Thursday, May 29, 2008

Ðiền đô phù phiếm ký


Ðiền đô phù phiếm ký

Nhân vật và sự việc trong truyện này được xây dựng bằng trí tưởng tượng. Cố nhiên, nếu để tâm chú ý, người ta có thể nhận diện được, những Ðiền, những Ðô, những Tô, những Ðại, những Chức v.v... đang nhởn nhơ dạo phố. Mọi sự trùng hợp, nếu có, về tên tuổi, nghề nghiệp, trạng huống... đều ngoài ý muốn của tác giả. Giả thử nếu có một sự trùng hợp như thế xảy ra, người viết cũng được minh xác đó là chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp, bởi bài viết hoàn toàn hư cấu. Dẫu sao, đây cũng chỉ là thứ chuyện phù phiếm, nói ra trong lúc trà dư tữu hậu Nhân vật xưng tôi trong chuyện này không nhất thiết là tác giả (LTL).

oOo

Hắn và tôi là bạn nối khố. Hắn tên Ðiền, Văn Phát Ðiền, nhưng bạn bè thường giễu cợt gọi hắn là Văn Phát Ðiên do cố tật thích châm chọc và do bệnh nan y ưa nói lái của hắn. Theo hắn kể, cụ Văn Thế Nghiệp, cha hắn ngày xưa cũng vì cái tật nói móc, nói lái trêu chọc đám thượng đội hạ đạp mà suốt đời bị truy nã: Số là trong một đêm quá chén lạc quan, cụ Nghiệp nổi hứng sai gia nhân sang thỉnh mời ngài Ðổng lý Văn phòng Phủ Thủ tướng, nổi tiếng bợ đít hạng nặng, tới nhà mình dùng”xôi mứt”. Ngài Ðổng lý giận tái mặt, ngài bị bẩm tật sứt môi. May cho cụ Nghiệp, một cựu thuộc viên thân tín của cụ, lúc ấy đang có mặt tại nhà ông "đổng" đã lén đi báo cho cụ biết và khuyên cụ nên tức tốc bỏ trốn. Cụ vội vã cải trang, dẫn hết gia đình về quê ngoại ẩn náu, làm tá điền cày thuê kiếm sống.

Cũng theo lời Ðiền kể, ngài Ðổng lý đã "nực" ông cụ hắn từ lâu. Cụ Nghiệp mỗi lần vô lai rai ba sợi thường đem chuyện câu đối xỏ xiên dòng họ ngài Ðỗ Hữu Vị ra kể cho đồng nghiệp, bà con lối xóm và con cháu mình nghe, cười khoái trá. Mà ông "đổng" thuộc dòng dõi ngài Ðỗ Hữu Vị. Hồi tôi mới đi mần việc cho nhà nước, cụ Nghiệp kể, có tờ nhật trình ra câu đối tâng bốc "quan lớn" Ðỗ Hữu Vị, vốn rất ư trung thành với Mẫu quốc, như sau:

Ðất Sài Gòn có nhà họ Ðỗ,
Ðỗ một nhà, phú quý vinh hoa

Chẳng dè có thằng xâm mình, dám xỏ quan lớn bằng câu đối, đáp lại chan chát như sau:

Cù lao Rồng có đám thằng phung,
Phung cả đám, cửu cùng bát khổ.

- Hình như trong người tao có sẵn máu chọc đời, Văn Phát Ðiền tâm sự với tôi. Và hình như trong máu tao cũng đã sẵn có chất men. Bởi lúc tạo ra tao, vì thất chí nên ba tao thường mượn rượu giải sầu. Ðời sống tá điền quá cơ cực, tao nghĩ ổng thường mơ ước có nhiều ruộng đất phân phát cho dân càỵ Có lẽ vì vậy mà ổng đặt tên tao là Văn Phát Ðiền... Nghĩ cũng tức cười, hình như căn duyên tiền định, tao Ðiền, mày Ðô, Ðiền Ðô, đồ điên.


Quả thật Ðiền và Ðô có vô số thứ "cùng": Cùng ngày sanh, cùng nhà bảo sanh, cùng trường, cùng nghề, cùng nhiệm sở. Cùng binh chủng, cùng đơn vị khi nhập ngũ. Cùng ở tù, cùng vượt biên, cùng định cư một chỗ khi rã ngũ. Chỉ không cùng điên thôi. Ðúng hơn, mỗi thằng điên một kiểu. Do ảnh hưởng di truyền, Ðiền phản ứng rất nhanh, hễ thấy ai làm điều trái tai gai mắt là "đốn" liền. Ðô, trầm lặng hơn, tìm cách "để" nhẹ mấy trự ưa khoa trương, nhẹ nhưng cũng đau lắm. Cả hai đứa tôi đều dị ứng với bọn khoác lác, ba xạo, luôn bày trò tâng bốc nhau. Hai thằng, từ khởi điểm đã là cặp bài trùng. Trái lại, cặp chàng Tô, nàng Ðại (sẽ đề cập tới sau) thì hình như chẳng có gì báo trước họ sẽ càng lúc càng gắn bó... Họ xáp vô nhau, kể cũng ly kỳ và bất ngờ. Càng bất ngờ hơn nữa là cả bốn Ðiền, Ðô, Tô, Ðại tái ngộ trên xứ tuyết, kéo theo một chuỗi cộng hưởng dây chuyền, thuận lợi có, tác hại có.

Khi xưa bên nhà, lúc còn đi học, Ðiền ở trọ nhà thầy Ðào Ðức Ðạo rất có uy tín với phụ huynh học sinh tỉnh Phong Dinh. Danh gọi thầy Ðạo đổi theo sự thăng tiến nghề nghiệp của thầy. Khởi đầu là giáo Ðạo (dạy Tiểu học), rồi ông Ðạo (Thanh tra Tiểu học), cuối cùng là cụ Ðạo (dạy Trung Học) lúc đã luống tuổi. Tội nghiệp ông bà cụ Ðạo chỉ được một mụn gái độc nhất. Không may, do mụ bà nắn lộn hay sao đó mà con bé quá nhiều nam tính, từ giọng nói ồ ồ tớ i dáng dấp cục mịch, ô dề. Cụ Ðạo nuôi hy vọng con gái nối nghiệp mình nên đặt tên con là Ðào Ðức Ðãi, ngụ ý ai có đức sẽ được đãi ngộ. Cụ cũng dự tính bắt thằng Ðiền ở rể, nhưng không thành vì con gái rượu sần sù của cụ vô phương gây được rung cảm cho thằng bé. Ðã thế, con bé "Ðãi" chẳng những không "kết" đèn sách, lại còn mê đánh lộn với bạn học, cả gái lẫn trai.

Và việc gì phải xảy ra đã xảy ra. Nàng Ðãi học hành dở dang, bỏ nhà đi hoang lúc mới mười ba tuổi. Hành trình phiêu bạt đẩy đưa Ðãi trôi dạt tới chợ Cầu Ông Lãnh. Con bé làm đủ nghề để kiếm cơm, từ quét chợ tới dọn sạp. Lắm lúc đói quá phải đi bán hột vịt lộn kiếm lời nuôi miệng. Ít lâu sau, nhờ thân thể phát triển quá mức, trông rất gồ ghề, Ðãi được mấy vựa cá thuê làm phu khuân vác. Ðồng thời mấy bà bán hàng cũng mướn Ðãi tảo thanh đám con nít ăn cắp vặt và bọn du côn khuấy phá, tống tiền, để họ được yên ổn bán buôn. Nhờ vậy mà con bé vai u thịt bắp lọt được vào cặp mắt đỏ ngầu của chú Phùng Cón, trưởng đoàn sơn đông mãi võ. Chú Cón thuyết phục Ðãi về với chú, dạy nó đánh côn, múa quyền và bán cao đơn hườn tán... Chú sửa tên Cón thành Côn, Ðãi thành Ðại rồi gá nghĩa cùng nàng. Ðãi nghiễm nhiên mang họ Phùng: Phùng Ðức Ðại. Từ đó Côn và Ðại tuyệt tích giang hồ…

Cho tới lúc tình cờ bước vào tiệm thuốc Bắc Ðại Côn ở khoảng cuối đường Saint-Laurent, phố Tàu Montréal, Ðiền sững sờ nhận ra cố nhân Ðãi của mình đang thị uy la hét nhân viên và mạt sát chú Cón đang ngồi xe lăn. Nghe đâu trong một cuộc quần thảo vì ghen tương, chú Cón, nay là Côn bị đường côn sát thủ của Đại phu nhơn đánh trúng đầu, gây chấn thương ở não. Từ đó trở đi, người ta thấy Ðiền thường tới lui tiệm Ðại Côn. Kẻ xấu mồm phao tin đồn nhảm hắn dan díu vụng trộm với nữ gia chủ và là tác giả thực sự của sản phẩm yêu đương duy nhất của nàng: cậu Phùng Ðức Thái.


Phần tôi, lúc đi học ở Cần Thơ, tôi ăn cơm tháng ở nhà cụ Võ Cương, võ sư giải nghệ mở quán chiêu hiền đãi sĩ. Trái với cụ Ðạo, cụ Cương quá đông con, cả thảy mười sáu trự, nhưng chỉ có một trai út. Ông cụ "ráng" mãi cuối cùng mới được trời ngó lại, cho cụ cậu Út nối dòng. Dĩ nhiên cụ nưng niu chiều chuộng hết mức thằng con trai muộn này, ưu ái đặt tên nó là Võ Cường, ước mong nó theo nghiệp võ, làm rạng rỡ tông môn. Trớ trêu thay, trời không chiều lòng cụ vì, hình như một lần nữa, mụ bà lại nắn lộn: thằng Bé Cường “hình dung chải chuốc, áo khăn dịu dàng”, bộ gió yểu điệu, thướt tha, thích chơi đánh đũa, nhảy dây, cất nhà chòi hơn tập võ. Thấy thằng nhỏ càng lúc càng ẻo lả, môi miếng, cụ Cương hết ước mơ con trai mình sẽ điều binh khiển tướng. Cụ bèn hướng dẫn nó về nghiệp văn và nảy ra sáng kiến ghép chữ Tộ vào tên con, thành Võ Cường Tộ, thầm van vái nhà đạo đức Nguyễn Trường Tộ phù hộ cho con mình thành văn nhân. Quả nhiên, nhờ quới nhơn phù hộ, thằng Tộ trở thành một văn sư lỗi lạc, có biệt tài thiên phú truyền bá Pháp văn rất lôi cuốn, loại Pháp văn vô cùng tuyệt diệu: văn Pháp, văn của thầy pháp. Vô tình hắn đã thực hiện hoài bảo của cha hắn: cũng điều binh khiển tướng như ai, nhưng là âm binh, bằng loại văn thần sầu quỉ khốc “hô thâu hô giáng!”.

Quá thất vọng, cụ Võ Cương nhắm mắt lìa đời trong hờn tủi. Cụ đâu ngờ chính cái nghề pháp sư của con trai mình giúp hắn vinh thân phì da trong mọi chế độ. Thời Cộng Hòa, Võ Cường Tộ luôn luôn ăn trên ngồi trốc, nhờ bán thần chú cho mấy ông tướng dơ triệu hồi âm binh trám chỗ lính ma lính kiểng, buôn bùa mê thuốc lú cho đám chính khứa ma đầu trù ếm nhau. Thời Xã Hội Chủ Nghĩa, hắn vẫn tiếp tục được lũ cán bộ cao cấp thỉnh mời xủ quẻ đoán hậu vận tham ô, tìm cao điểm để vét sòng, tuyệt điểm để chém vè. Hoặc hắn trông nom công trình xây cất dinh thự cho bọn này, sao cho hợp phong thủy để sự nghiệp"tay súng tay vùa" của chúng được trường tồn với núi sông.

Lúc Sài Gòn mới sữa soạn đổi đời, hắn lanh trí đổi tên mình thành Võ Cương Tô cho có vẻ bình dân hơn, hợp gu "kách mệnh" hơn, nhất là để tên cũ của mình không bị liên kết với cái tên quá "trí thức" phản động Nguyễn Trường Tộ, có thể bất lợi cho hắn. Ai ngờ nhờ sự nhanh trí ấy mà vận may lại tiếp tục chiếu cố hắn: Khi định cư, hắn hốt bạc nhờ mở quán nhậu ở phố Dốc Tuyết, với bảng hiệu V.C. Tô, chuyên bán rượu đế cất lậu, uống bằng tô! Khổ nỗi, để có vẻ “tây”, bảng hiệu không bỏ dấu như tiếng Việt (dẫu sao hắn cũng là Pháp sư), nên thiên hạ mỉa mai đọc "Vi - Xi" To. «Vi – Xi», từ ngữ quá quen thuộc của người Mỹ để chỉ Việt Cộng.

Tôi gặp lại Tộ, giờ là Tô, lúc hắn đã giàu sụ. Phải nhìn nhận hắn rất quý bạn, chiêu đãi tận tình,”cúc cung tận tụy”. Hắn gọi cô con gái độc nhất, Võ Bảo Hân ra chào hỏi bạn của cha mình rất lễ độ. Không thấy hắn đề cập tới vợ hắn. Tôi cũng ngại hỏi vì cảm thấy hình như hắn có gì muốn giấu diếm.

Mãi về sau, Ðiền và tôi mới rõ cơ duyên nào đã khiến chàng Võ Cương Tô và nàng Phùng Ðức Ðại hội ngộ, ngày càng tâm đầu ý hạp. Họ gặp nhau nhân một đêm họp mặt văn nghệ của một hội đoàn nọ -nghe nói hình như là hội mõ-thi-mĩ-tho gì đó- Và họ được dịp bốc thơm nhau quá đạt yêu cầu: Chàng "ca" nàng quá cỡ, nhờ nghề riêng nịnh đầm có tiếng. Nàng phục chàng sát đất về thuật ăn nói mê hoặc. Nàng vô cùng xúc động vì từ thuở lọt lòng mẹ tới nay chưa được ai ngưỡng mộ đắm đuối như thế. Chàng vô cùng động tâm vì chưa thấy ai nhiệt tình thưởng ngoạn khẩu thuật bí hiểm, rùng rợn tích tụ qua nhiều năm hành nghề pháp sư của mình trước đâỵ Thế là ròng rã trọn năm, nàng truyền nghề đánh côn cho chàng và chàng mớm mồi chữ nghĩa cõi dưới u minh cho nàng. Kết quả thấy rõ: Từ nhà văn nghệ âm u, quái đãn, chàng trở thành võ sĩ chuyên đánh lén, đá giò lái. Cùng lúc, nghề võ mồm đánh ngầm của chàng cũng đạt tới mức tuyệt chiêu: xuyên tạc, bôi bác, bóp méo sự thật, đâm bị thóc, thọc bị gạo v.v... Từ đó, giới văn nghệ du ca (du dương ca) được thêm hai khuôn mặt quá quen thuộc, vì chỗ nào cũng thấy họ: Bà Ðại và Chàng Tô trở thành danh hiệu trình diễn văn nghệ của chàng và nàng.

Dần dà Bà Ðại và Chàng Tô muốn biến mối sợ giao kỳ ngộ thành duyên thâm giao bền lâu bằng đường lối thiết lập quan hệ thông gia. Cũng vì ý định này của Ðại và Tô mà mọi sự rắc rối bắt đầu đến với tôi và bạn Văn Phát Ðiền của tôi.

Câu chuyện khởi đầu từ lúc Ðiền và tôi được mời tới dự tiệc vui, mặc nhiên coi như để mừng lễ đính hôn cho đôi trẻ Võ Bảo Hân (con gái Chàng Tô) và Phùng Ðức Thái (con trai Bà Ðại), tổ chức tại quán V.C. To.

Tô gia chủ, "mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao" õng ẹo giới thiệu Ðại phu nhơn, "thoắt trông nhờn nhợt màu da", ria mép lún phún, mặt mũi u nần. Ðôi bên kiểu cách chào nhau rồi trình làng hai cục cưng Bảo Hân và Ðức Thái.

Rượu thịt được dọn ra cùng lúc với cao đơn hườn tán. Chàng Tô chớp thời cơ, quảng cáo món ăn đặc biệt của bổn hiệu: Ốc nhồi dê hàm nàm tiềm thuốc Bắc Ðại-Côn, dùng với rượu đế uống bằng tộ Bà Ðại cũng sẵn dịp quảng cáo thuốc cao đơn của mình, bào chế theo công thức Sưu-Ðộc-Ông-Tiên thời danh, chuyên trị mọi thứ phong. Ðặc biệt bảo đảm trị tận gốc nếu dùng chung với hột vịt lộn bắc thảo,”chỉ có bán ở bổn hiệu”. (Có lần Ðiền tiết lộ với tôi Bà Ðại dùng nước đái cóc hòa mồ hôi ngựa trong quá trình hình thành loại hột vịt lộn đặc chế này).

Tiếp nối chương trình đớp hít, Chàng Tô, Bà Ðại cùng bầu đoàn thê son, các cô, chú, dì, dượng, cậu, mợ... đôi bên, quý thân hữu bên đàng trai, quý thân hữu bên đàng gái xếp hàng thi đua chiếm đài phát thanh, ca hát, ngâm nga, hò... hét, giễu dỡ không phút ngưng nghỉ, suốt mấy giờ liền. Bạn Ðiền của tôi sốt ruột cầm canh, cứ chột rột mãi, coi mòi sắp phát điên, khiến tôi đâm lo. Chưa kịp cản, Ðiền đã điên tiết trèo lên sân khấu, cướp micro trong tay Bà Ðại, nhái giọng éo éo của chàng Tô:

- Xin nài nỉ khẩn cầu quý vị rộng lượng từ bi, hoan hỉ cho anh bạn Ðô của tôi lên đây xung phong hát một bản vì tình bạn...

- …Không! Không! Tôi cướp lời hắn. Tôi không hề biết hát.

- Ậy! Bởi mày không biết hát, tao mới nhứt định mời mày lên đây trổ tài hiếp dâm nghệ thuật một phen để, vì tình bạn trả thù cho tụi mình đã phải trân mình chịu trận tự nãy giờ cho hàng hàng lớp lớp "la sĩ" thay phiên cưỡng bức màn nhĩ chúng ta.

Tôi bước lên sàn gỗ, lí nhí xin lỗi cử tọa, thúc ép Ðiền về chỗ ngồi đổ rượu tới tấp để hắn mau lật gọng cho bá tánh an vui Hoài công! Hắn vẫn tỉnh bơ đong thóc dài dàị...

Cuộc vui rồi cũng trở lại bình thường sau vụ chọc phá của Ðiền. Rượu vào lời ra, Tô gia chủ hả hê bày trò đối qua đáp lại, bên tung bên hứng, bên xướng bên họa. Nhoẻn miệng cười duyên với Chàng Tô, Ðại phu nhơn trổ giọng tồ tồ ngỗng đực xưng tụng chủ họ đàng gái:

Tô đại chủ, rạng danh họ Võ,
Võ một nhà, cao thủ võ lâm
.

Liếc mắt đưa tình với Bà Ðại, Tô đại chủ thỏ thẻ cất giọng bà bóng, léo xéo ca ngợi chủ họ đàng trai:

Ðại phu nhân, Phùng tộc gia phong,
Phong cả họ, phong lưu, phong nhã.

Phòng tiệc vang rền tiếng hoan hô, xưng tụng chen lẫn với những tràng pháo tay tưởng chừng chẳng bao giờ dứt. Rượu thịt quả có công dụng. Ăn uống "chùa" đấy, nhưng chẵng lẽ ăn cơm chúa mà không múa tối ngày, coi sao đặng!

Ðột nhiên chàng Ðiền nhà tôi từ tốn đứng lên xin lỗi đôi sui gia tương lai hắn đã phát ngôn vô duyên khi nãy và xin chuộc lỗi lầm bằng mấy câu đối khác để "vinh danh" hai họ Võ, Phùng một cách thiết thực hơn, liên quan tới lãnh vực kinh doanh của đôi bên:

- Tô gia chủ kính mến, Ðiền nói. Công đức gia chủ đối với dân ăn nhậu sánh như trời biển. Rượu đế của ngài vừa là nước mắt quê hương, vừa là nước hạnh phúc, lại được uống bằng tô cho đậm tình cố quốc. Quả là loại rượu quý, đáng gọi là «đại đế»...

- Vô đề đi cha nội, một ẩm sĩ trong hội trường nhắc nhở.

- Vô đây, vô liền.

Nâng tô rượu đế, cụng tô Chàng Tô, Ðiền nhừa nhựa xướng:

Tô đại đế hoan hô họ Võ,
Vỏ đầy nhà, vỏ ốc, vỏ chai.

Tô gia chủ đỏ mặt tía tai. Ðại phu nhơn cũng xanh mặt nhưng hy vọng Ðiền nghĩ chút tình xưa, lúc hắn ở trọ nhà mình nên liếc nhìn hắn cười cầu tài, mua chuộc cảm tình hắn. Ðiền cũng cười ruồi, đáp lễ cố nhân tây đô ngày xưa. Tay mặt cầm hộp cao đơn hườn tán, tay trái giơ cao hột vịt lộn bắc thảo Ðại-Côn, khó khăn lắm Ðiền mới cất tiếng được:

- Dân ăn nhậu của quán V.C.Tô không thể quên Ðại phu nhơn. Khi quá chén, họ thường hay trụy lạc, sa ngã, dễ bị lây bịnh. Không có tiệm thuốc Bắc Ðại Côn ra ơn cứu độ chắc họ đã yên nghỉ đời đời. Xin cho tôi được vinh danh Bà Ðại.

Tớp một ngụm rượu, thấm giọng, Ðiền lừ nhừ họa:

Ðại cao đơn sưu độc gia truyền,
Sang cả lũ, phong xù, phong ngứa.

Ðại phu nhơn há hốc mồm, xô phăng ghế, đứng phắc lên, đảo mắt tìm cây côn của mình. Mọi tiếng cười nói đồng loạt tắt ngấm. Âm khí nặng nề. Tôi gần phải như lôi sềnh sệch Ðiền tháo chạy ra cửa...


oOo


Một tuần sau vụ phá đám Chàng Tô và Bà Ðại, Ðiền và tôi được cựu bác sĩ Lê Hữu Hiền rủ tới ăn mừng vừa bảo lãnh được ông em Lê Hữu Chức từ Việt Nam sang đoàn tụ. Nghe đâu ông Hữu Chức từng thuộc giới "có chức" quyền bên nhà, trong chế độ cũ cũng như chế độ mới. Thấy ông ấy còn khỏe mạnh, tôi đề nghị hướng dẫn ông tìm việc làm (tay chân, dĩ nhiên!), nhằm giảm bớt gánh nặng cho ông anh bảo lãnh. Không ngờ ông Hữu Chức "chi" cho tôi một câu để đời:

-"Mỏa" chưa hề phải lam lụ mưu sinh và chẳng hề có ý định sang đây làm cu-li kiếm ăn độ nhựt. Tiếng Tây sành sõi như "mỏa" thì phải vô ngồi trong Complexe Desjardins làm công chức hoặc tư chức mới đúng sở trường.

Thí chủ bảo lãnh ngài Hữu Chức, trước đây tốt nghiệp Ðại học Y khoa Paris nhưng nay sa cơ thất thế trên đất định cư mới, phải vừa cày (làm lao công cho một bệnh viện) vừa học lại để được phép hành nghề y sĩ, ngao ngán cúi mặt thở dàị...

- Ông Hữu Chức đây nói cũng phải, Ðiền bình tĩnh thay tôi trả lời ngài tiếng tây, tiếng u đầy bụng. Chỗ ông nói đó thiếu gì băng ghế. Khỏi lo không có chỗ ngồi rung đùi coi thiên hạ làm việc!

Ngài Hữu Chức từng có chức, phùng mang trợn mắt. Tôi lật đật kéo Ðiền tới quán nhậu Thái Sơn, cho hắn mặc sức chọc phá dồi trường và bia lon.


Mấy tháng sau, có dịp vào Complexe Desjardins, hai đứa tôi tình cờ nhận ra Hữu Chức đang ngồi trên băng ghế nhìn trời ngó đất, trong rất nhàn hạ thư thái. Hình như hắn không còn nhớ chính Ðiền đã mách bảo cho hắn tìm được chỗ ngồi quá tốt để nghỉ chân!

- Tuần tới, tôi mời hai vị tới phòng hội Wilfrid Pelletier trong Complexe này nghe tôi thuyết trình đề tài "Văn chương bình dân và văn nghệ đại chúng" có ca nhạc phụ diễn, do chính tôi điều khiển, Lê Hữu Chức vồn vã bắt tay Ðiền và tôi tươi cười nói.

- Ông mướn phòng hội làm chi cho phí, Ðiền vỗ vai Hữu Chức, đáp lời. Xuống đường hầm métro Place-des-Arts vừa hát vừa nói, đã khỏi tốn tiền thuê mà còn có thể "thu hoạch" được, nhờ ông đi qua bà đi lại động lòng trắc ẩn... Tiền mặt, khỏi phải khai thuế lôi thôi!

Ngài Hữu Chức coi bộ hết còn giữ được cung cách thư sinh nho nhã. Một lần nữa, tôi phải kéo Ðiền tháo chạy…


oOo


Ðiền có viết báo lai rai. Tôi nghĩ bụng thử đổi môi trường sinh hoạt xem bạn mình có thể khá hơn về mặt giao tế chăng. Nào ngờ, tại hội quán của Hội Những Người Cầm Bút, chúng tôi lại đụng đầu chàng Hữu Chức. Chỗ nào cũng có chàng lởn vởn tới! Hôm đó, hội đoàn này tổ chức giới thiệu các tân hội viên, trong số đó có ngài Lê Hữu Chức, bút hiệu Hoàng Kim Nhã. Trong buổi tiệc trà sau đó, Ðiền rề rề tới bên chàng Hữu Chức gợi chuyện:

- Bút hiệu của ông quá đẹp. Nó gợi nhớ thái độ tao nhã của giới cầm bút thời hoàng kim. Nhưng tôi nghĩ ông nên sửa bút hiệu một tí thôi là sẽ sớm thành danh, vì độc giả dễ nhận diện ông ngoài phố.

- ... ? ...

- Ðổi Nhã thành Nha. Hoàng Kim Nha tượng hình hơn, ông lại sẵn bịt răng vàng, thiên hạ dễ nhớ, cũng rất tiện. Viết về kinh tài, ký tên Hoàng Kim, ông sẽ dễ gây ấn tượng giàu sang cho độc giả vì bút hiệu này khiến họ liên tưởng tới tiệm bán hột xoàn. Viết về khoa học, y tế, ký tên Kim Nha, ông ngầm nhắc nhở mọi người rằng «Răng là Vàng». Làm sao độc giả quên ông nổỉ.

Hữu Chức tái mặt, lãng đi chỗ khác tránh mặt tên dê-húc-càn Văn Phát Ðiên. Nhưng hắn dễ gì buông tha cho tay kia, cứ bám riết theo.

- Tôi coi tử vi rất trúng, Hữu Chức đang tự quảng cáo với một nhóm thân hữu, như tôi đây có số «thân cư thê»…

- Tôi thì tôi biết coi tướng, Ðiền xen vô. Xem mặt bắt hình dong. Diện mạo và cốt cách của tiên sinh Hữu Chức cho thấy ngài quả có số «thân tử cư»...

-… Xin ông diễn nghĩa, tôi chưa hề nghe qua.

- Dễ thôi! Diễn nôm trộn Hán Việt: "Thân" là thân mật, "Tử " là con, "Cư " là ở. Tiên sanh có số "thân" mật với mấy "con" nhỏ "ở" đợ!

Cũng may nhà văn chủ tịch hội tinh ý nhận thấy văn sĩ Hữu Chức sắp thí võ nên khéo léo mời hắn vào phòng họp bàn việc ra mắt sách (sắp viết) của chàng! Tưởng thế đã yên, nào ngờ thằng bạn thích châm chọc Văn Phát Ðiền của tôi lại xáp tới bàn của một nhóm văn, thi sĩ "đang lên" khác, thuộc nòi lắm mồm, to họng. Nhà văn "nhớn", nhà thơ "nhớn", nhà phê bình"nhớn"... tha hồ cãi nhau như mổ bò, chẳng ai nghe ai, chẳng ai nhịn ai. Tha hồ nói xằng, nói sảng, nói ngoa. Tha hồ phô trương, trình diễn ba hoa chích choè...

Thấy Phát Ðiền sắp"phát điên" tới nơi, sửa soạn châm chích, tôi vội kè hắn ra về vì hắn đã uống hơi nhiều rượu. Ở nán thêm tôi e hắn, nếu không gục ngã về rượu cũng sẽ bị đo ván vì chọc phá đám cầm bút hung hăng kia.

Lên xe, tôi lưu ý hắn:

- Họ là nhà văn đấy! Des écrivains. Mày nghe rõ chưa? Cẩn trọng hơn một chút có được không?

- Tao nghe rõ. Phải đó, Des "écrits vains"! Ngữ "bài viết phù phiếm".

Hắn thờ thẩn bước xuống xe, vẫy tay chào tôi rồi mất hút trong bóng đêm của một ngõ hẽm u tối.


Hôm sau tôi hay tin hắn bị xe đụng. Kẻ gây tai nạn bỏ chạy mất, không có nhân chứng. Bạn bè tin hắn gặp vận xui. Tôi thì tôi nghĩ cái gì cũng có cái giá phải trả. Văn Phát Ðiền đã trả một giá rất đắc cho cái tính trung thực của mình. Hắn đã bỏ lại bệnh viện một bàn chân, trả lại những người thương yêu hắn tên gọi Văn Phát Ðiên để mang danh hiệu "Bại Tướng Cụt Chân" do những ai oán ghét, thù nghịch hắn truy tặng và để lại trong tôi niềm rạt rào thương cảm mỗi khi cầm bút.

«Des écrits vains», lời nhận xét của hắn hầu như vẫn còn vang động trong tôi. Tôi ngán ngẫm thở dài. Vâng, bài viết này có lẽ rồi cũng nằm trong ngữ "bài viết phù phiếm".

Thạch động Ven-Sông, mùa lá rụng…
Lê Tấn Lộc

No comments: