Lộ đều gần rạp hát. Hằng ngày máy phóng thanh cứ ra rả, hết cải lương tới “nhạc cải cách”(tân nhạc)!
Con đường Krautheimer -sau nầy là Võ Tánh- trước rạp hát Lạc Thanh thường dẫn bước tôi tới góc đường Châu văn Tiếp, cạnh cầu Bà Điều, đứng lặng yên cho tiếng dương cầm của chị Bé réo rắt từ một biệt thự màu hồng ru hồn mình.
Cũng trên con đường Võ Tánh nhiều sắc thái văn nghệ nầy, hai hình ảnh tuyệt đẹp vẫn còn hiện rõ nét trong ký ức tôi: Thế, chàng thanh niên trắng trẻo, đẹp trai, gầy gầy, dỏng dỏng cao, dáng điệu rất thư sinh trong bộ bà ba trắng, thong thả đếm bước. Và Xuân Lan, cùng lớp tôi, đẹp như tranh, đài các, kiêu sa nhưng vẫn pha lẫn với e dè, thẹn thùng, bẽn lẽn, thướt tha tung tà áo trắng phất phơ trong nắng sớm …Xuân Lan sau nầy có thời làm Dân biểu Quốc hội đệ nhất Cộng hòa, thần tượng yêu đương “Cao nguyên ngực, sóng trùng dương mắt biếc” của cố thi sĩ Tạ Ký, qua tập thơ “Sầu ở lại”.
Nghiệp chướng văn nghệ đó, cho tới nay tôi vẫn còn đa mang! Tôi thường ca đùa với hai đứa bạn cùng trang lứa khi, một thời đã “ông ông mụ mụ rồi” còn có dịp “mần” văn nghệ chung: Bạn bè mình còn có ba thằng. Đứa đi (ĐKT), đứa ở (LVH), đứa đang tật nguyền (LTL, tiếp tục lãnh thẹo văn nghệ dài dài…).

Lần về thăm lại Vĩnh Long, tháng 3/2003, tôi đã đứng tần ngần rất lâu trước ngôi trường cũ: Cửa vào Thánh thất Cao đài đối diện, Tiểu chủng viện bên hông trường vẫn còn, dù nay chỉ là cái xác không hồn. Miễu Bà Cố vẫn còn đấy, nhưng khung cảnh trang nghiêm, không khí huyền bí đã tan loãng. Cây Da Cửa Hữu -di tích lịch sử- có vẻ tiều tụy, mất hẳn nét mầu nhiệm và lôi cuốn thơ mộng, từ muôn thuở vẫn là chứng nhân cho bao cảnh vật đổi sao dời, cho “những cuộc tình không tới”. Cây da trước miễu ai biểu cây da tàn, Bao nhiêu lá rụng thương nàng bấy nhiêu! Thương nàng bấy nhiêu hay thương bấy nhiêu nàng?

Đất Vĩnh Long là đất của mỹ nữ, hoa khôi. Xuân Hương, Xuân Đào, Liệt (Lệ), Oanh và một số người khác đã về với tro bụi. Những Xuân Lan, những Hảo-Huyền Trân, những Lucie Minh, những Pauline Nho và biết bao mỹ nhân sắc nước hương trời khác, giờ xiêu lạc hà phương?
Sóng xô một buổi tan khuê các.
Khói dậy vài phen nát liễu bồ….


Chiều hôm đó, sau khi từ giã anh chị Tư Hón trong bịn rịn, nắm nuối, một bữa cơm thân mật tại nhà Văn Chinh cho tôi cơ hội gặp lại một số cựu học sinh cùng trường. Tất cả đều tan tác! Tôi nhắm mắt hồi tưởng những kỷ niệm văn nghệ xa xưa…
Hỡi ơi một thoáng dư hương cũ
Bỗng chập chùng xô động tháng ngày!
Trong số các nữ sinh văn nghệ cùng thời, tới nay tôi còn giữ một hình ảnh rất cao đẹp, thương tâm, vì đó là mối tình “câm nín” -Thì thôi người cứ yên tâm nhé,
Tôi chẳng bao giờ dám nói đâu- về một người nữ thinh sắc vẹn toàn, giọng oanh vàng của trường tôi thuở đó: Hồng Cúc. Để “tỏ tình”, tôi chỉ dám chép thơ thất tình của Nguyễn Bính gởi cho nàng!

Rồi đây, đi lại trên “con đường xưa em đi” quen thuộc thuở nào ở Vĩnh Long, tôi chỉ còn biết thì thầm:
Chỉ một lần anh gọi tên em,
Một lần môi say rượu đêm rằm.
Anh nằm trong khối sầu tưởng nhớ,
Phố cũ hè xưa đâu dấu chân?
“Xin còn gọi tên nhau”,
cho tới nay vẫn là ca khúc tôi “thấm” nhất.

Thôn trang Rêu-Phong, chớm thu…
-Lê Tấn Lộc-

No comments: