Thursday, May 29, 2008

Gối Rơm



Xứ Tuyết, đêm…

Lệ thương mến,
Tình cờ được biết Lệ sống ở Hoa Kỳ, đâu đã ba bốn năm nay, với người chồng mới (không rõ người Việt hay người Mỹ), tôi vừa mừng cho Lệ vừa đau cho Hoàng, nghe nói hình như mới được ra trại cải tạo năm rồi. Cũng tình cờ tôi gặp lại Phương, người mà chắc phải còn trong ký ức của Lệ, đang hành nghề y sĩ tại đây.
Xưa Lệ với Phương chưa chi đã đường ai nấy đi, tôi có tiên đoán. Nay Lệ bỏ Hoàng, tôi cũng có chờ đợi. Lẽ ra chuyện đó đã phải xảy ra sau mấy tuần trăng mật. Có lâu lắm cũng sau khi Hoàng rời ghế đầu quận ngay tại quê hương xứ sở của hai vợ chồng.
Trong ba con ngựa đua nước rút đến với Lệ, tôi là con đầu tiên bị trọng thương và bị loại ngay vòng đầu. Phương lặng lẽ rút lui. Khá nhiều con ngựa lẻ tẻ khác sứt càng gẫy gọng bỏ cuộc dọc đường. Hoàng đương nhiên tới mức ăn thua, nhưng không có nghĩa là thắng cuộc. Trong ba đứa, có lẽ tôi là người sớm nhận ra mẫu người lý tưởng đối với Lệ: đẹp trai, cao ráo, hiên ngang, có tâm hồn nghệ sĩ, con nhà giàu, vừa có thế lực, vừa phải học giỏi, có địa vị, có danh vọng và nhứt là phải chung thủy một chiều với Lệ. Ở thời điểm đó, cả ba thằng gộp lại chưa chắc đã hội đủ điều kiện, nói chi tới một đứa!
Có lẽ cuối cùng Lệ đã gặp được người Lệ hằng ấp ủ trong lòng từ lâu. Nếu thật vậy, bỏ qua dư luận khe khắt kết án, tôi mừng cho Lệ. Vả lại trường hợp của Lệ cũng không đơn lẻ trong hiện trạng quê hương tan tác…Tôi chỉ sợ Lệ lại thả mồi bắt bóng như xưa, loại dần những con ngựa bạn đường của Lệ để đuổi bắt vô vọng con thần mã huyễn hoặc Pégase đang vươn đôi cánh thiên thần bay trên trời cao…
Tôi hy vọng tình cờ Lệ đọc được đoạn thư nầy, để cùng tôi thả hồn về Vĩnh Long, gần nửa thế kỷ về trước, thuở Lệ 13 tôi 16. Thuở ấy, dù còn “nhi đồng”, Lệ đã kiêu sa bước vào tình trường với tuổi trẻ sắc nước hương trời như hành trang. Và giờ đây, tôi đoan chắc Lệ vẫn giữ nguyên vẹn phong độ hoa khôi thuở nào, bởi Lệ thuộc loại đàn bà không có tuổi, như “Nữ thần trong động lửa”, trẻ mãi không già…

Vĩnh Long, năm…

Buổi chiều hôm ấy Oanh, em nàng đem trả cuốn “Nửa bồ xương khô” của Vũ Anh Khanh mà tôi cho nàng mượn trước đó một tuần, bên trong kẹp một tấm ảnh 4x6 của nàng kèm theo một trang vở học trò xếp năm bảy lượt thành tờ chắn sách, gói ghém một “thông điệp” ngắn gọn: “Hẹn Nguyễn Trãi 12 giờ trưa tại Vườn Địa Đàng. K.L”. Phía sau ảnh, ghi: “Hình chụp lúc mới lên lớp Tiếp liên”.
Oanh vừa bước ra khỏi xưởng mộc của ba tôi là tôi lật đật chạy xuống bếp kiếm chị Trinh tôi khoe liền: Đưa ảnh người yêu cho chị xem, Cả thư người ấy gửi cho em. Chị cười đáng sợ là đôi mắt, Chưa thức đêm nào đến trắng đêm…
Dù đã một lần “lỡ bước sang ngang”, đã một lần “ép nốt dòng dư lệ”, chị tôi vẫn chưa hề có khả năng “nhỏ xuống thành thơ” để đời như “ông thầy” Nguyễn Bính và “bà thầy” TTKH của tôi. Nên chị chỉ lưu ý tôi: “Con nhỏ đẹp ác! Em coi chừng ôm hận”.
Tôi cười khà, lòng đầy tự tin:

Hai năm liền tôi nổi danh trên sân khấu học trò với vai Nguyễn Trãi biệt cha già Thục-Nguyễn Phi Khanh tại ải Nam Quan và Nguyễn Trải mưu cơ đồ cho Thứ-Bình Định Vương Lê Lợi. Hai năm liền tôi đoạt giải nhứt văn nghệ toàn trường về đơn ca, về kịch nghệ, về nhạc cảnh…Thầy Tư Hón, ông bầu văn nghệ học sinh “cưng” tôi như trứng mỏng. Ông Hiệu trưởng Nguyễn văn Kính, Thanh tra liên tỉnh Vĩnh Long-Sa Đéc-Trà Vinh (tục gọi mơ-xừ Te: Inspecteur interprovincial), quí thầy cô, nhứt là cô Nguyễn thị Sương (phu nhơn nhạc sư Trần văn Khê), thầy Nguyễn văn Kỷ Mậu, Tổng Giám thị nuông chiều tôi hết mức. Cũng hai năm liền, cùng với Thứ tôi đứng đầu danh sách phát thưởng về học vấn, nhưng ít người để ý tới, kể cả tôi. Trái lại, tất cả các trường trong tỉnh lỵ và phụ huynh học sinh đều biết “Lộc-Nguyễn Trãi”. Lúc đó chưa có phong trào xin chữ ký, nếu không, chắc tôi đã liệt tay! Mấy tiệm chụp hình ở hai con đường chính Phan Thanh Giản và Gia Long đều có “chưng” ảnh Lộc-Nguyễn Trãi. Nhờ vậy, các gia đình thượng và trung lưu trong tỉnh, vốn rất bảo thủ, bắt đầu chấp thuận cho các công tử và công nương của họ giao du với đứa con chú thợ mộc nghèo nàn.
Thời đó, vì thầy Kính kiêm luôn thanh tra tiểu học liên tỉnh nên các buổi văn nghệ phát thưởng được tổ chức chung cho trường trung học, trường Nam, trường Nữ tiểu học Châu thành. Quân hầu, vũ nữ, tỳ nữ thường do bên tiểu học cung cấp dồi dào cho “vua chúa, tướng quân” bên trung học. Các anh chị cùng lớp o bế tôi dữ lắm để được đóng vai quân Nam, cung nữ hoặc được hầu quạt, che lộng cho vua chúa, tướng quân, công chúa, công nương phe ta. Thầy Tư Hón cho tôi toàn quyền về việc tuyển chọn nầy. Số còn lại, nếu có chút “khiếu”, được tống qua phe địch do Ba Tàu Tông và Mười Giác thống lãnh. Làm quân Chệt ai cũng chê hết, lớp bị khán giả chửi, lớp không thọ, vì lâm trận là chết như rạ với quân ta. Vả lại, quân Tàu râu rìa lông ngực nên mặt mày phải bôi lọ nghẹ coi như quỉ sứ, chớ không “môi son má phấn mày ngài”, bô trai như quân Nam.
Các bạn gái cùng lớp đều lớn tuổi và lớn con hơn tôi, nên các chị “cưng” tôi như cưng em! Tôi chỉ còn đá lông nheo được với mấy em gái lớp Nhứt và lớp Tiếp liên. Nàng nằm trong đám văn nghệ mầm non tiểu học nầy, quá đẹp để đóng vai cung nữ, tì nữ, quá trẻ để thủ vai công nương. Tuy còn “nhóc”, nhưng nàng đã được cả tỉnh mặc nhiên công nhận là hoa khôi.
Lần đầu, cùng bầy “tiên nữ tí hon” Nhan, Huệ, Hương, Liên, Hoa v.v…nàng đến gặp tôi sau buổi trình diễn ở Miễu Quốc Công, lúc tôi đang đứng trước hàng “tướng sĩ” chụp ảnh lưu niệm. Trong lúc các bạn nàng gợi chuyện với tôi, nàng chỉ liếc nhìn tôi mỉm cười. Tôi để ý tới nàng ngay từ bữa đó. Trông nàng trội hẳn trên đám hoa biết nói cùng trang lứa. Và cung cách hành sử y như một công nương với đám tùy tùng.
Lần thứ hai, năm sau, nàng lân la làm quen với tôi, cũng sau buổi trình diễn văn nghệ ở rạp hát bóng Lạc Thanh, đường Võ Tánh, gần nhà tôi. Sau đó, chúng tôi gặp nhau thường hơn, nhưng cũng chỉ để cùng đạp xe vòng vòng mấy cây cầu bao quanh thành phố, như cầu Lộ, cầu Kinh Cụt, cầu Công-Xi Heo, cầu Lầu, cầu Thiềng Đức, cầu Cái Cá. Xa lắm là “cua” Long Hồ và cầu Ông Me (đường đi Trà Vinh), cùng đi với mấy cô bạn gái của nàng để thiên hạ khỏi dị nghị. Điểm khởi và trạm cuối thường là nhà Liên, em gái của Hưởng, đường Trương Minh Ký. Có khi là nhà Thu Hương, đường Phan Thanh Giản, gần tiệm bi-da Thiện Mỹ. Các cô “cáp”tôi với nàng. Dĩ nhiên làm gì tránh khỏi màn làm mai qua làm mai lại, muốn ăn gắp bỏ cho người v.v…Nhưng cuối cùng cặp Kiều Lệ-Lộc Nguyễn Trãi được coi như xứng đôi vừa lứa nhứt. Cho tới lúc Oanh đưa tin hẹn, tôi mới chắc chắn hoa khôi đã chọn tôi.

Sáng nay, tôi thức rất sớm. Nói là thức, chớ thiệt tình đêm qua, sau khi nhận “thông điệp” của người đẹp tôi có ngủ nghê gì đâu! Dợt đi dợt lại cả chục lần bộ tịch và lời tỏ tình với người hoa…tôi cất tiếng hát ca khúc “Viễn Du” của Phạm Duy (đã giúp tôi lọt vào mắt xanh của nàng) vang rền cả gác nhỏ mà ba má tôi dành riêng cho Kiệt -em tôi- và tôi làm phòng học, ngắm nghía “dung nhan” mình trước kiếng, chải thêm lần nữa (chắc cũng đến lần thứ mười mấy) mái tóc đã láng bóng vì bờ-ri-ăng-tin, o bế cái ổ gà trên đầu, sửa lại chiếc nơ pa-pi-ông đỏ chói, ép tóc hai bên cho thật tém vào ót, vuốt lại pờ-li quần cho thật bén, kéo áo sơ-mi cho phồng ra che phủ dây nịt, cúi nhìn đôi giầy béc-ca-na bóng như gương, mỉm cười hài lòng, rồi bước xuống cầu thang, băng ngang qua xưởng đóng bàn ghế của ba tôi, tay ôm gói quà định tặng cho nàng. Tội nghiệp thằng em tôi -nó vốn có hoa tay- phải mất trọn buổi chiều để vẽ cho tôi hai chữ L xoắn tít nhau. Và anh hai Te phải thức đến gần nửa đêm cưa, bào, đục, đẽo, chạm trổ trên mảnh cây cẩm lai loại quí nhứt (có vân trắng), biến hai chữ L thành hai con rồng trững giỡn trên mây…
Anh hai Te ngừng tay bào, nheo mắt chọc quê tôi:
-Dô cơ rồi hén!
Mấy chú thợ khác cũng dừng tay, trầm trồ khen tôi diện “kẽng” quá, Tôi đỏ mặt, bước nhanh về phía chiếc xe đạp dựng trước trại mộc, “dọt” gấp.

Qua khỏi Cây Da Cửa Hữu, đến trước Collège de Vĩnh Long, đường Nguyễn Thông, tôi thắng xe, đạp chậm lại, sợ hư mái tóc và đổ mồ hôi tiêu bộ đồ “vía”. Vả lại còn sớm quá, tới đứng xớ rớ cũng hơi ngượng. Từ nhà tôi đạp rề rề tới nhà Hưởng, con ông chủ hãng dầu thơm, đường Trương Minh Ký, mất chừng 20 phút. Bây giờ mới 10 giờ rưỡi. Tôi chạy thẳng tới nhà Thứ, cùng đường, định rủ Thứ đi chung. Nhưng Thứ đã ra chợ mua “ca-đô” cho bồ. Kẹt quá, tôi đành tiếp tục đạp xe tà tà đến điểm hẹn. Đối diện nhà Hưởng là khu Đất Thánh Tây, nghĩa trang của dân da trắng và dân địa phương có quyền uy trong tỉnh (Tương đương với nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi ở đô thành Sài Gòn). Dựng xe ngoài cổng, tôi thả bộ trên những lối đi trải sỏi phân chia các lô mộ, tìm một băng đá ngồi hướng nhìn về phía nhà Hưởng. Ngoài hàng rào tường vôi, một hàng xoài xum xuê bao quanh ngôi biệt thự đồ sộ nhưng rất xinh xắn.
Ba Hưởng tốt nghiệp cử nhơn lý hóa ở Pháp. Vì nhà quá giàu, ông không cần đi dạy học. Ông thích tự do, nên đã dành nhiều thời giờ gầy dựng và chăm sóc khu vườn có một không hai trong tỉnh, với hồ bán nguyệt, nhà thủy tạ, hòn non bộ v.v…cùng đầy đủ kỳ hoa dị thảo. Với chúng tôi, đó là “Vườn Địa Đàng”, rất thích hợp để hẹn hò với bè bạn ca hát, hòa tấu, ăn uống và tập dợt các tiết mục sẽ trình diễn trong các dịp lễ lạc.
Ngồi một lúc lâu, thấy khó chịu với cái nắng bắt đầu gay gắt, tôi dắt xe vào khu Vườn Địa Đàng. Chưa có bóng dáng bạn bè nào hết. Chào má Hưởng và Liên xong, tôi xin phép vào xa-lông ngồi chờ. Vói tay lấy cây ghi-ta, tôi dạo mấy bản nhạc tiền chiến cho đỡ sốt ruột, vừa đàn vừa ôn lại trong đầu những gì cần nói với nàng khi trao quà tặng.
Khoảng 11 giờ rưỡi, tôi nghe tiếng bánh xe nghiến trên lối đi chính trải sỏi dẫn tới Vườn Địa Đàng và tiếng cười nói của bạn bè gái trai. Nhưng tôi biết nàng chưa tới. Qua những lần chờ đợi nàng trong nhiều lần họp mặt trước tại đây, tôi in trong đầu âm thanh đặc biệt của tiếng bánh xe nàng rạch đường trên sỏi đá…Nửa giờ sau, tôi nhận ra âm thanh tuyệt diệu đó, nhưng hơi ngờ ngợ, vì hình như tiếng rào rào có vẻ lớn hơn mọi khi. Chắc xe chở đôi. Tôi dằn lòng ngồi nán lại, cố ý dành cho nàng một đôi phút ngơ ngác không thấy tôi. Quả nhiên. Nhưng người ngơ ngác không phải nàng, mà là… tôi! Qua cửa sổ phòng khách, tôi thấy nàng không có vẻ gì tìm tôi cả. Không phải tại Phương, bạn tôi, học ở Sài Gòn về ăn Tết chở nàng tới, vì chuyện đó vẫn thường xảy ra: chúng tôi ưa nhờ bạn đèo giùm bạn gái của mình cho đỡ mắc cở…
-Lộc đâu? Hưởng đón nàng, hỏi.
-Tôi hổng có quen Lộc nào hết! Nàng lớn tiếng đáp, nụ cười tắt liền trên môi.
Hưởng mỉm cười đáp lễ, nói Lộc tới trễ chút (Hưởng không biết tôi đang chờ ở xa-lông), có gì đâu mà giận dữ vậy. Nàng làm như tôi không có đó. Tôi lại nghĩ nàng còn giận lẫy…

Vào bàn tiệc, bày ra dưới một tàn cây rậm rạp, ai cũng có cặp, tôi đơn lẻ ngồi đối diện nàng. Thức ăn bắt đầu dọn ra. Tất cả cười nói vui vẻ; qua câu chuyện trao đổi, bạn bè nói xa nói gần, ám chỉ nàng và tôi: “Bao giờ vui nhỉ về ăn cưới?”.
Tự nãy giờ tôi chẳng dám hở môi. Hưởng vỗ vai tôi hỏi sao tôi không vui và không trò chuyện với nàng. Tôi chưa kịp phản ứng thì nàng đã đứng lên sừng sõ:
-Trong buổi tiệc tân niên nầy, tôi quen và thân với tất cả, trừ một người. Ai là người đó, nên biết thân, đừng có xía vô chuyện vui của người ta!
Mọi người hết sức ngạc nhiên; cả Phương cũng tỏ vẻ áy náy cho tôi. Mặt tôi chắc tái nhợt vì người tôi như đang lên cơn sốt rét. Tôi cảm thấy tay chân lạnh ngắt, miệng đắng, môi khô, nên nhắp một hớp xá xị cho đỡ khát. Ngụm nước ngọt chưa kịp xuống cổ họng, nàng đã chỉa tay vào mặt tôi, bắn phát ân huệ cuối cùng: “Gối rơm giữ phận gối rơm, Có đâu dưới thấp mà chồm lên cao!”
Mọi người sững sốt, kể cả Phương…Suốt kiếp, sẽ chẳng bao giờ tôi quên nổi đôi mắt sáng quắc của nàng, lúc bấy giờ như hai tia lửa phóng thẳng vào mặt tôi. Tôi rụng rời…Từ giây phút đó, tôi chỉ còn là cái xác không hồn, ngồi bất động trong bàn tiệc mừng xuân. Những món ăn hợp khẩu vị do Hưởng thúc ép rớt vào miệng tôi như rơi vào mồm một người máy. Tuy muốn bất tỉnh vì nhục nhã, tôi vẫn ghi nhận sự ân cần chăm sóc của nhóm bạn gái nàng, của Thứ và Hưởng. Thỉnh thoảng nàng liếc nhanh về phía tôi, đầy ác cảm, thái độ khinh khỉnh, hiu hiu tự đắc!
Lúc chia tay, nàng chào hỏi hết mọi người, trừ tôi. Cuối cùng chỉ còn mình tôi ngồi lại bàn tiệc với Hưởng và Thứ. Hai đứa tra hỏi tôi về thái độ hung hãn của nàng. Chúng nó nghĩ tôi có làm điều gì “sốc” nàng. Tôi lắc đầu ngao ngán, không thể hiểu vì sao bỗng dưng nàng đối xử với tôi tàn tệ như vậy. Thấy mình sắp bật khóc, tôi vội vã chia tay hai đứa bạn, cố gắng bình tĩnh cột gói quà “lưỡng long” sau “bọt-ba-ga”(porte-bagage), cắm đầu đạp xe thật nhanh ra khỏi Vườn Địa Đàng…
Ra đường, nước mắt ứa tràn ướt mặt, nhưng tôi vẫn cố nén tiếng khóc, lầm lũi nhắm hướng trại mộc đạp miết. Thấy tôi bước vào nhà, nước mắt ràn rụa, ba má tôi, thợ thuyền và chị tôi chẳng hiểu ất giáp gì hết. Tôi đi bóng láng bao nhiêu, về bèo nhèo bấy nhiêu. Ôm khư khư gói quà, tôi chạy một mạch lên cầu thang, khóa cửa phòng, úp mặt xuống giường khóc ngất…Tôi khóc như vậy rất lâu…
Cơn xúc động vừa lắng dịu thì cơn giận dữ lại kéo tới như giông bão. Tôi đập “lưỡng long” xuống sàn vỡ đôi, vớ tấm ảnh của nàng -mà tôi đã rọi cỡ carte postale và lộng kiến- chọi vào vách lầu. Kiếng bể nát. Tiện tay, tôi lột tấm ảnh xé tan tành cùng với lá “thông điệp”. Miểng kiếng ghim đầy tay, máu tôi loang lổ trên ảnh và thư của Lệ…
Đêm đó tôi chong đèn thức trắng đêm. Rất tế nhị, Kiệt bỏ xuống nhà dưới ngủ. Khởi đầu, tôi lấy colle forte -loại keo cực mạnh để dán cây- gắn lại hai chữ L. Kế đến, tôi dùng băng keo trong vá lại tấm ảnh và lá thư độc nhất của nàng. Các thứ nầy, từ nay trở đi tôi quyết định sẽ luôn luôn có dưới mắt mỗi khi tôi ngồi học. Chúng sẽ nhắc nhở tôi, như Câu Tiễn ngày xưa, phải nằm gai nếm mật để luôn nhớ niềm đau cùng cực bị hạ nhục trước bạn bè thân thương.
Tôi phác họa một chương trình làm việc có thứ tự, lớp lang, có giờ giấc qui định rõ rệt cho mọi sinh hoạt: Ngoài giờ đi học ở trường, một giờ tập thể dục ở sân vận động, trừ giờ ăn uống nghỉ ngơi, không có mục đi la cà, đi xi-nê, đi văn nghệ; dành một tháng -một tháng thôi- tập dợt văn nghệ phát thưởng. Còn lại bao nhiêu thời gian đều dồn hết cho việc học.

Sáng hôm sau, Chúa nhật, tôi ra tiệm hớt tóc Xóm Lò Tương, sau nhà tôi, cạo trọc đầu. Cho chẳng thể mang cái đầu nhẵn thín này đi “họp mặt” với ai nữa cả. Chị Trinh thương tình may cho tôi một các “kết” để chụp lên đầu mỗi khi ra đường. Và khi vào lớp học, tôi xin phép thầy cô cho tôi khỏi giở nón vì tôi bị chứng lạnh óc!
Tôi đổi lộ trình đến trường, tránh chạm mặt nàng. Và cửa sổ phòng tôi được đóng kín, cho khỏi thấy nàng qua lại trên đường Võ Tánh. Lúc đầu tôi chỉ chống cửa sổ lên về đêm, nhưng sau đó tôi phải sập cửa xuống vĩnh viễn: Sau hai tháng đi chơi với Phương, nàng bỏ học luôn. Và một đêm, nghe tiếng máy xe nổ hòa trộn với tiếng cười lanh lảnh, tôi hé cửa nhìn xuống đường, thấy nàng mặc đồ dạ vũ ngồi trên xe Jeep với đôi ba chàng sĩ quan “hai ba bệt vàng khè” trên cầu vai, trong số có Hoàng nổi bật nhứt. Cảnh tượng đau lòng nầy diễn ra liên tiếp nhiều đêm, khiến tôi phải dùng bông gòn nhét lỗ tai để có thể ngồi học được.

Ròng rã bốn tháng liền bầu bạn với đèn dầu và sách vở, tôi chỉ nhận tiếp Oanh trên gác nhỏ. Tội nghiệp em nàng, mỗi lần đến thăm đều mừng mừng tủi tủi, xót thương tôi đèn sầu lẻ bóng, không còn nụ cười hồn nhiên như xưa nữa. Oanh cho biết chị mình đã đi hoang và ba má nàng rất khổ tâm. Cả gia đình nàng đều thương mến và quí chuộng tôi. Oanh chuyển lời ba má nàng mời tôi thỉnh thoảng ghé lại ngôi biệt thự ven sông, gần cầu Cái Cá, đường Trần Công Lại, nơi trước đây tôi thường đến dạy nhạc và kèm bài vở cho Oanh. Tôi cảm ơn Oanh, nói: với cái “đầu trọc lóc bình vôi” thế nầy tôi còn vác mặt đi đâu được nữa. Chưa tròn tuổi mười hai mà trông Oanh đã có triển vọng trở thành một trang mỹ nữ tuyệt trần. Hoa cười ngọc thốt đoan trang, Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da. Tự nhiên tôi có cảm tưởng Oanh là Thúy Vân…

Mùa văn nghệ phát thưởng lại đến. Vì Thứ-Lê Lợi đã chuyển sang trường Nguyễn Đỉnh Chiểu Mỹ Tho nên Ba Tàu Tông được đôn quân lên thế. Tôi thủ vai Lê Lai liều mình cứu chúa. Lẽ ra Lê Lợi phải gây được xúc động (Tông chỉ thích hợp với vai tướng Tàu), nhưng trái lại chính Lê Lai đã khiến cho khán giả bùi ngùi chua xót. Riêng nữ khán giả học trò, trong số có Oanh, đoàn tiên nữ “tùy tùng” trước đây của Lệ và vài khuôn mặt kiều diễm mới bên trung học (Hảo-Huyền Trân Công Chúa, -Chế Võ, Yến-Trần Khắc Chung, Duyên-Chế Mân, Nga-cung phi…) thì lệ ứa đoanh tròng… Thầy tu xuống núi lần nầy toàn đóng những vai có chít khăn bịt tóc (Ngoài Oanh ra, không ai biết tôi trọc đầu!).
Khi tôi trút hết tâm hồn cất tiếng: “Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu? Nhìn sông sâu, giòng nước cuốn cho vơi cơn sầu…” trong nhạc cảnh Trầu Cau của Phan Huỳnh Điểu, tôi thoáng thấy Oanh gục khóc! Vết sướt trong tim do Lệ để lại trong tôi, thể hiện quá rõ! Nhưng nàng vẫn vô tâm biền biệt rong chơi chốn Sài Gòn hoa lệ…
Lần nầy, ngoài các phần thưởng về học lực, văn nghệ, tôi còn gặt hái thêm hai phần thưởng về hạnh kiểm và thể dục. Nhưng tôi hết còn thấy thích thú như năm vừa qua. Một người thiếu vắng cả trời quạnh hiu (Un seul être vous manque et tout est dépleuplé!)

Sau buổi trình diễn được coi là thành công lớn cho toàn tỉnh, thầy Tư Hón đề nghị tiếp tục chương trình lưu diễn gây Quỹ Văn Nghệ cho trường. Theo thứ tự sắp xếp sơ khởi, tôi sẽ thủ vai Trần Khắc Chung bên cạnh Hảo-Huyền Trân, trong kịch thơ Huyền Trân Công Chúa (Ôi châu Ô Lý bao nhiêu đất, Mà vỡ trong tôi một cõi lòng!) do Lê Thương soạn nhạc đệm. Thứ sẽ được yêu cầu tăng cường, cùng tôi trình diễn một nhạc cảnh do chính thầy Tư Hón biên soạn, với hai bản nhạc nồng cốt Khúc Hát Thương Binh của Hoàng Giác và Thu Chiến Trường của Phạm Duy. Yến sẽ cùng tôi xuất hiện trong nhạc cảnh Thiên Thai (Văn Cao) và Trăng Mờ Bên Suối (Lê Mộng Nguyên). Nhưng vì áp lực nặng nề của dư luận (thuở đó còn khắt khe), mục nam nữ đồng diễn bị bác bỏ.
Ba đêm văn nghệ liên tiếp khiến tôi mệt lử, ngất xỉu ở hậu trường, trên tay của Thứ và Yến. Trong cơn mê thiếp, tôi mơ tưởng Lệ đến bên tôi an ủi vỗ về…Lạ quá làm sao tôi cứ buồn, Làm sao tôi cứ khổ luôn luôn, Làm sao tôi cứ tương tư mãi, Người đã cùng tôi phụ rất tròn!

Để tưởng thưởng, trường gởi tôi đi tham dự trại hè toàn quốc, dành cho học sinh xuất sắc do các trường trung học tuyển chọn, tổ chức tại Nha Trang. Vé máy bay khứ hồi và mọi phí tổn ăn uống do hãng Hàng Không Cosara của ông Phạm Hòe đài thọ. Sóng nước của “miền quê hương cát trắng” và sinh hoạt vui nhộn của trại hè làm tôi nguôi ngoai phần nào niềm nhung nhớ nàng dai dẳng. Nhưng khi trở về Vĩnh Long, tôi lại giam hãm mình trong bốn bức tường của gác nhỏ, vùi đầu vào kinh sử. Năm tới là năm cuối ở Collège de Vĩnh Long, tôi phải cố gắng tối đa, cố gắng nhiều hơn nữa, chứng tỏ cho nàng thấy “gối rơm” cũng có thể “chồm lên cao” được lắm!

Lễ phát thưởng năm cuối của tôi ở trường đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan niệm tổ chức văn nghệ học sinh. Lần đầu, ở một tỉnh lẻ dư luận chấp nhận cho nam và nữ sinh diễn xuất chung trong một kịch bản: Yến thủ vai Liễu Nhi, hầu thiếp của một tướng Tàu, bên cạnh tôi trong vai Ngô Quyền sa cơ thất thế bị quân Tàu bắt giữ, được nàng âm mưu giải thoát. Hai mầm non văn nghệ Nguyệt VânNguyệt Ánh xuất hiện trong vai tì nữ cho Liễu Nhi. Hai mầm non nầy rất có triển vọng thay chân các bậc đàn chị mình sắp ra đi…Hồng Cúc từ Sài Gòn chuyển về học đệ tam niên vừa đẹp rạng rỡ vừa có tiếng ca ngọt lịm, giọng oanh vàng tương lai cho trường. Yến và Cúc đều có cảm tình đặc biệt với tôi và tôi rất quí mến hai nàng nhưng…hình ảnh Lệ trừng mắt quát tháo tôi lại hiện về “răn đe” tôi chớ nên hăm hở như dạo nào…

Mùa thi năm đó tỉnh Vĩnh Long gởi 50 học sinh qua Mỹ Tho dự thi kỳ đầu. Số học sinh còn lại “rét” quá, chờ chuẩn bị kỹ hơn để dự thi kỳ hai. Mười sáu nam nữ học sinh của trường thi đậu, toàn những khuôn mặt quen thuộc trên sân khấu học đường, trên sân vận động tỉnh lỵ . Phụ huynh học sinh bắt đầu xét lại quan niệm cho rằng ca hát, tập thể dục gây trở ngại cho việc dồi mài kinh sử. Thầy Tư Hón vừa là ông bầu vừa là huấn luyện viên thể dục, càng lúc càng được Ban Giám Đốc, giáo chức, phụ huynh và chính quyền địa phương nể vì, trọng vọng. Riêng đám học sinh chúng tôi, ngay từ đầu đã nhận biết ngay giá trị ưu việt của thầy trong công cuộc đào luyện một lớp trẻ thực sự được giáo dục toàn diện…

Giọng truyền cảm của cô Sương đọc tưởng thưởng lục vang vang qua máy vi âm: “…Phần thưởng Danh Dự toàn trường, do Đức Quốc Trưởng Bảo Đại và phu nhơn ban tặng cho trò…,học sinh lớp đệ tứ niên A, đứng đầu danh sách các tân khoa của trường trong kỳ thi lấy bằng Thành Chung, khóa thứ nhứt, năm…,hạng nhứt về…, hạng nhứt về…12 lần được xướng danh…” khiến tôi lặng người sung sướng đứng chờ trên sân khấu, với trang phục Ngô Quyền nhưng…Hỡi ôi! Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu, Mà người gieo thảm như hầu không hay!
Tiếp đến là phần thưởng Danh Dự văn nghệ toàn tỉnh, do anh Lợi, người anh thứ ba của tôi, Trưởng Ban nhạc Ly Tao -một ban nhạc thường xuyên yểm trợ cho các buổi văn nghệ học sinh- trao tặng cho tôi (phần thưởng là cây đàn banjo), theo lời yêu cầu đặc biệt của Ban Tổ Chức, làm tôi xúc động đứng chết trân vì bất ngờ, đến nỗi thầy Tư Hón và cô Sương phải “nhắc tuồng” đôi ba lần tôi mới nhớ cúi đầu chào quan khách và khán giả, để màn có thể hạ!..Bản đơn ca Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn-Từ Linh đem tôi đến gần hơn nữa những trái tim non trẻ, nhạy cảm, thơ ngây, nhưng tôi giờ đã như chim bị tên thấy ná. Gối rơm…

Tôi chờ hơn ba tháng sau (cho tóc có thì giờ mọc đủ) mới nhận lời mời họp mặt bạn bè ở Vườn Địa Đàng. Cũng những khuôn mặt cũ. Chỉ thiếu Nàng và Phương. Hưởng đãi mấy ông tân “đíp-lôm”. Giữa tiệc, có người nhắc tên nàng. Hết sức thành khẩn, tôi nhờ mọi người chuyển lời tri ơn sâu đậm của tôi đến nàng. Chính nhờ nàng tôi mới có được ngày hôm nay, xuống núi trở lại và có thể ngước mắt nhìn đời. “Gối rơm” là liều thuốc tiên nàng đã ban phát cho tôi.
Oanh rơm rớm nước mắt nhìn tôi và kỷ niệm cuối tôi mang đi từ Vĩnh Long là nụ cười hiền hòa, rạt rào thương cảm cùng ánh mắt ngưỡng mộ chân tình của… Oanh-Thúy Vân!

Năm năm sau, tôi trở lại gác nhỏ thu dọn các thứ cần thiết, chuẩn bị lên Đà Lạt (Giữa niên học, ban Triết trường Đại học Sư phạm Sài Gòn được chuyển lên Đà Lạt). Nhiều bóng dáng yêu kiều khác đã bước vào đời tôi khi tôi rời Vĩnh Long sang Mỹ Tho, qua Cần Thơ, rồi lên Sài Gòn. Nhưng khi nhìn thấy “lưỡng long” chắp vá, di ảnh tơi tả và lá thư tan nát còn nằm yên trên bàn học, dưới một lớp bụi mờ nhẹ phủ tôi không thể quên…
Trời chạng vạng tối. Tôi chống cửa sổ lên cho thoáng khí, bước xuống thang lầu ra phía trước trại mộc ngồi hóng mát, mình trần, mặc quần đùi. Thình lình, trong bóng tối nhá nhem tôi thoáng thấy một tà áo dài đỏ tươi từ bên kia đường thướt tha bước về phía tôi…Tôi bủn rủn tay chân, tháo chạy vào trong nhà. Nhưng tà áo đỏ đã sấn tới nắm tay tôi, giữ lại:
-Anh Lộc! Lệ muốn nói chuyện với anh.
Nàng! Đúng là Nàng đang thỏ thẻ nói và ánh mắt sao như quá dịu dàng! Tôi muốn rút tay lại, nhưng chợt thấy ánh mắt nàng như van lơn tôi bối rối không biết nói gì, làm gì nữa! Tôi như loã thể trước công nương. Đứng đây nghe hay mời nàng vào nhà? Bảy năm rồi gác nhỏ thiếu vắng tiếng cười, sách vở thiếu bàn tay mơn trớn của nàng. Biết nàng có chịu vào nhà không? Trong nhà lại tối thui. Tình cờ hôm nay chỉ có mình tôi ở nhà. Như linh cảm sự ngại ngần của tôi, nàng kéo tay tôi bước hẳn vào bên trong và chúng tôi sờ soạng dắt nhau đi trong bóng tối, cố tránh đụng bàn ghế, giường tủ ngổn ngang trong xưởng mộc.
Tới cầu thang, tôi đỡ tay cho nàng bước lên, quờ quạng đưa nàng tới bàn học, xin lỗi để nàng ngồi một mình trong bóng đêm, chờ tôi xuống nhà dưới tìm ánh sáng. Tôi lần mò xuống bếp tìm hộp quẹt cây, quơ đại bộ đồ của Kiệt vứt trong đóng đồ chờ giặt mặc vội vào…
Khi trở lên, bật diêm đốt cây đèn dầu, tôi đứng chết lặng giây lâu trước một hình ảnh “siêu thoát”: Thiếu nữ mặt trắng, môi son, mày ngài, mắt phượng nổi bật trên màu áo đỏ, như bức vẽ truyền thần…Tự nhiên tôi cảm thấy quên hết hậm hực, nhục nhằn, ưu phiền. Quên hết. Tôi chờ thiếu nữ bước ra từ trong tranh như Liêu Trai! Mắt tôi đổ đom đóm, khi thấy nàng sống động, lúc thấy nàng như bức tranh lung linh theo làn gió từ cửa sổ hắt vào…
-Anh không nhìn ra Lệ sao? Bộ Lệ thay đổi nhiểu lắm hả anh?
-Lệ chỉ thay đổi nhiều về dáng dấp, nhưng nét sắc sảo vẫn như xưa, có phần đậm đà hơn. Bảy năm rồi không gặp Lệ, tôi thấy Lệ không thêm được tuổi nào…
Nàng hỏi tôi về những kỷ vật tan tác, nằm trơ trên bàn học. Tôi trả lời tôi không đành đoạn vứt bỏ chúng. Tôi xin nàng cho tôi giữ lại tấm ảnh với lá thư và xin nàng nhận món quà chưa kịp trao năm xưa. Nàng cúi mặt thở dài, cho biết có nghe Oanh kể lại. Nàng rất xót xa, hối tiếc.
-Hôm nay Lệ đến đây để xin tạ tội cùng anh…
-Tôi nghĩ Lệ nên quên đi chuyện cũ. Thuở ấy chúng ta còn quá non dại. Vả lại, thú thật với Lệ tôi nhận thấy tôi phải cảm ơn Lệ mới đúng. Không có Lệ, tôi không có được ngày hôm nay.
-Anh còn hận Lệ lắm phải không? Sao anh ăn nói mắc mỏ với Lệ dữ vậy? Lệ hiện giờ chẳng còn đứa bạn nào nữa ở Vĩnh Long, sau lần hạ nhục anh.
-Lệ không tin tôi nói thật sao? Tôi không phủ nhận đã hết sức đau đớn đên nỗi muốn tự tử. Và đã có lúc muốn đón đường giết Lệ nữa đó! Nhưng sau một thời gian, tôi nghĩ là Lệ quả có công đầu trong việc thành nhân của tôi. Quan trọng hơn hết là tôi vẫn còn yêu Lệ. Nếu Lệ thuận tình, tôi sẽ thưa lại với ba má tôi xin cầu hôn…
-Thôi anh. Bây giờ đã quá trễ.
-Lệ đã có người yêu? Lệ sắp lấy chồng?
-Không. Không đâu. Có thể anh khó tin, nhưng từ lúc quen anh tới nay, đã có rất nhiều người con trai đi với Lệ một quãng đường chung. Nhưng Lệ chưa hề yêu ai hết. Cũng rất nhiều người ngỏ ý cưới Lệ nhưng Lệ vẫn một mực khước từ.
-Vậy thì có gì trở ngại nếu tôi tiến thêm bước nữa?
-Anh không chịu nhận giờ đây Lệ đã khác, anh đã khác xưa nhiều lắm rồi sao? Lệ chỉ mong được anh tha thứ và coi Lệ như em gái hoặc như một người bạn.
-Lệ nghĩ tôi hẹp hòi, cố chấp chăng? Lệ không ghi nhận hiện giờ trong tôi chỉ có tình yêu Lệ thôi sao?
-Lộc cao cả quá!
Những giọt nước mắt ứa trào theo câu nói xuất phát từ nơi thâm sâu nhất của con tim Lệ thực sự hồi sinh rung cảm xót thương đã mê thiếp từ lâu trong tôi. Nhẹ nâng cây ghi-ta rũ bụi mờ, tôi dạo một đoạn nhạc đưa đường, dẫn lối, khẽ hát: Ngày nào một giấc mơ /đâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ /khi ánh trăng thành thơ nhẹ gió đưa /theo tiếng đàn thuyền mơ tìm bến xưa…
Rồi hết sức cẩn trọng, tôi nhẹ nâng cằm nàng lau nước mắt, vỗ về:
-Đừng khóc nữa Lệ. Tôi lúc nào cũng yêu Lệ, dù chúng ta có hay không có duyên chung sống. Tôi có món quà nầy cho Lệ. Và lần nầy xin Lệ dứt khoát tin tưởng có góp phần lớn lao tạo dựng nó…
Tôi trải tờ điện tín -do Kiệt đánh đi từ Sài Gòn, trước đây mấy tháng, xuống nhiệm sở của tôi, trường Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc- trước mắt Lệ: “Lộc đậu hạng nhứt vào Đại học Sư phạm…”
Lệ xúc động, trang trọng nâng tờ điện tín lên môi đặt một chiếc hôn nồng nàn...
-12 giờ trưa mai, Lệ mời anh tới nhà. Lệ có chuyện rất quan trọng muốn nói. Và sự có mặt của anh tối cần. Lệ chờ. Đừng quên nghe anh!

Lúc tôi đến, mâm cỗ đã dọn sẵn, nhưng chỉ có Lệ đón tôi ở phòng khách. Cả nhà đang lu bu sau bếp, kể cả ba má Lệ và Oanh. Ai nấy đều có vẻ nôn nóng, sốt ruột, trừ Lệ. Tôi hơi lạ. Đúng hơn, từ lâu tôi không quen nhìn Lệ không trang điểm rất kỹ, tóc tai không chải gỡ đúng thời trang. Tôi cảm thấy hình như Lệ vừa qua một cuộc tranh cãi gay gắt với người thân thuộc. Lệ mỉm cười nhưng không che giấu được sự mệt mỏi hiện rõ trên đôi môi nhợt nhạt, trên đôi mắt thất thần.
Lệ cùng tôi ôn lại kỷ niệm lúc hai đứa mới quen nhau, những lần cùng bầy tiên nữ tí hon đạp xe khắp các cầu bao bọc tỉnh lỵ Vĩnh Long, thành-phố-cù-lao. Lệ tỏ ý muốn tiễn tôi đi Đà Lạt để chứng minh Lệ thực sự tin tôi đã quên chuyện cũ nhục nhằn năm xưa. Tôi định hỏi Lệ vì sao hôm nay trong nhà có vẻ lăng xăng vậy thì… đột nhiên có tiếng kèn xe hơi nổi lên inh ỏi từ phía bên kia cầu Cái Cá.
-Nhà Lệ hôm nay có khách, phải không? Tôi xin rút lui nghe.
Tôi dợm đứng lên thì từ bên ghế đối diện Lệ hốt hoảng chạy sang quì bên ghế tôi, giữ tay tôi lại, nói qua hơi thở dồn dập :
-Không! Không! Anh phải ở lại! Anh bỏ đi là chết Lệ! Hôm nay gia đình Hoàng đến xin hỏi cưới Lệ.
Tôi không thể không động tâm, thương xót, nhưng cố gắng bình tĩnh đáp:
-Thêm một lý do vững chắc nữa để tôi biến nhanh đi, càng sớm càng tốt!
Lệ lính quýnh dùng hai bàn tay ấn chặt cánh tay tôi xuống thành ghế, nghẹn ngào lặp lại:
-Không! Không! Anh phải ở lại! Anh bỏ đi là chết Lệ!..
-Tại sao? Tôi gay gắt hỏi.
-Ba má hết lời thuyết phục Lệ sốt đêm qua và nguyên buổi sáng nay. Nhưng Lệ cương quyết cự tuyệt. Lệ không muốn…
Cố gắng đè nén cơn xúc động sắp bùng nổ, nhằm tạo cho mình một bộ mặt đanh đá, tôi trừng nhìn Lệ, cố hết sức bình sinh giữ giọng điệu lạnh lùng, ngắt lời nàng:
-Lệ nghe tôi nói đây. Năm xưa, đã một lần Lệ bốc đồng xô ngã tôi không thương tiếc. Mãi đến đêm qua tôi mới ra khỏi cơn nhức nhối trầm kha. Bây giờ Lệ lại định bốc đồng làm theo sở thích mình một lần nữa chăng? Lệ hãy một lần -một lần thôi- nghĩ tới kẻ khác! Hãy một lần -một lần thôi- nghĩ tới chuyện xoa dịu nỗi thống khổ của ba má bấy lâu nay…Nếu Lệ còn quí trọng tôi, Lệ nên nghe lời cha mẹ lần nầy. Và nên giữ lại con ngựa cuối đã kiên nhẫn vượt qua đoạn đường cam go để lết tới dưới chân Lệ. Vĩnh biệt Lệ!
Chậm rãi gỡ hai bàn tay nàng đang bám víu cánh tay tôi, tôi đứng lên bước nhanh về phía cửa sau nhà. Nàng lướt theo nắm tay tôi lại, nhưng tôi vượt thoát khỏi đôi tay cuống quít của nàng, chạy ra chiếc Vespa, nổ máy phóng đi như gió. Cùng lúc, chiếc xe cầu hôn cũng vừa xịch đỗ trước nhà nàng…

Thôn trang Đổ-lá-đầy-ấp-mơ, mùa lá rụng
-Lê Tấn Lộc-

No comments: